image advertisement
image advertisement





























 

"Nhìn thấy những dịch chuyển của bông hoa..." - Nhà báo Lâm Hạnh thực hiện phỏng vấn

Nhà thơ Mai Văn Phấn: "Nhìn thấy những dịch chuyển của bông hoa..."

(Nhà báo Lâm Hạnh thực hiện phỏng vấn)

 

 

Nhà báo Lâm Hạnh

 

 

Bài thơ Gai của Mai Văn Phấn được in trong sách Ngữ văn 11, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo. Đây là dịp để học sinh đến với không gian thơ không dễ tiếp nhận, nhưng thú vị, vì nó thoát ra ngoài khái niệm về thơ thường được mặc định.

 

Với 27 tập thơ xuất bản ở nước ngoài, được dịch ra 40 ngôn ngữ và nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển năm 2017, Mai Văn Phấn là 1 trong số rất ít nhà thơ Việt Nam được giới thiệu rộng rãi ra quốc tế.

 

Nhìn bông hoa thấy nhành gai

 

* Được biết bài thơ "Gai" là 1 trong những cột mốc sớm trong sự nghiệp sáng tác của ông, nên có lẽ ông sẽ có nhiều kỷ niệm với nó?

 

- Bài Gai là 1 trong những bài thơ hồi tôi mới trình làng, được viết ngay sau Thuốc đắng - một bài đã khai mở thế giới thơ cho tôi. Đó là thế giới song trùng với thế giới hiện thực mà tôi từng trải nghiệm. Dưới nhãn quan của người viết, thế giới ấy hiện ra chân thật hơn, lung linh hơn những gì mình đã nhìn thấy.

 

Nhớ một sáng cuối Xuân năm nào, tôi chợt thấy một bông hồng hàm tiếu trong màn mưa bụi ngoài cửa sổ. Bông hoa ấy bỗng rực lên như ngọn lửa, đẹp đến mức tôi phải nhắm mắt lại. Một thế giới bất tận và thanh sạch bỗng mở ra trong cảm xúc. Tôi đã nhìn thấy những dịch chuyển của bông hoa, một "cây gai" (chữ của nhà phê bình Tuệ Mỹ) đã lên "xanh biếc" và cũng "đơm hoa" như bạn đọc đã thấy.

 

* Bài thơ được sáng tác năm 1992, khi ấy có phải nó và một số bài thơ trong tập Giọt nắng được độc giả đánh giá là thơ cách tân không?

 

- MVP: Độc giả, cũng như bạn bè khi ấy cũng đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về tập thơ này, nhưng tôi không nhớ chính xác. Giờ tìm lại trên website của tôi (maivanphan.com) có bài "Mai Văn Phấn một hướng tìm" của nhà thơ Vũ Quần Phương, đăng trên Báo Văn Nghệ số 37 năm 1993. Đây là bài viết đầu tiên về thơ tôi. Bác Phương viết trên tinh thần cổ xúy cho một tác giả mới xuất hiện lúc ấy. Trong bài có những câu vẫn phù hợp với thơ tôi vào thời điểm này: "Mối tương quan giữa những ý thơ trong bài nhiều khi rất lỏng lẻo, nhưng đặt vào một hướng cảm xúc nó sẽ chụm". Hồi ấy hình như người ta rất ít nói tới cụm từ "thơ cách tân". Đâu mãi tới những năm đầu thế kỷ 21, khi một số nhà thơ khẳng định được những hướng đi mới/ khác, mọi người mới bàn nhiều tới một khái niệm: Khuynh hướng cách tân trong thơ Việt sau 1986.

* Vậy thì bài thơ "Gai" có thể hiện quan điểm sáng tác xuyên suốt của ông không?

 

- Tập thơ Giọt nắng, trong đó có bài Gai, chủ yếu được viết với thi pháp truyền thống, tư duy tuyến tính, nương theo cảm xúc. Sự mới/khác trong thơ tôi khi ấy hoàn toàn cảm tính, bản năng. Tôi viết bằng khát khao thay đổi, tạo dựng được cái khác, nhưng tứ thơ của tôi chưa được hiện thực hóa bằng một hệ thống thi pháp mới, có điểm tựa chắc chắn về lý thuyết.

 

Có điều, đến bây giờ đọc lại, tôi vẫn không hiểu sao mình tạo nên một không gian đa chiều như thế trong bài thơ. Tiếc rằng, những bài như vậy không nhiều trong tập Giọt nắng. Đúng là bài Gai đã dự báo khuynh hướng sáng tác mà tôi sẽ theo đuổi suốt thời gian tiếp theo của cuộc đời cầm bút.

 

* Nhưng hẳn vẫn có sự thống nhất nào đấy chứ?

 

- Thơ tôi xuất phát từ nền tảng truyền thống với kết nối thi ảnh đơn tuyến và ít nhiều đa tuyến theo bản năng, tiến tới đa tuyến có ý thức. Mỗi tập thơ của tôi có thể coi là khúc cua trong hành trình về phía trước. Sự giống nhau giữa các tập thơ ấy là cùng hướng tới một phong cách thơ hiện đại mang căn tính Việt và sự khác nhau có lẽ là độ đậm nhạt của quá trình thoát xác.

 

Xin dẫn chứng: Thơ tôi từ giai đoạn truyền thống (trong các tập thơ Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai); truyền thống kết hợp tâm thức hiện đại (Nghi lễ nhận tên, Người cùng thời); áp dụng một số thủ pháp hiện đại như tượng trưng, siêu thực, biểu hiện (Vách nước); hậu hiện đại (Hôm sau); cổ điển tự nhiên (và đột nhiên gió thổi); đến phong cách thơ hiện đại mang đậm căn tính Việt (Bầu trời không mái che, thả, Vừa sinh ra ở đó, Thời tái chế, và một số tập thơ viết gần đây chưa xuất bản).

 

* Theo ông, việc vạch ra cho mình những con đường sáng tạo khác nhau có gian lao lắm không?

 

- Từ bỏ một thói quen thẩm mỹ, thay đổi một thi pháp, luôn là cuộc vật lộn nhọc nhằn, đầy cam go, có thể nói đó là "cuộc cách mạng" đã nổ ra bên trong kẻ sáng tạo.

 

Sau khi tác phẩm được công bố, người viết phải đối diện với những phản ứng của xã hội, trước hết từ người thân, bạn bè, rộng hơn là công chúng. Nếu không có kiến thức vững vàng và tin vào con đường mình đã chọn, người viết rất dễ bỏ cuộc.

 

Sau mỗi giai đoạn sáng tác là một khúc cua, như vừa nói, đó là thời gian tôi thấy mình "lực bất tòng tâm". Đúng là khi ấy tôi không biết viết gì, viết như thế nào nữa để có thể bước sang chặng đường mới. Tôi gọi đây là chiếu nghỉ, là quãng thời gian mình phải đi qua bóng tối.

 

Nhưng tôi lại suy ngẫm, lặng lẽ tích lũy cùng những khao khát được thoát xác. Rồi ánh sáng phía trước lại mở ra cho tôi đi tiếp.

 

"Bản chất của đời sống nhiều khi được/bị che kín bằng những lớp vỏ cứng, thô mộc, thậm chí giả tạo... Kẻ sáng tạo phải bóc tách, đập vỡ lớp vỏ kia bằng cách tự chiêm nghiệm, tự trải qua những cuộc giằng xé, để người đọc nhìn thấy được cái lõi bên trong sự vật, hiện tượng thông qua tác phẩm" - Mai Văn Phấn.

 

Hành trình bước ra thế giới

 

* Những tập thơ của ông đến với độc giả quốc tế là sự tình cờ hay là ý chí?

 

- Việc đưa thơ đến với thế giới bên ngoài, buổi ban đầu với tôi là cơ duyên. Đầu năm 2010, thông qua một người bạn thơ, tôi gặp dịch giả Trần Nghi Hoàng. Ông là nhà thơ, nhà văn tài năng, viết theo phong cách hiện đại, nên dễ đồng cảm với thi pháp của tôi. Trần Nghi Hoàng đã dịch trọn vẹn tập thơ Bầu trời không mái che của tôi sang tiếng Anh, sau đó chuyển cho bạn thân của ông là nhà thơ Frederick Turner biên tập.

 

Sau khi tập thơ song ngữ Anh - Việt Bầu trời không mái che (tựa dịch tiếng Anh: Firmament Without Roof Cover) của tôi được NXB Hội Nhà văn tái bản tháng 7/2012, (bản Việt ngữ đầu tiên in năm 2010), tôi bất ngờ nhận được thư của nhà thơ Susan Blanshard - người đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh quốc mời ký hợp đồng xuất bản. Vào tháng 12/2012, tập thơ của tôi trở thành 1 trong 100 tập thơ bán chạy nhất của Amazon.

 

Sau đó, những bài thơ trong tập Bầu trời không mái che lần lượt được dịch sang một số ngôn ngữ khác như tiếng Pháp, Hin-đi, Albania, Thụy Điển... Nhà xuất bản Page Addie Press sau khi bán được sách, đã tổ chức dịch thêm một số tập thơ của tôi sang tiếng Anh.

 

* Độc giả nói rất muốn biết về quá trình dịch thơ ra các ngôn ngữ khác nhau như thế nào?

 

- Có thể nói, nhà thơ Trần Nghi Hoàng là người đầu tiên đưa con thuyền của tôi ra khơi. Cũng nhờ có bản tiếng Anh xuất sắc của Trần Nghi Hoàng, sau đó ít lâu, nhà thơ Jean-Michel Maulpoix (GS Đại học Paris 7) và TS Bùi Thị Hoàng Anh đã dịch Bầu trời không mái che sang tiếng Pháp. Rồi cố nhà thơ, dịch giả Phạm Long Quận đã dịch hơn 100 bài thơ của tôi sang tiếng Tây Ban Nha, nhà thơ Víctor Rodriguez Nunez (Hoa Kỳ gốc Cu Ba) biên tập.

 

Từ 3 ngôn ngữ "mạnh" ấy, một mặt, thơ của tôi tự lan truyền, tiếp tục được dịch sang các ngôn ngữ khác. Mặt khác, tôi đã rút từng chùm thơ trong 3 ngôn ngữ vừa nói để tham dự các liên hoan thơ quốc tế và gửi cho báo chí một số nước. Hiện nay, tôi vẫn tiếp tục nhận được lời mời hợp tác của một số nhà xuất bản các nước.

 

* Ông có tự cắt nghĩa vì sao thơ mình được dịch ra nhiều ngôn ngữ như vậy?

 

- Thông qua bạn bè quốc tế và báo chí, độc giả bên ngoài đón đọc thơ tôi, bởi họ được biết thêm về phong tục, tập quán, rộng hơn là lịch sử, văn hóa Việt Nam. Có lẽ họ thấy thi pháp thơ tôi không lạc hậu so với họ chăng?

 

Xin nêu một số ý kiến của các nhà thơ, học giả nước ngoài: "Ngay từ đầu và xuyên suốt các bài thơ, người đọc chứng kiến ý thức con người không thể tách rời khỏi chất liệu nguyên sơ của thiên nhiên. Trong cuộc trao đổi thâm sâu này, bản thể con người và "thiên nhiên ngoại giới" được thống nhất trong một thi cảnh rộng mở của cái đẹp và sự rung cảm mãnh liệt" - Raymond P. Keen (Hoa Kỳ). "Một cái nhìn hiếm hoi vào thế giới bên trong của nhà thơ và lý giải cách thức làm thế nào những thuộc tính của thiên nhiên, tinh thần và văn hóa của cảnh thổ Việt Nam trao truyền quyền năng cho tư duy của nhà thơ để những dòng thơ xuất hiện" - Katy Miller (Anh quốc).

 

Hoặc gần đây, trong bản đánh giá của Hội đồng giám khảo Giải thưởng Frederick Turner 2023, đã viết: "... thơ của ông khôi phục trọng tâm chính là sự bí ẩn của cái đẹp và vai trò quan trọng của nó trong sự hình thành thế giới và sự xuất hiện của thời điểm hiện tại đích thực".

 

* Con đường sáng tạo tiếp theo mà ông dự định sẽ bước đi là gì?

 

- Tôi hiện có 3 tập thơ chưa xuất bản, đã đăng trên maivanphan.com. Con đường tiếp theo của tôi ư? Dĩ nhiên phải là chặng khác, sao cho thỏa mãn những khao khát sáng tạo riêng mà tôi luôn ấp ủ.

 

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 

 

 

GAI

 

Sớm

Hái bông hoa hồng

Chiều

Gai cào mộng mị.

 

Sẹo

Lên xanh biếc thế

Gai

Trong hồn đơm hoa.

 

Mai Văn Phấn

 

 

(Nguồn: Báo Thể Thao & Văn hóa, số 223 (7187), ra ngày 8/11/2023)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị