image advertisement
image advertisement





























 

Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn (Luận văn thạc sĩ) - Đoàn Thị Linh Giang

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC KHOA HỌC

 

 

 

 

 

Đoàn Thị Linh Giang

Người hướng dẫn khoa học: TS. Mai Thị Liên Giang

 

    

 

Học viên cao học Đoàn Thị Linh Giang & TS. Mai Thị Liên Giang (phải)

 

 

 

DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN

 

 

 

LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

 

Huế, 2023

 

 

 

MỤC  LỤC

 

A. MỞ ĐẦU     

 

1. Lí do chọn đề tài

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu      

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu      

4. Lí thuyết tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu          

5. Đóng góp của luận văn 

6. Cấu trúc của luận văn   

 

NỘI DUNG

 

Chương I. DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO 

 

1.1.Khái lược về chủ nghĩa hiện sinh     

1.1.1. Những dấu ấn ban đầu và nội dung của triết lý hiện sinh  

1.1.2. Khái lược về dấu ấn hiện sinh trong văn học Việt Nam      

1.2.1. Sáng tạo là phủ định bản ngã, là quá trình "vong thân"  

1.2.2. Ý thức từ bỏ thế giới quen thuộc để vươn tới một thế giới khác         

 

Chương 2. DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ CÁI TÔI TRỮ TÌNH        

 

2.1. Cái tôi trữ tình “hòa tan” và cái tôi trữ tình “độc sáng” 

2.2. Cái tôi “hoài nghi” các giá trị và “dự cảm” về tương lai      

2.3. Cái tôi hành hương trong thế giới tâm linh

 

Chương 3. DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT        

 

3.1. Ngôn ngữ tạo sinh

3.2. Đặc trưng đa giọng điệu

3.3. Không - thời gian phi tuyến tính

 

KẾT LUẬN   

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

 

 

MỞ ĐẦU

 

1. Lí do chọn đề tài

 

Từng gây náo động “lục địa già” châu Âu, chủ nghĩa hiện sinh đã bắt rễ, vươn xa, vươn rộng tới phương Đông để khẳng định vị thế của mình trong mọi lĩnh vực, đặc biệt phải kể đến văn học. Không nằm ngoài dự đoán, khi chủ nghĩa hiện sinh du nhập vào Việt Nam đã mang đến một sức hút khó cưỡng đối với những người sáng tác văn học, kể cả người tiếp nhận. Trong số đó có một số tác giả văn xuôi nổi bật như: Hồ Anh Thái, Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Nguyễn Ngọc Tư… Tư tưởng về nhân vị, tự do, về cuộc sống bất an, sự âu lo của một kiếp người, sự hoài nghi về các giá trị hiện thực, nỗi ám ảnh về sự đổ vỡ đã hiện diện trong những sáng tác nghệ thuật cùng những đau khổ, sự giằng xé trong tâm hồn, sự lo âu trong cuộc kiếm tìm và lựa chọn tự do của con người.

 

Cái tên Mai Văn Phấn không còn xa lạ đối với bạn đọc của văn học Việt Nam hiện đại. Với hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, sự nỗ lực vượt thoát chính mình, Mai Văn Phấn đã tạo nên một phong cách thơ vừariêng biệt” vừa độc đáo. Với tư cách là một nhà thơ, Mai Văn Phấn được coi là một hiện tượng “lạ”. Thế giới thơ Mai Văn Phấn là cuộc hành trình khám phá không mệt mỏi của người nghệ sĩ chân chính. Là nhà thơ có tầm tư tưởng lớn, Mai Văn Phấn đã tiếp thu trực tiếp các tư tưởng triết lý có nguồn gốc từ các nền văn hoá lớn. Bằng trải nghiệm của riêng mình, nhà thơ đã quan niệm nhất quán: “Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân là nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại” [38, 378]. Mai Văn Phấn luôn mang đến cho con người một thế giới thơ đa màu, đa vị, mang tư tưởng hiện đại dung hợp nhiều nguồn văn học, triết học khác nhau. Mang bên mình bao trăn trở về thân phận dâu bể của con người, nỗi hoài nghi về cuộc sống, những trầm luân biến đổi, một cõi trùng sinh di động luân hồi. Ở đó, dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh đã in đậm trong đời sống cũng như hành trình thơ của ông. Nó làm nên một bản mệnh thơ rất riêng mang tên Mai Văn Phấn. Chọn đề tài “Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn”, chúng tôi muốn tìm ra những góc khuất, cảm quan riêng của nhà thơ khi khám phá thế giới, xã hội và con người; thấy được tầm tư tưởng và tính nhân văn trong thơ ông. Từ đó có cái nhìn khám phá ở chiều sâu “bề rộng, bề xa” dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn, đồng thời góp phần minh chứng cho những đóng góp của ông đối với thơ ca nói riêng và tiến trình vận động văn học Việt Nam nói chung.

 

2. Lịch sử vấn đề nghiên cứu

 

Có thể thấy văn học hậu hiện đại ảnh hưởng nhiều bởi dấu ấn của chủ nghĩa hiện sinh. Cái tôi trữ tình của mỗi tác giả với dấu ấn chủ nghĩa hiện sinh "không trộn lẫn", ở đó là thế giới của tâm linh, cõi lặng, cuộc sống thế tục, ... Bàn về thơ Mai văn Phấn đã có một số ý kiến đặt ra vấn đề liên quan đến thơ ông như là một tác giả tiêu biểu của thơ hậu hiện đại Việt Nam.

 

 *Những ý kiến liên quan gián tiếp đến đề tài

 

 Đánh giá về những cách tân, đổi mới thi pháp, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trong bài viết Mai Văn Phấn trong “vòng xoáy” của thơ Hậu - hiện - đại đã nhấn mạnh: “Nếu có một nhà thơ nào đó đang luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ - tình - cổ - điển, anh “bay” thẳng một mạch vào hậu - hiện - đại rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ - cách - tân” [25, 420]. Theo ông, mỗi bài thơ đều là một thể nghiệm mới, một phát hiện mới mang lại những bất ngờ từ mỗi câu thơ mà ta không thể đoán định nhà thơ sẽ viết tiếp những gì ở câu thơ kế tiếp. Tác giả Lê Hồ Quang trong bài Đặc trưng thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, nhận định: “Thơ Mai Văn Phấn là một sự chuyển động liên tục với những tìm tòi thi pháp đa dạng. Một khi quan niệm sáng tạo là nhằm hướng đến “sự khác hẳn, biệt lập (đôi khi đối lập) với cái đã được định giá”, tác giả không ngại tìm kiếm và dung nạp những cách nghĩ, cách viết mới, hiện đại, tạo nên sự giãn nở liên tục và khá rộng rãi trong biên độ sáng tạo” [71, 1]. Và “ thế giới thơ ông dù biến đổi hết sức đa dạng song vẫn rất nhất quán ở tinh thần vận động hướng về cái mới, không hoàn tất, khép kín mà ngược lại, sẵn sàng “mời gọi” những diễn dịch đa chiều” [75, 3]. Tác giả Lê Hồ Quang đã chỉ rõ “thơ Mai Văn Phấn là một chuyển động không ngừng và sự vận động ấy luôn đi theo hướng đổi mới, hiện đại” [71].

 

 Bên cạnh đó trong bài Mai Văn Phấn - Những chặng đường sáng tạo thơ, PGS.TS. Đào Duy Hiệp đi đến một kết luận: “Mai Văn Phấn đã cắm một cột mốc thơ đáng ghi nhận trên hành trình chinh phục ngôi đền thơ hiện đại. Đến nay đã ngót ba mươi năm. Chặng đường thơ sắp tới của anh còn dài và xa trước mặt. Mà cột mốc hôm nay đã đánh dấu một trưởng thành” [44, 75]. Còn Trần Thiện Khanh lại đặc biệt đề cao vị trí tiên phong trong tinh thần cách tân thơ của Mai Văn Phấn: “Có thể nói, Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi sự thể nghiệm chuyển đổi” [44, 501]. Đặng Thân trong bài Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ đã kết luận: “Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức. Ngôn từ mà Mai Văn Phấn đã ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt, vào văn học sử như một dòng thơ cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ…” [75]. Cao Năm trong bài Nhà thơ Mai Văn Phấn - hiện thân của sự sáng tạo lại khẳng định: “Khép lại vài ý kiến tản mạn của mình, tôi chỉ muốn nói rằng, 20 năm đọc thơ, dõi theo con đường thơ Mai Văn Phấn, điều tôi nhận ra ở nhà thơ đầy năng động này là một bản lĩnh sáng tạo luôn kiên định con đường mình đi, dù biết trước là đầy chông gai, đau đớn và cả tai tiếng, nhưng đấy đích thực là con đường của riêng mình, khoảng trời của riêng mình, để từ đấy có thể góp được cái gì đó vào bầu trời cao xanh vời vợi của muôn loài…” [61]. Nguyễn Quang Hà trong luận văn Một số cách tân nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn đã khẳng định: “Với những tìm tòi và cách tân về cấu trúc thơ, hình ảnh, biểu tượng, ngôn ngữ thơ, tạo cho mình một giọng điệu thơ riêng, Mai Văn Phấn đã cho thấy một diện mạo thơ mới có thể chuyển tải được những bộn bề, phức tạp của cuộc sống và tâm trạng với nhiều cung bậc tình cảm của cái tôi luôn mang nặng ý thức trách nhiệm với con người và cuộc sống, phù hợp với xu hướng phát triển chung của xã hội. Con đường cách tân thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn đã bước đầu được đón nhận và đã tạo ra được những ảnh hưởng nhất định tới hành trình cách tân thơ Việt hôm nay và sau này…” [15].

 

 * Những ý kiến liên quan trực tiếp đến đề tài

 

 Thế giới nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn là một thế giới khó nắm bắt. Nhà nghiên cứu Văn Giá trong bài viết Thơ sinh ra để nói về niềm hi vọng của con người đã khẳng định: “Trong tính toàn thể nhất quán, thơ Mai Văn Phấn đã cất lên niềm hi vọng mãnh liệt và cảm động của con người, hy vọng làm nên sự sống, thăng hoa sự sống. Tắt hy vọng nghĩa là sự sống cũng lụi tàn. Và hy vọng cũng chính là sự sống. Biểu hiện thì đa dạng nhưng đích đến quy chụm. Mai Văn Phấn đã thi triển tư tưởng này một cách nhất quán, nồng nhiệt, càng về sau càng sáng tỏ… Toàn bộ thơ Mai Văn Phấn đã dựng nên một thế giới phồn sinh và hóa sinh bất định… Với người nghệ sĩ này, một xác tín hiệu hiện lên thật nhất quán: còn sự sống là còn phồn sinh và hóa sinh bất định, là còn khiến con người ta có quyền hy vọng vào những gì đẹp đẽ và nhân bản nhất. Thơ Mai Văn Phấn hát ca niềm hy vọng không bao giờ ngơi nghỉ nơi con người” [18, 529].

 

PGS.TS Hồ Thế Hà, trong bài viết Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn đã phân tích thơ của Mai Văn Phấn trên hai bình diện: thế giới hình tượng và khả năng tạo sinh nghĩa; bản thể chữ và khả năng tạo sinh nghĩa để làm rõ quan điểm của mình. Ông nhấn mạnh: “Mai Văn Phấn là một hiện tượng riêng của nền thơ đương đại Việt Nam - mà là một hiện tượng riêng, liên tục lấp lánh và mới lạ. Ý thức đổi mới thi ca luôn thường trực trong từng cảm giác bé nhỏ của chính người thơ mà anh tự gọi là “vong thân”  tức phủ định bản ngã thi sĩ trước đó của mình để được tồn tại trong một trạng thái tình cảm luôn luôn mới và trong một trạng thái ngôn ngữ luôn luôn khác - nghĩa là luôn luôn tạo sinh nghĩa - đã làm cho thế giới thơ Mai Văn Phấn không ngừng vận động…” [55]. Bên cạnh đó, nhà thơ Nguyễn Hoàng Đức đã từng nhận định: “Tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn không đơn giản là chiếc giường hoan lạc. Mà đó là một quá trình như nụ ra hoa, rồi hoa ra quả. Những nụ hôn có thể hiện lên như khao khát của hiện tại, những khao khát đó bắt nguồn từ hang thẳm cô đơn, đòi sống, đòi yêu và đòi gieo hạt. Rồi cuối cùng đòi được giang tay đón hài nhi chào đời từ giữa cơn đau tràn đầy hạnh phúc. Một cơn đau vĩ đại như sự trở dạ của Càn - Khôn muốn làm nên một cuộc sinh thành khai thiên lập địa” [25, 360]. Hay TS Mai Thị Liên Giang khi phân tích yếu tố cảm thức thời gian trong thơ Mai Văn Phấn đã nhận định: “Sự chuyển hóa này khiến con người thoát ly sinh tử, không sợ hãi trước chân trời của cái chết mà tìm cách sống có nghĩa như là một phương pháp kéo dài thời gian sống; xem cái chết cũng như là một nghệ thuật sống khác. Thời gian của sáng tạo nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn vì thế trở thành thời gian vĩnh hằng của tự do vô giới hạn, do tâm thức đạt đạo vận hành trong ý thức, không ai kiểm soát được” [9]. Mặc dù bài viết không trực tiếp nghiên cứu về hiện sinh, nhưng những ý kiến về quan niệm thời gian, sống chết, con người, của vũ trụ, về vòng cung thời gian, tĩnh lặng trong bài viết có liên quan mật thiết đến biểu hiện của dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn như: phương pháp kéo dài thời gian sống, thời gian vĩnh hằng của tự do vô giới hạn, xem cái chết cũng như một cách sống khác.

 

Như vậy đã có rất nhiều công trình, bài viết bàn về thơ Mai Văn Phấn từ nhiều góc nhìn khác nhau, song chưa có công trình nào trực tiếp đi sâu nghiên cứu một cách đầy đủ, khoa học, hệ thống về thơ Mai Văn Phấn dưới góc nhìn hiện sinh. Chỉ có một số bài viết trên báo, tạp chí, các buổi hội thảo đề cập tới một vài khía cạnh của vấn đề này trong một vài bài thơ hay tập thơ riêng lẻ. Trên cơ sở tiếp thu và ghi nhận những ý kiến của các nhà nghiên cứu đi trước, luận văn tiếp tục nghiên cứu một cách hệ thống chuyên sâu về dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn. Từ đó nhận diện phong cách thơ Mai Văn Phấn, đánh giá những nỗ lực cách tân thơ và vị trí của ông trong nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

3.1. Đối tượng nghiên cứu

 

Trong quá trình thực hiện luận văn, chúng tôi tập trung khảo sát những tập thơ sau của nhà thơ Mai Văn Phấn:

 

- Giọt nắng (1992), NXB  Hội Văn nghệ Hải Phòng

Cầu nguyện ban mai  (2003 ), NXB Hội Nhà văn VN

Hôm sau (2009), NXB Hội Nhà văn VN

và đột nhiên gió thổi  (2009), NXB Văn học VN

Bầu trời không mái che (2010), NXB Hội Nhà văn VN

hoa giấu mặt (2012), NXB Hội Nhà văn VN

Vừa sinh ra ở đó (2013), NXB Văn học VN

thả (2015), NXB Hội Nhà văn VN

- Thời tái chế (2018), NXB Hội Nhà văn VN

(Tác giả Mai Văn Phấn không viết hoa tiêu đề 3 tập thơ: và đột nhiên gió thổi, hoa giấu mặt, thả).

 

Ngoài ra, chúng tôi có sử dụng một số tập thơ của các nhà thơ khác cùng thế hệ với Mai Văn Phấn để so sánh, từ đó chỉ ra đặc trưng riêng trong thơ ông.

 

3.2. Phạm vi nghiên cứu

 

 Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn trên một số phương diện của cái tôi trữ tình và những phương thức biểu hiện.

 

4. Lí thuyết tiếp cận và Phương pháp nghiên cứu

 

Hướng tiếp cận: Vận dụng, đối chiếu lí thuyết văn học hiện sinh để từ đó chúng tôi sử dụng cộng hưởng các phương pháp sau:

 

4.1. Phương pháp thống kê, phân loại

 

Phương pháp này chúng tôi sử dụng để thống kê tần suất xuất hiện về hình ảnh, biểu tượng, ngôn ngữ… từ đó để phân loại và đánh giá sự ảnh hưởng của triết hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn.

 

4.2. Phương pháp phân tích, tổng hợp

 

Xem xét cụ thể các vấn đề về nội dung và nghệ thuật để làm rõ dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn PhấnĐồng thời đưa ra những đánh giá, nhận xét khoa học về giá trị nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn đối với thơ ca Việt Nam hiện đại.

 

4.3. Phương pháp so sánh, đối chiếu

 

 So sánh với các tác giả khác cùng thời, trước, sau và trong chính các tác phẩm của Mai Văn Phấn để thấy được sự khác biệt của các tác phẩm viết theo lối hiện sinh và đóng góp riêng của tác giả.

 

4.4. Phương pháp cấu trúc, hệ thống

 

Đặt tác phẩm trong tính chỉnh thể toàn vẹn hệ thống của khuynh hướng hậu hiện đại để đánh giá khái quát hiện tượng.

 

 Ngoài các phương pháp chủ đạo trên, người viết còn sử dụng một số phương pháp hỗ trợ như: phương pháp phân tích văn học, phương pháp nghiên cứu tác giả, phương pháp nghiên cứu lịch sử…

 

5. Đóng góp của luận văn

 

Luận văn hoàn thành sẽ mang lại những đóng góp nhất định như:

 

Đánh giá chính xác, khách quan về ảnh hưởng của chủ nghĩa hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn nói riêng và văn học Việt Nam nói chung.

 

Khẳng định giá trị nhân văn của thơ Mai Văn Phấn và những đóng góp của nhà thơ trong hành trình làm mới thi pháp thơ Việt.

 

Gợi mở hướng vận dụng lý thuyết chủ nghĩa hiện sinh trong quá trình hướng dẫn đọc hiểu một số tác phẩm văn học trong chương trình Trung học cơ sở.

 

6. Cấu trúc của luận văn

 

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, Nội dung luận văn được triển khai gồm 3 chương:

 

Chương 1. Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ hành trình sáng tạo

 

Chương 2. Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ cái tôi trữ tình

 

Chương 3. Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ phương diện nghệ thuật

 

 

 

 NỘI DUNG

 

 Chương 1. DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ HÀNH TRÌNH SÁNG TẠO

 

 1.1. Khái lược về chủ nghĩa hiện sinh

 

 1.1.1. Những dấu ấn ban đầu và nội dung của triết lý hiện sinh

 

 “Chủ nghĩa hiện sinh” (Existentialism hay còn gọi là Thuyết Sinh tồn, Thuyết hiện sinh, Triết hiện sinh, phong trào hiện sinh). Đó là một trào lưu triết học phi duy lý phát triển với nhịp điệu chóng mặt ở châu Âu từ sau thế chiến thứ II. Khoảng hai mươi năm sau 1945 là thời kỳ hoàng kim của triết thuyết này. Chủ nghĩa hiện sinh cắm rễ và lan tỏa đến mọi ngõ ngách của đời sống, thấm sâu vào những lĩnh vực khó biểu hiện nhất như âm nhạc. “Hiện sinh trở thành tôn chỉ cho phong cách sống của những người dám là chính mình và sống cho chính mình” [4, 69]. Có thể thấy triết học này gắn liền với những mâu thuẫn xã hội và khủng hoảng chế độ tư bản chủ nghĩa với sự tha hóa nghiêm trọng của nó, là triết học phản ứng lại triết học truyền thống từ Platon, Aristote, Descartes, Kant và Hegel, vốn là triết học phóng thể bỏ quên con người. Thân phận con người từ lâu đã là vấn đề nằm trong thao thức con người thời cổ đại, tiêu biểu là khi con người có sự phân chia giai cấp. Khuynh hướng triết học hiện sinh tập hợp bởi nhiều nhà tư tưởng. Mỗi triết gia hiện sinh lý giải tư tưởng của mình theo một cách riêng. Có bao nhiêu nhà hiện sinh thì có bấy nhiêu quan điểm hiện sinh. Song người ta tạm chấp nhận có hai phái hiện sinh cơ bản: Phái hữu thần và vô thần. Phái hữu thần gồm hai nhà văn tiêu biểu: Gabriel Marcel và Jacques Maritain). Phái vô thần: Jean-Paul Sartre, Albert Camus, Simone de Beauvoir… Dù theo vô thần hay hữu thần, chủ nghĩa hiện sinh luôn nhấn mạnh rằng: Đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời. Nó “phá vỡ tính logic của sự kiện thời gian - con người hoàn toàn mù lẫn trong thời gian, hoàn toàn mất phương hướng, lạc loài, vô vọng cả không gian và thời gian, trật tự tuyến tính của tất cả các sự kiện không chỉ bị đảo lộn mà còn hoàn toàn bị phá vỡ” [39]; Qua các tác phẩm văn học cho thấy, mỗi nhà văn có thể ít nhiều bị ảnh hưởng và có cách biểu hiện riêng về chủ nghĩa hiện sinh cùng những thuyết giải về nó.

 

 Là một trong những trào lưu chủ yếu của triết học phương Tây hiện đại, chủ nghĩa hiện sinh phần nào đi ra từ khói lửa của hai cuộc chiến tranh thế giới, từ sự bất lực về khoa học và cả sự bế tắc về tư tưởng của phương Tây thế kỷ XIX. Những âm sắc đầu tiên của trào lưu hiện sinh dường như đã khởi đi từ những kinh nghiệm sống mãnh liệt của châu Âu cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đó là những tháng năm hoàng kim của một châu Âu phát triển không ngừng về mọi mặt nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn vô vàn bất an và hiểm họa. Với ngọn lửa của cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ ngay chính giữa lòng nước Đức, cường quốc số một tại châu Âu về kinh tế và kỹ thuật, gây ra những chấn thương tinh thần sâu sắc không thể cứu vãn: “Hòa ước Versailles là một tờ giấy vô nghĩa kết thúc bốn năm máu chảy thịt rơi của hàng triệu con người hi sinh cho tử thần và không cho một chính nghĩa nào cả. Nhưng điều làm cho chiến sĩ đau lòng hơn cả là trong hoàn cảnh chiến tranh như Đệ nhất thế chiến, con người cơ hồ thấy mình biến thành con số vô danh hay những tấm thẻ vô hồn trong guồng máy chiến tranh. Thú tính hoặc cơ tính đã thay thế cho nhân tính” [51]. Có lẽ dân tộc Đức đã đi qua cuộc chiến tranh với những vết thương trên cơ thể và cả trong tâm hồn, đã tìm đến chủ nghĩa hiện sinh như tìm đến một thần dược để thích ứng với những bi kịch tinh thần mà họ đang gánh chịu. Cứ như thế, chủ nghĩa hiện sinh đã hình thành chính thức ở Đức sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, làn sóng mới của chủ nghĩa hiện sinh lần nữa được thổi bùng lên ở Pháp khi hoàn cảnh cũ lại tái hiện. Con người tiếp tục phải vừa vá víu những vết thương tâm hồn, vừa phải cố gắng phản kháng mãnh liệt để bảo tồn những giá trị con người. Chưa bao giờ như bấy giờ con người đứng trước nỗi âu lo choán ngợp tâm hồn khi phải chứng kiến sự đổ vỡ không thể cứu vãn của hàng loạt giá trị hiện có. Quá khứ hoàn toàn bị xóa sạch, thay vào đó hiện thực là nỗi đau, còn tương lai thì hoàn toàn trống rỗng. Giờ đây con người cảm thấy kinh hoàng, tuyệt vọng và đau đớn bởi trước mắt mình cả một vùng trời châu Âu đã trở nên điêu tàn, vỡ nát. Những cảm giác đó trở thành một thứ tâm lý dây chuyền nhanh chóng bao phủ toàn bộ đời sống châu Âu đầu thế kỷ XX. Cái nghịch lý lớn nhất ở đây là những thành tựu khoa học kỹ thuật tiên tiến, nó tượng trưng cho khát vọng văn minh, tiến bộ và nhân bản được đem ra sử dụng để tàn sát và hủy diệt. Trong thảm họa và nghịch lý ấy, cái không thể đong đếm được là nỗi thống khổ và sự băng hoại đến tận cùng của tâm lý con người, kẻ sáng tạo và cũng chính là tội đồ của lịch sử. Họ là những con người đã đi từ hoang mang, suy sụp lòng tin đến chán nản, buồn nôn, phi lý... Vậy nên, chủ nghĩa hiện sinh thực sự là triết học của sự khủng hoảng, nảy sinh trong thời kỳ của những chấn động và tai biến xã hội - những cuộc khủng hoảng diễn ra không phải chỉ trên lĩnh vực kinh tế, chính trị mà trên cả lĩnh vực tinh thần. Tuy nhiên, hoàn cảnh tàn khốc, bi ai của chiến tranh dẫu sao vẫn chỉ là những tác nhân bên ngoài, còn nguồn gốc sâu xa có ảnh hưởng gần như quyết định đối với sự ra đời của chủ nghĩa hiện sinh chính là những dư chấn tinh thần mà chủ nghĩa duy lý đã tạo ra trong lòng xã hội phương Tây hiện đại.

 

 Với cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật được đánh dấu bằng thuyết tương đối của Einstein, bộ mặt cũ kỹ suốt hàng mấy thế kỷ qua của phương Tây đã hoàn toàn thay đổi. Khoa học được kì vọng sẽ là đấng sáng thế mới trong việc tái tạo một tân thế giới tiến bộ và huy hoàng. Thế nhưng lịch sử với những cuộc đụng độ không khoan nhượng, những tranh chấp nóng, lạnh giữa các quốc gia hoặc tầng lớp xã hội, cộng với những suy đồi về đạo đức, tinh thần khác đã chứng minh điều ngược lại. Nền văn minh vật chất do con người tạo ra giờ đây đã phản bội con người và lý trí khoa học không toàn năng như người ta hằng tưởng. Xã hội tư bản hiện đại, hiện thân sinh động nhất của chủ nghĩa duy lý giờ đây đã lộ nguyên hình là một xã hội bất công và bóc lột. Chính trong hoàn cảnh đó, con người tìm đến phi duy lý như tìm đến một đối trọng của tinh thần duy lý thực nghiệm (phi duy lý ở đây được hiểu là tìm đến những điều mà khoa học còn “để trong bóng tối”, gạt bỏ lý trí, lấy trực giác, tâm linh làm điểm tựa cho sự sáng tạo). Hơn nữa chủ nghĩa hiện sinh - với tư cách là một khuynh hướng phi duy lý tiêu biểu - là sự phản ứng của con người trước hoàn cảnh tàn khốc, bi ai của cuộc chiến tranh; là sự cứu rỗi về tâm linh đối với thân phận con người bị bỏ quên trong một xã hội đầy duy lý; là sự phản ứng lại tính tuyệt đối của khoa học kỹ thuật. Chính vì lẽ đó, J. P. Sartre đã quả quyết: “Hiện sinh là một chủ nghĩa nhân bản (Existentialism is Humanism)”. Học thuyết này đã nhanh chóng trở thành dòng tư tưởng năng động nhất trong việc biểu hiện đời sống tinh thần của người phương Tây khi bội thực về công nghệ, đồng thời nhanh chóng lan tỏa trên khắp thế giới với một nhịp điệu chóng mặt. Tiếp sau đó, chủ nghĩa hiện sinh di chuyển sang Pháp và trở thành một thứ triết lý thời thượng gắn liền với tâm trạng bi quan, chán chường của xã hội Pháp trong thế chiến thứ II. Đến những năm 60 của thế kỉ XX, chủ nghĩa hiện sinh được thay thế bởi hai trường phái triết học mới là Chủ nghĩa cấu trúc và Chủ nghĩa hậu cấu trúc. Ngoài các nước Đức, Pháp, chủ nghĩa hiện sinh cũng được lan truyền sang các nước châu Âu và Mỹ.

 

 Về nội hàm chủ nghĩa hiện sinh, có thể khẳng định: “Sở dĩ được gọi là chủ nghĩa hiện sinh là vì chủ nghĩa này nhấn mạnh rằng đời sống nhân loại chỉ có thể hiểu được thông qua sự hiện sinh của cá nhân, tức là thông qua kinh nghiệm riêng biệt của anh ta về cuộc đời… nhấn mạnh đến chủ thể tính, tức nhân vị, hơn là đến khách thể tính, tức sự vật. Nhìn bên ngoài, con người chỉ là một sinh linh như mọi sinh linh khác; nhưng nhìn từ bên trong, anh ta là cả một vũ trụ, là trung tâm của cái vô cùng. Các nhà hiện sinh đề cao quan điểm chủ thể tính, và tất cả những đặc tính còn lại của chủ nghĩa hiện sinh đều phát triển từ quan điểm này.” [60] Có thể khẳng định rằng, triết học hiện sinh là triết học của sự bừng tỉnh. Nó đánh thức con người tự biết mình đang tồn tại ngẫu nhiên như thế nào? Cần phải vượt thoát ra sao để vươn lên như một nhân vị độc đáo. Vậy nên, con người đã trở thành đối tượng trung tâm của triết học hiện sinh. Chủ nghĩa hiện sinh gắn liền với đời sống tinh thần thiết thực của con người, quan tâm đến mọi vấn đề liên quan đến thân phận con người từ việc nhận thức về số phận bi đát của con người đến những lo âu, chọn lựa và hành động để hoạt tồn. Đây cũng là mối quan tâm chủ đạo của văn học. Triết học hiện sinh đã đi sâu vào đời sống tinh thần của nhân loại chính bằng văn học, đồng thời đem lại cho văn học sức sống bền bỉ từ những tư tưởng nhân sinh, nhân bản, tạo ra một trào lưu văn học lớn - văn học hiện sinh. Khi triết học Kinh viện định nghĩa: Triết học là khoa học về vạn vật, lấy những nguyên nhân tối cao để lý giải nó, nghĩa là con người không có chỗ đứng riêng, vũ trụ to quá, át tất cả và con người bị bỏ quên, thì Emmanuel Mounier đã nêu cao lập trường chủ nghĩa hiện sinh như sau: “Bất cứ khuynh hướng nào trong triết học hiện sinh đều là triết học về con người, trước khi là triết học về vũ trụ”. Nếu triết học cổ điển coi trọng tìm hiểu về tự nhiên, về vũ trụ, còn con người không được quan tâm, thì triết học hiện sinh tuyên bố con người là trung tâm, quan tâm đến con người, lấy thân phận con người làm cứu cánh. Nhưng không phải con người phổ quát, cũng không phải con người cá nhân như trong triết học truyền thống mà là con người lấy hiện sinh, mặt cơ bản của hiện hữu là một kinh nghiệm làm thành nhân vị của mình. Khi lý giải nguyên nhân dẫn đến triết học hiện sinh hấp dẫn và được đón chào nồng nhiệt ngay từ giây phút đầu tiên, đặc biệt là lớp thanh niên đầy ưu tư về thân phận của mình, Trần Thái Đỉnh cho rằng: “Bên cạnh lý do triết học hiện sinh không dùng lối danh từ chuyên môn trừu tượng, nhưng dùng lối văn bình dị của mọi người thì triết học hiện sinh không nói đến những nguyên nhân xa xôi, nhưng nói đến con người sinh hoạt trong xã hội loài người. Nghĩa là những gì thuộc về con người đều không xa lạ với các nhà hiện sinh”.

 

 Hiện sinh là triết học về thân phận con người. Các nhà hiện sinh đề cao nhân vị. Hiện sinh chỉ xuất hiện khi con người ý thức được bản thể, ý thức được mình là một chủ thể. Nếu triết học cổ điển khuyến khích con người ta nên quên mình để mải miết tìm hiểu những điều bí ẩn huyền diệu của tạo hóa thì triết học hiện sinh từ bỏ con đường cũ của triết học cổ truyền, chú trọng đến thân phận con người, tìm hiểu ý nghĩa của cuộc sống và cái chết. Hiện sinh là triết học chủ yếu đã đưa con người trở lại với con người. Đề tài duy nhất của triết học hiện sinh là con người tại thế, con người với những điều kiện sinh hoạt tự nhiên và định mệnh độc đáo của con người. Tinh thần nhân bản của học thuyết hiện sinh biểu hiện tập trung ở cách nêu và trả lời câu hỏi về bản thể: “Con người, bạn là ai? Con người sống thế nào? Con người đi về đâu? Con người sẽ như thế nào? Vì sao qua quá trình vất vả để sống thì kết cục là cái chết đợi ta ở cuối con đường? ... Các nhà hiện sinh khẳng định: “Con người là một thực thể hiện sinh, nó tự biết mình là ai, đang ở đâu, cần và sẽ làm gì”. Triết học hiện sinh là triết học dạy chúng ta suy nghĩ về thân phận làm người. Văn phong biểu đạt của triết học hiện sinh là văn trần thuật, tả chân, gần với ngôn ngữ sinh hoạt, giao tiếp trong đời sống hàng ngày. Bằng cách ấy, nó cho ta thấy vẻ buồn nôn của con người tầm thường, nhằm thức tỉnh con người trỗi dậy, bỏ cách sống của sự vật để khai mạc một đời sống nhân vị, nhân vị cao cả của con người tự do. Vì thế, nó đã khơi hứng cho nhiều thanh niên biết suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời, đừng “sống thừa”, sống không lí tưởng, sống tầm thường... Người ta thường phê phán chủ nghĩa hiện sinh là thứ triết học “mời gọi con người cứ ở lì trong lo âu, vô vọng vì mọi lối thoát trên đời đều bế tắc” và coi nó là một thứ triết học đầy lo âu và tuyệt vọng, vô bổ, chỉ biết nhấn mạnh đến tình trạng ô nhục của con người. Có người coi thuyết hiện sinh là cái chỉ dẫn đến một thứ triết học mang tính tư sản. Những người công giáo thì chỉ trích triết học hiện sinh đã “bỏ quên mất nụ cười trẻ thơ”... Nhưng, theo Jean-Paul Sartre (1905 - 1980), “Thuyết hiện sinh là một thuyết nhân bản (Humanisme)” [60, 23]. Trong quan niệm của ông, nhân bản này không phải lý thuyết đề cao lòng thương người, mà là một học thuyết về con người - một triết học về sự tồn tại của thực thể người trong thế giới. Ông khẳng định: “Thuyết hiện sinh là một học thuyết làm cho đời sống con người trở nên khả hữu” [60, 24]. Nhắc đến con người, triết học hiện sinh quan tâm đến chủ thể tính và tự do tính. Hiện sinh chỉ có ở nơi con người chứ không có ở bất cứ nơi nào. Hiện sinh nên đi trước bản chất, hiện sinh trở thành bản chất nhưng đó là bản chất cụ thể. Hiện sinh là cuộc sống nội tâm, cuộc sống của tâm linh mang tính thứ nhất, tính ưu tiên. Con người cảm nghĩ bằng thân xác. Chính những sống động sâu sắc trong tâm thức làm cho con người khác nhau, độc đáo trở thành một nhân vị: con người nhận thức về mình, tự tạo nên mình, làm cho mình trở thành mình. Đó là tính chủ thể của con người. Tính chủ thể biểu hiện tự do của con người. Tự do không có bản chất nào cả. Con người tự phát hiện về mình, về tự do của mình như một ngọn nguồn mang ý nghĩa của mọi giá trị và chính con người không quyết định được. Không có bản chất nhưng tự do lại là nền tảng của mọi bản chất mà hiện sinh đi tới, tự do là vô bằng, nó là nguyên nhân của nó. Triết học hiện sinh cho rằng bản tính chỉ là điểm ban đầu. Tự do vươn lên khỏi bản tính để con người trở thành hiện sinh trung thực. Tự do lựa chọn của con người là khôn cùng. Con người dù sống trong hoàn cảnh bị ngoại giới trói buộc vẫn có tự do ở chỗ đảm nhận nó. Vì hữu thể là phi lý thế nên nó đáng buồn nôn. Đây là trầm tư của con người trước cái phi lý của thế giới, của hữu thể. Nhưng buồn nôn đó lại là động lực để phát hiện cái cơ bản của hiện hữu - hiện sinh của con người, nó mang đầy màu sắc giúp ta không chấp nhận được cái thế giới đứng im, trống rỗng, trừu tượng. Một khi con người không buồn nôn với cái phi lý của cuộc đời thì con người sẽ bị tha hóa, đã đánh mất mình, đã trở thành người khác, ăn bám vào người khác. Tha hóa cho nên cũng cô đơn, một mình đi tìm tự do mà không bao giờ vươn tới khái niệm tự do tuyệt đối cho nên cuộc đời đau khổ, đó là một thảm kịch không thể nào tránh được, vậy nên con người cũng phải “đảm nhận” cô đơn để có thể chấp nhận trong thất bại. Sự cô đơn đi liền với cái chết, bởi cái thế giới mà con người bị ném vào đó sẽ kết thúc bằng cái chết. Con người là “hữu thể - cho cái chết” (Heidegger). Cái chết gắn với chân vị. Nếu cái sống của riêng tôi thì cái chết cũng mang tính độc đáo của riêng tôi. Cái chết chấm dứt quá trình hư vô hóa liên miên hữu thể. “Tôi chỉ hiện sinh khi tôi không còn hiện sinh nữa” (Sartre). Cái chết cũng là nguồn gốc của lo âu. Lo âu có nguồn gốc ở tự do. Lo âu là tâm tính đầy đam mê mở ra sự sáng tạo. Người ta khước từ tự do thì chẳng còn gì lo âu bởi vì họ chỉ lấy những giá trị phổ biến và đã trở thành chuẩn mực phổ biến cho cuộc sống. Biết rằng lo âu vì tự do, nhưng tự do là vô bằng, là không nhất thiết cho nên con người luôn luôn bên bờ vự thẳm của sự liều, sự rủi ro. Phải mạo hiểm xông pha với những bước nhảy nguy hiểm để vượt qua cái logic, cái trật tự đã được sắp đặt sẵn. Bản chất của lo âu là xao xuyến. Giải tỏa xao xuyến là sự thăng hoa là vượt thoát. Thế nhưng, sống là phải vươn lên, vươn lên mãi, bởi dừng lại là tự đặt mình vào cảnh chết của tinh thần. Mặt khác, cuộc đời là một cuộc chơi, một thử thách, đòi hỏi ta phải sáng suốt để tự quyết định cuộc đời chính mình. Trong tất thảy những hành động đó, ta không thể dựa vào người bên cạnh, lấy họ làm gương mẫu bởi vì ta là một nhân vị độc đáo. Vì thế con người cảm thấy cô đơn, nỗi cô đơn bản thể, tự gánh vác định mệnh của mình mà không ai thay thế, không ai sống thay và chết thay ta được. Và khi ta đã ý thức sâu sắc như thế, ta mới bước vào giai đoạn sống như một nhân vị tự do và tự đảm đương số phận của mình.

 

 Mỗi triết gia hiện sinh lựa chọn cho mình các phạm trù khác nhau. Tuy nhiên, có một số đặc tính được tất cả các triết gia hiện sinh đề cập, đó cũng là những trạng thái nhân bản của con người trong sinh hoạt như: Buồn nôn, phóng thể, tha hóa, cô đơn, lo âu, xao xuyến, tự quyết,... Các nhà hiện sinh sử dụng các phạm trù cơ bản đó để miêu tả tâm thức, cuộc sống nội tâm của con người. Chủ nghĩa hiện sinh gọi đó là hữu thể học (bản thể học) tức nghiên cứu, xem xét về hữu thể của con người. Cũng chính vì thế, nó là một triết học rất nhân bản.

 

1.1.2. Khái lược về dấu ấn hiện sinh trong văn học Việt Nam

 

 Từ phương Tây xa xôi, tư tưởng hiện sinh đã vươn những nhánh mạnh mẽ về phương Đông, tìm được tiếng đồng vọng của mình ở nhiều quốc gia châu Á, trong đó đáng chú ý là Việt Nam. Những hằng số chung của thân phận con người trong từng hoàn cảnh riêng biệt là lý do khiến cho Đông và Tây tuy khác nhau về văn hóa vẫn có thể “chạm” đến những điểm tương đồng ở bề sâu. Cứ như vậy, chủ nghĩa hiện sinh chính thức xuất hiện ở miền Nam Việt Nam vào những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Trần Thái Đỉnh trong lời tựa cuốn Triết học hiện sinh có viết: “Triết học hiện sinh đã ghi dấu ấn đậm trong lịch sử triết học. Nói gì thì nói, nó là thứ triết học nổi tiếng bậc nhất của thế kỉ XX (…). Triết học hiện sinh đã xuất hiện rầm rộ, gần như một tiếng sấm vang động cả đất trời, lay động cả xã hội Tây phương một cách mạnh mẽ như chưa từng thấy trong lịch sử” [7, 7]. Con người đã tìm đến với chủ nghĩa hiện sinh như những tín đồ đến với đức tin của mình. Văn học hiện sinh dần được định hình, tập trung vào những phạm trù cơ bản của triết học hiện sinh như vong thân, tha hóa, buồn nôn, phi lý, dấn thân, nổi loạn, cô đơn, hư vô... Tuy nhiên, tinh thần hiện sinh có lúc đã bị hiểu chệch đi hoặc bị phóng đại quá mức. Nói một cách hình tượng, “chiếc áo khoác hiện sinh” trở thành vỏ bọc xem như là an toàn cho sự giải phóng con người ở nhiều mặt, cho lối sống nhiều khi suy đồi, trụy lạc, thiếu trách nhiệm. Điều này lý giải vì sao các nhà phê bình vừa khen ngợi nhưng cũng lại vừa chỉ trích những tác phẩm mang hơi hướng hiện sinh, thậm chí quy kết đó là một khuynh hướng văn học tiêu cực. Sau 1975, mạch ngầm hiện sinh lại bùng lên mạnh mẽ. Khoảng thời gian hơn 30 năm đủ để xóa nhòa, thay thế và sinh tạo nhiều giá trị, nhiều chuẩn mực mới. Người ta hẳn nhiên đã có một cái nhìn khách quan hơn về hiện sinh và văn học hiện sinh.

 

 Trong công trình Đến hiện đại từ truyền thống của giáo sư Trần Đình Hượu khi nói về tinh thần của người Việt Nam trong giao lưu văn hóa: “Đối với cái dị kỉ, cái mới, không dễ hòa hợp nhưng cũng không cự tuyệt đến cùng, chấp nhận cái gì vừa phải, hợp với mình nhưng cũng chần chừ dè dặt, giữ mình” [24, 195]. Vì thế việc tiếp nhận chủ nghĩa hiện sinh cũng như thế. Với công trình Cảm thức hiện sinh trong sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp [19], Lê Thị Hiền khảo sát các kiểu con người mang cảm thức hiện sinh trong truyện ngắn của nhà văn này: Con người tự do, con người cô đơn và con người thực dụng, nhu nhược. Tác giả chỉ ra những tiền đề lịch sử, xã hội cũng như những điều kiện tâm lí khiến cho tâm thức hiện sinh trỗi dậy qua những dạng thức khác nhau. Đó có thể là quá trình trải nghiệm dấn thân, là quyết tâm chống trả đến tận cùng cái phi lí, là sự cô đơn của từng cá thể người khi lối sống thực dụng đang như một cơn gió lốc tràn vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Triết học hiện sinh đã được tiếp cận từ nhiều góc nhìn khác nhau, với những điểm nhấn khác nhau ở từng tác giả và trong từng công trình. Bàn về khái niệm hiện sinh, Trần Thiện Đạo trong công trình Từ chủ nghĩa hiện sinh tới thuyết cấu trúc đã viết: “Chủ nghĩa hiện sinh trình bày sự hiện sinh (l’existence) như một hiện tượng đối lập với bản chất (l’essence) và hết sức mù mờ, thay đổi không ngừng; sự hiện sinh do ngẫu sinh (contingence) mà ra, nghĩa là có đó vậy thôi, có đó một cách vô cớ, không bao hàm một ý nghĩa tiên nghiệm nào và không được biện minh bởi một bản chất có sẵn nào” [6, 30]. Khái quát hơn, Nguyễn Thị Bình trong bài “Một vài nhận xét về quan niệm hiện thực trong văn xuôi nước ta từ sau 1975” khẳng định: “Với những đặc điểm của tư tưởng hiện sinh từ Nguyễn Huy Thiệp trở đi, hiện thực về con người mới thật sự trở nên phong phú nhiều chiều. Bên cạnh mẫu người tạo ra từ cảm quan về tính hợp lý tất yếu của đời sống, còn có mẫu người như sản phẩm của một trạng thái hoài nghi, bên cạnh “con người ý thức” còn có “con người vô thức”, bên cạnh “con người tự nhiên” có “con người tâm linh”, có người “lớn hơn thân phận mình” lại có người “bé nhỏ hơn tính người của mình” [1, 22]. Với bài viết mang tính tổng kết Con người hiện sinh trong tiểu thuyết Việt Nam mười năm đầu thế kỷ XXI, tác giả Thái Phan Vàng Anh quan tâm đến con người hiện sinh ở bốn biểu hiện cơ bản: nổi loạn và hành trình kiếm tìm tự do, nỗi cô đơn bản thể, kiểu nhân vật chấn thương - cái chết tượng trưng, hiện sinh tính dục. Những sắc thái hiện sinh, đặc biệt là nỗi cô đơn, sự phản kháng, dự cảm về cái chết, về sự hủy diệt cũng được Bùi Bích Hạnh vận dụng trong quá trình phục dựng khuôn mặt cái tôi trữ tình trong thơ Việt Nam giai đoạn 1965 - 1975 qua công trình Thơ trẻ Việt Nam 1965 - 1975 khuôn mặt cái tôi trữ tình. Tác giả nhận định: “Chủ nghĩa hiện sinh xâm lấn vào đời sống đô thị miền Nam những thập niên 50 - 60 tạo nên trào lưu sáng tác lây nhiễm tinh thần hiện sinh, đặc biệt là những cây bút bất an trước một thực tại hoài nghi, đổ vỡ. Như một lối rẽ ngược dòng so với tiếng nói trữ tình của cái tôi công dân đau đáu với vận mệnh quê hương, cái tôi trong những bút thơ đầy suy tư hiện sinh dường như luôn giằng xé trong những nhu cầu tự do/ tự do tuyệt đối; luôn đắm chìm trong cảm giác cô độc và muốn khẳng định tôi không còn cô độc; là cái tôi dự phóng để chứng thực sự hiện tồn của hữu thể với tha nhân/ thời tính” [17, 175]. Trong phân mục Cái tôi trữ tình mang tâm thức hiện sinh, Bùi Bích Hạnh viết nhiều về nỗi cô đơn, mặc cảm bị ruồng bỏ, tâm trạng âu lo cũng như những ám ảnh của con người trong và sau chiến tranh. Theo người viết, những sắc thái này “là điểm nhấn, là sự hoàn thiện khuôn mặt cái tôi trữ tình trong thơ trẻ 1965 - 1975” [17, 175]. Có thể thấy đây là một nhận định khá khách quan và đánh giá đúng về vị trí của dòng suy tư hiện sinh trong văn học Việt Nam giai đoạn này.

 

 Cho đến nay, công trình Triết học hiện sinh của tác giả Trần Thái Đỉnh ra mắt độc giả vào những năm 60 của thế kỷ trước vẫn được xem là một công trình chuẩn mực, đầy đủ và gần như bao quát nhất về triết học hiện sinh. Công trình này cung cấp cho người đọc góc nhìn toàn cảnh về bản chất, sự thành hình và những chặng đường của triết học hiện sinh qua 7 triết gia hiện sinh lớn là S. Kierkegaard, F. Nietzsche, Husserl, K. Jaspers, G. Marcel, J. P. Sartre và M. Heidegger. Bên cạnh đó, công trình Mấy trào lưu triết học phương Tây, Phạm Minh Lăng có ý thức đặt chủ nghĩa hiện sinh trong tương quan so sánh với chủ nghĩa duy linh - nhân vị và chủ nghĩa thực dụng để đi đến khẳng định sự ra đời của triết học hiện sinh hiện đại chính là một bước hoàn chỉnh những quan điểm hiện sinh đã có trong lịch sử. Tác giả cho rằng, mặc dù triết lý hiện sinh đến với miền Nam Việt Nam khá muộn nhưng không khí hiện sinh có lúc còn nồng nhiệt hơn nhiều nước phương Tây. Nếu xét đến thực tế xã hội miền Nam lúc bấy giờ, ý kiến trên của Phạm Minh Lăng là hoàn toàn có cơ sở. Xã hội miền Nam những năm 50, 60 của thế kỉ trước tồn tại nhiều bất ổn, đầy khủng hoảng và mâu thuẫn. Đó chính là nguyên nhân để cho cả một thế hệ trẻ miền Nam lúc bấy giờ mê mải lao vào những triết lý của chủ nghĩa hiện sinh, tự nhận mình là những chủ thể hiện sinh đích thực ngay cả khi nhiều người trong số họ vẫn đang mù mờ chưa hiểu rõ hiện sinh đích thực là gì. Trong công trình Phê phán văn học hiện sinh, tác giả Đỗ Đức Hiểu từ cái nhìn khắt khe và giới hạn của thời điểm chưa đổi mới văn học đã bàn sâu về cội nguồn của thứ cảm giác cô độc, bất an mà ông xem là mã tâm lý bản chất của triết thuyết này: “Triết học hiện sinh đã phát triển một cách mạnh mẽ trên điêu tàn của một Châu Âu bị tàn phá một cách khủng khiếp trong Đại chiến thứ hai, trong xã hội mà một nền văn minh vừa bị chủ nghĩa phát xít chôn vùi. Cuộc sống, loài người, lí tưởng khoa học. những cái ấy không còn ý nghĩa, trở thành con số không. Người ta ngạc nhiên và hoài nghi tất cả, xung quanh là đổ vỡ, bên trong là cô độc, người ta bi quan và khiếp sợ. Một triết học đầy lo âu và tuyệt vọng được khai thác và phát triển, một thứ văn học của sự hoang vu và tan rã ra đời một cách rầm rộ, đã đáp ứng, khuếch trương và khuyến khích những tâm trạng cô đơn, bị giày vò ấy” [20, 11]. Nhà nghiên cứu cho rằng: “Quẩn quanh với một thế giới đóng kín, văn học hiện sinh chủ nghĩa chỉ sản sinh ra được hình tượng những con người khắc khoải, dở sống dở chết, những con người bừng bừng thức dậy với những cơn mê sảng dữ dội, những kí ức huyễn hoặc, những ám ảnh khủng khiếp, những hình bóng mơ hồ mà nó gọi là “thế giới thứ hai”, “xao xuyến náo động làm chấn động con người và vũ trụ” [20, 14]. Ông chỉ trích khá gay gắt: “Sự thật, triết học hiện sinh và văn học hiện sinh chủ nghĩa coi rẻ và giày đạp con người, ở đấy con người không phải là một chủ thể tích cực, tác động đến thế giới và cấu tạo thế giới mà là một hữu thể tiêu cực “sợ hãi và run rẩy”, cô đơn và bất lực, phiêu lưu và vô vọng, hữu hạn và phi lý” [20, 13]. Thậm chí, ông khẳng định “vấn đề cần kết luận ở đây là phải khẳng định tính chất phản động của bộ phận văn học tự nhận là hiện sinh này...” [20, 258].

 

 Hẳn nhiên, triết học hiện sinh là thứ triết học bắt nguồn từ những tình huống tâm lí của con người cô độc, bơ vơ vì bị bỏ rơi. Là triết học của những mảnh vỡ cá nhân không có cơ hội gắn kết, tái tạo. Nhưng không phải vì thế mà triết hiện sinh chỉ mang một sắc màu lo âu, tuyệt vọng hay bi quan, chán nản. Theo quan điểm của chúng tôi, từ góc độ những tài liệu đã bao quát được, chủ nghĩa hiện sinh và những phạm trù bản chất của nó phần nhiều được nhìn nhận từ góc nhìn mang màu sắc chính trị nên đôi lúc thiếu khách quan. Mặt khác, đôi khi người ta cũng vô tình làm  công việc dựa vào hiện tượng để quy kết bản chất, trong khi không phải hiện tượng nào cũng phản ánh đúng bản chất, thậm chí một số hiện tượng còn có thể xuyên tạc, bóp méo bản chất. Triết học hiện sinh với tất cả những vấn đề thuộc về nó hẳn vẫn sẽ là chủ đề cho những cuộc tranh luận bất tận, vì lẽ tư tưởng hiện sinh thực chất đã được ươm mầm từ những quan điểm nhân sinh từng được tích trữ lâu dài và bền bỉ qua thời gian, để rồi sẽ lại tiếp tục âm thầm chảy mãi đến tương lai, đến chừng nào mà con người còn chưa tìm được sự cân bằng cho chính mình. Hiện sinh tất nhiên không phải là tôn giáo nhưng nó lại mang trong mình sức mạnh cải hóa, lôi cuốn, khích lệ con người, nó đầy những nghịch lý và người ta vì đi theo nó mà cùng một lúc vừa buồn, vui, ngạo nghễ lại vừa bối rối, lo sợ và đớn đau. Nên chẳng thể trách một ai đó khi họ cho rằng có bao nhiêu nhà hiện sinh thì có bấy nhiêu quan điểm hiện sinh, tựa như khi người ta quan sát vật thể qua lăng kính vạn hoa nhiều màu sắc. Quá khứ là lịch sử và lịch sử không trở lại nhưng cũng không phải là cái phôi phai mà là một phần của hiện tại, thậm chí có thể soi sáng cho hiện tại nhờ những giá trị được rút ra từ chính kho dữ liệu đã qua. Điều này cũng có nghĩa là dẫu trong quá khứ, tư tưởng hiện sinh từng bị phê phán, thì từ những thăng trầm của dòng tư tưởng này, chúng ta vẫn hoàn toàn có thể lọc ra những giá trị tối ưu để tiếp cận mạch nguồn hiện sinh trong bối cảnh mới. Có thể khẳng định một điều rằng, chủ nghĩa hiện sinh ngày càng đi vào những góc khuất với những bản thể trừu tượng mang tính triết lý. Nhà văn Mai Văn Phấn cũng không ngoại lệ, ở ông cũng mang đậm dấu ấn hiện sinh.

 

 1.2.  Dấu ấn hiện sinh trong thơ Mai Văn Phấn nhìn từ hành trình sáng tạo

 

 1.2.1.Sáng tạo là phủ định bản ngã, là quá trình "vong thân"

 

 Mai Văn Phấn là nhà thơ có vị trí vững vàng trên thi đàn thơ Việt Nam hiện đại. Ông luôn luôn có xu hướng đổi mới trong hành trình sáng tạo. Có thể thấy ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn độc đáo và vô cùng mới lạ. Ông đã dành 16 năm cho việc tự đào tạo và bổ khuyết những gì mình cần, 16 năm ẩn mình tích lũy và thu nạp để chuẩn bị cho hành trình “vượt thoát”. 16 năm im lặng, con bướm ngài thu trong kén để tự lớn và rồi đến một ngày nó tung cánh đến trời xanh trong sự ngỡ ngàng. Có thể thấy “Mai Văn Phấn bắt đầu làm thơ ở cái tuổi mà sự chín chắn trong kinh nghiệm sống đã cho phép lí trí của anh tìm ra một lối đi, một cách nhìn cuộc sống đủ lớn để xác định cho mình một thế giới nghệ thuật riêng biệt” [10, 103]. Mỗi đứa con tinh thần của ông ra đời đều là một sự khẳng định mạnh mẽ những quan niệm nghệ thuật, thể hiện sự cách tân táo bạo trong những bước tiến của thi ca. Những quan niệm về nghệ thuật được Mai Văn Phấn thể hiện trực tiếp qua các bài tiểu luận văn học, trả lời phỏng vấn hoặc qua các sáng tác thơ. Nhà phê bình Trần Thiện Khanh đã viết: “Về phương diện lí thuyết, có bao nhiêu người sáng tạo thì có bấy nhiêu quan niệm về thi ca. Suy cho cùng, mọi quan niệm đều minh chứng cho các cấp độ tư duy, các trình độ nhận thức khác nhau của người cầm bút về văn học” [32, 507]. Chính vì lẽ đó nên có bao nhiêu nhà thơ là có bấy nhiêu con đường sáng tạo đến với thi ca.

 

 Khi bàn luận về một bài thơ hay, Mai Văn Phấn cho rằng: “Thơ hay thường bất ngờ, chăm chú đi tìm không dễ thấy. Cái đọng lại trước hết khi đọc một bài thơ là cốt cách thi sĩ. Theo tôi, việc luyện cốt quan trọng hơn luyện chữ. Ở những nhà thơ lớn, cốt cách hiện lên rõ ngay ở những vấn đề tưởng như không đáng nói, như không có gì để nói. Những nhà thơ lớn ấy, tuy sống và viết ở những thời gian, không gian hay chính thể khác biệt nhưng họ vẫn gặp nhau trong cách lý giải những vấn đề lớn, khá đồng nhất và cụ thể” [38, 440]. Mỗi bài thơ hay đều có khả năng khiến cho người đọc thông tuệ và cao thượng hơn. Chức năng của văn học nói chung và thơ ca nói riêng là hướng con người đến cái đẹp. Ngoài mục đích tuyên truyền, mô phỏng hay diễn tả hiện thực cuộc sống, thơ còn tìm cách đặt tên lại sự vật và định hình lại thế giới. “Văn chương là hành trình đơn độc đi tìm cái đẹp. Tác phẩm văn học trước hết quay lại hoàn thiện nhân cách, quan niệm thẩm mỹ và định hướng cho chính nhà văn ấy” [38, 448]. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng nhận xét: “Thơ ca, đối với Mai Văn Phấn, là cách thức huyền diệu nhất để đặt đời sống lên con đường vĩnh cửu của nó, (…) là sự xác lập anh với thiên nhiên, với xã hội, với những giấc mơ huyền diệu và đỉnh cao của nó là xác lập con người trần tục của nhà thơ với con người sáng tạo ra anh ta” [3, 15]. Vậy nên, thơ ca luôn hướng con người đến với cái đẹp, nó mang trong mình sứ mệnh cao cả là cứu rỗi con người và thế giới. Đối với nhà thơ, thơ ca càng sáng tạo, càng biến ảo bao nhiêu lại càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu. “Hiện thực trong thơ được hiện hữu trên một mặt phẳng cong. Không gian ấy giúp người viết đồng hành được với quá khứ, hiện tại và tương lai đa chiều và đa tầng. Nhà thơ khi viết, không nên bận tâm viết cho ai mà chỉ nghe trái tim mình run rẩy với cảm xúc chân thành theo một quan niệm riêng” [38, 339]. Sáng tạo thơ ca là quá trình vượt thoát khỏi cá tính, hay nhà thơ thường gọi là những cuộc “vong thân”. Đó là một cuộc vượt thoát chính bản thân mình, tự phủ định những cái đã làm, phải coi cái mình đã viết là cái đã cũ thì mới mong đạt đến đỉnh cao trong nghệ thuật. “Thật kinh hãi khi phải ngắm nhìn một người nghệ sĩ cứ đứng mãi một chỗ mà biểu diễn quá nhiều lần một tiết mục gần như vô cảm, nói cách khác là thương hại những ai thâm canh triền miên trên một mảnh đất đã cỗi cằn” [38, 339]. Mai Văn Phấn cho rằng nhà thơ phải khác với một người nghệ nhân hay thợ thủ công, muốn tiếp tục tồn tại trên địa hạt của thi ca thì phải luôn tái sinh trong những bài thơ mới. Từ đó, nhà thơ kêu gọi khả năng đồng sáng tạo của độc giả. Mỗi người đọc đến với thơ đều tự xây dựng cho mình một thế giới nghệ thuật riêng, mang tính cá nhân độc đáo. Bài thơ được hoàn thành đồng nghĩa với việc nó cần phải thuộc về số đông độc giả tiếp nhận, “với bài thơ này, nhà thơ đã hoàn thành sứ mệnh, xin hãy coi như anh ta đã chết”. Như vậy, mỗi tác phẩm văn học khi ra đời đều tồn tại độc lập với người nghệ sĩ. Qua phát ngôn này, thi sỹ đang gián tiếp kêu gọi bạn đọc đồng sáng tạo, kêu gọi hình thành liên văn bản cho tác phẩm. Quan niệm này của Mai Văn Phấn có điểm gặp gỡ với quan điểm của một số nhà lý luận, phê bình văn học thế giới và cả Việt Nam. Roman Ingarden cho rằng: “Mọi tác phẩm văn học đều dang dở, luôn đòi hỏi sự bổ sung mà không bao giờ ta đạt tới giới hạn cuối cùng bằng văn bản” [5, 43]. Còn nhà lý luận và phê bình văn học Trương Đăng Dung cũng đã từng khẳng định: “sự tiếp nhận có nghĩa là quá trình thỏa thuận giữa văn chương và sự tái sáng tạo bản sắc riêng của người đọc” [5, 58]. Không chỉ dừng lại ở đó, Mai Văn Phấn còn xem vấn đề cách tân là vấn đề trung tâm trong quan niệm thơ của mình. Ông dùng từ “vong thân” để nói đến quá trình vượt thoát khỏi cá tính của người nghệ sĩ. Với Mai Văn Phấn: “Đổi mới thi pháp trước hết là từ chối ve vuốt những sở thích của người đọc, nhằm tạo những sóng từ khác, những mã số khác trong không gian thơ vừa được khám phá. Lý tưởng thi ca của sự cách tân nhằm gọi đúng bản chất của sự vật trong nhịp điệu đời sống hiện đại” [38, 378]. Nhà thơ Mai Văn Phấn đã từng chia sẻ: “Từ tập thơ đầu tay Giọt nắng đến những bài thơ mới viết là cách tôi đi từ thói quen truyền thống đến hiện đại. Nói rằng “thói quen”, vì chính những giá trị nghệ thuật mới lạ hôm nay đang dần trầm tích thành truyền thống. Sáng tạo chính là cuộc vong thân, là quá trình phủ định bản ngã. Tôi không có thói quen chiêm bái những con đường cũ của mình. Nỗi ám ảnh tôi ghê gớm nhất là lúc nào đó không còn đủ ý chí và nghị lực để tự phủ định. Với tôi, phong cách của nhà thơ không được đơn điệu, nó giống như cái Ru-bích, một trò chơi của trẻ con, anh muốn xem màu gì xin hãy quay. Nhưng chắc chắn quay chiều nào, cách nào anh vẫn nhận ra diện mạo tinh thần của thi sĩ. Anh hỏi cách đọc thơ tôi? Xin anh vui lòng bỏ lại những quan niệm và mọi thói quen thẩm mỹ trước khi đọc, giống như  động tác cởi bỏ giày dép trước khi bước vào nhà” [84].

 

 Nói đến cuộc sống, Mai Văn Phấn cho rằng: “Hiện thực trong thơ là luồng phát sáng ra từ bài thơ, để ta cảm nhận được bản chất và sự tế vi của đời sống thực” [38, 454]. Còn mỗi bài thơ là “một dự phóng, một kinh nghiệm riêng biệt. Ví như hình ảnh cụ thể của bông hoa, con sóng, bước chân… chỉ mang đến cho bài thơ một kinh nghiệm cụ thể rồi vĩnh viễn biến mất. Không cần chuẩn bị bởi không mang theo thứ gì trong hành trình sáng tạo” [38, 454]. Có thể thấy đời với thơ là một, trùng khớp với nhau mà nói như nhà phê bình Ngô Hương Giang thì thơ là đời của một cõi tinh lọc còn đời là một bài thơ chưa được gọt dũa. Cuộc sống luôn vận động và biến thiên, lòng người ngày càng đa đoan phức tạp nên đòi hỏi thơ cũng cần phải được đổi mới sáng tạo. Hiện thực trong tác phẩm văn học phải là một siêu hiện thực, không còn là hiện thực khách quan mà đã được khúc xạ qua lăng kính chủ quan của nhà thơ, tùy thuộc chặt chẽ vào sự trải nghiệm, vốn sống và nền tảng văn hóa. Mỗi nhà thơ là một nhà văn hóa, vì thế hãy tự trang bị cho mình kiến thức tổng hợp ở mọi lĩnh vực. Đổi mới thi pháp luôn là con đường đầy khó khăn và hiểm trở. Nó đòi hỏi ở người làm thơ một bản lĩnh, một nghị lực, một sự quyết tâm cao độ và hơn thế là một tài năng thực sự. Nhưng điều đáng trân trọng ở Mai Văn Phấn là quan niệm nghệ thuật của ông luôn đồng nhất với quá trình sáng tạo. Hơn ai hết, là một tín đồ Thiên Chúa giáo, Mai Văn Phấn hiểu rằng: Đức tin không có việc làm là đức tin chết. Vì thế, Mai Văn Phấn luôn tâm niệm: “Các khuynh hướng sáng tác đều rất cần và làm phong phú thêm cho nền thi ca của chúng ta. Hiện chúng ta vẫn còn hoài nghi vì còn quá ít tài năng cho những “thể nghiệm” được thuyết phục” [38, 439]. Bàn về vấn đề đổi mới thi pháp, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã mạnh dạn khẳng định: “Nếu có nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ - tình - cổ - điển, anh “bay” thẳng một mạch vào hậu - hiện - đại, rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ - cách - tân” [25, 420]. Tuy nhiên, Mai Văn Phấn thường tâm niệm: dù có cách tân thi ca đến đâu thì vẫn phải hướng con người vươn tới cái đẹp. Ông đặt niềm tin tưởng mạnh mẽ vào một nền thơ Việt trong tương lai với kỳ vọng rất lớn vào sự nỗ lực không ngừng của thế hệ cầm bút trẻ hôm nay và cả mai sau.

 

 Mai Văn Phấn luôn coi quá trình sáng tạo nghệ thuật là một cuộc “vong thân”, một cuộc vượt thoát chính bản thân mình. Chính vì thế, cho đến nay ông luôn luôn đổi mới, khẳng định vị thế của mình theo một “cách riêng”. Trong những năm tháng cầm bút, Mai Văn Phấn sáng tác một số lượng tác phẩm thơ đáng trân trọng. Ông đã từng phát biểu rằng, “sáng tạo chính là cuộc vong thân, là quá trình phủ định bản ngã” và “bài thơ tôi vừa viết xong là bài thơ cũ”. Với quan niệm ấy, Mai Văn Phấn luôn luôn có xu hướng đổi mới trong hành trình sáng tạo thi ca của mình. Nhìn lại chặng đường sáng tác, thơ ông có một quá trình vận động mạnh mẽ, quyết liệt, đổi mới cả về nội dung và hình thức. Đó là quá trình vận động, phát triển cùng với xu hướng cách tân của nền thơ ca Việt Nam hiện đại.

 

 1.2.2.Ý thức từ bỏ thế giới quen thuộc để vươn tới một thế giới khác

 

 Ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, Mai Văn Phấn đã nổi tiếng là cậu học trò giỏi văn. Ông sinh năm 1955 tại Ninh Bình, hiện sống và làm việc tại thành phố cảng Hải Phòng. Nhắc đến vùng đất Ninh Bình, vùng đất với nhiều truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc. Mảnh đất quê hương với chiều sâu truyền thống và đặc thù văn hóa ấy đã in đậm vào tâm khảm thi nhân, tạo nên những trang viết giàu nội lực và ám ảnh. Là người yêu thơ văn và bắt đầu làm thơ từ những năm 17 tuổi. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, Mai Văn Phấn lên đường nhập ngũ. Thời ở trong quân ngũ, lần đầu tiên gửi thơ đăng báo, bài Hoa xoan gửi báo Phụ nữ Việt Nam đã được đăng ngay. Cứ ngỡ đó sẽ là hành trình để chàng trai đam mê văn chương hào hứng dấn bước vào con đường văn chương nghệ thuật. Nhưng dường như khát vọng của chàng trai đam mê thơ kia lớn hơn người ta tưởng. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh bước vào giảng đường đại học và tu nghiệp ở một chuyên ngành liên quan đến: ngoại ngữ, ngôn ngữ và văn hóa. Tiếp đó, lại sang trời Tây du học để mở mang tầm mắt… Những năm tháng du học, với tinh thần ham học hỏi, chàng trai trẻ đã tiếp thu được tinh hoa văn hóa của nhiều nền văn hóa, văn học lớn trên thế giới. Đó là những kiến thức làm nền tảng cho hành trình sáng tạo của nhà thơ về sau. Xuất thân trong gia đình theo đạo Thiên chúa nhưng Mai Văn Phấn lại phải duyên với một cô gái theo Đạo Phật. Ông đã từng tâm sự: Tôi đã đến với Phật giáo bằng tình yêu và cả sự chiều chuộng người tôi yêu nữa. Khi nghiên cứu các giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới, tôi nhận ra rằng: Thượng Đế chỉ có một. Chắc chắn chúng ta được sinh ra và bị chi phối bởi một Đấng - Toàn - Năng. Đấng - Toàn - Năng cho con người biết được gần đúng khuôn mặt và tinh thần của Ngài thông qua các hình thức tôn giáo mà thôi”. Qua lời tâm sự này, chúng ta cũng phần nào thấy được ảnh hưởng của các tôn giáo và các nền văn hóa thế giới trong thơ ông. Khi bàn về những tôn giáo ảnh hưởng đến Mai Văn Phấn, Đỗ Lai Thúy đã từng viết: "Khởi nguồn của văn hóa bao giờ cũng từ những niềm tin tôn giáo. Trong không gian văn hóa Mai Văn Phấn, tôi thấy có ba trụ lớn là tam giáo của riêng anh: hồn linh giáo, Phật giáo và Kitô giáo. Thuyết hồn linh là thế giới quan đầu tiên, phổ quát của nhân loại. Nó làm cho con người hòa đồng với con người và hòa đồng với vũ trụ. Bởi, con người, con vật, cái cây, hòn đá, quả núi, dòng sông, tuy khác nhau về thực thể, nhưng đều có chung một thứ quan trọng hơn là linh hồn. Nhưng rồi các tôn giáo lớn và duy lý xuất hiện, nhiều dân tộc, quốc gia trên thế giới đã đánh mất hoặc đánh vỡ hồn linh giáo. Riêng ở Việt Nam, một nước thuần nông, thuyết hồn linh còn tồn tại, thậm chí tồn tại mãnh liệt, đủ sức chi phối cả những tôn giáo lớn đến sau nó như Phật giáo và Kitô giáo. Với thế giới quan hồn linh luận, Mai Văn Phấn đã đưa thơ mình trở lại tinh thần “hòa đồng nguyên thủy”, xóa nhòa ranh giới giữa tôi và phi tôi, giữa tôi và thế giới” [79].

 

Bên cạnh đó yếu tố thời đại cũng góp phần tạo nên một Mai Văn Phấn khác người. Thế kỉ XX, XXI với sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, xã hội phát triển, tư duy của con người cũng đổi khác. Tương ứng với sự biến đổi của đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người, thơ ca cũng đang có những thay đổi với nhiều hướng tìm tòi mạnh mẽ và khác biệt. Nhận thức được điều này, nhà thơ tìm đến thơ ca để phản ánh hiện thực theo cách riêng, nhằm hướng về những nét đẹp truyền thống thông qua lăng kính của con người hiện đại. Mai Văn Phấn trong một bài trả lời phỏng vấn khi được hỏi: Trong tinh thần thi ca của ông, đổi mới, cách tân là câu chuyện sống còn. Nếu quan niệm thi ca bắt nguồn từ cảm xúc thì tại sao lại phải đặt vấn đề cách tân, và cách tân thì đi đến đâu? Nhà thơ đã từng chia sẻ: “Giống như nhiều nhà thơ khác ở Việt Nam, tôi cũng sinh ra từ làng quê, chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi văn hóa làng, những cái đã ổn định, quen thuộc, thành truyền thống. Tôi được số phận dắt đến với thơ, đến mức độ mình không thể không cầm bút. Những tác phẩm đầu tiên tôi hoàn toàn do bản năng dẫn dắt. Nhưng sau khi đọc rộng, nghiên cứu về thơ ca thế giới tôi có một nhận thức là mình phải trở thành một người sáng tạo chuyên nghiệp. Mình phải trả lời các câu hỏi, thơ thế giới chuyển động như thế nào? Thơ Việt đang ở đâu ? Cá nhân mình đang ở đâu? Tôi quan niệm thơ tôi như một cách đồng Việt, nếu không có những dòng chảy nó sẽ khô kiệt. Những kiến thức tôi đọc, tôi hiểu biết về thi ca giống như những dòng chảy, chảy qua rồi để lại phù sa và tôi gieo xuống đó một tâm hồn Việt, thì đương nhiên nó sẽ cho ra những hoa trái Việt. Cách tân nghĩa là phải tự mở mang cá nhân mình, không bao giờ bước lại con đường cũ. Không bao giờ dậm chân tại chỗ”. Có thể thấy, yếu tố quê hương, gia đình, thời đại đã ảnh hưởng, chi phối mạnh mẽ tới nhiều phương diện nghệ thuật trong thơ ông. Thơ Mai Văn Phấn thể hiện tiếng nói tri ân đối với quê nhà, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, sự gắn bó với những điều bình dị của đất đai, làng mạc và khát vọng tìm kiếm, hướng về một tiếng thơ lý tưởng "thuần Việt". Với ý chí, nghị lực, sự kiên trì và không ngừng sáng tạo đã giúp ông có một phông văn hóa rộng và giàu kinh nghiệm trong cuộc sống. Sau một thời gian dài tích lũy kiến thức, ông đã cho ra mắt bạn đọc hàng loạt ấn phẩm khẳng định sức sáng tạo dồi dào và tài năng nghệ thuật của bản thân.

 

Trong bài Mai Văn Phấn: hiện thân của sự sáng tạo, nhà văn Cao Năm viết: ‘‘Mai Văn Phấn dường như sinh ra là để năng động và sáng tạo, sáng tạo không ngừng, con người hiện thân của sự sáng tao’’[32, 33]. Ngoài tài hoa, đam mê, tri thức, ông còn là người dũng cảm và giàu bản lĩnh trong sáng tạo. Nhà văn Đình Kính đã từng nói : ‘‘Anh làm thơ như nghệ sĩ tự tin đi trên sợi  mảnh, bên dưới là vực sâu hiểm trở, nhưng vẫn luôn tự tin rằng mình sẽ đến được đích’’[32, 10]. Mai Văn Phấn - con người luôn mạo hiểm để chinh phục đỉnh cao nghệ thuật. Tự đổi mới và tự tái tạo không ngừng chính là phẩm chất nổi bật của ông trong sáng tạo. Với sức sáng tạo say mê, nhiệt huyết, dồi dào, Mai Văn Phấn đã xuất bản 11 tập thơ và trường ca: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995); Cầu nguyện ban mai (thơ, 1997); Nghi lễ nhận tên (thơ, 1999); Người cùng thời (trường ca, 1999); Vách nước (thơ, 2003); Hôm sau (thơ, 2009); và đột nhiên gió thổi (thơ, 2009); Bầu trời không mái che (thơ, 2010); hoa giấu mặt (thơ, 2011); Vừa sinh ra ở đó (thơ, 2013)… Ông cũng gặt hái  được nhiều giải thưởng: Giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Người Hà Nội (1994), giải thưởng cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ (1995), giải thưởng Văn học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) các năm 1991, 1993, 1994, 1995 và giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập thơ Bầu trời không mái che. Bởi không ngừng đổi mới tư duy và sáng tạo, thơ Mai Văn Phấn không chỉ được bạn bè trong nước quan tâm mà còn được đông đảo bạn đọc thế giới đón nhận. Ngày 19 tháng 6 năm 2014, ba tập thơ song ngữ của nhà thơ đất cảng Hải Phòng lọt vào top 10 tập thơ Châu Á bán chạy nhất trên mạng AmaZon. Đó là hai tập thơ song ngữ Việt - Anh : Ra vườn chùa xem cắt cỏ (Grass cutting in a temple garden), Những hạt giống của đêm và ngày (Seeds of night and day) và tập thơ song Việt - Pháp : Bầu trời không mái che (A ciel ouvert).

 

Từ trước  1995: Với những sáng tác đầu tay, Mai Văn Phấn đã có ý thức muốn khác người. Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét: “Vẫn trong cái vẻ lục bát nhịp nhàng muốn thành cổ điển, người thơ đặt vào đấy một sự cân xứng trầm tĩnh khá là lạ nếu ta biết khi anh xuất hiện đang ở tuổi trẻ. Câu thơ sáu tám trong cái sự chừng mực của khuôn hình nhưng chữ dùng và nhịp thơ của người viết đã chất chứa một sự thăm dò để bung phá” [32, 8]. Giai đoạn này có 2 tập thơ: Giọt nắng (thơ, 1992); Gọi xanh (thơ, 1995). Với những tác phẩm này, tên tuổi Mai Văn Phấn bước đầu được khẳng định qua các giải thưởng: Giải nhất văn nghệ thành phố Hải Phòng với bài thơ Thuốc đắng (1991), Giải nhì (không có giải nhất) của hai tờ báo: năm 1994 của báo Người Hà Nội với bài Nghi Tàm; năm 1995 của báo Văn nghệ với chùm hai bài Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc và Nhật ký đô thị hóa. Thơ Mai Văn Phấn luôn hướng về những chủ đề thiên nhiên, tình yêu lứa đôi, tình cảm quê hương, gia đình…, những chủ đề có tính truyền thống. Những tác phẩm tiêu biểu của ông thời kì này có thể kể đến: Thuốc đắng, Mười nén nhang ngã ba Đồng Lộc, Em gái đi lấy chồng, Kinh cầu ban mai, Nhật kí đô thị... Ở đó, hiện thực đời sống hiện lên với những đường nét quen thuộc và giản dị: Đưa dâu qua chiếc cầu tre/ lòng anh chạm lá chua me chạnh buồn (Em gái đi lấy chồng). Ngoài thơ lục bát, giai đoạn này Mai Văn Phấn còn sử dụng thể thơ tự do và thơ văn xuôi. Với hình thức tự do, phóng khoáng, thơ văn xuôi của ông đưa đến những cảm nhận mới về thế giới: Mùa thu mang theo trận mưa giục chiếc lá chớm vàng rụng vội. Em dọn lại căn nhà, còn anh mang chài lưới ra khơi (Ký sự mùa thu). đó nhà thơ thể hiện khát vọng tìm tòi, dâng hiến:  Tôi thổi vào lòng ống sáo tối đen địa ngục, để tìm ra bảy lối tới thiên đường: đồ rê mi fa son la si” (Viết cho cây sáo). Có thể thấy thơ Mai Văn Phấn giai đoạn trước 1995 xét về mặt thi pháp đã có nỗ lực tìm tòi nhưng vẫn chưa thoát khỏi thi pháp truyền thống.

 

Từ 1995 đến 2000, Mai Văn Phấn cho ra đời ba tập thơ: Cầu nguyện ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999) và trường ca Người cùng thời (1999). Nhà thơ bước đầu làm một cuộc lột xác về nội dung, tư tưởng cũng như hình thức thể hiện. Về cảm hứng cũng như thi pháp thơ giai đoạn này đã có nhiều điểm khác trước. Nếu giai đoạn trước, thi sĩ chủ yếu mới chỉ dừng lại ở cái hiện thực cảm xúc bề mặt, dễ nhận biết của đời sống thì giai đoạn này, nhà thơ chủ trương hướng về nhận thức chiều sâu nhân sinh. Do đó, hiện thực được khắc họa với những nét gai góc, phức tạp: Lẽ phải vùi chôn trong đơn thư mặc danh/ Đồng tiền lật ngược trang hồ sơ khởi tố/ Có mặt quỷ sau mặt người lấp ló/ Quỷ thì run mà người thì buồn. Cuộc sống hiện đại đang dần đổi thay: Sủi bọt. Rạn nổ. Vụn nát/ Hơi nóng bốc cao ngùn ngụt giữa trời/ Nỗi khắc khoải không còn có ý nghĩa/ Sự đổi thay vượt quá sức mình (Từ hạt mưa); Dấu chân không nhận ra nhau vô cảm trơn lỳ/ Cả dòng sông trúng độc từng dìm ta xuống đôi bờ/ cỏ nát... (Khúc dạo đầu). Ở đó, ý thức cá nhân và tinh thần trách nhiệm cộng đồng hòa nhập làm một: Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/ Nhận ra mình là hòn than cháy dở đêm qua. Ở đó, xuất hiện những nỗi đau mới và những niềm hy vọng mới: Từ tưởng tượng/ và niềm hy vọng/ Tôi rút những mũi tên/ Ra đi tìm đích cho ngày mai (Mũi tên bóng tối). Về thi pháp, nhà thơ Lê Xuân Đố khẳng định thơ Mai Văn Phấn giai đoạn này “bứt phá cách tân thi pháp với nhiều cách nói và mở rộng biên độ thơ biểu hiện nhiều vấn đề của thời cuộc, bản tính con người hiện đại và phát hiện những nét đẹp tiềm ẩn của tình yêu, đời sống” [32, 283]. Cùng với ý thức cách tân thi pháp, Mai Văn Phấn khát khao nhận thức hiện thực ở “bề sâu, bề xa” của nó. Mang đậm dấu ấn hiện đại chủ nghĩa, thơ ông giờ đây có khi chỉ là những “Dàn ý” hay “Bài tập mùa xuân”, hoặc những ý tưởng bất chợt “đến trong ý nghĩ”. Những câu chữ bề bộn, phá vỡ ranh giới thơ và văn xuôi, không hề có dấu câu, miên man như “những ý nghĩa không sắp đặt”, “đảo lộn mọi quy ước phổ thông”. Điều này được chứng minh qua các bài thơ tiêu biểu như: Mười bài tập mùa xuân, Mail cho em, Những ý nghĩ không sắp đặt, Dừng lại, Di chứng, Niệm khúc số 18… Trong những tổ chức ngôn từ tưởng chừng như phi logic, nhà thơ đang đến gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức, tâm linh. Vì thế, Văn Giá đã khẳng định: “Chặng thứ 2 là cả một nỗ lực bứt phá: giờ đây không trọng tự tình nữa, mà trọng xác lập ý; hình ảnh hóa, cảm xúc hóa ý. Ở chặng này cũng đã xuất hiện chất ảo như là sự manh nha, để rồi phát huy rõ rệt ở chặng 3” [62, 539].

 

Từ 2000 đến nay, Mai Văn Phấn cho ra đời hàng loạt tập thơ: Vách nước (2003),  Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), Vừa sinh ra ở đó (2013)... thể hiện sức sáng tạo dồi dào của nhà thơ. Đây được đánh giá là giai đoạn nở rộ tài năng của thi sỹ. Thi pháp thơ Mai Văn Phấn tiếp tục cách tân với những hình ảnh, liên tưởng, ngôn từ lạ. Thay cho cái nhìn mang tính “nhất phiến” trước đây là một cái nhìn “phân mảnh” đầy hoang mang, “sản phẩm” của một thời đại đầy bất an và biến động. Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ, Không thể tin, Quay theo mái nhà, Anh tôi, Đúng vậy, Chỉ là giấc mơ, Còn cậu hãy đứng đằng kia… phản chiếu một cái nhìn hài hước, không kém phần tỉnh táo về một thế giới bị xô lệch, con người bị biến dạng, trở nên méo mó, không khác gì những sản phẩm “chế tác từ đồ phế thải”. Giai đoạn này, nhà thơ tiếp tục dung nạp những thủ pháp, kĩ thuật viết mới, phức tạp theo hướng hiện đại và hậu hiện đại. Song bên cạnh đó, tư tưởng và nỗ lực  hướng đến một lối viết “tự nhiên/ như đi trên đất”, giản dị, “thuần Việt”, ngày càng lộ rõ nét trong Những bông hoa mùa thu, Cửa mẫu, Hình đám cỏ…, và gần đây nhất là những tác phẩm trong tập Vừa sinh ra ở đó.

 

Ngày nay thơ đương đại đang biến chuyển mạnh và khá đa dạng. Đó là tín hiệu đáng mừng của đời sống văn học hôm nay. Người đọc cũng biến đổi theo nhiều khuynh hướng đọc, tự do chọn lựa phong cách thơ yêu thích. Mai Văn Phấn là tác giả khởi nguồn và ra đi từ thơ truyền thống, kết hợp những tinh hoa của các khuynh hướng thơ khác, nhằm tìm đến một phong cách hiện đại mang đậm căn tính Việt. Tuy nhiên những bài thơ mà Mai Văn Phấn viết theo khuynh hướng cách tân được đông đảo bạn đọc lựa chọn nhiều hơn. Cũng như phần đông các tác giả cùng thế hệ, Mai Văn Phấn từng chịu ảnh hưởng của dòng thơ hiện thực và lãng mạn, một hệ hình thẩm mỹ vốn đã ổn định. Khuynh hướng này đã tạo được những đỉnh cao thơ Việt trong quá khứ, nhưng vì nó ngự trị văn đàn quá lâu nên đã trở thành thử thách lớn với những thế hệ thơ sau đó. Những tác phẩm ra đời kế tiếp theo khuynh hướng này thường mang cho người đọc cảm giác quen thuộc, đơn điệu, trơ mòn cảm xúc… Một số bài thơ của Mai Văn Phấn trong giai đoạn khởi đầu đã chịu ảnh hưởng hiện thực và lãng mạn, nên khi dịch ra ngôn ngữ khác, đều có chung một nhận xét từ bên ngoài: đơn tuyến, ít gợi mở, quen thuộc. Trong rất nhiều những lần phỏng vấn, nhà thơ đã từng chia sẻ: “Tôi đã cố gắng bước qua cái ranh giới vô hình trong quan niệm nghệ thuật cũ, nơi từ trong nhà trường mình được học tập, từng chịu ảnh hưởng bầu không khí văn học khi còn ở tuổi đôi mươi để đến với những hệ hình thẩm mỹ khác. Tôi hội nhập, và có lúc cũng bị xóa nhòa, rồi sau đó thoát khỏi những trào lưu ấy. Đó là một hành trình giúp tôi có được những tinh hoa của các khuynh hướng thơ khác, chủ yếu thịnh hành trong thế kỷ vừa qua... Sự khác biệt giữa thơ tôi trước đây và bây giờ, như đã nói, chính là cách thiết lập không gian và kết nối điểm nhìn. Có thể tạm ví giai đoạn khởi đầu của thơ tôi là hình học phẳng, với những hình thể rõ nét, dễ xác định. Chúng được mô phỏng, thậm chí sao chép lại các hiện tượng đời sống rồi kết nối các thi ảnh bằng cảm xúc. Nhiều khi cảm xúc ấy chỉ tập trung vào các thán ngữ, thán từ nên khi dịch sang ngôn ngữ khác, bài thơ đã không còn sức nặng, không còn cái thần của nó như trong văn bản gốc. Giai đoạn gần đây tôi chú trọng tạo dựng không gian đa chiều, đa điểm nhìn, mời gọi độc giả đồng sáng tạo với mình trong một thế giới thơ riêng, tạo được thái độ bình đẳng, gợi mở, không áp đặt độc giả khi tiếp nhận văn bản. Không gian đa chiều có khả năng kết nối, làm đồng hiện các chiều không - thời - gian, phục hoạt quá khứ, khiến nó cật vấn hiện tại, đối thoại với tương lai…”. Có thể thấy không gian thơ đa chiều, đa điểm nhìn trong thơ Mai Văn Phấn cũng tạo độ mở lớn cho người đọc khi tiếp cận tác phẩm. Mỗi người đọc thường đến với bài thơ bằng kinh nghiệm, trải nghiệm riêng và có thể cho ra nhiều kết quả khác biệt. Cách thiết lập không gian thơ của ông tương đối đồng điệu với không gian thơ các tác giả đương đại ngoài nước. Tuy nhiên điều trăn trở nhất đối với Mai Văn Phấn là làm sao để thể hiện đậm nét căn tính Việt trong tác phẩm của mình? Ông đã từng khẳng định: “Theo tôi, căn tính Việt là bản đồ biên giới xác định thơ của chúng ta có bản sắc khác với thơ các dân tộc khác. Nếu trong thơ thiếu căn tính này, có nghĩa, các nhà thơ đã đánh mất danh tính, giá trị khác biệt cần có”. Vậy thế nào là căn tính dân tộc trong tác phẩm thơ? Từ góc nhìn của người sáng tác, nhà thơ quan niệm rằng: “Căn tính dân tộc là một thuộc tính mở và luôn được tiếp biến từ thị hiếu, tâm lý tiếp nhận của người đọc đương thời. Bởi, chính thị hiếu, tâm lý của mỗi người luôn được kết tinh và tiếp biến từ nền tảng văn hóa, lịch sử, phong tục, tập quán dân tộc. Khi căn tính dân tộc trong sáng tạo bắt đầu ổn định để kết tinh thành giá trị truyền thống, thì cũng là lúc nó phải đi tìm những giá trị mới khác. Căn tính dân tộc làm nên cốt cách văn hóa của mỗi con người trong dân tộc ấy. Tương tự như vậy, căn tính dân tộc trong thơ đã làm nên diện mạo tinh thần của mỗi nhà thơ, là gương mặt tiêu biểu được tạo dựng bằng ngôn ngữ thơ của dân tộc. Mối tương quan giữa nghệ sĩ và căn tính dân tộc không chỉ đơn thuần là mối gắn kết như cây và cội, dòng sông và đôi bờ…, mà chính là sự tương liên bình đẳng, làm cho nhau phong phú thêm, giàu có thêm. Do vậy, có thể hiểu rằng căn tính dân tộc luôn được bồi đắp, mở rộng bằng tác phẩm của nghệ sĩ, cũng như theo quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc” [46]. “Căn tính dân tộc trong thơ không phải là thuộc tính truyền thống dân tộc Việt trong sự hoàn tất, đó là một vẻ đẹp mới được cải biến từ bên trong, với những giá trị mang tính nhân loại. Lúc này, hơn bao giờ hết, thế giới hỗn độn với những đứt gãy của nó cần được hiển thị bằng một “tư duy thi ca” mới đủ sức nắm bắt cảm thức thời đại mà không bị chính sự hỗn độn của thực tại nhấn chìm” [46]. Vậy nên đổi mới thi pháp chính là một cuộc cách mạng giữa nội dung và hình thức. “Nội dung phải là chất liệu đã mang một hình thức được xác định và hình thức không bao giờ tồn tại độc lập với nội dung của chính nó” [38, 456]. Hình thức được “chuyển hóa từ nội dung đó mới là đổi mới thực sự” [38, 457]. Cách mạng thi ca cần phải gắn liền sáng tạo những hình thức mới với một nội dung mới.

 

* * *

 

Từ đây có thể khẳng định một lần nữa, căn tính dân tộc luôn thường trực trong mỗi cá thể sáng tạo. “Nhà thơ biết thắp sáng nó để tự thân anh ta càng mạnh mẽ, thực hiện thành công những cuộc ra đi. Hành trình của sáng tạo chính là liên tiếp lên đường tìm đến những giá trị mới khác” [46]. Từ những phân tích trên có thể thấy, Mai Văn Phấn là nhà thơ luôn có ý thức đổi mới thi ca, đổi mới phương pháp sáng tác cũng `như tạo sự đa dạng trong thể tài. Những quan niệm về nghệ thuật cũng như nhận thức sứ mệnh người nghệ sĩ đã phản ánh phần nào phẩm chất cũng như phong cách riêng của nhà thơ trong dòng chảy thơ đương đại.

 

 

 

Chương 2. DẤU ẤN HIỆN SINH TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN NHÌN TỪ CÁI TÔI TRỮ TÌNH