Hạnh phúc nào bằng chúng ta bên nhau (bình thơ) - Nguyễn Thanh Tâm
Hạnh
phúc nào bằng chúng ta bên nhau
TS
Nguyễn Thanh Tâm
Nguyễn
Thanh Tâm
EM CHO CON BÚ
Chiều nay em cho con bú. Ngoài kia từng chân
kiến đang đi, từng cánh ong vẫn còn đang vỗ. Nơi anh về trú ngụ là ô
trời xanh trong mắt em cười. Hạnh phúc nào bằng ta bên nhau thảnh thơi,
như được xoải mình nơi chân đê cát mịn. Anh hôn lên ngực em căng đầy thơm
mát, chiều ngọt ngào cánh cò cánh vạc, qua môi anh khẽ đậu xuống hồn.
Căn phòng mình chẳng còn những bức tường bao quanh và không gian thành
thời gian thánh thiện, khi anh mải mê nhìn vầng ngực em dâng đầy như biển,
cứ thu mình tìm vào miệng con be bé xinh xinh...
Nghe đâu đây có tiếng thạch sùng điểm nhịp,
hay những giọt nước xa xưa đang rơi vào vại nước nhà mình.
M.V.P
(Rút từ tập thơ “Gọi canh”, Nxb. Hội Nhà văn, 1995)
Lời bình
của TS Nguyễn Thanh Tâm
Bài
thơ “Em cho con bú” của Mai Văn Phấn gợi lên những cảm giác bình yên, yêu
thương trong căn nhà hạnh phúc.
Cách
mở đầu của bài thơ đậm chất văn xuôi. Với cách mở đầu này, cấu trúc ngôn ngữ
thơ truyền thống bị thách thức và phá vỡ, đồng thời đặt người đọc vào một sự
hoài nghi, chí ít cũng là một sự cuốn hút về cái lạ.
Những
hình ảnh đẹp về cuộc sống đương thành, đương vận động là tín hiệu đầu tiên gợi
lên chất thơ. Nơi đó, những dấu chân của bầy kiến, tiếng vỗ cánh của bầy ong,
nhịp thở của đứa con sơ sinh, hạnh phúc ngập tràn đang dâng lên trong em, trong
anh là những sắc thái diệu kỳ cho lòng người an trú.
Chất
thơ nằm trong những chuỗi ngôn ngữ giàu hình ảnh, nhịp điệu, có độ rung ngân và
âm vực rộng, kết thúc bởi những thanh bằng có xu hướng cao, bổng. Cảm giác lâng
lâng trong niềm hân hoan vì hạnh phúc giản dị, đơn sơ, đời thường nhưng rất đỗi
thiêng liêng khiến cho cấu trúc hình thức khá hồn nhiên, tự do, không bị lệ
thuộc vào khuôn khổ tiên định nào.
Có
điều gì quý hơn cảm giác bình yên khi ngắm nhìn “em cho con bú” và cái miệng
xinh xinh thơ trẻ đang ngậm vào sự sống. Có điều gì đáng tiếc hơn khi chúng ta
đã để mất đi những hạnh phúc ngọt ngào mà bình dị giữa cuộc đời này. Lắng đọng
qua nhiều thời gian trước khi lặng lẽ rơi trong vại nước hiên nhà, giọt nước xa
xưa cất giữ trong lòng mình những ngọt ngào, tươi mát của sự sống.
(Nguồn: ZingNews)
Tác phẩm “Trưa Hè” của Lê Văn Đệ (1906 - 1966), vẽ năm 1954 tại Hà Nội