image advertisement
image advertisement





























 

Phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học (Luận văn thạc sĩ) - Hoàng Thị Mỹ Ngọc

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐẠI HỌC HUẾ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM

 

 

 

 

Hoàng Thị Mỹ Ngọc

Người hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Bửu Nam

 

 

 

PGS.TS. Bửu Nam (trái) & Ths. Hoàng Thị Mỹ Ngọc

 

 

 

PHÊ BÌNH THƠ CỦA MAI VĂN PHẤN 

VÀ INRASARA TỪ GÓC NHÌN PHONG CÁCH HỌC

 

 

LUẬN VĂN THẠC SĨ VĂN HỌC VIỆT NAM
THEO ĐỊNH HƯỚNG ỨNG DỤNG

Thừa Thiên Huế, 2020

 

 

 

MỤC  LỤC

 

 

A. MỞ ĐẦU     

 

1. Lí do chọn đề tài

2. Lịch sử vấn đề    

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu      

4. Phương pháp nghiên cứu       

5. Đóng góp của đề tài      

6. Cấu trúc luận văn          

 

NỘI DUNG   

 

CHƯƠNG 1: DẪN LUẬN VỀ PHONG CÁCH HỌC VÀ LÝ LUẬN  PHÊ BÌNH VĂN HỌC       

 

1.1. Phong cách học – Lý thuyết và ứng dụng trong nghiên cứu phê bình

1.1.1. Khoa học nghiên cứu phong cách học   

1.1.2. Lược sử phê bình phong cách học         

1.2. Một số vấn đề chung về lý luận phê bình văn học    

1.2.1. Phê bình văn học    

1.2.2. Phê bình thơ

1.2.3. Sự đan xen các dạng thức phê bình       

 

TIỂU KẾT    

 

CHƯƠNG 2: PHÊ BÌNH THƠ CỦA MAI VĂN PHẤN VÀ INRASARA  TỪ GÓC NHÌN PHONG CÁCH HỌC – NHỮNG ĐIỂM GẶP GỠ 

 

2.1. Phong cách phê bình 

2.1.1. Phong cách phê bình nghệ sĩ      

2.1.2. Phong cách phê bình đậm màu sắc văn hóa.   

2.2. Mục đích phê bình

2.2.1. Nhập cuộc về hướng mở  

2.2.2. Khai phá để sáng tạo        

2.3. Ngôn ngữ phê bình     

2.3.1. Ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh       

2.3.2. Ngôn ngữ gợi nhiều liên tưởng độc đáo, thú vị 

 

TIỂU KẾT    

 

CHƯƠNG 3: PHÊ BÌNH THƠ CỦA MAI VĂN PHẤN VÀ INRASARATỪ GÓC NHÌN PHONG CÁCH HỌC – NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT       

 

3.1. Đối tượng phê bình    

3.1.1. Chủ thể sáng tạo và cảm thức thời đại trong thơ      

3.1.2. Quan niệm về địa vị của nhà thơ nữ và thiên tính nữ trong thơ      

3.2. Giọng điệu phê bình  

3.2.1. Mai Văn Phấn - Giọng đằm thắm, trữ tình          

3.2.2. Inrasara – Giọng táo bạo, quyết liệt        

3.3. Phương pháp phê bình        

3.3.1. Mai Văn Phấn với phương pháp “thiết lập không gian”  

3.3.2. Inrasara với phê bình “lập biên bản”       

 

TIỂU KẾT    

 

KẾT LUẬN  

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO    

 

PHỤ LỤC I & II

 




MỞ ĐẦU

 

 

1. Lí do chọn đề tài

 

Mai Văn Phấn và Inrasara là những tác giả đang tạo được ấn tượng trong nền văn học Việt Nam hiện đại, với những phong cách riêng đặc sắc. Trong sự nghiệp sáng tác của mình, cả hai tác giả đã có một khối lượng tác phẩm khá lớn và giá trị ở nhiều thể loại bao gồm thơ, văn xuôi, nghiên cứu phê bình, dịch thuật. Với hai nhà thơ này, ở thể loại nào cũng ghi được những thành tựu, in đậm dấu ấn riêng, đặc biệt là về lĩnh vực thơ. Tuy nhiên, bên cạnh sở trường này vẫn còn một mảng sáng tác không kém phần quan trọng, đó là phê bình - tiểu luận. Bằng vốn hiểu biết phong phú cùng với dụng công tìm tòi nghiên cứu và sự nhạy cảm, tinh tế của một nhà thơ, bằng lối viết tràn đầy nhiệt tình, cảm xúc, Mai Văn Phấn và Inrasara đã mang đến cho những trang phê bình - tiểu luận của mình một giọng điệu riêng độc đáo. Cả hai tác giả đều có những bài nghiên cứu phê bình đặc sắc mà tập trung chủ yếu là những cây bút trẻ sáng tác theo khuynh hướng hậu hiện đại như Dương Kiều Minh, Nguyễn Quang Thiều, Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, Vi Thùy Linh, Dư Thị Hoàn, Phan Thị Vàng Anh, Trà Vigia, Trần Wũ Khang,... đã góp phần khẳng định được nét đặc sắc riêng trong phê bình của họ. Tuy nhiên, phần đóng góp rất quan trọng của hai tác giả đối với phê bình văn học lại chưa được nghiên cứu đánh giá một cách công phu và đầy đủ, số lượng bài viết về lĩnh vực này còn rất ít ỏi. Vì vậy luận văn chọn đề tài Phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học, hy vọng sẽ góp một phần hữu ích vào việc nghiên cứu đánh giá vị trí vai trò và ý nghĩa của hai cây bút Mai Văn Phấn và Inrasara trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình thơ Việt Nam hiện đại, ghi nhận những thành tựu to lớn, phát huy những tư tưởng và phong cách riêng độc đáo của hai tác giả trong lĩnh vực phê bình thơ thời kì đổi mới – hậu hiện đại.

 

2. Lịch sử vấn đề

 

Các nhà nghiên cứu, phê bình đã ít nhiều đề cập đến vấn đề về phong cách thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara, nhưng để góp phần hiểu Mai Văn Phấn và Inrasra một cách đầy đủ hơn thì không thể không nghiên cứu mảng phê bình của hai tác giả. Bởi ở đây, cả hai đã bộc lộ được những quan niệm, những suy nghĩ của bản thân về sáng tác thơ ca, họ đã lặng lẽ nghiên cứu, lần tìm trên con đường của mình những nét riêng, độc đáo, góp phần tạo nên bức tranh phê bình phong phú và đa diện.

 

Có thể thấy, Mai Văn Phấn và Inrasara đã có những đóng góp nhất định trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình, tuy nhiên cả hai tác giả vẫn chưa nhận được sự quan tâm thực sự của bạn đọc cũng như giới nghiên cứu. Do đó, các nghiên cứu về Mai Văn Phấn và Inrasara với tư cách là nhà phê bình vẫn chưa làm nổi bật vai trò, vị trí của hai tác giả trong nghiên cứu phê bình văn học hiện nay. Với phạm vi của luận văn và nỗ lực tiếp cận tư liệu có giới hạn, chúng tôi trình bày lịch sử vấn đề nghiên cứu qua các bình diện sau đây:

 

2.1. Công trình nghiên cứu về sự nghiệp và phê bình thơ của Mai Văn Phấn

 

Qua một số ít bài nghiên cứu, chúng tôi thấy những ý kiến về phê bình thơ của Mai Văn Phấn nhìn chung mới chỉ dừng lại ở nhận định, chưa có một đánh giá cụ thể mang tính khái quát, hay chưa có một công trình nghiên cứu cụ thể nào.

 

Mai Văn Phấn viết phê bình – tiểu luận cũng chưa nhiều, mới khoảng trên dưới 50 bài, được tập hợp chủ yếu qua tuyển tập Không gian khác và một số bài viết đăng trên các trang mạng, nhưng bằng đam mê và tâm huyết của mình, ít nhiều Mai Văn Phấn đã thể hiện được cá tính sáng tạo và lối đi riêng.

 

Nhận định về tập phê bình tiểu luận này của Mai Văn Phấn, Anh Thơ nhận xét: “Đọc 25 bài viết về các tác giả trên, tôi nhận thấy Mai Văn Phấn sử dụng “vật liệu phê bình” căn bản vẫn là tác phẩm nhà thơ. Tuy nhiên, dưới góc độ “người cùng thời cách tân”, anh dành cho mỗi tác phẩm sự đọc giàu xúc cảm và đồng cảm mãnh liệt. Những thao tác khá tỉ mỉ, công phu còn là khi anh đi vào phân tích kỹ càng các thủ pháp cách tân của mỗi nhà thơ”.Bằng sự đồng cảm và thấu hiểu của mình, Anh Thơ nhận thấy: “Qua 25 bài phê bình và 4 tiểu luận cùng chủ đề thơ cách tân trong cuốn sách này, Mai Văn Phấn còn muốn nói một điều: Không phải cứ cách tân là hay, là nhất. Có những câu thơ viết theo lối cách tân mà bàng bạc, nhạt nhòa thì không thể xếp ngang hàng với câu thơ viết theo lối hình học phẳng có thần thái. Vấn đề ở chỗ một thế giới thơ ca đã khai mở thì cần phải đi tiếp và sứ mệnh của các nhà thơ là không ngừng sáng tạo để tạo ra giá trị nghệ thuật mới. Thơ cách tân khi đã là một khuynh hướng thì cũng cần có sự kế tiếp và luôn có những ý kiến phản biện. Phản biện để thơ cách tân chuyển động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn trong xu hướng hội nhập toàn cầu. Âu cũng là thái độ đúng đắn của Mai Văn Phấn khi viết phê bình.[8, tr.21]

 

Hay trong Ngắm nhìn cái đa tôi đã khác, Phạm Minh Đăng nhận định Tìm đến một không gian khác, là để anh cảm nhận những tiếng thơ cách tân, khác biệt với những hòa âm giữ nhịp dòng thơ xuôi chảy. Tôi tin rằng chỉ những người cách tân mới nghe được giọng nhau, và mức độ cách tân – tự thân đến đâu, họ nhận ra giọng cách tân – đồng vọng đến đó”.

 

Không thỏa hiệp với cái cũ, cái ngưng đọng, bất biến, Mai Văn Phấn luôn đặt mình ở giữa những đường biên, ở trước các giới hạn, với tâm thế sẵn sàng rời bỏ, từ đó tìm một phương cách, một con đường để vượt qua. Tập phê bình  -  tiểu luận Không gian khác vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành quý I năm 2016 là một tác phẩm đã làm được điều ấy.

 

Ở đoạn khác, Phạm Minh Đăng lại khẳng định: “Kết nối điểm nhìn,tạo lập không gian” là chiến lược sáng tạo của Mai Văn Phấn. Đối với nhà thơ - người sáng tạo, có thể nói đây là hai thao tác có tính chiến lược và cũng là cơ sở để nhìn nhận sự khác biệt. Trong tư cách một nhà thơ, với những trải nghiệm sáng tạo cụ thể, Mai Văn Phấn đã thâm nhập vào thế giới của những người làm thơ khác, giải mã cách tạo lập không gian, kết nối điểm nhìn của họ”.

 

Cũng với cái nhìn ấy nhưng cách đánh giá khác, Nguyễn Thanh Tâm lại cho rằng: Không gian khác đem đến những hình dung về cái khác ở ngoài Mai Văn Phấn, trên hành trình sống và viết, tìm và gặp của anh. Nhưng Không gian khác còn hàm nghĩa về cái khác ở quanh chúng ta - vốn là bản chất, đặc tính của cái sống. Nhận hiểu về cái khác, không chỉ là xác lập cái ở ngoài chủ thể, mà quan trọng hơn là xác lập chính chủ thể. Được viết bằng ngôn ngữ của một thi sĩ, cuốn sách không gây cảm giác nặng nề, hàn lâm mà nhẹ nhõm, thuần hậu.

 

2.2. Công trình nghiên cứu về sự nghiệp và phê bình thơ của Inrasara

 

Bên cạnh những bài viết, nghiên cứu xung quanh hiện tượng phê bình thơ của Mai Văn Phấn, nhằm nhận định về một nhà phê bình đương đại với những đóng góp và thành công không thể không kể đến Inrasara, người đã có những đóng góp không nhỏ trong nền phê bình thơ Việt Nam đương đại.

 

Inrasara là nhà thơ có giọng điệu riêng biệt, một "hiện tượng" đang được lớp trẻ hưởng ứng và yêu mến, nên những bài viết về Inrasara được đăng tải nhiều trên các phương tiện truyền thông. Số lượng bài viết dồi dào sắc thái, "cấp độ" tình cảm khác nhau; người viết có khi là nhà nghiên cứu, nhà phê  bình văn học chuyên nghiêp. Với Inrasara, một hiện tượng phê bình khá đặc biệt, mặc dù có nhiều ý kiến khen chê trái chiều xung quanh hiện tượng phê bình của ông, nhưng hầu hết những bài viết ấy chỉ dừng lại ở mức tản mạn, những bài bút chiến trên phương tiện Internet và một số tạp chí. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy có những bài nghiên cứu, nhận định có giá trị sau:

 

Trước tiên phải kể đến nhận định của Lại Nguyên Ân trêntrang điện tửVanviet.net, 10 - 1 – 2016: “Nếu đặt cạnh tất cả các trang phê bình gần đây, không chỉ trong năm 2015 mà rộng ra bên ngoài khung thời gian ấy nữa, bạn sẽ thấy như tôi, rằng đây là trường hợp khá hiếm hoi trong đó tác giả đưa vào tầm nhìn phê bình không chỉ một vài phạm vi giới hạn nào của ý niệm thơ tiếng Việt…

 

Dù nhìn từ góc độ tư duy so sánh hay phê bình, tôi dám chắc rằng những tiền bối sáng giá trong thẩm bình thơ như Hoài Thanh hồi những năm 1940, Lê Đình Kỵ hồi những năm 1960 – 1970 chưa chắc đã thực hiện được  những thao tác nghề nghiệp như trên”.

 

Trong Luận văn Thạc sĩ Ngữ văn, 2018 của Chu Minh Anh Thơ với đề tài Đóng góp của Inrasara trong phê bình văn học cũng đã có nhận xét khá ấn tượng: “Inrasara là một nhà phê bình văn học đầy tự tin và bản lĩnh. Ông không ngần ngại đi đường trường một mình, ông viết phê bình như một hành động để tự thức và khai phóng. Các bài tiểu luận, phê bình sắc sảo của ông gây chú ý bởi tư duy và phương pháp viết mới mẻ, độc đáo. Chúng tôi tự hỏi liệu bức tranh phê bình văn học đương đại Việt Nam sẽ như thế nào nếu thiếu đi tiếng nói thẳng thắn và mới mẻ của Inrasara?”

 

“Đóng góp của Inrasara trong phê bình văn học” có thể coi là một cuộc thám hiểm vào miền đất lạ của người viết. Trong quá trình đọc và nỗ lực nhận diện lối phê bình của Inrasara, người viết đã phải không ngừng phản tỉnh và nhiều lúc, thật không dễ dàng để từ bỏ những lề lối đã in hằn trong lớp cảm, lớp nghĩ. Bởi vậy, dõi theo hành trình phê bình của Inrasara và chỉ ra những thành tựu của ông cũng là một phương cách để người viết có dũng khí từ bỏ và vượt thoát chính mình”

 

Có thể thấy, đã xuất hiện một số công trình đánh giá về sự sáng tạo và nỗ lực cách tân của hai nhà phê bình được đặt trong bối cảnh không ngừng vận động và phát triển của văn học Việt Nam đương đại. Song, đa số các ý kiến, tài liệu trên chỉ dừng lại ở việc giới thiệu, bình phẩm, phỏng vấn mang tính khái lược và đặc biệt, nghiên cứu về Phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học là vấn đề chưa có một công trình nghiên cứu cụ thểnào triển khai sâu sắc. Do đó, tất cả những ý kiến, nhận định trên sẽ góp phần định hướng, gợi mở cho chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài luận văn này.

 

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

 

3.1. Đối tượng nghiên cứu

 

Chúng tôi tập trung nghiên cứu những nét đặc sắc về phê bình thơ của hai tác giả Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học

 

3.2. Phạm vi nghiên cứu

 

Phạm vi sáng tác phê bình của hai tác giả Mai Văn Phấn và Inrasara khá phong phú và đa dạng. Nhưng trong giới hạn cho phép của một Luận văn, chúng tôi chỉ tập trung khảo sát trong phạm vi bốn tuyển tập Tiểu luận - Phê bình:

 

- Mai Văn Phấn với tuyển tập Tiểu luận - phê bình:

+ Không gian khác

 

- Inrasara với ba tuyển tập Tiểu luận - Phê bình:

+ Thơ Việt hành trình chuyển hướng say

+ Nhập cuộc về hướng mở

+ Thơ nữ trong hành trình cắt đuôi hậu tố “nữ”.

 

4. Phương pháp nghiên cứu

 

4.1. Phương pháp phân tích

4.2. Phương pháp so sánhloại hình

4.3. Phương pháp liên ngành

4.4. Phương pháp tiếp cận lý thuyết phong cách học và phong cách học văn chương.

 

5. Đóng góp của đề tài

 

Luận văn đã chỉ ra được những nét đặc sắc, độc đáo trong phong cách phê bình của Mai Văn Phấn và Inrasara, đồng thời vạch ra được những điểm gặp gỡ và khác biệt của hai phong cách phê bình này cũng như nêu được sự đóng góp của hai tác giả trong thành tựu chung của phê bình thơ hiện đại Việt Nam.

 

6. Cấu trúc luận văn

 

Ngoài phần Mở đầu, phần Kết luận và Tài liệu tham khảo, Luận văn gồm ba chương chính:

 

Chương 1: Dẫn luận về phong cách học và lý luận phê bình văn học

 

Chương 2: Phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học – Những điểm tương đồng.

 

Chương 3: Phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học – Những điểm khác biệt.

 

 

 

 

NỘI DUNG

 

 

CHƯƠNG 1


DẪN LUẬN VỀ PHONG CÁCH HỌC

VÀ LÝ LUẬN PHÊ BÌNH VĂN HỌC

 

 

1.1. Phong cách học – Lý thuyết và ứng dụng trong nghiên cứu phê bình

 

1.1.1. Khoa học nghiên cứu phong cách học

 

“Nói thế nào cho có hiệu lực?” là câu hỏi luôn được đặt ra kể từ khi loài người có tiếng nói và đã có rất nhiều lời giải đáp cho câu hỏi này trong suốt tiến trình lịch sử. Tuy nhiên, đến một thời điểm nhất định của sự phát triển xã hội, con người không chỉ bằng lòng với kinh nghiệm mà vươn đến khái quát thành các lí thuyết khoa học thông qua việc khám phá các quy luật. Phong cách học xuất hiện là kết quả tất yếu của quá trình vận động biện chứng nói trên, từ đó người ta đúc kết và nâng lên thành các quy luật nói viết có hiệu lực. Nói một cách khái quát, theo Cù Đình Tú trong công trình Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt: Phong cách học là khoa học về các quy luật nói viết có hiệu lực mà đối tượng cơ bản nhất của nó là các yếu tố biểu cảm của ngôn ngữ. Bởi lẽ tiếng nói của con người khác hẳn mọi hệ thống tín hiệu khác chính là nhờ các yếu tố biểu cảm. Tài nghệ nói viết của mỗi người thể hiện tập trung và rõ nét ở khả năng sử dụng và sáng tạo các yếu tố biểu cảm. Do đó, khảo sát các yếu tố biểu cảm là một trong những nội dung cơ bản nhất của phong cách học.

          

Tuy nhiên, điều muốn nói ở đây là chúng tôi muốn tập trung nghiên cứu về phong cách học văn chương, chứ không phải phong cách học ngôn ngữ, do đó cần phân biệt giữa phong cách học của ngôn ngữ học với phong cách học của lí luận văn chương.

          

Nếu đối tượng của phong cách học là các phong cách chức năng ngôn ngữ, nghĩa là một bộ phận của ngôn ngữ học nghiên cứu nguyên tắc, quy luật lựa chọn và hiệu quả lựa chọn, sử dụng toàn bộ các phương tiện ngôn ngữ nhằm biểu hiện một nội dung tư tưởng tình cảm nhất định trong những phong cách chức năng ngôn ngữ nhất định, do đó phong cách học của ngôn ngữ học không có nhiệm vụ nghiên cứu phong cách ngôn ngữ nhà văn mà nghiên cứu ngôn ngữ của tác phẩm nói chung, tạo thành một phong cách chức năng ngôn ngữ gọi là phong cách ngôn ngữ văn chương. Còn đối tượng nghiên cứu ở phong cách học của lí luận văn chương là phong cách ngôn ngữ nhà văn. Việc sử dụng ngôn ngữ của nhà văn phụ thuộc vào các yếu tố như: nội dung tư tưởng của tác phẩm, thế giới quan và phương pháp sáng tác, thể loại sáng tác, hệ thống chủ đề... Đây là những phạm trù lí luận văn chương mà phong cách học văn chương cần khảo sát, nghiên cứu.  

 

1.1.2. Lược sử phê bình phong cách học

          

Trong phê bình văn học hiện nay, xuất hiện nhiều thuật ngữ mới, mỗi bộ môn khoa học ra đời (điện tử học, vũ trụ học, tin học...), các nhà khoa học sáng tạo ra những thuật ngữ mới (bộ nhớ, rô bốt, computer,...). Trong nghiên cứu phê bình văn học cũng vậy, hàng trăm thuật ngữ mới ra đời và nhiều thuật ngữ được mỗi nhà lý luận hiểu một cách. Trong đó, phong cách học có thể hiểu một cách đơn giản nhất là nghiên cứu những đặc trưng ngôn từ văn chương của một tác giả, một tác phẩm.

 

Trước hết hãy nói về sự phân biệt Phong cách học cổ điểnPhong cách học hiện đại. Có thật Phong cách học cổ điển đã “hóa thân” để “trở thành phong cách học hiện đại”? Theo chúng tôi hiểu thì không phải vậy. Phan Ngọc gọi phong cách học cổ điển là một bộ phận của khoa ngôn ngữ học. Còn phong cách học hiện đại, theo ông, nếu có lại là một bộ phận của lý luận phê bình. Chúng thuộc hai lĩnh vực khoa học khác nhau.

 

Ở Việt Nam, môn học Rhétorique này được dạy ở phổ thông từ Ngữ pháp Nguyễn Lân (cuối những năm 50 thế kỷ trước) với tên gọi Mỹ từ pháp, trong đó có dạy cách “làm đẹp” từ ngữ và cả vài hình thức thể loại thơ. Sau đó tên môn được đổi là tu từ học, dạy về “những thuộc tính biểu cảm của các phương tiện ngôn ngữ để lời văn hay hơn, đẹp hơn” (Từ điển Hoàng Phê). Cuối cùng, từ 1974 môn học này lại được đổi tên là phong cách học nghiên cứu về các phong cách và cả về tu từ. Như vậy qua cách đổi tên môn học ta thấy sự thay đổi nhận thức về đối tượng môn học, nó đi từ việc làm đẹp từ, qua cả ngữ và câu và mở rộng cả tới cái đẹp ở văn bản. Và cái từ phong cách học cổ điển dùng để gọi nó là không thích hợp ít nhất với môn học ở nhà trường.

 

Xin mượn câu nói của Roman Jakovson để chúng ta cùng suy ngẫm: Giờ đây tất cả chúng ta đều hiểu rõ rằng một nhà ngôn ngữ học dửng dưng với chức năng thơ của ngôn ngữ cũng như nhà nghiên cứu văn học thờ ơ với những vấn đề ngôn ngữ học, xa lạ với phương pháp ngôn ngữ học là một hiện tượng lỗi thời quá mức như thế nào.

 

Chẳng hạn xét về thơ, ở thế kỷ XX có bốn giai đoạn quan trọng: đó là Thơ mới 1932-1945, thơ chống Pháp 1946-1954, thơ chống Mỹ 1965-1975, và thơ trong thời Đổi mới từ thập niên cuối thế kỷ XX. Thời của Thơ mới là sự ra đời và khẳng định của cái tôi cá nhân. Dẫu có bơ vơ, có cô đơn buồn tủi, rợn ngợp, dẫu có xui người ta đi vào những nẻo trốn khác nhau… nó vẫn là sự thể hiện một bước phát triển mới của con người trong tương ứng với sự phát triển xã hội. Đó là sự áp đặt nhưng lại nằm trong xu thế của thời đại, mà Hoài Thanh đã nói rất hay trong bài Mở đầu Thi nhân Việt Nam. Sự ra đời của cái Tôi này tìm được tiếng nói của nó trong Thơ mới. Tương ứng với các cá nhân trong đời, muốn thoát ra khỏi những ràng buộc vô hình chằng chịt quanh mình, Thơ mới tìm đến cái riêng, vừa như một nhu cầu bức xúc, vừa như một dỗi hờn với thực tại. “Ta là một, là riêng, là thứ nhất”, “Em là em, anh vẫn cứ là anh” (Xuân Diệu), “Đường về thu trước xa xăm lắm. Mà kẻ đi về chỉ một tôi” (Chế Lan Viên)… Rồi tương ứng với cái tôi, cái cá nhân muốn được thể hiện, được kiếm tìm trong thơ, phê bình thơ đứng trước nhiệm vụ tìm kiếm và khẳng định những gương mặt riêng trong dàn đồng ca Thơ mới – những cái riêng qua nhiều gương mặt: Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mạc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên… chỉ trên dưới 10 năm, để đến với kết thúc và tổng kết trong Thi nhân Việt Nam.

 

Với Hoài Thanh, trong khai mạc của nền thơ hiện đại, đã có một gương mặt phê bình thơ hiện đại, tương ứng và đồng hành với sáng tác, để nhận diện và tổng kết về nó.

 

Sau phong trào Thơ mới 1932-1945, thế kỷ XX chứng kiến một giai đoạn rực rỡ của nền thơ Việt Nam hiện đại, qua thời kỳ chống Pháp để đến với thời kỳ cả nước chống Mỹ 1965-1975. Một nền thơ chan chứa chất trữ tình cách mạng và âm hưởng anh hùng ca, tương ứng với một thời hào hùng của dân tộc “Xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước” (Tố Hữu) và “Ta là ta mà lại cứ mê ta” (Chế Lan Viên) “Thời đại anh hùng đòi hỏi một nền nghệ thuật anh hùng” – yêu cầu đó đã được đáp ứng trong giai đoạn thơ này, vừa như một phản đề, vừa như một sự phát triển đối với phong trào Thơ mới – thời đại của sự ra đời con người cá nhân ngót 30 năm về trước.

 

Nói thơ chống Mỹ là nói áp lực của thời đại, đưa đến một phong cách thơ bao trùm mọi khuynh hướng, mọi tìm tòi riêng của cá nhân. Khiến cho mỗi cá nhân chỉ có thể tìm được giá trị riêng của mình trong âm hưởng chung của nền thơ. Khiến cho mỗi sự đi chệch ra khỏi âm hưởng đó, quỹ đạo đó là khó được chấp nhận. Việc nhận diện và khẳng định một phong cách bao trùm của thời đại trong thơ – trở thành mục tiêu cơ bản của phê bình thơ.

 

Tất nhiên, trong phong cách cơ bản của thời đại vẫn tồn tại những phong cách riêng, giọng điệu riêng. Bởi nếu không có các giọng điệu riêng thì phong cách chung cũng sẽ không có hình hài… Nền thơ chống Mỹ, đó là bản đồng ca, rồi hùng ca của những tên tuổi Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh, Nguyễn Đình Thi, Chính Hữu, Hoàng Trung Thông… Sau các thế hệ trên sẽ đến một thế hệ cùng đồng hành với nhau mà sự xuất hiện trước – sau là không đáng kể, gồm: Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Vũ Quần Phương, Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Anh Ngọc… Những tên tuổi này đều có những nét riêng đủ cho sự phân biệt giữa người này với người kia – nhưng không phải là sự khác nhau đến rạch ròi như thời Thơ mới, vì họ bị chi phối bởi một âm điệu chung của thời đại. Phê bình thơ thời chống Mỹ có mục tiêu gắn nối giữa cái riêng và cái chung đó, giúp cho sự nhận thức vừa là sự khác nhau, vừa là sự giống nhau của cả một nền thơ. Và nếu có lúc, đi riêng và đi sâu vào một gương mặt thơ nào đó, thì gần như không làm thay đổi một trật tự đã được xác định.

 

Thời đổi mới tính từ những năm 90, là sự trở lại cái riêng, sau một thời kỳ cả nền thơ hướng tới một khuôn mặt chung “Những năm đất nước có chung dáng hình, có chung khuôn mặt”. Bây giờ là thời của đơn ca – nhưng để có phong cách riêng được công nhận là rất khó. Và tiêu chí hay – dở chung cho tất cả bỗng trở nên mơ hồ, khó mà phân biệt được. Bởi nó là sự khác nhau giữa nhiều thế hệ, nhiều xu hướng, nhiều thị hiếu, nhiều cách viết… Có nhiều kiểu người viết thì cũng có nhiều kiểu người đọc. Trong tình thế mới này, người phê bình đã hết vai trò là người hướng dẫn, hoặc đại diện cho ai. Không thể đại diện cho ai, nhưng vẫn phải có một chủ kiến của mình, có một tiêu chuẩn hay – dở cho mình, để thích hoặc không thích, tán thành hoặc phản đối, khen hoặc chê…

 

Khi mà số người làm thơ bỗng trở nên rất đông, khiến cho ai cũng có thể làm thơ, in thơ thì việc bao quát diện mạo thơ là khó, và nhận diện hay – dở càng khó hơn. Phê bình thơ rút lại chỉ còn là việc đọc, điểm một cách tuỳ tiện, và chẳng ai chịu ai trong việc khen – chê, kể cả những giải thưởng lớn, nhỏ, cũng khó tìm được sự nhất trí trong giới phê bình và bạn đọc. Khi mà phong trào thơ còn ngổn ngang như vậy thì việc tìm một tiếng nói chung, hoặc một phong cách nổi bật được mọi người chấp nhận là không dễ, công việc phê bình càng trở nên khó khăn hơn. Gần như người làm thơ nào cũng muốn tìm tòi – cho khác người, nhưng chưa tìm ra lối, chưa đạt  được hiệu quả nghệ thuật như mong muốn.

 

Vậy, hành trình phê bình phong cách học là, với trực giác và sự phân tích ngôn ngữ học, người phê bình đi từ các phương thức nghệ thuật đặc trưng của một nhà văn, một tác phẩm, đến ý nghĩa, nổi và chìm, của tác phẩm đó. Hai yếu tố này đan xen nhau, cái này nâng đỡ cái kia, để tìm, đến tối đa, văn chương của cái đẹp (hình thức) và cái đẹp của văn chương (nội dung).

 

Người đầu tiên nhắc đến từ phong cách trong phê bình văn học Việt Nam có lẽ là Nguyễn Lộc và Đỗ Đức Hiểu, nhưng người đầu tiên thực hành phê bình phong cách học ở Việt Nam là Phan Ngọc với công trình Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều . Theo Phan Ngọc, mỗi một ký hiệu ngôn ngữ có hai mặt, mặt thông báo và mặt biểu cảm. Phong cách học là khoa học nghiên cứu cái mặt biểu cảm này của ngôn ngữ. Cụ thể hơn, nó nghiên cứu các kiểu lựa chọn và giá trị biểu cảm của các kiểu lựa chọn ấy.

 

Tuy nhiên, không phải công trình nghệ thuật nào cũng có phong cách. Một tác phẩm chỉ có phong cách khi nó đạt được tính cấu trúc, tức có sự thống nhất hữu cơ của các bộ phận trong một chỉnh thể. Chính vì phong cách là một phạm trù chất lượng, nên trong nghệ thuật có được phong cách là một hiện tượng rất quý. Và, vì thế, không phải tác giả nào cũng có phong cách, thể loại nào cũng có phong cách và thời đại nào cũng có phong cách.

 

1.2. Một số vấn đề chung về lý luận phê bình văn học

 

1.2.1. Phê bình văn học

 

Theo từ điển tiếng Việt, phê bình văn học là sự phán đoán, bình phẩm, đánh giá và giải thích tác phẩm văn học, đồng thời kèm theo việc phán đoán, bình luận, giải thích, đánh giá những hiện tượng đời sống mà tác phẩm nói tới.

 

Những phán đoán phê bình xuất hiện hầu như đồng thời với sự xuất hiện của văn học, ban đầu với tư cách là những ý kiến của các độc giả thuộc tầng lớp quan trọng và hiểu biết nhất, trong số đó không ít người cũng đồng thời là người sáng tác văn học. Trong những giai đoạn về sau, khi được tách ra thành một công việc riêng, phê bình văn học vẫn mang một ứng dụng khá khiêm tốn: đánh giá khái quát về các tác phẩm, giới thiệu tác phẩm với độc giả, khích lệ hoặc chỉ trích tác giả. Với sự phát triển của văn học, những mục tiêu và tính chất của phê bình văn học trở nên phức tạp hơn, đòi hỏi bộ môn phải được phân nhánh và đa dạng hóa.

 

Phê bình văn học là một môn khoa học về văn chương. Sáng tác và phê bình đều là những hoạt động nghệ thuật mang tính sáng tạo nhưng là những hoạt động với tư duy khác nhau, phương pháp khác nhau. Phê bình là một loại hoạt động nghệ thuật có đặc điểm riêng, tính cách riêng, yêu cầu riêng khác với hoạt động sáng tác. Điều quan trọng nhất của phê bình là sự phân tích, lí giải để từ đó đánh giá, khen ngợi, hay phê phán nhằm thúc đẩy sự sáng tác của văn học.

 

Quan hệ giữa phê bình và sáng tác là mối quan hệ biện chứng. Hai hoạt động đó dựa vào nhau mà tồn tại, phát triển, nhưng không phụ thuộc vào nhau. Cả hai đều là ý thức của thời đại. Điều kiện hoạt động của phê bình là những sự kiện của thực tiễn sáng tác với những thành tựu và những vấn đề của nó. Như Biêlinxki đã nói: “Phê bình không phải phụ thuộc vào sáng tác, cả phê bình và sáng tác đều xuất phát từ thời đại, từ đặc điểm của từng loại hình văn học, chỉ có điều, phê bình là ý thức triết học của sáng tác”. Do đó người phê bình phải có sự am hiểu sâu sắc những quy luật và đặc trưng của văn học, trang bị cho mình những tri thức về khoa học xã hội, về văn hóa, lịch sử, nếu không thì khó có thể giúp gì thêm cho sáng tạo và rồi cũng sẽ rơi vào công thức, vào những nhận định chủ quan, phiến diện mà thôi.

 

Một nền phê bình chân chính là nền phê bình đấu tranh tư tưởng để tìm ra chân lí. Vậy nên, để có một nền phê bình tốt đòi hỏi phải có nhà phê bình tốt.

 

Đứng trước một tác phẩm, người phê bình phải xử lí thế nào cho xứng đáng với công phu của người sáng tác. Xuất phát từ đặc trưng về đối tượng chủ yếu của văn học, nhà văn phải phản ánh cuộc sống thế nào và đề nghị cho con người những lẽ sống gì. Đó chính là điều mà người phê bình phải quan tâm đến trước nhất và phải đủ trình độ để đánh giá cho sâu sắc và công tâm.

 

Lịch sử cho thấy, một nền văn học phát triển mạnh mẽ, kết tinh lại được ở một số cây bút lớn thì nền văn học ấy đã trưởng thành. Nền văn học lớn và phát triển toàn diện là một nền văn học có những nhà văn lớn đồng thời cũng có được những nhà phê bình lớn. Nền văn học phát triển, sự phân công trong văn học đòi hỏi phải có những nhà lí luận, phê bình để tìm hiểu, đánh giá nền văn học đó, nghiên cứu quy luật phát triển của nó, nghiên cứu những cây bút tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học ấy, của thời đại văn học ấy. Vì vậy, một người làm thơ cũng có thể đồng thời là một nhà phê bình thơ.

 

1.2.2. Phê bình thơ

 

1.2.2.1. Phân biệt phê bình thơ và phê bình văn xuôi

 

Phê bình cần chú ý đặc trưng của thể loại. Do vậy, bên cạnh điểm chung giống nhau của công việc phê bình, lại có sự khác nhau khi phê bình văn xuôi, thơ, hoặc kịch.

 

Phê bình thơ khác phê bình văn xuôi, ở chỗ nó ít được nương tựa vào đối tượng miêu tả, vào cái gọi là đề tài. Với văn xuôi, đề tài có vai trò quan trọng, quy định khá rõ nội dung phê bình.

 

Đề tài của văn xuôi là vô cùng tận, trải khắp không gian và thời gian cuộc sống con người và không giống nhau. Chỉ riêng sự khác nhau trong muôn mặt đề tài đã có thể quy định sự khác nhau trên các lĩnh vực mô tả của văn xuôi.

 

Trong khi đó, đề tài trong thơ lại hẹp, lại thể hiện ở một quy mô nhỏ, bởi đây chỉ là sự giống nhau hoặc khác nhau trong bấy nhiêu tình cảm muôn thuở của con người. Thơ về cơ bản, và như lịch sử hiện diện của nó, từ xưa đến nay, cả phương Đông và phương Tây, là những biểu hiện, những nhu cầu bộc lộ của đời sống bên trong con người, là sức chứa và sắc thái của nội tâm, là vui buồn, yêu ghét… nẩy ra trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với ngoại cảnh…

 

Tất nhiên, sự phong phú và khác biệt trong các trạng thái tình cảm của con người vẫn là cả “một thế giới” cho thơ khai thác, bởi cuộc đời và con người là cả một vũ trụ kỳ diệu và biến hoá không cùng. Chính vì không phải chủ yếu là kết quả của sự quan sát, và trải rộng sự quan sát trong không gian và thời gian như văn xuôi mà chỉ là sự chiêm nghiệm, đào sâu vào thế giới bên trong con người, để có thơ, nên phê bình thơ nghiêng về một phương thức tiếp cận khác: không phải là sự thức nhận; mà là cảm nhận. Không nghiêng về suy tư (trừ thơ triết lý) mà là cảm xúc và rung động; không hướng về phía vĩ mô của thế giới người mà thu hẹp vào những biểu hiện tinh vi, tế nhị của hồn người. Bởi thơ là loại hình cho ta đi vào nội tâm một người để hiểu mọi người, và phê bình thơ là tạo nên cái cầu nối cho mối giao cảm đó. Và do vậy mục tiêu và đối tượng của sự nắm bắt trong phê bình thơ không phải là khách thể, là cái ngoại giới được miêu tả, mà chính là tác giả, là chủ thể trữ tình của sự biểu hiện. Phát hiện của phê bình thơ (tất nhiên đây là thơ trữ tình, chứ không phải là các loại thơ khác) do vậy là phong cách, là giọng điệu. Một nhà thơ có giá trị là một nhà thơ có phong cách. Một nền thơ lớn là một nền thơ có nhiều phong cách. Chưa có phong cách thì chưa thể nói đến một nền thơ. Phát hiện ra giọng điệu riêng, phong cách riêng – nó là cái tinh tuý, cái đặc sắc của mỗi nhà thơ, để không lẫn với ai – đó là mục tiêu của phê bình thơ.

 

Không còn cái chung để mà tựa thì phải tựa vào chính mình. Phê bình cũng vậy, phải xác định cho được tiêu chí hay – dở ở chính bản thân mình và chính trong thơ. Nhưng dù có cô lập nó ra khỏi đời, thì thơ vẫn là sản phẩm của chính con người – con người của cái thời mà nó hiện diện. Nếu thơ đang trong một cuộc tìm, thì phê bình thơ, dẫu là đi sau hoặc đi trước, vẫn phải sao cho hội được vào cuộc tìm kiếm đó.

 

Như vậy, nếu phê bình văn xuôi đang hướng sự chú ý vào phương thức biểu hiện thay cho nội dung biểu hiện, thì phê bình thơ – sự bối rối nằm ở cả hai: sau chữ phải là nghĩa, nhưng sau chữ còn là “bóng chữ”

 

1.2.2.2. Các dạng thức phê bình thơ

 

Trước khi bàn sâu về tình hình phê bình văn học ở nước ta hiện nay, chúng tôi muốn đề cập đến những vấn đề đã được thống nhất trong giới nghiên cứu phê bình văn học. Đó là việc phân chia ba loại hình phê bình văn học (tất nhiên mọi sự phân chia đều chỉ có tính chất tương đối): phê bình báo chí, truyền thông (bao gồm các nhà báo và những người yêu văn học nói chung viết), phê bình hàn lâm (bao gồm các giáo sư, các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp ở các viện nghiên cứu, các trường đại học) và phê bình nghệ sĩ (bao gồm các nhà văn, nhà thơ viết) . Do đó, có thể hình dung sự đa dạng và khác biệt có tính căn bản trong bức tranh phê bình văn học của bất kỳ dân tộc nào. Nghĩa là có sự tiếp nhận văn học theo từng cấp độ, phạm vi với quan điểm, trình độ đánh giá và phê bình khác nhau ở từng tác phẩm văn học, từng hiện tượng văn học. Chưa kể đến việc công bố các bài viết của từng loại phê bình đó trên các phương tiện nào, dung lượng và cách tiếp cận ra sao cũng như tâm lý và cách quan tâm tiếp nhận của từng loại người đọc phê bình văn học có sự khác nhau như thế nào. Trong đó, cũng phải kể đến sự khác nhau của phê bình văn học vùng miền, địa phương và trung ương, cũng như đẳng cấp cao trong cách tiếp cận các phương pháp lý thuyết phê bình hoặc chỉ cảm nhận theo trình độ phổ thông.

 

Kiểu phê bình thứ nhất, phê bình báo chí.

 

Ở Việt Nam, phê bình văn học nói chung thường chỉ được hiểu như là phê bình báo chí, còn phê bình học thuật thì được hiểu như là nghiên cứu, một bộ môn của khoa học văn học. Thực ra, trong khoa học văn học không có cái gọi là nghiên cứu hoặc là nghiên cứu văn học nhằm chỉ chính cái mà ngày nay gọi là khoa học văn học, bao gồm cả lý luận văn học, lịch sử văn học và phê bình văn học, hoặc là nó chỉ là một hệ thao tác mà bất cứ khoa học nào, kể cả phê bình văn học, đều cần đến, như một công đoạn thiết yếu, cho công việc của mình.

 

Phê bình báo chí có chức năng phát hiện cái đẹp. Nó đưa ra những phán đoán thẩm mỹ về một tác phẩm, một sự kiện văn học. Nếu theo chức năng này thì phê bình báo chí thuộc về phê bình giá trị chứ không phê bình sự thật. Nhưng trên thực tế, nhất là ở Việt Nam, dưới áp lực của xã hội học mác xít, người ta vẫn thấy đầy rẫy những sự quy chiếu về hiện thực. Phê bình báo chítrước hết do các cây bút phụ trách chuyên mục “Đọc sách và phê bình” trên các báo đảm trách, rồi các thầy giáo dạy văn ở đại học và phổ thông, các nhà thơ, nhà văn thuận tay trái, hoặc các nhà phê bình tài tử. Phương pháp phê bình của họ chủ yếu là dựa vào cảm nhận, ấn tượng, trực giác hoặc nhận xét theo hệ giá trị thẩm mỹ hiện hành.

 

Phê bình báo chí, do chú trọng đến văn học đương đại, nên dễ tạo ra đời sống xã hội của văn học. Nó là phản ứng tức thì, là tiếng nói kịp thời của sáng tác văn chương. Một nền văn học không có tiếng nói của báo chí là một nền văn học chết. Nhưng một nền văn học mà chỉ có tiếng nói của báo chí thì cũng là một nền văn học chết, theo một kiểu khác. Nhà phê bình là người đọc nhanh, đọc chéo tác phẩm, rồi phát hiện ra những cuốn sách hay, những tác phẩm có vấn đề, “đáng đọc”, đưa ra một vài nhận xét định tính, hướng dẫn người đọc. Như vậy, nhà phê bình đúng là “kẻ đọc giùm” (Thiếu Sơn) cho người khác. Nhờ vậy, tiếng nói của phê bình trở nên có uy tín. Độc giả nói theo, nghĩ theo nhà phê bình ngày càng đông: một công chúng được hình thành. Công chúng lại tạo ra dư luận. Và khi dư luận đã tồn tại, nó cần được nuôi dưỡng và hướng dẫn liên tục bằng những thông tin mới, ngày càng mới, của phê bình. Tuy dư luận là con đẻ của phê bình, phụ thuộc vào phê bình, nhưng, cùng với phê bình và công chúng, dư luận lại là một “thiết chế” văn học có khả năng tác động mạnh mẽ không chỉ đối với tác phẩm, tác giả, mà cả đối với phê bình.

 

Phê bình báo chí, do phải cung cấp kịp thời nhu cầu “nóng sốt” và “đến hẹn lại lên” cho công chúng, nên không thể đi sâu vào tác phẩm. Nó không có nhiệm vụ tìm kiếm nguồn gốc của cái đẹp mà nó phát hiện được ở tác phẩm, nhất là không có nhiệm vụ lý giải tại sao như thế là đẹp. Bài phê bình, vì thế, thường dừng lại ở cấp độ đọc sách, thậm chí điểm sách. Một điều nữa, do gắn liền với một hoặc vài tờ báo cụ thể, lệ thuộc vào mục đích, tôn chỉ của nó, phê bình báo chí đôi khi buộc phải nói thế này chứ không nói thế kia.

 

Kiểu phê bình thứ hai, phê bình học thuật.

 

Phê bình học thuật tồn tại cùng lúc với phê bình báo chí. Nhưng khi yên bình, nó ẩn dưới bề sâu, nó là mạch ngầm của đời sống văn học. Đến khi có biến động, hệ giá trị thẩm mỹ hiện hành bị đảo lộn, hoặc giải thể, phê bình học thuật mới nổi lên bình diện thứ nhất của đời sống văn học, cùng với phê bình báo chí lúc này đang lúng túng, để lập lại trật tự bằng việc xây dựng một hệ giá trị thẩm mỹ khác phù hợp hơn với tinh thần của một thời kỳ văn học mới đang hoài thai.

 

So với phê bình báo chí, phê bình học thuật ít được ưa chuộng hơn. Người đọc thông thường thì chê là quá nặng nề, kém thanh thoát, lại khó hiểu bởi những thuật ngữ xa lạ. Nhà văn thì hoặc bực tức vì mình bị bỏ quên, hoặc vì tác phẩm của họ bị “mổ xẻ” bởi các phương pháp khoa học. Chỉ một số ít người nhìn vấn đề sâu hơn, có hứng thú học thuật, hoặc biết vượt qua thị hiếu đọc thông thường để bận tâm đến hiện trạng thẩm mỹ hỗn độn, thì lại đặc biệt hứng thú với phê bình học thuật. Đồng thời, với cách tiếp cận khoa học của mình, nó miêu tả và lý giải tác phẩm văn học một cách chính xác hơn, sâu sắc hơn, có lý luận hơn và, do đó, thuyết phục hơn. Và, để làm được điều đó, phê bình học thuật phải chú ý đến các lý thuyết và phương pháp, nhất là lý thuyết và phương pháp mới.

 

Tóm lại, với hầu hết các loại phê bình kể trên, thì phê bình văn học của họ đã không còn phân biệt nổi với lý luận văn học nữa. Có lẽ với bất cứ ngành nghề nào cũng vậy, sự phân biệt chỉ ở mức tương đối.

 

Phê bình học thuật, như vậy, đã thực hiện chức năng xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ. Đồng thời, nó luôn tìm kiếm, xây dựng, mở rộng, nâng cao và hoàn thiện các điển phạm này. Cùng với thời gian, hệ giá trị thẩm mỹ hiện hành càng trở nên ổn định, vững chắc và chuẩn mực. Đến một lúc nào đó, nó lại trở thành khuôn vàng thước ngọc, thành chân lý độc tôn, bó trói một thực tiễn văn chương sống động, luôn tiến về phía trước. Thế là hệ giá trị thẩm mỹ mới mẻ ngày nào nay đã khô cứng, cũ kỹ và lâm vào khủng hoảng. Như mỹ học Thơ Mới vào những năm sau 1945 đã trở nên cọc cạch với một thực thể thi ca mới mẻ, đầy sức sống của thơ buổi đầu kháng chiến, nhất là thơ không vần Nguyễn Đình Thi, nên cần phải có mỹ học mới, mỹ học của thơ hiện đại. Vì thế, cần phải xây dựng hệ giá trị thẩm mỹ mới. Phê bình văn học lúc này lại phải dũng cảm phủ định cái trật tự mỹ học hiện hành mà trước đây nó đã cố công tạo dựng, đồng thời kiến thiết một trật tự thẩm mỹ khác. Để làm được điều đó, nó phải thay đổi hệ hình (paradigme), tức tự mình phải đi trước đã. Ở đây, có lẽ cần phải nói rõ thêm một điều là phủ định trong phê bình văn học không phải là bảo nó sai, tiêu diệt nó, mà chỉ là xác định rằng hiện nay nó không còn đủ lực để giữ vai trò chủ đạo nữa, hoặc trước đây tưởng nó là chân lý phổ quát thì nay chỉ là cái đúng trường hợp. Bởi vậy, có thể nói, lịch sử phê bình văn học là lịch sử của những khẳng định và phủ định các quy chuẩn thẩm mỹ.

 

Kiểu phê bình thứ ba, phê bình nghệ sĩ

 

Nói đến nghệ sĩ là nói đến một kiểu người đặc biệt, người sáng tạo hay biểu diễn nghệ thuật như văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, ca sĩ... Họ là những “người say”, “người điên” (Chế Lan Viên); là những người “ngơ ngơ ngác ngác, chân bước chập chững trên đường đời” và có thể “nhảy xuống sông ôm bóng trăng mà chết” (Hoài Thanh); họ là người uống rượu với “thạch lan hương”, “ăn rau muống từ trong vỏ ốc, đánh bạc bằng thơ và khát khao kết bạn với Hằng Nga” (Nguyễn Tuân); họ là người “Khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” (Nam Cao); họ là những người tôn thờ cái Đẹp và sáng tạo cái đẹp, giàu hình ảnh và có trí tưởng tượng bay bổng. Họ là những ngườigiàu cảm xúc, nhiều liên hệ lý thú về đời thơ, nghề thơ, kinh nghiệm sáng tác hoặc đi sâu vào một khía cạnh của bài thơ là nét riêng thuộc phong cách phê bình nghệ sĩ. Đọc những bài phê bình này có khi thấy hay hơn cả bài thơ.

 

Do đó có thể thấy, trong lĩnh vực phê bình văn học, phong cách nghệ sĩ là lối viết phê bình đòi hỏi một sự xúc động tình cảm và một năng khiếu thẩm mỹ tinh tế. Đến với phong cách phê bình này, người viết không chỉ cần có trí tuệ sắc sảo mà cần cả tài năng văn chương nữa. Người viết theo phong cách này khám phá tác phẩm và tác giả một cách trực tiếp, trình bày bằng cảm xúc chứ không theo hành trang lí thuyết. Sức mạnh của phong cách nghệ sĩ là hành trang nghệ thuật. Cách viết này rất khó, bởi lẽ viết lý luận phê bình văn học mà có chất văn thực ra cũng là sáng tác văn học.

 

1.2.3. Sự đan xen các dạng thức phê bình

 

Cách phân loại như trên chỉ mang tính tương đối, bởi thực tế không ít trường hợp có sự giao thoa giữa các phong cách. Phong cách học đường và phong cách hàn lâm dễ lẫn vào nhau nếu bình thơ theo hướng thi pháp học. Ở một số trường hợp, phong cách học đường gần gũi với phong cách thưởng thức phổ thông khi bình thơ viết cho trẻ em. Trường hợp khác phong cách hàn lâm, phong cách báo chí đan xen phong cách nghệ sĩ làm cho bài phê bình lúc thì khuôn mẫu, khắt khe, khi lại tự do, phóng khoáng, lúc thì sâu sắc, kĩ càng, khi lại sơ sài, đơn giản,...

 

Ở bất kỳ cấp độ nào, cái quan trọng mà nhà phê bình cần đạt được để đưa ra phán xét là anh ta phải nhận biết giá trị của một chức năng phê bình lớn hơn cái anh ta nhắm tới phê bình, chức năng đó gọi là “lý giải” (interpretive). Cho dù từ lý giải có thể bị các nhà phê bình khác thay thế bằng từ “miêu tả” (description) hay từ “diễn giải” (elucidation), thì hầu hết các nhà phê bình đều đồng ý nhau về cái chính yếu nhất của công việc phê bình là: miêu tả, giải thích và lý giải.

 

Mỗi trường phái, thể loại và cách thức phê bình nghệ thuật nhắm đến những cách đánh giá và lý giải khác nhau. Nhưng dù ở cách thức nào đi nữa, chúng ta cần nắm được hai ý tưởng nền tảng sau:

 

- Thứ nhất: Một nhà phê bình nghệ thuật xuất sắc cần biết kết hợp những cách tiếp cận cũng như những phương pháp khác nhau và bởi vậy anh cần phải tránh cái mà nhà triết học Dewey gọi là “sự giản lược sai lầm” của phê bình. Để loại trừ sự quyến rũ thiên vị vào đó, nhà phê bình phải biết chấp nhận một cái nhìn đa chiều cạnh và điều đó khiến anh được tự do lựa chọn phương pháp của mình. Cái anh lựa chọn sẽ đáp ứng bao quát hơn cả qui mô thể loại nghệ thuật mà anh xem xét.

 

- Thứ hai: Cần có được những điểm mốc chính yếu thuộc phẩm chất phê bình mà nhà phê bình đem vào bài luận của mình. Nói cách khác, phương pháp không thể thay thế nổi sự cần mẫn của trí năng cũng như khả năng nhạy cảm của óc phán đoán.

 

 

TIỂU KẾT

 

Như vậy, với phần dẫn luận về phong cách học và lý luận phê bình văn học chúng ta đã có cái nhìn khái quát về phong cách học và ứng dụng của nó trong nghiên cứu phê bình cũng như cái nhìn chung nhất về sự nghiệp phê bình thơ của hai tác giả, từ đó làm cơ sở, nền tảng cho quá trình đi sâu nghiên cứu về những điểm gặp gỡ và khác biệt trong phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học. Đem lại những khám phá, phát hiện thú vị, đồng thời khẳng định thêm vị trí, vai trò của hai tác giả trong lĩnh vực phê bình thơ nói riêng và trong tiến trình phát triển văn học nói chung.

 

 

 

 

CHƯƠNG 2


PHÊ BÌNH THƠ CỦA MAI VĂN PHẤN VÀ INRASARA
TỪ GÓC NHÌN PHONG CÁCH HỌC – NHỮNG ĐIỂM GẶP GỠ

 

 

Tìm hiểu về phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học chúng ta nhận ra những điểm gặp gỡ và khác biệt đầy độc đáo của hai tác giả trong lĩnh vực phê bình. Phần này, chỉ xin tập trung làm rõ những điểm gặp gỡ thú vị trong phê bình thơ của hai tác giả trên các phương diện: phong cách, mục đích và ngôn ngữ phê bình.

 

2.1. Phong cách phê bình

          

Nhà văn Pháp Buy phông từng nói: “Phong cách ấy là con người”. Nó hình thành từ thế giới quan, nhân sinh quan, chiều sâu và sự phong phú của tâm hồn, của vốn sống, sở thích, cá tính cũng như biệt tài trong sử dụng cách hình thức, phương tiện nghệ thuật của nhà văn. Từ đó có thể hiểu, một nhà phê bình có phong cách trước hết phải bộc lộ sự sắc sảo của mình khi quyết định lựa chọn tác giả, tác phẩm làm đối tượng phê bình. Sao cho qua tác giả, tác phẩm ấy bật lên được những vấn đề, tư tưởng đáng bàn, có khả năng thu hút sự chú ý của người đọc; đồng thời thể hiện được sự độc đáo, tài hoa, uyên bác mang phong cách, sở trường và dấu ấn riêng của tác giả. Mai Văn Phấn và Inrasara đã thực sự tạo được những dấu ấn về phong cách tài hoa ấy: Phong cách phê bình nghệ sỹ và phong cách phê bình từ góc nhìn văn hóa.

 

2.1.1. Phong cách phê bình nghệ sĩ

          

Trước khi đến với phê bình, cả Mai Văn Phấn và Inrrasara đều là những nhà thơ, những người nghệ sĩ với tâm hồn nhạy cảm và giàu cảm xúc suy tư trước cuộc đời. Vậy nên khi đến với lĩnh vực phê bình, họ đã có một sẵn một hành trang giàu có về ngôn ngữ, hình ảnh, sự tinh tế, tài hoa, cảm xúc, trực giác nhạy cảm của người nghệ sĩ,… Cả hai tác giả đều cổ xúy cho phong trào thơ cách tân hậu hiện đại, đi sâu vào sáng tạo của các nhà thơ để chỉ ra những khám phá, phát hiện bất ngờ, những điểm độc sáng của từng bài thơ, nhà thơ, giai đoạn, thời kì thơ, thậm chí là sự vận dụng kết hợp kiến thức của nhiều lĩnh vực, khẳng định được tài năng và vốn hiểu biết phong phú, đa dạng cũng như vốn kiến thức sâu rộng của các tác giả.

          

Ấn tượng đầu tiên khi đến với phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara đó là những phát hiện tinh tế, nhạy cảm của nghệ sĩ mà trước hết nó được thể hiện ngay trong cách đặt tiêu đề cho những bài tiểu luận của mình. Chẳng hạn Mai Văn Phấn với một loạt những tiêu đề ấn tượng: Thơ Giáng Vân – trong suốt và tĩnh lặng, Cơn mưa ánh sáng trong thơ Lê Ngân Hằng, Mạch nước ngầm trong thơ Đinh Thị Như Thúy, Thơ Nguyễn Ngọc Tư thắp ngọn lửa xanh, Giấc chiêm bao trong thơ Nguyễn Đình Di, Ngõ nhà non lại màu rêu, … Hay trong tác phẩm Inrasara với: Dư Thị Hoàn – tiếng thơ hiện đại lạc lỏng giữa rừng thơ đương đại, Vi Thùy Linh – nỗi ồn ào cần thiết, Lam Hạnh vượt qua mình để nhìn ra ngoài, Phan Huyền Thư như thể kẹt lại ở đường biên, Đoàn Minh Châu sau chiêm nghiệm nỗi buồn… Với những nhan đề giàu cảm xúc và sức gợi ấy đã tạo cho người đọc một mong muốn được nhanh chóng “mở cửa” để bước vào khám phá vườn thơ đầy hương sắc gọi mời.

          

Lịch sử nghiên cứu và phê bình văn học đã được chứng kiến rất nhiều định nghĩa và quan niệm về thơ. Lý giải về bản chất của thơ, các tác giả nhóm Xuân thu nhã tập cho rằng: "Thơ là một cái gì huyền ảo, tinh khiết, thâm thuý, cao siêu". Còn nhà thơ Tố Hữu thì quan niệm: "Thơ là cái nhụy của cuộc sống". Dưới cái nhìn cấu trúc, nhà nghiên cứu Phan Ngọc định nghĩa: "Thơ là cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản để bắt người tiếp nhận phải nhớ, phải cảm xúc và suy nghĩ do chính hình thức ngôn ngữ này". Định nghĩa này của giáo sư Phan Ngọc đã kế thừa được những khám phá quan trọng về thơ của nhiều nhà nghiên cứu trong mấy chục năm qua. Đặc biệt, đã gợi ra một trường nghiên cứu thơ hết sức rộng rãi: thơ không chỉ là hiện tượng ngôn ngữ học thuần tuý mà chủ yếu là hiện tượng giao tiếp nghệ thuật.

 

Là một nhà phê bình đậm chất nghệ sĩ, Mai Văn Phấn Và Inrasara đều ý thức được rằng một trong những thành công của công việc phê bình thơ chính là phải phát hiện cho được những câu thơ hay, những ý thơ hay, những chi tiết nghệ thuật bất ngờ, độc đáo. Đó chính là cái rung động mãnh liệt nhưng không kém phần tinh tế và nhạy cảm mà người nghệ sĩ có được mình giúp cho công việc phê bình được hấp dẫn và thuyết phục hơn.

 

Đến với Thơ Giáng Vân trong suốt và tĩnh lặngtrong tập Phê bình – tiểu luận Không gian khác, Mai Văn Phấn đã như đồng cảm với thi sĩ trong từng câu chữ. Phải là một người giàu cảm xúc, phải là người dồng điệu tâm hồn, Mai Văn Phấn mới có những cảm nhận rõ ràng đến thế: Tâm trạng cô đơn, lẻ loi thường xuất hiện trong thơ chị, không buồn bã, day dứt, mà tự nhiên, tự tin như nó vốn có. Cầu đứng một mình với tôi một mình/ Gió thổi với mây trời/ Mặt trăng với sóng nước (Giấc mơ). Hình ảnh “cây cầu” với “tôi” đều một mình. Chữ “một mình” trong câu thơ đầu, như đã vô tình kéo giãn khoảng cách giữa các thi ảnh, mở ra nhiều góc nhìn đơn lẻ khác khác, từ gió, mây, mặt trăng, sóng… Cũng trong bài Giấc mơ có câu thơ cấu trúc lạ Tôi đứng giữa cầu, gió thổi gió lay tôi. Ít khi thấy trong thơ Giáng Vân có các điểm “giao tiếp” (ở bài thơ này: tôi… cầu… gió) hội tụ vào một “tôi” như câu thơ trên. Nhân vật “tôi” đã làm cả chiếc cầu chòng chành, chao đảo, nhưng không bị ngã vì chị đã đứng ở giữa cầu. Gió trong câu thơ đã lay chị hay chị làm ra gió không biết nữa.

 

Với Giấc chiêm bao trong thơ Nguyễn Đình Di, Mai Văn Phấn đã có những phám phá, phát hiện thú vị đem lại cho người đọc những cảm xúc bất ngờ: “Sự chân thành của câu thơ “Và sau đấy giấc ngủ của anh cũng sâu” đã vượt qua mọi thủ pháp, thi pháp. Chữ “cũng sâu” được tác giả viết lặp lại chữ “thật sâu” nằm ở ngay cuối câu thơ trên. Thông thường khi viết, đây là những từ đồng âm cùng nghĩa mà nhà thơ cần tránh dùng lại, bởi bạn đọc sẽ cho là tác giả bí từ. Nhưng trong trường hợp này, nhà thơ Nguyễn Đình Di đã cố ý dùng lại một chữ mà ông vừa dùng. Sự lặp lại này phù hợp với chuyển động “chậm dần đều” của giấc ngủ. Nó giống như một viên sỏi đang rơi vào miệng giếng, rồi liệng dần xuống đáy sâu. Nếu không có câu thơ này, cả bài thơ “Nói hộ bàn tay chai” sẽ đưa người đọc rơi vào cảm giác nhàm chán, cũ mòn. Câu thơ độc đáo trên có thể ví như cái “huyệt” trên “cơ thể” thơ đang ủ rũ, ngái ngủ…, bất ngờ được tác giả “bấm” vào thật đúng lúc, làm “toàn thân” bài thơ trở nên ấm nóng và vận động hoàn toàn khỏe mạnh”.

 

Hay trong Thức với miền hương, Mai Văn Phấn lại cảm nhận nhẹ nhàng mà tình tứ, sâu lắng mà trữ tình, đằm thắm mà yêu thương: “Miền hương” của Nguyễn Đình Di vẫn thức dậy khi chiều đã muộn. Như mỗi khi thủy triều đã lùi xa để lại bãi bờ trải dài thoai thoải, thi sỹ đã đặt từng bước chân mình lên đó, in rõ dấu vết, lún sâu xuống cát: “Mặt trời vùi vào ngực em tĩnh lặng” (Khoảng vắng). Đây là câu thơ tình hay và hiếm hoi trong tập thơ này. Nó đem đến cho bạn đọc sự nồng ấm, mặn mà, ngỡ như được nhấp chén trà thơm hương vị đất đai bên hiên một căn nhà vắng, hay trong góc một khu vườn yên tĩnh chốn thôn dã.

 

Tuy nhiên, dù đậm chất nghệ sĩ như thế nhưng phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara không đơn thuần chỉ là trực giác, ấn tượng. Cùng với sự kết hợp với phê bình học thuật, sự đan xen của các dạng thức phê bình, cả hai tác giả đã thể hiện được khă năng và bản lĩnh của mình trong lĩnh vực phê bình thơ.

 

Bằng những liên tưởng phong phú và những khám phá, phát hiện bất ngờ, Mai Văn Phấn đã khẳng định hơn nữa tài năng và trí tuệ của mình. Bởi bên cạnh những khám phá, phát hiện đầy thú vị ấy là sự am hiểu về nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề mà nếu không có trình độ, kiến thức thì đọc để hiểu đã khó huống gì viết ra cho người khác hiểu lại càng khó hơn.

 

Am hiểu kiến thức về lĩnh vực mình nghiên cứu, tất yếu, Mai Văn Phấn còn thể hiện kiến thức sâu rộng của mình trên nhiều lĩnh vực: văn học, toán học, vật lí, âm nhạc, hội họa, điện ảnh. Chỉ trong bài “Thơ Nguyễn Lương Ngọc, những cách tân khởi đầu, chúng ta đã cảm nhận được sự tài hoa, uyên bác đó: “Nếu thiết kế không gian trong tập thơ “Từ nước” có thể ví với hình học phẳng, thì một số bài thơ trong tập thơ “Ngày sinh lại” đã tạo cho bạn đọc cảm giác về hình học không gian. Những hình ảnh trong đó thường đứt đoạn, cắt nhỏ, biệt lập... để ráp nối lại trong không gian trừu tượng với nhiều góc nhìn từ nhiều hướng. Nhà thơ không quan sát đối tượng ở một góc cố định mà đồng thời phân chia thành nhiều mặt khác nhau, tạo những liên tưởng phức hợp, cho bạn đọc cảm nhận như đang xem một bức tranh lập thể: Tôi xanh da trời/ Em tôi thì trắng/ Hai anh em tươi/ Sương dâng ngang người (Tiên cảm).

 

Một đoạn khác, anh viết: Nếu trong tranh lập thể, các bề mặt của hình họa, mặt phẳng giao nhau không theo quy tắc phối cảnh, làm cho người xem nhận ra chiều sâu của bức tranh, thì trong thơ Nguyễn Lương Ngọc, những chuyển động của hình ảnh thường đứt quãng, đột ngột, mở ra nhiều liên tưởng bất ngờ, gợi nhiều chiều kích của cảm xúc, mở thêm những biên độ tưởng tượng phong phú và mới lạ.

 

Cách phê bình thẳng thắn nhưng không kém phần dí dỏm và tinh tế: Bên cạnh một số bài thơ trong tập thơ “Lời trong lời” quy tụ tài năng, điểm hội tụ của lộ trình cách tân thi pháp của nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc, ta gặp khá nhiều bài thơ còn nông cạn ý tưởng, hời hợt, mờ nhạt cảm xúc. Có cả những bài như ông cố tình buông lỏng dây cương cho ngựa quay về đường cũ, có thể điểm tên như: “Nhịp nhàng”, “Vào hạ”, “Một vòng Hà Nội”, “Quanh quẩn”, “Dịu dàng ở nguồn suối”, “Tiếng yêu”, “Trong tinh mơ Cam Ranh”, “Thao thức cùng Phan Thiết”, “Sóng lăn tăn bình minh”... Đọc những bài thơ này, tôi liên tưởng nhà thơ giống như một phi công, khi lấy được độ cao cho máy bay thì ông đã cài tự động hệ thống điều khiển. Có lúc ngỡ ông như còn lơ là ngồi uống cafe, rồi nghĩ lan man mà ít chú ý tới đường bay có gặp nguy hiểm hay không...

 

Và Mai Văn Phấn khẳng định, phê bình cũng chính là cách để rút ra những bài học, những chiêm nghiệm và hướng đi cho mình trong sáng tác: Khi xếp những tập thơ của Nguyễn Lương Ngọc cạnh nhau, “Từ nước” - “Ngày sinh lại” - “Lời trong lời”, tôi nhận ra những cột mốc của một hành trình, một lý tưởng thi ca xuyên suốt: sáng tạo chính là sự lột xác, hoài thai, sự tái sinh...

 

Đồng ý tưởng và quan niệm đó của Mai Văn Phấn, Inrasara cũng đã khẳng định được sự chắc tay của mình trong công việc không ít truân chuyên mà đầy duyên nợ này như Phan Ngọc từng nói: Với mỗi tác phẩm văn học, giá trị, sức sống trường tồn, tác động của nó đến đời sống như thế nào phụ thuộc một phần quan trọng vào người phê bình, nghiên cứu. Vì thế, bên cạnh sự nhiệt tình, công tâm, khả năng cảm thụ... còn đòi hỏi người làm phê bình, nghiên cứu văn học có kiến thức chuyên môn, phương pháp phù hợp

 

Đến với thơ của Du Nguyên trong Tiệm tiến mà vẫn quyết liệt, Inrasara cảm nhận: Nỗi cô đơn ngoại nhập, không là của mình. Nó cần bị phân hủy. Tôi phải tiêu hủy nó. Làm thế nào? – “Bào ngọt tâm”, Du Nguyên nghĩ thế. Và thi sĩ này đã quyết làm thế.

 

Tôi nhặt lọn tóc đen cuối cùng tết bằng kỉ niệm

Và những khuôn mặt đêm lượn về trên phố

Cùng mùa thu vầng trăng hình như khuyết

Gửi vào số máy 09…015

 

“Tn nhắn gửi tới số 09…015 chưa thực biện được.

(Bào gọt tâm) [19,tr.146]

 

Hay đến với Vũ Thiên Kiều, trong Chuyển một giọng thơ Inrasara đã phát hiện: Sau tháng ngày dài bức bối và nung nẫu của chờ và nhớ, với một nắm đạm thương rên rẩm nhớ/ ngày rộp đói những ngọn môi hỉ xả. Khi “ngọn thức sáng” và “lụt gõ cửa”, ta đưa nhau về nguyên thủy loài người – như một ca từ nhạc sến xưa, thi sĩ hết còn ngại ngần lột tả và phơi bày mọi góc cạnh của hành cử giao hoan. “Anh múc tưới em, mũi em ngạt/ dị ứng mùi xa anh”. “Chạm nhau giữa vùng nước xoáy/ nở mắt suối/ ngọt hụt hơi em” (Đố những ngọn môi, NXB Hội Nhà văn, 2014). [19,tr.122]

 

Một phát hiện khác của Inrasara khi đọc thơ Nguyễn Quang Thiều: Nguyễn Quang Thiều ngược lại, được cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ở thế thượng phong, anh biết tận dụng cơ hội khuếch trương tối đa giọng thơ tìm thấy. Nghĩa là bên cạnh tài năng, thơ Nguyễn Quang Thiều nhận đủ đầy yếu tố thuận lợi khác. Đồng tình hay không, thơ anh vẫn có hấp lực nhất định, tạo ảnh hưởng lan tỏa lên thế hệ thơ trẻ khu vực phía Bắc”. [18,tr.196]

 

Theo Inrasara, chỉ vài năm trở lại đây, bằng thủ pháp vắt dòng, bằng cố ý tạo nhịp trúc trắc , nhịp chỏi, các nhà thơ trẻ đã làm mới cái mới của thơ tự do: một đóng góp quan trọng vào cách tân nhịp điệu thơ Việt:

 

Nằm nghiêng lạnh

hơi lạnh cũ.   Ngoài đường khô tiếng ngáy

Nằm nghiêng. Mùa đông

Nằm nghiêng trên thảm gió mùa.

(Phan Huyền Thư, Nằm nghiêng, NXB Hội nhà văn, 2002)

 

Hay:

 

Rốt cuộc

Người đàn ông luôn bị chính cái đầu mình lừa dối

Không gì ngăn cản không gì thôi thúc

Người đàn ông bước theo sau dòng chảy cần mẫn thu lượm bóng cái đầu của chính mình và trả lời thay cho cái đầu về những điều chưa bao giờ cái đầu tự hỏi

Trong khoảnh khắc ấy.

(Trần Tiến Dũng, Hiện, NXB Thanh niên, 2000)

          

Một lần nữa có thể khẳng địnhcông tác phê bình không phải là chỉ của riêng những người làm phê bình. Bất cứ ai yêu thơ, tâm huyết với thơ, thấu cảm cùng tác giả đều có thể bày tỏ chính kiến của mình. Phê bình thơ có thể xem là quá trình đồng sáng tạo. Nhưng có điều, những nhà thơ làm phê bình thơ, những nhà phê bình theo phong cách nghệ sĩ sẽ có những lợi thế nhất định không dễ mấy ai có được. Sự nhạy cảm trong phát hiện,sự tinh tế trong nhận thức, sự phong phú trong cảm xúc, sự kịp thời trong nắm bắt xu thế chung của thời đại,… Tất cả đó đã đem lại sức hấp dẫn và thuyết phục rất riêng cho phê bình thơ của Mai văn phấn và Inrasara.

 

2.1.2. Phong cách phê bình đậm màu sắc văn hóa.

          

M. Bakhtin – nhà nghiên cứu triết học, văn học và các khoa học nhân văn – cho rằng: “Văn học là một bộ phận không thể tách rời của văn hoá. Không thể hiểu nó ngoài cái mạch nguyên vẹn của toàn bộ văn hoá một thời đại trong đó nó tồn tại. Không được tách nó khỏi các bộ phận khác của văn hoá” [3, tr.157]. Bởi vậy, không thể phủ nhận rằng giữa văn hoá và văn học có mối quan hệ gắn bó mật thiết. Đó vừa là cơ sở lí luận vừa là cơ sở thực tiễn về mối quan hệ giữa văn hoá và văn học.

          

Phê bình văn học từ góc nhìn văn hoá là lựa chọn khai thác các giá trị, các yếu tố văn hoá bản sắc được thể hiện trong văn học, trong đó có những giá trị đặc thù của từng vùng miền, của từng giai đoạn văn hoá, những giá trị tinh hoa trong đời sống, trong những mối quan hệ của con người với tự nhiên và xã hội,… Những thành tố văn hoá cụ thể biểu hiện các giá trị trên có thể là phong tục tập quán, tín ngưỡng, lễ hội, nghệ thuật truyền thống hay ngôn ngữ, tính cách con người,…

 

Với những trải nghiệm, sáng tạo của một nhà thơ đồng thời cũng là một nhà phê bình, Mai Văn Phấn đã thâm nhập vào thế giới của các nhà thơ khác, giải mã cách tạo lập không gian, kết nối điểm nhìn của họ. Tác giả đã tinh tế khi nhận ra, Dương Kiều Minh, “mang hơi xuân từ những cánh đồng”, Nguyễn Lương Ngọc và những cách tân khởi đầu, lộ trình cách tân của Nguyễn Quang Thiều, không gian xa trong thơ Trần Tiến Dũng, “ngọn lửa xanh” trong thơ Nguyễn Ngọc Tư… Đặc biệt, Mai Văn Phấn đã dành sự ưu ái cho Gjekë Marinaj (nhà thơ Hoa Kỳ gốc An-ba-ni), Müesser Yeniay (nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ), Rati Saxena (nhà thơ Ấn Độ) bởi đây là những thi sĩ tiêu biểu cho khuynh hướng thơ ca hiện đại trên thế giới. Nếu Gjekë Marinaj vừa mang màu sắc hiện đại, có dấu ấn của những khuynh hướng tiền phong mà vẫn đậm hơi thở truyền thống An-ba-ni, thì Müesser Yeniay lại là một tâm hồn Thổ Nhĩ Kỳ đầy kiêu hãnh, một Rati Saxena với những bài thơ làm hiện hình nền văn hóa Ấn Độ thâm trầm, sâu xa mà kỳ vĩ… (Từ những “Không gian khác”, Thanh tâm). Từ đó Mai Văn Phấn luận giải về mối quan hệ giữa người đọc và đổi mới thơ, cũng như với thị hiếu thẩm mỹ của công chúng. Thơ cần đổi mới và người đọc cũng cần thay đổi để có thể tiếp nhận các giá trị mới. Nếu sáng tác là hành trình vượt thoát, phủ định những cái đã qua, thì việc đọc cũng tương tự như thế, người đọc đòi hỏi cần có những tác phẩm hay, mới lạ. Đứng từ góc độ lý luận, có thể thấy Mai Văn Phấn đã chạm đến những vấn đề căn bản của lý thuyết tiếp nhận, về người đọc, về bản chất của văn bản, ngôn ngữ và tác phẩm văn chương.

 

Chẳng hạn trong bài Nơi tụ hội ánh sáng, Mai Văn Phấn đã viết: Tập thơ “Cánh trăng” của Đinh Trần Phương đã góp phần làm phong phú, giàu có thêm thơ Việt đương đại. Nó khước từ sự cô tịch, trầm mặc, bi ai trong thơ haiku cổ điển để đến với sự thanh thoát, nhẹ nhàng, hiện đại. Đặc biệt, nó không cố ý ghìm nén biểu lộ cảm xúc mà chủ ý biểu đạt sự lãng mạn, tươi non, mở cho bạn đọc một thế giới thơ mới mẻ, trẻ trung, tràn đầy ánh sáng. Xin trích đoạn trong Lời kết tập thơ của Đinh Trần Phương, với tôi, đây là bài thơ văn xuôi khơi mở và giàu phức điệu, là độ mở của cánh cửa xoay, độ tương phản sáng tối của màn hình để những bài thơ trong “Cánh trăng” được sáng ý, rõ nét hơn. Tôi trở về nhà, đến ngồi với ông bà nhìn ra cửa sổ. Phía trước có một cái cây tán rộng. Tôi hỏi, ông bảo đó là cây hoàng quyên. Một con chim hoàng quyên bay qua bay lại rất vui vẻ. Tôi đoán con chim là linh hồn của cái cây kia, hoặc cũng có thể ngược lại, cái cây là linh hồn của con chim.

          

Đến với phê bình thơ của Mai Văn Phấn, cảm giác như bắt gặp một người với hai nét tính cách, một là gương mặt dịu dàng, thanh mát của đồng quê; một là gương mặt của nhà hiền triết đầy suy tư, bí ẩn. Khi nhận xét về thơ Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn viết: “Trong tập thơ đầu tay của Nguyễn Lương Ngọc, bạn đọc thấy được nỗ lực và sức bền của một mầm cây vừa bật lên trong mùa đông khắc nghiệt” (Không gian khác, tr.29). Hay trong một đoạn khác: “Cả mặt đất và khoảng không trong câu thơ như vừa chuyển động, vừa khép cánh đậu xuống. Nhà thơ đã bất ngờ đưa bạn đọc đến một bến đỗ trừu tượng, nhà ga của những chuyến bay của vạn vật. Mọi người đang chuyển động, cả những ai đọc đoạn thơ này cũng ngỡ như vừa “khép cánh” đậu xuống sau đường bay bí ẩn của riêng mình, để rồi lại bình tĩnh sống, bình tĩnh chiêm nghiệm khi biết Bí mật chuyến bay cánh giấu đi rồi”. [26, tr.34].

          

Mai Văn Phấn từng tâm sự “Thơ ca đã dạy tôi làm người. Chính tác phẩm của tôi đã quay lại dạy tôi tất cả”. Niềm khao khát của Mai Văn Phấn là tìm được một giọng thơ hiện đại thuần Việt chứ không “sa lầy” trong các quan niệm cũ hay các trường phái mà thơ ca nhân loại đã đi qua.

          

Cũng quan tâm đến thế hệ các nhà thơ cách tân – hậu hiện đại, nhưng trên hết, trước khi xuất hiện với tư cách là nhà thơ, nhà nghiên cứu, phê bình thì Inrasara là nhà nghiên cứu và sưu tầm văn hóa – văn học Chăm. Tên tuổi của Inrasara không chỉ gắn liền với quá trình đổi mới, cách tân thơ Việt sau 1975, mà còn gắn liền với công lao phục hưng những giá trị quý báu của dân tộc Chăm, đưa văn hóa Chăm hòa nhập với đời sống hiện đại, làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc. Đó cũng chính là điều làm nên cá tính táo bạo, nổi bật của Inrasara trong hành trình sáng tạo của mình.

          

Sinh ra tại làng Chăm Chakleng – tỉnh Ninh Thuận, được nuôi dưỡng bởi bầu sữa Chăm nên có thể hiểu vì sao xuyên suốt trong sáng tác của Inrasara là mạch cảm hứng bất tận về con người Chăm, số phận Chăm, văn hóa Chăm, và cả những bước chuyển mình đầy vất vả, nhọc nhằn của xã hội Chăm nhỏ bé trong cơn lốc toàn cầu hóa. Có lẽ không phải chỉ Inrasara mới yêu mến văn hoá Chăm, mà văn hoá Chăm đã chọn Inrasara từ tiền kiếp.

 

Inrasara “có một tập thơ sáng tác bằng tiếng Chăm và một bộ sưu tập văn học cổ điển Chăm” từ hồi còn đi học. Năm 1975 Sara khởi thảo Từ điển Việt - Chăm. Năm 1992, anh hoàn thành bộ sách Văn học Chăm. Năm 1984 biên soạn Từ vựng học tiếng Chăm. Năm 1994, viết xong Văn học Chăm I- Khái luận. Năm 1995, in Văn học dân gian Chăm. Sau cuốn Văn học Chăm II- Trường ca (1995), Inrasara công bố tập tiểu luận Các vấn đề Văn hoá xã hội Chăm (1999). Năm 2003, Inrasara cho in cuốn Văn hoá xã hội Chăm, nghiên cứu và đối thoại… Càng ngày công trình của Inrasa càngdày dặn và càng chứng tỏ được bút lực dồi dào của tác giả. Nói đến Inrasara có thể hình dung về một “vùng Chăm” cổ kính…

 

Sáng tác và nghiên cứu ở Inrasara luôn song hành với nhau. Có thể nói chúng đã hoà vào nhau, chuyển hoá cho nhau. Cảm hứng sáng tác thôi thúc Inrasara sưu tầm, nghiên cứu. Công việc nghiên cứu văn hoá Chăm ở Sara đơm hoa rồi kết thành những trái thơ ngọt ngào.

 

Inrasara từng tâm sự: Bên cạnh việc sưu tầm, nghiên cứu, “tôi phải nhìn sông Lu từ một chiều kích khác, đến với sông Lu bằng những bước đi khác”. Nàng thơ hiểu tâm nguyện ấy của Inrasara nên xuất hiện kịp thời. Ả thơ tự nguyện thực hiện chức năng mang chở văn hoá. Thơ Inrasara kết đọng vẻ đẹp của văn hoá Chăm. Thơ của Inrasara biểu hiện cái nhìn đầy suy tư về con người Chăm, tâm tính Chăm. Có một “vườn Chăm” trong thơ Inrasara.(Trần Thiện Khanh  - Inrasara nhà nghiên cứu văn hoá Chăm, Tạp chí Sông Hương – số 247).

 

Và để nhập lưu văn chương Việt Nam đương đại, các cây bút Chăm không thể chối từ phương tiện diễn đạt bằng tiếng Việt. Tháp nắng của Inrasara xuất bản năm 1996 được xem là một cách khởi động, nhưng chỉ khi đặc san Tagalau ra đời năm 2000, các cây bút người Chăm viết tiếng Việt mới nhập cuộc thực sự. Hàng loạt tên tuổi xuất hiện và tìm được giọng điệu riêng. Trên nền bản sắc cũ. Họ biết tiếp nhận các trào lưu văn chương mới, các thủ pháp mới, “lai ghép” để tạo nên bản sắc mới.[17, tr. 68]

 

Không ngừng nhận diện và khám phá, phát hiện những cái hay, cái mới, cái độc đáo của nghệ thuật, Inrasara miệt mài nhưng không kém phần khắt khe trên hành trình nghiên cứu và sáng tạo nghệ thuật của mình. Để rồi cũng có lúc Inrasara vỡ òa hạnh phúc khi phát hiện ra những bước chuyển đáng trân trọng của nghệ thuật: Hội nhập cùng dòng chảy của văn chương thế giới, khi các thủ pháp ấy không còn đáp ứng trúng nhịp cảm thức thời đại, không ít nhà thơ Chăm đã biết vận dụng các thủ pháp hậu hiện đại vào các sáng tác của mình. Trộn lẫn ngôn từ và hình ảnh có mặt trên vi tính để làm thành thơ thị giác, cắt dán hay giễu nhại. Trần Wũ Khang của “Nỗi niềm phê bình” là một:

 

Có lẽ những giọt nước mắt đã khóc vào khẩu hiệu

vào trăn trở của nỗi niềm phê bình

là những giọt nước mắt phim bộ

có lẽ

 

Từ đại hội năm ngoái khóc

sang tập áp cuối

năm nay

(Và để làm gì, thi sĩ...?)

 

Đến với tiểu luận – phê bình của Inrasara, chúng ta luôn cảm nhận một tâm hồn luôn trĩu nặng nỗi niềm suy tư, trắc ẩn. Là khát khao phục dựng nền văn hóa dân tộc Chăm, là mong mỏi đưa văn hóa Chăm hòa nhập vào đời sống hiện đại, làm phong phú thêm nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chúng ta có thể thấy rõ điều đó trong niềm tự hào của Inrasara khi nhìn về ba tác phẩm văn học Chăm ấn tượng: Mỗi tác phẩm nghệ thuật lớn thật sự hầu như chỉ xảy đến một lần, như thể tạo hóa đúc ra cái khuôn cho riêng nó rồi đập vỡ khuôn đi. Nên tất cả những tác phẩm bắt chước nó đều là thứ phẩm. Một Ariya Bini – Cam, Ariya Glơng Anak, Pauh Catwai hay Ariya Nau Ikak không kéo lê dấu vết các sáng tác có trước nó. Nó là độc sáng và độc nhất. [...] Ba tác phẩm như là ba ngọn tháp đứng biệt lập trong văn học dân tộc. [...] Và dù đó là các tác phẩm văn chương nhưng chúng cho ta một hiểu biết sâu rộng về nhiều lĩnh vực. Đọc tác phẩm, người đọc luôn có cảm giác các tác giả phải là những đại trí thức hàng đầu của Chăm lúc đó. ...[17, tr.88]. Thậm chí Inrasara còn tin tưởng rằng “Nếu hậu hiện đại trang bị cho nhà văn Chăm cảm thức mới, thì toàn cầu hóa cung ứng cho họ mọi phương tiện để hành động. Họ có thể “nhảy thẳng vào văn chương hậu hiện đại, mà không phải đi xuyên qua hiện đại” (Hoàng Ngọc Tuấn – 2002) [17, tr.69].

 

Táo bạo là thế, quyết liệt là thế nhưng cũng có lúc đó Inrasara lại trăn trở, suy tư: “...Về kĩ thuật thơ, thơ Việt Nam của thế hệ hậu hiện đại mới chưa có gì nổi bật. Nhưng chính thái độ thơ của họ, nhất là tinh thần toát ra từ thơ họ nói lên tất cả. Đó là thứ tinh thần mở - trọn vẹn, toàn triệt, sự vô ngại trong và với thế giới hiện tại. Thơ họ là văn bản sống hiện hữu bừa bộn và trộn lẫn trong thế giới đa tạp, chúng đòi hỏi sự tương tác nhiều chiều. Và chỉ qua tương tác, chúng mới tồn tại đúng như chúng là. Chúng cần một lối tiếp cận mới: Phê bình mở...” (Inrasara, Thơ Việt, thế hệ hậu hiện đại mới, Tạp chí Sông Hương – số 330, 2016)

 

Xin mượn lời tâm sự của Inrasara để một lần nữa khẳng định vai trò và sứ mệnh của những người làm công tác nghiên cứu, phê bình: Thời đại khác, quan điểm thơ cũng khác. Các nhà thơ đương đại không viết khi đã xác định con đường, hay khi đã “tìm thấy mình”, mà vừa viết vừa tự khám phá chính mình. Khám phá mình ngay trong hành động viết và qua quá trình viết. Chuyển động và thay đổi. Do đó, để bắt kịp với sự chuyển mình, của văn chương đương đại, các nhà thơ thời kì Đổi mới, thời kì hậu hiện đại cũng phải không ngừng tự làm mới mình, thay đổi cả tư duy thẩm mĩ, thậm chí mỗi nhà thơ đồng thời cũng là những nhà phê bình văn học, phê bình để tự cảnh tỉnh, phê bình để nhận đường, phê bình để sáng tạo...

          

Để làm nên những thành công và góp thêm diện mạo cho phê bình văn học, Mai Văn Phấn và Inrasara đã không ngừng nỗ lực học hỏi, tìm tòi và sáng tạo. Mai Văn Phấn và Inrasara đều là những người đọc nhiều, hiểu nhiều và có trường văn hóa rất mạnh. Cả hai tác giả không chỉ giàu cảm xúc, nhạy cảm, tinh tế trong nhận thức mà còn có vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa của nhiều vùng miền, nhiều ngôn ngữ. Đó là sự kết hợp của văn hóa truyền thống và hiện đại, của văn hóa Chăm, hay cả sự kết hợp của văn hóa phương Đông và phương Tây. Một trong những điều làm nên thành công đó là cả hai tác giả đều rất giỏi về ngoại ngữ, đi nhiều nơi, khám phá nhiều điều, học hỏi thêm nhiều kiến thức, từ đó cả hai không chỉ mở rộng văn học Việt Nam ra tầm quốc tế, được bạn bè quốc tế quan tâm mà thậm chí còn đưa văn học Việt Nam hội nhập với thế giới.

 

2.2. Mục đích phê bình

 

Nhà phê bình trước hết là một cá thể, một người đọc thông thường sau nữa mới là một người đọc trên cấp độ tinh anh.Trong quan hệ với nhà thơ, nhà phê bình giống như một thám tử. Từ tham vọng khai mở thế giới đóng kín của thi sĩ đến hy vọng gặp gỡ và giao tiếp – trong tư cách kẻ khác, nhà phê bình bắt đầu hành trình của mình.

 

Phê bình trong ý nghĩa sâu xa nhất của nó là quá trình tìm kiếm chính mình. Nhà thơ và tác phẩm chỉ là đối tượng của phê bình ở tầng thứ nhất. Kể từ lần gặp gỡ đó, nhà thơ và tác phẩm như một cảm hứng, một nguyên cớ, gợi dẫn, thách thức, thôi thúc chủ thể phê bình dấn bước đi tìm bản lai diện mục của mình. Như thế, có thể nói, phê bình làm hiện lên chân dung nhà phê bình bên cạnh chân dung nghệ thuật của nhà thơ. Trên thực tế, dù có nhiều nhà thơ và nhiều nhà phê bình, nhưng hiện diện như là một tiếng nói, một giá trị, một chân dung trong đời sống văn chương nghệ thuật lại không nhiều.

 

Tìm hiểu về phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara từ góc nhìn phong cách học, người đọc nhận thấy ở hai tác giả có những điểm tương đồng khá bất ngờ, thú vị, và một trong những điểm tương đồng đầu tiên đó chính là mục đích phê bình, được thể hiện trên các phương diện sau.

 

2.2.1. Nhập cuộc về hướng mở

 

Mai Văn Phấn không có ý định viết phê bình. Từ những năm 90 của thế kỷ trước, tác giả chỉ tập trung sự đam mê vào lộ trình đổi mới thi pháp theo khuynh hướng cách tân đã tự hoạch định cho mình. Nhưng cũng từ đó thơ cách tân đã “thành một vấn đề” khiến nhiều người quan tâm, thậm chí tổ chức cả những hội thảo chuyên ngành về đổi mới thi pháp. Là người sáng tác, tiếp nhận nhiều luồng ý kiến khác nhau cũng như cả những tranh cãi đa chiều về thơ ca truyền thống và cách tân, sự lệch pha giữa nhà thơ và bạn đọc, Mai Văn Phấn dần hình thành ý thức phản tỉnh và luôn đặt câu hỏi cho mình, rằng thơ ca Việt Nam đang ở vị trí nào trong xu hướng hội nhập toàn cầu? Câu hỏi này luôn thôi thúc tác giả cho đến tập thơ thứ 6 “Vách nước” (năm 2003), tác giả quyết định viết tiểu luận, phê bình không ngoài mục đích bày tỏ chính kiến về một khuynh hướng thơ, tìm ra sự khác biệt căn bản của thế hệ Đổi mới với thế hệ trước.

 

Hỏi về phản ứng của các nhà thơ và chung quanh việc phê bình thơ, Mai Văn Phấn tâm sự: “Trong số 24 tác giả tôi giới thiệu, có người tôi quen biết, có người ở mức thân, nhưng cũng có người tôi chưa biết mặt. Song khi phê bình, tôi đều viết một cách… bí mật; nghĩa là chẳng ai biết tôi sẽ viết về họ thế nào? Chỉ đến khi xuất hiện trên” giấy trắng mực đen”, mọi người mới bất ngờ. Có người nói vui rằng tôi mê mải với người này mà quên mất người kia. Có người nói tôi “bình” như…  nhập đồng, “phê” hơi ít nhưng trúng. Nhưng được nhất là chưa có ai gọi tôi là nhà phê bình cả. Tôi thấy rất đúng, vì nhà phê bình thì phải trau dồi nhiều lắm. Tôi tuy phải đọc nhiều, đọc kỹ, thậm chí phải “đào bới” tư liệu thì cũng chỉ là trải nghiệm, phục dựng và lý giải không gian thơ của các nhà thơ Đổi mới theo cách nhìn và quan niệm thẩm mỹ của riêng tôi. Ví von thì tôi tự đánh chìa khóa để mở cửa ngôi nhà tìm ra ánh sáng riêng của mỗi nhà thơ mà tôi biết”.     

          

Cũng như Mai Văn Phấn, Inrasara đã thể hiện rất rõ mục đích phê bình của mình. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Inrasara đã nói: “Tôi sáng tác (thơ, tiểu thuyết) và nghiên cứu văn chương – ngôn ngữ Chăm là chính, làm phê bình chỉ là thế buộc. Khi thấy vài tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm, trào lưu văn chương có tiềm năng nhưng bị giới thuyền thông bỏ qua oan uổng hay bị ngược đãi bất công, tôi tự cho mình trách nhiệm nhập cuộc. Nhập cuộc bằng ghi nhận chúng, bày ra cái hay, cái mới của chúng đến với người đọc, truy tìm triết học trên đó loại thơ văn này nảy sinh và, nếu cần – biện minh cho chúng. Tôi gọi đó là phê bình lập biên bản. Là phê bình không chối bỏ một nỗ lực làm mới nào, trào lưu sáng tạo trên nền tảng hệ mĩ học nào bất kì; ứng xử công bằng và sòng phẳng với mọi tác phẩm, tác giả hay nhóm tác giả.

 

Hay cũng trong một cuộc phỏng vấn khác, tác giả nói: “Viết phê bình, với mình, chủ yếu là để tự cảnh giác với cái nhàm cũ trước, sau đó mới tới các bạn thơ khác”.

 

2.2.2. Khai phá để sáng tạo

 

Bên cạnh việc phê bình thơ để giới thiệu những gương mặt thơ trẻ trong thời kì đổi mới, Mai Văn Phấn và Inrasara còn có mục đích khác là phát hiện và khai phá, tìm ra những điểm mới, những điểm độc sáng để không ngừng làm mới cho các sáng tác của chính mình. Đó cũng chính là quá trình lao động không kém phần kì công của hai tác giả.

 

Trong tập Phê bình - Tiểu luận Không gian khác, qua 25 bài phê bình và 4 tiểu luận cùng chủ đề thơ cách tân, Mai Văn Phấn khẳng định một điều: Không phải cứ cách tân là hay, là nhất. Có những câu thơ viết theo lối cách tân mà bàng bạc, nhạt nhòa thì không thể xếp ngang hàng với câu thơ viết theo lối hình học phẳng có thần thái. Vấn đề ở chỗ một thế giới thơ ca đã khai mở ắt cần phải đi tiếp và sứ mệnh của các nhà thơ là không ngừng sáng tạo để tạo ra giá trị nghệ thuật mới. Thơ cách tân khi đã là một khuynh hướng thì cũng cần có sự kế tiếp và luôn có những ý kiến phản biện. Phản biện để thơ cách tân chuyển động tích cực hơn, mạnh mẽ hơn trong xu hướng hội nhập toàn cầu. Âu cũng là thái độ đúng đắn của Mai Văn Phấn khi viết phê bình.

 

Chẳng hạn khi cảm nhận về thơ Nguyễn Lương Ngọc, Mai Văn Phấn đã có những khám phá, phát hiện mới mẻ:Nguyễn Lương Ngọc đã xuất phát từ cách hành ngôn quen thuộc trong thơ truyền thống, như lối ẩn dụ, ví von của ngôi thứ ba trong vai trò người quan sát trong tập thơ “Từ nước”, như:

 

Hạt phấn vàng nhẹ như không có (Tương quan).

Mưa cuồng nộ ngoài kia chỉ còn như điệp khúc (Hy vọng).

Người lớn như suối sông, lũ trẻ thì như nước (Đường và trẻ).

          

Đến cách chuyển đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất, nhân vật đang trực tiếp cảm nhận, hành động. Đây là sự hoàn thiện của quá trình trình hóa thân, chuyển hóa từ cái tôi chủ thể sáng tạo thành hình ảnh và chuyển động của thế giới bên ngoài đồng nhất với thế giới nội tâm:

 

Nhà thơ cúi đầu

Môi dầy lụi lửa

Bỏ đi

Những bó cơ tan rữa

(Nhà thơ).

 

Em mỉm cười từ đâu

đá Bay-on chao chát

Đăm đắm nhìn từ đâu

Sương Tây Hồ ngột ngạt

(Lời hát).

          

Từ “tôi như, tôi là...” đến “chính tôi...” là cách chuyển đổi chủ thể quan trọng của thơ cách tân sau 1975, mà thơ Nguyễn Lương Ngọc là một ví dụ cụ thể. Đó là sự khác biệt căn bản so với thế hệ thơ trước đó về cách xác định cái tôi chủ thể ở ngôi thứ nhất và cách thiết lập không gian thơ. Xin dẫn chứng cách quan sát sự vật và góc nhìn từ bên ngoài của một số nhà thơ thuộc thế hệ trước đó. Trước hết là thơ Xuân Diệu:

 

Không gian như có dây tơ

Bước đi sẽ đứt, động hờ sẽ tiêu 

(Chiều).

          

Và thơ của Huy Cận:

 

Những ngôi sao cũng lần lượt hòa tan

Làm thành rạng đông như màu lơ thoảng nhẹ

(Một ngày lên).

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

(Đoàn thuyền đánh cá).

 

Đến thơ Nguyễn Lương Ngọc đã khác. Nhà thơ và đối tượng được mô tả đã hòa nhập làm một chủ thể để cất tiếng nói chung. Câu thơ sau đây cho thấy, ngọn gió đã thổi lên điệu hồn của nhà thơ và nhà thơ rung cảm để gió không còn là vô tri nữa:

 

Tôi đã rón rén từng bước, nín thở

Mong giữ được một cơ thể biết bay

Nhưng chỉ gặp chút nỗi niềm ngọn gió

Mát mát đầu ngón tay

(Tìm gặp).

          

Nhận thức và linh cảm được bản chất và chuyển động của vạn vật, nhà thơ đã tri nhận được tính “hợp nhất” của thế giới, vũ trụ: 

 

Cái trước ở trên đầu giờ chìm vào trong ngực

Chỉ một

Tất cả chúng ta chỉ một

(Chỉ một).

 

Đến với “Chậm hơn sự dừng lại” của Trần Tuấn, Mai Văn Phấn cũng có những phát hiện không kém phần thú vị.

 

“Dừng lại”, tức vận tốc tức thời bằng không. Vậy sao lại có khái niệm “chậm hơn” nó? Đó là câu hỏi mở đầu khơi gợi sự tò mò đầy ấn tượng. Có lẽ, đó là câu hỏi thông thường của một người “bình thường” trong chốn dương gian này. Nhưng trong thơ Trần Tuấn, đấy có thể lại là câu hỏi ngây ngô, ngớ ngẩn của kẻ viễn/ cận thị, kẻ mù màu... Vậy hãy khua cây gậy dò đường của anh/ chị lên đi, sẽ thấy, bên dưới/ cạnh/ phía trên mặt đường kia còn nhiều mặt đường khác nữa. Và thấy trong/ sau/ xa hơn giọng nói kia còn có những âm sắc mang thông điệp khác nữa.

 

Điểm chạm đầu tiên, dễ nhận thấy, là thế giới phân cực trong “Chậm hơn sự dừng lại”, vừa quen vừa lạ. Quen, vì nó vẫn được soi tỏ bằng ánh sáng trần thế, minh bạch và phơi mở trong hệ quy chiếu được đo bằng tần số, hình khối, kích thước thông thường. Lạ, vì cốt lõi của nó đã bị bóc tách khỏi nó, bị cắt trụi chùm rễ từng nuôi dưỡng nó. Nó trở nên cô lẻ, trơ trụi trong một không gian không có điểm đặt, không thể xác định. Những hình ảnh sau đây trong bài thơ “cô đơn cô độc” cho người đọc thấy được tính phân cực của từng đơn vị hình ảnh trong “Chậm hơn sự dừng lại”: 

 

hạt bụi cô đơn với hạt bụi

ngón chân cô độc với bàn chân

… con chữ cô đơn với hàng chữ

… ánh sáng cô độc với ngọn đèn

… nước cô đơn trong giọt nước

muối cô độc với đại dương…

 

Tính phân cực này đã làm cho những tứ thơ Trần Tuấn hiển hiện sáng rõ trong không gian mở rộng, mặc dù chúng được quan sát dưới một lăng kính khác lạ, tạm gọi đó là những góc nhìn nghiêng. Góc nhìn ấy cho ta thấy được sự hợp lý của cái hỗn mang và phi lý trong cả tập thơ và trong chính tiêu đề của cuốn sách, “Chậm hơn sự dừng lại”. Cái “chậm” của đơn cực này được so sánh với sự “dừng lại” của đơn cực khác hay đa cực. Phía khác ấy, sự “dừng lại”, có thể đang tồn tại, ký sinh trên cùng một bản thể với những chuyển động của “chậm” lại. Tiêu đề này với hàm nghĩa tất cả đều chuyển động, dù có thể được miêu tả trong trạng thái bất động. Còn những chuyển động kia đang đi về đâu, kết cục thế nào xin tùy bạn đọc ước đoán.

 

Đến với “Cánh trăng” của Đinh Trần Phương, Mai Văn Phấn lại có một trải nghiệm đầy mới lạ:

 

Một chiều mùa đông cách đây hai năm, tôi nhận được “Cánh trăng”, tập thơ đầu tay của tác giả Đinh Trần Phương. Nhớ lúc ấy tôi đã mở hé từng trang, tựa như người đọc “chạc” trong hiệu sách để giữ cho cuốn sách luôn mới. Một cảm giác thanh tịnh, tinh khôi đã ùa vào tâm trí tôi. Tựa như người trong căn phòng mùa đông luôn được sưởi ấm, tôi bất ngờ mở cửa sổ. Ngoài kia là khí xuân mát lành, tiếng chim, suối chảy, ánh trăng, mưa lất phất, gió nhẹ...

          

Tôi giữ mãi cách đọc “mở hé từng trang” tập thơ “Cánh trăng” đến tận bây giờ. Mỗi lần tôi thường mở khoảng mươi trang, đọc vài ba chục bài rồi khép lại, bởi thấy thế là vừa đủ cho một ngày, một nỗi niềm, cho tâm trạng tôi khi ấy. Cách đọc tập thơ này cho tôi liên tưởng mình đi qua một chiếc cửa tự động xoay tròn. Nếu coi mỗi trang của “Cánh trăng” là một cánh cửa tự động, thì tùy thuộc vào cảm nhận của người đọc. Bạn có thể lật mở bất kỳ trang thơ nào, tới khi có được cảm giác mình đã bước qua được “khung cửa” ấy. Đôi khi, vô tình gặp một bài thơ, tựa như chỉ cần chạm tay là cánh cửa đã nhẹ nhàng bật mở:

 

Nỗi buồn của chiếc lá khô

tôi mở xem

ánh trăng [26, 84]

          

Mỗi câu của bài thơ trên tựa một mặt của ngọn tháp có ba mặt, một công trình kiến trúc hoàn chỉnh. Trong chiếc lá khô kia cất giấu những “bí mật của khoảnh khắc” (chữ của Lê Hồ Quang), như nỗi buồn, bàn tay người mở xem, ánh trăng cùng vô vàn hình tướng mà người đọc mặc sức tưởng tượng. Ba câu thơ liên tiếp tạo thành hơi thở chánh niệm, nhiếp phục lại tâm ý, giúp ta cảm nhận được sự mầu nhiệm của giây phút hiện tại. Ánh trăng nằm trong chiếc lá khô chờ người mở xem. Nỗi buồn của chiếc lá khô lại là ánh trăng. Câu thơ giúp ta thấy được sự huyền nhiệm của đời sống này khi biết “mở xem” một chiếc lá khô. Ba câu thơ tựa ba vật dụng tối giản, ba viên đá cuội để người đọc tự do xoay đảo, nhìn phía nào cũng đẹp, vi diệu.

 

Với Inrasara, viết phê bình để thể hiện tình yêu văn học, khao khát được tận hiến cho nền văn học dân tộc. Ông trăn trở, thổn thức hơn ai hết khi phát hiện ra những mầm mống của những bước vận động của văn chương nước nhà. Viết phê bình, với ông còn là để sẻ chia những suy nghĩ và cả những cảm xúc về nền văn học đương đại.

 

Phê bình văn học vừa là khoa học vừa là nghệ thuật. Là khoa học, nó đòi hỏi người viết bao quát được vấn đề, lập luận vững chắc, dẫn luận phong phú và chính xácđồng thời phải lí giải thuyết phục. Là nghệ thuật, bởi phê bình yêu cầu ở người viết độ nhạy cảm cao với cái mới, có khả năng thẩm định tác phẩm hoặc vấn đề chưa được biết, hoặc đã biết thì phải theo một cách nhìn, cách khám phá mới.


 

2.3. Ngôn ngữ phê bình

 

Văn học là một hình thái ý thức xã hội, là một môn nghệ thuật nhưng khác với các ngành nghệ thuật khác nhờ đặc trưng chất liệu sáng tác văn học là ngôn từ. Ngôn từ văn học có tính hình tượng, được sắp xếp theo một tổ chức nhất định để ngôn từ phát huy giá trị của nó, đồng thời nó cũng đảm bảo tính hàm súc, cô đọng, đa nghĩa và biểu cảm. Ngôn ngữ văn học tạo nên tác phẩm và mang lại hiệu quả thẩm mĩ cho văn bản. Nhưng giá trị của ngôn từ chỉ đạt mức tối đa khi nó được dùng đúng chỗ, đúng văn cảnh. Từ đó có thể hiểu văn học là một bộ môn nghệ thuật lấy con người làm đối tượng nhận thức, lấy hình tượng làm phương thức biểu đạt nội dung và lấy ngôn từ làm chất liệu xây dựng hình tượng. Phải chăng vì thế mà Nguyễn Tuân đã từng nói: “Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ngôn ngữ... Giàu ngôn ngữ thì văn sẽ hay...Cùng một vốn ngôn ngữ ấy nhưng sử dụng có sáng tạo thì văn sẽ có bề thế và kích thước. Có vốn mà không biết sử dụng chỉ như nhà giàu giữ của. Dùng chữ như đánh cờ tướng, chữ nào để chỗ nào phải đúng vị trí của nó. Văn phải linh hoạt. Văn không linh hoạt gọi là văn cứng đơ, thấp khớp...”. Vì vậy, tìm hiểu về những điểm tương đồng trong phê bình thơ của Mai Văn Phấn và Inrasara dưới góc độ phong cách học, không thể không tìm hiểu về ngôn ngữ.

 

2.3.1. Ngôn ngữ sinh động, giàu hình ảnh

 

Ngôn ngữ luôn là yếu tố thứ nhất, là công cụ, là chất liệu xây dựng hình tượng trong văn học. Không có ngôn ngữ thì không tồn tại văn học. Nó không chỉ là cái vỏ vật chất của tư duy mà còn thể hiện phong cách, tài năng, quan điểm nghệ thuật của tác giả. Jakobson từng nói: “Thơ là nghệ thuật lấy ngôn ngữ làm cứu cánh”. Đó là thứ ngôn ngữ được chưng cất công phu vì “bài thơ là tổ chức ở trình độ cao của ngôn ngữ, một tổ chức chặt chẽ tinh tế của ngôn ngữ”. Vì vậy với các nhà lý luận phê bình văn học, ngôn ngữ thơ là một phương tiện hình thức luôn được coi trọng, ngôn ngữ luôn là một giá trị không thể phủ nhận trong thơ, vì “thơ tức là phần tinh lọc nhất của ngôn ngữ” (Nguyễn Quốc Trụ). Và “ngôn ngữ thi ca là thứ ngôn ngữ kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ, tư tưởng và nhiệm vụ của thi nhân là phải tạo nên sự nhiệm màu kỳ diệu ấy”. Đây mới thực sự là yếu tố làm nên giá trị thơ ca.

 

Đến với thế giới thơ của Mai Văn Phấn chúng ta đã thấy sự sinh động và giàu hình ảnh, đến với thế giới phê bình thơ của Mai Văn Phấn điều đó lại càng được thể hiện rõ nét hơn.

          

Viết về nhà thơ Trần Xuân Trường, trong bài “Con cò mổ trúng bóng mình vội bay”, Mai Văn Phấn như thấu hiểu, sẻ chia với tâm trạng, cảm xúc của tác giả qua những ngôn từ giàu sức gợi:

 

“Đêm nằm ôm giấc mơ quê

Bóng hoa hắt xuống bờ đê chập chờn”

(Cho vừa tháng ba)

 

Quê hương đối với Trần Xuân Trường thực sự là mạch nguồn, là cội rễ nuôi dưỡng nguồn cảm xúc sáng tạo. Nhiều người trong chúng ta, dù đi xa nhưng lòng vẫn bám chặt vào đất quê, tựa như cánh diều, dù bay cao tới đâu, nhưng sợi dây diều ấy vẫn được cột chặt vào nơi chôn nhau cắt rốn. Phải chăng cội nguồn luôn ở trong tâm khảm, trong tầng sâu văn hóa của mỗi con người, để khi vượt ghềnh thác hay phải đối mặt, đối thoại với những nền văn hóa khác thì nó được đưa ra làm bằng chứng, để đánh cược cho phẩm giá và danh dự cá nhân, danh dự dân tộc.

 

Đọc tập thơ Phúc nhà bồi đắp yêu thươngcủa Lâm Xuân Vi, Mai Văn Phấn lại sử dụng ngôn ngữ mộc mạc nhưng không kém phần tinh tế: “Tập thơ cho tôi hình dung được tới thăm ngôi nhà thân quen của ông chốn thôn dã. Nơi “Cỏ gai chăng kín lối mòn” (Mẹ ơi!), nơi “Gió qua vườn gió hiển linh giải bày” (Nguồn cội thi thư). Chính nơi vùng đất đế đô Hoa Lư ấy có vườn cây xao động bởi những cơn gió biển từ Cồn Thoi bất chợt thổi về, gợi nhớ những buổi “Nắng ngày xa” (Tên một tập thơ của Lâm Xuân Vi), nhớ trận “lũ đồng chiêm cồn cào” thuở nào (trong bài thơ “Mẹ”)”.    

 

Đặc biệt khi cảm nhận về thế giới “con rối” trong thơ Nguyễn Đức Tùng, Mai Văn Phấn như một người thợ điêu khắc, tác giả đang cặm cụi đẽo gọt “ngôn ngữ” của mình một cách trau chuốt, gợi nên những hình ảnh đầy bất ngờ, độc đáo, cảm giác như “con rối” ấy đang cựa quậy cử động ngay trước mắt người đọc: “Đọc liền mạch một loạt bài thơ theo suốt lộ trình của nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, tôi bị lạc vào thế giới “con rối” đang cử động, khuynh loát mọi nhận biết và xúc cảm của mỗi người về đời sống đương thời. Từ những yếu tố không đo đếm được của tự nhiên như ánh sáng, bầu trời, đại dương, hay những vật nhỏ bé như con sâu, cái cày, cái bánh pizza, trái mìn claymore, cái mở nút chai, lọ muối… chúng đều được điều khiển theo quy luật riêng dưới bàn tay phù thủy của ông. Những “con rối” do nhà thơ “chế tác”, để lại từng nhịp thở gấp, cả nước mắt, dấu vân tay “đóng dấu bản quyền”. Đó là những câu thơ tối giản, như rời rạc, ngắt quãng, phục hoạt một thời tao loạn, chia ly, phơi bày bao đau thương, mất mát: như quả mìn chưa nổ/ nằm chờ ta dưới đám cỏ mùa thu (Mùa thu năm 1977); là kẻ hối hận ăn năn/ Vì đã nằm suốt đêm trong bụi rậm/ Phục kích đứa em trai của mình (Sau chuyến nghỉ hè xa). Những câu thơ của Nguyễn Đức Tùng ngỡ như ai đó cầm con dao sắc chém mạnh, làm đứt ngang một thân cây mảnh: Trên các bức tường vôi trắng/ Máu đã lau xong (Thăm Trung Hoa); Bên bờ rào tử đinh hương/ Anh tìm được một vật/ Đã cắt đứt tình yêu chúng ta (Mặt trời lặn xuống ở Cali)...”.[26, tr.104]

 

Hay trong “Nhà thơ Inrasara, người khai hoang ánh sáng”, bằng cách cảm nhận tinh tế và cảm xúc chân thành, Mai Văn Phấn đã như đưa người đọc lạc vào một thế giới đầy ấn tượng, thể hiện rõ hơn nữa sự tài hoa của tác giả trong sử dụng ngôn ngữ: “Đọc tập thơ và trường ca “Lễ tẩy trần tháng Tư”, tôi chợt thấy nhà thơ Inrasara tái hiện cả mảnh đất Chăm của ông trước mắt bạn đọc. Tất cả như hiển hiện trên một sân khấu quay. Trên đó, mỗi bài thơ của ông là một khung cảnh, sự kiện, nhân vật… Chính giữa “sân khấu” của “Lễ tẩy trần tháng Tư” là ngọn tháp Chàm, được tác giả “chiếu sáng” từ nhiều góc quét, tạo nên một phối cảnh đồng hiện, huyền hoặc. Bóng của tháp như dòng sông ma/ trườn qua đêm tối những triều đại/ đánh thức kí ức các dân tộc/ duyên nợ (hay cả không nợ nần gì) với tháp (Tháp Chàm muôn mặt). Nhân vật “Em” xuất hiện trong một “phân cảnh” của “sân khấu” cùng những tiếng va đập của đời sống công nghiệp: Em giặt giũ trong căn gác lạ/ em thợ phụ trong xưởng may lạ/ em hoảng hốt trong con hẻm lạ/ Mang linh hồn ruộng đồng/ em rụng vào đêm lạ (Tam tấu trước ngưỡng thế kỉ XXI). Giáp phía sau sân khấu, hình ảnh cô gái Chăm xuất hiện nhanh trong ánh sáng đặc tả: cô gái đội nước xuống đồi, dừng lại, nấn ná hồi lâu rồi chậm rãi bước về làng/ bây giờ làm gì, ở đâu – ai biết? (Những ngày rỗng - Ngày 5: Ngày đẹp nhất)”…[26, tr.135]   

 

Người ta nói “Văn là người”, điều đó có thể thấy rõ ở Mai Văn Phấn. Đọc phê bình của tác giả, chúng ta cảm nhận một tâm hồn rộng mở, một thế giới sinh động, giàu hình ảnh, cảm xúc và hơn hết đó còn là cả một tấm chân tình.