Đề thi chọn HS giỏi khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc bộ. Lần thứ XII – Năm học 2018- 2019
SỞ GIÁO
DỤC & ĐÀO TẠO NINH BÌNH
TRƯỜNG
THPT CHUYÊN LƯƠNG VĂN TỤY
ĐỀ
THI ĐỀ XUẤT
KÌ THI
CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC
DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Lần
thứ XII – Năm học 2018- 2019
MÔN THI: NGỮ VĂN 11
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)
(Đề
thi gồm 02 câu trong 01 trang)
Câu 1 ( 8,0 điểm).
MIẾNG BÁNH MÌ CHÁY
Khi tôi lên 8 hay 9 tuổi
gì đó, tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ tôi vẫn nướng bánh mì cháy khét. Một tối nọ, mẹ
tôi về nhà sau một ngày làm việc dài và bà làm bữa tối cho cha con tôi. Bà dọn
ra bàn vài lát bánh mì nướng cháy, không phải cháy xém bình thường mà cháy đen
như than. Tôi ngồi nhìn những lát bánh mì và đợi xem có ai nhận ra điều bất
thường của chúng và lên tiếng hay không.
Nhưng cha tôi chỉ ăn miếng
bánh của ông và hỏi tôi về bài tập cũng như những việc ở trường học như mọi
hôm. Tôi không còn nhớ tôi đã nói gì với ông hôm đó, nhưng tôi nhớ đã nghe mẹ
tôi xin lỗi ông vì đã làm cháy bánh mì.
Và tôi không bao giờ quên
được những gì cha tôi nói với mẹ tôi: “Em à, anh thích bánh mì cháy mà.”
Đêm đó, tôi đến bên chúc
cha tôi ngủ ngon và hỏi có phải thực sự ông thích bánh mì cháy. Cha tôi khoác
tay qua vai tôi và nói:
“Mẹ con đã làm việc rất
vất vả cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ,
nhưng con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời
chê bai trách móc cay nghiệt đấy.”
(Trích: https://vndoc.com/6-cau-truyen-cuoc-song-cuc-ky-y-nghia-ma-ban-nen-doc/download
– Nguồn Internet).
Câu trả lời của người cha
với con gợi cho anh (chị) suy nghĩ gì về cách sống.
Câu 2 ( 12,0 điểm).
“ Thơ ca với muôn vàn những quan niệm khác nhau, luôn được cải
biến hoàn thiện, phong phú cùng với thời gian, tựa như cây lớn trong trời rộng
tỏa thêm nhiều cành nhánh. Mỗi cá thể sáng tạo đều chọn cho mình con đường
riêng biệt, nhưng mọi nhà thơ đều chung một đích đến là khám phá và tôn vinh
cái Đẹp”.
( Trích “
Vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca” – Mai văn Phấn – Tham luận
tại Liên hoan thơ châu Á-Thái Bình Dương lần thứ nhất – 2/2012 tại TP. Hạ Long,
tỉnh Quảng Ninh)
Bằng những trải nghiệm về văn học anh (chị) hãy chứng minh nhận
định trên.
HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI ĐỀ XUẤT
KÌ THI
CHỌN HỌC SINH GIỎI
KHU VỰC
DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ
Lần
thứ XII – Năm học 2018- 2019
MÔN THI: NGỮ VĂN 11
Thời gian làm bài: 180 phút (Không kể giao đề)
(HDC
gồm 02 câu trong 04 trang)
Câu 1 ( 8,0 điểm)
- Yêu cầu về kĩ năng
– Nắm bắt và vận dụng
nhuần nhuyễn phương pháp làm bài nghị luận xã hội.
– Bố cục rõ ràng, lập luận
chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp,
có tư duy khoa học.
II.Yêu
cầu về kiến thức
- Phân tích câu chuyện để rút ra vấn đề nghị luận.
– Câu chuyện rất giản dị nhưng lại mang đến bài học nhân sinh
sâu sắc. Bài học cuộc sống được thể hiện đậm nét trong câu trả lời của người
cha với con : Mẹ con đã làm việc rất vất vả
cả ngày và mẹ rất mệt. Một lát bánh mì cháy chẳng thể làm hại ai con ạ, nhưng
con biết điều gì thực sự gây tổn thương cho người khác không? Những lời chê bai
trách móc cay nghiệt đấy.
– Khi vợ làm cháy bánh mì ông không hề trách móc mà rất đồng cảm,
chia sẻ với lỗi lầm của vợ. Người cha thể hiện rõ tấm lòng bao dung, độ lượng,
thấu hiểu vợ và ông đã dạy con cách sống đó.
- Câu chuyện đã khuyên con
người phải biết cảm thông, chia sẻ lỗi lầm của người khác trong cuộc sống.
- Bàn luận, chứng minh.
– Tại sao con người cần
biết cảm thông, chia sẻ lỗi lầm với người khác?
+ Cuộc sống là một hành
trình dài đầy khó khăn, gian khổ. Bước trên con đường ấy con người không bao
giờ tránh được những sai lầm vấp ngã. Lúc ấy sự cảm thông chính là điểm tựa, là
động lực để con người vững tin vào tương lai.
+ Cảm thông, chia sẻ với
lỗi lầm của người khác chính là biểu hiện của tình người, của lòng vị tha, vì
người khác. Nó chính là cầu nối tạo nên những mối quan hệ xã hội tốt đẹp,
nhân văn.
+ Con người luôn cố chấp,
không chia sẻ với lỗi lầm người khác, tìm cách hạ nhục người khác vì những sai
lầm chính là những con người có lối sống nhỏ nhen, ích kỉ.
– HS lấy dẫn chứng
thực tế để chứng minh vấn đề nghị luận.
3. Bình luận mở rộng.
– Câu chuyện đã đề nghị
một lối sống đẹp, mọi người cần hướng tới
– Cảm thông, chia sẻ với
lỗi lầm của người khác không đồng nghĩa với việc dung túng, làm ngơ trước những
điều sai trái. Trước sai lầm cần thiết phải sửa chữa chúng ta cần có sự góp ý
chân thành, thẳng thắn trên tinh thần xây dựng để người mắc lỗi tiến bộ hơn.
– Phê phán những con người
suốt ngày đi bới móc tội lỗi người khác, nói những lời trách móc, mạt sát khiến
người khác tổn thương. Góp ý với lỗi lầm của người khác không trên tinh thần
xây dựng.
– Bài học nhận thức, hành
động: Luôn phải bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn và hướng tới những cách sống nhân
văn, cao đẹp ( lối sống yêu thương, vị tha, vì người khác)
III/ Biểu điểm
– Điểm 7 – 8: Đáp ứng tốt
những yêu cầu nêu trên. Bài viết giàu sức thuyết phục bởi bố cục hợp lí, nội
dung phong phú, lập luận chặt chẽ, sắc sảo, dẫn chứng sinh động, tiêu biểu. Có
nhiều ý sáng tạo. Diễn đạt trong sáng, trôi chảy, có thể mắc một vài lỗi nhỏ về
chính tả, dùng từ
– Điểm 5 – 6: Đáp ứng được
đa số các yêu cầu của đề bài. Bố cục nội dung tương đối hợp lí. Lập luận có sức
thuyết phục, dẫn chứng đa dạng, chọn lọc. Diễn đạt tương đối tốt. Có thể mắc
một vài lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 3 – 4: Hiểu đúng ý
nghĩa câu nói nhưng còn lúng túng trong bàn luận, diễn đạt chưa chặt chẽ,
thuyết phục
– Điểm 1 – 2: Hiểu nội
dung ý kiến nhưng còn nông, bài viết sơ sài, lan man, lập luận lộn xộn, dẫn
chứng nghèo nàn, mắc nhiều lỗi chính tả và diễn đạt.
– Điểm 0: Không hiểu đề,
sai lạc về nội dung, phương pháp hoặc bỏ giấy trắng
Câu 2 ( 12,0 điểm).
- Yêu cầu về kĩ năng
– Cần xác định đây là kiểu
bài nghị luận văn học có nhiệm vụ làm sáng tỏ vấn đề lí luận văn học qua phân
tích một số tác phẩm văn học cụ thể
– Vận dụng nhuần nhuyễn
các thao tác nghị luận.
– Bố cục rõ ràng, lập luận
chặt chẽ, không mắc các lỗi chính tả và diễn đạt.
– Trình bày bài sạch, đẹp,
thể hiện tư duy khoa học.
- Yêu cầu về kiến thức:
Học sinh có thể triển khai
theo nhiều cách khác nhau song cần đảm bảo một số nội dung sau:
- Giải thích:
– Thơ
ca với muôn vàn những quan niệm khác nhau, luôn được cải biến hoàn thiện, phong
phú cùng với thời gian, tựa như cây lớn trong trời rộng tỏa thêm nhiều cành
nhánh. Mệnh đề muốn nhấn mạnh vào sự phong phú trong quan niệm về
thơ ca. Mỗi thời kì, mỗi nhà phê bình có thể xuất phát từ bối cảnh lịch sử, văn
hóa khác nhau, dựa vào những tiêu chí khác nhau để thể hiện quan niệm riêng,
làm cho định nghĩa thơ ngày càng đa dạng.
– Mỗi
cá thể sáng tạo đều chọn cho mình con đường riêng biệt, nhưng mọi nhà thơ đều
chung một đích đến là khám phá và tôn vinh cái Đẹp. Đây là mệnh đề
chính của nhận định. Tác giả đã khẳng định: Dù quan niệm về thơ có đa dạng,
phong phú như thế nào thì đích tới cuối cùng của thơ cũng là khám phá và tôn
vinh cái đẹp.
– Khái niệm cái Đẹp: Hiểu
theo nghĩa rộng không chỉ là sự khám phá vẻ đẹp của thế giới tự nhiên, con
người mà còn là sự tôn vinh những tình cảm đẹp, giàu giá trị nhân văn
thông qua một hình thức nghệ thuật độc đáo, giàu tính thẩm mĩ.
- Ý kiến của tác giả Trần
Mai Phấn đã đề cập tới những vấn đề căn cốt về thơ ca. Mỗi người có một
quan niệm khác nhau về thơ nhưng thơ ca đích thực phải là những thi phẩm luôn
đặt sự tôn vinh cái Đẹp thành mục đích hướng tới, cái đẹp về cả nội dung tư
tưởng lẫn hình thức biểu hiện.
2.Bình luận, chứng minh.
- Tại sao mục đích của thơ ca là tôn vinh cái đẹp?
– Từ góc độ đặc
trưng của văn học: Văn học, nghệ thuật nói chung và thơ ca nói riêng sáng tạo
theo qui luật của cái Đẹp. Cái đẹp là điều kiện không thể thiếu được của nghệ
thuật, nếu thiếu cái đẹp thì không có và không thể có nghệ thuật. Do đó đây là
vấn đề mang tính đặc trưng của văn học.
– Từ góc độ chức năng của
văn học: Mục đích cao nhất của văn học là bồi đắp tâm hồn con người, hướng con
người tới những giá trị nhân văn, tốt đẹp. Chính vì vậy nếu văn học không tôn
vinh cái đẹp, không giúp con người tiệm cận với chân-thiện-mĩ thì người nghệ sĩ
không thể hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình.
– Từ góc độ người tiếp
nhận: Chúng ta đến với thơ ca, với văn học nghệ thuật có nhiều mục đích. Thơ ca
không chỉ giúp ta bồi đắp tâm hồn mà còn mang đến cho ta nhiều trải nghiệm thú
vị về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người. Thơ ca là chiếc cầu nối giúp ta có thể
thực hiện những chuyến du lịch bằng ngôn từ đến mọi nơi, thấu cảm mọi ngõ ngách
tâm hồn con người, nối liền khoảng cách không gian, thời gian trong cảm nhận về
thế giới.
(Thí sinh có thể kết hợp điểm dẫn chứng trong phần lí giải vấn
để để tăng sức thuyết phục).
- Chứng minh.
Thí sinh cần kết hợp chứng
minh diện rộng và sâu. Khi lựa chọn dẫn chứng cụ thể để chứng minh cần đảm bảo
một số tiêu chí.
-Tác phẩm chọn phải là thể
loại thơ
– Thi phẩm thực sự có giá
trị thẩm mĩ
– Phân tích thi phẩm theo
hướng: Chỉ ra được sự tôn vinh cái Đẹp qua hai phương diện
+ Nội dung: Tác phẩm khám
phá vẻ đẹp thiên nhiên hoặc con người như thế nào; tác phẩm có hướng con người
tới những tình cảm đẹp, mang tính nhân văn?
+ Hình thức nghệ thuật độc
đáo: nghệ thuật diễn đạt, sử dụng thi ảnh, cấu tứ, giọng điệu, ngôn từ…
3.Bàn luận mở rộng.
– Nhận định ngắn gọn nhưng
đã đề cập tới nhiều vấn đề mang tính lí luận của thơ ca nói riêng, của văn học
nghệ thuật nói chung bởi lẽ tôn vinh cái đẹp không chỉ là mục đích của thơ ca
mà là mục đích của mọi hình thái nghệ thuật.
– Tôn vinh cái Đẹp không
có nghĩa chỉ miêu tả cái Đẹp của cuộc sống và con người. Đối tượng miêu tả có
thể là những điều xấu xa, tàn ác nhưng tư tưởng tác phẩm lại hướng con người
tới những tình cảm đẹp thì vẫn là sự tôn vinh cái Đẹp.
– Bài học cho người sáng
tạo và người tiếp nhận.
III. Cho điểm
– Điểm 10-12: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc,
lập luận rõ ràng, dẫn chứng thuyết phục…
– Điểm 7-9: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về
kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 4-6: Bài viết chỉ trình bày được một nửa yêu cầu về kiến thức, hoặc
phân tích tác phẩm đơn thuần. Còn mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt.
– Điểm 1-3: Bài viết quá sơ sài, có quá nhiều sai sót, không hiểu rõ và
không biết triển khai vấn đề.
– Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài.
Lưu ý:
– Trên đây chỉ là những gợi ý có tính chất định hướng, giám khảo
cần thảo luận kĩ về yêu cầu nội dung và biểu điểm để bổ sung cho hoàn chỉnh.
– Giám khảo linh hoạt khi chấm bài. Cần khuyến khích,
trân trọng những tìm tòi, sáng tạo riêng cả trong nội dung và hình thức của bài
làm.
– Điểm toàn bài cho lẻ đến 0,25.
Người ra đề: Tạ Hoàng Tâm
(Nguồn: Đề thi HS giỏi)
Tranh của Gürbüz Dogan Eksioglu (Thổ Nhĩ Kỳ)