image advertisement
image advertisement





























 

Về bài thơ "Con chào mào" - Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Hiền Trang, Liêu Thái

Về bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn

 

 

Nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy

 

 

Nhà văn Nguyễn Hoàng Diệu Thủy:

 

Mấy năm trước khi tuyển chọn để in một tập thơ nhỏ xinh của Mai Văn Phấn, lấy tên "Lặng yên cho nước chảy", tôi có chọn bài thơ "Con chào mào" để đưa vào. Với tôi đấy là một bài thơ hay, diễn ta một cảm giác tha thiết với tiếng chim, cao hơn là với tự nhiên, với cái đẹp. Và khi tha thiết như thế, "tôi" trong bài thơ tái hiện được tiếng chim và hình ảnh con chim trong đầu mình, từ đó có được cảm giác hạnh phúc, trọn vẹn, đủ đầy.

 

Một bài thơ gợi cảm giác trong sáng, thanh sạch, được vào sách giáo khoa Ngữ văn 6, không ngờ mấy ngày gần đây lại bị đưa lên mạng chê bai. Mà chủ yếu chê là sao tiếng chim nó lại kêu "triu uýt" đọc trẹo cả mồm, nó phải kêu líu lo chứ. Câu cú thì lủng củng dài ngắn lẫn lộn, lại chẳng có vần... Và rồi tóm lại bài thơ định nói cái gì, tính giáo dục ở đâu, soạn sách giáo khoa như thế thì chết các cháu à...

 

Sẽ rất khó để nói chuyện với những người quan niệm thơ nhất định phải có vần, câu cú nhất định phải bằng nhau, từ và nghĩa nhất định phải hai năm rõ mười, kiểu "Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương", chứ đừng có "tôi vẽ rau muống bằng ý nghĩ" khó hiểu rách việc...

 

Một số người thì không chê bài thơ, nhưng nói là nó hơi "trừu tượng", khó dạy cho học sinh lớp 6. Tôi không nghĩ thế. Bài thơ này khá rõ ràng, chỉ cần một chút tưởng tượng. Lớp 6 học sinh đã học đại số, hình học, cấp độ cao hơn của tư duy trừu tượng, vì vậy bài thơ kia cũng là vừa vừa phai phải. Trí tưởng tượng của trẻ con phong phú và thơ mộng hơn đám người lớn khô cằn chúng ta rất nhiều.

 

 

 

Nhà văn Hiền Trang

 

 

Nhà văn Hiền Trang:

 

Louise Glück mất hôm nay và tôi lại nhớ về tiểu luận của bà, nơi bà nói mình thuộc về “một thế hệ nghi ngờ tính trữ tình, sự ngắn gọn, sự lường gạt của thời gian ngưng đọng. Và thiếu kiên nhẫn với cái đẹp”.

 

Tự nhiên có chuyện bài thơ "Con chào mào" của Mai Văn Phấn, một bài thơ rất hay rất đẹp và rất nhiều khoảng lặng, bị đem ra mổ xẻ, đánh đập trong một cuộc trút giận tập thể vào sách giáo khoa văn, có lẽ vì trút giận với văn chương, lại còn thơ ca nữa chứ, là cách trút giận dễ nhất. Và Louise Glück mất đúng hôm nay, và những gì bà viết lại vang vọng với tôi. Thế hệ chúng ta thật thiếu kiên nhẫn với cái đẹp.

 

Cũng buồn nhưng cũng nghĩ chính Glück đã nói "nhà thơ" là một danh xưng cần “cẩn trọng”. Sau rốt, đó là “một khao khát, không phải một nghề nghiệp. Hay nói cách khác: không phải một danh từ cho tấm hộ chiếu”. Trước đây thì tôi hiểu mang máng, bây giờ hình như đã hiểu rồi.

 

 

 

Nhà thơ Liêu Thái

 

 

Nhà thơ Liêu Thái:

 

Nói về thơ thì thiên hình vạn trạng, thơ đưa vào sách giáo khoa thì cần chuẩn mực giáo khoa. Mà đâu là chuẩn mực giáo khoa?

 

Chắc chắn không phải là tính tuyên truyền rồi, bởi những bài thơ mang màu sắc tuyên truyền không thể gọi là thơ.

 

Chí ít, một bài thơ khi đọc lên, cả thầy và trò đều có thể đặt ra nhiều câu hỏi về mỹ học, nhân văn, ngôn từ, cấu trúc, cấu tứ... của bài thơ, và sâu xa hơn là đặt những câu hỏi về tư tưởng, thời đại, tính xã hội, lịch sử của nó.

 

Thậm chí, người ta còn có thể mở rộng ra về địa chính trị, địa kinh tế, tài nguyên môi trường, dân tộc tính... trong thơ. Đương nhiên chuyện này quá dài dòng. Nhưng, một bài thơ đủ tư cách bước vào sách giáo khoa thì ít nhất phải đáp ứng được các tiêu chuẩn trên.

 

"Con chào mào" là một trong những bài thơ có thể đáp ứng tốt các tiêu chuẩn trên. Và đây là bài thơ hay, đáng để đọc và học, mổ xẻ về nó.

 

 

 

(Nguồn: Facebook của Nguyễn Hoàng Diệu Thủy, Hiền Trang, Liêu Thái)

 

 

 

 

Tranh của Natalya Evtekhova

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị