image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Đến cuộc hẹn với chính mình (phê bình) - Mai Văn Phấn

Đến cuộc hẹn với chính mình

 

 

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ - Ký họa của HS. Đỗ Hoàng Tường

 

 

Mai Văn Phấn

 

Trong cái se lạnh của một ngày cuối đông ở thành phố biển, tôi chọn một quán cà phê vắng vẻ, tìm một góc tĩnh lặng ngồi đọc tập thơ “Ngày sẽ trôi” của nhà thơ Trần Ngọc Mỹ do Nhà xuất bản Hội Nhà văn mới ấn hành đầu năm 2025. Mở tập thơ một cách ngẫu nhiên, tôi bắt gặp những dòng thơ sau:

"cố nhắm mắt

cố nhắm mắt

tìm thứ ánh sáng làm ta sống được

và thức dậy thanh thản đối diện ngày mai"

(Mất ngủ)

Đó là tâm trạng của nhà thơ – một người phụ nữ đa cảm, chênh vênh giữa ranh giới bóng tối và ánh sáng; cũng là sự trăn trở kiếm tìm điểm tựa và sự tĩnh lặng giữa những hỗn độn của đời sống đương đại. Tuy nhiên, tâm trạng băn khoăn ấy không dẫn đến bế tắc, mà mở ra một cánh cửa hướng về ngày mai tràn ánh sáng. Chính ánh sáng ấy, thứ ánh sáng làm ta sống được, đã dẫn dắt tôi bước theo "Ngày sẽ trôi".

Trần Ngọc Mỹ xuất hiện trên văn đàn từ năm 2015 với tập thơ "Khát những mùa yêu" (Nxb. Hội nhà văn). Từ đó đến nay, chị vẫn duy trì giọng thơ đậm chất trữ tình, giàu suy tư triết lý, nhẹ nhàng mà sâu lắng. Thơ Trần Ngọc Mỹ không ồn ào, mà nhẩn nha, thủ thỉ kể chuyện mình, những độc thoại nội tâm với những câu không chấm hết để lại dư âm ngân mãi trong lòng người đọc.

bao niềm nỗi lênh loang

bọc triệu triệu ngôi sao cô đơn

đổ vào màn đêm mênh mông khuya khoắt

con đường gom về mình khoảng buồn tắt lặng

rưng rưng trước tiếng rao, tiếng chổi quét

tiếng thở hổn hển của lồng ngực kí sinh nơi vỉa hè rợn lạnh…”

(Ở phố)

Trần Ngọc Mỹ luôn giữ sự tinh tế trong biểu đạt, bên dưới mỗi lớp ngữ nghĩa là những chiêm nghiệm sâu sắc về sự ảo hoặc của đời sống, về cái đẹp mong manh cần được nâng niu. Không phô trương, nhưng thơ của chị đủ sức lay động, gợi cho người đọc cảm nhận về sự tàn phai không thể tránh khỏi. Và rồi, ta học cách chấp nhận sự thật ấy một cách nhẹ nhàng, trân quý những điều vừa thoáng qua.

"đã biết đời hoa ngắn ngủi

đời người nhiều tàn úa hương tan

niềm vui là giọt nước mát thoáng chốc"

(Những bông hoa rụng)

Tôi vốn yêu thích những đột phá bất ngờ, thậm chí đôi khi gây sốc, bởi đó là cách bài thơ dẫn dắt người đọc đến gần hơn và nhanh hơn với sự thật cùng cái đẹp, những câu thơ sau là một ví dụ:

"Làm sao chúng ta thôi vội vã

trùng trùng vòng xe chóng mặt

nhích thêm vài chục xen-ti-mét

có chạm được bến bờ bên kia?"

(Ngày sẽ trôi)

Nín thở chờ đợi nơi "bến bờ bên kia" của Trần Ngọc Mỹ, tôi cảm nhận được sức hấp dẫn từ những khoảng lặng trong thơ chị, háo hức đón nhận những điều mới mẻ mà bài thơ mang lại.

"Bến bờ bên kia

chiếc ghế trống giữ đôi chân dừng lại

bóng cây reo giọng gió ngọt ngào

bất chợt một nụ cười thân ái

nở sáng rực tâm trí ban mai"

(Ngày sẽ trôi)

Tác giả bài thơ đã kéo tôi lại gần, giúp tôi hòa mình vào không gian bình dị, thân thuộc của chị. Đâu cần kiếm tìm một bến bờ xa xôi nào, đó chính là khoảnh khắc an nhiên và tươi trẻ khi ta biết dừng lại, tận hưởng những điều tử tế và ấm áp ở bất kỳ đâu, bất kỳ lúc nào. Những câu thơ nhẹ bỗng, sáng rỡ như nắng mai, len lỏi vào tâm hồn, để lại dư âm của sự bình yên và niềm tin vào những điều đẹp đẽ.

Đọc thơ Trần Ngọc Mỹ tôi tự vấn, liệu chị có biết cái bẫy của sự im lặng đang bủa vây thơ mình không? Qua khổ thơ dưới đây tôi cho rằng chị biết rõ, và đối diện với nó bằng cách tự trào:

"ơ kìa, chiếc bóng

nói gì với nhau đi

để chúng ta không lạt lẽo trước đời mình"

(Nói gì với nhau đi)

Hình ảnh "chiếc bóng" gợi ra sự ảo thị của cuộc sống, đồng thời đặt câu hỏi về sự giao tiếp giữa bản thể và những khía cạnh phi vật chất của nó. Ở một bài thơ khác, tác giả khám phá cái tôi trong hình ảnh ô cửa khép kín, chị khắc họa những giới hạn nội tâm để khơi gợi khát vọng vượt thoát, bung mở.

"ô cửa khép kín của mỗi người

như chiếc áo cài khuy chật

muốn bung cởi

ai cũng chỉ sống một lần

anh và em xin đừng chối bỏ

chúng ta cần tự mở từng ô cửa

đang thấm đẫm đèn vàng sương trắng cô đơn"

(Những ô cửa ngủ)

Cũng có những câu thơ mở ra một khoảng không tĩnh lặng, một khung trời bình yên. Nơi những giọt nước trong trẻo tựa những đóa hoa nở ra sau cơn mưa trở thành biểu tượng của sự tái sinh, của một khởi đầu mới sau những giông bão. Chúng như mở rộng chiều kích nội tâm, nơi những cảm xúc tươi mới, lắng đọng và thanh thản lan tỏa, chạm đến từng ngóc ngách tâm hồn.

"Những hạt nước trong trẻo nở hoa

thơm lành rắc đầy ô cửa kính

sau mưa tất cả chìm vào phút lặng

phía xa xa mây trắng trườn mình"

(Viết ở một khu biệt thự)

Trần Ngọc Mỹ sinh ra và lớn lên tại Hải Dương, nhưng đã gắn bó lâu dài với thành phố Cảng. Chị là sự hòa quyện giữa khí chất khoan hòa của con người "Xứ Đông" và phong cách mạnh mẽ, dứt khoát, "ăn sóng nói gió" đặc trưng của vùng đất Cảng. Vì vậy, ý thơ của chị thường vạm vỡ, khỏe khoắn, song giọng thơ lại mềm mại, sâu sắc.

"Hải Phòng vào buổi đông

con đường in đầy dấu chân gió buốt

ta tuốt nỗi buồn mình như cởi ngàn áo lá, hoa

cái lạnh chầm chậm xuyên cắt thịt da

chợt thấy thân thể mình biến thành cành cây trơ trụi, khô khốc

 

trôi qua thành phố này

không có chiếc khăn nào đủ dài rộng để quấn trọn vòng ôm

cho một người đi giữa đám đông còn thức dậy ánh nhìn cô đơn"

(Một buổi lạnh)

Dấu ấn của thành phố Cảng giàu bản sắc, phảng phất không khí xưa cũ giữa nhịp sống hiện đại, hiện rõ nét trong khổ thơ trên. Hải Phòng trong thơ tựa một nhân vật lặng thầm, chứa đựng những ký ức, niềm đau, và cả những hy vọng mong manh.

Thơ Trần Ngọc Mỹ hòa nhập tự nhiên vào văn mạch Hải Phòng, mở ra góc nhìn mới mẻ về con người và cuộc sống nơi đây. Sự hòa quyện giữa cảm xúc mạnh mẽ và biểu đạt mềm mại đã giúp tác giả làm dịu đi những góc cạnh sắc nhọn và đôi khi bạo liệt trong tính cách con người đất Cảng. Chính sự kết hợp đó đã tạo ra một bức tranh đa sắc về tâm hồn và con người nơi cửa sóng này. Bài thơ "Cà phê phố" của Trần Ngọc Mỹ, theo tôi, là một tác phẩm tiêu biểu cho phong cách thơ hiện đại của chị. Tựa như lời thì thầm, mỗi câu chữ trong bài đều chứa đựng những cảm xúc trĩu nặng. Ẩn sau câu chữ là nỗi ưu tư, niềm khắc khoải hy vọng, cùng nỗi luyến nhớ da diết khôn nguôi.

"người lạ - quán quen

em vẫn ngồi chiếc ghế đấy

đếm chậm rãi từng nốt giao mùa

xuân sắp cạn anh biết chưa?

hoa trong thành phố dần dà sẽ tắt

đẹp nhất thường trong kí ức

kí ức ngày mai là hôm nay"

(Cà phê phố)

Phép đối lập giữa "người lạ - quán quen" làm nổi bật sự lặp lại bất biến của không gian một quán cà phê – nơi thời gian dường như ngưng đọng, trong khi con người không ngừng đổi thay. Trần Ngọc Mỹ đã biến những chi tiết đời thường thành biểu tượng giàu chất thơ, lắng sâu trong lòng người đọc những dư âm, gợi mở nhiều tầng nghĩa về ký ức, thời gian, và sự chuyển động.

"ngàn mưa bay không ngừng gõ phố

tiếng động vô tình dán vào ô cửa

em giật mình ngẩng lên lần nữa

ùa vào lòng gió gió chông chênh"

(Cà phê phố)

Trần Ngọc Mỹ là cây bút đang độ sung mãn, với những bài thơ đa dạng đề tài, từ con người, tình yêu, xã hội, thiên nhiên đến khám phá cái tôi cá nhân và kết nối cộng đồng. Nhiều bài thơ của chị được viết trong những chuyến đi, những cuộc du ngoạn, ghi lại những ấn tượng sâu sắc về phong tục, tập quán văn hóa của mỗi vùng đất. Có thể gọi Trần Ngọc Mỹ là thi sĩ "du ca hiện đại", vì thơ chị mang đậm dấu ấn những miền đất đã đi qua, như  những bài thơ "Chiều Ninh Bình", "Mưa Huế", "Uống rượu ở Hòa Bình", "Làng cổ"...

"Nắng bừng phết bầu trời nở sáng

Giữa tầng mây cuồn cuộn sóng bay

Một Ninh Bình nghiêng theo bóng núi

Bao biếc xanh tràn lòng khơi đầy"

(Chiều Ninh Bình)

Trong những chuyến đi đó, tác giả đã thực sự hòa mình vào miền đất chị đặt chân đến và chiêm nghiệm. Chủ quyền đất nước và ký ức lịch sử cũng được Trần Ngọc Mỹ thể hiện với trách nhiệm của một công dân trong các bài thơ như "Qua nhà tù Phú Quốc" hay "Cột mốc nơi biên cương". Chị nhắc nhở về những hy sinh lớn lao của thế hệ cha anh trong cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, khắc họa sự kiên cường, lòng dũng cảm và tinh thần bất khuất của những người đã cống hiến cho độc lập và tự do của dân tộc.

Sự đa dạng đề tài trong thơ Trần Ngọc Mỹ chứng tỏ sự dấn thân mạnh mẽ và tích cực của tác giả trong việc khám phá và phản ánh những góc khuất, tính đa diện của đời sống đương đại. Chị thể hiện nhãn quan nhạy bén, tư duy sâu sắc, lòng cảm thông với những bi kịch, mất mát, đau thương, như trong những bài thơ “Những ngọn lửa mất trí”, “Đêm ba mươi”; hay với thân phận con người trong quá trình đô thị hóa như trong các bài thơ “Ở phố”, “Những ô cửa ngủ”, “Khói”...

Dù viết nhiều về nhân sinh, xã hội và thế sự, thơ Trần Ngọc Mỹ vẫn không thiếu vắng vẻ đẹp trữ tình, đằm thắm. Chị khéo léo kết hợp giữa cái khắc nghiệt của đời sống đương đại với thiên nhiên và sự kiên cường của con người, mở ra một không gian thơ sinh động, giàu ý nghĩa. Những vần thơ của Trần Ngọc Mỹ chạm đến chiều sâu cảm xúc, tạo nên sự hòa quyện giữa cái thô ráp của hiện thực đời sống và vẻ đẹp dịu dàng, tinh tế của tâm hồn.

"con đường lởm chởm đá nhọn

khô rát vạt nắng, cháy lẹm gót chân

càng tiến sâu ngả núi

lòng thung càng khó gần

những đôi mắt um rậm

luôn lóe lên điểm sáng chủ quyền"

(Cột mốc nơi biên cương)

Sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại trong thơ Trần Ngọc Mỹ đã tạo dựng một phong cách khá ổn định, dễ tiếp cận với phần đông bạn đọc. Trong tập thơ, theo tôi có những bài thơ mang phong cách hiện đại "toàn triệt" như "Cà phê phố", "Ngày sẽ trôi", "Những ô cửa ngủ", "Chiều vẽ nỗi buồn", "Trượt qua mọi triết lý", "Cát", "Mắt lửa", "Vài sợi suy nghĩ"... Chắc không phải ngẫu nhiên khi Trần Ngọc Mỹ chọn bài thơ "Vài sợi suy nghĩ" để kết thúc tập thơ. Tác phẩm này tựa một khung cửa mở, cho thấy hướng đi tiếp theo trong hành trình sáng tác của chị, đồng thời mang đến những suy tư sâu sắc và triển vọng mới trong thế giới thơ ca của tác giả.

"còn thở còn bước đi

đi đến cuộc hẹn với chính mình."

(Vài sợi suy nghĩ)

Tôi hy vọng "cuộc hẹn" mà Trần Ngọc Mỹ hướng đến là nơi thơ ca hiện đại hòa nhập sâu hơn, nơi những thi ảnh bất ngờ xuất hiện trong dòng chảy ý thức, khơi gợi bạn đọc mở rộng liên tưởng và cảm xúc. Trong thế giới ngày nay, chuyển động đa chiều, với đa tâm điểm đã trở nên quen thuộc, và chắc chắn thơ ca cũng sẽ chuyển mình theo hướng ấy.

"Ngày sẽ trôi" – nhan đề ấy như lời nhắc nhở về dòng chảy không ngừng của thời gian, về những biến chuyển của con người và thế giới quanh ta. Thơ Trần Ngọc Mỹ tựa tiếng gọi da diết, lắng sâu, dẫn dắt người đọc quay về với chính mình, lắng nghe nhịp thở nội tâm và khám phá vẻ đẹp bình dị, giàu ý nghĩa của cuộc sống. Ở đó, những góc khuất cô đơn cũng hóa thành ánh sáng, phản chiếu khát vọng sẻ chia và hòa nhập. Vẻ đẹp trữ tình trong thơ chị lan tỏa dịu dàng như ánh nắng buổi sớm mai, tinh khôi, tràn đầy niềm hy vọng, mang theo nguồn năng lượng nhẹ nhàng nhưng bền bỉ, tiếp sức con người trên hành trình hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

 

Nhà thơ Trần Ngọc Mỹ, sinh năm 1985. Chị là thạc sĩ Y tế Cộng cộng. Sách của chị đã xuất bản: "Khát những mùa yêu" (Nxb. Hội nhà văn, 2015); "Ban mai của bé" (Nxb. Hội nhà văn, 2015); "Bài thơ vỗ cánh" (Nxb. Hội nhà văn, 2017); "Cho những mùa hoa dấu yêu" (Nxb. Quân đội nhân dân, 2017); "Nắng ngoài ô cửa sổ" (Nxb. Văn hóa văn nghệ TP. Hồ Chí Minh, 2019); Quay chậm" (Nxb. Hội nhà văn, 2021); "Những ngày không quên" (Nxb.  Hội nhà văn, 2022); Trường ca "Xuyên qua giấc mơ" và tập thơ "Ngày sẽ trôi" đều ấn hành tại Nxb. Hội nhà văn, 2025.

 

Hải Phòng, 01/2025

M.V.P

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị