Thức dậy trên đất lạ
(Đọc tập thơ "sương" của Lương Kim Phương,
Nxb. Hội Nhà văn VN, 2022)
Mai Văn Phấn
Tựa như đêm thẫm vừa tàn, mộng mị cũng tan. Ban mai
trong suốt, tinh khôi đang đến, giăng mắc từ nhiều không gian, từ đa tầng cảm
xúc và tưởng tượng. Không gian ấy đan cài và soi chiếu sang nhau, cho ta cảm
nhận một đời sống mới lạ, trẻ trung đang trỗi dậy, về một thế giới quen mà lạ,
thậm chí rất lạ. Điều mới lạ ấy phải chăng đến từ sự khai mở của sáng tạo, rồi
mê hoặc dẫn ta đi bằng bàn tay ấm áp, dịu dàng; bằng cả những hình ảnh đẹp đến
ngỡ ngàng như có phép lạ. Phải chăng, "Những giọt ban mai trên cánh
mỏng" kia đang lay động tâm hồn, rồi lan tỏa khắp không gian rộng
lớn... Đó là cảm nhận ban đầu của tôi khi đọc tập thơ "sương*" của
Lương Kim Phương.
"chỉ vẳng một hồ nước trong
vắt dưới chân núi
nụ hôn cuối
trên gương mặt đẫm sương
đêm".
Khổ thơ trên nằm
trong bài "Đọc sách của người cũ" mở đầu tập thơ "sương".
Bài thơ mang phong cách đặc trưng của thơ Lương Kim Phương. Ở đây, tác giả chủ
ý đặt các thi ảnh cách xa người đọc một khoảng nhất định. Khoảng cách
ấy đủ cho ta nhìn rõ và chiêm ngưỡng ánh xạ từ những hình ảnh lung linh, mờ
nhòe. Hồ nước hiện ra "dưới chân núi" vừa thực vừa ảo, yên định và vô
định. Nhà thơ nghe "vẳng", hay chỉ cảm thấy văng vẳng một hồ nước xao
động không rõ bóng hình. Nhưng cái "trong vắt" của hồ nước đã soi
sáng cho "nụ hôn cuối" và "gương mặt đẫm sương đêm" vừa
thoáng qua. Sự tinh tế trong khổ thơ trên không chỉ được biểu đạt bằng ngôn ngữ
thơ, mà cho thấy, tác giả đã chủ ý tạo dựng một không gian rộng, huyền hoặc;
đem đến cho người đọc những liên tưởng sống động và tràn đầy cảm xúc về một
khoảnh khắc tự tình đằm thắm, đáng yêu. Vẫn trong bài thơ "Đọc sách của người cũ", nhà thơ thêm một lần khẳng
định khoảng cách mà mình thường ước định trong câu thơ kết của chị:
"cố nhìn chỉ thấy
một đám mây bọc khung cửa".
Cách tạo khoảng cách vừa đủ giữa người đọc và các
thi ảnh được Lương Kim Phương sử dụng trong khá nhiều bài thơ ở thi tập này.
Khoảng cách ấy được chị đặt bầy trong một không gian ước định để nó có thể soi
chiếu sang không gian khác, hoặc những thi ảnh khác:
"những ngọn nến đã thôi chập
chờn trên bóng K
khe khẽ chút
hình như cụm hoa chuông ngoài
vườn
vừa thức giấc". (K và những
dạ khúc)
Trong khổ thơ trên ta thấy, từ ngọn nến đến bóng K
là khoảng cách cần thiết để tạo nên sự "chập chờn". Và chính sự
"chập chờn" ấy mới đủ "năng lượng" soi tỏ một hình ảnh cách
đó khá xa - "cụm hoa chuông ngoài vườn". Lối sắp đặt "khoảng
cách" này chính là một thủ pháp để Lương Kim Phương bất ngờ thay đổi không
gian, mở những liên tưởng mới lạ cho người đọc.
Bằng lối kiến tạo không gian khá đặc trưng, Lương
Kim Phương đã khiến nhiều câu thơ, bài thơ của mình trở nên tỏ mờ, dụ hoặc. Chị
thường dùng những hình ảnh xa nhau về liên tưởng, đặt chúng cạnh nhau và tạo ra
giữa chúng một manh mối, liên kết.
"chiếc cốc môi thần kì
chạm đến đâu cũng thành khúc nhạc
muôn nụ hoa bừng nở
rót anh vào vườn em." (Ngày anh xa)
"Chiếc cốc môi" xuất hiện trong khổ thơ để
dẫn tới hành động "rót anh vào vườn em" thực sự đã gây bất ngờ cho
người đọc. Nó mở ra một không gian tình ái đắm say, tuyệt đẹp mà không cần mô
tả gì thêm.
Cùng với thủ pháp kiến tạo không gian, Lương Kim
Phương thường dùng những thi ảnh quen thuộc nhưng đem đến sự ngạc nhiên, đầy
thú vị.
"anh bẻ một cọng sen
những sợi tơ sen níu vào anh
đan chặt ý nghĩ
Khế ước giữa chúng ta được dệt từ
tơ sen
làm sao có thể dứt
về thôi
chợ hoa tan sương rồi". (Nhật kí
người mơ hoa)
Đoạn thơ trên gợi cho ta nhớ tới những trò chơi dân
gian của trẻ em Việt Nam như, chơi trốn tìm, oẳn tù tì, chi chi chành chành...
Từ "cọng sen" được đôi trai gái bẻ ra nhìn thấy "những sợi tơ
sen" líu díu tựa một cuộc vui chơi. Đôi trai gái ấy đã ví những sợi tơ
dính níu vào nhau tựa những sợi tơ tình, tựa lưới nhện giăng mắc... Từ những
sợi tơ ấy họ ước định về cuộc tình và hạnh phúc dài lâu của mình. Hình ảnh
"chợ hoa tan sương" vụt hiện cuối bài thơ, theo tôi, tác giả đã dấn
bước sang một không gian khác có phần mạo hiểm, nhưng chị đã thành công. Hình
ảnh này xuất hiện khiến cho những điều nhỏ bé, bình dị thành cao cả, lung linh.
"Chợ hoa tan sương" là mở đầu một đời sống khác của đôi trai gái và
của bất kỳ ai đọc bài thơ này, như đã cùng tham gia vào "cuộc chơi"
cùng họ. Đời sống khác ấy chuyển động về hướng nào, tích cực hay tiêu cực, có
lẽ tùy thuộc vào cảm nhận, quá trình đồng sáng tạo của mỗi người đọc.
Lương Kim Phương có giọng điệu thơ tình riêng biệt,
khá thi vị và cuốn hút. Tình yêu nam nữ trong thơ chị thường nương theo chuyển
động của thiên nhiên và biểu đạt tinh tế, kín đáo theo văn hóa phương Đông.
Trong thơ chị, sự mạnh mẽ, dữ dội thường nằm trong tĩnh lặng; Tính tương phản, va đập đôi khi
được thể hiện bằng cảm xúc thơ mộng, trữ tình.
"Ngậm những giọt trong veo
từ ngực đá trầm uất
còn in dấu môi nồng…". (Thạch nhũ)
"Sương" tựa một cuộc rong chơi của Lương
Kim Phương. Tính phiêu lãng, tiêu dao đôi khi được thể hiện ngay trong một số
câu thơ. Trong bài thơ "Ngày rất lạ" chị đã nhắc tới "những lời
nhọn sắc" nhưng viết lại nhẹ nhõm, thênh thang tựa một kiếp rong chơi giữa
chốn nhân gian.
"lại thấy thêm con mắt dưới
gan bàn chân
mỗi bước đi lại thêm phần dè dặt
nhắc bước qua những lời nhọn sắc
khéo dẫm vào nỗi buồn của
người". (Ngày rất lạ)
Những bước phiêu du của nữ sĩ trong khổ thơ trên và
trong nhiều bài thơ của chị làm tôi nhớ đến "Những giọt ban mai trên
cánh mỏng" đã dẫn từ đầu bài viết. Có thể nói, mọi bước chân của Lương
Kim Phương trong tập thơ này đều xuất phát từ cõi thực để bước qua cõi mộng.
Thơ ca với chị, phải chăng để hàn gắn những vết thương trong tâm hồn, để gắn
kết con người với con người, con người với thiên nhiên trong thế giới hiện đại.
Phủ tràn cả thi tập là tiếng thơ huyền hoặc, có lúc
là giọng hát thầm thì văng vẳng:
"bên vạt hoa ngũ sắc
em xen vào với đêm". (Thác)
Hay,
"giấc mơ em không muốn tỉnh
sợ không có anh ở bên". (Ảo mộng)
Giọng hát đó như một "sức mạnh mềm" để đẩy
lui cái xấu xa, cái ác:
"có thể bầy sói xé nát em
cũng đừng bắt em ra khỏi giấc
mơ". (Ảo mộng)
Giấc mơ ấy không nằm trong miên mộng mà hiển hiện
sống động trong những buổi sớm mai trong suốt:
"vụt qua bầy chim
giữa rừng buồn nhạt" (Trôi trong
đêm rừng),
"chùm
hoa ngâu vẫn ngủ" (Gương mặt),
với
"những giọt mưa mát lành
vừa thức dậy" (Trôi trong
đêm rừng);
với
"Gió phủ đầy ang nước
từng đốm hoa li ti
xoay xoay theo những vòng tròn loang nhẹ" (Khi vòm xoan
đã tím),
hay
"cụm
hoa đuôi chó ngoe nguẩy" (Thạch nhũ)
Nhiều bài thơ của Lương Kim Phương không trực tiếp
nhắc tới ban mai, nhưng ánh sáng tinh khôi của ngày mới tràn trề trong những
mạch thơ của chị. Trong những bài thơ nói về thiên nhiên, nhà thơ luôn có tâm
thế hòa nhập, đồng hóa mình với cỏ cây, sông suối, chim muông... Cách viết này
khác biệt với phần lớn các tác giả khác thuộc thế hệ trước chị; Họ thường quan
sát và biểu đạt thiên nhiên bằng ngôi thứ ba. Trong khổ thơ sau, Lương Kim
Phương đã cất lời của cây mâm xôi nói về hạnh phúc được đơm hoa kết trái và
luôn hướng về nguồn cội của nó:
"Tôi là một cây mâm xôi ở
chốn này
giờ đơm chùm quả đỏ lựng
vẫn nhớ cội rễ mình trên núi cao
có bầy ong đến châm
cũng dặn nhỏ hãy mang mật tôi về
núi." (Trong khu vườn thư viện cổ)
Ban
mai của Lương Kim Phương điểm xuyết khá nhiều sương và thường được biểu đạt ở
trạng thái trong suốt, mát lành, thanh tịnh. Đó là những "gương mặt đẫm
sương đêm", "sương mờ quấn phủ", "bay cùng sương",
"mộng mị sương thu", "nụ hôn đẫm sương đêm", "lãng đãng
mù sương", "hơi sương tỏa ra từ hồn hoang",... Giọt sương luôn
được coi là biểu tượng của sự tinh khiết, gắn liền với ngày mới, với tuổi trẻ
và hy vọng. Trong một số tôn giáo, giọt sương tượng trưng cho sự tái sinh tâm
linh và giác ngộ. Trong Kitô giáo, giọt sương là món quà của Chúa Thánh Thần để
cứu rỗi, khơi dậy "những linh hồn héo khô", mang lại cho họ sự tái
sinh.
Nương
theo những giọt sương, tôi như vừa thức dậy trên miền đất lạ tinh khôi sau đêm
dài mụ mị. Đêm dài ấy, với tôi, có thể ví như phải sống quá lâu với những điều
nhàn nhạt, đọc quá nhiều những tập thơ nhàn nhạt, cũ kỹ, quen thuộc về thi
pháp. Tập thơ của Lương Kim Phương đã mang đến cho tôi cách nhìn mới về thế
giới quanh mình, luôn tươi non, tràn đầy sức sống mới. Với tôi, đó là ban mai
trong lành, chan chứa tình yêu con người và thiên nhiên, tràn đầy niềm khát
khao, hy vọng...
"Sương" là tập thơ đầu tay của một cây bút
phê bình văn học đã có thành tựu. Như tôi đã nói đôi lần, tập thơ đầu tay của
một nhà thơ thường tiên báo khả năng và những hướng đi sau này của tác giả đó.
Đây là khởi đầu tốt đẹp của tác giả Lương Kim Phương. Tập thơ đã sớm hình thành
phong cách cũng như giọng điệu riêng. Tác giả đã tạo được lối kết cấu không
gian thơ với nhiều tầng bậc, có thể soi chiếu, hắt sáng cho nhau; đồng thời,
bằng ngôn ngữ biểu đạt tự nhiên mà hiện đại, sâu lắng nhưng tạo được hấp lực
mạnh mẽ cho người đọc. "Sương" đã khai mở con đường thơ của Lương Kim
Phương, chắc chắn thơ chị sẽ vạm vỡ hơn và đa giọng điệu hơn. Tôi trông đợi được đọc những thi tập
mới của chị với những bất ngờ và cảm xúc mới lạ.
Hải Phòng, 9/2022
M.V.P
____________
*
Tác giả Lương Kim Phương
không viết hoa tiêu đề tập thơ.