Vũ điệu linh hồn trong cuộc chuyển sinh (phê binh) – Mai Văn Phấn
Vũ điệu linh hồn trong cuộc chuyển sinh

Nhà thơ Nguyễn Thị Thùy Linh cùng các con
Mai Văn Phấn
"Ngắm nhìn hạt bụi thanh tân
Hoa và Lửa giữa quây quần sương mai"
Nguyễn Thị Thùy Linh
Dù chưa chính thức xuất
bản thi tập nào, nhà thơ Nguyễn Thị Thùy Linh vẫn để lại dấu ấn trên thi đàn
qua những bài thơ đã được công bố. Chị
có phong cách riêng, đặc
biệt nổi bật trong chùm tác phẩm đoạt giải "Lục bát trăng vàng" (cuộc
thi thơ lục bát "Tổ quốc và Đạo pháp",
2016) và chùm tác phẩm đoạt
giải cuộc
thi thơ của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (2015-2016). Thơ Nguyễn Thị Thùy Linh vươn tới cõi
vô hình, nơi tác giả trải lòng bằng muôn trạng tâm thức và cảm xúc – từ u tối,
bi ai, và đớn đau đến sự thông tuệ, hoan hỷ, an nhiên... – như một hành trình
dẫn dắt con người vượt qua mê lộ đời sống để trở về sự thanh tịnh và giải thoát.
Tôi hân hạnh là người được đọc trường ca “Ngọn lửa đôi
và Bông hoa" của Nguyễn
Thị Thùy Linh
trước khi xuất bản. Bản trường ca đánh dấu một giai đoạn mới trong hành trình
sáng tác của chị. Đây là một tác phẩm rất sáng tạo về thủ pháp, nó mở rộng các
chiều kích tư duy và cảm xúc nghệ thuật. Điều đáng lưu ý, trường ca này đã làm
phong phú thêm quan niệm về cấu trúc thể loại, qua đó khẳng định nội lực và khả
năng tìm tòi không ngừng của tác giả.
Như cái tên của nó báo
trước, “Ngọn lửa” và “Bông hoa” là hai hình tượng biểu trưng nổi bật trong bản
trường ca này. Hai hình tượng vừa là trụ cột định hình cấu trúc của trường ca,
vừa là những bản thể tinh thần, dẫn dắt con người qua vòng luân hồi. Bản trường
ca, vì thế, đã trở thành hành trình tìm kiếm sự giải thoát khỏi những vướng bận
trần tục, hướng đến đời sống tinh thần, giác ngộ và tự do tuyệt đối.
Trường
ca gồm chín chương, mở đầu bằng "Sóng trăng" – tiêu đề này báo hiệu một sự dao động
nhịp nhàng, du dương, tỏa sáng. Trong
ánh sáng lung linh ấy, thoáng hiện “ngọn lửa” và “bông hoa”, một sự kết nối để sinh
ra và tái tạo không ngừng của vũ trụ. "Sóng trăng" mở ra những mối tương quan, nơi
mọi duyên khởi đều gắn kết trong một trật tự siêu việt. Âm ba của trăng khơi
gợi sự ân cần, dẫn dắt, đồng thời nhấn mạnh tính thiêng liêng của vũ trụ bao
dung. "Sóng trăng" gồm ba tiểu khúc, là biến tấu của cùng một chủ đề và cùng chung các
thi ảnh, nhưng được thể
hiện bằng thơ lục ngôn, lục bát và thơ văn xuôi. Cách thể hiện này là một sự sáng tạo về thi pháp, làm nổi
bật sự biến hóa của “sóng trăng”, đồng thời tương ứng với Tam Tài: Thiên, Địa,
Nhân –
biểu đạt sự hòa hợp giữa vũ trụ, thiên nhiên và con người.
"Bông hoa mở giữa
không trung
Lửa nung giữa lửa tương
phùng vẹn nguyên
Trăng ngân tiếng Mẹ dịu
hiền
Xe trong muôn nẻo vạn
duyên hợp hòa"
(Sóng trăng)
Ánh
trăng của trời, ngọn lửa của đất và sự hồn nhiên của con người hòa quyện, mở ra
không gian huyền nhiệm – nơi sự sống và linh hồn đạt đến sự giao hòa trọn vẹn.
Ở
chương 1, ngọn lửa nhỏ nhoi vụt lên thắp sáng những ước vọng mong manh, những
giấc mơ dang dở của trẻ thơ chưa kịp có hình hài. Câu chuyện từ đây
mở ra một cánh cửa đầy hứa hẹn, nơi ngọn lửa mang cơ hội hồi sinh cho một giấc
mơ chưa chạm tới. Hy vọng bừng lên, thắp sáng cõi giới luân hồi.
"Một ngọn lửa khác, đâu đó trong
thế giới này, hoặc chưa xuất hiện, cũng đang thắp lên ánh sáng. Con hy vọng,
một ngày nào đó, hai ngọn lửa có thể tìm thấy nhau, gọi nhau trong ánh
sáng."
(Chương 1: Linh hồn vẽ dở)
Ngọn
lửa đơn độc trong cõi mông lung ấy không ngừng hy vọng cuộc gặp gỡ giữa hai
linh hồn để kết thành “ngọn lửa đôi” (twin flame) – một mối liên hệ tâm hồn sâu
sắc và tương hỗ. Bằng biểu tượng này, tác giả đã phát lộ khát vọng chuyển hóa
từ tình trạng cô độc, đơn lẻ, thiếu khuyết sang liên kết, hòa hợp, hoàn hảo.
Theo
nhà ngoại cảm Leslie Sampson,"Ngọn
lửa đôi" (twin flame) là một khái niệm tâm linh, tin rằng mỗi người có một
linh hồn song sinh – nửa kia của chính mình. Cuộc gặp gỡ giữa hai linh hồn này
tạo nên kết nối sâu sắc, mang lại những biến chuyển lớn trong cuộc sống. Mối
quan hệ này không chỉ là tình yêu mà còn là hành trình khám phá bản thể, đối
mặt thử thách và trưởng thành tâm linh. Khi vượt qua, cả hai cùng nhau phát
triển và tiến hóa.
Mối quan hệ giữa hai ngọn
lửa đơn trong tác phẩm không chỉ là sự kết nối đơn thuần giữa hai linh hồn mà
còn là điểm khởi đầu cho sự xuất hiện của "Ngọn lửa đôi" và
"Bông hoa", những
âm thầm dẫn dắt dòng cảm xúc xuyên suốt các chương của trường ca. Sau sự thoáng
hiện trong "Sóng trăng" và chương 1, "Ngọn lửa" và
"Bông hoa" dần dần ẩn khuất, trở thành một phần không thể tách rời
của mạch ngầm trong các chương 2, 3, 4 và 5. Sự thoáng hiện thoáng ẩn của chúng
mở ra một bức tranh đa diện về tính vô thường trong cõi nhân sinh. Các chương
này làm nổi bật những vấn đề tồn tại vĩnh cửu của con người: sự mất mát, đau
đớn, day dứt và quyền năng sinh nở của Người Mẹ; tình trạng cô đơn, xa lạ trong
xã hội đương thời và những chiêm nghiệm siêu hình về nhân sinh. Các yếu tố này
cùng nhau cấu thành một không gian nghệ thuật vượt ra ngoài những ước lệ thông
thường, nơi các khái niệm về sự sống, cái chết và bản thể được đẩy đến những
biên độ cao trong tư tưởng và cảm xúc.
"Nàng nằm giữa một dải chuông lớn
nhỏ khác nhau xếp thành vòng tròn như những hành tinh xoay nhẹ, và những cốc
nến bơ thơm ngậy xuôi hai cánh tay. Nàng là một khoảng không với muôn vì tinh
tú đang rung động. Người gõ chuông vãi xuống những hạt âm thanh, chúng nối nhau
thành những đợt sóng bổng trầm ngân nga không dứt. Cơ thể nàng lấp đầy âm nhạc.
Nàng đang bắt rễ vào từng hành tinh khác nhau, tử cung nàng trỗi dậy những trái
chín lấp lánh như quả chuông vàng kim bé nhỏ, rung lên xao động sóng âm".
(Chương
3: Thanh nữ)
Đó
là cảnh giới huyền bí và
trữ tình, nơi hình ảnh Người Mẹ được liên kết với vũ trụ và âm nhạc, biểu trưng
cho sự phong nhiêu và tạo sinh. Cơ thể nàng, giống như một phần của thiên
nhiên, rung động cùng với âm thanh, tạo ra cảm giác về sự giao hòa giữa con
người và thế giới. Những Người Mẹ cảm thông, tương liên với nhau trong quá
trình sinh nở nhiều rủi ro rình rập, họ nắm tay nhau truyền sức mạnh để đưa
những sinh linh bé bỏng vào đời; những sinh linh này là những bông hoa của cây
Mẹ. Những lát cắt đời thường đan xen triết lý, phản ánh hành trình tâm linh,
nơi sự sống – từ mầm thai nhỏ bé đến linh hồn thất lạc – được nâng niu và tôn
vinh, tạo nên bản giao hưởng đầy cảm xúc về nhân sinh.
Trước khi "Ngọn lửa
đôi" trình hiện, tác giả đã dẫn người đọc đi qua những "Lát cắt đa
ảnh" tại chương 5 đầy tính ẩn dụ. Chương này có tính phân mảnh cao, nhưng
luôn có sự giao thoa giữa hiện thực đời thường và sự huyền bí, tạo thành một
bức tranh siêu thực mở ra nhiều hướng liên tưởng.
"Cái bóng đè lên tôi khá nặng, gặp
tiếng niệm chú trong tâm vang vọng, nó tan loãng và bay lên như con cò trắng.";
"Ngài ngồi đó, giữa rừng cây thanh
tịnh, bầu trời nhỏ xuống vài giọt mưa, pháp âm vang lên như sư tử chúa.";
"Trong phòng biệt giam, tử tù nằm
mơ thi thể bạn gái lành lặn tới thăm."
(Chương 5:
Lát cắt đa ảnh)
"Ngọn lửa đôi"
xuất hiện lộng lẫy tại chương 6, là biểu tượng của sự sống, tình yêu và sức
mạnh tinh thần. Ở chương đầu, linh hồn bị trói buộc trong ngọn lửa đơn, mòn mỏi
vì chia cắt khỏi nguồn sáng của chính nó. Khi ngọn lửa ấy tự giải thoát, nó tìm
lại được nửa kia và tái sinh. Cuộc hội ngộ này tạo nên một trạng thái thăng
hoa, nơi hai linh hồn hòa quyện, đồng điệu và lớn mạnh hơn, trọn vẹn hơn nhờ sự
kết hợp.
"Đêm qua, linh hồn tách ra từ thân thể tôi như ngọn
lửa bay lên, sắc xanh mát dịu. Lần đầu tiên tôi thấy linh hồn mình đẹp đẽ,
trong ngần như thế. Nó tự cắt những sợi dây đang trói chặt ánh lửa và bay lên
như được giải phóng."
(Chương 6: Ngọn lửa đôi)
Hình ảnh linh hồn tự cắt những
sợi dây trói, tượng trưng cho sự vượt qua những ràng buộc thế tục và mở đường
cho sự tái sinh. Tan vỡ rồi tái hợp, nhân vật nhận ra rằng tình yêu và sự cộng
hưởng không chỉ mang lại ánh sáng mới, mà còn tạo nên ý nghĩa tồn tại vượt qua
những ràng buộc hữu hình. "Ngọn lửa đôi" tại chương 6 không chỉ đơn
thuần là sự hội ngộ, mà còn “cùng cộng
hưởng ánh sáng, nhân lên những hoa trái tốt tươi". "Bông
hoa" chính là kết quả tự nhiên của cuộc tìm kiếm và hợp nhất đó, mang lại
sự chuyển mình, khởi nguồn cho sự hoàn hảo tinh thần của nhân vật.
Trong
ba chương cuối ("Những đứa bé ngũ cốc", "Thì thầm bên lề",
"Dải mây đa sắc"), "Ngọn lửa" và "Bông hoa" thể
hiện sự chuyển dịch từ biểu tượng của sức sống, sự tái sinh, đến vai trò dẫn
dắt hành trình hòa hợp và giải phóng.
"Ngọn lửa đôi",
trình hiện tại chương 9 (Dải mây đa sắc), trở thành biểu tượng của sự hợp nhất và cứu rỗi.
Hai ngọn lửa song hành, đối mặt với bóng tối và đau khổ để soi sáng, chữa lành.
"Bông hoa" rực rỡ giữa tầng không mang vẻ đẹp và lời nhắn nhủ: mọi
hành trình đều mang trong mình mầm mống cứu rỗi, nơi tình yêu vượt qua mọi giới
hạn" (Dải mây đa sắc). "Bông hoa" lúc này tượng trưng
cho sự tái sinh từ đớn đau và tổn thương, mang đến hương sắc của tình yêu và
lòng bao dung. Chương cuối của trường ca dẫn người đọc qua một hành trình vượt
lên khổ đau để tìm thấy sự đồng điệu, tái sinh và vẻ đẹp vĩnh cửu trong tình
yêu và .
"Bông hoa" tỏa vầng sáng rực
rỡ, mỗi cánh hoa kể lại bằng hương sắc của mình hành trình tái sinh và vượt qua
bóng tối. Hương thơm của Bông hoa chữa lành mọi vết thương và xoa dịu nỗi đau
từng bị lãng quên."
(Chương 9: Dải mây đa sắc).
* *
*
“Ngọn
lửa đôi và Bông hoa” của Nguyễn Thị Thùy Linh thấm đẫm tinh thần Phật giáo, tạo
nên những giá trị tư tưởng và nghệ thuật đặc sắc. Tác phẩm khai thác các chi
tiết nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa trong đời sống, như ánh trăng, hạt ngũ cốc, giọt
nước mắt của người mẹ... Những hình ảnh này khắc họa đời sống tinh thần, những
rung động nội tâm, và mối liên hệ sâu sắc giữa con người với thế giới xung
quanh. Các chi tiết như "Những em bé ngũ cốc cựa mình, nứt ra từ những
chiếc vỏ mỏng" hay "Dải sáng từ đôi mắt Mẹ/ Rì rầm ngấn nước
bờ đêm" là biểu hiện cụ thể của sự sống và niềm hy vọng. Tác giả khéo
léo kết hợp các phần mảnh, những mảnh ghép như những vệ tinh quay quanh trục
chính là cuộc chuyển sinh.
"Ngọn
lửa" tượng trưng cho hy vọng, ham muốn, đồng thời là năng lượng để vượt
thoát, trong khi "Bông hoa" biểu đạt cho sự thanh tịnh, trí tuệ và từ
bi. Hình ảnh "Bông hoa nở trên đỉnh núi tuyết, mớ xiêm y trắng muốt
nàng tiên nữ bỏ quên" hay "ánh sáng Ngọn lửa đôi đã lan tỏa
khắp không gian" phản ánh bước chuyển hóa của con người, từ khổ đau
đến giác ngộ. Tinh thần từ bi và trách nhiệm với chúng sinh được thể hiện qua
những đoạn miêu tả về linh hồn thai nhi, tiếng thì thầm của những mầm sống
thành hình hài, và lòng trắc ẩn dành cho những sinh linh bé nhỏ, phản ánh tư
tưởng bất hại (ahimsa) của nhà Phật.
Tinh
thần Phật giáo làm sâu sắc thêm ý nghĩa của những chi tiết nhỏ, đưa chúng vượt
lên khỏi phạm vi đời sống hàng ngày để trở thành biểu tượng tâm linh và triết
lý nhân sinh. Sự hòa quyện này tạo nên một thế giới nghệ thuật, nơi thực tại và
phi thực tại, vô minh và giác ngộ không còn phân cách.
*
* *
Trường
ca của Nguyễn Thị Thùy Linh là một tác phẩm có bản sắc trong dòng văn học sử
thi hiện đại. Mặc dù chịu ảnh hưởng của sử thi truyền thống với các yếu tố
huyền thoại, nhưng "Ngọn lửa đôi
và Bông hoa" lại phá vỡ các quy tắc của thể loại này, tạo ra một
cấu trúc mới, tự do, không bị ràng buộc bởi những yếu tố thời gian và không
gian. Điều này khiến cho trường ca tạo ra một không gian mở, hòa quyện giữa cõi
trần và các cõi giới khác, giữa mộng mơ và thực tại.
Khác
với sử thi truyền thống, nơi các sự kiện và nhân vật thường diễn ra theo tuyến
tính chặt chẽ, trường ca của Nguyễn Thị Thùy Linh chứa đựng những đoạn trường
thuật đan xen giữa các chiều không-thời gian. Sự chuyển tiếp giữa quá khứ và
hiện tại, giữa giấc mơ và thực tế, không chỉ tạo nên một không gian đa tầng mà
còn tái hiện những trải nghiệm cảm xúc sâu sắc. Những bước ngoặt trong câu
chuyện không được báo trước, đem lại sự bất ngờ và sự phong phú trong cảm nhận.
Hai
biểu tượng chính, "Ngọn lửa" và "Bông hoa", không hiện diện
liên tục trong tác phẩm mà có những lúc ẩn khuất, rồi bất ngờ xuất hiện trở
lại. Tôi cho rằng đây là ý đồ của tác giả xây dựng một cấu trúc mới lạ, không
theo quy ước cũ, mà điểm nhấn là sự đan xen giữa hiện thực và huyền ảo.
"Ngọn lửa" và "Bông hoa" không phải biểu tượng những anh
hùng như trong sử thi truyền thống, mà là những biểu tượng tâm linh, mang ý
nghĩa sâu sắc về sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, giữa hữu hình và vô
hình. Mỗi lần những biểu tượng ấy xuất hiện không chỉ tái hiện một câu chuyện,
mà còn mở ra những tầng nghĩa phong phú.
Các
chương trong trường ca này là sự kết hợp giữa thơ và văn xuôi, hoặc thuần thơ
văn xuôi, có thể đứng độc lập, biểu đạt một không gian riêng biệt, vừa liên
kết, vừa tách biệt. Điều này giúp tác phẩm mở rộng không giới hạn những tầng ý
nghĩa và cảm xúc. Đây là những khúc tráng ca về thiên nhiên, những hồi tưởng về
quá khứ, hay những giấc mơ huyền bí. Những yếu tố này hòa quyện vào một dòng
chảy liên tục, tạo nên sức hút và sự hấp dẫn cho người đọc.
*
* *
Thể loại trường ca hiện
đại có hướng đi riêng biệt, không theo lối truyền thống, nó mở ra những quan niệm
mới mẻ về cấu trúc và cách tiếp cận. Trong khi trường ca truyền thống thường là
một bài thơ dài hoặc câu chuyện thơ mang tính sử thi, trường ca hiện đại không chỉ
đơn thuần là sự nối tiếp của một câu chuyện mà còn là những lớp cắt thời gian đa diện, phản ánh sự
phức tạp của đời sống con người. Các tác phẩm của các nhà thơ thuộc thế hệ sau Đổi mới
(1986) đã cho thấy rõ sự
cách tân này, mỗi tác giả mang đến một quan niệm và cách tiếp cận riêng biệt về thể loại
trường ca.
Nhà thơ Nguyễn Thị Thùy
Linh, với tinh thần Phật giáo thấm đẫm, đã biểu đạt sâu sắc tư tưởng về sự
sống, cái chết và tái sinh. Trường ca “Ngọn lửa đôi và Bông hoa” của chị phản
ánh sự biến hóa không ngừng của vũ trụ và con người, đồng thời mở ra một không
gian triết lý đầy chiêm nghiệm, nơi sự sống được nhìn nhận như một dòng chảy vô
tận, không ngừng vận hành qua những chu kỳ tái sinh. Tác phẩm này đánh dấu một
hướng đi mới trong sáng tác của Nguyễn Thị Thùy Linh, và tôi kỳ vọng chị sẽ
tiếp tục cho ra đời những tác phẩm đột phá, giàu tính sáng tạo như vậy.
Ninh
Bình, 15/1/2025
M.V.P
___________________
"Lục bát trăng vàng" là giải Nhất cuộc thi Thơ do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp với website Lục bát Việt Nam, Tạp chí Hữu nghị, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Tạp chí điện tử Viettimes, Công ty Quảng cáo Báo chí Truyền hình Việt Nam đồng tổ chức.