image advertisement
image advertisement





























 

Ánh sáng "Cây từ bi" (phê bình) - Mai Văn Phấn

Ánh sáng "Cây từ bi"

 

 

Nhà thơ - Họa sĩ Giáng Vân

 

 

Mai Văn Phấn

 

"Lòng bi mẫn tỏa rạng xuyên qua bóng tối u minh, làm tan chảy giá băng, làm đầy lên dòng sông, làm cây từ bi nở hoa, làm cậu bé con bị sỉ nhục nắm chặt tay và mỉm cười"

(Bài hát)

 

Tôi bắt gặp câu thơ trên khi lật giở vài trang đầu tập thơ "Cây từ bi nở hoa" (sắp xuất bản, 2014) của nữ thi sĩ Giáng Vân. Câu thơ khiến tôi phải dừng lại chiêm ngẫm hình ảnh cây từ bi nở hoa và ánh sáng tỏa rạng từ nó. Cảm giác tươi mới, ấm áp, an yên dâng trào khiến tôi cũng mỉm cười như cậu bé trong bài thơ, giục giã tôi đọc tiếp những bài thơ khác tràn đầy cảm thức thiền, rất Phật giáo và cũng rất đời thường của chị.

 

Nếu trong tập thơ “Đường gió” (Nxb. Hội Nhà văn, 2013) Giáng Vân đã đi những bước đầu tiên của người hành thiền, thoát ra từ khoảng tối để đến với không gian rộng lớn, trong suốt và tĩnh lặng, thì sau hơn mười năm như một sự chiêm nghiệm, chị đã được nhìn thấy "Cây từ bi nở hoa" trong trạng thái an nhiên, thanh thản lắng sâu. 

 

"Tuôn chảy

Từ bất tận

Một mạch nguồn sạch, trong"

(Thơ - 1).

 

Trong tập thơ mới này, Giáng Vân đã hòa nhập vào niềm hạnh ngộ mới, để tâm an trụ, tỉnh giác. Niềm hân hoan của sự buông bỏ được tác giả diễn tả như kết quả của sự thanh thản, yên định.

 

"Độc hành trong cõi đời

Dù người đến hay người đi

Trôi từ từ

Khi êm lặng khi ghềnh thác

Như thể

Ta đã trôi qua ngàn kiếp"

(No think);

 

"Nàng từ từ đứng lên

Nàng đi vào nước

Nước trong xanh diệu kỳ

Dẫn nàng đi

Đi mãi

Về trú xứ

Nơi nàng thả trôi

Không ký ức

Không muộn phiền

Nơi mặt trời chỉ còn một tiếng vọng"

(Nước).

 

Những đoạn thơ trên cho thấy, niềm an lạc là trạng thái tự tại, ung dung, khiến lòng từ bi được rộng mở, thân tâm được bình ổn, trí huệ được phát chiếu. Và cũng từ đây, cảnh giới giải thoát bỗng hiện ra trước mắt chúng ta. Trạng thái an nhiên, thanh tịnh đã khiến cho dòng thơ Giáng Vân không ngừng lan tỏa, thấm vào tâm can người đọc; giúp họ tĩnh tâm, gạt bỏ mọi phiền muộn.

 

"Trôi qua trôi qua

Gió, nước, mây trời

Hương của tất cả các loài hoa

 

Trôi qua trôi qua

Tất cả mọi phận người

Tình yêu, thù hận

Nỗi buồn và cái chết

.../

Em biết

Ngay cả vậy

Những bông hoa mẫu đơn trong bình

Vẫn đỏ rực."

(Trôi qua).

 

Trong quá trình chuyển biến tâm trạng và cảm xúc, Giáng Vân đã chạm đến tính không, trạng thái thân tâm thanh thản, vô ưu, giải thoát.

 

"Nhắm mắt và thở thật sâu

Cả một cuộc đời cũng không cơn cớ

Như tôi đang vừa tới đây

có thể tôi trong nước

cũng có thể tôi trong gió

cũng có thể tôi trong đất

dù tôi ở đâu thì dịu dàng cũng dâng đầy

Nhắm mắt và thở thật sâu…"

(Thiền).

 

Nhà thơ đã an trú trong sự tĩnh lặng, vô ngã, tiết chế hơi thở nhỏ dần để ánh sáng thiền định dễ dàng xuất hiện. Ánh sáng ấy ban đầu có thể còn mờ nhạt, nhưng sau đấy bao bọc cả thân tâm, lan tỏa ra bầu không, mang đến cho người thiền một trạng thái hoan hỷ, phát khởi.

 

Trong bài thơ "Những khúc rời, III" cho thấy sự hợp nhất tâm trí đã giúp tác giả thấy rõ bản chất sự vật hiện tượng thông qua tuệ giác chứ không phải tri giác thông thường. Chính nhờ cách nhìn này mà người đọc thấy được sự tỉnh thức và giác ngộ.

 

"em bắt đầu viết

như gió bắt đầu thổi

như ánh sáng bắt đầu toả rạng

như khởi lên trong không

một tiếng gọi

.../

mến thương

như những mạch nước

an nhiên

lan đi trong đất

chữa lành những trái tim đau"

(Những khúc rời, III).

 

Những hình ảnh trong bài thơ trên cho thấy tính nhị nguyên trong những trạng thái tĩnh lặng và tỉnh giác của thơ Giáng Vân, tức ánh sáng trong đó vừa dẫn dắt người đọc đến sự an yên, giải thoát, vừa soi rõ mọi khía cạnh của tâm thế tục – tâm của sự dằn vặt, buồn khổ, bất an...

 

"Tim hiền dịu

Một ngày đã chết

Không khóc than

Tro tàn ngày hôm qua

Bay lên một ngàn đóa hoa ngời nắng

Này ta ơi sao còn phiền muộn những điều không đáng"

(Nhật ký).

 

Tâm thế tục trong thơ Giáng Vân thường phản kháng trực diện và dữ dội trước những bất an, tiêu cực của đời sống thực tại. Bài thơ "Tôi nhìn thấy..." bày ra một cảnh tượng đổ vỡ kinh hoàng trước mắt người đọc. Tác phẩm rung lên hồi chuông cảnh báo về những mối nguy hại khi con người đã vượt qua lằn ranh đỏ, ngập chìm trong sự vô cảm, suy đồi, ác độc.

 

"Đã chết rồi

 

Và còn chết nữa

 

Những cái chết trên khắp dải đất hình chữ S

 

Thoạt đầu là cái chết của những linh hồn, những kẻ bán linh hồn cho quỷ dữ, những kẻ trong bóng tối thở ra những luồng thán khí,  nọc độc trùm lên quê hương, len lỏi vào mọi kẽ sống, vào mỗi nhịp thở."

(Tôi nhìn thấy...).

 

Mỗi bài thơ trong thi tập này có thể coi như một công án, vượt thoát tính nhị nguyên của diễn tiến vạn vật. Ngoài mục đích hướng người đọc đến trạng thái an yên và thanh tịnh, thơ của chị còn khơi gợi mỗi khi trạng thái hỷ lạc vừa qua đi, tiếp nối là tâm trạng thất vọng trước sự đổ vỡ niềm tin, sự băng hoại của cuộc sống hiện tại.

 

"Nỗi buồn thức dậy

Vào một sáng đẹp trời

Theo hơi thở của mùa thu

Nó lan đi lan đi

Như làn sương lam tím

Trùm lên thành phố và những hàng cây

Hình dung

Mình như một ngọn cỏ

Vừa thức giấc

Đã thấy chìm ngập trong nỗi buồn"

(Nỗi buồn).

 

Trong những chuyển dịch lưỡng cực, thơ Giáng Vân luôn dẫn dụ người đọc đến xứ đẹp, nơi "cây từ bi nở hoa", khiến con người trở nên nhân ái, cao thượng hơn. Vẻ đẹp ấy đôi lúc xuất hiện mong manh, bất chợt, nhưng luôn tỏa ánh vào những u buồn tăm tối.

 

"Chiều tắt nắng rồi

Sương giăng mọi lối

Một làn hương vừa bay qua

Bỗng nhiên ghé lại."

(Không đề tháng chạp).

 

Nhiều khi, tác giả khắc họa cái đẹp rõ nét với thái độ tự tin, xác quyết. Dường như nhịp điệu cuộc sống của chúng ta mỗi ngày càng nhanh hơn, các kết nối xã hội đứt gãy, mọi thứ đều dễ tan vỡ. Giáng Vân đã viết về vẻ đẹp, sự bất tử của "linh hồn song sinh" (twin flame) như niềm an ủi, nhen nhóm hy vọng cho đời.

 

"Chúng ta

Hai linh hồn song sinh

Già cỗi

Bên nhau trong vô lượng kiếp

Dù ở phương trời nào

Âm nhạc chảy tuôn

Cho hai ta về một.

 

Dù cho

Anh còn sống và em đã chết..."

(Bắt đầu).

 

Trong tập thơ "Cây từ bi nở hoa", nhà thơ đã không ít lần nhắc tới lòng bi mẫn. Bi mẫn cùng với từ ái vốn là khuôn mặt của lòng vị tha. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã viết: "Đấy là một cảm giác từ chiều sâu của trái tim mà chúng ta không chịu đựng nổi khổ đau của người khác mà không hành động để giải thoát[1]". Lòng bi mẫn trong thơ chị lại là một quyền năng:

 

"Lòng bi mẫn là quyền lực của nàng

Nàng nương tựa vào lòng bi mẫn"

(Ý Nhi).

 

"Lòng bi mẫn sẽ cứu chúng ta, em nói vậy, bàn tay của Pháp nói vậy, đơn giản và linh nghiệm, giống như cơn mưa, giống như mầm cây, giống như hơi thở giống như mùa xuân bỗng chốc đổi thay thế giới."

(Bài hát).

 

Vẻ đẹp của lòng vị tha cũng là hình tướng, gam màu chủ đạo của tập thơ này. Ánh sáng của vẻ đẹp ấy soi rọi từng con chữ, từng tứ thơ trong "Cây từ bi nở hoa", nó soi đường cho người đọc đến với sự từ bi hỉ xả.

 

Trở lại với tập thơ “Đường gió”, xuất bản năm 2013, ta như thấy từng dấu chân của Giáng Vân trong không gian thơ của chị. Dấu chân ấy ta có thể dõi theo, đếm được, tựa những ký tự in trên từng trang giấy, những đốm sáng rọi trong đêm tối:

 

“Tôi thả tôi vào ánh sáng

Ánh sáng tràn ngập tôi”

(Tôi không là tôi).

 

Sự dịch chuyển của "ánh sáng" trong khổ thơ trên cho ta nhìn thấy quỹ đạo và ước đoán được cả tốc độ của nó.

 

Nhưng đến "Cây từ bi nở hoa", người đọc như không thể nhìn thấy rõ từng "dấu chân" của Giáng Vân nơi cõi thơ của chị nữa. Mỗi bài thơ trong tập mới này đều tỏa ra ánh sáng thuần khiết, dịu nhẹ, chan hòa. Chúng ít góc cạnh, mà giao thoa, tạo thành một trường ánh sáng thống nhất:

 

"Tay người ấm và mắt người vui

đột nhiên thấy lòng hạnh phúc

Đừng nói gì người nhé

Để yên trong con tim

Niềm bí mật của số phận

Ngẫu nhiên đậu xuống lòng ta"

(Tháng mười);

 

"Cơn chết hiện ra

Từ mọi nẻo

Kể làm gì

Một nỗi buồn con con"

(Những khúc rời, II);

 

"Từ vết thương còn rỉ máu

Đã mọc lên

Những đóa hoa lộng lẫy"

(Yêu).

 

Ngôn ngữ thơ Giáng Vân ngày càng giản dị, chúng tự nhiên như hơi thở, gần với cách nói đời thường. Đặc biệt, thơ chị hướng tới sự tối giản – một trong những xu hướng của nghệ thuật đương đại. Hai trích đoạn trong "Những khúc rời" dưới đây cho thấy, cách tu từ của tác giả khá gần với thơ haiku của Nhật bản, ngôn ngữ nén chặt, gợi mà không tả, như cố kìm nén cảm xúc, nhằm mở rộng đường biên của tưởng tượng.

 

"Lửa cháy trong núi sâu

Sông trôi qua vực thẳm

Trong chuỗi ngày bình lặng"

(Những khúc rời, I);

 

"Góc phố nhỏ

Nhưng bông hoa nhỏ

Cố tươi

Cố tươi thêm tí nữa

Thì thành nước mắt"

(Những khúc rời, II).

 

Các bài trong tập thơ "Cây từ bi nở hoa" dường như cùng một giọng điệu, thủ thỉ mà quyến dụ, khiêm nhường nhưng mạnh mẽ, thâm sâu. Nếu so với một số tác giả cùng thế hệ, Giáng Vân công bố tác phẩm không nhiều, nhưng những tập thơ đã trình làng cho thấy chị luôn có thi pháp vững vàng, tính sáng tạo mạnh mẽ và có chủ đích cho mỗi giai đoạn. Từ “Đường gió” đến "Cây từ bi nở hoa" là hành trình dâng hiến tài năng cùng tâm sức của Giáng Vân cho thi ca, cho cái đẹp.

 

"Ngọn lửa ấm và sáng

Tôi đã thắp lên

Và nguyện cầu sẽ cháy mãi

Ngay cả gió và mưa và cuồng phong

Như phép mầu

Tôi giữ gìn

Như giữ gìn linh hồn tôi luôn ấm và sáng.

Để người luôn mãi bên tôi."

(Ngọn lửa).

 

Thơ với người thơ Giáng Vân luôn hòa quyện, hợp nhất trong sự dịu dàng, an yên. Tôi cho rằng, "dịu dàng" là một trong những "từ khóa" của tác giả trong tập thơ này. "Nước rửa sạch những nỗi buồn và lan tỏa trong tôi niềm dịu dàng vô hạn.../ dù tôi ở đâu thì dịu dàng cũng dâng đầy.../ Tôi trải niềm dịu dàng của tôi bất tận" (Thiền); "Con tim chúng ta sao không thấy được nữa những mùa thu mỹ lệ, những đêm trăng dịu dàng, những suối nguồn thanh khiết" (Tôi nhìn thấy...).

 

Giáng Vân đã qua những chặng đường dài của sáng tạo, để vẻ đẹp thơ của chị ngày thêm tỏa sáng. Hướng đi của chị đến "Cây từ bi nở hoa" đã được tiên cảm trong bài thơ "Biến hóa" ở thi tập “Đường gió” của Giáng Vân qua khổ thơ dưới đây:

 

"Tôi

Hóa ra những vụn vỡ nhỏ

Li ti

Hạt giống của loài hoa cỏ

Có thể nẩy mầm rất nhanh

Một sáng thôi

Làm tràn ngập sự thanh khiết”

(Biến hóa).

 

Những "vụn vỡ" từ người thơ đã hóa thành hạt giống li ti gieo vào thế gian, chúng nảy mầm, tươi tốt thành những "cây từ bi" trong lãnh địa thơ Giáng Vân. Cây ấy không chỉ cho chúng ta hoa thơm trái ngọt, mà đã lan tỏa ánh sáng của vẻ đẹp thơ ca, của tâm an tịnh, từ bi hỉ xả. Ánh sáng ấy soi chiếu cho ta thấu tỏ bản chất của vạn hữu trong sự sống đích thực của nó. Và trước khi ánh sáng ấy "rửa sạch ô nhục chất chồng", "làm sống lại những linh hồn đã chết!", nó đã buông xuống ấm áp, bắt đầu từ một tia nắng dịu dàng mà "không gì có thể bẻ gãy được".

 

"Con gái bé bỏng của mẹ ơi

Con gái mảnh mai và xinh đẹp, tia nắng ban mai của mẹ

Mẹ biết không gì có thể bẻ gãy được một tia nắng

Một tia nắng biết sưởi ấm cuộc đời này

Và không gì có thể sánh được".

(Mẹ đã mơ một giấc mơ).

 

Giấc mơ ấy của Giáng Vân, cũng là giấc mơ của ta về "Cây từ bi nở hoa", đã phát sáng và lan tỏa, cho chúng ta tin rằng sự từ bi sẽ cứu vớt thế giới này. Và thêm bao hy vọng!

 

Hải Phòng, 8/1/2024

M.V.P

 

_________________________

[1] "Năng lực của bi mẫn" - Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tuệ Uyển dịch từ Anh ngữ.

(Nguồn: https://thuvienhoasen.org/a15070/nang-luc-cua-bi-man)

 

 

 

 

Tranh của Giáng Vân

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị