"Con chào mào", khẽ nhắc một lẽ sống thiện lành (bình thơ) - Nguyễn Văn Trung
"Con
chào mào", khẽ nhắc một lẽ sống thiện lành
Nguyễn
Văn Trung*
Bài
thơ "Con chào mào", rút từ tập "Bầu trời không mái che"
(2010) của nhà thơ Mai Văn Phấn là một thi phẩm hay. Cái hay không chỉ ở một
bức tranh thiên nhiên được gợi tả sống động, tươi tắn, ở niềm khát khao vươn
tới một sự sống đầy ắp cảm giác tự do và ngập tràn hạnh phúc, mà còn gợi mở
những suy tư minh triết về cách xử thế giữa con người với thiên nhiên vạn vật.
Ấn
tượng đầu tiên về bài thơ là hình ảnh con chim chào mào được miêu tả theo lối
cận cảnh. Cả màu sắc, thanh âm và vị trí xuất hiện của nó được “vẽ” nên mồn một
trước mắt người đọc:
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Con
chim chào mào có chỏm lông nhọn màu đỏ trên đầu đang cất lên giai điệu trong
trẻo trên vòm xanh cao vút. Tác giả đã khéo ký âm tiếng hót thành một tuyến
giai điệu riêng biệt, khiến người đọc có thể cảm nhận cùng lúc bởi nhiều giác
quan, cả thị giác và thính giác. Từ tiếng hót “trên cây cao chót vót” của con
chào mào mà gợi hình dung ra cả không gian mênh mang, thuần khiết. Nó cũng
không ngăn ta liên tưởng tới những tiếng vọng mơ hồ, bí ẩn từ cõi cao xanh êm
đềm rót xuống trần gian. Sự đa nghĩa của những dòng thơ được tạo nên bởi bút
pháp cổ điển quen thuộc: dùng điểm tả diện, lấy âm thanh để gợi hình ảnh, vốn
xuất hiện nhiều trong thơ ca xưa.
Trước
cái đẹp, con người ta thường nảy sinh khao khát chiếm hữu. “Sợ chim bay đi” nên
tôi “vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ”:
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vâng,
hãy nhớ là “chiếc lồng trong ý nghĩ”. Rất đặc biệt! Các từ ngữ: “vội vẽ”, “sợ”
diễn tả tinh tế nỗi hoảng hốt rất thật của nhân vật trữ tình trước viễn cảnh
cái đẹp vuột/ biến mất. Hóa ra, cái đẹp thật gần gũi, giản dị nhưng cũng thật
mong manh, xa vời. Nếu ta không biết tận hưởng và trân trọng giá trị của nó, nó
sẽ nhanh chóng tan biến, không còn dấu vết. Bởi thế, ước vọng của “tôi” là “vẽ
chiếc lồng” để lưu giữ mãi cái đẹp ấy cho riêng mình.
Nhưng,
đúng cái khoảnh khắc “vừa vẽ xong” thì chào mào “cất cánh”:
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Các
từ ngữ “ôm”, “hối hả”, “đuổi theo” ở đây, tương hợp với các từ ngữ “vội vẽ”,
“sợ” ở khổ thơ trước, miêu tả đậm nét trạng thái tâm lí của nhân vật trữ tình.
Một cuộc đuổi bắt thật kì lạ đã xảy ra. “Nắng”, “gió” và “nhành cây xanh” là
“chiếc lồng” đặc biệt mà anh có thể mở ra mênh mông để con chào mào được cất
vang lên tiếng hót trong đó. Cái bối rối, cuống quýt, hối hả ở đây là gì, nếu
không phải biểu hiện trực tiếp tình yêu thiên nhiên đắm say, mãnh liệt của
“tôi”?
Khi
khao khát “chiếm hữu” con chim chào mào làm của riêng trong “khung nắng”,
“khung gió” bất thành cũng là lúc một ý nghĩ mới chợt hiện:
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
Giờ
đây, ở một khoảng không bao la, khoáng đạt nào đó, con chào mào đang “mổ những
con sâu”, “những trái cây chín đỏ”, “từng giọt nước”. Thủ pháp liệt kê, với sự
xuất hiện dày của các sự vật, gợi hình dung về một đời sống tự do, giàu đủ,
hạnh phúc của con chim chào mào. Nhưng đối với “tôi”, biết đâu, “trái cây chín
đỏ”, “giọt nước thanh sạch” cũng có thể là biểu tượng cho tâm hồn đang mùa đậu
quả tươi lành, cho hành trình về lại sự “thanh sạch”, thuần phác.
Ở
trên, khi “tôi” muốn giữ lại tiếng chim cho mình, chim vội vàng, thảng thốt bay
đi. Lúc này, khi “tôi” muốn “chuộc lỗi” để chim vui sống giữa thiên nhiên tươi
đẹp, tiếng chào mào lại vang ngân tha thiết giữa tâm hồn:
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Tiếng
chim từ chỗ “trên cành cao chót vót” của một không gian cụ thể đã hòa vào không
gian rộng lớn, mênh mông. Điều ấy, hiển nhiên! Nhưng tiếng chim, với giai điệu
tiếng hót lặp lại y nguyên như phần đầu bài thơ, ở phần cuối này, còn biểu thị
một nỗi niềm đặc biệt, vừa vui sướng, hân hoan lại vừa bồi hồi, xao xuyến, của
“tôi”.
Bài
thơ khép lại trong một “ý nghĩ” cao thượng, vị tha:
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
Nỗi
sợ hãi “chim bay đi” đã tan biến hoàn toàn để nhường chỗ cho một suy tư minh
triết, xúc động. “Tôi” “chẳng cần chim lại bay về” nữa, bởi anh đã nhập làm một
với thiên nhiên, đã sống trọn với một sự sống ăm ắp cảm giác hạnh phúc dâng
ngập hồn mình. Con chào mào càng bay cao, bay xa và cất vang tiếng hót trong
thế giới tự do của nó thì “tôi” càng được hưởng thụ đủ đầy niềm vui sống vô tư,
trong trẻo, thiện lành của chính lòng mình.
Con
chào mào của Mai Văn Phấn, thật tự nhiên, đã gieo vào lòng ta một suy ngẫm sâu
xa về lẽ sống. Tiếng chim ấy sẽ còn ngân vang mãi: triu… uýt… huýt… tu hìu…
N.V.T
* Giáo viên Trường phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tương
Dương, Nghệ An
(Nguồn:
Tạp chí Mường Xủng)
CON CHÀO MÀO
Con chào mào đốm trắng mũ đỏ
Hót trên cây cao chót vót
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ
Sợ chim bay đi
Vừa vẽ xong nó cất cánh
Tôi ôm khung nắng, khung gió
Nhành cây xanh hối hả đuổi theo
Trong vô tăm tích tôi nghĩ
Lát nữa chào mào sẽ mổ những con sâu
Trái cây chín đỏ
Từng giọt nước
Thanh sạch của tôi
triu… uýt… huýt… tu hìu…
Chẳng cần chim lại bay về
Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.
Mai Văn Phấn
Tranh cổ treo tường Ấn Độ
Tranh màu nước của Natalya Evtekhova