image advertisement
image advertisement





























 

Không bao giờ bước lại con đường cũ - Nhà thơ Bình Nguyên Trang thực hiện PV

Không bao giờ bước lại con đường cũ

(Nhà thơ Bình Nguyên Trang thực hiện PV)

 

 

 

 

 

Nhà thơ Bình Nguyên Trang

 

 

 

 

29/01/2018, 11:36 GMT

 

Đời sống văn học trong nước năm 2017 không thể không kể tên Mai Văn Phấn. Những ngày đầu tháng 12 ông vinh dự nhận Giải thưởng Cikada của Thụy Điển. Cikada là giải thưởng văn học được sáng lập để vinh danh nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson - chủ nhân giải thưởng Nobel Văn học 1974 với ý nghĩa “ghi nhận những đóng góp thông qua các vần thơ ca ngợi sự thiêng liêng của cuộc sống”. Mai Văn Phấn là nhà thơ Việt Nam thứ 2 được nhận giải thưởng văn học này, sau nhà thơ Ý Nhi được trao năm 2015.

 

 

- Thưa nhà thơ Mai Văn Phấn, chúc mừng ông vừa được nhận giải thưởng văn học Cikada. Một số người nghĩ rằng thành tựu của anh là kết quả của những nỗ lực anh tự đưa thơ mình ra thế giới trong một thời gian dài bằng nhiều cách khác nhau. Ông nói gì về điều này?

 

+ Có lẽ phải nói rõ với bạn về điều này, tác phẩm của tôi cho đến giờ phút này được dịch ra 24 thứ tiếng, trong đó có những ngôn ngữ cực kỳ xa lạ với tôi như tiếng hindi, tiếng Ne-pan, tiếng Montenegro… Tôi thậm chí phải vào Google để tra xem thứ tiếng đó có bao nhiêu người sử dụng. Tôi phải sống, làm việc, sáng tạo mỗi ngày, làm sao có đủ thời gian quan tâm hết được việc dịch tác phẩm của mình để đưa vào những ngôn ngữ như vậy. Tất cả là do duyên thôi. Tôi là người sử dụng Tiếng Nga, và Tiếng Anh thì không tốt lắm. Nếu tôi có thể đưa sách mình ra 24 thứ tiếng thì chắc tôi phải có một đội ngũ biên dịch cho mình rất lớn, tôi đâu có khả năng đó. Nhưng nói thế thì không có nghĩa là tôi không mong muốn thơ mình được dịch ra nước ngoài.

 

 

- Vậy lần đầu tiên sách của ông được dịch ra tiếng nước ngoài như thế nào?

 

+ Năm 2011 tôi may mắn được gặp dịch giả Trần Nghi Hoàng - nhà thơ, dịch giả định cư ở Hoa Kỳ. Anh Hoàng đọc tập thơ “Bầu trời không mái che” của tôi và thấy thích. Tôi trân trọng mời nhà thơ Trần Nghi Hoàng dịch cuốn này sang Tiếng Anh. Khi dịch xong, anh Hoàng có chuyển cho GS. Frederick Turner, người khai sáng ra chủ nghĩa cổ điển tự nhiên, ông đã biên tập và nhận xét tập thơ có vẻ đẹp đặc biệt. Từ bản dịch của Trần Nghi Hoàng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in cuốn “Bầu trời không mai che - Firmament Without Roof Cover” song ngữ Việt-Anh vào năm 2012 phát hành trong nước. Sau thời gian phát hành, tôi vô tình nhận được thư của nhà thơ người Anh Susan Blanshard, đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press ở Anh Quốc. Susan viết, bà ấy đã đọc tập thơ của tôi qua bản tiếng Anh và rất thích. Bà ấy ngỏ ý muốn kinh doanh tập sách này, bằng cách ấn hành bản tiếng Anh ở Nhà xuất bản nơi bà ấy làm việc. Sách được xuất bản ở hai dạng, bản in giấy và bản điện tử. Bản giấy sẽ có giá bán là 9USD/ cuốn, và bản điện tử (bán trên trang mạng phát hành sách của Amazon) sẽ có giá là 7,5USD/ bản. Cả hai dạng xuất bản tôi được hưởng nhuận bút 10% tính theo giá bìa. Nhà xuất bản sẽ độc quyền phát hành cuốn sách của tôi trong vòng 5 năm. Dĩ nhiên tôi đồng ý. Vì đây là một cơ hội để tác phẩm của tôi đến được với đông đảo độc giả quốc tế.

 

 

- Được biết, tập thơ của ông đã lọt vào top 100 cuốn sách bán chạy nhất trên Amazon?

 

+ Vâng, chỉ sau khi Nhà xuất bản Page Addie Press phát hành 3 tháng, tập thơ “Firmament Without Roof Cover” của tôi đã đứng vào top 100 cuốn bán chạy nhất trên trang mạng Amazon. Nó được bạn đọc và một số nhà phê bình quốc tế đánh giá tốt. Susan Blanshard hỏi tôi, còn có những tập thơ khác quan tâm đến các đề tài khác không, tôi nói còn. Tôi có giới thiệu hai cuốn khác của tôi với họ và giới thiệu cho Susan một số dịch giả tham gia dịch sách của tôi, sau bà ấy chọn 2 dịch giả là Lê Đình Nhất- Lang (Nhà thơ định cư ở Mỹ) và Nguyễn Tiến Văn (Nhà nghiên cứu Văn hóa từng định cư ở Canada). Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi qua e-mail, Lê Đình Nhất-Lang dịch tiếp hai tập của tôi là “Những hạt giống của đêm và ngày - Seeds of Night and Day” và “Ra vườn chùa xem cắt cỏ - Grass Cutting in a Temple Garden”. Lê Đình Nhất-Lang cũng là người làm thơ, và anh đồng điệu với tôi trong thơ đến mức, một vài nhà thơ am hiểu cả Tiếng Việt và Tiếng Anh đọc xong đều nhận xét rằng, Nhất-Lang dịch thơ tôi “không bị thất thoát”. Nguyễn Tiến Văn thì dịch cho tôi cuốn “Buông tay cho trời rạng - Out of the Dark”. Tất cả bản thảo những cuốn đã dịch này đều được chuyển cho Susan Blanshard biên tập và sau đó được Nhà xuất bản Page Addie Press tiếp tục xuất bản với hình thức phát hành như cuốn đầu tiên. Như vậy tôi có 4 cuốn sách cùng phát hành ở Nhà xuất bản này và nó thực sự tạo lên một cơn sốc trên trang mạng Amazon. 6/2014, tôi có thêm 3 tập thơ vào top 10 trong 100 tập thơ châu Á bán chạy nhất trên Amazon, gồm: 2 tập thơ song ngữ Việt - Anh (“Ra vườn chùa xem cắt cỏ / Grass Cutting in a Temple Garden”; “Những hạt giống của đêm và ngày / Seeds of Night and Day”) và 1 tập thơ song ngữ Việt - Pháp (“Bầu trời không mái che / A Ciel Ouvert”). Từ đó đến nay, cứ vào ngày cuối cùng của tháng 12 hàng năm tôi lại có một khoản tiền nhất định bằng USD vào tài khoản cá nhân, đủ để mua áo khoác đẹp và thết đãi bạn bè. Tôi rất vui vì sách được phát hành đến với bạn bè quốc tế lại có thêm nguồn lợi bằng tiền.

 

 

- Làm việc với một nhà xuất bản ở nước ngoài, ông thấy cách phát hành một cuốn sách của họ có gì khác với trong nước?

 

+ Phải nói là tôi có nhiều ngạc nhiên khi làm việc với một đơn vị làm sách quốc tế. Khi sách của tôi chuẩn bị được phát hành họ đã làm công tác quảng cáo rất mạnh mẽ. Họ gửi email thông báo cho tôi sau đó mỗi ngày liên tục gửi thông tin liên quan đến cuốn sách để tôi đưa lên các tài khoản mạng. Họ yêu cầu tôi phải có các tài khoản facebook, zalo, twitter, website riêng và tất cả phải được link với nhau. Twitter tôi đang dùng chính là do bà Susan lập cho tôi. Từ một người khá là mù mờ về mạng xã hội, tôi đã trở thành một người sử dụng mạng thành thục như hôm nay, là nhờ công việc kết nối, in sách ở nhà xuất bản nước ngoài. Cho đến nay tôi đã in ở nước ngoài 5 cuốn bằng Tiếng Anh và 1 cuốn bằng Tiếng Pháp. Xin nói thêm, cuối năm 2016, Nhà xuất bản Mundus Artium Press (Hoa Kỳ) đã xuất bản thêm tập thơ “3 câu” tiếng Anh của tôi, có tên “Echoes from the Spiral Galaxy” (Âm vọng từ thiên hà hình xoắn), do Hồ Liễu và Susan Blanshard dịch từ bản tiếng Việt. Đối với tôi, 6 cuốn sách này là 6 hạt giống tốt được con chim cơ duyên ngậm miệng tha đi, tạo ra sức lan tỏa mạnh. Tôi biết ơn các dịch giả và rất vui vì điều đó.

 

 

- Ông nói mình là một nhà thơ chuyên nghiệp, vậy xin hỏi nhà thơ chuyên nghiệp và nhà thơ nghiệp dư có gì khác nhau?

 

+ Đã nói đến một nhà thơ chuyên nghiệp thì phải có kiến thức sâu rộng về thi ca. Đối với nhà thơ chuyên nghiệp thì không có chuyện ngẫu hứng. Anh phải đọc nhiều, nghiên cứu, phải hiểu về lịch sử các khuynh hướng, xu hướng, trào lưu sáng tác trên thế giới. Anh phải có một cái nền kiến thức chắc chắn, bởi nếu kiến thức không đủ rộng cảm xúc sáng tạo sẽ rất nhanh cạn.

 

 

- Tôi thấy có một vài người làm thơ đọc nhiều và họ bị ảnh hưởng rất nặng bởi một vài xu hướng nào đấy. Sáng tác của họ đôi khi giống như họ nhái lại, lai căng. Họ lệ thuộc quá nhiều vào lý thuyết. Mà hình như thi ca thực sự nó không có lý thuyết nào cả?

 

+ Đối với tôi, việc đọc nhiều quan trọng nhưng việc vượt lên trên những lý thuyết đã đọc còn quan trọng hơn. Khi tiếp xúc với bất kỳ một khuynh hướng nào đó tôi luôn đặt ra câu hỏi vậy thơ Việt đang ở đâu? Bao giờ thì có một khuynh hướng Thơ mang đậm căn tính Việt, lịch sử Việt, văn hóa Việt, ẩn ức Việt, tình yêu Việt? Trả lời câu hỏi đó là tìm kiếm đáy sâu của chính mình, và sáng tạo trên nền tảng đó. Kiến thức trang bị là để chuẩn bị cho anh một đòn bẩy, một năng lượng mới, chứ không phải làm cho anh bị lệ thuộc, bị tẩu hỏa nhập ma.

 

 

- Trong tinh thần thi ca của ông, đổi mới, cách tân là câu chuyện sống còn. Nếu quan niệm thi ca bắt nguồn từ cảm xúc thì tại sao lại phải đặt vấn đề cách tân, và cách tân thì đi đến đâu, thưa ông?

 

+ Giống như nhiều nhà thơ khác ở Việt Nam, tôi cũng sinh ra từ làng quê, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa làng, những cái đã ổn định, quen thuộc, thành truyền thống. Tôi được số phận dắt đến với thơ, đến mức độ mình không thể không cầm bút. Những tác phẩm đầu tiên tôi hoàn toàn do bản năng dẫn dắt. Nhưng sau khi đọc rộng, nghiên cứu về thơ ca thế giới tôi có một nhận thức là mình phải trở thành một người sáng tạo chuyên nghiệp. Mình phải trả lời các câu hỏi, thơ thế giới chuyển động như thế nào, thơ Việt đang ở đâu và cá nhân mình đang ở đâu? Tôi quan niệm thơ tôi như một cách đồng Việt, nếu không có những dòng chảy nó sẽ khô kiệt. Những kiến thức tôi đọc, tôi hiểu biết về thi ca giống như những dòng chảy, chảy qua rồi để lại phù sa và tôi gieo xuống đó một tâm hồn Việt, thì đương nhiên nó sẽ cho ra những hoa trái Việt. Cách tân nghĩa là phải tự mở mang cá nhân mình, không bao giờ bước lại con đường cũ. Không bao giờ dậm chân tại chỗ.

 

-Chúng ta đang nhìn thấy một thực tế là thơ càng ngày dường như càng ít người đọc hơn? Điều này có làm cho một người làm thơ chuyên nghiệp như ông bi quan không?

 

+ Không, tôi chẳng có gì bi quan cả. Tôi thấy người đọc thơ ít đi cũng là phù hợp với xu thế hiện nay. Tôi nghĩ chúng ta không nên quá đề cao thơ với cộng đồng nói chung. Cách đây mấy năm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và tôi được mời đi dự festival thơ ở Hàn Quốc. Chúng tôi được đến nhiều nơi trên “xứ sở Kim Chi”, giao lưu, nói chuyện, đọc thơ. Và mỗi buổi đọc thơ của chúng tôi chỉ có khoảng 100 người nghe. Tôi hỏi nhà thơ Ko Hyeong Ryeol, Tổng biên tập tạp chí Thi Bình đi cùng, ông nói, ở mỗi thành phố hiện đại chỉ cần chừng đó người đọc tinh hoa.

 

 

- Cuộc sống, cùng với tuổi tác khiến cho chúng ta ngày càng già hơn, tinh khôn hơn. Nhìn quanh dường như ai cũng thông minh cả. Còn nhà thơ thì sao, sự già đi, tinh khôn hơn có ảnh hưởng đến những bài thơ của họ viết?

 

+ Tôi vẫn muốn rằng mỗi buổi sáng thức dậy mình nhìn cuộc sống bằng cặp mắt của một đứa trẻ lên ba tuổi. Thơ ca đến với tôi trong những khoảnh khắc như vậy. Cuộc sống lúc này đúng là không ma mị được mình. Cho dù cố gắng đi nữa thì đôi lúc mình vẫn lộ ra cái tinh quái của một “lão già” đã 63 tuổi. Nhưng ngay trong giây phút nào đó đứa trẻ 3 tuổi trong mình thức dậy, tôi lập tức để nó dẫn mình đi. Có thể nói, toàn bộ cuộc sống của tôi là nằm trong không gian của thơ. Đó chính là triết học, một nghi thức. Thái độ của tôi với thơ ca là thái độ đối với một tôn giáo.

 

 

- Hạnh phúc của một người làm thơ theo ông là gì?

 

+ Nhà thơ hạnh phúc hơn người thường là anh ta được sống trong một thế giới riêng nữa. Anh ta nhiều lúc “ở trên ngọn cây” và điều quan trọng là làm sao biết xuống mặt đất. Một người làm thơ cần sự giúp đỡ thấu hiểu của người thân. Nếu không có một sự sẵn lòng từ phía người thân dành cho anh ta, thì cuộc sống đối với anh ta cũng khó khăn lắm, không dễ dàng đâu.

 

- Xin cảm ơn nhà thơ Mai Văn phấn về cuộc trò chuyện.


 

 

(Nguồn: Báo mới)

 

 

 

 

 

 

Bìa tập truyện ngắn "Mùa đom đóm mở hội" của Bình Nguyên Trang

 

 

 

 

 

 

Bìa tập thơ "Những người đàn bà trở về" của Bình Nguyên Trang

 





 

 


BÀI KHÁC
1 2 3 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị