image advertisement
image advertisement





























 

"thả" - Tâm thế sáng tạo mới trên hành trình thơ Mai Văn Phấn (tiểu luận) - Phạm Bá Cương

"thả" - Tâm thế sáng tạo mới trên hành trình

thơ Mai Văn Phấn

 

 

Tác giả Phạm Bá Cương

 

 

Phạm Bá Cương*

 

Tóm tắt: Mai Văn Phấn là một gương mặt sáng tạo đặc biệt của thơ Việt Nam giai đoạn sau năm 1986. Ông có một quá trình sáng tạo bền bỉ với nhiều chặng vận động, phát triển và nhiều tác phẩm ghi dấu thành tựu cá nhân. Trong bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích tâm thế sáng tạo của Mai Văn Phấn thể hiện trong tập thơ mang tên thả[1] và sự chi phối của tâm thế sáng tạo ấy tới các phương diện tương ứng trong tác phẩm, như cảm hứng, đề tài, hình tượng, thi pháp…

 

Từ khoá: thả, Mai Văn Phấn, thơ ba câu, thơ Hai-cư

 

1. Giới thiệu

 

Hành trình thơ Mai Văn Phấn là những cuộc thử nghiệm liên tục đi từ thi pháp thơ truyền thống đến hiện đại. Với ông, sáng tạo luôn đồng nghĩa với những cuộc “vong thân” để không ngừng tìm kiếm những cách biểu đạt mới và những nguồn cảm hứng mới. Tính tới thời điểm hiện tại, Mai Văn Phấn đã xuất bản 16 tập thơ và 1 tập phê bình, tiểu luận tại Việt Nam; 33 tập thơ và tác phẩm dịch ở nước ngoài. Trong đó, nhiều tập thơ đã đạt những giải thưởng lớn ở trong và ngoài nước. Thơ Mai Văn Phấn phong phú về đề tài, chất liệu và phong cách sáng tác. Những tập như Vách nước (2003), Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009)… và sau này là Trường ca thời tái chế (2018) cho thấy quan niệm và lối viết của ông chịu  ảnh hưởng của nhiều khuynh hướng thơ hiện đại. Thơ Mai Văn Phấn là hành trình dấn thân không mệt mỏi vào đời sống, không ngừng nới rộng các lằn ranh để khám phá, thử nghiệm, sáng tạo.

 

 Đến thời điểm này, thơ ba câu của Mai Văn Phấn được công bố trong hai tập, gồm hoa giấu mặt được xuất bản năm 2012 gồm 50 bài thơ và thả in năm 2015 gồm 1017 bài. Với tập thả, có thể nói, Mai Văn Phấn đã tìm thấy cho mình một nguồn thi cảm mới. Chất thiền như mạch nước ngầm, là luồng sinh khí chảy xuyên suốt tập thơ. Có thể hình dung tập thơ như sự kết tinh của một tâm thế sáng tạo mới của ông - tâm thế thả.

 

Cho đến nay, đã có khá nhiều bài viết giới thiệu, phê bình về tập thả của Mai Văn Phấn. Nhìn chung, những bài viết như Tự do, thả mình vào cõi sống của nhà thơ Phạm Văn Vũ, “Thả” vào thanh tịnh của Hoàng Thuỵ Anh, hay những bài phê bình của Đỗ Ngọc Thống, Nguyễn Chí Hoan, Lê Đăng Hoan... đều tiếp cận thơ ba câu của Mai Văn Phấn trong sự đối sánh với thơ Haiku Nhật Bản. Đặc biệt, bài phê bình Bí mật của khoảnh khắc của Lê Hồ Quang đã đi sâu tiếp cận tập thơ từ góc độ cấu trúc thể loại. Ngoài ra, có thể kể đến luận văn Xu hướng tối giản trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn của Lê Thị Thu Thắm. Ở công trình này, tác giả đã đặt thơ ba câu của Mai Văn Phấn trong dòng chảy thơ đương đại, từ đó, nghiên cứu đặc điểm về thi pháp thơ ba câu của Mai Văn Phấn như một sự hội nhập xu thế tinh giản hoá của thơ ca đương đại.

 

Nhìn chung, các công trình nghiên cứu, các bài phê bình về thơ ba câu của Mai Văn Phấn đều khẳng định thơ ba câu là một hướng tìm tòi mới, độc đáo của Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, hầu hết các công trình, bài viết chưa đề cập đến vấn đề tâm thế sáng tạo và sự chi phối của nó tới các yếu tố nghệ thuật tương ứng trong thi phẩm. Chính vì vậy, ở bài viết này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu thêm về vấn đề nói trên.

 

2. Phương pháp nghiên cứu

 

Để nghiên cứu đề tài này, chúng tôi đã sử dụng một số các phương pháp nghiên cứu sau:

 

2.1. Phương pháp phân tích, tổng hợp

 

Phương pháp phân tích - tổng hợp là phương pháp được sử dụng chủ yếu trong bài viết, nhằm xác định và phân tích, khái quát hoá về diện mạo, đặc điểm tâm thế sáng tạo nghệ thuật của Mai Văn Phấn trong tập thả.

 

2.2. Phương pháp cấu trúc, hệ thống

 

Khi thực hiện đề tài này, chúng tôi sẽ xem xét tâm thế sáng tạo như một yếu tố chủ âm, chi phối tới toàn bộ các yếu tố khác trong thi phẩm như cảm hứng, đề tài, hình tượng, ngôn ngữ, kết cấu…, tạo nên cấu trúc hệ thống của nó. 

 

Ngoài những phương pháp trên, chúng tôi còn sử dụng một số phương pháp hỗ trợ như: phương pháp phân tích văn bản, phương pháp nghiên cứu tác giả, phương pháp so sánh, đối chiếu,…

 

3. Kết quả nghiên cứu

 

3.1. Vấn đề tâm thế sáng tạo nghệ thuật

 

Tâm thế sáng tạo nghệ thuật là gì? Theo Lê Thị Bừng trong Các thuộc tính điển hình của tâm lí và nhân cách, “Tâm thế là trạng thái tâm lí sẵn sàng của con người với tư cách là chủ hoạt động nào đó”[2]. Theo định nghĩa này, tâm thế nhằm chỉ một trạng thái tâm lí mang tính chủ động đã được hình thành dựa trên trình độ tiếp nhận, sở thích, hứng thú và thế giới quan niềm tin của từng cá nhân. Theo đó, có thể hiểu, tâm thế sáng tạo nghệ thuật là sự tổng hoà của những yếu tố thuộc về tâm lí của người nghệ sĩ như nhu cầu, hứng thú, động cơ, thế giới quan, lí tưởng, quan niệm giá trị... Tâm thế sáng tạo, với tư cách một lập trường, thái độ tư tưởng, một xu hướng đánh giá, một cách nhìn nhận, lí giải đặc biệt về hiện thực, có vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong sáng tạo nghệ thuật. Tâm thế sáng tạo của nghệ sĩ có thể vận động, biến chuyển khác nhau theo các chặng đường sáng tạo tương ứng.

 

Nhìn một cách bao quát, sáng tác của Mai Văn Phấn là một quá trình vận động, chuyển dịch không ngừng, tương ứng với những thay đổi trong bối cảnh, tâm thế sáng tạo và thi pháp. Chúng tôi mô tả quá trình đó bằng sơ đồ dưới đây (sơ đồ không liệt kê những tác phẩm dịch và những tác phẩm vẫn còn trong thời gian hoàn thiện trên trang http://maivanphan.com chưa được xuất bản):

 

 

Nhìn chung, ở giai đoạn khởi đầu, với các tập Giọt nắng (1992), Gọi xanh (1995), thơ Mai Văn Phấn vẫn chưa đi xa hơn hệ hình thi pháp thơ truyền thống. Ở giai đoạn này, theo Lê Hồ Quang, “tính truyền cảm của thơ được xây dựng chủ yếu trên cơ sở lạ hoá các ẩn dụ, đem lại mĩ cảm khá mới mẻ so với thời điểm của chúng”[3]. Từ những năm 1995 cho đến đầu những năm 2000, những tập thơ như Nguyện cầu ban mai (1997), Nghi lễ nhận tên (1999), Trường ca người cùng thời (1999), Vách nước (2003) đã  thể hiện những cách tân mạnh mẽ theo hướng hiện đại chủ nghĩa, , từ “những tổ chức ngôn từ chừng như phi logic, nhà thơ đang tiến gần hơn với tiếng nói của trực giác, vô thức và tâm linh”[4]. Sau 6 năm chững lại để tự tìm lối đi mới, Mai Văn Phấn đã cho ra đời liên tiếp các tập thơ Hôm sau (2009), và đột nhiên gió thổi (2009), Bầu trời không mái che (2010), hoa giấu mặt (2012), Vừa sinh ra ở đó (2013). Qua đó, có thể thấy, ông không ngừng thay đổi lối viết để tìm kiếm những giá trị thẩm mĩ mới. Nhưng đồng thời, nhà thơ cũng“càng ngày càng ý thức hướng đến một lối viết “tự nhiên/ như đi trên đất”, giản dị, “thuần Việt”, vượt lên sự gò ép của áp lực lí thuyết và kĩ thuật”[5]. Và tập thơ thả (2015) ra đời đã ghi dấu một sự chuyển dịch tâm thế mạnh mẽ cho thấy khá rõ tư tưởng thẩm mĩ này. 

 

3.2. Thả - Một tâm thế sáng tạo đậm chất thiền

 

Trong quan niệm của đạo Phật, Thiền (Zen) dùng để chỉ một trạng thái tĩnh tâm, loại bỏ những ý nghĩ tạp niệm để nhận thức lại về bản ngã và thế giới nhằm tìm kiếm sự chứng đạt chân lí (giác ngộ). Trong Thiền & Phân tâm học, Suzuki đã định nghĩa: “Thiền tự yếu tính là một nghệ thuật nhìn vào bản tính hiện hữu của mình, và nó chỉ con đường tự hệ lỵ đến tự do”[6]. Như vậy, chúng ta có thể hiểu, Thiền là một trạng thái thả lỏng, loại bỏ những tạp niệm trong tâm trí để nhìn sâu vào trong nội tâm của mình. Thiền hướng con người đi đến sự giác ngộ về bản ngã bên trong và về những quy luật của đời sống.

 

Ngay ở tên gọi tập thơ - thả, tác giả đã cho ta thấy một cảm quan sáng tạo tương hợp giữa đời sống hiện thực và tâm thức tôn giáo. Theo định nghĩa trong Từ điển tiếng Việt, thả là một hành động: “(1) không giữ lại một chỗ nữa mà để cho/được tự do hoạt động, (2) cho vào môi trường thích hợp để có thể tự do hoạt động và phát triển, (3) để cho tự bay lên hoặc thả xuống, nhằm mục đích nhất định”[7]. Như vậy, có thể hiểu giản dị, thả là từ dùng để chỉ một hành động cởi bỏ, buông bỏ hay cởi trói để giải phóng cho đối tượng được tự do thoát khỏi sự ràng buộc. Trong trường nghĩa này, đối tượng được thả/ buông thả/ phóng thả  không là các sự vật vật chất, mà còn là các hiện tượng tinh thần của con người. Hành động buông bỏ này giúp con người có thể hướng đến sự tự do cá nhân về mặt tâm trí, suy nghĩ và tư tưởng.

 

Điều này có lẽ có sự tương đồng với khái niệm “xả” trong quan niệm về Tứ vô lượng tâm (Bốn món tâm rộng lớn không lường được) của Phật giáo: “Xả, là xả bỏ, một trong những đức hạnh quan trọng của đạo phật. (1) đó là tình trạng không vui, không buồn, độc lập với vui buồn. (2)Tâm thức vững chắc, nằm ngoài mọi phân biệt”[8]. Theo đó, khái niệm “xả” trong Phật giáo cũng nhấn mạnh tới sự xả bỏ. Đó là hành động đưa tâm trí thoát ra khỏi những mâu thuẫn, không còn chấp niệm, giải thoát con người ra khỏi đời sống thế sự, đưa con người đến gần hơn với cuộc sống an vui và hạnh phúc, bình yên trong tâm hồn. Muốn vậy, theo quan niệm của đạo Phật, con người phải luôn ở trong tâm thế độc lập, đứng ngoài cuộc sống để nhìn vào cuộc sống. Khi ấy, cuộc sống được xem như là một đối tượng, mà chủ thể (tức con người) có cơ hội xác lập cho mình một con mắt mới, nhìn sâu vào thực tại.

 

Thơ Thiền (và nhiều sáng tác của các tác giả viết theo cảm hứng Thiền) có đặc điểm chung là thể hiện ý thức về sự hiện hữu của con người theo quan điểm của Thiền học như về sự tương giao hoà hợp giữa con người và tự nhiên hay vô ngã, vô thường của quy luật đời sống… Chúng thể hiện thông qua cái nhìn thẳng vào sự vật như là bản chất của chính nó. Về tư duy, cảm thức thiền luôn thể hiện thông qua sự ý thức của chủ thể về chính chủ thể (thiền quán), hay trong từng sát-na (khảnh khắc) của thời gian và về chính đời sống để tìm ra quy luật nhằm đạt được sự chứng ngộ của chân lí.

 

Thơ Thiền của Trần Nhân Tông (1258-1308) chứa đựng ý vị Thiền đạt đến cảnh giới thoát tục cao nhất. Ông miêu tả thiên nhiên dưới con mắt của người xả bỏ lợi danh, thoát tục, như tiếng chuông chùa vang động trong lòng người: “Thượng đế liên sầm tịch/ Thái thanh thì nhất trung”, (dịch nghĩa: Thượng đế thương hiu quạnh/ Thỉnh thoảng điểm một tiếng chuông giữa tầng biếc)[9] (Động thiên hồ thượng). Bài thơ Cáo tật thị chúng của Mãn Giác Thiền Sư cũng cho chúng ta thấy ý thức xả bỏ thân tâm khi đối diện với quy luật sinh diệt vô thường của tạo hoá chỉ bằng đôi câu thơ tuyệt bút:“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/Đình tiền tạc dạ nhất chi mai”, (dịch nghĩa: Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua, sân trước, một nhành mai)[10] (Cáo tật thị chúng).

 

Thơ của Thích Nhất Hạnh là một tâm thế xả bỏ triệt để, từ trong tiềm thức tới tâm thức cho đến hình thức của bài thơ. Nhà thơ đã đạt đến sự tự do như một cơn gió mùa xuân:

 

bãi vắng

mưa xoá dấu chân người

trên cát mịn.

não phiền từ đâu lại:

chân còn chưa chấm chất,

lắng nghe phản phất gió mùa xuân.

(Buông thả, Teo Savory dịch)

 

Trong thơ của Đinh Trần Phương, cảm thức thiền thoảng qua như cách mà nhà thơ đối diện với nỗi buồn một cách đầy ý vị được thể hiện qua hình thức ngôn từ tinh giản của thể thơ Hai-cư:

 

1. Chú chim sẻ nhỏ

đơn côi đậu xuống

muộn phiền trong tôi

2. Bên di ảnh mẹ

mấy bông loa kèn

nhuỵ đầy mùi hương

 

Trong thơ Việt Nam đương đại, chất Thiền đã trở thành một tinh thần, cảm hứng mà nhiều thi sĩ đang hướng đến. Mai Văn Phấn cũng nằm trong số đó. Ở đó, nhà thơ đã tìm thấy cho mình một nguồn thi cảm mới trên hành trình sáng tạo. Đó là một “tinh thần buông bỏ triệt để của cái tôi nhằm tìm lại chân diện bản ngã”[11].

 

3.3. Thả -  ý thức tìm kiếm sự tinh giản trong thơ

 

Tại sao không phải là giản dị, đơn giản, giản ước mà là tinh giản? Theo Từ điển Tiếng Việt, “giản có thể được hiểu là sơ sài, không phức tạp, cầu kì. Giản dị là đơn giản một cách tự nhiên trong phong cách sống. Đơn giản (giản đơn) là không có nhiều thành phần hoặc nhiều mặt, không rắc rối. Giản ước là lược bỏ những phần có thể lược bỏ để làm cho có hình thức đơn giản hơn”[12]. Trong trường nghĩa chỉ sự tối giản, ngắn gọn ấy, tinh giản không chỉ được hiểu là sự ngắn gọn, đơn giản về mặt hình thức mà còn hiểu theo nghĩa là sự tinh lọc tối đa, chỉ giữ lại những gì được xem là tinh tuý nhất.

 

Phải thừa nhận một điều rằng, thơ Hai-cư đã trở thành một chuẩn mực thẩm mĩ cho những bài thơ được viết dưới dạng cực ngắn, trong đó có thơ ba câu. Bằng sự tinh gọn về mặt dung lượng và thi pháp, thơ Hai-cư dễ dàng ghi lại những suy nghĩ chớp thoáng trong tâm hồn của thi nhân. Sự tiết chế ngôn từ ấy không hạn chế nghĩa, mà ngược lại, nó còn giúp thơ Hai-cư có thể nới rộng lằn ranh biểu đạt và các lớp nghĩa/ ý nghĩa tượng trưng phong phú nhờ vào những quy tắc mĩ học nghiêm ngặt, độc đáo.

 

Trong thả, Mai Văn Phấn đã kế thừa và tiếp nối tinh thần tinh giản đó. Sự tinh giản trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn không đơn thuần chỉ là sự cắt ngắn cơ học về mặt số lượng chữ hay tiết chế về mặt cảm xúc, tư tưởng, tinh thần. Sự tinh giản ở đây có thể hiểu là một tư tưởng mĩ học chi phối đến lối viết, kĩ thuật viết của Mai Văn Phấn. Tuy nhiên, dù học hỏi nghiêm túc quan niệm và kĩ thuật thể hiện của thơ Hai-cư Nhật Bản nhưng Mai Văn Phấn rất có ý thức tìm kiếm một lối viết riêng, mang tinh thần Việt, như ông vẫn mong muốn.

 

Xét theo kết cấu, thơ ba câu của Mai Văn Phấn là bài thơ gồm tiêu đề và ba câu/ dòng thơ. Tiêu đề trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn có chức năng rõ rệt, vừa đóng vai trò là “hình tượng/hình ảnh trung tâm của bài thơ”[13], vừa đóng vai trò là một “chìa khoá để giải mã nội dung thi phẩm”[14]. Tiêu đề và các câu thơ có sự liên kết chặt chẽ, rõ rệt tạo nên tính hoàn chỉnh và giá trị thẩm mĩ cho từng bài thơ. Ta có thể thấy sự tương đồng giữa hai hình ảnh người đàn bà mang thai đi quabuồng chuối chín cây, đã đánh thức lòng trắc ẩn của nhân vật trữ tình:

 

Nhìn người đàn bà mang thai đi qua

 

Vội tìm chiếc cọc

Đỡ buồng chuối chín cây

Trĩu nặng

 

Mặt khác, dù không  giới hạn về số chữ cho mỗi dòng nhưng thơ ba câu của ông vẫn phải tuân thủ theo quy tắc tinh gọn tối đa trong lối biểu hiện. Những bài thơ cực ngắn như:

 

Cột buồm

 

Gãy

Gió

Nhẹ

 

đã thách thức người đọc trong việc kiến giải ý nghĩa. Sự tinh gọn được đẩy lên đến mức tối đa chỉ còn lại những sự vật: Cột buồmgió. Cột buồm đã bị gãy và dường như nó đã từng trải qua một cơn giông bão. Nhưng bài thơ không gợi lên cảm xúc tiếc nuối, bởi người đọc như được đồng nhất với điểm nhìn của nhân vật trữ tình khi đang quan sát chiếc cột buồm trong một ngày trời yên gió nhẹ.

 

Thơ Hai-cư lược bỏ tối đa những hư từ, trạng từ, quan hệ từ, phụ từ... chỉ còn lại những hình ảnh được đẩy lên bề mặt, chẳng hạn bài thơ sau đây của Ba-so (do Nhật Chiêu dịch):

 

Kareeda ni

Karasu no tomarikeri

Aki no kure.

Trên cành khô

cánh quạ đậu

chiều thu.

 

Đâu là sợi dây liên kết giữa những hình ảnh “con quạ”, “cành cây khô” và “chiều thu”? Hầu như không có mối quan hệ logic rõ ràng nào. Người đọc bị đẩy vào một tâm thế phải tự tìm ra sợi chỉ nối kết những hình ảnh của bài thơ. “Con quạ” biểu thị cho điều gì, cái chết, sự xui rủi hay sự minh triết? Mối liên hệ của nó với “cành cây khô” là sự sống và cái chết hay là sự nhỏ bé bên cạnh không gian rộng lớn của “chiều thu”? Sự im lặng miên viễn ấy gợi cho ta xúc cảm gì? Rất nhiều câu hỏi mở ngỏ. Sự giản lược những từ ngữ mang chức năng mô tả, kết nối đã tạo nên những khoảng trống lớn mơ hồ giữa những câu chữ và bài thơ.

 

Mai Văn Phấn chỉ lược bỏ những động - tính từ thiên về biểu đạt cảm xúc. Điều này giúp cho những bài thơ ba câu của ông vừa đảm bảo sự tự nhiên của hình ảnh, sự việc đồng thời vẫn khơi gợi những xúc cảm, liên tưởng, tưởng tượng phong phú từ phía của người đọc, ví dụ như: Lập xuân: Tát nước/Từng gàu/Ruộng cạn; Sáng mồng một: Nhặt được chiếc tất trẻ con/Mềm/Như trái chín;.... Khi đọc thơ ba câu của Mai Văn Phấn, người đọc vẫn nhận thấy một tâm thế nhẹ nhàng, điềm tĩnh (karumi), vốn là cảm hứng chủ đạo trong tập thơ thả. Tuy nhiên, điều này vô hình trung cũng làm giảm đi chiều sâu trong việc khơi gợi những mĩ cảm tâm linh của Thiền đạo như: thanh đạm (wabi), cô tịch (sabi), u huyền (yugen)… là những đặc điểm đã tạo nên chiều sâu mĩ cảm của thơ Hai-cư Nhật Bản.

 

3.4. Thả - hành trình buông bỏ để trở về

 

3.4.1. Trở về với thiên nhiên

 

Từ xưa tới nay, thiên nhiên đã là một đề tài không còn xa lạ trong đời sống sáng tạo nghệ thuật. Nếu như văn học phương Tây xem thiên nhiên là nền cảnh nhằm làm nổi bật con người thông qua những khát vọng chinh phục tự nhiên, thì trong văn học phương Đông, thiên nhiên luôn được khắc hoạ trong mối tương giao, hoà hợp với đời sống tinh thần của con người. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học - kĩ thuật và nền kinh tế thị trường, sau một giai đoạn tưởng chừng như đã bỏ quên thiên nhiên để nhường chỗ cho việc phản ánh những vấn đề cấp thiết của đời sống xã hội, văn chương hiện đại dần quay trở lại với những vấn đề về tự nhiên, môi trường và bảo vệ sinh thái. Câu hỏi về vai trò và mối quan hệ giữa con người và tự nhiên được đặt ra. Từ đó, văn chương đương đại dần hướng con người đến một đời sống cân bằng với tự nhiên, một mặt, thể hiện ý thức, trách nghiệm của con người đối với đời sống xã hội, mặt khác, thúc đẩy suy tư của con người hướng tới hành trình tìm kiếm sự bình yên, an ổn ngay trong chính tâm hồn của mình.

 

Trong tập thơ thả, theo khảo sát sơ bộ, những bài thơ đề tài về thiên nhiên chiếm xấp xỉ 76% (773 bài) trong tổng số 1017 bài thơ. Nếu như trong thơ Hai-cư, quý ngữ (kigo) đóng vai trò tạo nên một bức tranh thiên nhiên mang cảm thức của một không - thời gian miên viễn, tĩnh tại, thì trong tập thơ thả, bên cạnh những quý ngữ thường dùng, Mai Văn Phấn cũng đã lấy thời gian tuyến tính bốn mùa: xuân - hạ - thu - đông làm trục chính để tổ chức sắp xếp các văn bản thơ. Đó không chỉ là cách Mai Văn Phấn biểu thị “quý ngữ” theo cách riêng của mình, mà nó còn thể hiện một bức tranh vô cùng sống động của thế giới thiên nhiên qua con mắt của nhà thơ.

 

Mùa xuân được tái hiện trong cảm thức Đón giao thừa, trong cái “mềm” thơm mùi “trái chín” của “chiếc tất trẻ con” vào Sáng mồng một. Con người trong tâm thế Thảnh thơi bên chén trà, ngắm nhìn hình ảnh đầy sức sống của Cây tầm xuân, Hoa mận trắng.

 

Mùa hạ của những Quả dưa lê, những Miếng dưa hấumọng nước”, của những Ngày nóng nực người vật đều tìm chỗ trốn: “Con nhái nhảy xuống nước/ Em bổ quả dưa / Trong bóng râm”.

 

Mùa thu của những Quả hồng chín mọng, của cơn Gió đầu mùa, hay trong sự biến thiên của cảnh vật “Cây mộc lan/ Già đi”, Khói thu lên trời: “Lá/ Quanh chùa/ Rụng hết”. Con người thì an nhiên vô sự: “Nâng chiếc ấm/ mút trà qua vòi” trong Bầu trời thu, thản nhiên “gọt quả hồng” khi Ở nhà một mình, hay khi Thu chín: “Nhớ em/ Lúc nào/ Miệng cũng ngọt”.

 

Mùa đông trong hình ảnh Chiếc lá/ Ủ ấm/ Con sâu, cảm thức về sự giao mùa qua Trời trở lạnh, Gió mùa về, Khoác áo ấm, hay trong những ngày tảo mộ: Viếng mộ cha gặp mưa: Gột rửa/ Bàn tay con/ Trong vắt; Viếng mộ ông bà: Thắp hương xong/ Dựa lưng/ Vào ngôi mộ bên canh; Cây ở nghĩa trang: Lắc lư nhiều hướng/ Lá nửa non/ nửa già… Những hình ảnh làm thức dậy trong tâm hồn của thi nhân những kí ức tưởng chừng từ lâu đã rơi vào quên lãng.

 

Có thể thấy, Mai Văn Phấn không hướng đến việc miêu tả hình ảnh một thiên nhiên mênh mông, rộng lớn mang tính miên viễn, vô cùng. Thiên nhiên trong thơ ông được thể hiện thông qua những hình ảnh bình dị, nhỏ bé, đơn sơ. Đó là những Chồi non, Mưa bụi, Cây tầm xuân, Cơn dông,... Tất cả chúng đều có những vẻ đẹp riêng, những giá trị riêng. Thiên nhiên hiện lên bằng vẻ đẹp của chính nó, không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của nhà thơ. Bằng những hình ảnh thiên nhiên bé nhỏ, tươi tắn đan cài trong những hoạt động sinh hoạt thường nhật của con người, những bài thơ ba câu đã bộc lộ một tâm thế hân thưởng nhẹ nhõm và an lạc của chủ thể trữ tình.

 

3.4.2. Trở về với đời sống thường nhật

 

Đời sống thường nhật gắn liền với những sinh hoạt đời thường, hàng ngày của con người. Trong thơ Mai Văn Phấn, ta gặp nhiều lần các hình ảnh mô tả các thói quen sinh hoạt như: ăn, uống, dạo chơi, ngắm hoa, nghe tiếng chim hót, xem tivi, uống trà, uống cafe… Chúng cũng trở thành những motip chủ đề quen thuộc, lặp lại với tần số cao trong tập thả. Đây là một điều cần chú ý: với Mai Văn Phấn, coi trọng đời sống ngày thường, tìm kiếm ở ngày thường những vẻ đẹp và giá trị riêng không chỉ là một hành động thực tế mà chính là một hành động tư tưởng - sáng tạo nghệ thuật.

 

Trong tập thơ, ta dễ dàng bắt gặp những hành động có sự lặp lại giữa các bài thơ nhằm để diễn tả một thói quen thường nhật của tác giả. Đơn cử, trong những bài thơ diễn tả hoạt động thường nhật, Mai Văn Phấn vẫn giành riêng một tiểu chủ đề về Trà. Trà đạo không chỉ đơn giản là uống trà mà còn bao hàm trong đó những ngẫm nghĩ về nhân sinh và nghệ thuật. Có lẽ đây là thói quen của tác giả khiến cho Lòng tôi lắng dịu.

 

Đây là câu chuyện Một mình pha trà: Chờ nước sôi/ Ngồi đếm/ Hoa hải đường. Thoạt nhìn, tưởng chừng bài thơ đơn thuần kể việc. Một sự việc tưởng chừng tẩn mẩn, vô nghĩa. Nhưng thực ra, cái được kể lại không chỉ là hành động chờ nước sôi hay đếm hoa. Cái được “kể” vừa là hành động bên ngoài, của khách thể vừa là ý thức về sự diễn tiến của thế giới, bên trong chủ thể. Đó cũng là ý thức về sự song hành và diễn tiến của thời gian - thời gian thường nhật, của cá thể, và thời gian của vũ trụ, của Vô cùng. Cả hai song song đồng hiện và chập lại trong một sát-na chờ đợi. Tất cả dừng lại và tất cả trôi đi. Luôn luôn trôi đi. Như chính thời gian, cuộc đời. Như nước sẽ-đang sôi và hoa sẽ-đang nở. Sự tự ý thức ấy đã đem đến cho Mai Văn Phấn sự tỉnh thức (tâm biết ý thức) ngay trong giây phút sinh khởi thường nhật.

 

Cũng tương tự, là câu chuyện Chờ trà ngấm: Con hoạ mi/Lặng im/Chuyền trong lá. Khác với thông thường, hành động “chờ” không khiến tác giả trở nên nóng vội. Ngược lại, sự chú tâm vào thực tại đã khải thị trước ông những vẻ đẹp mới của thiên nhiên, tạo vật. Việc di chuyển điểm nhìn từ ấm trà mới pha sang hình tượng con chim chuyền trong lá, thực chất là một hành động chuyển hoá nội tâm từ ngoài vào trong, từ động sang tĩnh. Tác giả lắng nghe sự vận động của ấm trà hay chú chim không phải bằng giác quan thông thường mà bằng sự từ tốn, thong dong của một tâm hồn thiền định.

 

Hành động “chờ” tiếp tục khi tác giả Rót chén trà: Chờ/Hương/Toả khắp phòng. Những câu thơ làm thức dậy khứu giác của người đọc. Tác giả muốn lưu giữ mùi hương, trân trọng từng khoảnh khắc. Tác giả sợ nó qua đi hay sợ bản thân sẽ chiếm trọn, khiến nó không còn nữa. Chỉ khi Hớp ngụm trà: Chưa nuốt/Mải nhìn cành ổi/Tụ quả, tác giả mới quên đi hành động “nuốt” vì mải ngắm thiên nhiên đang tràn trề sức sống.

 

Thơ ba câu của Mai Văn Phấn có tính chất nhật kí rõ rệt. Xuất phát từ hành động ghi lại những khoảnh khắc đời thường, với một quan niệm và mĩ cảm sáng tạo mới, Mai Văn Phấn đã chuyển dịch những sự vật, sự việc đời thường nhỏ nhặt trong đời sống, vốn bị  xem là yếu tố ngoại vi trong thơ truyền thống sang vị trí trung tâm của thế giới thơ ông.

 

Đọc thơ ba câu của Mai Văn Phấn, người đọc dễ dàng thấy được hơi thở của đời sống đương đại. Những yếu tố thuộc về cuộc sống đời thường của con người không chỉ là những hình ảnh như Tiếng khoan tường, Xem tivi ngủ quên, Chung cư, Café, mà còn là những câu truyện thế sự làm người đọc suy ngẫm: Quy hoạch con đường: Vẽ một nét/Vào đâu/Mặc; Xử lý nghiêm: Không bảo được/Thanh trừng/Bỏ phiếu kín; Hoa ở hội trường: Còn tươi/Vẫn phải thay/Vì cuộc họp khác;... Thơ ba câu của Mai Văn Phấn chở nặng những suy tư thế sự của tác giả về xã hội đương đại, của đời sống đô thị và cả về nguy cơ con người đang bị máy móc hoá, robot hoá trong tâm hồn.

 

Tác giả có khả năng phát hiện chất thơ ngay trong những hình ảnh, sự vật tưởng chừng vụn vặt nhất như: Dậy sớm: Tắm xong/Giặt quần áo/Nắng lên; Quả dưa lê: Rửa xong/Nước tụ/ Giọt lớn; Xác con ve: Rơi/Mùa hè/Thụ phấn vào thu; Viếng đám ma: Con cháu mải đáp lễ/Khách ra ngõ/Gặp gió thổi; Chờ thợ diệt muỗi đến: Mấy con muỗi/Vo ve/ Lần cuối/; Con cá chết: Dạt chân cầu/Nghe chuyện/Người qua lại... Mai Văn Phấn không khước từ những thứ vốn bị xem là tầm thường, bất nhã, chẳng thể bước vào thơ như con sâu, con muỗi, con ruồi, con giun,… hay những hình ảnh ngủ gật, ăn dưa, xem tivi, giặt quần áo,... Cần lưu ý, không phải đến thời hiện đại, những yếu tố (bị xem) tầm thường mới xuất hiện trong văn học. Trong một bài thơ Hai-cư của Basho (do Đoàn Lê Giang dịch), chúng ta đã thấy một tâm thế không phân biệt đẳng cấp, mọi sự vật sự việc được đặt ngang hàng, thể hiện một tinh thần phá chấp triệt để:

 

Bọ chét, rận

nước đái ngựa

gần bên gối nằm.

 

Thực chất đấy là một nhãn quan mang tính tỉnh thức, thấu suốt. Tỉnh thức là một khái niệm của Phật giáo chỉ một tâm tư hoàn toàn tỉnh táo và sáng suốt, biết rõ đối tượng đang tiếp xúc hay biết rõ những việc mà mình đang làm. Từ đó, nó giúp cho nhà thơ sống trọn vẹn trong từng giây phút hiện tại, tâm không vướng bận quá khứ hay ước vọng tương lai. Quan điểm này tiệm cận với tinh thần hiện sinh hơn cả.

 

3.4.3. Trở về với đời sống nội tâm

 

Hành trình trở về với đời sống nội tâm là quá trình con người khám phá thế giới bên trong mình, bao gồm những yếu tố thuộc về tâm hồn như suy nghĩ, cảm xúc... và về những giá trị cốt lõi đã góp phần tạo nên tính cách, ước mơ, ý chí và nhận thức của con người. Nhờ vậy, chúng ta có thể khám phá những bí ẩn trong tâm trí mình, khơi nguồn sức mạnh nội tại bên trong và từ đó có thể nhận thức được vai trò, ý nghĩa và mục đích thật sự của cuộc đời mình.

 

 Bản chất của Thiền học là “dựa trên việc suy tưởng nội tâm để đánh thức Phật tính tiềm tàng trong con người.”[15]. Chính vì vậy, thiền có thể đóng vai trò là chiếc chìa khoá để đi sâu vào thế giới của nội tâm. Bác sĩ Suzuki trong tác phẩm  Thiền và phân tâm học đã đề cập đến“lối nhận thức của thiền là đi ngay vào chính đối tượng và thấy nó, có thể nói là từ bên trong” [16]. Từ đó, ông đã chỉ ra mối quan hệ giữa Thiền và cái “vô thức” trong phân tâm học, “Lối mô tả mục tiêu Thiền này có thể áp dụng không cần thay đổi như một mô tả cái mà phân tâm học khao khát thành tựu được; nhìn vào bản tính của chính mình (kiến tính), thực hiện tự do, hạnh phúc và tình thương, giải phóng tinh lực, cứu thoát khỏi bị điên loạn hay tàn tật”[17]. Nhưng nếu như mục tiêu của sự trở về nội tâm của Thiền là Ngộ, tức là lĩnh hội thực tại trong một khoảnh khắc trực tiếp đạt được chân lí thì với phân tâm học, đó là hành trình đi sâu khám phá tiềm thức. Đó là nơi mà theo Freud, luôn tồn tại những ẩn ức khao khát được giải phóng khỏi trạng thái dồn ép thông qua sự thăng hoa nghệ thuật hoặc là trong các giấc mơ. Như vậy, cánh cửa đi giữa thế giới tâm linh và vô thức đã mở ra nhiều hướng tiếp cận đi sâu khám phá nội tâm của con người.

 

Khi đi sâu vào thế giới thơ ba câu của Mai Văn Phấn, người đọc có thể tìm thấy những bài thơ nằm giữa hai lằn ranh giới mơ và thực. Theo quan điểm của Freud, những giấc mơ là sự thoả mãn những dục vọng: “Mộng là nguyện vọng bị áp chế thông qua sự thoả mãn biến hình… Mộng chẳng qua là sự thoả mãn bản năng vô thức mà thôi”[18], “Những dục vọng không giới hạn đều đang bị kẹt cứng trong cơ thể trần tục… Những giấc mơ ban đêm đã tạo ra một lối ra cho những dục vọng ẩn ức”[19].

 

Bắt đầu từ những giấc mơ đã đem đến cho tác giả những trải nghiệm tưởng chừng như rất thực: Mơ thấy cha: Thương quá/Không chịu nổi/May thức dậy; Đêm qua mơ: Cây quả ngọt/ Luôn bên mình/ Đưa tay hái; : Một mình vượt sóng/Tỉnh dậy/Mồ hôi đẫm gối... Cho đến những giấc mơ trong sự hoá thân biến đổi hình dạng: Mơ thành trái chín: Thức dậy/Miệng thơm bùi/Chưa chắc là nhân; Mơ thành cây măng: Choàng tỉnh/ Tung tấm chăn/ Tự bóc lớp bẹ già... Có thể thấy, những giấc mơ của Mai Văn Phấn đều có mối liên hệ với những sự việc đang xảy ra bên trong tiềm thức của ông. Đó có thể đến từ nỗi lo lắng về những khát vọng không thể chinh phục (Mơ thành con tàu: Tới rạng đông/Tỉnh dậy/Lưng dán xuống biển) hay sự lo sợ với nguy cơ hoá chất trong từng bữa ăn (Mơ thành con chuột: Tỉnh dậy thấy quả chín/Nghi tẩm hoá chất/Không dám ăn)…

 

Bên cạnh những giấc mơ, vô thức còn có thể được biểu lộ thông qua hệ thống các biểu tượng. Theo C.G.Jung trong cuốn Con người và biểu tượng: “Như thể một từ hay một hình ảnh là có tính biểu tượng khi nó hàm ngụ một điều gì đó nhiều hơn ý nghĩa hiển nhiên và trực tiếp của nó. Nó có khía cạnh “vô thức” sâu rộng hơn vốn không bao giờ được định nghĩa chính xác hay được giải thích đầy đủ”[20]. Như vậy, khi con người xây dựng nên hệ thống các biểu tượng, nó đã bao hàm những ý tưởng vốn vượt nằm ngoài phạm vi của ý chí, nơi chứa đựng những ẩn ức nằm sâu bên trong tiềm thức của con người.

 

là một biểu tượng độc đáo trong thơ ba câu của Mai Văn Phấn. Từ xa xưa, cá được xem là một biểu tượng của nguyên tố nước. Vì vậy, nó thường gắn liền với sự sống và tính mắn đẻ. Nhưng nó cũng là một loài động vật không thể thoát khỏi môi trường sống của mình. Chính môi trường ấy vừa là nơi nuôi dưỡng nó nhưng cũng là chiếc lồng giam cầm nó với vô vàn những mối hiểm hoạ xung quanh. Hình ảnh những con cá và những chiếc mồi câu đã đem đến cho ta một cảm giác bất an từ sâu trong những ẩn ức của nhà thơ về cuộc sống: Dặn cá phóng sinh: Lặn sâu xuống/Bơi/Đừng cắn câu; Những con cá: Nháo nhác/Bơi quanh/Con cá cắn câu; Những con cá khác: Không hiểu/Con cá/Mắc câu… Cảm thức về một thực tại đầy bất trắc và hiểm hoạ đã đẩy những ẩn ức của nhà thơ đến tận cùng những linh cảm về cõi chết: Linh hồn: Những con cá khô trên liếp/ Gió mạnh/ Không xua được đám mây; Con cá to: Nằm/ Giả chết/Trong vũng nước cạn; Cá chết: Trôi sông/ Đêm qua/ Mình đã mơ gì; Con cá chết: Dạt chân cầu/ Nghe chuyện/ Người qua lại. Cá là một cách để Mai Văn Phấn diễn tả nỗi ám ảnh đe doạ và sự bất an thường trực trong thế giới hiện đại.

 

Như vậy, thả không thể hiện tinh thần yếm thế, thoát tục, rời xa cuộc sống, mà đó chính là hành trình mà nhà thơ tiếp tục đi sâu, khám phá tiềm thức, để chiêm nghiệm lại thế giới với những góc khuất bi đát, phi lí, từ đó đặt ra những câu hỏi về những giá trị đạo đức của con người.

 

4. Kết luận

 

Có thể nói, thả là một quan niệm sống, một triết lí sáng tạo nghệ thuật đặc sắc trên hành trình sáng tạo thơ của Mai Văn Phấn. Bằng tâm thế thả, nhà thơ dần hướng đến một lối viết tự nhiên, tinh gọn, không bị gò ép bởi lí thuyết. Thả hướng con người đến sự tự do trong sáng tác và những giây phút bừng ngộ trong đời sống hằng ngày. Thả còn là hành trình trở về với thiên nhiên để cảm nhận sự biến thiên của sự sống, là sự tỉnh thức trong những hoạt động nhỏ nhặt thường ngày, để rồi, nhà thơ có thể mở ra những của ngõ của thế giới tâm linh và vô thức để đi sâu vào trong nội tâm. Có thể thấy, thả chính là hành trình nhà thơ đi tìm lại căn tính bản ngã sống và sáng tạo của chính mình.

 

Vinh, ngày 24/5/2024

P.B.C

 

___________________

 * Tác giả hiện là sinh viên Lớp 61A1, Khoa Ngữ văn, Đại học Vinh.

 [1] Tác giả Mai Văn Phấn không viết hoa tiêu đề ba tập thơ: “và đột nhiên gió thổi”, “hoa giấu mặt”, “thả”.

[2] Lê Thị Bừng (Chủ biên), Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Đức Sơn (2008), Các thuộc tính tâm lí điển hình của nhân cách, Nxb. Đại học sư phạm, Hà Nội, trang 82.

[3] Lê Hồ Quang (2021), Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấnhttps://vanhocsaigon.com/dac-trung-the-gioi-nghe-thuat-tho-mai-van-phan/

[4] Lê Hồ Quang (2021), Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấnhttps://vanhocsaigon.com/dac-trung-the-gioi-nghe-thuat-tho-mai-van-phan/

[5] Lê Hồ Quang (2021), Đặc trưng thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấnhttps://vanhocsaigon.com/dac-trung-the-gioi-nghe-thuat-tho-mai-van-phan/

[6] Suzuki (2011), Thiền và phân tâm học, (Như Hạnh dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, trang 220.

[7] Hoàng Phê (2020), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, trang 1441.

[8] Đạo Uyển (2001), Từ điển Phật học, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, trang 549.

[9] Thơ Văn Lý Trần, tập 2, trang 455.

[10] Thiền uyển tập anh, trang 93, Ngô Tất Tố dịch.

[11] Thái Bá Tân (2013), Thơ Haiku Nhật Bản, Nxb. Lao động, Hà Nội, trang 514.

[12] Hoàng Phê (2020), Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng, trang 628.

[13] Lê Hồ Quang (2015), Bí mật của khoảnh khắchttp://maivanphan.vn/ve-cac-tap-tho/bi-mat-cua-khoanh-khac-phe-binh-le-ho-quang-5930

[14] Lê Hồ Quang (2015), Bí mật của khoảnh khắchttp://maivanphan.vn/ve-cac-tap-tho/bi-mat-cua-khoanh-khac-phe-binh-le-ho-quang-5930

[15] Nguyễn Phương Khánh (2018), Nhật Bản Từ mỹ học đến văn chương, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, Hà Nội, trang 188.

[16] Suzuki (2011), Thiền và phân tâm học, (Như Hạnh dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, trang 32.

[17] Suzuki (2011), Thiền và phân tâm học, (Như Hạnh dịch), Nxb. Phương Đông, Hồ Chí Minh, trang 234.

[18] Diêu Vĩnh Quân, Diêu Chu Duy (2006), Bí ẩn của chiêm mộng và vu thuật, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, trang 166.

[19] Stephan Zweig (1999), Tiểu luận và bút kí chân dung - Dấu ấn những nền văn minh - những giờ rực sáng của nhân loại, Nxb. Văn hoá thông tin, Hà Nội, trang 561-562.

[20] C.G.Jung (2023), Con người và biểu tượng, (Mai Sơn dịch), Nxb. Thế giới, Hà Nội, trang 19.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị