Hình tượng Đức Mẹ Maria trong thơ Xuân Ly Băng (phê bình) – Mai Văn Phấn
Hình tượng Đức Mẹ Maria trong thơ Xuân Ly Băng

Nhà thơ Xuân Ly Băng
Mai Văn Phấn
"Biết rằng là
Mẹ Chúa Trời
Cũng là Mẹ của loài
người chúng con"
Xuân Ly Băng
Nhà thơ Xuân Ly Băng, bút danh của Đức Ông Gioan
Baotixita Lê Xuân Hoa (1926–2017),
là một trong những chứng nhân tiêu biểu của văn học Công giáo Việt Nam. Thơ của
Ngài mang đậm dấu ấn tư tưởng thần học và những chiêm nghiệm tâm linh, hòa
quyện giữa ánh sáng đức tin Thiên Chúa, vẻ đẹp con người và tình yêu quê hương.
Qua hơn 1.000 bài thơ, trong đó 120 bài đã được phổ nhạc, Ngài đã để lại một di sản
tinh thần đồ sộ và quý giá, làm phong nhiêu đời
sống đức tin và văn hóa của cộng đoàn Dân Chúa.
Tôi đến với thơ Xuân Ly Băng khá muộn, khi những suy tư sâu sắc về sự
nghiệp thi ca của Ngài đã được các tu sĩ, nhà thơ và nhà phê bình văn học lần
lượt khám phá. Tuy nhiên với tôi, hành trình tìm hiểu thơ Ngài vẫn luôn là một
hồng ân, mở ra những chiều kích thiêng liêng mới mẻ. Trong không gian đó, đức
tin và tình yêu hòa quyện, thăng hoa, tạo nên sự kết nối sâu sắc giữa con người
và Đấng-Toàn-Năng.
Thơ Xuân Ly Băng trình hiện một miền ánh sáng, một vùng khí hậu, nơi lan
tỏa vẻ đẹp của đức tin Thiên Chúa và chiều sâu thi ca. Trong tâm tình cầu
nguyện cho Đức Ông Gioan Baotixita, tôi suy ngẫm về hình tượng Đức Mẹ Maria –
một mẫu gương bất diệt của tình yêu thương, niềm hy vọng và lòng từ bi. Hình
ảnh Đức Mẹ Maria cũng là một trong những chủ đề nổi bật trong thơ Xuân Ly Băng,
nơi tràn đầy cảm xúc linh thiêng và lòng tôn kính.
Hình tượng Đức Mẹ Maria từ lâu đã trở thành biểu trưng thiêng liêng trong văn học, nghệ thuật tôn giáo và văn
hóa nhân loại. Đức Mẹ được khắc họa như dấu chỉ của vẻ đẹp trọn vẹn, đại diện
cho tình yêu thương vô bờ và sự hy sinh cao cả. Mẹ là nguồn cậy trông, niềm hy
vọng và sự an ủi cho những ai gặp khó khăn trong cuộc sống. Với vẻ đẹp thuần
khiết và tấm lòng nhân hậu, Ngài mang đến sự bình an và ban phát những phép
lành. Những hình ảnh như hoa huệ, vầng hào quang, và trái tim quấn vòng gai vừa
mang giá trị mỹ thuật vừa chứa đựng những tầng nghĩa sâu sắc về tình yêu
thương, sự cứu rỗi và mối liên hệ mật thiết giữa con người với Thiên Chúa. Đức
Mẹ Maria, vì thế, trở thành hình mẫu lý tưởng của tình yêu vô biên, sự bảo vệ
dịu dàng, sự soi sáng dẫn dắt nhân loại đến gần hơn với Thiên Chúa.
Nhà thơ Xuân Ly Băng đã khắc họa Đức Mẹ Maria theo
cách riêng, tràn đầy ân sủng và cảm hứng thiêng liêng. Đức Mẹ hiện ra trong thơ
Ngài là nguồn an ủi dịu dàng, là vòng tay che chở; là dòng sông yêu thương tưới mát cõi
lòng, là đôi cánh dịu dàng nâng đỡ những tâm hồn khổ đau. Trong lần trả lời phỏng vấn của nhà thơ Trăng Thập Tự,
Xuân Ly Băng đã bày tỏ lòng tôn kính sâu sắc và tình yêu mến vô hạn đối với Đức
Mẹ. Mẹ Maria với Ngài là sự gắn bó bẩm sinh, là kết nối đức tin với huyết thống
gia đình Ngài: "Nói về Mẹ Maria là
nói đến cả một trời yêu, vì Maria có nghĩa là biển, có nghĩa là cay đắng. Lòng
yêu mến Đức Mẹ cũng do bẩm sinh, có thể do đức tin của người mẹ và huyết thống
của gia đình. Rất có thể từ khi còn trong bụng mẹ, tôi đã cảm được lòng yêu mến
Đức Mẹ. Trong bài Nhớ Xưa, tôi đã nói đến điều đó. Còn hỏi điều gì nơi Đức Mẹ
gây cảm hứng nhiều nhất, thì phải nói rằng toàn thể Đức Mẹ đều gây cảm hứng dạt
dào cho tôi, từ khuôn mặt, ánh mắt, đến tấm lòng từ mẫu…[1]".
Trong dòng chảy của đức tin Thiên Chúa, Đức
Mẹ Maria là nơi hội tụ niềm tin, sự che chở và lòng từ ái. Trong thơ Xuân Ly
Băng, hình tượng Đức Mẹ là nguồn cảm hứng thiêng liêng, điểm tựa tinh thần vững
chắc, soi sáng tâm hồn người đọc. Nhà thơ đã khắc họa Đức Mẹ như hiện thân của
tình yêu thương vô biên, luôn đồng hành và nâng đỡ con cái Mẹ vượt qua mọi thử
thách. Ngài là Nữ Vương Thiên Quốc, Đấng cao cả và cực thánh, biểu trưng cho
sức mạnh tâm linh vĩnh hằng.
"Ôi Nữ Hoàng của
vương triều Thiên Quốc
Con cúi mình trước tòa Mẹ
cao sang
Chúa cho mẹ mặc áo hồng ân
Và Mẹ đội triều thiên mười
hai sao sáng
...
Từ ngàn xưa tới ngàn sau
thế kỷ
Chỉ có Mẹ cực lành cực tốt
cực từ nhân
Vì qua Mẹ ơn cứu độ Chúa
ban
Là Giêsu cho bốn phương thiên
hạ."
(Ca tụng Nữ Hoàng)
Thơ Xuân Ly Băng là lời cầu nguyện dâng lên
Đức Mẹ, nơi mọi cảm xúc, lòng thành kính và đức tin hòa quyện trong từng câu
chữ. Đó là miền tâm linh mà ở đó, hình tượng Đức Mẹ luôn tỏa sáng, che chở, dẫn
dắt tâm hồn tín hữu vượt qua mọi dâu bể cuộc đời.
"Đêm tối đi qua một
trời hồng
Bóng người Trinh nữ hiện
trên không
Ngàn muôn tinh đẩu lao xao
cả
và thơ và nhạc sáng một
vùng"
(Thinh lặng)
Sự hiện diện của Mẹ làm bừng sáng cả không
gian và tâm hồn người đọc. Đức Mẹ vừa là đại
diện của sự thánh thiện và tinh
tuyền, vừa là nguồn mạch để thi ca và nghệ thuật thăng hoa, kết nối con người
với vẻ đẹp thiêng liêng vượt khỏi giới hạn trần thế. Nhà thơ nhấn mạnh rằng
chính nơi Đức Mẹ, niềm tin, hy vọng và sáng tạo được nuôi dưỡng và lan tỏa.
Tại
những địa danh thánh thiêng, Đức Mẹ Maria luôn hiện diện trong đời sống tâm
linh của người tín hữu. Những nơi ấy trở thành biểu trưng mạnh mẽ của niềm tin
và hy vọng, minh chứng cho lòng tôn kính sâu sắc dành cho Đức Mẹ – Đấng luôn đồng hành,
chở che, nâng đỡ con cái vượt qua mọi thử thách, thăng trầm.
Lộ Đức (Lourdes), một địa danh nổi tiếng ở
Pháp, nơi Đức Mẹ Maria hiện ra với cô bé Bernadette Soubirous vào sáng ngày
11/2/1858. Kể từ đó, Đức trở thành một trong những trung tâm hành hương lớn của
Kitô giáo, thu hút hàng triệu tín hữu từ khắp nơi trên thế giới đến cầu nguyện
và tìm kiếm ơn chữa lành. Đối với người Công giáo Việt Nam, Lộ Đức là điểm tựa
tinh thần, là nguồn an ủi và niềm hy vọng, nơi mọi tín hữu luôn hướng về với
trọn vẹn tâm tình cầu nguyện.
"Mẹ biết dân con yêu
mến mẹ
Khi hiện hình tại Linh địa
La Vang
Giữa những khốn cùng đầy
máu lệ
Mẹ Lộ Đức cũng là Mẹ Việt
Nam"
(Hành Hương Lộ Đức)
Đức Mẹ trở thành hình mẫu lý tưởng của tình yêu vô bờ, không phân biệt biên giới. Mẹ
luôn đồng hành và bảo vệ con cái, là điểm tựa tinh thần vững vàng cho mọi dân
tộc.
Hình ảnh Đức Mẹ hiện ra tại La Vang, một địa
danh linh thiêng ở Quảng Trị, được ghi nhận vào năm 1798. Đây là một sự kiện vĩ
đại trong lịch sử Giáo hội Công giáo Việt Nam, khi Đức Mẹ đến với đoàn con cái
Ngài đang lánh nạn trong rừng, mang cho họ sự an ủi, che chở và tình yêu thương
vô biên. Xuân Ly Băng đã khắc họa Đức Mẹ La Vang như một mẫu gương của sự bảo
vệ dịu dàng và niềm hy vọng vững bền, phản ánh đức tin kiên vững của cộng đồng
tín hữu Công giáo.
"Một đêm kia, khách hỡi
Có bà áo trắng hiển linh
Huy hoàng bên một cỗ đình
cành đa
Tay tiên ẵm Chúa nõn nà
Hào quang thiên sứ giãi ra
một vùng …
Miệng Bà ngọt ánh trăng
trong
“Các con ơi cứ vững lòng
cậy trông
Truân chuyên nhận lấy vui
lòng
Lời kinh Mẹ dạy đã ghi tấc
vàng
Ơn trời Mẹ sẽ trao ban
Cho ai biết đến kêu van
nơi này
Các con bẻ lá vườn cây
Đem về gia dụng thấy ngày
diệu linh
Dứt lời Bà mới biến hình
Bâng khuâng gió tiễn hương
trinh về trời"
(La Vang Đất Mẹ)
Những phép lạ Mẹ ban chính là mầu nhiệm của
đức tin, dấu chỉ sống động về sự hiện diện đầy an ủi của Mẹ trong đời sống
chúng ta. Một địa danh linh thiêng khác tại Việt Nam là Tà Pao, nơi gắn liền
với hình ảnh Đức Mẹ và niềm tin sâu sắc của các tín hữu vào sự hiện diện che
chở của Người. Nơi đây được xem như chứng tá của nhiều phép lạ, là dấu chỉ rõ
nét về tình yêu và sự bảo bọc mà Đức Mẹ dành cho con cái mình. Trong những năm
tháng chiến tranh khốc liệt, Tà Pao đã trở thành điểm tựa thiêng liêng, nơi các
tín hữu tìm về để cầu xin sự an ủi, bảo vệ và bình an từ Mẹ.
"Ôi lạy Mẹ Tà Pao
Thời gian rách cần vá lại
Lịch sử phải sang trang
Hôm nay đây
Từ ba miền dất nước
Con cái Mẹ đổ về
Đọc lời kinh sám hối
Hát bài tôn vinh và nguyện
cầu cảm tạ
Dâng lên Mẹ trăm triệu lời
ca."
(Đức Mẹ Tà Pao)
Giữa núi rừng hoang sơ, hình ảnh Đức Mẹ Tà Pao hiện diện rạng ngời, toát lên sự thiêng liêng của tình
thương bao la và sự kiên cường vượt thời gian.
Người là hiện thân của sầu bi và hy sinh vĩnh cửu, gợi lên những chuyển biến
sâu sắc trong lòng người khi tìm về để sám hối, tạ ơn và khẩn cầu ơn lành. Sự
hiện diện của Đức Mẹ Tà Pao khẳng định mối gắn kết bền chặt giữa niềm tin và
đời sống, là nguồn sức mạnh trong những thử thách.
Những thánh địa gắn liền với Đức Mẹ Maria đã khơi
dậy niềm hy vọng, minh chứng cho sức mạnh của đức tin. Mỗi nơi Đức Mẹ hiện ra
đều nhắc nhở chúng ta về tình yêu thương vô bờ bến của Người, đồng thời khẳng
định rằng lòng tin vào Đức Mẹ chính là chỗ dựa vững chắc trong hành trình đầy
gian nan của người tín hữu.
Đức Mẹ Maria trong thơ Xuân Ly Băng là hình mẫu
che chở và bảo vệ cho tất cả những ai tìm đến. Mẹ luôn sẵn sàng mở rộng vòng
tay đón nhận những đứa con lạc lõng và yếu đuối; thể hiện sự hiền từ và lòng
thương xót, luôn thấu hiểu và xoa dịu những nỗi đau khổ, bi ai.
"Biết rằng Mẹ mến
thương con
Mẹ còn ở đó con còn ở đây
Biết rằng Mẹ đẹp trời mây
Mẹ thanh tịnh quá mà ngây
ngất lòng
Biết rằng Mẹ Đấng vô song
Kỳ công của Chúa ở trong
muôn đời"
(Tình trong thinh lặng)
Nhà thơ khắc họa Đức Mẹ như biểu tượng thanh
tịnh, ngọt ngào và vô song, suối nguồn của tình thương và ánh sáng. Chỉ cần
ngắm nhìn Mẹ, tâm hồn ta đã tràn ngập bình yên và hạnh phúc. Mẹ luôn dang rộng
vòng tay, khích lệ con cái sống trong đức mến, hy vọng, và vượt qua thử thách
để nhận ra ân sủng Thiên Chúa. Là gương mẫu khiêm nhường, vâng phục ý Chúa, Mẹ
đồng hành với tín hữu, sẻ chia niềm vui, nỗi buồn và gian nan trong hành trình
đức tin.
"Xin hãy vui mừng
Hỡi nữ tử Sion
Vì Bà được chan hòa ân
phúc
Nhờ Bà mà “Chúa ở cùng
chúng con”
Bà tràn đầy nhân đức
Nên Bà là gương mẫu thiện
toàn
Cho muôn đời muôn
phương..."
(Xin hãy vui mừng)
"Nữ Tử Sion", danh hiệu tôn vinh Đức Mẹ
Maria, biểu trưng của thánh thiện, vâng phục Thiên Chúa và đức hạnh. Mẹ là mẫu
gương khiêm nhường, lòng từ bi vô hạn, nguồn hy vọng và ánh sáng dẫn lối. Đức
Mẹ hiện diện làm cầu nối giữa trần gian và vĩnh cửu, dẫn dắt nhân loại đến ơn
cứu độ và canh tân thiêng liêng, biểu hiện tình yêu bao la dành cho tất cả.
Trong thơ Xuân Ly Băng, hình tượng Đức Mẹ được khắc
họa bằng nghệ thuật ngôn từ giản dị mà trang trọng, hòa quyện giữa hình ảnh, âm
hưởng và cảm xúc, tạo nên không gian nghệ thuật thiêng liêng. Hình ảnh Đức Mẹ
trong thơ vừa thân thương vừa uy nghiêm và giàu tính biểu cảm, như lời cầu
nguyện kết nối tâm hồn tín hữu với Thiên Chúa. Âm hưởng thơ nhẹ nhàng, giàu
nhạc tính, mang đến cảm giác thăng hoa, an bình và dẫn dắt tâm hồn trên hành
trình tâm linh.
Hình tượng Đức Mẹ trong thơ Xuân Ly Băng còn hòa
quyện với hình ảnh Người-Mẹ-Hiền của dân tộc Việt Nam – mẫu gương của sự hy sinh,
lòng bao dung và tình yêu bao la. Mẹ thể hiện sự quan phòng của Thiên Chúa,
nâng đỡ con cái vượt qua thử thách. Tình yêu của Mẹ trở thành cầu nối thiêng
liêng giữa con người và Thiên Chúa, mang lại an ủi và bình an cho những tâm hồn
khao khát sự cứu rỗi.
"Mẹ hỡi bao giờ cho
hết thu?
Hết gió, hết mưa, hết sa
mù?
Để dòng thơ con thôi sầu
thảm
Con tóc bạc rồi, mẹ ở
mô?"
(Bao giờ cho hết thu)
Dù cuộc sống bao khó khăn, nhưng Người Mẹ,
với tình thương vô bờ, là điểm tựa duy nhất giúp con vượt qua. Câu hỏi "Mẹ
ở mô?" cũng là lời cầu nguyện, tìm kiếm sự che chở, nâng đỡ của Mẹ, huyền thoại của tình yêu và điểm tựa trong mọi gian nan.
"Mẹ cho con một mảng
chiều
Có mây giăng tím chở nhiều
nhớ nhung
Có đàn sáo lượn bên sông
Lưng trâu có chú mục đồng
thổi tiêu
Hoàng hôn lá rụng thật
nhiều
Khói lam tỏa nhạt xóm
nghèo bơ vơ
Mẹ cho con một trời thơ
Trong chuông nhật một nhà
thờ xa xa."
(Một mảng chiều)
Người Mẹ hiện lên qua
những khoảnh khắc bình dị, tràn đầy tình yêu thương, trở thành dấu ấn thiêng liêng
cho sự hiện diện thần thánh.
Những hình ảnh ngợi ca thiên nhiên và cuộc sống ý nghĩa như phản chiếu sự quan
phòng của Thiên Chúa qua Mẹ.
Cũng trong lần trả lời nhà thơ Trăng Thập Tự, Xuân
Ly Băng đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Người Mẹ giản dị, tràn đầy đức
hạnh, người đã truyền dạy cho Ngài những giá trị tinh thần cao quý qua đức tin
và tình yêu thương. Ngài chia sẻ: "Thơ tôi có một phần nói về người mẹ, bởi vì hình
ảnh mẹ tôi rất sâu đậm trong lòng tôi. Đó là một phụ nữ miền quê, chất phác
nhưng giàu lòng đạo đức, giàu tình cảm thương con, chiều con, đảm đang xoay xở
cho chúng tôi ăn học. Mẹ tôi không biết chữ. Tất cả sự giáo dục của bà đều dựa
trên một đức tin sâu xa. Bà dạy tôi học kinh, học bổn. Sáng tối bà dẫn tôi đi
nhà thờ. Bà chủ sự giờ kinh gia đình ban tối. Sáng sớm, vừa nghe gà gáy, bà
xướng kinh cho cả nhà đọc theo và dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa".
Hình ảnh Người Mẹ trong thơ Xuân Ly Băng đôi
khi hóa thân thành đất nước, dân tộc, mang trong mình tình yêu bao la và sự che
chở. Hình bóng Mẹ luôn hiện diện trong mỗi bước đi của con người, dìu dắt họ
qua những gian khó. Tình cảm thiêng liêng và sự hy sinh của Người Mẹ trong thơ
Xuân Ly Băng là biểu tượng của tình yêu thương, phản ánh sự gắn kết sâu sắc
giữa con người với quê hương, đất nước. Người Mẹ trở thành hình tượng Tổ quốc
thân thương và cao cả, khắc sâu trong tâm hồn mỗi con người.
"Có những đêm chong
đèn đọc sử nước
Đốt hương trầm tụng chữ
Việt Nam"
"Ôi Việt Nam
Ta cúi đầu lẳng lặng
Nghe tâm tư hồn nước dậy
mênh mông
Ta thấy giống Tiên Rồng
Đẹp như người thục nữ
Bình minh đứng bên sông
Hồng
Ta thấy mười tám đời Vua
Hùng
Đất Phong Châu dựng cờ lập
nước"
(Đây, bình minh lịch sử)
Xuân Ly Băng thể hiện tình yêu sâu sắc với dân tộc,
đất nước và sự kết nối thiêng liêng với lịch sử, văn hóa Việt Nam. Nhà thơ luôn
hướng về cội nguồn qua những hình ảnh khắng khít, ấn tượng. Tình yêu quê hương,
vẻ đẹp cảnh sắc Việt Nam, cùng lòng trắc ẩn với những phận người bé mọn là đề
tài thường xuyên trong thơ Ngài. Mỗi bài thơ như nhịp cầu nối liền cõi thiêng
với thực tại, thắp sáng tình yêu chan hòa dành cho Thiên Chúa và nhân loại.
Xuân Ly Băng kết nối quá khứ với hiện tại, làm sống động những giá trị lịch sử
và tinh thần dân tộc trong từng nhịp thở của thời đại.
Đọc thơ Xuân Ly Băng, ta như bước vào cõi tâm linh
thanh bình, nơi từng câu chữ tràn
ngập sự an hòa và niềm tin mãnh liệt. Thơ của Ngài là
hành trình tìm kiếm sự giao hòa giữa con người và Thiên Chúa, với tâm tình
trong sáng thể hiện qua cách ngợi ca những điều bình dị – ánh sáng ban mai,
giọt sương, tiếng chim, cánh hải âu, hay tiếng chuông chiều. Mỗi bài thơ như lời
thì thầm, gợi nhắc sự hiện diện dịu dàng của Thiên Chúa và Đức Mẹ, chạm đến
tầng sâu cảm xúc. Niềm hy vọng trong thơ không xa vời, mà chảy trôi an hòa như
dòng nước mát, xoa dịu mọi ưu tư nhân sinh. Sự bình an ấy bắt nguồn từ lòng tri
ân cuộc đời – nơi con người, dù đối mặt thăng trầm, vẫn tìm thấy điểm tựa vững
chắc khi phó thác vào tình yêu Thiên Chúa. Sự thuần khiết và trong sáng của tâm
hồn làm nên nét độc đáo trong thơ Xuân Ly Băng. Thơ Ngài là chốn an bình, nơi
người đọc lắng lòng chiêm nghiệm về bản thân và ý nghĩa cuộc sống. Nhà thơ gieo
vào tâm hồn nhân thế hạt giống yêu thương và đức tin, trở thành nhịp cầu nối
liền nhân gian với cõi thiêng. Với thơ ca, Xuân Ly Băng truyền tải những tư
tưởng sâu sắc về cuộc đời, kiếp người, và mối liên hệ thiêng liêng giữa con
người với Đấng Tạo Hóa.
Nhà nghiên cứu, phê bình văn học Bùi Công
Thuấn đã đưa ra những đánh giá xác đáng về sáng tác của nhà thơ Xuân Ly Băng,
đặc biệt về tư tưởng thần học, nhạc tính và sự đối thoại với cái tôi trong thơ
Ngài, đồng thời chỉ ra một số hạn chế, làm phong phú thêm nhận thức về sự
nghiệp của nhà thơ: "Nhà thơ Xuân Ly Băng trước hết là một Linh mục.
Ngài dùng thơ để ca tụng Thiên Chúa, để loan báo Tin Mừng. Đó là nhiệm vụ ngài
nhận từ Đức Giêsu và giáo hội của Người. Đời dâng hiến của ngài là để thực hiện
nhiệm vụ đó. Thế nên phần lớn thơ Xuân Ly Băng có nội dung giáo huấn. Mảng thơ
này bị giới hạn trong nội dung, tư tưởng và ngôn ngữ giáo huấn của Giáo hội.
Xuân Ly Băng khó thể hiện cốt cách thơ.../ Xuân Ly Băng có nhiều bài thơ giáo
huấn. Ở những bài này, tính giáo huấn lấn át tính thơ...[2]"
(Thơ Xuân Ly Băng).
Hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria trong thơ Xuân Ly
Băng là biểu tượng của tình yêu vô biên, được phản ánh sâu sắc qua lăng kính
đức tin. Trong sự nghiệp thi ca phong phú của Đức Ông, chủ đề này như một nhánh
cây thiêng, vừa nối kết vừa làm tươi mới vườn hoa đức tin mà Ngài đã dày công
chăm sóc. Thơ Xuân Ly Băng khơi dậy niềm tin và lòng yêu thương trong mỗi con
người, trở thành nhịp cầu tâm linh, giúp người đọc cảm nhận sâu sắc tình yêu vô
bờ của Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria.
Trong thơ ca Việt Nam, Đức Mẹ Maria đã trở
thành biểu tượng vĩnh hằng, vượt qua mọi thử thách của thời gian, luôn là nguồn
cảm hứng thiêng liêng cho các thi sĩ. Những vần thơ về Đức Mẹ Maria vừa là tác
phẩm nghệ thuật vừa là cầu nối giữa con người với Đấng-Toàn-Năng, minh chứng
sống động cho mối quan hệ sâu sắc giữa tình yêu, lòng từ ái và đức tin trong
đời sống của tín hữu. Hình tượng Đức Mẹ Maria trong văn học khẳng định sức sống
trường tồn của thơ Xuân Ly Băng, để lại âm hưởng sâu lắng trong lòng người đọc
qua bao thế hệ. Thơ của Ngài là nguồn an ủi, niềm hy vọng và sức mạnh, nâng đỡ
những tâm hồn khát khao tìm kiếm sự bình an trên hành trình đến với Thiên Chúa.
*
Bút
danh của Đức Ông Giuse Baotixita Lê Xuân Hoa (1926–2017). Đức Ông là một tước hiệu trong
Giáo hội Công giáo, được phong cho các Linh mục có nhiều đóng góp xuất sắc hoặc
đảm nhận các chức vụ quan trọng trong Giáo hội. Ngài thụ phong Linh mục năm
1959 tại Gia Định, từng là Giáo sư Tiểu Chủng viện Chân Phước Tự, Thủ Đức–Gia Định, Tiểu Chủng viện Sao Biển, Nha
Trang, Tổng Đại diện giáo phận Phan Thiết. Đã xuất bản hơn 20 cuốn sách, trong
đó: "Thơ kinh", "Hương kinh", "Trầm tư",
"Nỗi niềm", "Bài ca thương khó", "Dụ ngôn Phúc
âm", "Như trầm hương", "Kinh trong thời gian",
"Khúc hát ân tình", "Một vùng châu lệ", "Kinh sầu trên
quê hương" và các tác phẩm khác.
Hải Phòng, 24/1/2025
M.V.P
_________________
[1] Nhà thơ Xuân Ly Băng – Hồn thơ và Tấm lòng Mục tử, Lê Hữu Phước ghi https://www.tgpsaigon.net/bai-viet/xuan-ly-bang-hon-tho-va-tam-long-muc-tu-48041
[2] Văn học Công Giáo Việt
Nam đương đại
(Nghiên cứu & Phê bình, 2022), Nxb. Hội Nhà văn, tr. 90, 91.
TÀI LIỆU THAM
KHẢO
- Hans Küng, Nguyễn Nghị dịch (Nghiên cứu, 2010), Các nhà tư tưởng lớn của Kitô giáo, Nxb. Tri Thức;
- Linh mục Nguyễn Thiên Cung và Trần Vạn Giã (Sưu tầm, tuyển chọn, biên soạn, 2011, Nhà Thơ Xuân Ly Băng - Cuộc đời và tác phẩm, Nxb. Phương Đông;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Đặc trưng ngôn ngữ, giọng điệu trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội, Tập 4, Số 1 (2/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Giọng điệu giãi bày trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Kỷ yếu Hội thảo khoa học Quốc gia Nghiên cứu và giảng dạy Ngoại ngữ, ngôn ngữ và Quốc tế học tại Việt Nam, Nxb. ĐH QG Hà Nội;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Biểu tượng trong thơ Công giáo Việt Nam hiện đại, Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện KHXHVN - Viện KHXH vùng Nam Bộ), Số 3 (235), (7/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Xúc cảm thẩm mỹ trong thơ Công giáo Việt Nam, Tạp chí khoa học Trường ĐH Hồng Đức, Số 41 (10/2018);
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2018), Sự phát triển của thơ Công giáo trong thơ ca Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Quốc tế dành cho Học viên Cao học và Nghiên cứu sinh GRS 2018, Nxb. ĐH QG Hà Nội;
- Nguyễn Thị Kim Hồng (Công trình khoa học, 2022), Về nghiên cứu cảm hứng tôn giáo trong thơ Việt Nam thế kỷ XX, Tạp chí Khoa học xã hội TP. Hồ Chí Minh (Viện Hàn lâm KHXHVN – Viện KHXH vùng Nam Bộ), số 4 (284), 2022;
- Trăng Thập Tự (Thơ, 2024), Trăng bẻ làm đôi, Nxb. Đồng Nai;
- Trăng Thập Tự & Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu, 2022), Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032), Tủ sách Nước Mặn - Giáo phận Quy Nhơn;
- Trương Đăng Dung (Nghiên cứu, 2004), Tác phẩm văn học như là quá trình, Nxb. Khoa học xã hội;
- Bùi Công Thuấn (Lý luận phê bình văn học, 2020), Những mùa vàng văn học Công giáo Việt Nam, Nxb. Hội Nhà văn;
- Bùi Công Thuấn (Nghiên cứu & Phê bình, 2022), Văn học Công giáo Việt Nam đương đại, Nxb. Hội Nhà văn;
- Khải Triều (Nghiên cứu, 2022), Những nhà thơ Công giáo Việt Nam hiện nay, Lưu hành nội bộ, Thư viện Mân côi;
- Nguyễn Kiên Trường (Sách dịch, 2005), Từ điển Tôn giáo và các thể nghiệm siêu việt, Nxb. Tôn giáo.