image advertisement
image advertisement





























 

Hai tay hai súng (phê bình) - Đinh Thanh Huyền

Hai tay hai súng

 

 

"Tan bão" - Tranh Acrylic của Đinh Thanh Huyền

 

 

Đinh Thanh Huyền

 

1. Trong hiểu biết hạn hẹp của mình, tôi chưa từng biết nhà phê bình nào quay sang sáng tác. Nhưng những người sáng tác đồng thời viết phê bình thì không hiếm. Những người này, hoặc là viết phê bình ngẫu hứng (gặp tác phẩm mình thích thì viết), hoặc xem phê bình là một việc làm nghiêm túc, dành nhiều thời gian, tâm huyết cho nó như cho sáng tác. Mai Văn Phấn thuộc kiểu thứ hai.

 

Phê bình - trong quan niệm của nhiều người - là một lĩnh vực rất “khó ưa”. Thậm chí, có người kêu gọi “giết” hết các nhà phê bình để nghệ sĩ được tự do sáng tác. Nhưng khi một nhà thơ viết phê bình, ông ta có thấy phê bình là sự đối lập với sáng tác hay không? Khi đặt mình vào vị thế, tâm thế của một nhà phê bình, việc ứng xử với tác phẩm của người khác có đem lại điều gì đáng giá cho nhà thơ? Những trải nghiệm nghệ thuật đa dạng nào sẽ xuất hiện?... Đó là những câu hỏi chỉ người trong cuộc mới trả lời một cách thỏa đáng. Nhưng chúng ta hoàn toàn có quyền tin rằng, khi một nhà thơ viết phê bình, sự đối lập bề ngoài, giả tạo của sự kiện sẽ được xóa bỏ, chỉ còn lại thế giới trong suốt không thiên lệch, không phân biệt của những hành động sáng tạo có liên quan trực tiếp với nhau.

 

2. Năm 2016, Mai Văn Phấn đã có tập phê bình – tiểu luận Không gian khác. Ở tập sách này, Mai Văn Phấn viết về 24 tác giả (Việt Nam và nước ngoài), trong đó có những cái tên đang làm nên sóng gió của văn học Việt đương đại: Nhã Thuyên, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư, Trần Lê Sơn Ý, Lê Vĩnh Tài, Trần Tiến Dũng, Lê Anh Hoài…

 

Năm 2024, nhà phê bình Mai Văn Phấn trở lại với tập phê bình – tiểu luận Nhịp điệu vẽ lối đi (NXB Hội Nhà văn). Tập sách chia thành hai phần. Phần phê bình có tên là Đuổi bắt ánh sáng. Dõi theo phần này, có thể thấy nhà phê bình Mai Văn Phấn có niềm hứng thú đặc biệt với những tác giả mới hoặc có phần dị biệt trong  văn học Việt Nam (Minh Anh, Pháp Hoan, Hoài Khánh, Nguyễn Thị Hải, Trần Tuấn…); Một số tác giả quen thuộc tiếp tục được nhắc đến như Giáng Vân, Nguyễn Quang Thiều…; Những thi sĩ đồng hương, bạn bè cũng xuất hiện trong tập sách. Ngoài ra, việc tiếp xúc văn hóa sâu rộng cho phép Mai Văn Phấn giới thiệu những giọng thơ của những nền văn hóa khác: Khosiyat Rustam, Elvira Kujovic, Tarana Turan Rahimli…

 

Phần tiểu luận được gọi là Không đường biên. Các bài viết ở đây là quan niệm sáng tác của nhà thơ Mai Văn Phấn với tinh thần chung là: tìm kiếm một phong cách hiện đại mang đậm căn tính Việt.

 

3. Tôi cho rằng Mai Văn Phấn là một nhà phê bình chuyên nghiệp. Tính chuyên nghiệp thể hiện ở chỗ ông có thể đi vào từng hiện tượng cụ thể. Ở Việt Nam, cho đến nay vẫn rất thịnh lối phê bình tiểu sử, phê bình lịch sử. Nhiều nhà phê bình danh tiếng viết rất hay về các tác giả, nhưng đứng trước các tác phẩm cụ thể, họ không tìm được lối vào. Con đường khám phá một sinh thể nghệ thuật dường như quá khó khăn với nhiều người. Mặc dù không phủ nhận phê bình tiểu sử nhưng tôi vẫn thích đọc những bài viết có khả năng mở một văn bản ra, cho thấy được vũ trụ bên trong văn bản đó và lôi cuốn người đọc vào thế giới ấy hơn là nhìn vào cuộc đời của một nhà văn để suy diễn mối quan hệ (đầy tính võ đoán) với tác phẩm của họ.

 

Trong mỗi bài phê bình, Mai Văn Phấn thường đi thẳng vào văn bản, chọn lấy một điểm nổi bật nào đó để khám phá. Với Minh Anh, một tác giả mới 16 tuổi là một thế giới vừa thức dậy; với Pháp Hoan, thi sĩ – nhà sư là không gian nghệ thuật phi biên giới; với Đinh Trần Phương là nét hiện đại trong thể thơ ba câu; với Trần Tuấn là dấu chân thời gian để lại trong không gian thơ. Với Giáng Vân là vẻ đẹp của sự buông xả, bi mẫn; với Ko Hyung-Ryul là kiểu kiến tạo không gian thơ độc đáo,…Lối phê bình này cho phép người viết tránh được giọng điệu hàn lâm, tránh được kiểu bố cục lớp lang bài bản để thiết lập trực tiếp một mối tương giao với văn bản. Từ đó, cảm xúc và trường liên tưởng của nhà phê bình tung hoành, rộng mở, có chỗ bám chặt văn bản, có chỗ vươn xa hơn đến những văn bản khác của nghệ thuật và đời sống. Tuy thế, phong cách phê bình của Mai Văn Phấn khá lạnh, điềm tĩnh, dựa vào văn bản, có lý thuyết, tránh xa kiểu phê bình ấn tượng. Bởi thế, mỗi bài viết của ông đều có những khám phá sắc, tinh, độc đáo, là sản phẩm của tư duy lí tính mạnh mẽ, tỉnh táo, sắc sảo không dễ có. Sức thuyết phục của các bài phê bình đến từ khả năng “đọc” ra chất riêng của mỗi tập thơ, mỗi bài thơ một cách có sở cứ. Mai Văn Phấn không suy diễn, bình tán theo lối làm đẹp cho tác phẩm. Dù không phải chỗ nào trong một bài viết, bài nào trong tập sách cũng có thể có thể tạo được sự đồng thuận nhưng không thể không thừa nhận tính chuyên nghiệp trong phê bình Mai Văn Phấn.

 

4. Là nhà thơ, Mai Văn Phấn không ít lần lập thuyết. Ông từng có những câu nói như châm ngôn: “Sáng tạo là một cuộc vong thân”, “ Bài thơ tôi vừa viết xong là bài thơ cũ”, “Lúc làm thơ tôi chẳng nghĩ phải cần trách nhiệm hay sứ mạng gì cả”. Nhưng ở một chiều khác, Mai Văn Phấn có nhiều bài tiểu luận về thơ. Điều này khiến Mai Văn Phấn khác hẳn với những thi sĩ xem sáng tác như một dạng ngẫu nhiên thần thánh hoặc một trò chơi duyên dáng. Mỗi tiểu luận chứa đựng những suy ngẫm của nhà thơ về sự viết, về khát vọng tạo lập một vị thế cho thơ Việt. Phần Không đường biên của tập sách sẽ mang đến một Mai Văn Phấn trong chiều sâu tư tưởng của chính ông.

 

5. Khi một nhà thơ viết phê bình, ông ta không hề lấn sân. Nếu coi phê bình chỉ là một cách đọc thì không cần phải nghĩ đến việc phê bình có sứt mẻ miếng nào ở chỗ nghiêm trang của nó. Mai Văn Phấn viết phê bình, viết tiểu luận như một cao bồi hai tay hai súng, hình ảnh này chẳng phải thú vị lắm sao!

 

Đêm bão Yagi 7/9/2024

Đ.T.H

 

(Nguồn: Báo Văn Nghệ)

 

 

Sách hiện bán tại các địa chỉ sau:

 

SÁCH TAO ĐÀN

- SÁCH KHAI TÂM

- TIKI

 

 

 

 

Ảnh của Phạm Minh Quân

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị