Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn (Luận văn thạc sĩ) - Lê Thị Ngọc Hà
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
ĐẠI HỌC HUẾ
TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC
Lê Thị Ngọc
Hà
Người hướng dẫn khoa học:
TS. Mai
Thị Liên Giang
TS. Mai Thị Liên
Giang (phải) & Ths. Lê Thị Ngọc Hà
DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI
TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC
NGÀNH LÝ LUẬN VĂN HỌC
Thừa Thiên Huế, 2019
MỤC LỤC
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
4. Hướng tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu
5. Đóng góp của luận văn
6. Cấu trúc luận văn
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. KHÁI LƯỢC VỀ VĂN HỌC HẬU HIỆN ĐẠI
VÀ THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG QUÁ TRÌNH ĐỔI MỚI THƠ VIỆT NAM SAU 1986
1.1. Văn học hậu hiện đại, quá trình tiếp
nhận và quan niệm
1.1.1. Cách hiểu về văn học hậu hiện đại
1.1.2. Quá trình tiếp nhận và quan niệm về văn
học hậu hiện đại ở Việt Nam
1.2. Thơ Mai Văn Phấn trong quá trình đổi mới
thơ Việt Nam sau 1986
1.2.1. Những đổi mới của thơ Việt Nam sau
1986
1.2.2. Thơ Mai Văn Phấn – nỗ lực cách tân
theo hướng hậu hiện đại
CHƯƠNG 2. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG THƠ MAI
VĂN PHẤN NHÌN TỪ CẢM QUAN VỀ HIỆN THỰC ĐỜI SỐNG VÀ CON NGƯỜI
2.1. Cảm quan về cuộc sống trong thơ Mai Văn
Phấn
2.1.1.
Hiện thực thế giới đa chiều
2.1.2. Hiện thực thế giới phồn tạp, bất an
2.1.3. Hiện thực thế giới phồn sinh, hóa sinh
bất định
2.2. Cảm quan về con người trong thơ Mai Văn
Phấn
2.2.1. Con người cô đơn
2.2.2. Con người vô bản sắc
2.2.3. Con người khát khao
2.3. Cảm quan về xã hội trong thơ Mai Văn
Phấn
2.3.1. Xã hội hiện thực
2.3.2. Xã hội phi lí
2.3.3. Xã hội trong tưởng tượng
CHƯƠNG 3. DẤU ẤN HẬU HIỆN ĐẠI TRONG THƠ MAI
VĂN PHẤN NHÌN TỪ PHƯƠNG THỨC BIỂU HIỆN
3.1. Ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn
3.1.1. Ngôn ngữ mơ hồ hóa
3.1.2. Ngôn ngữ tạo sinh
3.2. Giọng điệu thơ Mai Văn Phấn
3.2.1. Giọng điệu giễu nhại
3.2.2. Giọng điệu vô âm sắc
3.3. Không gian – thời gian nghệ thuật thơ
Mai Văn Phấn
3.3.1. Không gian đa chiều
3.3.2. Thời gian phi tuyến tính
C. KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
A. MỞ ĐẦU
1. Lí do chọn đề tài
Hậu hiện đại
đã trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu, được bàn luận, tranh cãi rất nhiều
và có ảnh hưởng sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn học. Với văn học,
chủ nghĩa hậu hiện đại đã mở ra nhiều khả năng mới cho sáng tạo và tiếp nhận.
Văn học Việt Nam sau 1975, nhất là từ 1986 tới nay bước sang một giai đoạn phát triển
mới so với trước đó, nhưng cho đến nay, vẫn chưa có một khái niệm khả dĩ định
danh văn học giai đoạn này. Từ sau thế kỉ XX, văn học thế giới chuyển qua giai
đoạn hậu hiện đại. Văn học Việt Nam, tuy hơi muộn so với nhiều nước trên thế giới,
nhưng không thể tránh khỏi ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu hiện đại. Ở Việt Nam,
thuật ngữ “hậu hiện đại” được nhắc tới ngày càng nhiều. Chưa thể khẳng định một
cách chắc chắn rằng đã có một trào lưu văn học hậu hiện đại với đầy đủ ý nghĩa
của khái niệm này trong văn học Việt Nam nhưng nếu xét ở lĩnh vực
thơ, có thể tìm
thấy những dấu hiệu ban đầu trong sáng tác của nhiều cây bút như: Bùi Giáng, Nguyễn
Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh,…
Trong số các
cây bút đương đại gây được nhiều chú ý, Mai Văn Phấn là một trong những gương mặt
nổi bật và đã có những đóng góp đáng kể. Ngay từ các sáng tác đầu tay, tác giả đã có một cách viết
khác so với các
nhà thơ cùng thời. Mai Văn Phấn là một trong những hiện tượng văn học thu hút được sự
quan tâm của đông đảo độc giả. Theo thống kê của tác giả Mai Thị Liên Giang: “đến
nay, tháng 10. 2019, thơ ông đã được dịch ra hơn 30 ngôn ngữ và đang tiếp tục
được dịch ra các ngôn ngữ khác nữa”. Thành công mà ông đạt được là minh chứng
cho sự ảnh hưởng của xu hướng hậu hiện đại lan dần từ văn học thế giới đến văn
học nước ta. Mai Văn Phấn đã góp phần làm thay đổi bộ mặt văn học, đưa văn học
nước ta bước kịp với sự tiến bộ chung của văn học nhân loại.
Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu về văn chương
hậu hiện đại Việt Nam cũng như về nhà thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên chưa có công
trình nào nghiên cứu một cách hệ thống về dấu ấn hậu hiện đại trong thơ ông.
Chính vì vậy chúng tôi đã chọn đề tài “Dấu
ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn”.
Hy vọng kết quả nghiên cứu của đề tài góp phần khẳng định rõ hơn vị trí
của nhà thơ Mai Văn Phấn trong hành trình thơ Việt.
2. Lịch sử vấn đề
Cho đến nay, đã có nhiều công trình nghiên cứu về dấu ấn hậu hiện đại nói
chung. Tuy nhiên, những đề tài nghiên cứu về Mai Văn Phấn và đặc biệt là dấu ấn
hậu hiện đại trong thơ ông còn rất ít. Đã có những bài báo, tạp chí nhắc đến dấu
ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn nhưng chỉ nêu ra vấn đề chứ chưa phân
tích một cách hệ thống.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã mạnh dạn khẳng định rằng: “Nếu có nhà thơ nào
đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong
các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ
tình – cổ điển anh bay thẳng một mạch vào hậu hiện đại, rồi từ đó “lao” vào
vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ cách tân” [22; 420]. Bài viết của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã khẳng định
Mai Văn Phấn là một trong những gương mặt cách tân tiêu biểu của thơ Hậu hiện đại.
Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Ngọc Thiện trong bài “Xóa nhòa ranh giới giữa thơ ca và văn xuôi trong thơ văn xuôi của Mai
Văn Phấn” đã khẳng định: “Từ chữ đến
lời, ngôn ngữ thơ và tư duy thơ văn xuôi của Mai Văn Phấn nhằm thể hiện một khát
vọng quyền lực tối thượng của nhà thơ đi tìm một cấu trúc văn bản thơ mới lạ, với
cách dụng ngữ riêng, in đậm cá tính sáng tạo nghệ thuật của tác giả, tích hợp đặc
sắc, ưu thế của các thủ pháp: truyền thống, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu
hiện đại. Văn bản thơ văn xuôi Mai Văn Phấn đầy tiềm năng nghĩa ẩn chứa trong
đó, nó là một kết cấu vẫy gọi sự mở, sự khám phá của người đọc tri âm, đồng điệu,
đồng cảm”[68]. Trong nhận định của mình, Nguyễn Ngọc Thiện đã cho rằng thơ Mai
Văn Phấn bộc lộ tham vọng của nhà thơ đi tìm kiếm quyền lực tối thượng để tạo
ra một cấu trúc văn bản mới lạ, sử dụng mọi cách sáng tạo ngay từ câu từ, con
chữ. Ông sử dụng khá nhuần nhuyễn những đặc điểm nghệ thuật của thơ ca truyền
thống, tượng trưng, siêu thực, hiện đại, hậu hiện đại. Thơ văn xuôi của Mai Văn
Phấn ẩn chứa tiềm tàng những năng lực của sự gợi mở, khơi gợi sự tri âm, đồng
điệu, đồng cảm của người đọc.
PGS.TS Hồ Thế Hà, trong bài viết Thơ
tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn đã phân tích thơ của Mai Văn Phấn trên hai bình
diện: thế giới hình tượng và khả năng tạo sinh nghĩa; bản thể chữ và khả năng tạo
sinh nghĩa để làm rõ quan điểm của mình. Đồng thời ông khẳng định “Càng về sau, Mai
Văn Phấn càng ý thức thể hiện tâm thức hậu hiện đại trong sáng tạo thông qua hệ
ngôn từ và hình ảnh lạ đã làm cho thơ anh không dễ đọc, không dễ hiểu ngay tức
thì. Và đó cũng chính là điều làm nên thi pháp riêng Mai Văn Phấn [16; 389].
Đặng Văn Sinh đã nhìn thấy một Mai Văn Phấn và khúc
biến tấu “Hôm sau” với sự hòa hợp giữa nhiều phong cách: “tân cổ điển, hậu hiện
đại, thậm chí cả siêu thực không loại trừ nhau mà luôn bổ sung cho nhau, hòa
quyện vào nhau, chuyển hóa thành phẩm chất mới cả định tính lẫn định lượng”
[62]. Cũng như những nhà nghiên cứu trên, Đặng Văn Sinh đã nhìn thấy trong sáng
tác của Mai Văn Phấn phong cách hậu hiện đại. Tập thơ “Hôm sau” là minh chứng rõ nhất cho nhận định này.
Nguyễn Hoàng Đức khi đề cập đến sự thay đổi bút pháp thơ Mai Văn Phấn đã viết:
“Phải nói, anh đã thể nghiệm rất nhiều bút pháp thơ từ cổ điển đến các khuynh
hướng thơ hiện đại thế kỉ XX và thơ văn xuôi. Tất cả đều được cày xới, chiêm
nghiệm, chìm đắm đến nhuần nhị. Đọc thơ anh, có cảm giác bình thản như một nhạc
công đã tu luyện thành thạo và dễ dàng biểu diễn những khúc nhạc khó nhẹ như
lông hồng” [22; 35]. Nguyễn Hoàng Đức đã nghiên cứu sâu và chỉ rõ Mai Văn Phấn
đã thử nghiệm rất nhiều bút pháp sáng
tác và đương nhiên không thể bỏ sót khuynh hướng thơ hậu hiện đại. Không chỉ thử
nghiệm mà thơ hậu hiện đại của ông đã được cày xới, chiêm nghiệm, chìm đắm đến
nhuần nhị.
Nhà thơ Inrasara thì cho rằng: “Chuyển động mạnh nhất ở Mai Văn Phấn trong
những năm hậu đổi mới chính là ngôn ngữ. Hết còn thứ ngôn từ sang trọng và trịnh
trọng. Ngôn ngữ thơ Phấn đã thôi còn trau chuốt tỉ mẫn, ngày càng hướng đến sự tự
phát và ngẫu hứng. Từ đó, thơ anh cũng thôi đạo mạo với đóng thùng” [22; 73].
Nhà thơ Inrasara đã chỉ ra được sự cách tân thơ ca của Mai Văn Phấn những năm hậu
đổi mới và phương diện cách tân mãnh liệt nhất trong thơ ông đó chính là ngôn
ngữ, bỏ qua thứ ngôn ngữ trong văn chương cổ điển, hiện đại, tiến gần hơn đến
văn chương hậu hiện đại.
Tác giả Lê Hồ Quang, trong bài Đặc trưng thế giới nghệ thuật trong thơ Mai
Văn Phấn, nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn là một sự chuyển động liên tục với những
tìm tòi thi pháp đa dạng. Một khi quan niệm sáng tạo là nhằm hướng đến “sự khác
hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá”, tác giả không ngại
tìm kiếm và dung nạp những cách nghĩ, cách viết mới, hiện đại, tạo nên sự giãn
nở liên tục và khá rộng rãi trong biên độ sáng tạo” [59; 1]. Và “ thế giới thơ
ông dù biến đổi hết sức đa dạng song vẫn rất nhất quán ở tinh thần vận động hướng
về cái mới, không hoàn tất, khép kín mà ngược lại, sẵn sàng “mời gọi” những diễn
dịch đa chiều” [59; 3]. Tác giả Lê Hồ Quang đã chỉ rõ thơ Mai Văn Phấn là một
chuyển động không ngừng và sự vận động ấy luôn đi theo hướng đổi mới, hiện đại.
Tác giả Hoàng Thị Huế trong bài viết “Ánh
xạ
từ biểu tượng cái tôi trong thơ của một số nhà thơ Việt đương đại”
cũng đã đưa ra nhận định: “Sau đổi mới, thơ ca đương đại đã có bước ngoặt lớn
trong tư duy sáng tác, trong cái nhìn thế giới, con người, không gian, thời
gian, chi phối sự lựa chọn phương thức trữ tình mới mẻ với một giọng điệu riêng
và khác lạ, đặc biệt là sự góp mặt của các gương mặt thơ Nguyễn Quang Thiều,
Mai Văn Phấn, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… “Dắt ta về” và “ Ra đi” từ những gì
được xem là thân thuộc, đứng vững trên nền truyền thống để vươn mình xa tới hiện
đại, hậu hiện đại là một xác tín để truy nguyên những cội nguồn vô thức nhân loại,
dân tộc trong thơ ca Việt thời kỳ đổi mới” [19]. Bằng cái nhìn tinh tế, khách
quan tác giả Hoàng Thị Huế đã chỉ ra được những thay đổi theo hướng hậu hiện đại
trong thơ của các nhà thơ Việt Nam đương đại mà Mai Văn Phấn là một ví dụ điển
hình.
Và gần đây tác giả Mai Thị Liên Giang khi phân tích yếu tố cảm thức thời
gian trong thơ Mai Văn Phấn từ tinh thần của hậu hiện đại đã có những nhận định:
“Thế kỷ 20 với xu hướng phương Tây hóa toàn cầu đã ảnh hưởng đến châu Á, trong
đó có Việt Nam. Song song với văn hóa là sự phát triển của khoa học tự nhiên và
công nghệ, các mô hình xã hội dân chủ, quyền con người, những hệ hình tư tưởng
mới của châu Âu... có tác động mạnh mẽ đến các trí thức Việt Nam. Các vấn đề về
tôn giáo như Ki-tô giáo, đạo Phật... góp phần xóa nhòa ranh giới Đông Tây xét về
mặt tâm linh. Theo đó, quan niệm về thời gian sống chết của con người, của vũ
trụ trong tác phẩm nghệ thuật vì vậy cũng dần mất ranh giới. Đồng thời, quá
trình dung hợp các xu hướng nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại đến Việt Nam có
ảnh hưởng từ nội dung đến hình thức thơ Mai Văn Phấn.”
Như
vậy, nhìn chung các bài phê bình báo chí hay các công trình nghiên cứu về nhà
thơ Mai Văn Phấn cho thấy giới độc giả cũng như
giới phê bình nghiên cứu đã ghi nhận những cống hiến của ông cho thơ ca
Việt Nam đương đại. Khẳng định những thành quả nhà thơ đạt được chính là những
nỗ lực không mệt mỏi trong hành trình sáng tác của họ với mong muốn đem đến cho
diện mạo thơ dân tộc những hương vị mới. Mặc dù đã có sự quan tâm nhiều của độc
giả như vậy nhưng để khám phá hết những giá trị tiềm ẩn trong thế giới thơ của
thi sĩ này không hề đơn giản. Có thể nói, đến thời điểm này (tháng 7/2019) vấn
đề dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn vẫn chưa được nghiên cứu có hệ
thống trên toàn bộ các tập thơ của ông. Với đề tài này chúng tôi muốn giúp
người đọc tiếp cận với một kiểu văn bản thơ khá đặc biệt đáng được quan tâm
trong nền thơ ca Việt Nam đương đại. Các công trình nghiên cứu là những
gợi ý quý báu giúp chúng tôi thực hiện đề tài này.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
3.1. Đối tượng nghiên
cứu
Trong quá trình thực hiện luận văn, người viết tập
trung khảo sát những tập thơ sau của nhà thơ Mai Văn Phấn:
- Cầu nguyện ban mai
(2003 ), NXB Hội Nhà văn VN.
- Vách nước (2003), NXB Hội Nhà văn VN.
- Hôm sau (2009), NXB Hội
Nhà văn VN.
- và đột nhiên gió thổi
(2009), NXB Văn học VN.
- Bầu trời không mái che (2010), NXB Hội Nhà văn VN.
- hoa giấu mặt (2012), NXB Hội Nhà văn VN.
- Vừa sinh ra ở đó (2013), NXB Văn học VN.
- thả (2015), NXB Hội
Nhà văn VN.
- Lặng yên cho nước
chảy (2018), NXB Hội Nhà văn VN.
- Tĩnh lặng (2018), NXB Hội
Nhà văn VN.
- Thời tái chế (2018), NXB Hội
Nhà văn VN.
Ngoài ra, chúng tôi có sử
dụng một số tập thơ của các nhà thơ khác cùng thế hệ với Mai Văn Phấn để so
sánh, từ đó chỉ ra đặc trưng riêng trong thơ ông.
3.2. Phạm vi nghiên cứu
Phạm vi nghiên cứu của luận văn chính là “Dấu ấn hậu
hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn” trên hai bình diện: cảm quan hậu hiện đại về
cuộc sống, con người, xã hội và dấu ấn hậu hiện đại nhìn từ phương thức biểu hiện
4. Hướng tiếp cận và phương pháp nghiên cứu
Hướng tiếp cận:
Vận dụng lí thuyết văn học hậu hiện đại trong nghiên cứu để tìm điểm gặp gỡ của
dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai Văn Phấn.
Phương pháp nghiên cứu:
- Phương pháp phân tích, tổng hợp: Xem
xét cụ thể các vấn đề về nội dung và nghệ thuật để làm rõ dấu ấn hậu hiện đại
trong thơ Mai Văn Phấn. Đồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét
khoa học về giá trị nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn đối với thơ ca Việt Nam đương đại.
- Phương pháp so sánh, đối chiếu: So
sánh với các tác giả khác cùng thời, trước, sau và trong chính các tác phẩm của
Mai Văn Phấn để thấy được sự khác biệt của các tác phẩm viết theo lối hậu hiện
đại và đóng góp riêng của tác giả.
- Phương pháp cấu trúc, hệ thống: Đặt
tác phẩm trong hệ thống của khuynh hướng hậu hiện đại để đánh giá khái quát hiện
tượng.
- Ngoài các phương pháp chủ đạo trên,
người viết còn sử dụng một số phương pháp hỗ trợ như: phương pháp phân tích văn
học, phương pháp nghiên cứu tác giả, phương pháp nghiên cứu lịch sử…
5. Đóng góp của luận văn
- Tìm hiểu về dấu ấn hậu hiện đại
trong thơ Mai Văn Phấn góp phần làm rõ thêm đặc sắc thơ ông.
- Khẳng định những thành tựu nghệ
thuật, cách thức sáng tác, phong cách sáng tác và đóng góp quan trọng của ông
trong nền văn học Việt Nam đương đại.
6. Cấu trúc luận văn
Ngoài
phần MỞ ĐẦU, KẾT LUẬN và PHỤ LỤC, phần NỘI DUNG CHÍNH của luận văn được chia
thành ba chương:
Chương 1: Khái lược về văn học hậu hiện đại
và thơ Mai Văn Phấn trong quá trình đổi mới thơ Việt Nam sau 1986
Chương 2: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai
Văn Phấn nhìn từ cảm quan về hiện thực đời sống và con người
Chương 3: Dấu ấn hậu hiện đại trong thơ Mai
Văn Phấn nhìn từ phương thức biểu hiện
B. NỘI DUNG
CHƯƠNG 1
KHÁI LƯỢC VỀ VĂN
HỌC HẬU HIỆN ĐẠI VÀ THƠ MAI VĂN PHẤN
TRONG QUÁ TRÌNH
ĐỔI MỚI THƠ VIỆT NAM SAU 1986
1.1. Văn học hậu hiện đại, quá trình tiếp nhận và quan niệm
1.1.1 Cách hiểu về văn học hậu hiện đại
Danh từ “postmodern”(hậu
hiện đại) hay “postmodernism” (chủ nghĩa hậu hiện đại) theo Ihab Hassan được
Federico de Onis đưa vào văn bản lần đầu vào thập niên 1930 để chỉ sự ảnh hưởng
đối kháng với chủ nghĩa hiện đại. Danh từ này được sử dụng một cách phổ biến
vào thập niên 1960 tại New York. Sau này đã được xuất hiện trong cuộc tranh
luận triết học năm 1979 ở phương Tây cùng với sự ra đời cuốn La
condition postmodern (Hoàn cảnh hậu hiện đại) của
Jean-François Lyotard một triết gia Pháp. Nó đã thực sự trở thành một
làn sóng có sức cộng hưởng và lan tỏa mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Khái niệm Hậu hiện đại ra đời khi mà các chủ thuyết hiện đại đã trở nên già
cỗi, đã trở thành những đại tự sự. Lyotard xác định: “Hậu hiện đại là sự hoài
nghi đối với các siêu tự sự. Nó hiển nhiên là kết quả của sự tiến bộ của các
khoa học; nhưng sự tiến bộ này đến lượt nó lại là tiền giả định sự hoài nghi
đó. Tương ứng với sự già cỗi của cơ chế siêu tự sự trong việc hợp thức hóa là
sự khủng hoảng của nền triết học siêu hình học, cũng như sự khủng hoảng của
thiết chế đại học phụ thuộc vào nó. Chức năng tự sự mất đi các hình thức mang
chức năng: các anh hùng lớn, các hiểm họa lớn, các chuyến hải hành lớn và mục
đích lớn. Nó tan ra thành từng mảng các yếu tố ngôn ngữ mang tính tự sự, nhưng
cũng là tính sở thị, tính chỉ thị, tính miêu tả, v.v… và mỗi thứ đó mang chở
theo mình những trị số dụng hành (valences pragmatiques) sui generis (đặc thù).
Mỗi người chúng ta sống ở ngã tư đường hay nơi giao nhau của nhiều yếu tố đó.
Chúng ta không nhất thiết tạo nên những kết hợp ngôn ngữ ổn định, và những
thuộc tính của những kết hợp mà chúng ta tạo nên không nhất thiết là có thể
tương thông với nhau được ”[21; 243]. Năm 1971, Ihab Hassan coi chủ nghĩa hậu
hiện đại là một thứ chủ nghĩa hiện đại muộn, mang tính phi lý tính, phi xác
định, hỗn loạn, nhưng cũng mang tính nhập cuộc. Năm 1995, Baudrillard xem văn hoá hậu hiện đại là thế giới
của những“vật ngụy tạo”. Năm
1996, Fredric Jameson cho rằng:“sự tha
hoá của chủ thể” trong chủ nghĩa hiện đại đã được thay thế bằng “sự phân mảnh
của chủ thể” trong chủ nghĩa hậu hiện đại ở giai đoạn Chủ nghĩa Tư bản muộn.
U. Eco xem hậu hiện đại “Là một phạm trù tinh thần, hoặc tốt hơn, một Kunstwollen - một phương
thức thao tác”. Năm 2000, Derrida - “Giải
trung tâm”. W. Fokkema lại cho rằng: “Kết thúc đại tự sự”. L. P.Evstigneva
và R. Evstigneev quan niệm đặc trưng của xã hội hậu hiện đại là tính đối thoại,
còn đặc trưng của xã hội công nghiệp hiện đại là độc thoại. Lipovetsky cho rằng
hậu hiện đại là“Sự quay trở về với nguồn
gốc của con người”. Michel Foucault xem hậu hiện đại là “Khảo cổ tri thức”... Theo từ
điển thuật ngữ triết học Hành trình cùng
triết học do Ted Honderich chủ biên, hậu hiện đại là: “Thuật ngữ “sự tương
đồng gia đình” được triển khai theo đủ loại bối cảnh… dành cho những sự vật
dường như có liên quan, nếu có, bằng một sự đa dạng về phong cách thông thường
và một ước muốn mơ hồ được thực hiện với các chủ định của nền văn hoá mang tính
hiện đại cao… Chủ nghĩa hậu hiện đại cùng chia sẻ một điều gì đó với sự phê
phán các giá trị của thời đại Ánh Sáng và các viện dẫn về chân lý được lập ra
bởi các nhà tư tưởng chủ trương thuyết phục theo kiểu thành viên công xã tự
do…”[41, 822]. Chủ nghĩa hậu hiện đại là một khái niệm mở bởi việc xác định nội
hàm và thời điểm ra đời của nó thì dường như luôn phụ thuộc vào ý đồ chủ quan
của mỗi một nhà nghiên cứu. Nơi khởi xuất và phát triển mạnh của chủ nghĩa hậu
hiện đại là ở Mỹ. Nhưng lí thuyết cơ bản về chủ nghĩa hậu hiện đại thì lại được
các học giả Pháp dựng nên. Sau đó, không chỉ các nước Tây Âu sử dụng mà cả Nga,
Trung Quốc, Nhật Bản,… những trung tâm kinh tế, xã hội lớn cũng sử dụng thuật
ngữ này. Điều đó cho thấy, bất kì một quốc gia có nền kinh tế, nền khoa học kĩ
thuật phát triển nào cũng đều không xa lạ với chủ nghĩa hậu hiện đại. Trong xu
thế toàn cầu hóa hiện nay, dẫu những nước có nền kinh tế, khoa học kĩ thuật
chưa cao nhưng vẫn phải chịu sự tác động, vẫn chấp nhận sự xuất hiện và tồn tại
của nó. Thế giới hiện nay là thế giới của kỉ nguyên hậu hiện đại. Tùy vào đặc điểm
riêng của từng quốc gia mà chủ nghĩa hậu hiện đại có những sắc thái khác nhau.
Theo Phương Lựu, chủ nghĩa hậu hiện đại là “một trào lưu văn hóa kết tinh những
đặc trưng của xã hội hậu hiện đại” [25; 323]. Nhưng để biết Chủ nghĩa hậu hiện
đại ra đời từ lúc nào chúng ta cần đối sánh với chủ nghĩa hiện đại. “Thế chiến
I đã lôi cuốn hơn 30 nước vào vòng khói lửa, hàng chục triệu người tử vong. Thế
chiến II lại càng kinh hoàng, số người chết gấp nhiều lần. Người ta bất giác
kêu lên: “Thượng đế chết rồi”, biết bao lí trí, đạo đức và niềm tin kết tinh từ
hàng ngàn đời của nhân loại hầu như tiêu biến. Bản tính của nhân loại bị hoài
nghi, con người đầy lo âu trước vận mệnh và tiền đề của mình. Mặt khác, khoa
học phát triển nhanh, đời sống vật chất càng nâng cao, kéo theo đời sống tinh
thần nghèo nàn: Máy tính, người máy do con người tạo ra, trở lại khống chế con
người làm họ mất đi tính chủ thể. Con người nhiều khi phải tự hỏi: “Ta là ai?
Từ đâu đến? Rồi sẽ đi về đâu?” [25;325]. Theo Lê Huy Bắc: “Chủ nghĩa hậu hiện
đại đề xuất nhiệm vụ đi tìm bản nguyên của con người và vũ trụ, đi tìm nền tảng
của nhận thức và của cả cách thức tri nhận thế giới, qua đó hòng cắt nghĩa đâu
là tự do, hạnh phúc đích thực của con người. Mục đích tối hậu của nó một mặt
thúc đẩy tri thức nhân loại tiến thêm, dùng khoa học, kĩ thuật làm nền tảng cho
hành động, một mặt khách quan hóa cái nhìn về cuộc đời, giải phóng con người ra
khỏi những định chế đã trở nên lỗi thời, kìm hãm bước tiến của nhân loại. Vì lẽ
đó, không ít nhà nghiên cứu cho rằng chủ nghĩa hậu hiện đại ra đời vào những
giai đoạn khủng hoảng của lịch sử loài người và tất nhiên nó không phải là sản
phẩm của thế kỉ hai mươi mà là của nhiều thế kỉ trước…” [2;21]. Chủ nghĩa hậu
hiện đại cũng mang trong nó hai nhiệm vụ quen thuộc của bất kì nền triết học
nào, xóa bỏ (hoặc kế thừa) và dựng xây. Xóa bỏ những chân lí phổ quát đã lỗi
thời, không phải những chân lí mới mà là những giải pháp khoa học để tiếp cận
chân lí, chủ nghĩa hậu hiện đại rất quyết liệt trong việc phê phán những đại tự sự và bản thân nó không bao giờ
muốn biến mình thành đại tự sự. Một “mã kép” được hình thành ngay chính trong nền tảng triết học hậu hiện đại. Nhìn
tổng thể, triết học hậu hiện đại cơ bản là sự phục sinh, “làm mới” những tư
tưởng hư vô của Friedrich Nietzsche, tư tưởng biện chứng của Carl Marx, tư
tưởng phân tâm học về vô thức của Sigmund Freud, tư tưởng về bản thể của Martin
Heidegger,… nhưng các triết gia hậu hiện đại gần như hòa tan các tư tưởng đó
trong cái nhìn văn hóa – xã hội của
mình. Phản đối nguyên tắc mã hóa hiện thực theo cái nhìn của kí hiệu
học, vốn được xem là biểu hiện của cái toàn trị, khép kín, các nhà hậu hiện đại
đề xuất tư tưởng “đả mã”, có nghĩa đả phá việc mã hóa thuần túy chứ không phải là giải mã để tìm ra những nét nghĩa
được ẩn sau mã đó như cách làm thông thường bấy lâu. Chủ nghĩa hậu hiện đại xem
trọng con người cá nhân, con người bản thể. Ở phương diện này, các nhà hậu hiện
đại kế thừa tư tưởng của nhà triết học Martin Heidegger (1889 – 1976). “Họ lấy
cái “tôi” làm tâm điểm cho mọi luận giải triết học. Nhưng cái “tôi” đó không
phải là cái “tôi” nguyên vẹn, mà là một
cái “tôi” vỡ tan thành nhiều mảnh. Những mảnh này liên tục đối thoại nhau trong
đó đối thoại thường trực là giữa cái tôi giá trị và cái tôi giải giá trị của
cái tôi đó” [2; 16].
Tinh thần của chủ nghĩa
hậu hiện đại từ khi xuất hiện đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển ở
nhiều lĩnh vực văn hóa, xã hội và nghệ thuật, nhất là ở lĩnh vực sáng tác nghệ
thuật. Riêng trong sáng tác văn học, thuật ngữ “văn học hậu hiện đại” được xem
là một trào lưu xuất phát từ phương Tây từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai và
đạt đến đỉnh cao vào những năm 70, 80 của
thế kỉ XX. Khi nhắc đến văn học hậu hiện đại, ngoài ý nghĩa chỉ thời gian còn
thể hiện những quy định của các thuộc tính nghệ thuật đối với nó.
Chúng
tôi đồng ý với ý kiến đa số của các nhà nghiên cứu khi nhấn mạnh đến các đặc
tính của văn học hậu hiện đại như tính phi lý tính (hoặc phản lý tính), tính
phi xác định, phi chủ thể, tính phân mảnh và tính đại chúng. Văn học hậu hiện
đại cũng đã sử dụng hàng loạt khái niệm, thuật ngữ mới trong cách viết, tạo nên
những văn bản nghệ thuật chưa từng có trước đó cả về hình thức lẫn nội dung
như: cảm quan hậu hiện đại, giễu nhại, mã kép, phi lựa chọn, giải nhân cách
hoá, bất tín nhận thức, mặt nạ tác giả, ngoại biên, liên văn bản, siêu
truyện… và trong số đó nhiều cái được xem như thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại. Các nhà văn hậu hiện đại chủ trương
sử dụng các phương thức thể hiện khác biệt với quy chuẩn của văn học hiện đại.
Mọi yếu tố nghệ thuật của văn học hiện đại hầu hết được thể hiện một cách tập
trung, liền mạch. Ngược lại, ở văn học hậu hiện đại các yếu tố đó được thể hiện
một cách rải rác, phân tán như thể những mảnh vỡ… Nhà nghiên cứu Ihab Hassan đã
chỉ ra một số điểm khác biệt cơ bản giữa tác phẩm văn học hiện đại và hậu hiện
đại. Về hình thức, văn học hiện đại có hình thức đóng thì văn học hậu hiện đại
theo hình thức mở (còn gọi là phi hình thức). Các chi tiết, biến cố…trong tác
phẩm văn học hiện đại được sắp xếp và thiết kế một cách kĩ lưỡng bởi sự hư cấu
khéo léo và chặt chẽ (chẳng hạn nhiều tác phẩm của chủ nghĩa hiện thực và chủ
nghĩa lãng mạn thường được sắp đặt theo trật tự chặt chẽ của một vở kịch: thắt
nút, phát triển, đỉnh điểm, mở nút) thì ở văn học hậu hiện đại, chúng được sắp
xếp một cách ngẫu nhiên, gần như không theo một trật tự nào. Do cấu trúc như
thế mà một tác phẩm văn học hiện đại như là một cuộc hành trình về đích, còn
văn học hậu hiện đại là một hành trình vẫn còn dang dở. Bởi thế, đọc văn học
hiện đại, người đọc có thể dễ dàng nhận ra dấu ấn sắp đặt của nhà văn. Đến với
văn học hậu hiện đại, người đọc lại có cảm giác được tiếp xúc với một thế giới
bề bộn, ngổn ngang. Nhà văn hậu hiện đại hạn chế một cách tối đa sự bộc lộ chủ
quan của mình. Họ sẽ không bao giờ viết những dòng văn, câu thơ miêu tả mang
đậm cảm xúc chủ quan. Nghệ thuật hậu hiện đại
cũng nhấn mạnh tính tự quy chiếu của tác phẩm, tính đứt gãy và hỗn loạn của
thực tại, cũng phủ nhận ranh giới các thể loại và thế giới khách quan đơn nhất,
tuy đi xa hơn thế. Nó chống lại sự phân chia nghệ thuật cao cấp với bình dân,
đề cao tính giễu nhại, lắp ghép, hài hước, đa nghĩa của sự vật và tác phẩm. Cái
khác cơ bản của chủ nghĩa hậu hiện đại so với chủ nghĩa hiện đại là thái độ của
nó đối với thực tại. Trái với cách nhìn nhuốm màu bi thảm của chủ nghĩa hiện
đại, chủ nghĩa hậu hiện đại nhìn sự đổ vỡ, đứt đoạn và vô nghĩa của thực tại
như là một cái gì đó đương nhiên. Nói cách khác, nếu nghệ thuật hiện đại là sự
thương tiếc những ước mơ của thời Khai sáng thì trong nghệ thuật hậu hiện đại,
những ước mơ ấy đã hoàn toàn bị lãng quên, thậm chí không hề có. Khi đề
cập đến văn học hậu hiện đại, chúng ta phải kể đến những gương mặt nổi tiếng
trên thế giới đã thành công với lối viết này. Barry Lewis, trong Chủ nghĩa hậu hiện đại và văn chương đã
thống kê khá đầy đủ các tác giả nổi bật của văn học hậu hiện đại: “Văn chương hư cấu hậu hiện đại là một
hiện tượng mang tính quốc tế, với những đại diện quan trọng từ khắp nơi trên
thế giới: Gunter Grass và Peter Handke (Đức); Geogrges Perec và Monique Wittig
(Pháp); Umberto Eco và Italo Canvino (Italy); Algela Cater và Salman Rushdie
(Anh); Stanislaw Lem(Ba Lan); Milan Kundera(trước kia ở Tiệp); Mario Vargas
Llosa (Peru); Gabriel Garcia Marquez (Colombia); J. M. Coetzee (Nam Phi); Peter
Carey (Úc). Trong đó, tổng số những nhà văn Mỹ có thể được liệt vào đề mục hậu
hiện đại là một con số lớn” [2, 237].
Những tên tuổi được nêu
ở trên là minh chứng thuyết phục về sự ảnh hưởng mạnh mẽ của trào lưu văn học
hậu hiện đại trên toàn thế giới. Một trào lưu văn học mới đã thu được những
thành tựu lớn, do vậy sự ảnh hưởng của nó đến nền văn học Việt Nam là điều
không tránh khỏi. Chưa thể nói rằng trong văn học Việt Nam đã xuất hiện các
trường phái, khuynh hướng hay trào lưu hậu hiện đại như các nền văn học lớn
trên thế giới. Tuy vậy, chúng ta vẫn tìm thấy những dấu hiệu và yếu tố hậu hiện
đại trong sáng tác của một số cây bút tiêu biểu. Khi nhận xét về chủ nghĩa hậu
hiện đại trong văn học nước ta, tác giả Nguyễn Hưng Quốc (nguồn talawas.com)
khẳng định:“Chúng ta có thể xem chủ nghĩa
hậu hiện đại tại Việt Nam là một thứ chủ nghĩa hậu hiện đại nguyên hợp”,
tức là các nhà văn Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nhiều nguồn khác nhau để tạo nên
màu sắc hậu hiện đại.
Như vậy khi bàn về chủ
nghĩa hậu hiện đại và văn học hậu hiện đại ở Việt Nam, mặc dù còn có nhiều ý
kiến tranh luận, song chúng ta có thể nhận định, văn học hậu hiện đại là một
bước phát triển mới của văn học nhân loại. Những phương thức thể hiện có nhiều
sự biến đổi phù hợp với sự tiến bộ của khoa học kĩ thuật và thị hiếu thưởng
thức nghệ thuật giàu tính trí tuệ của bạn đọc đương đại. Văn học Việt Nam không
nằm ngoài vòng quỹ đạo ấy, mang ít nhiều màu sắc hậu hiện đại là một sự thú vị
và khả thể, đây cũng là một mảnh đất đang tạo ra nguồn cảm hứng lớn để nhiều
người yêu thích khám phá nó.
1.1.2. Quá trình tiếp nhận và quan niệm về văn học hậu hiện đại ở Việt Nam
Cuộc sống luôn vận động và biến đổi
không ngừng. Sau năm 1975, bước ra khỏi những năm tháng chiến tranh gian khổ,
cả dân tộc Việt Nam bước vào guồng quay mới của cuộc sống thời bình. Bước vào
cuộc sống mới, tư duy của con người cũng thay đổi. Cách sống, cách nghĩ không
còn đơn giản và bình dị như trước đây. Cuộc đời vì thế trở nên muôn màu muôn
vẻ. Từ đó đến nay, không thể phủ nhận rằng chính cơ chế kinh tế thị trường đã
góp phần quan trọng làm nên sự khởi sắc của đất nước. Thời kì mở cửa để hội
nhập và phát triển, dân tộc ta đón nhận nhiều tinh hoa văn hóa nhân loại để làm
giàu cho Tổ quốc. Chính môi trường chính trị cởi mở đã tạo điều kiện để Việt
Nam giao lưu, tiếp xúc với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nghệ thuật
hậu hiện đại thể hiện quan điểm mỹ học hậu hiện đại với những đặc điểm như vứt
bỏ tính hàn lâm của các nhà hiện đại, xóa nhòa ranh giới giữa nghệ thuật và đời
sống hằng ngày, bởi sự phát triển mạnh của tính công khai và dân chủ. Phủ nhận
tính nguyên bản của một tác phẩm nghệ thuật và muốn hướng tới tính phổ quát,
đại chúng. Phá bỏ cấu trúc, sự tiếp nhận hay mô tả hiện tượng không cần suy
diễn, không chú ý đến chiều sâu, không diễn dịch bản chất sự vật theo chủ quan
tác giả, giá trị nghệ thuật tùy thuộc vào kinh nghiệm cá nhân của người tiếp
nhận, tùy thuộc vào nền văn hóa mà họ sở thuộc… Trái ngược với chủ nghĩa hiện
đại muốn tạo lập một thế giới hoàn thiện, bất biến, thì chủ nghĩa hậu hiện đại
lại xem thực tại hỗn loạn, phi lí, giễu cợt những điều mang tính toàn trị. Họ
muốn nghệ thuật gắn liền với hoàn cảnh xã hội đặc trưng cụ thể, mang tính thời
sự. Đối thoại với hỗn loạn chính là chiến lược nghệ thuật của hậu hiện đại.
Trong lĩnh vực nghệ thuật, đi tiên phong là các nhà kiến trúc sư. Họ phê bình
lối kiến trúc đơn điệu, thô kệch của các tòa nhà mang nặng tính thực dụng mà
lại bỏ quên tính đa dạng. Do đó họ sẵn sàng cắt đứt với nghệ thuật tiền phong,
chấp nhận thử bất cứ điều gì như sự phi lí, sự hỗn loạn và sự ngớ ngẩn. Cái
phản chất lượng được lên ngôi bởi sự khác thường, sự tự do và sự phá vỡ khuôn
khổ. Sự
xuất hiện của khuynh hướng hậu hiện đại trong văn chương Việt Nam thể hiện
một quy luật bình thường trong giao lưu văn hoá nhưng lại ghi một dấu ấn quan
trọng đối với sự tiến triển của văn chương. Nó chứng tỏ tinh thần hội nhập mạnh
mẽ và thuận chiều của văn chương nước ta với tiến trình văn chương thế giới.
Khuynh hướng hậu hiện đại trên thực tế đã góp phần làm phong phú thêm diện mạo thi
pháp văn học dân tộc, thay đổi tư duy văn học, cách đọc và thị hiếu thẩm mĩ của
công chúng. Thử nghiệm theo khuynh hướng hậu hiện đại đáp ứng được đòi hỏi phát
triển của bản thân văn chương, và trước hết nó giúp cho các nghệ sĩ thoả mãn
nhu cầu với cái mới, cũng là để mở rộng chân trời sáng tạo của mình…
Riêng ở lĩnh vực thơ, những sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại du nhập vào
nước ta và thực sự nở rộ từ những năm 1980 với những tên tuổi tiêu biểu như:
Nguyễn Quang Thiều, Trương Đăng Dung, Thanh Thảo, Lê Vĩnh Tài, Lê Hữu Khóa, Mai
Văn Phấn, Inrasara,… và sau này là Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Trần Tuấn… Sự góp
mặt của đội ngũ này đã mở rộng lãnh thổ thơ ca và đưa đến những cách nhìn mới,
suy nghĩ mới, đánh giá mới trong tiến trình phát triển.
Trước thực tế cuộc sống
mới đầy những đổi thay, văn học tất yếu phải đổi mới để hoàn thành sứ mạng của
mình, đồng thời để đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu của một thế hệ độc giả có tư
duy hoàn toàn khác so với trước đây. Nhưng điều đầu tiên là trước những ngổn
ngang, phức tạp của đời sống hiện đại, chắc chắn tâm hồn của mỗi nhà thơ, nhà
văn không khỏi chất chứa những “sóng ngầm”, “bão xoáy”, để rồi họ đưa tất cả
vào thơ ca làm nên một thời kì văn chương không yên tĩnh. Văn chương hậu hiện
đại đã góp phần không nhỏ làm phong phú thêm cách tiếp nhận cuộc sống từ nhiều
chiều. Các nhà văn, nhà thơ tỏ ra năng động, ráo riết và táo bạo trên hành
trình tìm kiếm bản sắc, lối đi trong công cuộc sáng tạo của mình. Do đó, sự
khai sinh của thời đại cộng với khát vọng thay đổi cuộc sống, thay đổi cách tư
duy, cách nghĩ theo tinh thần dân chủ trong sáng tác đã trở thành động lực thúc
đẩy các hoạt động sáng tạo. Đây cũng chính là tiêu đề cho sự đổi mới văn
chương.
Trong quá trình vận động
và phát triển, văn chương Việt Nam đương đại, đặc biệt là các tác phẩm viết
theo tâm thức hậu hiện đại đã dung nạp vào trong nó những kĩ thuật mới. Ở đó,
các yếu tố hậu hiện đại đã được các nhà văn, nhà thơ lựa chọn, tiếp biến ở
nhiều cách thức và mức độ khác như kĩ thuật lạ hóa, bút pháp giễu nhại, nghịch
dị, trò chơi ngôn ngữ, nhằm thể hiện tính chất phức tạp quay cuồng của trật tự
đời sống, qua đó thể hiện sự bế tắc của con người, sự băng hoại đạo đức, sự đau
đáu bơ vơ và bất an của phận người trước thời cuộc.
Chủ nghĩa hậu hiện đại
trong văn chương Việt Nam bắt đầu từ bao giờ? Ai là người tiên phong? Câu hỏi
này cho đến nay vẫn thật khó để tìm được câu trả lời. Tùy thuộc vào quan niệm
của từng nhà nghiên cứu sẽ có những lựa chọn khác nhau. Theo quan điểm của Lê
Huy Bắc: “Tôi thấy Nguyễn Khải là người tiên phong trong lĩnh vực đổi mới văn
xuôi từ hiện đại sang hậu hiện đại. Dễ nhận thấy điều này qua việc ông chuyển
đổi từ cảm hứng sử thi sang cảm hứng đời thường. Song hành với quá trình đó là
việc chuyển đổi vai trung tâm: từ người lính với cảm hứng ngợi ca lãng mạn cách
mạng (Xung đột, 1959 – 1962; Mùa lạc, 1960) sang người thường dân bé
nhỏ với cảm hứng châm biếm mỉa mai, hoài niệm (Gặp gỡ cuối năm, Một người Hà Nội,...). Quá trình chuyển đổi đó
được thể hiện ngay từ chính nhan đề truyện. Năm 2003, Nguyễn Khải đã tiếp cận
hơn chân lí hậu hiện đại qua Thượng đế
thì cười (2003). Tác phẩm tuy về hình thức là tập hồi kí về cuộc đời v