Biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn (Đề tài KH&CN cấp trường) - Nguyễn Thị Yến. TS. Lê Thị Hồ Quang hướng dẫn.
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC VINH









ĐỀ TÀI KHOA HỌC & CÔNG NGHỆ CẤP TRƯỜNG

 

 

 


BIỂU TƯỢNG ĐẤT TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

 

Mã số: T2016 - … SV

 

 

 

 

Chủ nhiệm đề tài: Nguyễn Thị Yến

Giáo viên hướng dẫn: TS. Lê Thị Hồ Quang

Thành viên tham gia: Nguyễn Thị Vui

 

 

 


NGHỆ AN - 2016






 Tác giả Nguyn Thị Yến




QUY ƯỚC VIẾT TẮT

 

Nxb: Nhà xuất bản

Tr: Trang

Tp: Thành phố

 

Cách chú thích tài liệu trích dẫn: số thứ tự đứng trước, số trang đứng sau. Ví dụ: [31, 155] nghĩa là số thứ tự của tài liệu trong mục Tài liệu tham khảo là 31, nhận định trích dẫn nằm ở trang 155 của tài liệu này.

 

 

 

 

MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU           

 

1. Tổng quan tình hình nghiên cứu          

2. Tính cấp thiết của đề tài          

3. Mục tiêu đề tài           

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu            

5. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu            

 

Chương 1. ĐẤT - MỘT BIỂU TƯỢNG ĐỘC ĐÁO TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN   

 

1.1. Khái niệm biểu tượng           

1.2. Vị trí và ý nghĩa của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn   

1.2.1. Vị trí của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn    

1.2.2. Ý nghĩa của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn          

1.3. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn

1.3.1. Tô đậm những tính chất kì vĩ, lớn lao, phi thường của Đất

1.3.2. Mô tả Đất trong những biểu hiện cảm giác vận động trực tiếp, cụ thể           

1.3.3. Mở rộng trường nghĩa của Đất bằng cách đặt biểu tượng này trong cấu trúc đối sánh            

1.3.4. Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ (ẩn dụ, so sánh, điệp, nhân hóa...) để mô tả  

 

Chương 2. BIỂU TƯỢNG ĐẤT TRONG CẤU TRÚC TỔNG THỂ CỦA THƠ MAI VĂN PHẤN            

 

2.1. Đất và trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn

2.1.1. Khái quát về trường biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn   

2.1.2. Những biểu tượng nổi bật trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn          

2.1.3. Mối quan hệ giữa biểu tượng Đất với những biểu tượng nằm cùng trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn            

2.2. Ý nghĩa, giá trị của hệ thống biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn

2.2.1. Ý nghĩa, giá trị văn hóa     

2.2.2. Ý nghĩa, giá trị thẩm mĩ     

 

KẾT LUẬN

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Tổng quan tình hình nghiên cứu

 

Mai Văn Phấn là một gương mặt quen thuộc, dành được nhiều tình cảm của công chúng yêu thơ Việt Nam đương đại. Thơ ông là một hành trình tìm tòi, cách tân và sáng tạo không biết mệt mỏi về mặt thi pháp. Qua mỗi tập thơ, Mai Văn Phấn lại xuất hiện với diện mạo tinh thần mới, không lặp lại. Ấy là những cuộc “vong thân” và “vượt thoát” khác nhau để thi sĩ kiếm tìm một chân trời mới, một đích đến mới và với Mai Văn Phấn, cái đích cuối cùng là đưa thơ ca Việt vươn tầm thế giới.

 

Mỗi tập thơ của Mai Văn Phấn ra đời đều trở thành đối tượng nghiên cứu của giới nghiên cứu và độc giả. Do đó, số lượng các bài viết về thơ ông rất phong phú, trong đó có không ít công trình có nhiều giá trị, mang tính học thuật cao, thu hút được sự quan tâm của giới phê bình.

           

1.1. Ngoài nước

 

Thơ Mai Văn Phấn đã được giới thiệu tại nhiều nước trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Thụy Điển, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan… Do đó, nhiều tác giả ở nước ngoài đã viết về Mai Văn Phấn, thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, các công trình, bài viết về biểu tượng Đất trong thơ ông còn rất ít. Có thể kể đến các công trình sau:

 

Trong Những cơn mưa nguồn, tác giả Jean-Michel Maulpoix đã đề cập đến một đặc tính của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn đó là “tính mẫu". Đồng thời, khi nhìn nhận Đất là đại diện cho vẻ đẹp của thiên nhiên, tác giả đã khám phá mối quan hệ giữa nó và con người trong thơ Mai Văn Phấn: “thiên nhiên trở thành con người và con người lại hoá thành thiên nhiên” với những ham muốn khát khao của nó: “Cũng giống như thiên nhiên được tái hiện rất dữ dội, rất phong phú và cũng rất khiêu gợi. Chính ở đó nảy sinh ra sự bối rối, chính ở đó mà sự bất ngờ lớn nhất được hiện hữu: thiên nhiên không chỉ phong phú, phì nhiêu hay khiêu gợi, nó còn mạnh mẽ ở tính mẫu với những ham muốn khát khao; nó cũng hiện lên vừa đầy biến động, linh hoạt và dũng cảm. Chính thiên nhiên là người chủ động và luôn đi trước chủ thể, hoặc đôi khi nó ngấu nghiến và như hoà tan với chủ thể đến nỗi mà độc giả tự đặt câu hỏi “ai đang nói ?” và liệu “chủ thể” của bài thơ là Da thịt, là Đất, là Không khí hay là Dòng nước trôi? Những sự thay đổi gấp rút như những luồng gió hay “những cơn mưa nguồn” khiến thiên nhiên trở thành con người và con người lại hoá thành thiên nhiên” [5].

 

Còn trong Trồng cây nêu trước nhà - Bài thơ thứ 6 trong tập thơ “hoa giấu mặt”, tác giả người Ấn Độ - Ramesh Chandra Mukhopadhyaya khi chú giải về bài thơ đã khẳng định: Đất trong thơ Mai Văn Phấn thoát ra khỏi nghĩa đen vốn có “là lớp mặt trên của trái đất” trở thành một hình ảnh ẩn dụ về một tâm trí đã được khai mở - lớp đất mặt của một bản tâm con người cụ thể. Qua đó, người viết chỉ rõ sự độc đáo khi Mai Văn Phấn “thay vì khám phá thế giới bên ngoài, bản tâm lại tìm cách đào sâu vào bản thể”. Điều này “tạo ra một sự hồi hộp trong tâm trạng độc giả” bởi “người ta có xu hướng dò hỏi nhà thơ đã phát hiện ra điều gì đang đào sâu vào bên trong bản thể nhà thơ” [34].

          

1.2. Trong nước

 

Trong nước, có rất nhiều công trình, bài viết bàn về thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, công trình mang tính hệ thống, tập trung nghiên cứu về biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn theo tìm hiểu của chúng tôi, cho đến nay là chưa có. Có một số ý kiến nhận xét, phân tích, đánh giá rải rác trong một số công trình, bài viết sau:

 

Trong Thơ sinh ra để nói về niềm hi vọng của con người, tác giả Văn Giá đã dành một mục (trong tổng số ba mục của bài viết) để nói về ba hình ảnh mà theo ông là “cô đọng nhất, chụm nhất nên trở thành tiêu biểu nhất” trong thơ Mai Văn Phấn: Đất đai, Ánh sáng và Em. Khi nói về hình ảnh đất đai, tác giả khẳng định: “Trong thơ Phấn, không một hình ảnh nào lại có mặt với một mật độ dày đặc như hình ảnh đất đai”. Cũng trong bài viết này, ông đã có một phát hiện khá thú vị: “Trong thi cảm nhà thơ Mai Văn Phấn, thì đất lại được ví với người đàn ông, nhất thể hóa với người đàn ông”. Từ đó, người viết đưa ra cách lí giải của riêng mình về hiện tượng này: “Tôi cho rằng do tôn thờ tột bậc sự phồn sinh và hóa sinh bất động, nên nhà thơ đã nhất thể hóa bản thân và hóa sinh bất định đó” [6].

 

Tác giả Lê Hồ Quang trong Thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, đặc biệt nhấn mạnh với người đọc “Hãy chú ý những hình tượng như mùa màng, đất đai, cánh đồng, sự gieo trồng, sinh nở… - chúng có một sức hút lạ thường với nhà thơ, cho dù ông hoàn toàn không phải kiểu tác giả “chân quê” thường thấy. Không đơn thuần là biểu trưng của nền văn minh lúa nước hay những giá trị văn hóa cổ truyền, với Mai Văn Phấn, chúng tượng trưng cho sự sống tươi ròng, phồn thực, vĩnh hằng của thế giới”. Cũng trong bài viết này, Lê Hồ Quang cũng chỉ ra “cái lạ” của hình tượng đất đai trong thơ Mai Văn Phấn khi nó là “sự hóa thân của người đàn ông” để “đón nhận sự gieo trồng từ người đàn bà”. Và theo tác giả, nó “lạ” bởi: “trong nhiều nền văn hóa và truyền thống thơ ca, hình tượng đàn bà, chứ không phải ngược lại, mới thường được đồng nhất với đất đai, mùa màng, sự sinh nở”. Song, tác giả cũng bày tỏ quan điểm: “Đó là một sự lạ cần thiết. Nó phơi lộ cái góc khác thường trong bản thể tinh thần cái tôi Mai Văn Phấn” [32; 304-308].

 

Ngoài ra, trong bài viết Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó, tác giả Lê Hồ Quang còn phát hiện một nét nghĩa khác của biểu tượng Đất trong thơ Mai văn Phấn - biểu tượng của tình yêu: “giống như một cơ thể nữ giới phồn thực mỡ màu sẵn sàng cho cuộc hoài thai, sinh nở”. Từ đó, tác giả nhìn rộng ra và nhận thấy “những trạng thái tình yêu luôn hiển hiện trong mọi dòng thơ tác giả này viết về thiên nhiên, cây cỏ, đất đai… Thực chất, thiên nhiên đắm đuối, phồn thực và sung mãn ấy chính là biểu tượng tình yêu phổ quát trong mắt thi sỹ” [32; 322-326].

 

Nguyễn Nhật Huy trong Những biểu tượng thức giấc trong thơ Mai Văn Phấn, khi lựa chọn biểu tượng thơ Mai Văn Phấn làm đối tượng nghiên cứu, đã đưa ra quan điểm của mình: “Biểu tượng có thể chia ra làm biểu tượng gốc và biểu tượng phái sinh. Để thực hiện việc đọc thơ Mai Văn Phấn, đầu tiên người viết sẽ đối chiếu nó với các biểu tượng gốc sau đó mới đi tìm sự sáng tạo trong những biểu tượng phái sinh” [12]. Cụ thể, thông qua việc khảo sát bài thơ Đêm của em, tác giả đã chỉ ra các nét nghĩa của những biểu tượng xuất hiện trong tác phẩm. Ở đó - riêng về biểu tượng Đất, tác giả cho rằng mặt đất là một biểu tượng đáng chú ý và “Lớp nghĩa đầu tiên của nó là sự thụ động, biểu thị sự chờ đợi. Mặt khác nó đồng nhất với người mẹ, với nữ tính và sự tái sinh” [12].

 

Luận văn thạc sĩ Đặc điểm thơ Mai Văn Phấn của Nguyễn Thị Hương Giang, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã đi sâu tìm hiểu về đặc điểm thơ của tác giả Mai Văn Phấn qua ba tập thơ Bầu trời không mái chehoa giấu mặt và Vừa sinh ra ở đó. Trong đó, khi phân tích những nét độc đáo về nghệ thuật tác giả này đã đề cập tới hình ảnh đất đai trong trường biểu tượng cùng với các hình ảnh “sông nước, cỏ cây và nhận định rằng: “hình ảnh đất đai cùng với những đồng vị của nó xuất hiện với mật độ dày đặc”, đồng thời nhấn mạnh:hình ảnh đất đai trong thơ Mai Văn Phấn được hiểu như một biểu tượng cho sự phồn sinh, “nơi cội nguồn thế giới”, nơi bắt đầu của sự sống” [8].

 

Như vậy, có thể thấy biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn đã được các tác giả chú ý và có sự quan tâm ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, qua khảo sát các tư liệu, bài viết, công trình nghiên cứu về thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi nhận thấy rằng vấn đề biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn chưa được nghiên cứu một cách chuyên biệt mà mới chỉ khai thác ở một mức độ hạn chế. Song những tư liệu nêu trên đều là những gợi ý/ chỉ dẫn quý báu cho chúng tôi trong quá trình hoàn thành đề tài này.

           

2. Tính cấp thiết của đề tài

 

2.1. Hiện nay, trong nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại, tiếp cận thơ ca theo hướng biểu tượng đang dành được nhiều quan tâm, chú ý. Điều này, một mặt xuất phát từ tính chất đa nghĩa, phức tạp và khó lý giải của nó; mặt khác từ việc tiếp cận theo hướng biểu tượng sẽ giúp người nghiên cứu mở rộng những vỉa tầng ý nghĩa còn đang "ẩn nấp" sau văn bản thơ - mục đích lớn nhất của người tiếp nhận đối với sự đọc. Trong thơ Việt Nam hiện đại, như một xu thế chung các tác giả đều coi trọng việc xây dựng hệ thống các biểu tượng, từ đó, hình thành nên thế giới thơ riêng biệt mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo.

 

2.2. Mai Văn Phấn là một gương mặt nổi bật và có nhiều đóng góp cho thơ Việt Nam hiện đại. Bạn đọc yêu mến thơ ông không chỉ vì các tác phẩm có giá trị, đáp ứng được nhu cầu thẩm mĩ của con người đương đại, mà còn bởi ở đó người ta tìm thấy cái hồn cốt người Việt được hòa lẫn trong những vần điệu cách tân, những thi ảnh không ngừng chuyển động và “nặng sức” khai phá của một thi sĩ luôn ấp ủ giấc mộng văn chương lớn lao - đưa thơ Việt vượt ra biên giới quốc gia. Do vậy người ta theo dõi, trân quý thơ Mai Văn Phấn cũng giống như đang mong mỏi dõi theo từng bước đi, những lần “chuyển mình” sang một hệ giá trị mới của thơ Việt qua dấu chân của tác giả này. Đọc thơ Mai Văn Phấn, bạn đọc dễ nhận ra hai tuyến hình ảnh - biểu tượng làm nên vẻ đẹp tượng trưng - siêu thực trong thế giới nghệ thuật ấy: một - Con người và một - Thiên nhiên. Con người với vẻ đẹp được kết tinh từ những anh, em, tôi, hắn,... Còn Thiên nhiên là cả thế giới của những cỏ cây, hoa lá, sông núi, đất đai, gió, nước, trăng,... Tất cả tạo nên một “bản tổng hòa” sắc đẹp của vạn vật, vũ trụ, đầy sức sống.

 

2.3. Trong thế giới nghệ thuật ấy, Đất là một biểu tượng nổi bật, có ý nghĩa nhân sinh, văn hóa - thẩm mĩ vô cùng độc đáo. Nó góp phần thể hiện cái nhìn và sự lý giải độc đáo của Mai Văn Phấn về con người và thế giới xung quanh. Tuy nhiên, cho đến nay vấn đề biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn vẫn ít người quan tâm, tìm hiểu. Vì những lí do trên chúng tôi quyết định lựa chọn nghiên cứu đề tài: Biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn.

         

3. Mục tiêu đề tài

 

Nghiên cứu biểu tượng Đất, xác định đặc điểm và vị trí của nó trong cấu trúc tổng thể thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn. Qua đó, khẳng định những đóng góp nghệ thuật độc đáo của tác giả, một gương mặt cách tân nổi bật của thơ Việt Nam đương đại.

          

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

         

 4.1. Đối tượng nghiên cứu

 

Đối tượng nghiên cứu của công trình này là Biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn.

         

4.2. Phạm vi khảo sát

 

Với đề tài này, chúng tôi đi sâu khảo sát mười hai tập thơ của Mai Văn Phấn, cụ thể:

- Giọt nắng, Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng, Hải Phòng, 1992.

- Gọi xanh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 1995.

- Cầu nguyện ban mai, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1997.

- Nghi lễ nhận tên, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1999.

- Người cùng thời, Nxb Hải Phòng, Hải Phòng, 1999.

- Vách nước, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2003.

- Hôm sau, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.

- và đột nhiên gió thổi, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009.

- Bầu trời không mái che, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2010.

- hoa giấu mặt, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2012.

- Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013.

- thả, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2015.

          

5. Cách tiếp cận, phương pháp nghiên cứu

         

5.1. Cách tiếp cận

 

Chúng tôi tiếp cận đề tài theo hướng thi pháp học, ký hiệu học.

          

5.2. Phương pháp nghiên cứu

 

Để thực hiện đề tài này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp cấu trúc hệ thống

- Phương pháp so sánh

- Phương pháp thống kê, khảo sát

- Phương pháp phân tích, tổng hợp

 

 

 

 

Chương 1

 

ĐẤT - MỘT BIỂU TƯỢNG ĐỘC ĐÁO

TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

 


1.1. Khái niệm biểu tượng

 

Biểu tượng là thuật ngữ được dùng khá phổ biến hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, văn học. Tuy nhiên, cho đến nay, khái niệm này vẫn chưa được định nghĩa một cách thống nhất. Điều này, có lẽ đúng như Jean Chevarlie trong cuốn Từ điển văn hóa biểu tượng đã khẳng định: Không cách gì định nghĩa được một biểu tượng. Tự bản chất của nó, nó phá vỡ các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý niệm. Nó giống như mũi tên bay mà không bay, đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà lại không nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của biểu tượng; nên phải luôn nhớ rằng các từ không thể diễn đạt được tất cả giá trị của biểu tượng” [4; XIV]. Song, dường như việc bị/được xem là cái không thể nắm bắt” nên bản thân biểu tượng lại càng chứa đựng sức hút mạnh mẽ đối với các nhà nghiên cứu.


Trong giới hạn của đề tài, chúng tôi sẽ trình bày khái niệm biểu tượng dưới các góc độ: theo nghĩa từ nguyên, trong quan niệm thông thường, trong văn hóa và trong văn học nghệ thuật, từ đó rút ra cách hiểu về khái niệm này.

 

Trước hết, xét theo nghĩa từ nguyên, biểu tượng trong tiếng Hán được cắt nghĩa như sau: biểu có nghĩa là bày ra, trình bày, dấu hiệu để nhận biết một điều gì đó; tượng có nghĩa là hình tượng. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô bày ra để trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng nhằm để diễn đạt về một ý nghĩa mang tính trừu tượng. Còn trong Tiếng Anh, biểu tượng là symbol. Thuật ngữ “symbol” được bắt nguồn từ Hi Lạp là “Symbolon”. Nó có nghĩa là ký hiệu, lời nói, dấu hiệu, triệu chứng... Theo Từ điển tiếng Việt, biểu tượng được định nghĩa là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác dụng của sự vật vào giác quan đã chấm dứt [35].

 

Còn trong quan niệm thông thường, biểu tượng là “hình thức dùng hình này để tỏ nghĩa nọ, hay nói khác đi là mượn một cái gì đó để tượng trưng cho một cái gì khác” [9]. Đầy đủ hơn, chúng phải có mối - liên - hệ - mật - thiết với nhau. Bởi lẽ, chỉ khi được gắn kết trong một mối quan hệ “thầm kín” và sâu xa nào đó thì hình ảnh mới mang nghĩa của một biểu tượng thật sự; thiếu sợi dây liên kết đó, chúng không thể trở thành biểu tượng mà chỉ dừng lại là những hình ảnh đơn thuần. Chẳng hạn, hình ảnh bông lúa trên nền phù điêu làm biểu tượng cho các nước trong khối Asean - vốn gắn liền với nền nông nghiệp trồng lúa nước; Hay năm vòng tròn được xếp đặt, lồng ghép nhau trên logo của các giải đấu thể thao vốn là biểu tượng được biết đến với ý nghĩa tượng trưng cho năm châu lục trên thế giới...

 

Xét dưới góc độ văn hóa học, biểu tượng được xem là sản phẩm đặc biệt của con người. Từ đời sống thực tại, con người đã sáng tạo nên một thế giới mới - thế giới của các biểu tượng. Đó là cách con người cụ thể hóa, vật thể hóa và định danh hóa những điều bí ẩn đang còn chìm sâu trong cõi vô thức của thế giới nhân sinh. Điều quan trọng, "nó còn là hạt nhân của sự di truyền xã hội, từ đời này sang đời khác theo dòng đi của lịch sử, bằng các khuôn mẫu văn hoá cổ truyền - Cổ mẫu (Archetypes) chìm sâu trong vô thức của cộng đồng - xã hội” [11]. Theo cách lí giải này, khái niệm biểu tượng có thể hiểu là việc các hình ảnh, sự vật vượt qua lớp vỏ ngôn ngữ ban đầu của nó, thông qua tri giác, nhận thức của con người, trở thành vật tượng trưng cho một ý nghĩa nào đó khác nghĩa ban đầu của nó. Và ý nghĩa ấy phải là sự thống nhất đại diện cho một cộng đồng xã hội nhất định. Biểu tượng văn hóa có nhiều cấp độ. Nó có thể mang tính tượng trưng chung cho tất cả các quốc gia trên thế giới, như là biểu tượng chim bồ câu tượng trưng cho hòa bình; biểu tượng cái cân tượng trưng cho lẽ phải, sự công bằng...; lại có những biểu tượng chỉ là sản phẩm của một cộng đồng, một dân tộc, phản ánh nét đặc thù trong đời sống tinh thần riêng biệt của họ. Chẳng hạn, cây tre vốn được xem là biểu tượng cho tinh thần bất khuất, kiên cường của người Việt trước những khó khăn; đồng hồ Big Ben đã trở thành biểu tượng của sự bền vững, an ninh và nền dân chủ nước Anh... nhưng ở Trung Quốc, Hàn Quốc hay Mỹ..., chúng chưa hẳn đã có những ý nghĩa như vậy. Điều này, xuất phát từ việc lựa chọn khác nhau về văn hoá giữa cộng đồng văn hoá này với cộng đồng văn hoá khác. Mô hình lựa chọn đó sẽ tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng, dân tộc. Chính vì thế, biểu tượng không chỉ “có tác dụng mang lại tính đồng nhất của cộng đồng hay nhóm” mà còn là “công cụ hữu hiệu để con người có thể cùng chia sẻ với nhau về mặt văn hóa” [9]. Tuy nhiên, sự hiểu biết về những ý nghĩa khác nhau của các biểu tượng trong đặc trưng văn hóa của mỗi quốc gia, dân tộc, vùng miền... còn tuỳ thuộc vào sự từng trải và kinh nghiệm vốn có của mỗi cá nhân cũng như trình độ nhận thức của từng người về các thói quen, phong tục, tập quán của các nền văn hoá trong từng cộng đồng dân tộc khác nhau (bởi bản chất của biểu tượng là khó xác định, đầy bí ẩn về nghĩa).

 

Xét dưới góc độ văn học, khi xem xét biểu tượng như là thuật ngữ của mĩ học, lí luận văn học và ngôn ngữ học thì nó có nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo Từ điển thuật ngữ văn học, “trong nghĩa rộng biểu tượng là đặc trưng phản ánh cuộc sống bằng hình tượng của văn học nghệ thuật. Theo nghĩa hẹp, biểu tượng là một phương thức chuyển nghĩa của lời nói hoặc một loại hình tượng nghệ thuật đặc biệt có khả năng truyền cảm lớn, vừa khái quát được bản chất của một hình tượng nào đấy, vừa thể hiện một quan niệm, một tư tưởng hay một triết lí sâu xa về con người và cuộc đời” [10; 24]. Từ điển này cũng chỉ rõ: “Biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt” [10; 23]. Từ góc độ văn học, biểu tượng còn được xem là một phương thức, phương tiện sáng tạo nhằm phản ánh và nhận thức thế giới. Nhờ có biểu tượng, những vấn đề lý luận trừu tượng mới trở nên cụ thể, sống động và dễ hiểu, nói như nhà nghiên cứu Đoàn Văn Chúc: “Biểu tượng không chỉ làm cho cái không tri giác được trở thành cái tri giác được, mà cũng chính trong quá trình “tri giác hóa” cái “bất khả tri giác”, nó gây khoái cảm, nhất là cho người tiêu thụ, như nghe một bản nhạc, xem một vở kịch, đọc một bài thơ” [2; 58]. Do đó, có thể thấy, biểu tượng chính là phương tiện hữu hiệu mà nhà thơ, nhà văn có thể sử dụng để truyền tải cái ẩn ý thầm kín mà ngôn từ bình thường khó/không thể diễn tả được; đồng thời người đọc từ biểu tượng lại có thể nắm bắt những ẩn ý sâu xa đó của tác giả, chuyển hóa chúng thành những ý nghĩa cụ thể trong nhận thức, tư duy thẩm mĩ của mình.

 

Riêng trong thơ ca, đặc biệt là thơ ca tượng trưng (vốn được thể hiện chủ yếu thông qua các biểu tượng) thì khái niệm biểu tượng được định nghĩa là một hình ảnh/ sự vật có ý nghĩa tượng trưng chỉ một cái gì rộng lớn hơn chính nó; được lặp đi lặp lại nhiều lần với tần số cao. Đồng thời, hình ảnh/sự vật đó phải được tổ chức theo một cách đặc biệt, từ đó, nghĩa của nó không còn dừng lại ở nghĩa đen nữa mà có sự chuyển nghĩa, mang nghĩa rộng hơn nghĩa ban đầu (lúc này là nghĩa tượng trưng). Biểu tượng chỉ tồn tại và mang các ý nghĩa, các giá trị khi ở trong văn cảnh nhất định của tác phẩm đó; rời khỏi tác phẩm, nó không còn mang ý nghĩa biểu tượng ấy nữa. Ý nghĩa của biểu tượng có sự trùng phức, phức tạp, đa dạng về nghĩa, thậm chí giữa các nghĩa có thể đối nghịch nhau. Như vậy, biểu tượng thể hiện những sáng tạo về nghĩa của nhà văn nhưng người đọc lại đóng vai trò mang tính quyết định trong việc tìm kiếm các giá trị nghĩa ấy.

 

Với tư cách là phương tiện sáng tạo nghệ thuật, biểu tượng phân biệt với hình ảnh, hình tượng bởi tính chất, cấp độ ý nghĩa của nó. Hình ảnh là sự phản chiếu sự vật trong cuộc sống đời thường, nó giống như một “lát cắt” của đời sống, thường đơn giản về nghĩa. Hình tượng, cao hơn hình ảnh, là những bức tranh đời sống được đưa vào trong tác phẩm một cách cảm tính, sống động, là sự thể hiện hiện thực đầy đặn hơn so với hình ảnh (chẳng hạn như hình tượng Chí Phèo...). Còn biểu tượng là những hình tượng đặc biệt, mang tính đa nghĩa và thường có hàm nghĩa đánh giá về giá trị, nhất là trong thơ tượng trưng.

 

Như vậy, có thể nói ngắn gọn biểu tượng trong thơ là những hình ảnh mang tính ngụ ý, mang tính quan niệm, bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa, gây được ấn tượng sâu sắc đối với người đọc. Được xây dựng bằng ngôn từ và những thủ pháp đặc biệt, nó vượt qua những hình ảnh cụ thể, cảm tính bề mặt để trở thành những ảnh hình tượng trưng tích chứa quan niệm, tư tưởng sáng tạo của tác giả. Những hình ảnh, sự vật này có ý nghĩa trùng phức, đa nghĩa và nó chỉ nảy sinh trong một văn cảnh nhất định, rời khỏi văn cảnh đó, biểu tượng đó sẽ không còn tồn tại những giá trị ý nghĩa như vậy nữa, do đó nó là kết quả sáng tạo của nhà văn. Biểu tượng thường chứa đựng nhiều ý tứ kín đáo, thâm trầm thậm chí bí hiểm.

 

1.2. Vị trí và ý nghĩa của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn

          

1.2.1. Vị trí của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn

 

Trong thế giới thơ Mai Văn Phấn, Đất là một biểu tượng nổi bật. Với 312 lần xuất hiện trên tổng số 12 tập thơ, Đất là một trong hai biểu tượng góp mặt với tần số cao nhất (cùng với Nước: 384 lần). Điều này không phải ngẫu nhiên bởi Đất chính là một điểm sáng thẩm mĩ, thể hiện ý đồ sáng tạo của tác giả.

 

Đặt trong thơ Mai Văn Phấn, Đất vượt ra khỏi những ý nghĩa ban đầu của nó, trở thành một biểu tượng trùng phức về nghĩa. Đặc biệt, khi đặt nó trong mối quan hệ với các biểu tượng khác như Đất, Nước, Lửa, Hạt giống, Nụ mầm... thì ý nghĩa và vị trí trung tâm của nó càng được tô đậm.

 

Tuy nhiên, khi đứng một mình, Đất vẫn tồn tại những ý nghĩa đặc biệt trong thơ Mai Văn Phấn. Nó chính là sự đúc kết những trải nghiệm và tri thức về đời sống, văn hóa, văn học, khác nhau của tác giả.

 

1.2.2. Ý nghĩa của biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn

         

1.2.2.1. Đất - biểu tượng của vẻ đẹp phồn sinh trong đời sống vũ trụ và nhân sinh

 

Trong hoạt động sáng tạo của mình, Mai Văn Phấn luôn có ý thức tìm về thiên nhiên, hướng tới không gian thiên nhiên đẹp, trong sạch và thuần khiết để nuôi dưỡng, thanh tẩy hồn mình trước những xô bồ, hỗn tạp của đời sống. Cho nên nói đến đất đai trong thơ ông, trước hết là nói đến một hình ảnh tượng trưng cho vẻ đẹp phồn sinh của đời sống tự nhiên, vũ trụ, và nhân sinh tập trung ở hai khía cạnh: phì nhiêu và sinh sôi, nảy nở.

 

Trước hết, “phì nhiêu” vốn là một tính từ luôn gắn liền với Đất. Trong lĩnh vực địa lý có hẳn khái niệm “độ phì nhiêu của đất” (là tổng hợp các điều kiện, các yếu tố để đảm bảo cho cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt) [38]. Tuy nhiên, bước vào thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn ta vẫn phải “choáng ngợp” trước vẻ đẹp mỡ màng, “ứ căng”, “tươi ròng” của nó. Và cùng với cỏ cây, hoa lá, sông núi, bầu trời, mây gió, ánh nắng, cơn mưa,… tất cả cùng tạo nên một thế giới phồn thực, căng tràn nhựa sống; một không gian đa thanh, đa sắc. Hãy nghe: Âm hưởng xa xưa chảy vào miệng đất/ Dòng sữa ứa lên cỏ cây tiếng muông thú côn trùng/ Bông lúa cúi đầu tạ gió mưa hòa thuận/ Hạnh phúc nhận ra mình trước mầm cây, giọt sương hay lá mục/ Ta run lên trong nhịp đập thiên nhiên (Chương IX: Cộng hưởng III). Đó cũng chính là điều kiện tuyệt vời để cùng với những hình ảnh, hoạt động như gieo hạt, hạt giống, cánh đồng, lúa/ mạ, cày cuốc, mùa màng, mầm nụ,… góp nhặt vào “công cuộc gieo trồng”, mà ở đó tất cả đều hướng đến một mục đích sau nhất: sinh sôi, nảy nở và “tái tạo mùa sau”.

 

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát và thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố chỉ điều kiện tự nhiên và các sự vật, hoạt động gắn với “công cuộc gieo trồng” và thấy rằng tần số xuất hiện của chúng là rất cao. Kết quả cụ thể thể hiện ở bảng thống kê sau:

 

Bảng thống kê tần số xuất hiện của các yếu tố tự nhiên và những sự vật, hoạt động gắn với “công cuộc gieo trồng” trong thơ Mai Văn Phấn

Yếu tố tự nhiên

Sự vật - hoạt động của con người

Các yếu tố

Số lần xuất hiện

Sự vật - hoạt động

Số lần

xuất hiện

Nước

384

Sinh nở/ tái sinh

76

Đất

312

Hạt giống

75

Gió

236

Cánh đồng/ thửa ruộng

74

Ánh sáng

199

Nụ mầm

65

Trời

199

Mùa màng

64

Mưa

196

Lúa/ mạ/ thóc

38

Sương

122

Gieo trồng

36

Sông

117

Cày cuốc

21

Nắng

108

 

 

Biển

106

 

 

Đá

79

 

 

Núi

57

 

 

Phù sa

23

 

 

Bùn

23

 

 

 

Những yếu tố chỉ điều kiện sinh trưởng tự nhiên thiết yếu cho “công cuộc gieo trồng” và những hình ảnh, sự vật, hoạt động gắn liền với công cuộc đó đã cùng tạo nên “Bài hát mùa màng” đầy sức sống trong thơ Mai Văn Phấn:

 

Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở

Em đổ từng trận lũ dại cuồng

Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ

 

Con chim cắt không gian rộng để lại đường bay bất tận

 

Cội rễ anh vươn mắt em nhìn tươi tốt

Từng hạt mầm phun hơi ấm lòng đất ướt

từ hơi thở làm bầu trời đổi khác

từ khoảng không được quyền kiến tạo đám mây

 

Mắt rạ rơm đốt thiêu mùa cũ

Đổi thay cách nhìn và khoảng trống chân trời

đất nhận cả những gì còn cháy dở

mùa mới về tự tin, nghiền nát và xóa hết

Nụ hôn nín thinh, tỏa nhiệt, khoan vào lòng đất

chạm những mạch ngầm ứ căng huyền bí thuở xưa

Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt

dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời

 

Những mùa tái sinh trổ đồng chín rục

Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt

Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất

Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ.

 

Mọi ý thơ cứ xô đẩy cuốn theo nhau ráo riết, tạo thành khúc ca nồng nhiệt cháy bỏng của tình yêu, của sự khát khao sinh nở. Ở đó, tình yêu của em đã giúp anh thoát khỏi “ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ” - một khoảng không gian chật hẹp, khuôn khổ để đến với một không gian khác bao la, rộng lớn. Đó chính là không gian tự nhiên, không gian vũ trụ, được kết đọng trong hình ảnh đất đai “mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời”. Nó thể hiện nỗi khát khao mãnh liệt và lớn lao tái sinh mùa màng và “làm bầu trời đổi khác”. Có thể nói, bài thơ là sự giải phóng tối đa trí tưởng tượng của tác giả với những hình ảnh “tươi tốt”, “ứ căng”, “mỡ màu”, “phồn thực bời bời”, “chín rục”, “tươi ròng”,… - những tính từ chỉ trạng thái, cảm giác “cực điểm” về sự tràn trề năng lượng, chúng tác động trực tiếp vào tri giác người đọc và gây một ấn tượng hết sức mạnh mẽ.

 

Với Mai Văn Phấn trạng thái mang thai/ hoài thai/ thai nghén, tái sinh/ sinh nở là những biểu hiện đẹp đẽ nhất của đời sống trần thế. Chính vì vậy, những hình ảnh đất mang thai”, “đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ”, “mặt đất vừa qua phút lâm bồn”, “đất đai hồi sinh”… xuất hiện khá nhiều trong thơ ông, như: Mộng du, Nghe tin em sinh con, Những bông hoa mùa thu,… Ở đó, Đất đã được hình dung như một cơ thể nữ giới phồn thực, cũng trải qua “sứ mệnh” thiêng liêng, cao cả của mình: làm “Mẹ” tự nhiên, duy trì nòi giống - quy luật sinh hóa vĩnh cửu của đời sống.

 

Trong quan niệm xưa nay, Đất luôn được xem là yếu tố tĩnh, cố định, nhưng khi bước vào thế giới thơ Mai Văn Phấn, nó không còn bị/được hình dung như một sự vật bất động, vô tri vô giác nữa, ngược lại như một sinh thể luôn chuyển động, luôn “hồi sinh”, “tái sinh”, luôn căng tràn và mang hơi thở, bóng dáng, nhịp sống vốn chỉ có ở con người: Đất nặng nhọc gối lên đầu biển cả/ Từng lòng cây, tảng đá, dấu chân/ Kê cao thêm cho anh dễ thở (Đường bay) hay Biển có dài dại/ Đất ngây ngây/ Mặt trời vẫn thức/ ở trong đế giày (Chương IX: Cộng hưởng III); thêm nữa: “Từ một điểm bất kì tới chỗ con mèo chơi với miếng giẻ lau là đường chân trời. Mặt đất đang dần co lại. Vòm thời gian cong quá sẽ vỡ. Hơi thở thác nước dựng em chất ngất, mát khôn nguôi” (Vòng cung thời gian) Tiếng đất reo/ Rễ cây duỗi mềm mại/ Hoa trổ bông nơi mình vừa tưới (Hình đám cỏ - Nhịp IV). Chính nhờ vào cách ngắt nhịp thơ hết sức đa dạng, linh hoạt, câu thơ trở nên “phóng túng”, phá vỡ mọi trật tự, niêm luật vốn có và xu hướng “văn xuôi hóa” xuất hiện như một tất yếu, thể hiện sự chuyển động liên tục, mạnh mẽ của mọi sự vật và sự cuộn xiết của mạch cảm xúc. Ở đó, con người, cụ thể là tác giả dường như bị “xô đẩy”, “choáng ngợp” trước nhịp sống, nhịp chảy trôi không cùng của đời sống tự nhiên đầy sung mãn. Là một biểu tượng lớn nằm trong một hệ biểu tượng lớn hơn, đất còn là sự ám gợi về một cuộc sinh thành lớn của vũ trụ. Nó cùng với ánh sáng, không khí, gió cấu thành sự sống của con người: Hình như nắng sớm đang phủ lên đỉnh núi/ Làm trong suốt lòng đất, lòng cây (Vô tình trong nắng sớm); Gió cuộn anh vào cây/ cho trái chín (Tỉnh dậy trong mưa);… Ngoài ra, Đất còn là một trong năm yếu tố ngũ hành, còn gọi là Thổ. Theo triết học cổ Trung Hoa, tất cả vạn vật đều phát sinh từ năm nguyên tố cơ bản và luôn luôn trải qua năm trạng thái được gọi là: Mộc, Hỏa, Thổ, Kim và Thủy. Năm trạng thái này, gọi là Ngũ hành, không phải là vật chất như cách hiểu đơn giản theo nghĩa đen trong tên gọi của chúng mà đúng hơn là cách quy ước của người Trung Hoa cổ đại để xem xét mối tương tác và quan hệ của vạn vật [39]. Đấy là mối quan hệ cộng sinh, cùng nhau kiến thiết vũ trụ, tạo nên vẻ đa dạng cho thế giới tự nhiên.

 

Tuy nhiên, ý nghĩa này thực ra không mới. Bởi trước Mai Văn Phấn, Đất với nghĩa là Mẫu, là Mẹ gắn với sự phì nhiêu và sinh sôi nảy nở đã trở thành quan niệm quen thuộc. Chẳng hạn, trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, đất đã được định nghĩa như sau: “Đất là cái bản thể vũ trụ Prakriti, là cái hỗn mang nguyên thủy, là material prima tách ra khỏi nước, theo sách Sáng thế hay được con lợn lòi của Vishnu đưa lên trên mặt nước; hay được các á thần của Shintô (Thần Đạo) làm đông tụ lại. Nó là vật liệu mà tạo hóa tạo ra con người. Đất là trinh nữ mà thân thể được lưỡi mai, lưỡi cày xuyên vào, được mưa hoặc máu, tinh dịch của Trời làm thụ thai. Khắp nơi trong hoàn vũ, đất là một tử cung thai nghén những nguồn nước, khoáng sản, kim loại… Được đồng nhất với người mẹ, đất là một biểu tượng của sức sản sinh và tái sinh. Đất sinh ra mọi vật, nuôi dưỡng muôn loài để rồi tiếp nhận lại từ chúng cái mầm đầy sức sinh nở. Theo thần hệ của Hesiode, đất đã sinh ra ngay cả Trời, sau đó Trời mới phủ đất để sinh ra tất cả chư thần. Các thần đã bắt chước cuộc hôn phối đầu tiên này, rồi đến người, đến động vật, đất đã tỏ ra là gốc của mọi sự sống, và được đặt tên là Bà, là Tổ thân mẫu" [4; 287 - 288]. Trong Thần thoại Hi Lạp, đất cũng được nhắc đến với ý nghĩa sinh sôi, nảy nở, là nguồn gốc của vũ trụ, của muôn loài: “Từ Khaôx đã ra đời Gaia. Đất Mẹ của muôn loài, có bộ ngực mênh mang. Chính Đất Mẹ Gaia là nơi sinh cơ lập nghiệp bền vững đời đời của muôn vàn sinh linh, vạn vật… Nữ thần Đất Mẹ Gaia có bộ ngực nở nang tràn đầy sức sống. Đứa con đầu lòng của nàng là Uranôx - Bầu Trời sao nhấp nhánh (Ou - ranos, Ciel)… Nàng lại còn đẻ ra Núi (Montaque) cao vút, sừng sững, nghênh ngang. Biển - Pôngtôx (Pontos) mênh mông, khi hung dữ gầm thét, lúc hiền dịu rì rào. Trời, Núi, Biển như vậy đều do nữ thần Đất Mẹ Gaia sinh ra. Chúng là những đứa con không cha, bởi vì khi ấy mẹ chúng chưa cùng ai kết bạn. Đối với thần thì điều ấy chẳng có gì đáng lạ” [15; 41-42]. Còn trong đời sống văn hóa người Việt, Đất được xem là địa bàn cư trú và là nơi mà con người sinh ra rồi trở về. Nếp suy nghĩ ấy xuất hiện trong rất nhiều ca dao, tục ngữ. Ở đó, Đất là nơi con người sinh cơ, lập nghiệp, là “móng nền vững chắc” cho mọi vật của thế gian tồn tại, sinh trưởng:

 

Dưới đất có đông, có tây

Có nam có bắc có cây ngô đồng

Dưới đất có núi có sông

Có thuyền chở khách có ông lái đò

Dưới đất có vườn trồng hoa

Đó là hoa cúc đây là hoa lan

Dưới đất có chùa trăm gian

Có động Từ Thức, có hang lên trời…

 

Đất còn xuất hiện khá đậm nét trong thơ ca Cách mạng, trở thành một biểu tượng tượng trưng cho sức mạnh và vẻ đẹp của dân tộc, đất nước, quê hương. Ta hãy đọc lại những câu thơ của Tố Hữu:

 

Ta bước tới. Chỉ một đường: Cách mạng

Vững lòng tin sẽ nắm chắc thành công

Như những con tàu giữa biển mênh mông

Còn xa đất, vẫn tin ngày cập bến.

 

Cũng có lẽ, hỡi bạn đời yêu mến

Bờ đương mờ, hải cảng hãy còn xa

Có lẽ nhiều mỏm đá với phong ba

Sẽ đánh đắm một đôi tàu mỏng mảnh!

(Như những con tàu)

 

Tuy nhiên, do chủ yếu cầm bút viết trong thời kỳ Đổi mới, nhà thơ không phải chịu nhiều bó buộc của hoàn cảnh chiến tranh, cùng với đó là sự khác biệt về tư duy thơ đã giúp Mai Văn Phấn rời xa kiểu thơ trữ tình chính trị vốn tồn tại trong một thời gian dài của một giai đoạn văn học dân tộc để bước sang kiểu thơ tư tưởng - triết lý song không xa rời thế sự, ngược lại, luôn bám sát đời sống nhân sinh, thế sự như nó vốn có. Đây chính là khám phá mới của một nhà thơ rất chú trọng đến lẽ sống tự nhiên, khát khao hướng đến nét đẹp nguyên sinh, khởi thủy của đời sống con người.

          

1.2.2.2. Đất - biểu tượng của vẻ đẹp và sức mạnh dục tính

 

Là một nhà thơ rất có ý thức cách tân, không ngại những “va đập”, thách thức của đời sống, của thị hiếu thẩm mỹ số đông; sẵn sàng đi ngược lại với quan niệm truyền thống và thi pháp truyền thống, Đất trong thơ Mai Văn Phấn bên cạnh nghĩa gốc của biểu tượng còn nảy sinh những ý nghĩa văn hóa - thẩm mỹ mới, mang đậm dấu ấn của chủ thể sáng tạo. Ở đây, Đất còn chính là hiện thân cho vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu, một thứ tình yêu mang đậm dục tính. Nói như vậy không có nghĩa ta đồng nhất thơ ông với sex, với cái dung tục tầm thường, với sự trần trụi của “dục tính” hiển lộ trên nghĩa bề mặt của nó. Ngược lại, thơ ông vẫn thanh sạch, vẫn tế nhị. Tình yêu ấy, dục tính ấy mang đậm tính tượng trưng phổ quát:

 

Mùa thu đổ những dòng thép nóng

Chảy về chầm chậm rót vào khuôn.

 

Vào hàng cây vừa chạy qua mùa hè rũ rợi

Cánh đồng nhìn mây bằng gốc rạ tươi

Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc

Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ

Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế

Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da.

 

Vọng tiếng reo trên nguồn rừng góc bể

Hay tự nơi nào vừa tan chảy u mê

Nơi thánh đường không ai thờ phụng

Phi lý lỗi thời mọi toan tính suy tư

Mọi bền chặt đã đến giờ tan loãng

Nung nấu réo sôi từng vật thể tế bào

(Quyền lực mùa thu)

 

Đọc bài thơ người đọc không hề tìm thấy bất cứ một câu dung tục, sỗ sàng, bất nhã nào. Thay vào đó là chiều sâu liên tưởng của các hình ảnh, biểu tượng hay nói đúng hơn là chất dục tính đã được “kết nối” trong miền ảo ảnh, mơ mộng và tưởng tượng. Ở đó, tình yêu, hành động tính giao được ẩn sau những hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng “Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc/ Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ” và sự biến chuyển nhiệt lượng vũ trụ của mùa thu với những quyền năng, sức mạnh khiến “mọi bền chặt” đều “đến giờ tan loãng”.

 

Trong lịch sử thi đàn Việt Nam, góc nhìn tình yêu - tính dục không phải đến Mai Văn Phấn mới xuất hiện, mà trước đó mấy trăm năm, trong thơ của Bà chúa thơ Nôm - Hồ Xuân Hương cũng đã rất nổi tiếng với những bài như Vịnh cái quạt, Quả mít, Đánh đu… Có thể nói, ở đó, bà đã thể hiện một tiếng nói nữ quyền đầy táo bạo, vượt ra khỏi mọi khuôn khổ ý thức hệ xã hội bấy giờ:

 

Trời đất sinh ra một cái chòm

Nứt làm đôi mảnh hỏm hòm hom

Kẻ hầm rêu mốc trơ toen toẻn

Luồng gió thông reo vỗ phập phòm

Giọt nước hữu tình rơi lõm bõm

Con đường vô ngạn tối om om

Khéo ai đẽo đá tài xuyên tạc

Héo hớ hanh ra lắm kẻ dòm!

(Hang Cắc Cớ)

 

Bài thơ tả cảnh một cái hang - hang Cắc Cớ, nhưng việc sử dụng một số từ có chủ ý như: “cái chòm”, “nứt làm đôi mảnh”, “kẻ hầm rêu mốc”, “giọt nước hữu tình”, “con đường vô ngạn”, “đẽo đá”, “xuyên tạc”, “hớ hanh”, “dòm” kề cận nhau trong cùng một văn bản đã gợi ra một nghĩa khác, nghĩa ngầm sinh thực khí nữ. Cả hai nghĩa này đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau. Tuy nhiên, tính dục trong thơ nữ thi sĩ chủ yếu được gợi lên từ những hình ảnh gợi về những hình ảnh ẩn dụ phồn thực đậm tính dân gian. Còn Mai Văn Phấn lại tập trung thể hiện chúng trong ý nghĩa mang giá trị phổ quát và xuất phát từ “nhãn quan phồn sinh”, tình yêu đắm đuối trước thiên nhiên và quy luật sinh hóa của cuộc sống.

 

Gần hơn, văn học Việt Nam “đón chào” sự xuất hiện của “ông hoàng thơ tình” Xuân Diệu. Vốn được xem là thi sĩ của tình yêu, của mùa xuân và tuổi trẻ, Xuân Diệu luôn ca ngợi tình yêu, xem tình yêu là điều thiêng liêng nhất, đẹp nhất và mãnh liệt nhất. Đặc biệt, tiếng thơ của ông luôn đắm say, tha thiết và không ngừng đòi hỏi:

 

Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ,

Phải nói yêu, trăm bận đến nghìn lần; 

Phải mặn nồng cho mãi mãi đêm xuân, 

Đem chim bướm thả trong vườn tình ái. 

 

Em phải nói, phải nói, và phải nói 

Bằng lời riêng nơi cuối mắt, đầu mày, 

Bằng nét vui, bằng vẽ thẹn, chiều say, 

Bằng đầu ngả, bằng miệng cười, tay riết, 

Bằng im lặng, bằng chi anh có biết! 

 

Cốt nhất là em chớ lạnh như đồng, 

Chớ thản nhiên bên một kẻ cháy lòng, 

Chớ yên ổn như mặt hồ nước ngủ. 

Yêu tha thiết, thế vẫn còn chưa đủ. 

(Phải nói)

 

Cả bài thơ là tiếng lòng của người đàn ông dù đã có được tình yêu nhưng vẫn luôn đòi hỏi, tham lam người mình yêu phải thể hiện, phải “tỏ hay”, đừng “chỉ để trong lòng”. Bởi nếu vậy, dù có “yêu tha thiết” thì “vẫn còn chưa đủ”, chưa trọn vẹn. Thế nên, tình yêu với Xuân Diệu không chỉ ở trong tim mà còn phải cất lên thành giọng nói, hành động, cử chỉ của chính nó, của bạn tình. Đặc biệt với việc sử dụng hàng loạt các phó từ chỉ mệnh lệnh: phải, chớ cùng nghệ thuật điệp cú càng khiến sự đòi hỏi, sự “thèm muốn” ấy lên đến cực điểm, lên đến “vô biên và tuyệt đích”. Tuy nhiên, sự thèm muốn, sự khát khao, nồng nàn nhục cảm ấy của Xuân Diệu chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở những “lời nói”, những cử chỉ, những hành động hưởng thụ trực tiếp: đầu ngả, miệng cười, tay riết,… Và “tình yêu Xuân Diệu, dù say đắm bao nhiêu, chủ yếu là trong mơ mộng, tưởng tượng, hoặc nói cách khác, chủ yếu là… mời yêu” [32; 307]. Còn thơ Mai Văn Phấn, cũng đậm màu sắc nhục cảm nhưng nó đã được nhà thơ nâng lên một sắc thái cao hơn, đó là tính dục.

 

Với Mai Văn Phấn, dục tính “là biểu hiện của sự sống tự nhiên nguyên thủy lành mạnh và thuần khiết” [32; 308], thế nên nhà thơ luôn xem hiện thực trong tình yêu, cụ thể là hành động tính giao như một nghi lễ, nghi thức vô cùng thiêng liêng: Yêu nhau/ Là những nghi thức dâng tụng trời đất/ Bây giờ là mùa xuân/ Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa/ Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thủy/ Đất rùng mình/ Sông chảy/ Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung” (Anhanhemem) hay Trên đỉnh bóng cây đang tối dần thành miệng vực, những bông hoa bằng lăng rực rỡ đăng quang/ Muôn ngàn môi hoa, cánh tay hoa đung đưa trong nghi lễ xông hương của mặt đất tạ ơn vòm trời (Hoa Bằng Lăng). Chỉ những khi ấy nhà thơ mới có thể tinh tế phát hiện “cuộc ái ân của đất với nước”, lắng nghe chúng “ngân lên thành tiết tấu” để “mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông”.

 

Đặc biệt, tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn luôn được đặt trong chiều sâu sức hút âm dương của nó. Điều này thể hiện ở sự kết hợp hài hòa, thống nhất giữa các đối cực: Âm và Dương, Anh và Em, Trời và Đất, Nước và Lửa, Ánh sáng và Bóng tối, Đêm và Ngày… Những đối cực này như là hai mặt của đời sống, vũ trụ. Chúng đối lập với nhau nhưng không vì thế mà hoàn toàn biệt lập, xa rời nhau. Bởi khi gọi tên cực này thì lập tức gợi lên tiếng nói của cực kia. Và vì thế chúng gọi nghĩa cho nhau, tạo lập giá trị cho nhau, và hơn hết cùng song song tồn tại như hai mặt của một chỉnh thể thống nhất, trọn vẹn.


Ở đây, chúng tôi cũng đã thống kê số lần xuất hiện của những đối cực này và nhận thấy sự xuất hiện của chúng trong thơ Mai Văn Phấn là khá dày và thường có xu hướng “sóng đôi” với nhau trong mỗi bài thơ mà chúng góp mặt. Cụ thể: Âm: 13 lần - Dương: 8 lần, Em: 420 lần - Anh: 426 lần, Đất: 312 lần - Trời: 199 lần, Nước: 384 lần - Lửa: 87, Bóng tối:112 lần - Ánh sáng: 209 lần, Đêm: 149 lần - Ngày: 61 lần. Sự xuất hiện sóng đôi của chúng một mặt gây ấn tượng thẩm mĩ mạnh mẽ, nhưng mặt khác lại cho thấy một quy luật của đời sống nhân sinh và vũ trụ: sự xuất hiện của cực này sẽ nâng tầm quan trọng cho cực kia: Một ngày ánh sáng rút đi, mọi vật quanh ta chỉ là bóng tối. Cánh đồng tối ôm giống lúa tối. Thủy triều tối cuốn đàn cá tối. Giọng đơn ca tối trên nền nhạc tối. Lớp học tối nhầm lẫn giáo trình tối. Hồ sơ tối giấu kho tài liệu tối. Đại lộ tối đổ về quảng trường tối. Cuộc diễu binh tối phô trương vũ khí tối. Bàn tay tối buông con bồ câu tối… Vậy từ nay tôi tiết kiệm và tàng trữ ánh sáng, gom nhặt và đầu cơ ánh sáng, tích lũy và khúc xạ ánh sáng, nâng niu và giành giật ánh sáng, yêu thương và ăn cắp ánh sáng, thanh sạch và vươn trong ánh sáng (Quang phổ). Tương tự tình yêu sẽ không thể tồn tại nếu chỉ có em mà không xuất hiện anh; sẽ không thể có một đất đai phồn sinh, tươi tốt nếu không được bầu trời sinh ra những cơn mưa dội xuống; ngày sẽ không còn nhiều giá trị khi thiếu vắng đêm,…


Đặc biệt, trong cái nhìn “ca tụng” tình yêu - tính dục ấy, Mai Văn Phấn xem tình yêu của con người như biểu tượng của cuộc gieo trồng thiêng liêng mà anh và em là những người thực hiện: “Trong hơi thở gấp anh biết/ Tay mang hạt giống/ Gieo… Gieo… / Ta gieo… (Tỉnh dậy trong mưa). Sự lặp lại động từ “gieo” ba lần trong những câu thơ có nhịp ngắn vừa như là hối thúc, vừa thể hiện niềm say mê với “công cuộc gieo trồng”, tình yêu bất diệt ấy.

          

1.2.2.3. Đất - biểu tượng kết đọng những phẩm tính đặc thù của cái tôi thi nhân

 

Trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, Đất còn là một biểu tượng kết đọng những phẩm tính đặc thù của cái tôi thi nhân. Xưa nay, Đất vốn gắn với hình ảnh của Mẫu/ người phụ nữ với tất cả sự mềm mại, mỡ màng, âm tính thì nay bước vào trong thơ Mai Văn Phấn, Đất lại mang dáng dấp của người đàn ông, là sự hóa thân của người đàn ông:

 

Đất đai - người đàn ông nằm ngủ

Mắt khép một vùng cửa sông

Hạt hạt phù sa mê man bên gốc rạ

 

Da thịt râm ran từng cơn trút lá

Heo may! Heo may! Heo may!

Phía sau giấc mơ bồi hồi tàn lửa

 

Những đám cháy bò lan bùng lên điệu múa

Thức dậy người đàn ông

Trên ngực còn vương tro than của mùa đốt đồng

(Sau mùa gặt)

 

Ở phần V của bài Tiếng gọi từ những cánh đồng, Đất cũng mang những hình hài của người đàn ông : Những hạt mưa ríu rít trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi. Trong bài Không quán tính cũng có những hình ảnh tương tự: Đặt tay mở những bờ mùa/ Con đỉa lội gồng mình sáng lóe/ Hơi thở lo âu phun xuống sương mù/ tiếng chuyện trò làm đất đai vạm vỡ;… Việc gắn hình ảnh đất đai trực tiếp với người đàn ông hay với những tính từ vốn đặc trưng của người đàn ông (vạm vỡ) đều thể hiện nét đặc biệt trong quan niệm thẩm mỹ của nhà thơ (quan niệm này có phần đi ngược lại với truyền thống. Nhưng giá trị của nó lại nằm ở chỗ đó: xác lập/ định hình lại quy luật của đời sống, thiên nhiên, vũ trụ).

 

Tuy nhiên, không chỉ có Đất mang đặc điểm, hình hài người đàn ông, mà ngược lại anh - người đàn ông cũng mang đặc điểm của Đất: Hút mãi về em/ Từng hơi thở đất/ Anh hạn hán/ Cơn mưa chiều tất bật (Nỗi nhớ mùa thu). Vì anh được hình dung là Đất nên em mới có thể “Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực” (phần II - Đỉnh gió); và có khi anh lại mường tượng rằng mình là Đất để dấu chân em in hằn lên đó: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng (Dấu vết bình minh)

 

Những thi ảnh lạ ấy dường như là kết quả của một tâm hồn luôn bị ám ảnh bởi sự sinh sôi của vũ trụ. Sự ám ảnh đã đẩy tác giả đến một hành động mạnh mẽ, táo bạo hơn: khát khao trở thành một phần của “công cuộc gieo trồng”, của sự sinh sôi ấy: “ta thèm một lần nhân danh đất đai”; khát khao trở thành người phụ nữ, người mẹ: “Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp(Bài ca buổi sớm) và thậm chí sẵn sàng “chết đi cho mọi sự sinh ra”. Và nếu Nguyễn Quang Thiều chỉ dừng lại ở việc “Gọi tên linh hồn đất/ Bằng cách gieo âm tiết của riêng mình”, giữa nhà thơ và Đất vẫn tồn tại khoảng cách, thì Mai Văn Phấn lại muốn hóa thân thực sự vào Đất, Đất với người là một. Điều này quả là lạ. Đánh giá về điều này, nhà phê bình Lê Hồ Quang cho rằng: “Đấy là một sự lạ cần thiết. Nó phơi lộ cái góc khác thường trong bản thể tinh thần cái tôi Mai Văn Phấn” [32; 308]. Phải chăng, “cái góc khác thường” được đề cập đến ở đây là phần “âm tính” đặc thù trong tâm hồn của thi sĩ? Có lẽ, câu trả lời sẽ cần nhiều thời gian, và biết đâu đó cũng là điều thu hút độc giả tìm hiểu sâu hơn về con người Mai Văn Phấn, thơ Mai Văn Phấn (trong đó có tác giả bài viết này).

 

1.3. Nghệ thuật xây dựng biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn

 

Nội dung của mục này thực chất chúng tôi muốn đi vào trả lời cho câu hỏi: Cái gì đã biến Đất từ một hình ảnh đơn nghĩa trở thành một biểu tượng trùng phức, đa nghĩa; từ việc mang nghĩa một sự vật cụ thể trở thành một biểu tượng giàu ý nghĩa khái quát, thậm chí tồn tại các nghĩa trái ngược/đối nghịch nhau? Liệu đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là chủ ý sáng tạo của tác giả? Và nguyên nhân gì đã dẫn đến cách viết về Đất có tính đặc thù như vậy trong thơ Mai Văn Phấn?

 

Đi vào giải đáp câu hỏi trên, chúng tôi nhận thấy có hai nguyên do liên quan trực tiếp đến vấn đề này. Đó là cái cơ chế tư duy thơ mang tính đặc thù của tác giả thể hiện trong các sáng tác cụ thể và sự đa dạng nhưng nhất quán trong các thủ pháp, kỹ thuật làm thơ. Tuy nhiên, do dung lượng và tính chất của đề tài, chúng tôi chỉ trình bày một cách khái quát về cơ chế tư duy thơ Mai Văn Phấn và dành sự tập trung nhiều hơn đối với các thủ pháp, kỹ thuật làm thơ của ông trong việc xây dựng biểu tượng Đất.

 

Cơ chế tư duy thơ hiểu một cách đơn giản là cách nghĩ về thơ, về sự sáng tạo thơ của người cầm bút. Tìm hiểu tư duy về thơ sẽ giúp chúng ta “phần nào biết mô hình sáng tạo mang tính cá nhân đó như thế nào. Đọc thơ, theo hướng này là đọc cách thức tạo lập văn bản, đọc sự sáng tạo như một quá trình, một cách tạo nghĩa: một cách đọc động, không có khuôn mẫu cố định, biến đổi theo từng trường hợp cụ thể” [14; 492]. Mặt khác, đổi mới tư duy thơ là cơ sở của việc đổi mới nội dung và hình thức thơ, từ đó tạo ra tiền đề cho sự cách tân, đồng thời cũng là yếu tố tiên quyết dẫn đến sự đổi mới trong quan niệm và nhận thức của người nghệ sĩ.

 

Khi thể hiện những quan điểm của mình về thơ, Mai Văn Phấn bày tỏ thế nào là một bài thơ hay”. Với ông, hay là điểm sáng đầu tiên nhưng chỉ là một phần nằm trong tổng thể giá trị thẩm mĩ của bài thơ” [27; 387]. Thơ hay tùy thuộc theo quan niệm thẩm mĩ, cách tiếp cận của mỗi người và cần được lý giải trên nhiều khía cạnh của bài thơ: ngôn ngữ, tư tưởng, thần thái... Ông cho rằng: thơ hay trong khoảng im lặng giữa các chữ, là mang đến cho ta niềm ngạc nhiên về thế giới, sự run rẩy trong tâm thức” [27; 388]. Nó không hạn chế ở đề tài, cũng không quy định bởi trường phái, thể loại, cũ và mới, truyền thống hay hiện đại; Đặc biệt, đối với ông vai trò của người đọc sẽ mang tính quyết định trong việc xác lập giá trị của một bài thơ, biến nó thành một tác phẩm hay: Thơ hay, cuối cùng còn tùy khả năng đồng sáng tạo của người đọc” [27; 392].

 

Trong quan niệm về nhà thơ, Mai Văn Phấn và thế hệ thơ ông lại nhìn nhận nhà thơ là kẻ hành nghề sáng tạo”, đồng thời còn phải là một nhà văn hóa: Nhà thơ theo tôi phải là nhà văn hóa. Kiến thức văn hóa ấy lắng sâu vào nhà thơ một cách tự nhiên, và tới một hoàn cảnh hữu duyên” nào đó, nó đột khởi dâng lên thành cảm xúc thi ca. Lúc ấy tứ bài thơ vụt đến bất ngờ, tưởng như của nhặt được” nhưng thực ra nó đã được tích lũy vô tình ở đâu đó từ rất lâu” [27; 457]. Từ những quan niệm về thơ và nhà thơ, Mai Văn Phấn đã rút ra những nhận định khá mới mẻ về mối quan hệ giữa nhà thơ - văn bản thơ - bạn đọc. Theo ông,Tác phẩm sau khi được công bố tồn tại độc lập với người làm ra nó” [27; 430], cho nên việc kích hoạt những tác phẩm văn học có giá trị” phải là cuộc song hành, đồng bộ” của nhà thơ và bạn đọc. Đặc biệt, trong những trường hợp cụ thể, văn bản thơ chỉ nhằm gợi ý để người đọc tự đi đến tận cùng mục đích do tự họ và nhà thơ đã ngầm đặt ra. Người đọc cùng tham gia, đồng hành cùng với quá trình sáng tạo của nhà thơ, được tự do đọc theo cách của mình, tự tìm lấy chìa khóa để bước vào ngôi nhà thi ca. Đó là một thế giới riêng biệt, một miền đất lạ cần khám phá. Nhà thơ mở cho bạn đọc một chân trời tự do tuyệt đối, tùy thuộc vào sự trải nghiệm, hay gọi khác đi, đó là cuốn từ điển bách khoa”, mà mỗi người tự quyết định cách đi, cũng như độ dài con đường để đến mục đích” [31; 388]. Tức là bên cạnh việc nhìn nhận nhà thơ được tự do sáng tạo, làm chủ ngòi bút của mình thì Mai Văn Phấn cũng để người đọc được làm chủ lãnh địa” cảm xúc, trái tim và cách tiếp nhận theo cá tính riêng của họ.

 

Trên đây là một số trình bày giản lược về quan niệm sáng tạo của Mai Văn Phấn, một yếu tố tối quan trọng trong cơ chế tư duy nghệ thuật, tư duy thơ của ông.

 

Với cơ chế tư duy này, Mai Văn Phấn luôn coi trọng trực giác, mơ mộng, tưởng tượng và có xu hướng đào sâu vào giá trị phổ quát, ẩn chứa đằng sau những cái cụ thể. Thế nên, các hình ảnh đất đai, con cá, đàn sẻ nâu,… xuất hiện trong thơ ông không còn là những hình ảnh thực tế thường thấy mà chúng mang một vẻ đẹp siêu thực: Anh là con cá miệng dàn dụa trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động (Ngậm em trong miệng); con cá nghiền nát lưỡi câu đảo lộn trật tự thời gian (Nơi trời rộng)… Kiểu tư duy này xuất phát từ trực giác thơ rất mạnh của Mai Văn Phấn, đó là sức mạnh tâm linh luôn tồn tại trong bản thể nhà thơ. Đồng thời, nó bắt nguồn từ việc “chăm” đọc thơ và phông văn hóa rất rộng của Mai Văn Phấn. Do đó, trong thơ ông Đất không chỉ là hình ảnh gắn với một nghĩa cố định, bất biến. Trái lại trong thơ ông, Đất mất đi cái ý nghĩa sao chép thực dụng ban đầu, trở thành một biểu tượng giàu ý nghĩa khái quát, luôn có mối liên quan trực tiếp đến những sự vật khác, mở ra các chiều liên tưởng rộng lớn, bao quát hơn.

 

Tuy nhiên, chính bởi sự kích hoạt nhiều chiều liên tưởng khác nhau đó, mà không ít lần các bài thơ của ông trở nên rối rắm, khó nắm bắt. Chẳng hạn: “Đêm qua tôi mơ/ Người bán vé số đầu ngõ/ Được làm vua/ Tôi và mấy hàng xóm/ Mặt mày nhơn nhơn/ Một hoạn quan thét lớn: Quỳ xuống!/ Các ngươi đã lạc sang thời đại khác!/ Tỉnh dậy tôi vẫn nhớ/ Vết sẹo trên cánh tay phải đức vua/ Vụ xô xát với bọn bụi đời năm ngoái” (Tiếng vỗ ngắn). Một số bài cũng do nhà thơ quá chú trọng, cố gắng diễn đạt cái cơ chế tư duy thơ ấy nên câu thơ, bài thơ trở nên mất tự nhiên và có phần gượng ép. Cái miệng bất tử là một ví dụ tiêu biểu: “Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết/ lúc lên cao/ lúc chạm vào mặt đất/ Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi/ vẫn vàng ươm/ hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?”

 

Dĩ nhiên, ở đây Đất chỉ là một dẫn chứng tiêu biểu và nó vẫn chưa nói hết được cái cơ chế tư duy thơ của Mai Văn Phấn. Song, chúng tôi vẫn muốn đề cập đến Đất như một con đường mang tính khả thi khi tìm hiểu cơ chế tư duy thơ ông.

 

Như chúng tôi đã trình bày, việc biến Đất từ hình ảnh đến biểu tượng không chỉ chịu sự chi phối bởi cái cơ chế tư duy thơ mang tính đặc thù của tác giả mà nó còn xuất phát từ sự đa dạng nhưng nhất quán trong các thủ pháp, kỹ thuật làm thơ. Và nội dung của mục này, chúng tôi muốn đi sâu phân tích những thủ pháp, kỹ thuật ấy qua những văn bản thơ cụ thể của Mai Văn Phấn. Qua đó, xác lập tín hiệu ban đầu khi người đọc tiếp cận thơ ông từ góc độ của một biểu tượng tiêu biểu.

          

1.3.1. Tô đậm những tính chất kì vĩ, lớn lao, phi thường của Đất

 

Đất trong thơ Mai Văn Phấn luôn được nhìn nhận là một thực thể thiêng liêng. Nó tượng trưng cho Mẫu - người đã sinh ra tất cả muôn loài. Do đó, bước vào trong thơ Mai Văn Phấn, Đất thường được ông mô tả với những tính chất lớn lao, kì vĩ, phi thường.

 

Để tô đậm những tính chất kì vĩ, lớn lao, phi thường của Đất, tác giả thường đặt những hình ảnh khác thường bên cạnh nhau nhằm chặt đứt mối liên hệ giữa các sự vật. Bởi vậy, khi diễn tả Đất mang sứ mệnh của người mẹ, nhà thơ viết: Mặt đất vừa qua phút lâm bồn/ Anh về hụt bước trước hoàng hôn/ Chân trời phía ấy vừa se lại/ Chiều rỗng mặc kim chỉ gió luồn” (Nghe tin em sinh con). “Lâm bồn” vốn là thời khắc thiêng liêng, quan trọng của người phụ nữ khi đánh dấu vai trò mới của họ - được làm mẹ. Nhưng trong thơ Mai Văn Phấn, “lâm bồn” cũng được dùng để chỉ khoảnh khắc sinh nở của Đất. Bởi vậy, lúc này, Đất được đồng nhất với hình ảnh Người Mẹ tự nhiên. Vai trò của người mẹ với việc gắn Đất với các hình ảnh khác thường như : Đất mang thai, đất đai hồi sinh, Con sơ sinh trên đất,... còn được tác giả tô đậm trong nhiều bài thơ khác, chẳng hạn: Mộng du, Nghe tin em sinh con, Những bông hoa mùa thu, Cửa Mẫu...

 

Trong sự mô tả của tác giả, Đất như tự ý thức về khả năng và trách nhiệm của mình đối với sự sinh sôi, nảy nở, làm Mẹ tự nhiên. Thế nên, nó “chẳng nỡ bạc màu”, tiếp tục “hồi sinh tươi tốt”: “Mồ hôi và nước mắt dẫn dắt phù sa lăn vào trong đất. Còn máu bao giờ cũng tươi tốt, vì thế chăng mà đất đai chẳng nỡ bạc màuđể “Cho mọi dấu chân đều hy vọng đến được chân trời, cho hạt lép được nghiền ra làm cám trấu. Cuộc ái ân của đất với nước ngân lên thành tiết tấu và mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông” (Chương III - Cộng hưởng I); “Hôn em trời đổ mưa/ Đất đai hồi sinh tươi tốt/ hạt giống nảy mầm rồi bỏ đi xa” (Những bông hoa mùa thu)...

 

Đất xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn mang sứ mệnh cao cả: “lĩnh xướng” công cuộc gieo trồng. Ở đó, Đất không ngừng thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ, vươn cánh tay mềm thừa nhận khoảng không” (Chương X: Phía trước bàn chân);Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở”... Từ đó, Đất tạo ra “nguồn cảm hứng” sinh sôi, nảy nở để vạn vật tiếp nối nó, làm nên một cuộc gieo trồng vĩ đại: “Bên nhau cỏ mọc/ Cỏ diễn tiếp giấc mơ của đất/ Lưng thấm cỏ, chân tay thấm cỏ” (Mục 15 - Những bông hoa mùa thu); “Anh nghe em nhờ rễ sâu mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm, con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ” (Nghe em qua điện thoại)...

 

1.3.2. Mô tả Đất trong những biểu hiện cảm giác vận động trực tiếp, cụ thể

 

Thế giới trong thơ Mai Văn Phấn là một thế giới động, nó được diễn tả thông qua cảm quan cá nhân của người sáng tạo. Mai Văn Phấn luôn bị ám ảnh bởi sự sinh sôi, nảy nở của vũ trụ. Bởi vậy, biểu tượng Đất trong thơ ông cũng chịu sự chi phối của cái nhìn đó. Nó không ngừng chuyển động và trên hết, luôn mỡ màu, phì nhiêu sẵn sàng phục vụ cho công cuộc gieo trồng.

 

Ở đó, Đất thay vì “tĩnh”, bất động - theo một quan niệm phổ biến xưa nay, thì nó lại luôn luôn chuyển động. Để diễn đạt điều đó, Mai Văn Phấn có xu hướng đặt cạnh biểu tượng này trong những biểu hiện cảm giác vận động cụ thể: Đất rùng mình (Anhanhemem),Lòng đất quặn thắt (mục 15 - Tĩnh lặng), Mặt đất đang dần co lại (Vòng cung thời gian), “Chạm nhau nghe đất đi xa/ Con đường ngủ yên cây lá/ Đang thức giấc che chở/ Ghì níu gót chân” (Nhịp V - Hình đám cỏ), Những luống đất lật mình (Bài 18 - Những bông hoa mùa thu)... Dễ thấy, những từ như rùng mình, quặn thắt, đi,co lại, lật mình vốn dĩ là những động từ để chỉ các hoạt động của con người. Tuy nhiên, bằng sự kết hợp này, Đất được hình dung (và trên thực tế là đã “sống dậy”) như một thực thể sống, nó cũng có những hành động, cảm giác như con người. Điều này, xuất phát từ cái nhìn tâm linh hóa, thiêng liêng hóa của nhà thơ về Đất.

 

Không chỉ được diễn tả trong sự kết hợp với các động từ, Mai Văn Phấn khi xây dựng biểu tượng này còn đặt nó trong sự kết hợp với các tính từ chỉ cảm giác trực tiếp: “Đặt tay lên anh/ rễ mềm trong đất ẩm” (Nhịp VII - Hình đám cỏ); Gió sông Nhuệ thổi mạnh/ Miết xuống vòm cây/ Khoảnh khắc cuối ban mai/ Căng ngang trời đại lộ trong suốt/ Đất đai, mặt hồ đẫm ướt/ Che kín dấu chân (Rời tay để bạn đi); “Hôn em trời đổ mưa/ Đất đai hồi sinh tươi tốt/ hạt giống nảy mầm rồi bỏ đi xa” (Những bông hoa mùa thu)... Bằng cách này, Mai Văn Phấn đưa đến hình ảnh về Đất đai đầy mỡ màu, tươi tốt, phì nhiêu, sẵn sàng cho cuộc hoài thai sinh nở: Mùa thu đổ những dòng thép nóng/ Chảy về chầm chậm rót vào khuôn/ Vào hàng cây vừa chạy qua mùa hè rũ rượi/ Cánh đồng nhìn mây bằng gốc rạ tươi/ Những mái rạ xếp lên nhau thở dốc/ Mặt đất nôn nao mở miệng sông hồ/ Mùa thu chảy vào nỗi niềm thâm căn cố đế/ Hơi nóng rân rân truyền lên thịt da” (Quyền lực mùa thu). Mọi sự vật đều xoay chuyển, tạo sức bung nở hướng đến một cuộc gieo trồng của vũ trụ. Ở đó, tất cả được hình dung như một cuộc ân ái thực sự, mà Đất là trung tâm chuyển động.

         

1.3.3. Mở rộng trường nghĩa của Đất bằng cách đặt biểu tượng này trong cấu trúc đối sánh

 

Để mở rộng, gia tăng trường nghĩa cho Đất, nhà thơ thường đặt biểu tượng này trong cấu trúc đối sánh với một số biểu tượng khác. Ở đây, chúng tôi sẽ đi sâu khảo sát hai biểu tượng cũng in dấu đậm nét trong thơ Mai Văn Phấn, nằm trong cấu trúc đối sánh với biểu tượng Đất, đó là Trời (Đất - Trời) và Nước (Đất - Nước).

 

Trước hết, khi đặt Đất trong sự tương quan với Trời, chúng sẽ trở thành hai mặt Âm - Dương, trở thành hai cá thể của cuộc ái ân Nam - Nữ, trở thành hai yếu tố cần có cho công cuộc gieo trồng... Mối quan hệ này, thực chất đã được nhắc đến trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới: “Trời là bản nguyên dương, chủ động, đối lập với đất mang bản nguyên âm, thụ động” [4; 957]. Giữa chúng, dù đối lập nhưng vẫn luôn tồn tại trong mối quan hệ không thể tách rời, luôn hướng đến nhau, hòa quyện với nhau làm nên một cuộc tái sinh, sinh nở lớn của vũ trụ. Khi không có sự xuất hiện của một trong hai, tự bản thân chúng không thể mang đến ý nghĩa hoàn chỉnh đó. Bởi vậy, trong nhiều bài thơ của mình, Mai Văn Phấn thường để Đất và Trời xuất hiện cạnh nhau. Chẳng hạn: Những bông hoa mùa thu, Tiếng gọi từ những cánh đồng, Giấc mơ cây, Cửa Mẫu...

 

Khi đặt cạnh Trời, trong ước muốn “khát khao vùi lưỡi mềm vào thân thể nhau, như trời rộng ùa xuống chật căng mầm hạt” (Giấc mơ cây), Đất được hình dung như cơ thể nữ giới phồn thực mỡ màu, căng tràn sức sống, sẵn sàng “tìm đến chân trời” tạo nên cuộc hoài thai sinh nở: “Những luống đất lật mình/ để lộ màu mỡ phì nhiêu bao năm chôn vùi đáy sâu u tối” (Mục 17 - Những bông hoa mùa thu); “Đất miên man tìm đến chân trời/ Hơi thở đằm của bờ xôi ruộng mật/ Những nỗi buồn dâng sương sớm lên môi/ Chiếc cày chìa vôi sục tìm trong đất/ Lật lên bao kiếp người theo vết chân trâu...” (Tiếng gọi từ những cánh đồng); Còn Trời, lúc này, mang dáng hình của người đàn ông: mạnh mẽ, tràn đầy sinh lực: “Buông anh như gieo hạt/ Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời/ Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp”; sức mạnh ấy khiến Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh” (Mục 3 - Tỉnh dậy trong mưa). Và từ đó, “nơi đất trời gặp nhau”, “Giữa đất trời ngó sen sau mưa”, trong khoảnh khắc “Chân tay sao đê mê/ Giao hòa cùng trời đất (Thu về) thì khắp nơi liền “chật căng mầm hạt” (Giấc mơ cây).

 

Ở đó, cả Đất và Trời đều là sự thể hiện cho ước mong vũ trụ sinh sôi, nảy nở không ngừng: “...mặt mày hơn hớn/ làm đất làm trời/ cây cỏ tốt tươi/ mưa mau sầm sập” (Mục IX - Cửa Mẫu); ước muốn mong được hòa mình vào công cuộc gieo trồng ấy “Gieo xuống đất. Tung lên trời và hứng một hạt mưa” (Mục 9 - Tỉnh dậy trong mưa)...

 

Ngoài biểu tượng Trời, Mai Văn Phấn còn chú trọng đặt Đất trong mối tương quan đối sánh với biểu tượng Nước. Nước “là dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc của sự sống và là yếu tố tái sinh thể xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi nảy nở, của tính thanh khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. Là chất lỏng, nước có khuynh hướng hòa tan; nhưng là chất thuần nhất, nó có khuynh hướng liên kết và đông tụ... Nó thuộc âm, trái ngược với lửa...” [4; 710 – 711].

 

Nước và Đất là hai biểu tượng có tần số xuất hiện nhiều nhất trong thơ Mai Văn Phấn. Đặc biệt, Nước với những biến thể của nó như mưa, sương, khí lạnh, hơi ẩm... góp mặt bên cạnh Đất trong thơ Mai Văn Phấn cũng rất lớn. Trước hết, Nước và Đất đều mang tính âm, nhưng sự đối sánh giữa hai biểu tượng này vẫn diễn ra bởi Đất là chất rắn, còn Nước là chất lỏng. Do đó, sự dẫn dụ về một ý nghĩa mới của hai biểu tượng này đã nảy sinh từ đó. Lúc này, Nước được hình dung là tinh khí của Trời. Từ Trời đã dội xuống Đất những cơn mưa - biến thể của Nước. Mang trong mình tinh khí, nó len lỏi, chảy từ chỗ cao đến chỗ thấp, ngấm sâu và gieo vào Đất sự sống: “Từng hạt mưa rây rây xuống cỏ/ Đọt măng non căng mặt đất mềm” (Nhịp II - Hình đám cỏ); “Những hạt mưa ríu rít trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi” (Mục IV - Tiếng gọi từ những cánh đồng)...

 

Nếu xuất hiện trước Trời, Đất mang vẻ mỡ màu, tràn đầy nhựa sống; thì khi đứng cạnh Nước, Đất lại như một người phụ nữ yếu đuối, khô khốc, hạn hán, đang chờ đợi Nước - mang nguồn năng lượng mới, tràn đầy sinh lực tới “vỗ về”, làm tươi tốt cho sức sống của Đất, từ đó tạo điều kiện để “chùm rễ cất cánh”, “nứt vỡ vỏ cây”, mở đầu cho những nguồn sống mới: “Xối đi/ Ngấm xuống/ Trong đất khô gốc cây đang hấp hối/ Sợi rễ tua tủa - thiếu máu - chới với/ Ở đâu la đà, mướt xanh?/ Ở đâu quang hợp?/ Chạm vào nước/ Chùm rễ cất cánh/ Thân ứ căng dòng nhựa lên ngọn/ Nứt vỡ vỏ cây/ Mặt đất, khoảng không” (Mục 22 - Tỉnh dậy trong mưa).

 

Đặc biệt, trong tương quan đối sánh với Nước thì khát khao hoài thai, sinh nở, cùng làm nên công cuộc gieo trồng của Đất càng biểu lộ một cách mạnh mẽ qua những ước mơ, mong đợi: “Cuộc ái ân của đất với nước ngân lên thành tiết tấu và mọi cánh đồng được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông” (Chương III: Cộng hưởng I); “Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ấm” (Giấc mơ cây); “Những bước chân cộng hưởng vỗ về đất đai, những ánh mắt tụ dồn thành tia chớp, báo hiệu cơn mưa hân hoan từ phía cánh đồng” (Chương VI: Cộng hưởng II)...

 

Như vậy, khi đặt Đất trong cấu trúc đối sánh, bản thân Đất (cũng như các biểu tượng được đặt trong mối quan hệ đối sánh ấy) đều có khả năng tự phát ra nhiều ý nghĩa mới lạ, bất ngờ. Chúng thực sự tạo điểm nhấn thú vị cho người đọc trên hành trình đi tìm ý nghĩa văn bản thơ.

          

1.3.4. Sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ (ẩn dụ, so sánh, điệp, nhân hóa...) để mô tả

 

Để xây dựng biểu tượng Đất, Mai Văn Phấn còn chú trọng việc sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ như: ẩn dụ, hoán dụ, so sánh, điệp, nhân hóa... Nó là một “công cụ” đắc lực nhằm gia tăng giá trị biểu đạt và sức ám ảnh của biểu tượng này. Ẩn dụ là biện pháp tu từ quen thuộc, được sử dụng nhiều trong văn học, đặc biệt là thơ ca. Trong cuốn 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Đinh Trọng Lạc đã định nghĩa ẩn dụ “là sự định danh thứ hai mang ý nghĩa hình tượng, dựa trên sự tương đồng hay giống nhau (có tính chất hiện thực hoặc tưởng tượng ra) giữa khách thể (hoặc hiện tượng, hoạt động, tính chất) A được định danh với khách thể (hoặc hiện tượng, hoạt động, tính chất) B có tên gọi được chuyển sang dùng cho A” [16; 52].

 

Mặc dù rất nỗ lực giải thoát thơ khỏi cách diễn đạt mang tính truyền thống, song thơ Mai Văn Phấn vẫn xuất hiện vô vàn những ẩn dụ. Cho nên, khi xây dựng biểu tượng Đất, nhiều bài thơ của ông sử dụng biện pháp tu từ này, chẳng hạn: Đất mở, Nhịp điệu vẽ lối đi, Im trôi, Được quyền nghĩ những điều đã ước, Đợi mùa, Đối thoại với thời gian, Bài hát mùa màng, Ước phục sinh, Dừng lại để suy nghĩ, Di chứng, Không quán tính, Đến trong ý nghĩ... Thậm chí có những bài từ đầu đến cuối là những ẩn dụ, mà Bài hát mùa màng là một trường hợp tiêu biểu: “Lan nhanh, choáng ngợp đất hoang vừa mở/ Em đổ từng trận lũ dại cuồng/ Cuốn xiết anh khỏi ngôi nhà có khu vườn bé nhỏ/ Con chim cắt không gian rộng để lại đường bay bất tận/ Cội rễ anh vươn mắt em nhìn tươi tốt/ Từng đọt mầm phun hơi ấm lòng đất ướt/ từ hơi thở làm bầu trời đổi khác/ từ khoảng không được quyền kiến tạo đám mây/ Mắt rạ rơm đốt thiêu mùa cũ/ Đổi thay cách nhìn và khoảng trống chân trời/ đất nhận cả những gì còn cháy dở/ mùa mới về tự tin, nghiền nát và xóa hết / Nụ hôn nín thinh, tỏa nhiệt, khoan vào lòng đất/ chạm những mạch ngầm ứ căng huyền bí thuở xưa/ Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt / dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời/ Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục / Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt/ Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất/ Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ”. Cả bài thơ là một ẩn dụ về ái tình, sự ân ái. Ở đây, hành động tính giao đã được gợi lên từ những ẩn dụ về sự biến chuyển nhiệt lượng của mùa màng với những khát khao cuồng nhiệt, vội vã, “nghiền nát và xóa hết” để mọi thứ “tỏa nhiệt”, “ứ căng”, “mỡ màu”, “phồn thực bời bời”, “trổ đòng chín rục”... Ở đó, Đất chính là hình tượng trung tâm cho sự ẩn dụ về sinh thực khí của nữ giới. Chính nó đã dẫn dụ sự liên tưởng khó tránh khỏi khi bạn đọc tiếp xúc với văn bản thơ về sự ái ân hòa hợp giữa Em và Anh hay cũng chính là mùa màng, vũ trụ. Song, lúc này nếu đi sâu phân tích, lý giải tường tận sẽ “có nguy cơ giết chết bài thơ, giết chết mùa màng bởi sự thô thiển, vô duyên của lý trí” [7; 81]. Và tất nhiên, ở đây người đọc vẫn có thể tiếp nhận văn bản này với ý nghĩa là một khúc ca mùa màng đầy hân hoan, đầy năng lượng vốn tồn tại trên cấu trúc ngôn từ trực hiện mà nhà thơ đã xây dựng nên. Trên thực tế, ta có thể bắt gặp lối tư duy và biểu đạt này trong những bài thơ của Hồ Xuân Hương, chẳng hạn Quả mít, Đánh đu, Vịnh cái quạt...

 

Ở nhiều trường hợp khác, Đất lại được đặt trong cấu trúc ngầm của ẩn dụ mà ở đó nghĩa của nó đã bị nhòe mờ, không còn đông cứng hay rập khuôn vào một nghĩa cố định nào đó; thay vào đó, hướng tới sự liên tưởng tự do hơn trong tiếp nhận. Chẳng hạn: Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực/ Thổi rỗng lòng đồi núi/ Ngực gió thả trôi/ Vờn trên đất/ Chớp sáng nứt vỏ/ Mùa xuân trào miệng hạt/ Chờ nảy lá mầm/ Gió mang mặt đất đi (Mục II - Đỉnh gió). Vẫn là câu chuyện tình yêu, nhưng rõ ràng lúc này, Đất không chỉ dừng lại là sự biểu hiện cho một sự vật/ hiện tượng cố định nữa; thay vào đó, Đất trở nên mông lung, khó nắm bắt về nghĩa, mà đôi khi chính sự không chắc chắn ấy lại khiến trường nghĩa của nó được mở rộng, phát huy các chiều kích liên tưởng khác nhau từ người đọc.

 

Đặt biểu tượng Đất trong vô vàn các ẩn dụ khác nhau là một trong những điểm hấp dẫn, lôi cuốn của thơ Mai Văn Phấn. Điều này thể hiện khả năng, trí tuệ và sự am hiểu của chính tác giả. Điều đáng nói ở đây là những ẩn dụ của biểu tượng Đất trong thơ ông không phải là bất biến, cố định, đông cứng, mà nó sinh thành, chuyển động, phát triển cùng với những kinh nghiệm, sự am hiểu về văn hóa và xuất phát từ chính cảm giác của tác giả trong quá trình sáng tạo. Do đó, khi nhà thơ nói đến Đất thì nó không chỉ dừng lại là một biểu tượng với những ý nghĩa sẵn có mà còn là sự sáng tạo nghệ thuật, là cách nhà thơ cảm nhận, lý giải thế giới theo một cách rất riêng - rất Mai Văn Phấn! 

 

Biện pháp so sánh cũng được Mai Văn Phấn sử dụng rất thành công. Với những liên tưởng bất ngờ, cách so sánh tự do, mở rộng trí tưởng tượng đã tạo ra những vẻ đẹp mới lạ cho câu thơ. Là một nhà thơ hiện đại, Mai Văn Phấn luôn nỗ lực khám phá cách diễn đạt mới lạ, thế nên nhiều hình ảnh so ánh của ông luôn gây một ấn tượng mĩ cảm mạnh mẽ: “Nỗi nhớ biến thành sương khói/ Lá khô thoát xác bay lên/ Tôi thì nồng nàn như đất/ Để em linh ẩn chùa chiền” (Thoáng thu). Đất là hiện thân, là thước đo cho sự quyến rũ, “nồng nàn” của vẻ đẹp mà con người hướng tới; Nhưng đôi khi chính Đất lại được đặt trong cảm quan so sánh với con người:Đồng đất quê ta hao hao những mặt người/ Một sớm dậy nhìn ta thân thiết thế/ Người với người như mưa xuân bên nhau” (Mục IV -Tiếng gọi từ những cánh đồng)...

 

Cái hay trong việc sử dụng biện pháp so sánh của Mai Văn Phấn là ở chỗ trong nhiều trường hợp, biện pháp so sánh còn rất ít từ so sánh. Song, kì lạ là những hiệu quả nghệ thuật của nó lại không hề giảm đi, ngược lại, vừa giúp sự biểu đạt đạt đến sự cô đọng, súc tích, lại vừa giúp người đọc có những chiều liên tưởng đầy bất ngờ: “Mưa thuận gió hòa gót chân/ Trái tim rộn ràng ngực đất/ Dòng trăng cuồn cuộn thân cây” (Mục II - Mùa trăng). Người đọc không rõ liệu “Trái tim rộn ràng” như “ngực đất”, hay là trên/ trong “ngực đất”? Câu thơ, do đó, vừa có thể là sự nhân hóa về sự sống trong Đất nhưng vừa có thể là so sánh trái tim ấy mang sự sống mãnh liệt, tràn đầy như Đất. Chính vì vậy, tùy thuộc vào sự liên tưởng của người đọc trong việc tiếp nhận tác phẩm, mà không bị bó buộc bởi một diễn đạt mang tính rập khuôn, cố định. Cách làm này ta còn có thể bắt gặp trong nhiều câu thơ khác của Mai Văn Phấn, chẳng hạn: Chú chim nhỏ trên tổ cao bấy bớt/ bộ lông vũ vùi sâu dưới lớp da non.../ Kìa gai nhọn và ngây thơ mặt đất!” (Mục 11 - Những bông hoa mùa thu); Muôn trùng lần với tao nôi/ Lòng người âm âm tiếng đất/ Bao dung nhân ái lẽ đời (Chương V - Đằm thắm mặt người); Đất đai - người đàn ông nằm ngủ” (Sau mùa gặt)

 

Nghệ thuật nhân hóa cũng được Mai Văn Phấn khai thác triệt để. Nhân hóa là biến sự vật, hiện tượng thành con người bằng cách gán cho nó những hoạt động, tính cách, suy nghĩ… giống như con người; làm cho nó trở nên sinh động, hấp dẫn, gần gũi, sống động và có hồn hơn. Ở đó, Đất cũng mang những nét đặc điểm, những hành động của con người: “Những hạt mưa ríu rít trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia năng tinh khôi” (Mục IV - Tiếng gọi từ những cánh đồng); “Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực” (Mục II - Đỉnh gió); “Biển có dài dại/ Đất ngây ngây/ Mặt trời vẫn thức ở trong đế giày” (Chương IX: Cộng hưởng III); “Khi tha thẩn lạc vào chố cũ/ Đất vẫn ăn từng bữa những âm thầm” (Giọng nói);Đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ, vươn cánh tay mềm thừa nhận khoảng không” (Chương X: Phía trước bàn chân); “Ban chiều. Trên đỉnh bóng cây đang tối dần thành miệng vực, những bông hoa bằng lăng rực rỡ đăng quang. Muôn ngàn môi hoa, cánh tay hoa đung đưa trong nghi lễ xông hương của mặt đất tạ ơn vòm trời...” (Hoa bằng lăng)...

 

Đặc biệt, Đất cũng trải qua sứ mệnh cao cả - “làm mẹ” như người phụ nữ: “Chữ nghĩa làm đất mang thai/ Qua thác loạn...” (Mộng du); cũng trải qua những lần “vượt cạn” đầy khó nhọc, đau đớn nhưng cũng hết sức thiêng liêng: "Mặt đất vừa qua phút lâm bồn/ Anh về hụt bước trước hoàng hôn/ Chân trời phía ấy vừa se lại/ Chiều rỗng mặc kim chỉ gió luồn" (Nghe tin em sinh con);...

 

Từ những hình ảnh nhân hóa này, người đọc dễ liên tưởng đến nỗi đau sinh nở của con người; nhưng nó cũng chính là nỗi đau sinh nở của thiên nhiên. Điều này, xuất phát từ cơ chế tư duy khác biệt của Mai Văn Phấn cùng ước muốn thống nhất hài hòa cao độ giữa thiên nhiên và con người, thiên nhiên và con người “làm một” của tác giả. Từ sự liên tưởng độc đáo này đã tạo nên sức quyến rũ của hình ảnh và ngôn từ trong thơ Mai Văn Phấn. Đồng thời, nó giúp câu thơ và bài thơ thoát ra khỏi sự gò bó của những thói quen sáng tạo sáo rỗng, thể hiện “độ chín” trong tìm tòi sáng tạo của nhà thơ.

 

Trong thơ Mai Văn Phấn, biện pháp điệp cũng được sử dụng khá nhiều (đặc biệt trong các bài như Cửa Mẫu, Những bông hoa mùa thu...), song nó không gây nên sự nhàm chán, ngược lại phát huy tối đa sự hiệu quả, giúp ông tô đậm những ám ảnh về Đất; đồng thời gây ấn tượng mạnh về mặt thị giác. Điệp là biện pháp lặp đi lặp lại các từ, cụm từ hoặc cấu trúc câu thơ nhằm nhấn mạnh sự vật, hiện tượng được nói đến.

 

Trong Những bông hoa mùa thu, Mai Văn Phấn đã xây dựng một thế giới của giấc mơ về sự sinh sôi, nảy nở. Ở đó, bằng việc sử dụng biện pháp điệp, Đất (với những biến thể của nó như lòng đất, mặt đất, đất đai, sá đất, luống đất...; được lặp lại đến 25 lần) đã trở thành trung tâm cho giấc mơ đó: Mưa sẽ mang hương hoa bưởi vào lòng đất/...Mặt đất còn hằn vết nhăn khát nước, xòe ngang trời những đường chỉ tay/...Hôn em trời đổ mưa/ đất đai hồi sinh tươi tốt/ Hạt giống nảy mầm rồi bỏ đi xa/...Hơi thở em vừa mở không gian cổ xưa mướt xanh trong cơn mưa buổi sớm, nối liền bầu trời với mặt đất rộng.../...Ơi giọt nước hãy rơi về đất/...Cỏ diễn tiếp giấc mơ của đất/...nắng lại trải vàng trên mặt đất/...Những luống đất giật mình/ để lộ màu mỡ phì nhiêu bao năm chôn vùi đáy sâu u tối...

 

Hoặc trong Tiếng gọi từ những cánh đồng, Đất lại được lặp lại nhằm gây ấn tượng như một “chứng nhân của lịch sử”. Ở đó, Đất đã ghi lại dấu ấn của một thời “bom đạn” và trở thành “Vết sẹo tựa bản đồ một cuộc chiến tranh”:Đất miên man tìm đến chân trời/ Hơi thở đằm của bờ xôi ruộng mật/ Những nỗi buồn dâng sương sớm lên môi/ Chiếc cày chìa vôi sục tìm trong đất/ Lật lên bao kiếp người theo vết chân trâu/ Lật lên tôi giữa xá đất bạc màu/ Hồn lang thang với lũ chuột đồng trong góc tối âm u mùa hạ/ Bò trên ngực mình những con sâu cắn lúa/ Mặt người hay chiếc lá trước cơn giông!/ Vết sẹo tựa bản đồ một cuộc chiến tranh/ những cuộc đời quả phụ/ những em bé chết vì đạn bom chưa một lần được ra thành phố/ Nỗi đau một thời lau bằng rạ rơm...”

 

Khi sử dụng biện pháp điệp, Mai Văn Phấn thường có nhu cầu đặt Đất xuất hiện nối tiếp nhau, gây một ấn tượng hết sức mạnh mẽ: “Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình/ Đêm thai nghén những thị thành trứng nước/ Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh” (Nhật ký đô thị hóa); “Tôi trồng hoa nơi cỗi cằn đất không còn là đất/ Mưa đang tái sinh bông lại nắng lụi tàn/ Chợt có heo may/ Chợt/ Và bất chợt...” (Lời người trồng hoa); “Cún Vàng! Vàng của mẹ đâu?/ Mẹ mơ con lớn mai sau sang giàu/ Cúi nhìn đất, đất vẫn nâu/ Trời xanh kia vẫn một màu nguyên sơ” (Khúc hát ru của người mẹ đi tìm vàng)...

 

Tóm lại, việc xây dựng biểu tượng Đất trong thơ Mai Văn Phấn chịu sự chi phối của cái cơ chế tư duy thơ mang tính đặc thù của tác giả (thể hiện trong các sáng tác cụ thể) và, sự đa dạng nhưng nhất quán trong các thủ pháp, kỹ thuật “làm thơ”. Nhờ đó, Đất - từ một hình ảnh đơn nghĩa trở thành một biểu tượng trùng phức, đa nghĩa; từ việc mang nghĩa chỉ một sự vật cụ thể trở thành một biểu tượng giàu ý nghĩa khái quát, thậm chí tồn tại các nghĩa trái ngược/đối nghịch nhau. Chính điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn trong thơ ông, đồng thời kích hoạt nhiều chiều liên tưởng khác nhau cho người đọc.

 

 

 

 

Chương 2

 

BIỂU TƯỢNG ĐẤT TRONG CẤU TRÚC TỔNG THỂ

CỦA THƠ MAI VĂN PHẤN

 


2.1. Đất và trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn

           

2.1.1. Khái quát về trường biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn

 

Một trong những yếu tố tạo nên vẻ đẹp siêu thực, tượng trưng trong thế giới thơ Mai Văn Phấn chính là hệ thống các hình ảnh - biểu tượng. Chúng được tổ chức trong một cấu trúc nhất định, ở đó, các nghĩa chúng gợi lên vượt qua giới hạn ban đầu, biểu thị một ý nghĩa rộng lớn hơn, mang giá trị phổ quát.

 

Qua việc khảo sát văn bản thơ, chúng tôi nhận thấy thế giới thơ Mai Văn Phấn là một tập hợp của các trường biểu tượng khác nhau. Trong đó, nổi bật lên là:

 

- Trường biểu tượng về đời sống nhân sinh hiện đại

- Trường biểu tượng về sự sống, sự sinh sôi nảy nở

- Trường biểu tượng về tình yêu, tính dục

- Trường biểu tượng về cái Đẹp tự nhiên vĩnh hằng…

 

Trong một cái nhìn “động” về thế giới, Mai Văn Phấn luôn diễn tả hiện thực tự nhiên như một người đóng vai trò là kẻ “ươm mầm sự sống”. Do đó, trường biểu tượng về sự sống mang một dấu ấn đậm nét trong thơ ông. Nó là sự hợp thành của nhiều biểu tượng khác nhau như Đất, Trời, Nước, Ánh sáng, Không khí, Cỏ cây... Chúng cùng kiến tạo và duy trì sự sống.

 

Thế giới thơ Mai Văn Phấn luôn chịu sự chi phối của quan niệm “vạn vật hữu linh”. Bởi vậy, xuất hiện trong thế giới ấy tất cả sự vật, hiện tượng đều mang dấu hiệu của sự sống; được hình dung như những cơ thể sống thực sự, chúng cũng mang trong mình hơi thở, máu: “Trong đất máu đã phục sinh” (Sen); “Vươn thẳng/ Tán cây quang hợp mặt trời/ Lá chồng lên nhau hoan hỉ/ Bật dậy thở chung dòng nhựa/ Máu từ đất đai chạy qua bàn chân” (Nhịp VI - Hình đám cỏ)... Là sự sống, nên thiên nhiên, đất trời, vạn vật luôn nằm trong sự chuyển động không ngừng: Bát nước và tôi màu trắng/ Mặt đất ngả vàng/ Cánh đồng phía trước/ Cùng tiếng chuông/ Vàng sậm... (Phần 45 - Tĩnh lặng). Đặc biệt, các biểu tượng ấy luôn hướng đến việc tái sinh, sinh nở: “Ta gọi nhau trước rạng đông lúc còn mê ngủ/ Ánh sáng tràn qua thanh bạch dịu dàng/ Anh cùng em tái sinh từ nước trong, khí sạch/ Nụ hôn bay lên tắm rửa bình minh” (Chương IX - Người cùng thời); “Thét lớn đến chết/ Im lặng đến chết mà tái sinh thế giới” (Mục 19 - Những bông hoa mùa thu)...

 

Xuất hiện với mật độ dày đặc trong thơ Mai Văn Phấn chính là các biểu tượng thuộc trường biểu tượng về sự sinh sôi, nảy nở. Nó cho thấy quan niệm của ông về thế giới: luôn luôn chuyển động, hướng tới sự sinh sôi, nảy nở; đồng thời thể hiện khát khao về một cuộc gieo trồng vĩ đại của tác giả. Đó là các biểu tượng Đất (mặt đất, đất đai...) được hình dung như cơ thể nữ giới phồn thực, mỡ màu, phì nhiêu sẵn sàng cho cuộc hoài thai sinh nở; Trời (bầu trời, chân trời,...) là đại diện cho tính dương, người đàn ông mang tinh khí là Nước (với các biến thể như mưa, hơi ẩm, khí lạnh, ngồn mạch...) sẵn sàng gieo trồng sự sống; Cùng với Ánh sáng, Không khí, Gió là những năng lượng trung chuyển sự sống, kích thích sự sống tồn tại và phát triển; Hạt giống, Mầm nụ là những biểu tượng khởi đầu cho sự sống... Ở đó, “Hạt mầm/ Tôi/ Chung giấc mơ tách vỏ” (Nhờ trận mưa); tất cả đều trở thành yếu tố cần thiết cho công cuộc gieo trồng, cùng hướng đến việc “Đội đất lên cho cỏ mọc” (Mùa hạ rất gần); “ Ta cùng nhịp thở đất mềm/ Một mình nảy lộc trong đêm mưa phùn” (Chương V - Đằm thắm mặt người); “Khoảnh khắc ấy anh thành hạt giống/ Bật phôi rễ và trổ lá mầm” (Mục 2 - Tỉnh dậy trong mưa)... Và thời khắc thực hiện công cuộc gieo trồng được xem là thời khắc “thắp sáng lãnh địa bóng tối” đầy thiêng liêng: “Đây là thời khắc ái ân/ Thắp sáng lãnh địa bóng tối/ Mùa phồn sinh thụ phấn, kết hạt/ Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya/ Bó gối những gốc cây/ Nhắm mắt ngọn đồi gió/ Hạt giống rơi trong bùn ngấu thảnh thơi(Mục III - Mùa trăng)

 

Bên cạnh trường biểu tượng về sự sinh sôi, nảy nở, trường biểu tượng về tình yêu, tính dục cũng góp mặt với tần số cao trong thơ Mai Văn Phấn. Đó là các biểu tượng Anh, Em, Trời, Đất, Nước, Ánh sáng, Bóng tối, Cỏ cây... Ở đó, tình yêu tính dục không được miêu tả một cách trần trụi, sỗ sàng mà đặt trong những chiều liên tưởng từ các hình ảnh của thiên nhiên, trong cấu trúc tổ chức văn bản của tác giả. Thế nên, đọc Mục 15 - Những bông hoa mùa thu, rõ ràng nhà thơ đang miêu tả sức sống của cỏ cây khi được những cơn mưa dội xuống: “Bên nhau cỏ mọc/ Cỏ diễn tiếp giấc mơ của đất/ Lưng thấm cỏ, chân tay thấm cỏ/ Không cần sấm chớp, tụ mây/ ta mưa vào nhau cơn mưa cỏ xanh/ nắng lại trải vàng mặt đất/ Mưa cỏ xanh dâng mắt ta ngập tận đỉnh cây/ Ta đan vào nhau nghẹt thở... ngô nghê...ú ớ”. Song, chúng không ngừng đưa đến cho người đọc sự liên tưởng về hành động tính giao. Điều này, xuất phát từ chính ý nghĩa tượng trưng của các biểu tượng. Và dù là đi đến sự liên tưởng nào, người đọc luôn tìm thấy vẻ đẹp của câu thơ.

 

Mai Văn Phấn là nhà thơ luôn hướng hành động sáng tạo đến cái Đẹp. Cái Đẹp dường như trở thành thước đo cho giá trị thẩm mĩ trong thơ ông. Đặc biệt, với Mai Văn Phấn cái Đẹp ấy phải là những điều mang giá trị vĩnh cửu. Do đó, trường biểu tượng về sức mạnh, chỗ dựa cho những vẻ đẹp mang giá trị nền tảng về vật chất và tinh thần đều in dấu mạnh mẽ trong thơ ông. Đó là các biểu tượng: Đất, Trời, Nước - những yếu tố khởi nguyên của vũ trụ, mang trong mình sức mạnh tạo ra sự sống, vẹn nguyên, và vĩnh viễn. Nhờ Đất, con người mới có chỗ dựa vững chắc để đứng, đi, chạy, bước trên đó trong hành trình cuộc đời của mình: “Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình/ Đêm thai nghén những thị thành trứng nước/ Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh” (Nhật ký đô thị hóa); “Muốn viết câu thơ tự nhiên/ Như đi trên đất” (Nhịp IX - Hình đám cỏ); “Trái tim khát khao làm giày dép, khát khao làm con đường, khi gót chân trẻ thơ chập chững đặt lên mặt đất (Chương VIII: Trái tim giải thoát)... Nước sinh ra nguồn gốc sự sống: “Những hạt mưa rơi xuống. Em chắc chúng ta từng là giọt nước. Trong lành em rơi xuống anh. Để anh biết thiên nhiên và đồ vật quanh mình đều bằng nước. Tất cả là em đợi anh đến gần…” (Mưa trong đất). Nhờ Trời, con người luôn được bảo vệ, ôm chứa: “Nhưng cánh đồng không chờ lâu được/ Qua bình minh rồi trở lại bầu trời/ Có ai đặt vào tay ta khoảng lặng im vụn rời như nắm thóc/ Lời ca chống những cặp môi làm ẩm ướt cả không gian” (Thời vụ)...

 

Thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, do đó, là sự đa dạng về hệ thống các biểu tượng. Chúng cùng làm nên vẻ đẹp tượng trưng trong thơ ông, tạo nên dấu ấn riêng biệt trong phong cách sáng tạo của thi sỹ.

 

2.1.2. Những biểu tượng nổi bật trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn

 

Trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn là một tập hợp của vô vàn những biểu tượng khác nhau cùng làm nên công cuộc gieo trồng vĩ đại của thế giới, vũ trụ. Trong số những biểu tượng đó, có những biểu tượng trở đi trở lại trong thơ Mai Văn Phấn, tạo nên sự ấn tượng và sức ám ảnh lớn, dẫn dụ người đọc theo những chiều liên tưởng khác nhau.

 

Sau đây chúng tôi xin đề cập đến những biểu tượng nổi bật nhất trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ ông (ngoài biểu tượng Đất - ý nghĩa biểu tượng này đã được chúng tôi phân tích khá kĩ ở chương một). Đó là các biểu tượng Trời, Nước, Ánh sáng, Không khí, Gió, Mùa màng, Hạt giống.

 

2.1.2.1. Biểu tượng Trời

 

Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới đã định nghĩa Trời “là biểu tượng gần như phổ quát mà qua đó con người thể hiện niềm tin vào một sinh linh thần thánh ở trên cao, người sáng tạo ra vũ trụ và bảo đảm cho sự phì nhiêu của đất (bằng những cơn mưa đổ xuống)… Từ tác động của Trời vào Đất, muôn loài vật sinh sôi nảy nở. Sự thâm nhập của Trời vào Đất được hình dung như một cuộc giao phối tính dục” [4; 956-957]. Nhưng cũng trong cuốn từ điển này, Trời còn được nhắc đến với ý nghĩa mang tính âm tính, là nguồn gốc của mọi sự hiển lộ (theo quan niệm của người Ai Cập), họ xem biểu trưng của Trời là nữ thần Nout với thân hình uốn cong như mái vòm. “Hiện thân cho không gian vũ trụ bao quanh thế giới, Nout được coi là mẹ của các thần linh và loài người. Hình ảnh nàng được in trên rất nhiều thành quách ; một chỉ thảo thư hiện lưu giữ ở Louvre, phát biểu thay cho người quá cố, miêu tả nữ thần này như một người mẹ quá đỗi dịu hiền: Mẹ Nout của người đã tiếp đón người vào cõi yên bình. Ngày nào Nàng cũng đặt hai cánh tay làm gối cho người. Nàng che chở cho người trong quan tài; Nàng bảo vệ người trong núi an tang; Nàng chăm sóc tuyệt vời cho thân xác của người; Nàng che chở cho mọi sự sống và bảo đảm sức khỏe toàn vẹn. Người ta còn mô tả nữ thần này ngồi trên cây sung đổ nước trời xuống cho các vong hồn làm cho chúng phục sinh. Người ta tin rằng Nout đã lấy Geb thần đất làm chồng và, trị vì các tinh đẩu và hành tinh, nàng đã đẻ ra mặt trời…” [4; 958].

 

Từ nền tảng trong quan niệm văn hóa của con người về biểu tượng Trời đã trích dẫn ở trên, chúng tôi nhận thấy trong thơ Mai Văn Phấn biểu tượng này cũng được ông xây dựng trong cảm thức thiêng liêng và được tô đậm như là một phần không thể thiếu của công cuộc gieo trồng, sinh sôi nảy nở của vũ trụ. Nhưng xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn, Trời chủ yếu là sự thể hiện của tính dương - người đàn ông, mang tinh khí (Nước), thực hiện việc “gieo trồng hạt giống”, “ươm mầm sự sống” lên Đất: Gieo xuống đất. Tung lên trời và hứng một hạt mưa (Mục 9 - Tỉnh dậy trong mưa); Buông anh như gieo hạt/ Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời/ Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp/ Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh (Mục 3 - Tỉnh dậy trong mưa); Những hạt mưa ríu rít trên đầu/ Đất vạm vỡ dưới bầu trời tươi tốt/ Qua vỏ trấu của mùa gặt trước/ Đã nảy những đọt mầm tia nắng tinh khôi” (Mục V - Hát giữa hai mùa). Chính trong ý nghĩa này, Trời là nguồn cội tạo nên những sinh linh, vạn vật trên Trái Đất. Nó mang quyền năng của kẻ tạo nên sự sống. Do đó, Trời trong thơ Mai Văn Phấn được diễn tả là một biểu tượng hết sức thiêng liêng, mang giá trị vĩnh cửu, sức mạnh tối thượng của vũ trụ.

 

Song sự mới lạ tạo nên sức hấp dẫn trong thơ Mai Văn Phấn khi xây dựng biểu tượng Trời còn nằm ở sự hoán đổi vị trí với biểu tượng Đất. Ở đó, không phải bao giờ Trời cũng mang tâm thế của kẻ chủ động thực hiện hành động tính dục, thực hiện cuộc gieo trồng với Đất: “trời rộng ùa xuống chật căng mầm hạt” (Giấc mơ cây), hay sẵn sàng “mở những vỉa tầng linh thiêng trong đất ấm” để “con sông chảy vào quang gánh, làng mạc phồn sinh tháp dựng, cánh đồng tươi tốt trên xe cộ” (Nghe em qua điện thoại) Thay vào đó, nhiều khi Trời xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn lại ở vị trí của kẻ bị động, từ đó, nhường chỗ cho sự chủ động của Đất trong cuộc gieo trồng (mặc dù lúc này, nó vẫn đang mang nghĩa/hình hài của người đàn ông): Đất miên man tìm đến chân trời/ Hơi thở đằm của bờ xôi ruộng mật/ Những nỗi buồn dâng sương sớm lên môi… (Mục I: Tiếng gọi từ những cánh đồng); Từ hốc đen tra hạt/ Đọt mầm bật dậy/ Chim bay/ Ngọn rễ non biết được/ Đất ôm trời đã lâu/ Căng tràn nhựa mật/ Vỏ hạt vừa buông/ Thả ngắt xanh về tít tắp (Mục 13 - Tỉnh dậy trong mưa); Đất luôn mơ được “cuống nhau nối với mặt trời”; luôn “nhìn hướng bầu trời” để tự “mở đôi cánh” không ngừng khao khát vẫy gọi “Ơi giọt nước hãy rơi về đất”… để thỏa mãn những giấc mơ lớn lao hơn: “tái sinh mùa màng và làm bầu trời đổi khác”.

 

Như vậy, trong thơ Mai Văn Phấn, Trời cùng với Đất là những biểu tượng trung tâm làm nên công cuộc gieo trồng vĩ đại của vũ trụ và thế giới.

 

2.1.2.2. Biểu tượng Nước

 

Nước là thành tố có vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người. Cơ thể chúng ta có đến 70% là nước. Nước cũng chiếm đến ¾ diện tích trên Trái Đất. Nó được xem là “nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh... nó chứa đựng toàn bộ cái tiềm tàng, cái phi hình, cái mầm mống của mọi mầm mống... nó mang lại sự sống, sức mạnh và sự thanh khiết về mặt tinh thần cũng như về mặt thể xác...; Nước là nguồn gốc và phương tiện chuyển tải sự sống” [4; 709 - 710]. 

 

Trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở, Nước (cùng với những biến thể của nó như mưa, dòng sông, hơi ẩm, khí lạnh...) là yếu tố không thể thiếu trong việc gieo trồng, mùa vụ. Theo khảo sát của chúng tôi, Nước chính là biểu tượng xuất hiện nhiều nhất trong thơ Mai Văn Phấn với 384 lần trên tổng số 12 tập thơ. Ở đó, Nước mang ý nghĩa là cội nguồn của sự sống, là “cái mầm mống của mọi mầm mống”: “Những hạt mưa rơi xuống. Em chắc chúng ta từng là giọt nước. Trong lành em rơi xuống anh. Để anh biết thiên nhiên và đồ vật quanh mình đều bằng nước. Tất cả là em đợi anh đến gần…” (Mưa trong đất); Một giọt nước vừa tan/ Một mầm cây bật dậy/ Một quả chín vừa buông/ Một con suối vừa chảy” (Nghe em qua điện thoại)...

 

Tuy nhiên, Nước trong thơ Mai Văn Phấn còn là hiện thân của cái chết, nó mang sức mạnh của sự hủy diệt: “Người ta nói, dòng sông kia đã được tiệt trùng. Tôi thận trọng tắm rửa bằng những hương liệu quý. Lội xuống, nước đến đâu cơ thể tôi bầm đen đến đó, rồi mọc ra những sợi lông vũ...” (Di chứng). Như vậy, “dòng sông” - một biến thể của Nước lúc này, dù đã được “tiệt trùng” - dấu hiệu của sự an toàn đã được xác định nhưng trong lòng nó vẫn luôn ẩn chứa những hiểm nguy khiến “cơ thể tôi bầm đen”. Hay hình ảnh “Con cá/ Giữa dòng hải lưu/ Hao gầy” (Phân vân) cũng nhằm tượng trưng cho sức mạnh hủy diệt ấy của Nước. Ở trong môi trường này, “con cá” nhỏ bé đã phải quay cuồng chống chọi với “dòng hải lưu” đầy dữ dội kia. Và sự cố gắng để tồn tại của “con cá” trong nước chỉ khiến nó ngày càng “hao gày” đi theo năm tháng. Có thể nói, ý nghĩa này của Nước trong thơ Mai Văn Phấn xuất phát từ quan niệm xa xưa của con người. Với họ, nước vừa là sự biểu hiện của nguồn sống nhưng vừa mang sức mạnh hủy diệt. Trận đại hồng thủy trong Kinh Thánh của đạo Cơ Đốc có ngụ ý như vậy. Còn truyền thuyết Sơn tinh, Thủy tinh lưu truyền bao đời nay trong văn học dân gian Việt Nam cho thấy mối hiểm họa đe dọa con người là Nước. Nước trở thành yếu tố hàng đầu của sự phá hủy trong bốn yếu tố: thủy, hỏa, đạo, tặc.

 

Bên cạnh đó, trong thơ Mai Văn Phấn, Nước còn là phương tiện thanh tẩy, cứu rỗi con người, vạn vật: Nước ấm nóng mở đầu nghi lễ thanh tẩy/ Lăn trơn anh chuỗi hạt xổ tung” (Nhịp IV - Hình đám cỏ); “Ánh trăng khuya rơi vào chén nước/ Thoáng long lanh cứu rỗi bao người” (Nhịp VII - Hình Đám Cỏ); “Đã tỉnh lại cánh đồng mỏi mệt trong hạt mưa vang tiếng sấm đầu mùa, những khoai sắn tự tin trong đất, lúa chạy thẳng hàng chân không vướng vào nhau...” (Chương III - Người cùng thời); “Ta gọi nhau trước rạng đông lúc còn mê ngủ/ Ánh sáng tràn qua thanh bạch dịu dàng/ Anh cùng em tái sinh từ nước trong, khí sạch/ Nụ hôn bay lên tắm rửa bình minh” (Chương IX - Người cùng thời)...

 

Nước trong thơ Mai Văn Phấn còn là biểu tượng của sự sinh sôi, nảy nở. Có thể nói đây là ý nghĩa của Nước được tô đậm nhất trong thơ ông. Nó trở thành yếu tố quan trọng, không thể thiếu được trong công cuộc gieo trồng, cày hái mùa vụ: “Từng hạt mưa rây rây xuống cỏ/ Đọt măng non căng mặt đất mềm” (Nhịp II - Hình đám cỏ); Quả ngọt lành. Mong manh đắng chát. Lơ lửng giữa trời. Lăn trên cỏ. Rơi vào giấc mơ dâng hiến đắm say. Tắm gội bằng bóng tối của đất. Nhắm mắt anh hình dung quả chín rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm. Tưởng tượng em nhặt anh lên, hít hà, cắn ngập vào lớp vỏ mịn. Nâng niu không vỡ hạt. Bao bọc. Chờ mưa phùn gieo anh nơi đất ấm” (Giấc mơ cây)... Nước chính là yếu tố tạo nên không gian ẩm ướt, thuận lợi cho cuộc gieo trồng: Từng mưa to, mưa rất to/ Tắm táp cho viên cuội nhỏ (Vô tình trong nắng sớm); Mùa diệp lục/ Sinh từ hạt nước (Tĩnh lặng);...

 

Nhìn chung, ý nghĩa biểu tượng Nước trong thơ Mai Văn Phấn cũng không nằm ngoài các ý nghĩa của biểu tượng này trong nền văn hóa thế giới. Nó là khởi nguồn của sự sống, mang sức mạnh hủy diệt, sự phồn sinh - tái sinh, sự thanh tẩy... Tuy nhiên, bằng nhiều cách diễn đạt mới lạ, Nước trong thơ Mai Văn Phấn vẫn có sức hút riêng, đem lại mĩ cảm mới cho người tiếp nhận.

          

2.1.2.3. Ánh sáng, Không khí, Gió

 

Ánh sáng, Không khí, Gió là ba biểu tượng khá nổi bật trong thơ Mai Văn Phấn. Ba biểu tượng này, xuất phát từ đặc trưng mang tính biến đổi của chúng, tồn tại trong thơ Mai Văn Phấn mang sức mạnh/ năng lượng trung chuyển sự sống.

 

Trong thơ Mai Văn Phấn, biểu tượng Ánh sáng xuất hiện không nhiều (với 199 lần) như các biểu tượng Đất, Nước, Trời. Tuy nhiên, những biến thể của nó như ánh cầu vồngánh lân tinhánh hào quangtia chớptia sángánh ngàyánh nắngvệt sángánh đuốcngọn đènngọn hải đăngque diêm, than hồngtrăng, saomặt trời... lại xuất hiện dày đặc, chiếm số lượng lớn trong thơ ông.

 

Nằm trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở, Ánh sáng là điều kiện để kích thích, thúc đẩy sự sống phát triển: Vươn thẳng/ Tán cây quang hợp mặt trời/ Lá chồng lên nhau hoan hỉ/ Bật dậy thở chung dòng nhựa/ Máu từ đất đai chạy qua bàn chân (Nhịp VI - Hình Đám Cỏ); Có giọt sương đêm qua đang cựa mình thăng hoa dưới ánh mặt trời (Hải Phòng trước năm 2000)... Trên thực tế, chỉ nơi nào có ánh sáng nơi đó mới tồn tại sự sống, sự phát triển, sinh sôi. Do đó, trong thơ Mai Văn Phấn, Ánh sáng mang một giá trị vĩnh cửu, thiêng liêng. Nó là sự thanh tẩy, gột rửa một giá trị cũ để bước sang một giá trị mới. Ở đó, mục đích cuối cùng hướng đến vẫn là sự sống, là sự chờ đón “mùa xuân” - mùa của tuổi trẻ, sức sống và tái sinh: "thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch/ quay về tắm bằng ngọn đèn/ .../ tắm gội cho mùa xuân về" (Tắm đầu năm). Và chính trong thời khắc Ánh sáng xuất hiện để xua đi “bóng tối”, chính là lúc “thời khắc ái ân” của các giống loài, cùng tạo nên một “mùa phồn sinh” đầy mạnh mẽ: “Đây là thời khắc ái ân/ Thắp sáng lãnh địa bóng tối/ Mùa phồn sinh thụ phấn kết hạt/ Mặn nồng thiêm thiếp trăng khuya” (Mục III - Mùa trăng). Và cũng chỉ khi ấy, cánh hoa mới có thể “thành nụ”: “Suốt giấc mơ hoa không héo/ Gần sáng cánh như co lại/ Thành nụ” (Mục 17 - Tỉnh dậy trong mưa)... Tuy nhiên, Ánh sáng cũng chỉ tồn tại khi có sự sống: “Tôi nhìn thấy trên đỉnh đồi/ Một bông cỏ may vừa nở/ Ánh sáng phát ra từ đó” (Nơi cội nguồn thế giới).

 

Không khí vốn là yếu tố không thể thiếu đối với cuộc sống của con người. Nhờ có Không khí, chúng ta mới có thể thở, từ đó có thể tồn tại. Không khí đối với sự sinh sôi, nảy nở của vũ trụ, vạn vật cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong thơ Mai Văn Phấn, biểu tượng này mang đến ý nghĩa minh chứng sự tồn tại của sự sống: Vươn thẳng/ Tán cây quang hợp mặt trời/ Lá chồng lên nhau hoan hỉ/ Bật dậy thở chung dòng nhựa/ Máu từ đất đai chạy qua bàn chân (Nhịp VI - Hình Đám Cỏ). Là khi Nằm xuống cỏ hít sâu/ Nén trời cao/ Tiếng chim thổi bung gió lộng” để từ đó: “Mầm cây, bàn tay gieo cấy/ Là mồi câu, đăng lưới, rong rêu” (Mục 10 - Tỉnh dậy trong mưa) chúng mới có điều kiện thực hiện cuộc gieo trồng. Cỏ “hít sâu” là một hình ảnh nhân hóa. Ở đây nó nhằm hướng đến thể hiện sự sống tồn tại trong cỏ, cỏ là một thực thể sống, cũng như con người. Điều này, xuất phát từ quan niệm “vạn vật hữu linh”của Mai Văn Phấn. Không khí xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn còn là sự biểu hiện của quá trình thực hiện cuộc gieo trồng: “Vâm váp cánh tay/ Anh nín thở/ Nén căng/ Bất động...” (Mục I - Buông tay cho trời rạng); Trong hơi thở gấp anh biết/ Tay mang hạt giống/ Gieo... Gieo.../ Ta gieo... (Mục 27 - Tỉnh dậy trong mưa); “Cố nép vào thành giường/ Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh/ Ôm con bồ câu vô hình/ Đợi mặt đất bình yên buông tay cho trời rạng” (Mục II- Buông tay cho trời rạng). Những hình ảnh ấy đều dễ gợi liên tưởng về tính dục, song không suồng sã, ngược lại mang vẻ đẹp của sự thiêng liêng, đón chờ sự sống mới ra đời, đợi khoảnh khắc “Buông tay cho trời rạng”.

 

Gió là biểu tượng được nhắc đến khá nhiều trong thơ Mai Văn Phấn với 236 lần. Cùng với Ánh sáng, Không khí, Gió được xem là yếu tố mang năng lượng hình thành sự sống, là “sứ giả” mang hạt giống gieo trồng trên Đất: Nhoài lên mỏm đá sắc/ Thân thể gió trầy xước/ Máu của gió là mưa/ Nắng nhỏ xuống/…/ Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực// Chờ nảy lá mầm/ Gió mang mặt đất đi(Mục I - Đỉnh gió). Ở đó, Gió đã không ngại ngần chấp nhận bị “trầy xước” để thực hiện sứ mệnh cùng Đất tạo nên sự sinh sôi, nảy nở, cùng hướng về khoảnh khắc “chờ nảy lá mầm” như một điều kì diệu.

 

Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, các tác giả đã trình bày đặc điểm của Gió “là biểu tượng của tính hư phù, bất ổn định, hay thay đổi...” [4; 362]. Thế nên, xuất hiện trong thơ Mai văn Phấn, Gió đôi khi cũng không thể “kiểm soát” được sức mạnh của mình: “Đóng chặt cửa gió càng thổi/ Điều chợt nhớ cũng bạt hơi tức ngực/ Mắt gió cuốn anh vào em/ Xoay tít mù chong chóng/ Thoáng một cây cầu/ Thân thể anh bị gió bẻ gập/ Rũ xuống tựa chiếc khăn ướt vắt qua lan can/ Nhỏ xuống dòng sông chảy xiết/ Nhớ đoàn tàu lao qua xẻ ngang mình gió/ Cột khói vật ngược cùng hồi còi phút chốc mất tăm/ Hơi thở anh co thắt qua lưỡi gà cây kèn/ Mắt quắc sáng áp lực đại bàng xoải rộng/ Nâng cánh chuồn chuồn mỏng manh/ Ung dung ngả lưng đỉnh gió/ Ngoài kia những vòm lá rối/ Lay giật tả tơi cho đã cơn hưng phấn điên cuồng/ Cơn ức chế thèm khát” (Mục III: Đỉnh gió). Nhưng chính sự táo bạo, mãnh liệt, điên cuồng: Gió cuộn anh vào cây lại hướng đến mục đích cho kết quả tốt đẹp của cuộc gieo trồng: Cho trái chín (Mục 16 - Tỉnh dậy trong mưa).

 

Những biểu tượng Ánh sáng, Không khí, Gió mang trong bản thân nó sức mạnh vô tận của thiên nhiên, vũ trụ, đã trở thành nguồn năng lượng cần thiết, góp phần vào công cuộc gieo trồng, sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn.

          

2.1.2.4. Biểu tượng Hạt giống, Nụ mầm

 

Trong thơ Mai Văn Phấn, biểu tượng Hạt giống và Nụ mầm xuất hiện không nhiều (với số lần xuất hiện lần lượt là 75 và 65). Song khi đặt chúng trong mối quan hệ với các hành động cụ thể của công cuộc gieo trồng xuất phát từ Hạt giống, Nụ mầm như các động từ: gieo, tra, rắc, vãi, đâm chồi, hé nở…, thì sẽ thấy tần số xuất hiện của hai biểu tượng này tăng lên đáng kể. Hạt giống và Nụ mầm mang ý nghĩa là cái khởi đầu, là phôi thai cho mọi sự sống.

 

Hai biểu tượng này có mối liên quan trực tiếp với nhau. Bởi khi gieo Hạt giống vào Đất, gặp điều kiện thuận lợi, sẽ trở thành Nụ mầm - bước phát triển đầu tiên cho công cuộc gieo trồng. Do đó, chúng đứng trong mối quan hệ mang tính quá trình: Cái này phát triển lên sẽ trở thành cái kia. Và khi Hạt giống mới thả mình trong đất ẩm” (Mục 22 - Những bông hoa mùa thu) chính là lúc “Từ hốc đen tra hạt/ Đọt mầm bật dậy” (Mục 13 - Tỉnh dậy trong mưa)

 

Hạt giống trong thơ Mai Văn Phấn là biểu tượng giàu sức sống, thể hiện khả năng sinh sôi rất lớn. Vì thế mà chỉ “Vô tình hạt rụng trên đường” cũng đã khiến con đường ấy“Trỗi dậy bạt ngàn cây lá”. Rồi “những hạt giống em vừa gieo vãi” đã mang “hơi thở bật tung lớp vỏ cứng”…; Nụ mầm cũng chứa đầy sức sống nhưng thường được diễn tả với sự non tơ, gắn với sự phát triển: “Màu xanh lá mạ/ Đọt mầm/ Nõn chuối/ Bãi ngô non” (Mục 17 - Tĩnh lặng); “Đêm qua trong giấc mơ/ Vật trang trí ấy/ Lớn nhanh như một lá mầm (Mục 36 - Tĩnh lặng)

 

Đặc biệt, hai biểu tượng này thường được Mai Văn Phấn tổ chức xếp đặt cạnh nhau, cùng tạo thành sự chuyển động mang giá trị sinh sôi nảy nở cho chính sự vật: Hồn em trời đổ mưa/ đất đai hồi sinh tươi tốt/ Hạt giống nảy mầm rồi bỏ đi xa” (Mục 2 - Những bông hoa mùa thu); “Mùa xuân trào miệng hạt/ Chờ nảy lá mầm/ Gió mang mặt đất đi” (Mục II - Đỉnh gió)… Ở đó, cả hai đều cùng hướng đến “giấc mơ tách vỏ”: “Hạt mầm/ Tôi/ Chung giấc mơ tách vỏ” (Nhờ trận mưa).

 

Nằm trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở, Hạt giống và Nụ mầm là hai biểu tượng mang vẻ đẹp nguồn cội của sự sống.

           

2.1.3. Mối quan hệ giữa biểu tượng Đất với những biểu tượng nằm cùng trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở trong thơ Mai Văn Phấn

 

Là một biểu tượng sinh nở, phồn thực nên lẽ dĩ nhiên, trong thơ Mai Văn Phấn, Đất không thể đứng một mình. Ngược lại, Đất luôn nằm trong mối liên quan chặt chẽ với các biểu tượng trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở.

 

Trước hết, Đất vốn tượng trưng cho cơ thể nữ, mang phần âm tính nên nó liên quan đến Trời - dương tính, tượng trưng cho người đàn ông (thần Dớt); Nước (với các biến thể như mưa, sương,…) tượng trưng cho tinh khí, nguồn mạch; cánh đồng, mùa màng tượng trưng cho sự bội thu, giống nòi… Tất cả chúng đồng hiện, tạo nên một cuộc gieo trồng vĩ đại của vũ trụ, nhân sinh. Ở đó, Đất được hình dung như một cơ thể nữ giới phồn thực, đầy mỡ màu, sẵn sàng cho cuộc sinh nở, sẵn sàng cho “cuộc ân ái” với Trời: Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt / dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời/ Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục / Sấm nổ vang trong lòng tay mầm hạt/ Vòng phù sa tươi ròng ấp ôm thớ đất/ Em cúi xuống và dòng sông ùa đến bất ngờ” (Bài hát mùa màng).

 

Cái tôi trữ tình trong thơ Mai Văn Phấn còn đặc biệt coi mình là Đất, coi mình là một phần của “công cuộc gieo trồng”, của sự sinh sôi ấy. Thế nên, Đất còn được đặt trong mối quan hệ “hóa thân”, “nhập một”: “ta thèm một lần nhân danh đất đai” với các biểu tượng Anh, Em. Từ đó, Anh mang tâm thế sẵn sàng đợi chờ Em “Tìm miệng anh gieo hạt/ Gió níu chân tay đất dịu dàng/ Lao xuống vực” (Mục I - Đỉnh gió); ước mình là Đất để lưu lại dấu chân em - dấu chân của người đi thực hiện “bài ca vỡ đất”: Da thịt anh rộn ràng mang dấu chân em/ Làm những móng tay trên đất càng vang vọng (Dấu vết bình minh); Anh mơ được em gieo trồng trên ngực/ Bàn tay dịu dàng vun vào da thịt/ Hôn lên tai anh lời chăm bón thì thào/ Anh cựa mình nồng nàn tơi xốp(Bài ca buổi sớm)… Những thi ảnh lạ ấy dường như là kết quả của một tâm hồn luôn bị ám ảnh bởi sự sinh sôi của vũ trụ, sự phồn sinh muôn đời của thế giới.

 

Nhìn từ góc độ văn hóa, Đất như một cổ mẫu, liên quan đến Nước, Lửa. Chúng tượng trưng cho nhau, làm nên vẻ đẹp bất diệt của sự sống. Ở đó, những gì là thiêng liêng, vĩnh cửu đều cùng tồn hiện.

         

2.2. Ý nghĩa, giá trị của hệ thống biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn

 

Mọi yếu tố xuất hiện trong tác phẩm nghệ thuật không phải ngẫu nhiên, nó thể hiện tư duy, ý đồ sáng tạo nghệ thuật của người thi sĩ. Và hệ thống biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chúng một mặt có giá trị thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa của dân tộc Việt Nam; một mặt mang những ý nghĩa thẩm mỹ, cách nhìn nhận và lý giải hiện thực riêng, độc đáo của cá nhân nhà thơ.

          

2.2.1. Ý nghĩa, giá trị văn hóa

 

Văn hóa là một khái niệm rộng và không dễ để định nghĩa. Cho đến nay, khái niệm này chưa đạt tới sự thống nhất. Do đó, tùy theo từng lĩnh vực lại có sự định nghĩa về văn hóa khác nhau. Ở đây, chúng tôi xin trích dẫn khái niệm văn hóa của Trần Ngọc Thêm, từ đó làm “bản lề” để phân tích mục này: “Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị (vật chất và tinh thần, tĩnh và động, vật thể và phi vật thể…) do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” [37].

 

Lần theo khái niệm văn hóa này, có thể thấy, hệ thống các biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn được ông xây dựng mang đậm đặc trưng của lối sống, tư duy, tín ngưỡng người Việt.

 

Dân tộc Việt Nam vốn đi lên từ nền nông nghiệp trồng lúa nước. Do đó, đối với họ, những yếu tố về “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” luôn có một ý nghĩa hết sức quan trọng. Bên cạnh đức tính cần có như chăm chỉ, cần cù, siêng năng, chịu khó, “một nắng hai sương”, “chân lấm tay bùn”…; họ còn phải chú ý đến các điều kiện của tự nhiên: Đất đai (Tấc đất, tấc vàng; Mưa tháng ba hoa đất/ Mưa tháng tư hư đất; Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền,…); nguồn nước (Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống; Phân tro không bằng no nước; Mồng chín tháng chín có mưa/ Thì con sắm sửa cày bừa làm ăn/ Mồng chín tháng chín không mưa/ Thì con bán cả cày bừa đi luôn;…) các chu kỳ mùa vụ khác nhau (Vụ mùa cấy cao, vụ chiêm cấy trũng; Tháng hai trồng cà, tháng ba trồng đỗ;…), cho đến thời tiết:

 

Người ta đi cấy lấy công

Tôi nay đi cấy còn trông nhiều bề

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng

(Ca dao)

 

Chính vì vậy, hệ thống biểu tượng sinh sôi, nảy nở (đất đai, sông nước, trời, mùa màng, hạt giống,…) trong thơ Mai Văn Phấn trước hết phản ánh nền văn hóa nông nghiệp lúa nước đặc trưng của người Việt nói riêng và các nước Đông Nam Á nói chung. Đất đai, bầu trời, sông nước, mùa màng, hạt giống… là những điều kiện cần để thực hiện “công cuộc gieo trồng”: Chỉ khi “Cuộc ái ân của đất với nước ngân lên thành tiết tấu” thì “mọi cánh đồng” mới “được thấy mình sinh ra bên cạnh dòng sông” (Chương III - Cộng hưởng I).

 

Đồng thời nó cũng phản ánh những nhu cầu, khát khao, ước muốn có những “mùa vụ bội thu”, của người Việt “Năm trước được cau, năm sau được lúa” trong thơ mình: “Em cũng kể giấc mơ/ Không phải giếng mà con kênh đầy nước/ Em chất lên từng bó lúa vàng/ Đẩy anh đi như con thuyền nhỏ” (Nhịp IV- Hình đám cỏ), hay “Đất mỡ màu quyện rạng đông dâng lên khuôn mặt/ dâng lên cỏ cây phồn thực bời bời/ Những mùa tái sinh trổ đòng chín rục” (Bài hát mùa màng),…

 

Nhìn từ góc độ văn hóa, Đất như một cổ mẫu, liên quan đến Nước, Lửa. Chúng tượng trưng cho nhau, bổ nghĩa cho nhau. Đất cùng với Nước tạo nên hai yếu tố quan trọng nhất cho công cuộc gieo trồng, nhưng hơn thế, mang giá trị rộng lớn hơn, bao quát hơn, chúng là sự đại diện cho lãnh thổ của quốc gia, dân tộc: “Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ/ Đất là nơi Chim về/ Nước là nơi Rồng ở/ Lạc Long Quân và Âu Cơ/ Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng…” (Đất Nước - Nguyễn Khoa Điềm). Trong thơ Mai Văn Phấn, ý nghĩa này cũng được gợi lên một cách thiêng liêng: “Thửa ruộng chân chua nằm im miếng vá/ Bờ cỏ xanh khâu với đất ông bà/ Nước vì đất nước ngấm vào ruộng cạn/ Con giun con dế bạn cùng người xưa” (Chương I: Nhóm lửa). Ở đó, hình ảnh đất nước được gắn liền với quê hương nghèo khó nhưng bình yên đến lạ! Cùng với đó là sự gợi nhắc về tuổi thơ thân thuộc gắn liền với tổ tiên, ông bà. Trong một bài thơ khác, ông viết: “Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình/ Đêm thai nghén những thị thành trứng nước/ Ai ấy còn ngơ ngác trước văn minh” (Nhật ký đô thị hóa). Những sự thay đổi của đất đai - hay chính là của đất nước mình bỗng trở nên đầy ám ảnh bởi ở tương lai ấy con người vẫn còn “ngơ ngác trước văn minh”, họ chưa sẵn sàng nhập cuộc thử thách; nhưng đâu đó họ vẫn có niềm tin vào tương lai, khi “Ngôi nhà của mẹ là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên”.

 

Trong quá trình hình thành và phát triển của loài người, Đất đánh dấu cho bước ngoặt và là minh chứng cho sự thay đổi trong sự phát triển từ loài vượn cổ (sống trên cao (cây)) đến quá trình hình thành, phát triển sang con người (sống dưới thấp (mặt đất)); Nó cùng với Nước là điều kiện cho sự ra đời của nền nông nghiệp trồng lúa nước. Còn Lửa lại được nhìn nhận là một phát minh mang tầm vĩ đại của con người. Nó cũng đánh dấu cột mốc mang tính bước ngoặt trong lịch sử phát triển loài người. Từ khi có Lửa, con người chuyển sang “ăn chín uống sôi” và tạo ra ánh sáng nhân tạo đầu tiên của mình. Bước vào trong thơ Mai Văn Phấn, với ý nghĩa là những yếu tố khởi thủy sinh thành thế giới, Đất, Nước và Lửa luôn là những biểu tượng được ông nhắc đến với sự thiêng liêng, kì vĩ: Yêu nhau. Là những nghi thức dâng tụng trời đất. Bây giờ là mùa xuân. Anh mệnh Kim và em mệnh Hỏa. Từ lửa làm ra Thổ, ra Mộc, ra Thủy. Đất rung mình. Sông chảy. Ngàn vạn đọt mầm từ thân thể nở bung (Anhanhemem)…

          

2.2.2. Ý nghĩa, giá trị thẩm mĩ

 

Nói đến ý nghĩa, giá trị thẩm mĩ trong văn học là nói đến cái hay, cái đẹp của tác phẩm. Việc xây dựng hệ thống các biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn cũng là một yếu tố làm nên cái hay, cái đẹp đó của bài thơ.

 

Ý nghĩa, giá trị của một biểu tượng chính là việc từ một hình ảnh, sự vật cụ thể qua hoạt động sáng tạo của thi sỹ, trở thành biểu tượng mang ý nghĩa trùng phức, khái quát và nó chỉ tồn tại trong một văn cảnh nhất định; thoát ra ngoài văn bản, văn cảnh đó, biểu tượng đã mất đi ý nghĩa. Hoặc nói cách khác: “Giá trị của biểu tượng được xác định chính trong sự chuyển vượt từ cái đã biết sang cái chưa biết, từ cái đã diễn đạt sang khó tả nên lời. Nếu cái phần giấu kín một ngày nào đó lộ ra hết, thì biểu tượng sẽ chết” [4; XXV]. Nếu không sử dụng các biểu tượng Đất, Hạt giống, Đọt mầm trong câu: “Hạt giống vừa gieo phả sức sống mới lên trang kinh Cựu Ước, thấy trăng sao lăn qua ngực mình êm ái bồi hồi. Đất thôi thúc đọt mầm tách ra khỏi vỏ, vươn cánh tay mềm thừa nhận khoảng không” (Chương X: Phía trước bàn chân) thì có lẽ những khát khao, ước muốn được sinh sôi, nảy nở của thiên nhiên, vũ trụ đã không được thể hiện một cách tinh tế đến vậy! Và với cách diễn đạt thông thường, hình tượng Em chắc đã không xuất hiện với một vẻ đẹp gợi cảm, giàu sức sống và ấn tượng đến thế trong thơ Mai Văn Phấn: “Mắt em mở vào đêm sâu lò than hồng rực/ Dâng mùi ngô nướng, nếp thơm” (Mục II - Buông tay cho trời rạng), “Từ miệng bóng râm/ vươn lên/ hương quyến rũ/ Đu cành cao/ Chạm ngực em trái chín/ Than bỏng rát/ Anh sấm rền gót chân…” (Hát từ đất),…

 

Điều đặc biệt, là vẻ đẹp ấy của em càng được tô đậm khi đặt trong mối tương quan với Anh - người đánh giá và trực tiếp cảm nhận, thưởng thức vẻ đẹp ấy: “Sương vương dày như đan như thêu/ Không che được em một vầng sáng tỏ/ Bóng em đi bằng bước chân của gió/ Trên mình anh những tiếng chân nai” (Vầng trăng và con đường); hay “Anh là vỏ chát/ Em là nhân/ Quấn quýt heo may chuyển ngọt dần/ Hôn nhau thành quả rơi trên cỏ/ Xanh ủ trên đầu chín xuống chân” (Quả thu),… Thế nên, “em và “anh” dù thời gian nào, dù là biến thể của vật gì cũng đều quyện hòa vào nhau, cùng mơ về một cuộc tái sinh mới: “Kiếp trước em và anh là đôi rắn nước trườn qua bụi cỏ xuống hồ, bơi sóng đôi mềm mại. Là thủy triều cuốn vào chân núi, qua ngàn năm mới để lại vết hằn. Là đôi khủng long lồng lộn trong sa mạc nóng. Đôi đại bàng rơi tự do giao phối trên không… (Mục V - Buông tay cho trời rạng). Cũng vậy, hành động tính giao sẽ thô thiển biết mấy nếu nhà thơ không diễn đạt bằng một hệ thống những biểu tượng tượng trưng trong Đất mở: Cuộn chảy/ trong tiếng gào những dải phù du/ đáy sông quặn thắt chưa hết sáng / hoàng hôn ngậm chặt ánh ngày/ lửa co giật/ sụ̣c sôi mầm nụ/ đỉnh cây ngùn ngụt bốc cao// Căng ngang trời cánh chim/ cho ngữ nghĩa trị vì mặt đất / nơi mặt gió gặp đỉnh đồi cúi gục/ hang tối phà bí ẩn với sương mai/ ao chuôm tìm hướng lên trời/ dòng sông vừa chảy/ vừa sinh nở...

 

Vốn đề cao hình thức thẩm mĩ của thơ ca, Mai Văn Phấn đang ngày càng tiến gần hơn trên con đường chối từ lối biểu đạt truyền thống của những ẩn dụ, hoán dụ, so sánh,… mở ra những chiều liên tưởng khác nhau về giá trị của mĩ cảm thơ trong sự tiếp nhận của người đọc. Có thể nói, việc xây dựng hệ thống biểu tượng trong thơ là một trong những sự lựa chọn không thể hiệu quả hơn lúc này!

 

 

 

 

KẾT LUẬN

 

Mai Văn Phấn là một gương mặt thi ca tiêu biểu trong các nhà thơ thế hệ Đổi mới. Thơ ông là kết quả của một quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, bền bỉ với những tìm tòi, cách tân, sáng tạo không biết mệt mỏi. Trong các tác phẩm của mình, ông đã xây dựng nên thế giới nghệ thuật riêng biệt, không trộn lẫn.

 

Nổi bật trong thế giới nghệ thuật ấy chính là sự xuất hiện của các biểu tượng, trong đó, Đất là biểu tượng kết đọng nhiều ý nghĩa, giá trị văn hóa - thẩm mĩ. Trước hết, nó là biểu tượng của vẻ đẹp phồn sinh ở đời sống tự nhiên, vũ trụ và nhân sinh. Nó còn là biểu tượng cho vẻ đẹp và sức mạnh của tình yêu dục tính. Đặc biệt, Đất là biểu tượng kết đọng những phẩm tính đặc thù của cái tôi thi nhân. Để xây dựng biểu tượng này, nhà thơ đã sử dụng hệ thống các thủ pháp và kĩ thuật làm thơ tương ứng: Tô đậm những tính chất kì vĩ, lớn lao, phi thường của Đất; Mô tả biểu tượng Đất trong những biểu hiện cảm giác vận động trực tiếp, cụ thể; Mở rộng trường nghĩa của Đất bằng cách đặt nó trong tương quan với các biểu tượng đối sánh; đồng thời sử dụng đa dạng các biện pháp tu từ như ẩn dụ, so sánh, điệp, nhân hóa...

 

Thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn là một chỉnh thể thống nhất, thể hiện những quan niệm riêng biệt, độc đáo của nhà thơ về đời sống và nghệ thuật thơ ca. Điểm nổi bật của thế giới thơ Mai Văn Phấn là sự xuất hiện của các trường biểu tượng: trường biểu tượng về sự sống; về sự sinh sôi nảy nở; về tình yêu tính dục; về sức mạnh, chỗ dựa cho những vẻ đẹp nền tảng của tính vĩnh cửu. Trong đó, trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở là sự thể hiện “chụm” nhất cái tôi và quan niệm của Mai Văn Phấn về con người và thế giới. Nằm trong thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, biểu tượng Đất có mối quan hệ chặt chẽ với các biểu tượng trong trường biểu tượng về sự sinh sôi nảy nở như Trời, Nước, Ánh sáng, Không khí, Gió, Hạt giống, Nụ mầm… Chúng cùng tạo nên vẻ đẹp phồn sinh của thế giới.

 

Đặc biệt, biểu tượng Đất đặt trong cấu trúc tổng thể thơ Mai Văn Phấn, vừa mang ý nghĩa là một đại diện/ một phần của công cuộc gieo trồng, vừa mang những vẻ đẹp về giá trị văn hóa - thẩm mĩ sâu sắc, gây ấn tượng đậm nét với người đọc.

 

Để “đọc” được thơ Mai Văn Phấn quả thực không dễ! Đặc biệt, khi nó là sự thể hiện thế giới nghệ thuật qua hệ thống các biểu tượng mang tính tượng trưng, vốn trùng phức về nghĩa. Đấy là một thách thức song cũng là một lời mời gọi đầy quyến rũ của tiếng thơ này - lời mời gọi độc giả thay đổi, mở rộng cách nghĩ, cách đọc để đồng sáng tạo với tác giả.

                                                                              

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO                                       

 

[1]. Nguyễn Việt Chiến (2016), “Thế hệ nhà thơ Việt Nam sau 1975 đã khẳng định một thời đại mới của thi ca, http://maivanphan.net

[2]. Đoàn Văn Chúc (1993), Những bài giảng về văn hóa, Nxb Văn hóa - Thông tin và Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.

[3]. T. S. Eliot (1965, Nguyễn Tiên Hoàng dịch), “Về sự khó hiểu của thơ hiện đại”, tienve.org.

[4]. Jean Chavalier - Alain Gheerbrant (1997), Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng, Trường Viết văn Nguyễn Du.

[5]. Jean Michel Maulpoix (Bùi Thị Hoàng Anh dịch), “Những cơn mưa nguồn, http://maivanphan.net.

[6]. Văn Giá (2011), “Thơ sinh ra để nói niềm hi vọng của con người, http://maivanphan.net.

[7]. Ngô Hương Giang, Nguyễn Thanh Tâm (2015), Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác, Nxb Hội Nhà văn.

[8]. Nguyễn Thị Hương Giang (2015), “Đặc điểm thơ Mai Văn Phấn, http://maivanphan.net.

[9]. Mai Văn Hai (2002), “Biểu tượng và văn hóa biểu tượng trong tư duy xã hội học”, Xã hội học (2).

[10]. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (đồng chủ biên, 2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.

[11]. Nguyễn Văn Hậu (2009), “Biểu tượng như là “đơn vị cơ bản” của văn hóa, http://huc.edu.vn.

[12]. Nguyễn Nhật Huy (2014), “Những biểu tượng thức giấc trong thơ Mai Văn Phấn, http://maivanphan.net.

[13]. Inrasara (2014), Thơ Việt hành trình chuyển hướng say, Nxb Thanh niên.

[14]. Đình Kính (2011), Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công, Nxb Hội Nhà văn.

[15]. Nguyễn Văn Khỏa (2007), Thần thoại Hy Lạp, Nxb Văn học.

[16]. Đinh Trọng Lạc (2014), 99 phương tiện và biện pháp tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục.

[17]. Dương Kiều Minh (2011), Thơ Dương Kiều Minh, Nxb Hội Nhà văn.

[18]. Mai Văn Phấn (1992), Giọt nắng, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Tp. Hải Phòng.

[19]. Mai Văn Phấn (1995), Gọi xanh, Nxb Hội Nhà văn.

[20]. Mai Văn Phấn (1997), Cầu nguyện ban mai, Nxb Hải Phòng.

[21]. Mai Văn Phấn (1999), Nghi lễ nhận tên, Nxb Hải Phòng.

[22]. Mai Văn Phấn (1999), Trường ca Người cùng thời, Nxb Hải Phòng.

[23]. Mai Văn Phấn (2003), Vách nước, Nxb Hội Nhà văn.

[24]. Mai Văn Phấn (2009), Hôm sau, Nxb Hội Nhà văn.

[25]. Mai Văn Phấn (2009), và đột nhiên gió thổi, Nxb Hội Nhà văn.

[26]. Mai Văn Phấn (2010), Bầu trời không mái che, Nxb Hội Nhà văn.

[27]. Mai Văn Phấn (2011), Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb Hội Nhà văn.

[28]. Mai Văn Phấn (2012), hoa giấu mặt, Nxb Hội Nhà văn.

[29]. Mai Văn Phấn (2013), Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội Nhà văn.

[30]. Mai Văn Phấn (2015), thả, Nxb Hội Nhà văn.

[31]. Mai Văn Phấn (2016), Không gian khác (Phê bình - Tiểu luận), Nxb Hội Nhà văn.

[32]. Lê Hồ Quang (2015), Âm thanh của tưởng tượng, Nxb Đại học Vinh.

[33]. Lê Hồ Quang (2016), “Tư duy thơ Việt Nam sau 1975 qua sáng tác của một số tác giả thế hệ Đổi mới”, http://maivanphan.net.

[34]. Ramesh Chandra Mukhopadhyaya (2015), Giải mã “hoa giấu mặt”, Nxb Hội Nhà văn.

[35]. Viện Ngôn ngữ (2000), Từ điển tiếng Việt, Nxb Từ điển bách khoa.

[36]. Nguyễn Trọng Tạo (2016), “Đổi mới và Đổi mới thơ, nguyentrongtao.info.

[37]. Trần Ngọc Thêm (2014), “Khái luận về văn hóa, vanhoahoc.vn.

[38]. Website: vea.gov.vn.

[39]. Website:Wikipedia.org.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 









BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị