NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN
KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGỮ VĂN
NGÀNH: NGỮ VĂN
Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thu Quỳnh
THÁI NGUYÊN, 2017
Tiến sĩ Nguyễn Thu Quỳnh
Tác giả Nguyễn Thị Hương
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Khái quát về thơ tự do
1.1.1. Khái niệm
1.1.2. Đặc điểm của thơ tự do
1.2. Khái quát về nhịp điệu
1.2.1. Khái niệm nhịp điệu
1.2.2. Phân loại nhịp điệu
1.2.3. Các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu
1.3. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn và tập thơ “Vừa sinh ra ở đó”
1.3.1. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn
1.3.2. Tập thơ Vừa sinh ra ở đó
1.4. Tiểu kết
Chương 2 MIÊU TẢ NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN
2.1 Dẫn nhập
2.2. Cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
2.2.1 Kết quả khảo sát
2.2.2. Miêu tả cụ thể
2.3. Cách hiệp vần (hòa âm) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
2.3.1. Kết quả khảo sát
2.3.2. Miêu tả cụ thể
2.4. Cách phối thanh điệu (phối thanh) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
2.4.1 Kết quả khảo sát
2.4.2 Miêu tả cụ thể
2.5. Tiểu kết
Chương 3 CÁC YẾU TỐ CHI PHỐI VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN
3.1. Dẫn nhập
3.2. Các yếu tố chi phối nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
3.2.1. Yếu tố tâm – sinh lí
3.2.2. Yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật của tác phẩm
3.3. Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
3.3.1. Tạo nên nhạc tính cho ngôn ngữ văn chương
3.3.2. Nhịp điệu góp phần diễn tả sự vận động, lưu chuyển của đời sống và tâm hồn
3.3.3 Nhịp điệu là tiếng vang cộng hưởng nội dung ý nghĩa và gia tăng xúc cảm
3.3.4. Nhịp điệu góp phần tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, mạch lạc cho văn bản nghệ thuật
3.4. Tiểu kết
KẾT LUẬN
TƯ LIỆU KHẢO SÁT
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Nhịp điệu của thơ hay tiết tấu của nhạc là một trong những biểu hiện cụ thể và nhỏ bé của sự chuyển động vũ trụ vô cùng. Con người từ lâu đã nhận ra nhịp tim, nhịp thở, nhịp đi... của cơ thể mình; nhịp ngày đêm, nhịp thủy triều... của thế giới xung quanh. Đó là những chu kì của một dòng chảy theo thời gian hay những mô hình tái diễn/ hồi quy được luân phiên trong thời gian, lặp đi lặp lại có trật tự đều đặn sau những chiết đoạn thời gian nhất định. Đối với thơ ca, nhịp thơ chính là sự tuần hoàn ước lượng, do thính giác chấp nhận như nhà thi học người Pháp Cohen đã nhận xét.
Có thể nói, giàu nhịp điệu là một đặc trưng nổi bật của thơ văn Việt Nam. Thơ văn Việt Nam đã phát huy cao độ nhịp điệu lời nói, khiến cho âm thanh ngôn ngữ nghệ thuật vang lên đầy chất nhạc, đánh thức những xúc cảm sâu lắng trong lòng người. GS.TSKH Lý Toàn Thắng đã cho rằng: “Nhịp điệu là một sự chuyển động thanh âm mềm mại, biến hóa thường xuyên của các khúc đoạn được tạo nên nhờ những chỗ ngưng nghỉ có quy luật giữa dòng hay cuối mỗi dòng thơ”. [23, tr.134]. Vì vậy, tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ khi nghiên cứu thi luật về thơ là một vấn đề rất cần thiết. Nghiên cứu này không chỉ giúp ích cho sự trải nghiệm tạo sinh nhịp điệu nơi người sáng tác mà còn phân tích được sự cảm thụ nhịp điệu ở nơi người tiếp nhận tác phẩm thơ.
Mai Văn Phấn được xem như là một hiện tượng tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam giai đoạn sau năm 1975. Thơ ông là một chân trời của những sáng tạo nghệ thuật, là sự chuyển động liên tục với những tìm tòi và cách tân đổi mới chính mình. Với những cách tân nghệ thuật, Mai Văn Phấn đã cho thấy, trong thơ ông, nhịp điệu là một yếu tố vô cùng quan trọng. Việc tìm hiểu nhịp điệu trong thơ Mai Văn Phấn chính là tìm hiểu con đường tạo nên phong cách riêng, độc đáo của nhà thơ.
Hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có tính hệ thống về nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Vì vậy, đề tài này được thực hiện với mong muốn đưa đến một cách nhìn nhận mới, góp phần làm sáng tỏ những đổi mới về nhịp điệu; cho thấy được sự sáng tạo, thể nghiệm mới lạ về thi pháp thơ và tài năng của Mai Văn Phấn; giúp độc giả và các nhà nghiên cứu đến gần hơn với thơ ông. Đây là những lí do để vấn đề Nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn được chọn làm đề tài nghiên cứu.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
2.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về thơ tự do và nhịp điệu trong thơ tự do
Trên thế giới đã có không ít nhà nghiên cứu tìm hiểu về thơ tự do. Có thể kể đến các tên tuổi tiêu biểu như A.N Vexelopxki, V.Ia Prop, M.M Bakhtin, V.V Vinogradop, Roman Jakobson, V. Girmunski… Theo R. Jakobson, chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu trên trục kết hợp. Các tác giả cũng đã đi sâu tìm hiểu về các yếu tố ngôn ngữ cấu thành nhịp điệu thơ, phân tích chức năng ngôn ngữ thông qua các đơn vị cấu trúc hệ thống.
Ở Việt Nam, nhiều tác giả cũng quan tâm nghiên cứu về thơ tự do như Mã Giang Lân, Võ Tấn Cường, Phan Nhiên Hạo, Thanh Thảo… Các nghiên cứu về thơ tự do của các nhà nghiên cứu trong nước tập trung vào những nội dung như: định nghĩa về thơ tự do, ý thơ, tứ thơ, chữ và nghĩa trong câu thơ…
Tác giả Hữu Đạt với chuyên khảo Ngôn ngữ thơ Việt Nam (1998) đã có những nghiên cứu nhất định về đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ như việc tổ chức ngôn ngữ, cấu trúc hình tượng thơ…
Trong cuốn sách Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học (in lần 2, 2005), Mai Ngọc Chừ đã khai thác tương đối triệt để vấn đề vần thơ Việt Nam: chức năng của vần, mối quan hệ của nó với yếu tố khác; đơn vị hiệp vần, hai mặt đồng nhất và khác biệt của vần thơ,…
Gần đây nhất có các bài báo của Lý Toàn Thắng (Thử đo đếm thơ), Vũ Duy Thông (Ngôn ngữ thơ Mới và ngôn ngữ thơ kháng chiến), Nguyễn Thế Lịch (Ngữ pháp của thơ) cũng chú ý đến việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ nói chung và thơ tự do nói riêng.
Vấn đề nhịp điệu cũng được đề cập tới ở một số công trình nghiên cứu trong nước như: Nguyên tắc ngừng nhịp trong thơ ca Việt Nam của Mai Ngọc Chừ (1984); Bước thơ của Võ Bình (1984); Nhận diện nhịp điệu trong thơ trữ tình của Phan Huy Dũng (2001)… Trong các công trình này, nhịp điệu được nhìn nhận tập trung ở các sáng tác thơ dưới góc độ đặc điểm của thi luật.
Năm 2015, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã công bố chuyên khảo Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam của tác giả Vũ Thị Sao Chi. Trong chuyên khảo này, tác giả đã đưa ra cách hiểu về các loại hình nhịp điệu bao gồm khái niệm nhịp điệu và nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn; các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu; cách thức tổ chức nhịp điệu trong ngôn ngữ thơ văn Việt Nam hay các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam. Chuyên khảo này đã cho thấy được tầm quan trọng của nhịp điệu trong việc tăng cường hiệu lực giao tiếp và giá trị thẩm mĩ của lời nói, góp phần tạo nên những dấu ấn riêng biệt của từng cá nhân và của từng dân tộc. Đồng thời, giúp mỗi người trau dồi cách nói, cách viết và nâng cao năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật, thấm sâu hơn những ý tình ẩn sau những chuỗi âm thanh nhịp nhàng, giàu nhạc tính.
Gần đây nhất, các tác giả Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương đã cho ra mắt chuyên khảo Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca (2017). Một trong những vấn đề được các tác giả để tâm đề cập đến là vấn đề tiết tấu và nhịp điệu trong thơ. Các tác giả đã cố gắng phân biệt hai khái niệm tiết tấu và nhịp điệu, dù cũng nhận thấy rằng “đó là những ranh giới khá mong manh” [10, tr. 322] Theo đó, các tác giả Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương cho rằng nhịp thơ là những vế tương đương nhỏ nhất trong cấu trúc âm điệu - gồm cấu trúc nhịp điệu và cấu trúc vần điệu của dòng thơ. Nó chủ yếu gắn với chức năng liên kết trong dòng thơ, và cả bài thơ. Các tác giả cũng đã trình bày trong công trình chuyên khảo của mình sự đa dạng của tiết tấu thể hiện trong cấu trúc nhịp điệu với tiết tấu của thơ, thể thức thi ca với tiết tấu của thơ, nhịp điệu và tiết tấu với sự hỗ trợ của kênh văn tự. Từ đây, các tác giả cũng đã đi đến nhận định: “Những dấu hiệu thể hiện sự chuyển biến của cấu trúc nhịp điệu và tiết tấu dòng thơ và bài thơ là hết sức đa dạng, đặc biệt là trong thi ca thời hiện đại” [10, tr.340].
Như vậy, có thể thấy, các vấn đề về thơ tự do, ngôn ngữ thơ và nhịp điệu trong thơ đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào tìm hiểu kĩ lưỡng về nhịp điệu trong thơ tự do, đặc biệt là tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ tự do của một tác giả hoặc tác phẩm cụ thể.
2.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về thơ tự do của Mai Văn Phấn
Trong suốt quá trình đã và đang hoạt động nghệ thuật của mình, nhà thơ Mai Văn Phấn đã cho xuất bản 24 tập thơ và 1 tập tiểu luận – phê bình, trong đó có 10 tập thơ được xuất bản và phát hành ở nước ngoài. Thơ Mai Văn Phấn đã mang một bầu không khí mới lạ cho nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca hiện đại Việt Nam nói riêng, trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học. Các bài nghiên cứu về thơ tự do của Mai Văn Phấn rất đa dạng, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:
Trong bài viết “Đất – Một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ Mai Văn Phấn”, tác giả Nguyễn Thị Yến đã khẳng định đất là một biểu tượng có nhiều ý nghĩa văn hóa – thẩm mỹ độc đáo. Nó vừa là tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ; vừa là biểu hiện của tình yêu – dục tính của nhân loại. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định Mai Văn Phấn là người “gieo hạt giống mới” đầy cần mẫn và hiệu quả trên cánh đồng thơ ca Việt Nam hiện đại.
Nguyễn Thị Hương Giang trong công trình nghiên cứu về “Đặc điểm thơ Mai Văn Phấn” đã đề cập tới một số đặc điểm về cảm quan thẩm mỹ và cảm hứng hiện sinh, đặc điểm về nghệ thuật như biểu tượng đất đai, sông, nước, cỏ cây; cấu trúc thơ, đặc điểm ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn.
Nguyễn Tiến Lượng trong bài viết “Nghệ thuật cấu tứ trong thơ Mai Văn Phấn” đã đưa ra một vài mô hình cấu tứ truyền thống trong thơ Mai Văn Phấn và những kiểu cấu tứ đặc thù của thơ Mai Văn Phấn như cấu tứ theo dòng trôi của cảm giác, cấu tứ dựa trên những cuộc đối thoại, cấu tứ dựa trên quan hệ liên văn bản...
Ngoài ra, có thể kể đến những bài phê bình, bàn luận hay những ý kiến tranh cãi về thơ Mai Văn Phấn như sau:
Đặng Thân trong bài “Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ” đã kết luận: “Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức. Ngôn từ mà Mai Văn Phấn đã ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt Nam, vào văn học sử như một dòng cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ…” [31; tr.99]
PGS.TS Đào Duy Hiệp trong bài “Mai Văn Phấn – những chặng đường sáng tác thơ” đã khẳng định: “Mai Văn Phấn đã cắm một cột mốc thơ đáng ghi nhận trên hành trình chinh phục ngôi đền thơ vĩ đại. Đến nay đã ngót ba mươi năm. Chặng đường thơ sắp tới của anh còn dài và xa trước mắt. Mà cột mốc hôm nay đã đánh dấu một trưởng thành”(dẫn theo [29; tr.75]).
Trong bài viết “Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn” nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức đã nhận định: “Mai Văn Phấn quả xứng đáng là nhà thơ hiện đại. Theo cách rằng: các nhà thơ cổ điển dùng chữ để biểu hiện cuộc nhào lộn của tu từ pháp. Còn nhà thơ hiện đại dung chữ để biểu tỏ ý nghĩ của mình, hay cái mình muốn nói”… (dẫn theo [32; tr.4])
Bài viết “Tư duy về thơ: trường hợp Mai Văn Phấn”, nhà phê bình Trần Thiện Khanh đã đưa ra quan điểm: “Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi thể nghiệm chuyển đổi. Tư duy Mai Văn Phấn luôn nắm bắt, thậm chí quy chiếu mọi thứ có giá trị vào những trạng thái có tính chất bước ngoặt, đột biến, bứt phá, mở đường, những cuộc cách mạng, những điểm chập nổ, sự đổ vỡ những giá trị cũ, thường xuyên hướng đến những chuyển động lệch nhịp của thơ ca” (dẫn theo [30; tr.91].
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa ra đánh giá về những cách tân, đổi mới thi pháp trong bài viết “Mai Văn Phấn trong vòng xoáy của thơ Hậu – hiện – đại” như sau: “Nếu có một nhà thơ nào đó đang luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ tình cổ điển anh “bay” thẳng một mạch vào hậu hiện đại rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ cách tân” [33; tr.420].
Trên đây, chúng tôi đã điểm lại một vài công trình nghiên cứu, bài phê bình có giá trị đánh giá, nhận định thơ ca Mai Văn Phấn trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Những công trình trên đã đem lại những hiểu biết nhất định về thơ Mai Văn Phấn về cả phương diện nội dung và nghệ thật.
Tuy nhiên, đến nay, chưa có công trình chuyên khảo nào đề cập và đi sâu vào tìm hiểu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Vì vậy, với khóa luận này, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm tiếng nói khẳng những đóng góp của Mai Văn Phấn cho nền văn học Việt Nam hiện đại, thấy được đặc điểm và vai trò của những cách thức biến hóa nhịp điệu trong thể thơ tự do nói chung và thơ tự do của Mai Văn Phấn nói riêng, cũng như khẳng định những thành công của ông đã đạt được trong dòng thơ cách tân Việt Nam giai đoạn sau năm 1975.
3. Mục đích nghiên cứu
- Qua việc tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, thấy được đặc điểm và vai trò của những cách thức biến hóa nhịp điệu trong thể thơ tự do của nhà thơ Mai Văn Phấn.
- Góp phần làm phong phú thêm những nghiên cứu sâu về nhịp điệu trong thơ, đồng thời bước đầu tiến hành khảo nghiệm cấu trúc nhịp điệu trong thơ tự do, khẳng định mối quan hệ giữa sự tri giác nhịp điệu của chủ thể và đối thể sáng tạo với các ấn tượng, hình ảnh thẩm mĩ trong tác phẩm.
4. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Tìm hiểu những vấn đề lí thuyết và thực tiễn liên quan đến đề tài.
- Khảo sát, miêu tả và phân tích nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn ở các phương diện: ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh.
- Làm rõ các yếu tố chi phối nhịp điệu và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong ngôn ngữ thơ tự do của Mai Văn Phấn.
5. Đối tượng nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn.
6. Phạm vi tư liệu
Đề tài tập trung nghiên cứu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn thông qua việc khảo sát các sáng tác trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó (Nxb Hội nhà văn, 2013). Tập thơ gồm có 18 bài thơ, với 123 trang thơ.
7. Phương pháp nghiên cứu
7.1. Phương pháp miêu tả
Phương pháp miêu tả với các thủ pháp giải thích bên trong và các thủ pháp giải thích bên ngoài được sử dụng để khảo sát và miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn ở các phương diện ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh. Từ đó, phương pháp miêu tả còn được sử dụng để phân tích đặc trưng sáng tạo, phong cách nghệ thuật của Mai Văn Phấn thông qua các mô hình khuôn nhịp mà ông đã sử dụng.
7.2. Phương pháp nghiên cứu liên ngành
Đề tài vận dụng kiến thức liên ngành của ngôn ngữ học, văn học và văn hóa học để tìm hiểu, khai thác giá trị biểu hiện qua lớp vỏ ngôn từ trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, từ đó có thể kết luận được chính xác về những giá trị nghệ thuật trong thơ của tác giả nhìn từ phương diện thi luật.
8. Những đóng góp mới của khóa luận
Thực hiện khóa luận này, chúng tôi mong muốn cung cấp một cái nhìn toàn diện về hướng sáng tạo thi luật thơ tự do của Mai Văn Phấn trong việc tổ chức nhịp điệu thơ để từ đó góp thêm một tiếng nói khẳng định những đóng góp và vị thế của Mai Văn Phấn trong tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam nói chung và thơ tự do nói riêng.
9. Cấu trúc của khóa luận
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 3 chương:
Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn
Chương 2: Miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
Chương 3: Các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn
Chương 1
CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Khái quát về thơ tự do
1.1.1. Khái niệm
Đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm của mình về thơ tự do. Các ý kiến đều nhìn nhận thơ tự do từ phương diện cách tân của hình thức nghệ thuật ngôn từ. Cụ thể:
Trong cuốn Tìm hiểu thơ, tác giả Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ tự do được viết theo cách “bỏ hết vần, chỉ giữ lại âm điệu, âm hưởng thơ”; “Khả năng biểu hiện của thơ tự do là rất lớn. Nó hoàn toàn không bị gò bó bởi những quy tắc, những luật lệ nhu cầu của thể thơ dân tộc. Và càng về sau nó càng có những tìm tòi thể nghiệm mới trong cấu trúc của câu thơ” [15; tr.36]. Quan niệm này của tác giả Mã Giang Lân chủ yếu nhấn mạnh đến hình thức và khả năng biểu hiện của thơ tự do. Ông nhấn mạnh thơ tự do không bị gò bó với những quy tắc và luật lệ của các thể thơ dân tộc. Càng về sau, thơ tự do càng có những tìm tòi, thể nghiệm mới trong cấu trúc của câu thơ.
Theo Võ Tấn Cường, quan niệm về thơ tự do được hiểu theo hướng: “Thơ tự do là những câu thơ tự do không vần, dài ngắn khác nhau, co duỗi linh hoạt không có nghĩa là thiếu sự liên kết nội tại giữa các yếu tố cấu thành bài thơ” (dẫn theo [27; tr.38]). Theo tác giả, chính cảm xúc, năng lượng tâm linh và logic nội tại của sự vật sẽ kết dính các hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ thơ ca. Thơ tự do là sự trở về của khởi thủy ngôn ngữ nhưng được biến đổi về chất, nâng lên tầm cao mới phù hợp với nhịp điệu tâm hồn con người hiện đại và nhịp điệu của thời đại”.
Phan Nhiên Hạo trong bài viết “Về tân hình thức, thơ tự do và tươi mát hồn nhiên” đã đưa ra quan điểm về thơ tự do như sau: “Thơ tự do không phải là một trường phái hay chủ nghĩa duy nhất, mà nó đủ rộng để chứa tất cả những trường phái và chủ nghĩa khác nhau” (dẫn theo [27; tr.39]).
Có rất nhiều ý kiến bàn luận về thơ tự do, mỗi ý kiến lại có một sự hợp lí nhất định. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khó có thể đưa ra một khái niệm chính xác về thơ tự do. Muốn hiểu sâu sắc, kĩ càng về “thơ tự do” thì cần phải hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của nó. Theo nghĩa hẹp, thơ tự do được hiểu theo cách của Mã Giang Lân, Võ Tấn Cường là: thơ tự do là thơ bỏ hết vần, chỉ giữ lại âm điệu, âm hưởng thơ; không bị gò bó bởi bất kì quy tắc của mô hình âm luật nào. Theo nghĩa rộng, có thể hiểu thơ thự do theo quan điểm của Phan Nhiên Hạo: thơ tự do không phải là một trường phái hay chủ nghĩa duy nhất, nó có thể chứa những trường phái và chủ nghĩa khác nhau.
Trên đây là một số quan niệm của các nhà nghiên cứu về thơ tự do. Tổng hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi cho rằng có thể hiểu về thơ tự do theo nghĩa hẹp là thơ không bị ràng buộc vào những quy tắc định trước nào như thơ cách luật (về số dòng, số chữ, niêm, đối, vần,..).
1.1.2. Đặc điểm của thơ tự do
1.1.2.1. Đặc điểm về mặt hình thức, cấu tạo, cách gieo vần
Về mặt hình thức, có hai loại thơ tự do: thơ tự do không chia khổ (các câu liên tiếp tạo thành bài thơ) và thơ tự do chia khổ (số câu trong bài chia thành nhiều khổ).
Về mặt cấu tạo, thơ tự do có thể dài ngắn khác nhau, không hạn chế số câu trong một bài, số tiếng trong một dòng, mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra nhiều câu ngắn, khổ thơ không hạn định về số câu.
Về cách gieo vần, thơ tự do không bị gò bó về niêm luật, hiệp vần. Lối gieo vần trong thơ tự do rất linh hoạt, không tuân theo quy tắc gieo vần của một thể thơ nào; hoặc gieo vần chân toàn bài, thậm chí không gieo vần.
Ví dụ:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa
Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân…
(Vội vàng – Xuân Diệu)
(Âm tiết hiệp vần: mất - mật - phất, đi - rì - si - mi, cửa - nửa)
Vội vàng là một bài thơ gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Xuân Diệu, đồng thời cũng là bài thơ tiêu biểu trong trường phái thơ tự do. Xét về mặt hình thức, có thể xếp bài thơ này vào hàng thơ tự do chia khổ, mỗi khổ không hạn chế về số câu, không hạn chế về số tiếng trong một dòng; 2 câu thơ đầu được chia làm 4 dòng, mỗi dòng có 4 tiếng (âm tiết). Nhưng ở khổ thứ hai số lượng câu đã tăng lên, số tiếng trong mỗi dòng cũng tăng theo (mỗi dòng có 8 tiếng). Lối gieo vần trong bài thơ cũng rất linh hoạt, không tuân theo quy tắc của một thể thơ nào cả, âm tiết hiệp vần có thể không đứng gần nhau nhưng vẫn có thể bắt vần tạo nên âm hưởng ngân vang cho toàn bài.
1.1.2.2. Đặc điểm về mặt nội dung
Về nội dung, thơ tự do xuất hiện từ nhu cầu đòi hỏi thơ ca cần bám sát cuộc sống, phản ánh những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện cách nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ. So với thể thơ cách luật, chất suy luận trong thơ tự do cũng nhiều hơn để phân tích, soi sáng những hiện tượng, sự vật. Thơ tự do thường gắn liền với những chuyển biến lớn về ý thức, về tâm lí với nhu cầu làm cho thơ đi sát cuộc sống hơn nữa.
1.2. Khái quát về nhịp điệu
1.2.1. Khái niệm nhịp điệu
Trong Dictionary of Stylistics (Từ điển phong cách học), Katie Wales đã giải thích nhịp điệu như sau: “Nhịp điệu được phái sinh từ một từ Hi Lạp cổ là rhythmos, có nghĩa là “thủy triều”, chỉ tính chất tuần hoàn, lên xuống đều đặn trong những khoảng cách đều đặn" (dẫn theo [34; tr.409])
Henri Morier cũng đã đưa nhận định tương tự về nhịp điệu khá rõ ràng trong cuốn Dictionnarie de Poetique et de Rhetorique (Từ điển thi pháp học và tu từ học) như sau: “Nhịp điệu là sự trở đi trở lại với những khoảng cách bằng nhau của một sự lặp lại bền vững. Sự lặp lại bền vững này có thể do bản chất thể hình (cử động vung tay đều đặn ở người đi bộ, hay những động tác lặp lại ở người múa, người chèo thuyền, xay lúa, giã gạo,...), hoặc là do bản chất thính giác (vần, tiếng chuông báo giờ, sự đánh nhịp của giao hưởng), hoặc do bản chất của thị giác (ánh sáng nhấp nháy của đèn pha). [35; tr.1029]
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều có chung quan niệm về nhịp điệu là sự vận động của tự nhiên hoặc xã hội theo kiểu lặp lại đều đặn, tuần hoàn theo khoảng cách hay chu kỳ nhất định và sự vận động này mang tính quy luật.
Trong cuốn sách Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam, tác giả Vũ Thị Sao Chi đã đưa ra khái niệm về nhịp điệu thơ như sau: “Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn là cách thức diễn ra lặp lại đều đặn theo chu kì của hiện tượng ngôn ngữ nào đó trong tác phẩm văn chương, gây ấn tượng về sự chuyển động nhịp nhàng, hài hòa, cân đối.” [2; tr.34].
Cũng theo tác giả Vũ Thị Sao Chi, nhịp điệu được cấu thành từ hai nhân tố nhịp và điệu.
Nhịp là những khoảng, đoạn đều đặn, nối tiếp và lặp lại nhiều lần theo chu kì nhất định của hiện tượng ngôn ngữ nào đó trong tác phẩm văn chương.
Điệu là tính chất, đường nét vận động của nhịp. Chẳng hạn tính chất nhanh – chậm, dài – ngắn, cao – thấp…của các nhịp.
Ví dụ:
Hãy nghe tiếng/ của một nghìn xác chết///
Chết thê thảm/ chết một ngày thê thiết///…
Hãy nghe tiếng/ của một nghìn cái xác//
Không chịu chết/ vạch trời kêu tội ác///…
(Thù muôn đời muôn kiếp không tan – Tố Hữu)
Nhịp 3/5 được tổ chức và sắp xếp nối tiếp, lặp lại theo chu kì nhất định, với cường độ lúc nhanh, lúc chậm, nhấn – lướt đan xen nhằm tố cáo tội ác dã man của quân thù, đồng thời cũng thể hiện tinh thần bất khuất, không cam chịu số phận nô lệ của nhân dân ta (Không chịu chết/ vạch trời kêu tội ác).
1.2.2. Phân loại nhịp điệu
Dựa trên những biểu hiện tiêu biểu nhất của nhịp điệu ngôn ngữ thơ, tác giả Vũ Thị Sao Chi đã phân loại nhịp điệu thành hai loại hình cơ bản là: nhịp điệu của âm thanh (gọi tắt là nhịp điệu âm) và nhịp điệu của ý nghĩa (gọi tắt là nhịp điệu ý).
Nhịp điệu âm là những cấu trúc âm thanh ngôn ngữ được lặp lại một cách đều đặn và được đánh dấu bằng những chố ngừng/ ngắt, gọi là phách, nhịp, bằng sự lên – xuống, trầm – bổng, mạnh – yếu, nhấn – lướt,…
Nhịp điệu ý được tạo nên bởi sự lặp lại có tính chất chu kì của các yếu tố thuộc bình diện nội dung ý nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật: hình ảnh, sự kiện, trạng thái, cảm xúc hay môtip nào đó…
1.2.3. Các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu
1.2.3.1. Ngừng/ ngắt nhịp
Có thể nói, chỗ ngừng hay ngắt của nhịp điệu là khoảng lặng của dòng âm thanh (khi ngâm thơ hay hát, những chỗ ngừng/ ngắt của nhịp điệu chính là những tiếng đệm). Chỗ ngừng/ ngắt của nhịp điệu vừa được coi là dấu hiệu kết thúc một nhịp, vừa được coi là dấu hiệu bắt đầu một nhịp mới. Nó đảm nhiệm hai chức năng đồng thời là chức năng chia tách và chức năng liên kết các nhịp. Trong thơ, tính nhịp điệu được thể hiện rất rõ nét. Những chỗ ngừng/ ngắt diễn ra ổn định, tạo nên những dải phân cắt đều đặn của âm thanh ngôn từ, đem lại sự chuyển động nhịp nhàng cho các nhịp.
Cơ sở để ngừng ngắt nhịp thường căn cứ vào tổ chức ngữ pháp – ngữ nghĩa, nói một cách cụ thể nghĩa là điểm ngừng/ ngắt nhịp trùng với ranh giới của các cấu trúc ngữ pháp – ngữ nghĩa trong ngôn bản. Đối với văn bản viết, có thể dựa vào dấu câu để ngừng/ ngắt nhịp. Ví dụ:
Con đường nho nhỏ// gió xiêu xiêu,/
Lả lả cành hoang// nắng trở chiều/
Buổi ấy/ lòng ta/ nghe ý bạn/
Lần đầu rung động// nỗi thương yêu///
(Thơ duyên – Xuân Diệu)
Đối với thể thơ truyền thống, điểm ngừng/ ngắt nhịp thường được tổ chức chặt chẽ theo mô hình thi luật. Chẳng hạn, thơ thất ngôn Đường luật ngắt nhịp chẵn lẻ (nhịp 4/3 hoặc 2/2/3), thơ lục bát ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2. Ví dụ:
Non song đã chết,// sống thêm nhục,/
Hiền thánh còn đâu,// học cũng hoài!/
Muốn vượt biển Đông// theo cánh gió,/
Muôn trùng sóng bạc// tiễn ra khơi.///
(Lưu biệt khi xuất dương - Phan Bội Châu)
Yêu nhau/ cởi áo/ trao nhau/
Về nhà/ dối mẹ/ qua cầu/ gió bay.///
(Ca dao)
Thời lượng một điểm ngừng nhịp nói chung chỉ mang tính chất tương đối. Có thể quy ước dung những kí hiệu sau đây để đánh dấu chỗ ngừng nhịp:
- Ngừng ngắn: Một vạch chéo (/)
- Ngừng vừa: Hai vạch chéo (//)
- Ngừng lâu hoặc ngừng hẳn văn bản: Ba vạch chéo (///).
Nói chung, trong thơ, thể thơ và sự phân dòng, chia khổ là những yếu tố cơ bản để đánh dấu sự ngừng nhịp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhất là thơ tự do với xu hướng bứt phá khỏi sự ràng buộc về vận luật, đem lại một sự khác lạ so với thơ truyền thống, đôi khi dòng thơ, khổ thơ không còn là dấu hiệu của sự ngắt nhịp. Điểm ngừng của nhịp không trùng với điểm kết thúc dòng thơ hay khổ thơ.
Ví dụ:
Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)
Nguyễn Duy đã mang hơi hướng hiện đại thổi vào câu thơ trên bằng lối vắt dòng “Tre xanh/ xanh tự bao giờ”. Nhịp điệu đặc biệt này đã đem lại âm hưởng mới lạ, tươi vui, hòa điệu với cả đoạn thơ và bài thơ, tạo ra một thứ nhịp điệu đặc biệt, phóng khoáng và tự do.
1.2.3.2. Trường độ
Trường độ của nhịp điệu chính là độ dài – ngắn của các nhịp. Cơ sở để xác định trường độ của nhịp điệu là số lượng âm tiết (số tiếng) của nhịp. Ví dụ:
Ao thu/ lạnh lẽo/ nước trong veo/
2 2 3
Một chiếc thuyền câu// bé tẻo teo/
4 3
(Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến)
Ở mỗi thể loại văn thơ lại có những biểu hiện riêng về chu kì của nhịp điệu. Chu kì ngắn, chu kì dài, đều đặn, duy trì ổn định từ đầu đến cuối tác phẩm, cũng có những chu kì không đều đặn, cách ngắt nhịp dài – ngắn đan xen… Chu kì ngắn thường xuất hiện trong các thể thơ truyền thống như nhịp trong thể lục bát, thể thất ngôn, ngũ ngôn… Ví dụ:
Hoành sóc/ giang sơn/ kháp kỉ thu,//
2 2 3
Tam quân/ tì hổ/ khí thôn ngưu.//
2 2 3
Nam nhi/ vị liễu/ công danh trái,//
2 2 3
Tu thính/ nhân gian/ thuyết Vũ Hầu.///
2 2 3
(Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão)
Chu kì không đều đặn, cách quãng, cách ngắt nhịp dài – ngắn đan xen xuất hiện phổ biến trong nhịp điệu của văn xuôi, trong thơ đặc biệt là trong thơ hiện đại mà điển hình nhất đó là thể thơ tự do. Ví dụ:
Trời xanh đây là của chúng ta,/
7
Núi rừng đây là của chúng ta,//
7
Những cánh đồng thơm mát,/
5
Những ngả đường bát ngát,/
5
Những dòng sông đỏ nặng phù sa.///
7
Nước chúng ta///
3
Nước những người chưa bao giờ khuất///
7
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/
7
Những buổi ngày xưa vọng nói về///…
7
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)
Nhiều bài thơ tự do có nhịp kéo dài đến 7 – 8 tiếng, rồi bất ngờ rút ngắn lại chỉ còn vài tiếng, tạo ra những biến nhịp độc đáo, đem lại giá trị biểu cảm cao. Chẳng hạn như đoạn thơ trên bộc lộ cảm xúc phấn chấn, tự hào của nhà thơ về đất nước tươi đẹp, anh hùng bất khuất. Thoạt đầu là các nhịp thơ kéo dài 5, 7 tiếng dồn dập, ngân nga như hát lên niềm vui từ con tim với những âm tiết cao, sáng như “ta, mát, ngát, sa”. Rồi bồng nhiên nhịp thơ rút lại chỉ còn 3 tiếng: Nước chúng ta, khiến cho dòng âm thanh cũng như cảm xúc khựng lại, dồn nén, trầm lắng suy tư khi tác giả nghĩ về lịch sử anh hung, bất khuất của dân tộc Việt Nam.
1.2.3.3. Cao độ
Cao độ của nhịp điệu chính là độ cao – thấp hay tính chất bổng – trầm, lên giọng – xuống giọng của nhịp điệu. Cao độ được xác định chủ yếu ở tính chất âm vực của thanh điệu, đặc tính của nguyên âm chính trong âm tiết và ngữ điệu của câu.
- Các thanh có âm vực cao: ngang, hỏi, sắc. Ví dụ:
Có công mài sắt /có ngày nên kim
(Tục ngữ)
Cao độ của nhịp được nhấn mạnh ở âm tiết có, sắt.
- Các âm thanh có âm vực thấp: huyền, ngã, nặng. Ví dụ:
Sóng gợn Tràng Giang/ buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái /nước song song
(Tràng Giang – Huy Cận)
Cao độ của nhịp rơi vào các âm tiết tràng, giang, buồn, điệp, con, thuyền, xuôi, song.
- Các nguyên âm bổng: /i/, /ie/, /e/, /ɛ/, /έ/.
Ví dụ:
Chiều chiều/ ra đứng ngõ sau/
Trông về quê mẹ/, ruột đau chín chiều//
(Ca dao)
Cao độ của nhịp rơi vào các âm tiết chiều, mẹ, chín, chiều.
- Các nguyên âm trầm: /u/, /uo/, /o/, /ɔ/, /ɔ’/.
Ví dụ:
Làm sao sống được/ mà không yêu/
Không nhớ/ không thương/ một kẻ nào//
(Bài thơ tuổi nhỏ - Xuân Diệu)
Trong câu thơ trên, những âm tiết mang nguyên âm trầm như sống, không đã tạo nên nhịp điệu trầm buồn cho âm hưởng câu thơ.
- Các nguyên âm có độ cao trung bình: /ɯ/, /ɯɤ/, /ɤ/, /a/, /ӑ/.
Ví dụ:
Gió theo lối gió/, mây đường mây/
Dòng nước buồn thiu/, hoa bắp lay/
Thuyền ai/ đậu bến/ sông trăng đó/,
Có chở trăng về /kịp tối nay?//
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)
Cao độ của nhịp điệu được xác định là những âm tiết mây, lay, ai, nay.
- Ngữ điệu đi xuống dùng trong câu trần thuật, câu cầu khiến với lời đề nghị nhẹ nhàng. Ví dụ:
Mẹ ru /ngọt giọng à ơi/
Ru anh/ em biết chọn lời nào đây/
Ru/ cùng biển rộng /sông sâu/
Con chim về tổ /con tàu về ga//…
(Ru anh thức – Đặng Nguyệt Anh)
- Ngữ điệu đi lên thường xuất hiện trong các câu hỏi, câu mệnh lệnh, cảm thán.
Ví dụ:
Trăng, trăng, trăng/! Là trăng, trăng, trăng!/
Ai/ mua trăng/ tôi bán trăng cho//…
(Trăng vàng trăng ngọc – Hàn Mạc Tử)
1.2.3.4. Tốc độ
Độ nhanh – chậm của nhịp điệu được gọi là tốc độ. Nó được xác định bởi số lượng tiếng phát ra trong một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ:
Chú bé loắt choắt/
Cái xắc xinh xinh,/
Cái chân thoăn thoắt,/
Cái đầu nghênh nghênh.//
Ca – lô đội lệch,/
Mồm huýt sáo vang,/
Như con chim chích,/
Nhảy trên đường vàng///
(Lượm - Tố Hữu)
Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu được thể hiện rất rõ nét trong đoạn thơ trên cả về cường độ và tốc độ âm thanh. Hàng loạt những từ láy, điệp ngữ: loắt choắt, xinh xinh, cái…, thoăn thoắt,… đã được nhà thơ sử dụng với tốc độ nhanh, cường độ cảm xúc gấp gáp, diễn tả một chú bé Lượm với dáng vẻ tinh nghịch, đáng yêu cùng với tâm hồn trong sáng, yêu đời, yêu cách mạng.
Sóng gợn/ tràng giang/ buồn điệp điệp,/
Con thuyền/ xuôi mái/ nước song song,/
Thuyền về/ nước lại// sầu trăm ngả/
Củi một cành khô// lạc mấy dòng.///
(Tràng Giang – Huy Cận)
Nhịp điệu của bài thơ chậm rãi, như hòa điệu với nỗi sầu nhân thế của tác giả. Đứng trước khoảng không gian mênh mông rộng lớn, nhân vật trữ tình lại càng cảm nhận rõ sự nhỏ bé của mình, số phận lênh đênh như cành “củi khô” mất hết nhựa sống chưa biết trôi dạt về phương nào.
1.2.3.5. Cường độ
Cường độ chính là độ mạnh – yếu của nhịp điệu. Nó được xác định bởi âm lượng phát ra. Ví dụ:
Canh cá tràu/ mẹ thường hay nấu khế//
Khế trong vườn/ thêm một tí rau thơm//
Ừ,/ thế đó/ mà một đời/ xa cách mẹ/
Ba mươi năm /trở lại nhà,/
Nước mắt/ xuống mâm cơm///
(Canh cá tràu – Chế Lan Viên)
Các âm tiết canh cá tràu, mẹ nấu, khế, ba mươi năm, nước mắt,… được nhấn mạnh khi phát âm chính là bày tỏ nỗi lòng cua tác giả đối với quê hương và gia đình thân yêu của mình. Canh cá tràu là một món ăn ngon và đẹp. Bởi lẽ đây là món ăn với nhiều màu sắc hòa hợp. Màu vàng của khế chín, màu xanh của rau thơm và màu trắng của khứa cá tràu hòa quyện vào nhau, khiến cho món ăn không chỉ ngon miệng và còn ngon cả mũi và mắt. Tô canh cá tràu là kết tinh công sức của mẹ. Khế trong vườn. Rau thơm cũng trong vườn. mọi thứ trong vườn đều do mẹ dày công vun trồng, chăm sóc. Nếu chàng trai trong ca dao xưa xa quê, nhớ nhà là nhớ “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” những món ăn dân dã quen thuộc của quê nhà thì món cá tràu cũng là duyên cớ gợi Chế Lan Viên nhớ về mẹ, nhớ về quê hương mình “Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm”.
1.2.3.6. Điểm nhấn
Điểm nhấn của nhịp điệu chính là âm tiết được nhấn mạnh khi phát âm (âm tiết nổi bật, âm tiết mang nhịp đập). Yếu tố tạo nên nhịp điệu trong thơ không chỉ là chỗ ngừng, chỗ ngắt mà còn là những chỗ nhấn do trọng âm quy định hay do thanh điệu, do âm sắc nổi bật của một âm tiết nào đó trong mối tương quan với những âm tiết khác. Ví dụ:
Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ…
(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)
Những âm tiết được in đậm ở trên là những âm tiết khi phát âm, độc giả bất giác phải nhấn mạnh do chính đặc trưng âm thanh và ý nghĩa của chúng. Việc nhấn mạnh này đem lại hiệu quả cao trong việc tạo nên ấn tượng về nhịp điệu của bài thơ, góp phần đưa giá trị nội dung của tác phẩm đến gần hơn nữa với bạn đọc.
Điểm nhấn của nhịp điệu cũng thường đi kèm với các hiện tượng điệp, lặp, liệt kê, những từ láy,… Ví dụ:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)
Điểm nhấn của nhịp điệu thường cũng trùng với điểm nhấn thông tin của phát ngôn. Ví dụ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương
(Ca dao)
Các âm tiết được in đậm trong câu ca dao trên đồng thời cũng là điểm nhấn thông tin, mang sức nặng tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình luôn đau đáu nhớ về quê hương, gia đình, người thân.
1.2.3.7. Đường nét
Tính chất bằng phẳng hay không bằng phẳng của nhịp điệu được gọi là đường nét. Nó được tạo bởi sự phối hợp âm điệu của các thanh và ngữ điệu lên – xuống giữa các nhịp.
Các thanh trắc có đường nét không bằng phẳng. Do đó, sự phối hợp các âm tiết mang thanh trắc thường tạo nên nhịp điệu trúc trắc, không bằng phẳng.
Ngược lại, các thanh bằng có đường nét bằng phẳng. Do đó, sự phối hợp giữa chúng thường tạo nên nhịp điệu bằng phẳng, mượt mà, êm xuôi.
Sự phối hợp ngữ điệu lên – xuống giữa các nhịp cũng tạo cho nhịp điệu đường nét bằng phẳng hay không bằng phẳng. Ví dụ”
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
(Tây tiến – Quang Dũng)
Bằng việc sử dụng một loạt những âm tiết mang thanh trắc tạo nên sự trúc trắc, sự gấp khúc trong nhịp điệu, nhà thơ Quang Dũng đã phần nào cho thấy được sự hiểm trở của con đường Tây Tiến (tiến về phía Tây) qua bao núi cao, vực sâu, dốc đứng; đồng thời cũng cho thấy được sự gian khổ, vất vả của những người lính trên chặng đường hành quân.
1.2.3.8. Hiệp vần (hòa âm)