image advertisement
image advertisement





























 

Dấu ấn của tình yêu lan tỏa (Báo Thời Nay) - Nguyễn Quang Hưng

Dấu ấn của tình yêu lan tỏa

 

 

 

Nhà thơ Nguyễn Quang Hưng

 

 

 

 

Nguyễn Quang Hưng

 

 

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn vui mừng và bất ngờ khi biết tin mình được giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển năm 2017. Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam vừa tổ chức lễ trao thưởng cho ông, trân trọng và ấm cúng tại nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám, với sự có mặt của lãnh đạo Hội nhà văn Việt Nam, đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

 

Buổi tối 1-12 nhận giải Cikada của Mai Văn Phấn, còn là cuộc chia vui của nhiều bạn bè văn nghệ. Điều đó thể hiện qua việc nhiều người đến với ông tại nhà Thái học - Văn Miếu Quốc Tử Giám, trong không khí thân mật, bằng những nụ cười và cuộc nói chuyện nhẹ nhàng, không ồn ào, chúc tụng “cồng kềnh”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, người luôn ủng hộ Mai Văn Phấn, và cùng Mai Văn Phấn với không nhiều người khác, nỗ lực cách tân thơ mình, gieo cảm hứng cách tân, đổi mới thơ trong nhiều người sáng tác trẻ. Nhà thơ Quang Hoài, gần chục năm qua chăm lo, chi chút từng tập bản thảo thơ Mai Văn Phấn trên hành trình “sách hóa” tại NXB Hội nhà văn. Hầu như tập thơ nào Mai Văn Phấn cũng gửi gắm Quang Hoài giúp việc xin giấy phép, đọc bản thảo, in ấn… để có sách đẹp tặng bạn bè. NSƯT, họa sĩ Chu Lượng, người đã vẽ chân dung Mai Văn Phấn với một con quạ, một hình ảnh ẩn dụ mà ông nhắc đến trong thơ mình. Ngô Hương Giang, tiến sĩ 8X đang phụ trách một trung tâm tại Viện Triết học, người từng xuất bản cuốn chuyên luận dày dặn về thơ Mai Văn Phấn. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, hồi còn phụ trách Ban nhà văn trẻ Hội nhà văn Việt Nam, từng mời Mai Văn Phấn lên đọc thơ ở sân thơ Trẻ - trên sân nhà Thái học, cùng với các tác giả trẻ khác, dù khi đó ông đã đứng tuổi và thành danh, đơn giản bởi sự mới mẻ, độc đáo trong thơ và tinh thần sáng tạo của ông luôn dồi dào như tuổi thanh xuân.

 

Mai Văn Phấn luôn giữ cho bừng sáng lên tinh thần đó trong ngày tháng sáng tác lặng lẽ, bền bỉ của mình. Những năm qua, ngoài công việc gia đình, ông tập trung nhiều hơn cho sáng tạo. Xuất hiện một số lần ở những hoạt động Hội nghề nghiệp, ông lúc nào cũng điềm đạm, từ tốn và ăn nói nhỏ nhẹ, nghe và nghĩ nhiều hơn là nói. Thêm vóc người nhỏ nhắn, Mai Văn Phấn như ẩn đi sau lưng mọi người. Ở phía trong dáng vẻ ấy, nhà thơ ý thức quyết liệt về khả năng và sứ mệnh của thơ ca - cảm hóa con người, làm con người đẹp lên. Ông đã thực hiện điều đó khi viết về vẻ đẹp bình dị, tươi sáng của thiên nhiên; trạng thái và đường nét của những chuyển động đa dạng trong đời sống; lòng nhân từ và cởi mở với sự vật; những cái nhìn vừa thẳm sâu, vừa non trẻ được khởi lên từ bầu khí quyển của văn hóa dân tộc.

 

Điều đáng chú ý nữa, là từ ý thức đầy hứng khởi, mê đắm đó, ông ý thức rõ hơn về trách nhiệm của nhà thơ trong việc lan tỏa những hạt mầm nhân văn đó đến mọi người. Như sự kết nối của những đường dây, những tín hiệu, thơ Mai Văn Phấn đã được dịch ra 24 thứ tiếng và xuất bản ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Thụy Điển.

 

Ý thức phải lan tỏa đó, được ông thầm gửi trong lời tâm sự: “Song hành với đời sống nhân loại, thơ ca ngày một hiện đại hơn trong cách thức biểu đạt và đa dạng hơn về quan niệm thẩm mỹ. Thơ đã góp phần quan trọng làm nên thế giới tinh thần đẹp đẽ của con người. Cõi thơ ấy cảm hóa, liên thông tâm hồn nhà thơ với bạn đọc. Và thơ chỉ trường tồn, sinh sôi với những người thủy chung, say đắm nó. Ngược lại, với những ai đứng ngoài từ trường đặc biệt ấy, thơ không hề tồn tại. Nhà thơ có được tứ thơ hay, thực sự là một mối duyên. Càng hạnh phúc hơn khi mối duyên ấy được hòa đồng cùng khát vọng của con người tiến bộ, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ đời sống con người, vì mọi người”.

 

Nhà thơ - tiến sỹ Lars Vargö, Chủ tịch Ban giám khảo: “Giải Cikada được trao cho các nhà thơ Đông Á, nơi cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống. Tôi thực sự tâm đắc với nhận định này và rất hạnh phúc khi biết rằng, giải thưởng Cikada được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học năm 1974. Thơ H. Martinson cũng như thơ của các nhà thơ lớn của Thụy Điển như Karin Boye (1900-1941), Artur Lundkvist (1906-1991), Gunnar Ekelöf (1907-1968), Edith Södergran (1892-1923), gần đây nhất là Tomas Tranströmer (1931-2015) có sự hòa quyện giữa minh triết, sự chính xác của thơ phương Tây với thế giới tâm linh huyền hoặc, thẳm sâu của phương Đông.

 

N.Q.H

 

 

(Báo Thời Nay, số 823, 4/12/2017)

 

 

 

 

 

 

Lễ dâng hương tại Văn Miếu

















 

BÀI KHÁC
1 2 3 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị