image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Thi pháp ca dao trong thơ lục bát Sơn Ca Linh (phê bình) – Mai Văn Phấn

Thi pháp ca dao trong thơ lục bát Sơn Ca Linh

 

 Nhà thơ Sơn Ca Linh

 

 

Mai Văn Phấn

 

“Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.

Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về”

(Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu 9, 3738)

 

Thi pháp ca dao là hệ thống đặc điểm nghệ thuật, phương thức biểu đạt và cấu trúc thẩm mỹ của ca dao – một thể loại trữ tình trong văn học dân gian. Hình thành từ ngôn ngữ, tư duy và lối diễn đạt của nhân dân trong đời sống, ca dao mang nét giản dị, giàu nhạc tính và tự nhiên. Không chỉ phản ánh tâm tư, tình cảm của con người, ca dao còn thể hiện thế giới quan gắn liền với lao động và sinh hoạt cộng đồng. Thi pháp ca dao được thể hiện qua lối diễn ngôn mộc mạc, đậm chất dân gian, cùng tư duy thẩm mỹ đề cao vẻ đẹp của lao động, tình quê, thiên nhiên và phong tục tập quán. Những đặc trưng này góp phần định hình diện mạo văn học dân gian, thấm sâu vào thơ ca Việt Nam, đặc biệt là thể thơ lục bát. Tiếp nối mạch nguồn ấy, thơ lục bát của Sơn Ca Linh kế thừa tinh thần thi pháp ca dao, đồng thời mở rộng chiều kích tâm linh. Là một linh mục, Ngài vận dụng nhuần nhuyễn nghệ thuật ca dao vào thơ lục bát để lan tỏa Tin Mừng. Những hình ảnh quen thuộc như cánh đồng, con trâu, bến nước, mái nhà tranh – vốn gắn liền với đời sống dân dã – nay được tái hiện, trở thành biểu tượng của sự tín thác và tình yêu Thiên Chúa.

Bài viết này nhằm phân tích thi pháp ca dao trong thơ lục bát Sơn Ca Linh qua các phương diện: ngôn ngữ, giọng điệu, diễn ngôn, tư duy nghệ thuật và kiến tạo tác phẩm, nhằm làm rõ sự kết hợp hài hòa giữa tinh thần dân gian và ánh sáng đức tin.

Ngôn ngữ và giọng điệu là hai yếu tố quan trọng tạo nên bản sắc của thi pháp ca dao. Đặc trưng này khi được vận dụng vào thơ lục bát tạo ra sự gần gũi, dễ nhớ, dễ thuộc, có khả năng lan tỏa sâu rộng. Sơn Ca Linh đã kế thừa giọng điệu ca dao, hình thành những vần thơ lục bát dung dị mà sâu lắng, thấm đượm tinh thần dân gian. Câu ca dao "Thân em như tấm lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai" khắc họa số phận mong manh của người phụ nữ xưa qua hình ảnh tấm lụa đào, ẩn dụ cho sự bấp bênh của số phận trước những biến động xã hội. Đây là một đặc trưng nghệ thuật quen thuộc trong ca dao: mượn vật thể để biểu đạt thân phận con người, đặc biệt là người phụ nữ. Trong thơ Sơn Ca Linh, lối diễn đạt này được vận dụng nhuần nhuyễn, khi những hình ảnh đời thường mang ý nghĩa thiêng liêng, trở thành dấu chỉ của ân sủng:

"Cần chi bạc tỉ vàng mười,

Một tia mắt, một nụ cười, đủ sang !

Cần chi xe ngựa thênh thang,

Bên nhau những tấm lòng vàng là duyên."

(Cần chi)

Thơ Sơn Ca Linh không cầu kỳ, mà chắt lọc từ chính đời sống thường nhật. Tính dân gian trong ngôn ngữ thơ thể hiện trong cách kết hợp từ ngữ, cách tạo hình ảnh thân thuộc với đời sống người thôn quê.

"Vô thanh, vô sắc, vô cầu,

Con cò dưới nắng, con trâu bên đồng.

Thuyền trôi lặng lẽ bên sông,

Ven đường rợp bóng cây trông lên trời."

(Chiêm niệm)

Ca dao thường mang giọng điệu nhẹ nhàng, tâm tình, đôi khi là lời nhắn nhủ hoặc đối đáp, tạo nên sự gắn kết: “Của tuy tơ tóc má hồng/ Chẳng bằng đức hạnh một lòng thủy chung”. Sơn Ca Linh tiếp thu lối diễn đạt này, phát triển thành giọng điệu trữ tình, thân thuộc, thấm đượm suy niệm.

"Chẳng cần kẻ đón người đưa,

Mà sao duyên vẫn sớm trưa ngọt ngào?

Cần chi môi thắm má đào,

Vẫn vui vẫn đẹp… là sao hỡi người?"

(Góc chiều)

Thơ lục bát của Sơn Ca Linh kết tinh những giá trị tinh túy của thi ca truyền thống, đồng thời mở rộng biên độ biểu đạt của thể thơ này trong ánh sáng Thiên Chúa. Với nhịp điệu nhẹ nhàng, vần điệu hài hòa, thơ Ngài vừa tôn vinh vẻ đẹp dung dị của ngôn ngữ vừa lắng đọng trong chiều sâu thiêng liêng của tâm hồn, nơi niềm tin và ân sủng hòa quyện.

“Trâu ơi ta bảo trâu nầy,

Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”

Kẻo mùa xuân lại đi qua,

Hạ về đông lại nước ra đầy đồng…

Cây xoan vừa mới trổ bông,

Bờ quê vạn thọ đã hồng môi xinh.

Gió mùa xuân nắng thuỷ tinh,

Luống sâu chân bước có mình với ta.

Bùn lầy nước đọng nẻo xa,

Con chim én liệng reo ca lưng trời.

Bây giờ vất vả đầy vơi,

Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!"

Nhà thơ đã dùng hai câu ca dao “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta” làm đề từ cho bài thơ của mình. Lời gọi trâu sâu đậm tình cảm, trân trọng người bạn đồng hành trong lao động; gợi lên bức tranh đồng quê thân thuộc, hàm chứa tinh thần gieo trồng hạt giống Tin Mừng. Hình tượng “con trâu” và “cánh đồng” tái hiện khung cảnh lao động nơi thôn dã, mang ý nghĩa thiêng liêng, biểu trưng cho sứ mệnh của các tông đồ trên “cánh đồng truyền giáo”. Hình ảnh những người gieo giống, vốn được mô tả sinh động trong Sách Phúc Âm, trở thành biểu tượng của lòng kiên trì, sự tận tụy và niềm tin vào sự trổ sinh hoa trái của Lời Chúa: “Các ngươi hãy nghe! Này, có người gieo giống đi ra gieo hạt. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có hạt rơi trên sỏi đá, nơi không có nhiều đất; nó mọc ngay vì đất không sâu, nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì không có rễ nên bị chết khô. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt, và nó không sinh hoa kết quả. Nhưng có những hạt rơi vào đất tốt, mọc lên, lớn lên và sinh hoa kết quả: hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi, hạt thì được một trăm.” Rồi Người nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe!” (Phúc Âm theo Thánh Mác-cô 4, 3-9). Nhà thơ Sơn Ca Linh đã mời gọi mỗi người sẵn sàng vun xới cánh đồng truyền giáo để mùa màng đức tin được bội thu. Lời gọi trâu ra đồng chính là lời mời gọi con người dấn thân, không chần chừ trước sứ mạng gieo hạt đức tin. Sự thay đổi của thiên nhiên – từ cây xoan trổ bông đến những bông hoa vạn thọ rực rỡ – phản ánh thời điểm chín muồi của tâm hồn con người khi sẵn sàng đón nhận Lời Chúa. Dẫu công việc có vất vả, nhưng mùa lên trĩu hạt là phần thưởng xứng đáng cho những ai bền lòng. Câu kết của bài thơ mang tinh thần thôi thúc mạnh mẽ: "Bây giờ vất vả đầy vơi,/Mùa lên trĩu hạt… trâu ơi, ngại gì!". Công cuộc truyền giáo dù gian khó, nhưng nếu bền bỉ, kiên trì như con trâu không quản ngại đồng sâu, cuối cùng sẽ gặt hái được mùa màng bội thu. Đây chính là niềm tin vào sự lan tỏa của ánh sáng thiêng liêng – khi một hạt giống nhỏ bé được gieo vào lòng người, đến mùa sẽ sinh hoa kết quả.

Một trong những yếu tố quan trọng của thi pháp ca dao là cấu trúc hỏi - đáp, đối ngẫu, gắn liền với đời sống nhân sinh. "Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Lối diễn đạt này phổ biến trong các bài ca dao triết lý, giao duyên tình tứ: "Bao giờ cho chuối có cành/ Cho sung có nụ, cho hành có hoa?"; hay "Bao giờ trạch đẻ ngọn đa/ Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình". Những đặc điểm này được Sơn Ca Linh vận dụng linh hoạt trong thơ lục bát, mở ra suy tư sâu lắng về đức tin.

"Thôi rồi ! lại chuyến ra khơi,

Theo Thầy cứ phải “một đời lênh đênh” !

Đã qua bao chặng thác ghềnh,

Chiều nay cứ tưởng ngọt mềm ấm môi !

“Bờ bên kia” dẫu xa xôi,

Đò giang cách trở đơn côi cũng đành!"

(Một chuyến sang bờ)

Khổ thơ trên thấm đượm tinh thần Tin Mừng (Mc 6,45), khi Chúa Giêsu sai các môn đệ lên thuyền qua bờ bên kia. Hành trình này là thử thách của đức tin, sự vâng phục trong tinh thần dấn thân. Bằng lối đối đáp nội tâm, tác giả khắc họa tâm trạng giằng co giữa sự lưu luyến và trách nhiệm, giữa những khó khăn phía trước và niềm tin vào sứ mạng. Hình ảnh "bờ bên kia" trở thành biểu tượng của sự phó thác, khi người môn đệ sẵn sàng lên đường dù biết trước những gian nan, nhưng vẫn bước đi theo tiếng gọi của Đức Kitô.

Thi pháp ca dao thường sử dụng hình ảnh quen thuộc với đời sống nông thôn, phản ánh những cảnh vật, con người trong môi trường lao động và sinh hoạt hàng ngày. "Trời mưa thì mặc trời mưa/ Đôi ta thương nhớ có chừa được đâu". Đây là lối diễn đạt đặc trưng của dân gian: lấy cảnh gợi tình, dùng sự vật quen thuộc để ẩn dụ triết lý sống. Sơn Ca Linh đã chuyển hóa những hình ảnh ấy thành thông điệp tôn giáo và suy niệm:

"Ngoài kia đời những bến mê,

Trong này gió dịu vườn quê sum vầy…"

(Góc Chiều)

Thi pháp ca dao được thể hiện trong tư duy nghệ thuật và tư tưởng thẩm mỹ, đề cao cái đẹp của lao động, thiên nhiên, tình yêu và sự gắn kết cộng đồng. "Ai ơi bưng bát cơm đầy, Nhớ công hôm sớm cấy cầy cho chăng". Sơn Ca Linh cũng khai thác tinh thần này trong thơ lục bát:

"Chị tôi đi chợ dưới làng,

Bờ vai quang gánh dịu dàng rau tươi."

(Nghĩ mà thương chị!)

Dưới ngòi bút của Sơn Ca Linh, những hình ảnh bình dị vừa là bức tranh lao động vừa là ẩn dụ về sự vun trồng đức tin và lòng nhân ái:

"Bàn tay ấm, nụ cười tươi,

Bếp chiều bên ấy chờ khơi lửa hồng."

(Một chuyến sang bờ)

Câu thơ của Sơn Ca Linh vừa gợi lên hình ảnh gia đình quây quần, ấm áp, giống như một biểu tượng của sự đoàn tụ trong tình yêu Thiên Chúa, vừa mang âm hưởng của câu ca dao "Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn".

Trong thi pháp ca dao, không gian và thời gian nghệ thuật là những yếu tố mang tính biểu tượng; đó là làng quê thanh bình với những hình ảnh quen thuộc như cánh đồng, bến nước, mái đình, lũy tre, dòng sông... Thời gian lại mang tính chu kỳ, gắn với nhịp sống của thiên nhiên và lao động nông nghiệp, mùa gieo trồng, gặt hái… "Trời xanh, bông trắng, cỏ xanh/ Ai đi mà chẳng nhớ anh một lần"; "Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ Tháng Ba thì đậu đã già/ Ta đi ta hái về nhà phơi khô". Thơ của Sơn Ca Linh kế thừa tinh thần ấy, khắc họa rõ nét đời sống người nông dân gắn liền với mùa màng, thời vụ, phản ánh nhịp sống lao động bình dị nhưng thấm đượm ý nghĩa thiêng liêng.

"Mùa lên lúa lại vàng đồng,

Chờ tay gặt mới rượu nồng đầy vơi."

(Một chuyến sang bờ)

Bên cạnh đó, Sơn Ca Linh còn gắn kết không gian ca dao với đời sống tu trì – nơi những người tận hiến đã lựa chọn con đường dâng hiến thiêng liêng, xa rời những bon chen trần thế để tìm đến tình yêu tuyệt đối:

"Thương Làng Sông một góc chiều,

Thương em chọn sống, chọn yêu… lạ đời!"

(Góc chiều)

Thơ lục bát của Sơn Ca Linh là lời nguyện dâng lên Thiên Chúa, chiêm nghiệm về đức tin. Tác giả không phá cách hay hiện đại hóa lục bát như một số nhà thơ đương đại, mà vẫn trung thành với những giá trị cốt lõi của thể thơ này, đồng thời nâng lên một chiều kích khác – chiều kích tâm linh. Trong bài "Tràng Mân Côi của mẹ tôi", nhà thơ vẫn sử dụng những hình ảnh quen thuộc của đời sống bình dị như “trái chín đong đưa”, “thân cò”, “mỗi hạt kinh”, nhưng tất cả những hình ảnh đó lại mang đậm dấu ấn của đời sống cầu nguyện:

"Tuổi già trái chín đong đưa,

Mỗi cơn gió nhẹ cũng thừa lắng lo.

Một đời mòn mỏi thân cò,

Đường xa héo hắt chuyến đò thời gian.

Mỗi hạt kinh, mỗi gian nan,

Tràng Mân Côi đó mẹ van mẹ cầu."

Thơ Sơn Ca Linh là sự nối dài của dòng thơ dân gian, nhưng được mặc lên tấm áo của đời sống đức tin, nơi con người không chỉ đối thoại với thiên nhiên, đồng quê, mà còn với Thiên Chúa, và với chính những thử thách trong hành trình của mình.

Một thủ pháp quen thuộc trong ca dao là tạo nhạc tính; đó là cách gieo vần, lặp lại cấu trúc, điệp từ, điệp ngữ… nhằm tạo âm hưởng du dương, đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa và cảm xúc trong lời thơ: "Bồng bồng cõng chồng đi chơi/ Đi đến chỗ lội đánh rơi mất chồng"; hay "Thương người chín nhớ mười mong/ Mười thương, mười nhớ, một lòng sắt son".

Tương tự như ca dao, Sơn Ca Linh lặp lại từ "Cần chi" ở đầu các câu lục trong bài thơ "Cần chi": "Cần chi gác tía lầu son/... Cần chi “hải vị sơn hào” /...  Cần chi bạc tỉ vàng mười/... Cần chi xe ngựa thênh thang, /... Cần chi danh vọng chức quyền…, /... Cần chi ôm mộng đế vương". Qua đó, tác giả muốn nhấn mạnh tư tưởng từ bỏ phù hoa, đề cao đời sống thanh bạch và giản dị. Mỗi câu thơ đều mở đầu bằng "Cần chi", sau đó so sánh đối lập hai hình ảnh: "Gác tía lầu son" >< "Bụi tre bóng mát", "Hải vị sơn hào" >< "Vài con cá nhỏ", "Bạc tỉ vàng mười" >< "Một tia mắt, một nụ cười". Cách lặp này vừa tạo nhịp điệu chậm rãi, sâu lắng, vừa thể hiện sự xác quyết mạnh mẽ về lối sống an nhiên, tự tại, lấy yêu thương và sẻ chia làm nền tảng. Đồng thời, cấu trúc lặp song hành giúp bài thơ có tính liệt kê, từng bước khẳng định giá trị của đời sống tu hành – nơi danh vọng, quyền lực hay vật chất đều trở nên vô nghĩa trước tình yêu và lời nguyền dấn thân. Như vậy, "Cần chi" vừa là một câu hỏi tu từ vừa là lời khẳng định dứt khoát về sự lựa chọn của những người đã dành trọn cuộc đời cho đức tin và tình yêu thương Thiên Chúa.

Trong bài "Thiên thu anh vẫn đợi chờ…!", Sơn Ca Linh cũng sử dụng điệp ngữ "Theo anh" để thể hiện sự trung thành và dấn thân của nhân vật trữ tình khi theo Đức Kitô. Với điệp ngữ này, tác giả muốn nhấn mạnh tinh thần thánh hiến trong lời đề từ của bài thơ: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao?” Ông Si-mon Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời…” (Phúc Âm theo Thánh Gioan 6,67-68).

"Theo anh dầu dãi gió sương,

Bữa no bữa đói mười thương vẹn mười.

Theo anh bỏ cả xuân tươi,

Tình xưa nghĩa cũ chia phôi cũng đành.

Theo anh vượt thác băng ghành,

Lang thang hoang mạc tròng trành biển sâu."

(Thiên thu anh vẫn đợi chờ…!)

"Điệp ngữ 'Theo Anh' tạo nhịp điệu, truyền tải thông điệp mạnh mẽ về lòng tín trung, sự hy sinh và hành trình dấn thân theo Chúa. Hành trình này, dù đầy thử thách, nhưng chính trong sự từ bỏ và phó thác, con người mới tìm thấy ý nghĩa đích thực và sự sống đời đời.

Trong thi pháp ca dao, nhịp thơ thường êm dịu, nhẹ nhàng, uyển chuyển như lời ru ngọt ngào, không chỉ diễn tả tình cảm chân thành mà còn gắn kết con người với cộng đồng, Thiên Chúa. Trong bài "Đức Mẹ và lời ru bên máng cỏ", ta có thể cảm nhận được tiếng ru của mẹ hiền – dịu dàng, trìu mến, nhưng cũng chan chứa nỗi niềm và sứ mạng thiêng liêng:

"Con ơi, Con ngủ đi Con,

Ngủ đi một giấc nồng ngon yên bình.

Dẫu ngoài kia dậy điêu linh,

Nuôi Con sữa mẹ ấm tình lòng cha…

...

Con ơi ngủ giấc êm đềm,

Bình minh đang tới trời đêm qua rồi!

Mấy ngàn năm ước sương rơi,

Mây mưa Đấng Thánh…, đây rồi: Con ta!"

Tình mẫu tử trong bài thơ là sự truyền trao đức tin, niềm hy vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn, qua sự bảo vệ và cứu rỗi của Đấng Thánh. Bài thơ "Đức Mẹ và lời ru bên máng cỏ" rất gần với những câu ca dao nói về sự hy sinh và lo lắng của người mẹ dành cho con: "Lên non mới biết non cao,/ Nuôi con mới biết con sao mẹ màng."; "Ôm con mẹ đếm sao trời/ Đếm hoài không hết một đời long đong". Bài thơ của Sơn Ca Linh viết về tình yêu thương vô bờ của Đức Mẹ Maria dành cho Ngôi-Lời-Nhập-Thể mang đậm tinh thần hy sinh và bảo vệ, tương đồng với những bài ca dao của Việt Nam, đặc biệt là những câu hát ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng. Cả hai đều thể hiện tình yêu vô biên và kiên định, dù đối diện với gian truân. Ca dao khắc họa tình mẫu tử trong nghịch cảnh, còn thơ Sơn Ca Linh mở ra không gian thiêng, nơi Đức Mẹ Maria yêu thương, bảo bọc Chúa Giêsu và nuôi dưỡng đức tin nhân loại.

Trong những bài thơ mang đậm chất chiêm nghiệm và suy tư, Sơn Ca Linh sử dụng nhịp điệu khoan thai, trầm lắng, tạo nên chiều sâu triết lý. Ngược lại, trong các tác phẩm khắc họa thiên nhiên hoặc biểu đạt tình cảm, nhịp điệu thơ lại trở nên linh hoạt, giàu cảm xúc, phản ánh sự biến đổi tinh tế trong cách thể hiện tâm trạng và tư duy nghệ thuật của tác giả.

"Vô thanh, vô sắc, vô cầu,

Con cò dưới nắng, con trâu bên đồng.

Thuyền trôi lặng lẽ bên sông,

Ven đường rợp bóng cây trông lên trời.

Theo vòng khói thuốc xa khơi,

Chập chùng bể khổ chơi vơi phận người."

(Chiêm niệm)

Khổ thơ khơi gợi hành trình tâm linh, từ hình ảnh đời thường đến khát vọng thinh lặng và ân sủng Thiên Chúa. Những hình ảnh “con cò", "con trâu”, hay “thuyền trôi” vừa gợi sự bình dị của đời sống, vừa phản chiếu một thế giới được tạo dựng bởi Đấng-Sáng-Tạo. Nhưng giữa bức tranh ấy, con người lại “chập chùng bể khổ chơi vơi phận người” – một thân phận lữ hành còn nhiều khắc khoải. Điều này gợi nhớ đến lời Chúa Giêsu: “Hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu 11, 28). Trong sự chông chênh của kiếp nhân sinh, vẫn thấp thoáng niềm hy vọng: “đèn cung thánh gọi ai về niệm kinh” – hình ảnh mang tính biểu tượng của Ơn Gọi trở về bên Chúa, nơi con tim tìm được sự bình an.

Ngôn ngữ thơ của Sơn Ca Linh chịu ảnh hưởng sâu sắc từ dân gian, đồng thời giàu tính hình tượng. Nhà thơ vận dụng linh hoạt những cụm từ quen thuộc trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, tạo nên sự gần gũi, mạch lạc nhưng vẫn giàu sức gợi.

"Bây giờ Ngài muốn ở đây,

“Thân tàn ma dại” như cây khô mầm!"

(Từ đây năm tháng lặng thầm)

“Thân tàn ma dại” là cách nói dân gian, nhằm biểu đạt sự suy tàn, tiêu điều của một thân phận đã chịu nhiều biến cố. “Ma dại” là một ẩn dụ, biểu tượng dân gian về sự bơ vơ, mất phương hướng trong hoàn cảnh khó khăn, phản ánh tâm trạng cô đơn, bế tắc.

Ngôn ngữ trong thơ Sơn Ca Linh thường giàu tính biểu cảm, tạo rung động nhẹ nhàng mà lắng đọng. Câu chữ của Ngài tựa những lời thủ thỉ, tâm tình, đậm chất tự sự và hòa quyện với văn hóa dân gian:

"Chẳng cần kẻ đón người đưa,

Mà sao duyên vẫn sớm trưa ngọt ngào?

Cần chi môi thắm má đào,

Vẫn vui vẫn đẹp… là sao hỡi người?"

(Góc chiều)

Đoạn thơ trên của Sơn Ca Linh gợi cho ta nhớ tới câu ca dao quen thuộc "Còn duyên kẻ đón người đưa/ Hết duyên đi sớm về trưa một mình". Ở đây bộc lộ một sự tương phản. Ca dao mang nỗi buồn, một cảm giác chia ly, không còn duyên để gặp gỡ, còn thơ Sơn Ca Linh lại mang tinh thần khẳng định sự tồn tại bền vững của duyên dù không có sự hiện diện của những yếu tố bên ngoài. Những câu thơ này khiến người đọc liên tưởng đến những câu hát giao duyên, lời đối đáp trong dân ca, nơi tình cảm không cần đến những thứ hào nhoáng mà vẫn bền chặt, lắng sâu.

Sơn Ca Linh thường mượn cách nói dân gian nhưng đặt tại nơi thiêng, biến những lời ca mộc mạc thành ngôn ngữ cầu nguyện, nơi những hình ảnh quen thuộc của đời sống trở thành biểu tượng của đức tin và sự phó thác vào Thiên Chúa:

"Ngàn khơi đâu ngại tay chèo,

Chông gai nào quản, khó nghèo xin vâng.

Hành trang mấy hạt Tin Mừng,

Lên non chồi mọc, xuống đồng mạ xanh…"

(Từ đây năm tháng lặng thầm)

Nhà thơ đã sử dụng ngôn ngữ dân gian để khắc họa hành trình đức tin đầy gian nan mà kiên vững. Những hình ảnh quen thuộc trong ca dao, tục ngữ như "ngàn khơi", "chông gai" được đặt trong ánh sáng đức tin, thể hiện sự kiên nhẫn và chấp nhận thử thách. Thơ là sự kết hợp giữa đời sống dân gian và tâm linh, thể hiện đức hy sinh và sự tín thác vào Chúa.

Thơ lục bát Công giáo là một mảng đặc sắc của văn học Việt Nam, kết hợp hài hòa giữa truyền thống thi ca dân tộc và ánh sáng đức tin, tạo nên những tác phẩm giàu giá trị nghệ thuật và tâm linh. Tiêu biểu trong dòng thơ này là các thi sĩ Lê Đình Bảng, Trăng Thập Tự, Cao Gia An, S.J. và Sơn Ca Linh. Mỗi tác giả, với đức tin làm nền tảng, đã mở rộng thơ lục bát sang chiều kích thiêng liêng, biến thơ ca thành lời nguyện cầu và suy tư về ân sủng. Nếu Lê Đình Bảng thiên về trữ tình, lãng mạn, Trăng Thập Tự đào sâu vào triết lý và ẩn dụ thần học, Cao Gia An, S.J. thể hiện sự suy tư nội tâm và chiêm nghiệm thiêng liêng, thì Sơn Ca Linh lại mộc mạc, gần gũi với ca dao và mang đậm tinh thần truyền giáo.

Sơn Ca Linh (hoặc "Cha sở nhà quê") là bút danh của Linh mục Giuse Trương Đình Hiền, sinh năm 1952 tại Trà Câu, Quảng Ngãi. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Các tác phẩm của Ngài đã in gồm: "Ngôn ngữ Tin mừng trong dáng đứng Việt Nam" (chủ biên một sưu tập); "Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao" (chủ biên một sưu tập); "Linh mục, một cuộc đời mắc nợ" (thơ, nhạc, ký). Nhà thơ Sơn Ca Linh viết nhiều thể loại thơ, trong đó nhiều nhất là thơ tự do với các bài “diễn ca”, “huấn ca” để truyền bá Tin Mừng.

Sơn Ca Linh khẳng định vị trí trong dòng thơ lục bát Công giáo Việt Nam bằng cách kế thừa thi pháp ca dao và mở rộng phạm vi biểu đạt, khơi mở chiều kích thiêng liêng và cảm thức tâm linh. Nhà thơ giữ nguyên vẻ đẹp dân gian của thơ lục bát nhưng đồng thời chuyên chở suy tư thần học, biến thơ thành lời nguyện cầu giàu ý nghĩa.

Điểm nổi bật trong thơ Sơn Ca Linh là sự hòa quyện giữa tinh thần dân gian và đức tin Kitô giáo. Ngài vận dụng ngôn ngữ, giọng điệu, hình ảnh ca dao nhưng không chỉ ca ngợi thiên nhiên, tình yêu hay quê hương như lục bát truyền thống, mà dùng chúng để diễn tả hành trình đức tin, lòng tín thác vào Thiên Chúa và tinh thần tận hiến. Nhờ đó, thơ Ngài vừa giản dị, thân thuộc, vừa chứa đựng chiều sâu suy tư của đời thánh hiến.

Thơ Sơn Ca Linh góp phần làm phong phú diện mạo lục bát Việt Nam, đặc biệt trong dòng thơ Công giáo. Ngài dùng thể thơ này để gieo hạt giống Tin Mừng một cách nhẹ nhàng mà sâu sắc. Những vần thơ mộc mạc nhưng thấm đượm tinh thần thiêng liêng của Ngài đã nối dài dòng chảy thi pháp ca dao trong thơ Công giáo đương đại, để lại dấu ấn riêng trong nền văn học Việt Nam.

 

Hải Phòng 18/3/2025

M.V.P

 

 

 

Cách Dùng Bàn Tay Của Bạn Để Cầu Nguyện

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị