image advertisement
image advertisement





























 

Những vần thơ vượt qua ranh giới (phê bình) - Mai Văn Phấn

Những vần thơ vượt qua ranh giới

(Đọc sách "Thơ buổi sáng" của Nguyễn Đức Tùng, Nxb. Hội Nhà văn, 2023)

 

 

  

 

Mai Văn Phấn

 

 "Thơ buổi sáng" là thi tập đầu tiên của Nguyễn Đức Tùng xuất bản tại Việt Nam. Ông là nhà thơ đã ghi dấu ấn trên thi đàn từ những năm trước đây, với các cuốn sách “Thơ đến từ đâu” (Nxb. Lao Động, 2009), "Đối thoại văn chương" (Nxb. Tri thức, 2012), "Thơ cần thiết cho ai" (Nxb. Hội Nhà văn, 2015)...

 

Tôi từng viết về thơ Nguyễn Đức Tùng: thơ ông chứa nhiều không gian tiếp nối, đóng-mở bất ngờ, làm hiển lộ những vẻ đẹp thảng hoặc, miên viễn… Thi tập này phong phú và có nhiều điểm khác với những bài thơ của ông trước đây, cho tôi hình dung về một Nguyễn Đức Tùng ung dung, tự tin đến thảnh thơi, có lúc tạt vào những ngã rẽ bất ngờ. Ông đã xác lập ranh giới cho riêng mình và cũng là người vượt qua những ranh giới ấy.

 

Thơ Nguyễn Đức Tùng giàu có, phong phú một cõi sống, trong suốt những cõi yêu, sắc lạnh những cơn giận dữ, được viết bởi nhiều phong cách với lối kể chậm rãi, nhẹ nhàng và thường cố ý hạ giọng pha chút bông lơn khi đề cập đến những điều hệ trọng. Đó là giọng bình thản an nhiên mà thấu tận tâm can.

 

"Một số người luôn đến đúng giờ

Một số người thường xuyên lỗi hẹn

 

Một số người mở vết thương ra

Một số người khâu nó lại". (Đàn ông)

 

Hành trình trong mỗi bài thơ của Nguyễn Đức Tùng không chỉ đơn thuần là khoảnh khắc sống, dấu ấn tâm trạng, không chỉ là cái đẹp cho người đọc thưởng thức, mà nó thường đi, vượt, xuyên, trượt qua một hay nhiều ranh giới.

 

Ranh giới tự nhiên của nghệ thuật là ranh giới nhận thức của con người. Nghệ thuật cận đại thế kỷ XIX và hiện đại thế kỷ XX hầu như đã vượt qua mọi ranh giới của các loại hình, trong đó có thơ, để mạnh dạn đi đến những nơi mà trước đó chưa có ai vượt qua. Có nhiều ranh giới khác nhau trong nghệ thuật: ranh giới của thi pháp, phong cách, ranh giới thẩm mỹ... Đối với kẻ sáng tạo, những ranh giới ấy không bao giờ cố định, mà thay đổi, làm xuất hiện những quan niệm mới, vẫy gọi mới.

 

Nguyễn Đức Tùng là cây bút đa tài, tung hoành trong mọi thể loại, từ văn xuôi, dịch thuật đến thơ, phê bình. Ông là một trong số ít những tác giả hiếm khi phải "đi qua vùng tối" hoặc "chiếu nghỉ", tức hiếm khi phải trải qua một giai đoạn ngừng viết, lắng lại để tích lũy, chiêm nghiệm. Dấu ấn thơ Nguyễn Đức Tùng là hành trình liên tục đi tìm cách viết mới, quan niệm mới. Có thể nói, thơ ông đã vượt qua nhiều ranh giới do chính ông tạo lập. Từ ranh giới ấy độc giả biết thêm nhiều quan niệm nghệ thuật khác, không gian khác nữa của ông.

 

Ranh giới tâm lý nói chung phụ thuộc vào giới hạn chịu đựng của mỗi cá thể. Sự vượt quá giới hạn tâm sinh lý thông thường của con người, nhưng tồn tại trong đời sống nghệ thuật lại phát sinh những chuyển dịch khác, hệ quả khác.

 

"Mục đích của khăn tay

Không phải để lau nước mắt

Mà để chùi thật sạch

Bia mộ trong cỏ xanh." (Mục đích của áo quần)

 

Những ranh giới trong thơ Nguyễn Đức Tùng như cùng chung một áp lực, sức lan tỏa. Có thể là:

 

"Một người đàn bà

Đi sâu vào gương" (Trong tiệm hớt tóc)

 

Là con ma của tình yêu:

 

"khi tôi lái xe rất nhanh trong nỗi nhớ thầm

nó xiết chặt thắt lưng an toàn của tôi lần nữa" (Con ma)

 

Hoặc có khi ranh giới ấy chỉ là đường bay của một con muỗi lúc nửa đêm:

 

"Kịp lặng lẽ đẻ trứng xuống

Bể nước đầy cơn mưa cũ." (Đêm ngủ trong chùa)

 

Tiêu đề bài thơ của Nguyễn Đức Tùng cũng là một ranh giới. Ông thường dùng những khẩu ngữ quen thuộc, dung dị như câu nói đời thường của bất kỳ ai: "Chúng ta đã làm một lần"; "Em còn trẻ và em không thể biết"; "Nếu em muốn, thì anh cũng muốn". Đôi khi là câu nghi vấn: "Chúng ta sẽ yêu nhau như thế này chăng"; "Tại sao chúng ta sống lại". Hay một mệnh lệnh thức: "Hãy để chim chóc làm đầy bầu trời"; "Tắt hết đèn đi"... Và lạ lùng hơn, nhiều khi ông đặt tiêu đề bài thơ như tên một bản thống kê, trần thuật: "Một trăm việc bạn phải làm trước khi chết"; "Những hoàn cảnh khác nhau"... Khi đọc vào nội dung những bài thơ của Nguyễn Đức Tùng, độc giả sẽ nhận ra những tiêu đề ấy chính là những lằn ranh mình vừa vượt qua.

 

Nguyễn Đức Tùng thường tạo ra thói quen để phá vỡ những thói quen, chủ ý mang tới sự  dung dị đời thường để bất chợt xuất hiện những biến ảo xuất thần. Thủ pháp này chỉ những tác giả có nội lực mạnh, thi pháp vững vàng mới có thể thực hiện thành công. Cách tạo ra những ranh giới nhiều khi được ông sử dụng để viết câu thơ đầu tiên trong bài. Những câu thơ dạng này đọc lên như người tung hỏa mù, đánh trống lảng, khiến ta ngỡ ngàng không biết nhà thơ sẽ nói gì, sẽ đưa đến đâu.

 

"Tiếng cú rúc sân chùa

Thằng bạn tôi gõ cửa bằng chân phải" (Chùa trên núi).

 

Hay:

 

"Tôi mang một loài hoa của làng tôi

Đi suốt năm này qua năm khác

Không còn ai biết". (Một loài hoa của làng tôi)

 

Những câu thơ trên là hình hài khoảng không, địa giới của phía bên này ranh giới mà tác giả chủ định đặt bầy. Không gian ấy vắng lặng, được nén chặt, cho tôi liên tưởng tới những khoảnh khắc trước trận chiến. Ngón tay của "người lính" nào đó đã đặt vào cò súng, viên đạn sẽ vọt khỏi nòng ngay tức khắc, hoặc mãi nằm yên.

 

Những bài thơ của Nguyễn Đức Tùng có thể xuất hiện những ranh giới khác nhau, tùy thuộc vào từng tình huống và câu chuyện được dẫn dắt. Tại những khổ thơ kết, Nguyễn Đức Tùng thường tạo ra những giới hạn để vượt qua. Trước một số khổ thơ kết, quả thực, có lúc tôi cũng thấy hơi sốt ruột bởi nhịp điệu chậm, giọng kể rề rà của tác giả, thí dụ:

 

"Khi nửa đêm trời sao tối dần, sương mù

Rơi lặng lẽ, bầy sếu bay qua

Cất tiếng kêu, tiếng chúng không hay lắm

Buồn rầu, cô quạnh, khàn khàn, xa vắng". (Chúng ta không cần phải đẹp lắm)

 

Nhưng tôi đọc tiếp và bắt gặp ánh chớp, sự va đập mạnh ở đoạn kết. Không ít lần tôi ngỡ ngàng tự hỏi, phải chăng tác giả đã bông đùa độc giả? Nhưng không, đó chính là thủ pháp độc đáo của ông.

 

Vì đã hiểu Nguyễn Đức Tùng và thủ pháp này, nên tôi thường bình tĩnh lắng nghe hết những câu chuyện ông kể. Đây là chuyện nhà thơ đi tìm người thợ may để lấy chiếc áo mà anh trai ông đã đặt. Và nhà thơ đã mang đến điều bất ngờ.

 

"Tôi mặc chiếc áo vào người

Bước đi trên mặt nước xanh trong" (Chiếc áo)

 

Hay, câu chuyện lạ lùng trong bài thơ "Nếu bạn có một trái tim". Một trái tim khổ đau đã khô cứng như đá đặt ở góc vườn. Rồi một hôm tác giả trở lại góc vườn xưa, gặp bức tượng Phật mỉm cười.

 

"Bằng đồng, khô, cứng, đen, lạnh toát

Chỉ lúc đêm về mới ướt sương".

 

Nguyễn Đức Tùng đã đưa độc giả đi xa hơn những giới hạn tưởng tượng, biến những bình dị đời thường thành phi thường, thậm chí đó là những điều phi lý mà ta vẫn có thể chấp nhận được. Trong vùng mờ của ranh giới này, những thi ảnh như được thoát xác khỏi câu chữ và tiêu dao trong một đời sống khác.

 

Cách tác giả vượt qua những giới hạn này gợi cho tôi tưởng tượng Nguyễn Đức Tùng giống như một con cá sấu nhịn thở hàng giờ dưới nước, nằm bất động để dụ những con mồi đến gần. Thủ pháp này được nhà thơ sử dụng rõ nét nhất trong bài thơ "Con mèo". Bài thơ không dài, nguyên văn như sau:

 

"Trước rạng đông

Người đàn ông bị dẫn tới

Chân tường, hay tay trói giật lại

 

Con mèo chạy theo chủ

Bị tóm cổ ném vào đám người

Nhưng nó nhìn thấy

Từ chân trời đám mây đen kéo tới

 

Mới đầu: một chấm. Như khăn bịt mặt

Giữa trời bao la, lớn dần

Sắp quét sạch mọi điều, máu và nước tiểu

Nó câm bặt, móng bám chặt vào mặt đất

 

Suốt ba ngày cho đến khi người đàn ông sống lại."

 

Ba khổ thơ đầu để dẫn chuyện, một con mèo trung thành với chủ của nó như bao con mèo khác. Hành động câu chuyện diễn ra tuần tự, đơn tuyến, ai cũng đoán được. Tôi liên tưởng cả ba khổ thơ này như con cá sấu nằm giả chết. Nhưng câu kết bài thơ xuất hiện tựa tiếng nổ lớn. "Suốt ba ngày cho đến khi người đàn ông sống lại." Ở đây, "con cá sấu" đã bất ngờ đớp trọn con mồi. Tác giả đã cho "người đàn ông sống lại" sau ba ngày cùng con mèo, làm tôi liên tưởng đến sự phục sinh mầu nhiệm của Chúa Giê-su, một tín lý quan trọng trong Ki-tô giáo.

 

Trong thơ Nguyễn Đức Tùng, ranh giới giữa thơ và phi thơ được thể hiện rõ nét trong những bài thơ ba câu (mà ông gọi Haiku). Trong thể thơ tối giản này, thời gian để nhân vật tái sinh, thăng hoa, hoặc biến hình chỉ trong chớp mắt. Giống như khi ta nghe tiếng súng nổ mà không thể nhìn thấy đường đi của viên đạn đã đến đích.

 

CUỐI NĂM

 

Treo bức ảnh của cha

Lên tường

Miệng ngậm cái đinh

 

TRONG PHÒNG NHỔ RĂNG

 

Người nha sĩ

Xoay mặt tôi

Về phía rừng thu

 

Câu kết của hai bài thơ trên đều là những cái đích chờ sẵn, để từ đó không gian khác được mở ra, thần thái bài thơ được hiển lộ. Mọi ngôn từ của hai bài thơ đều ở bên này lằn ranh, đều đứng ở vạch xuất phát để nhường chỗ hoặc chờ đợi những xung động nơi người đọc khi bài thơ kết thúc. "Miệng ngậm cái đinh" và "Về phía rừng thu" là trạng thái đóng chuyển thành mở, hữu hạn hóa thành vô hạn. Là hạt giống được gieo, sinh trưởng.

 

Tiết tấu để hình thành những ranh giới trong thơ Nguyễn Đức Tùng thường chậm, thể hiện rõ nhất trong những bài thơ ngắn, tự do. Nhưng trong trường ca, ông tạo ra giọng điệu khác hẳn, gấp gáp, gây áp lực và đẩy mọi chuyển động đi rất nhanh. Ông viết nhiều trường ca, nhưng chọn "Bài tiễn biệt thi sĩ" để in trong thi tập này. Từ khổ thơ đầu đến kết thúc trường ca là dòng thác đổ xuống liên tục, mạnh mẽ. Những câu thơ vụt hiện như cả đoàn quân chuyển động gấp mà không biết "dự lệnh", "động lệnh" từ đâu.

 

"Từ trong vùng tối

Sương mù bay đầy trời

Anh Du Tử Lê vừa mất

Sau những ngày thật im lặng

Điện thoại sáng lên như vầng trăng

Dưới gối

Gọi người về"

 

Đây là bản giao hưởng thơ. Tính xung đột, tính kịch không nằm trong kết cấu trường ca, không trong lời thoại của các nhân vật mà được thể hiện trong số phận chìm nổi của họ. Những gương mặt đã làm nên diện mạo văn học Việt Nam trong hơn thế kỷ qua như lần lượt vụt hiện qua sân khấu. Những nhân ảnh thấp thoáng, ấn tượng, sáng rõ, mờ nhòe...

 

"Hà Nội phải nhìn từ phía ấy

Như Mai Thảo nhìn từ trên xuống";

"Khói thuốc lào xanh chiều nghiêng đổ

Lã chã mưa dầm

Gác Hoàng Cầm

Nối ruồi son thánh thót";

"Hoàng Ngọc Hiến bảo: anh cứ mê chuyến đi Bắc Ninh của anh em mình quá "...

 

Trường ca "Bài tiễn biệt thi sĩ" là cuộc đưa tiễn mà cũng là chào đón thi sĩ Du Tử Lê về với vĩnh hằng bằng trùng trùng những lớp sóng gối lên nhau. Tác giả không dừng lại ở sự kiện, chi tiết từng nhân vật, từng trường đoạn mà để cảm xúc cuốn các thi ảnh đi nhanh. Trường ca chuyển động theo dòng ý thức, nương theo đời sống nội tâm, những liên tưởng tự do bất chợt vụt hiện cùng cảm xúc của người viết. Tác giả đào sâu vào tiềm thức các nhân vật trôi nổi theo dòng ấn tượng, cho họ bộc lộ nỗi ám ảnh, sợ hãi, lầm lẫn, những dằn vặt, tự vấn... Vẫn là những kết cấu phần mảnh, nhưng trường ca được "phong kín" bằng cảm xúc mạnh, liên tục, nhất quán, đưa người đọc vào một không - thời gian đa chiều, gợi những liên tưởng cứ chợt đến chợt đi, từ hữu hạn chuyển sang vô hạn.

 

Thơ Nguyễn Đức Tùng chuyển động theo hai hướng: truyền thống và hiện đại. Những bài thơ ông viết theo phong cách truyền thống tuy hình ảnh mới lạ, tràn đầy xúc cảm, nhưng nhịp điệu đôi lúc quen thuộc, lối dẫn dụ câu chuyện cũng không mới. Tôi yêu thích những bài thơ theo phong cách hiện đại của ông hơn và chờ đợi những tác phẩm của ông nối tiếp khuynh hướng này. Cả hai khuynh hướng ông viết đều giản dị, có lẽ càng giản dị thơ ông càng hay, càng ám ảnh. Nguyễn Đức Tùng là người thường xuyên tiếp xúc với văn hóa phương Tây, am tường văn học phương Tây, nhưng dường như ông không bị chi phối, ảnh hưởng bởi bất kỳ khuynh hướng nào. Đôi khi ông sử dụng thủ pháp diễu nhại, phần mảnh của trào lưu hậu hiện đại, nhưng vẫn mang phong cách riêng. Những câu thơ sau đây buông thả tự nhiên nhưng hiển lộ sự uyên bác, hóm hỉnh của riêng ông.

 

"Ghé tai anh, ông nói thầm

Còn kiếp trước tôi là con chuột

 

Anh mua cho ông một cái bánh ngọt

Croissant." (Ở Paris)

 

Hình ảnh trong thơ Nguyễn Đức Tùng thường duyên dáng, mang nét đẹp truyền thống. Một số bài thơ của ông vang vọng như những bản tình ca. Tôi thực sự yêu thích những câu thơ như:

 

"Hoa cúi mình đợi gió

Đất cúi mình chờ em" (Nếu em muốn, thì anh cũng muốn);

 

"Anh nhớ em nằm trên thảm ấm

 Anh nhớ em quần lót vướng gót chân" (Đời là thế đó).

 

Một ranh giới khác mà thơ Nguyễn Đức Tùng đã vượt qua là ranh giới của sự giản dị. Tôi muốn nói đến tiêu đề tập thơ này của ông: "Thơ buổi sáng". “Buổi sáng” ở đây được hiểu là khởi đầu của ngày mới, là buổi bình minh, sự mới mẻ, khai sáng, nó đến và đi theo quy luật tất yếu. Nhưng khái niệm ấy đi liền với thơ, biến thành thơ, tự nhiên tựa hơi thở, khí trời thì lại là điều phi thường. Với cá nhân tôi, đây là cách đặt tiêu đề cho một tập thơ của thi sĩ đã chạm đích. 

 

Nguyễn Đức Tùng viết tập thơ này trong và cho buổi sáng hôm nay. Phía trước nhà thơ còn nhiều buổi bình minh thơ nữa, dĩ nhiên vậy. Trong thi tập này tôi hầu như không thấy bài thơ nào xuống sức. Nhà thơ của chúng ta đang ở độ chín và sung mãn. Vậy liệu có ai đoán được ranh giới của "Thơ buổi sáng" tiếp theo của ông không?

 

 

 

Từ trái qua: Nhà phê bình VH Đỗ Lai Thúy, Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng, Nhà thơ Trần Đăng Khoa

 

 

 

 

 


BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị