Nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn (Khóa luận tốt nghiệp đại học) – Nguyễn Thị Hương

ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN

TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM


 

 






Nguyễn Thị Hương





NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN

 

 

 

KHÓA LUẬN TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC SƯ PHẠM NGỮ VĂN

 




NGÀNH: NGỮ VĂN

 

 

 

Người hướng dẫn: TS. Nguyễn Thu Quỳnh

 

 

 

THÁI NGUYÊN, 2017








Tiến sĩ Nguyễn Thu Quỳnh






Tác giả Nguyễn Thị Hương


 




MỤC LỤC

 

MỞ ĐẦU      

 

Chương 1 CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN    

 

1.1. Khái quát về thơ tự do

1.1.1. Khái niệm     

1.1.2. Đặc điểm của thơ tự do     

1.2. Khái quát về nhịp điệu

1.2.1. Khái niệm nhịp điệu

1.2.2. Phân loại nhịp điệu 

1.2.3. Các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu   

1.3. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn và tập thơ “Vừa sinh ra ở đó”

1.3.1. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn

1.3.2. Tập thơ Vừa sinh ra ở đó  

1.4. Tiểu kết 

 

Chương 2 MIÊU TẢ NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN      

 

2.1 Dẫn nhập         

2.2. Cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn       

2.2.1 Kết quả khảo sát      

2.2.2. Miêu tả cụ thể         

2.3. Cách hiệp vần (hòa âm) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn         

2.3.1. Kết quả khảo sát     

2.3.2. Miêu tả cụ thể         

2.4. Cách phối thanh điệu (phối thanh) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn   

2.4.1 Kết quả khảo sát      

2.4.2 Miêu tả cụ thể

2.5. Tiểu kết 

 

Chương 3 CÁC YẾU TỐ CHI PHỐI VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT CỦA NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN      

 

3.1. Dẫn nhập        

3.2. Các yếu tố chi phối nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn  

3.2.1. Yếu tố tâm – sinh lí 

3.2.2. Yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật của tác phẩm  

3.3. Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn       

3.3.1. Tạo nên nhạc tính cho ngôn ngữ văn chương        

3.3.2. Nhịp điệu góp phần diễn tả sự vận động, lưu chuyển của đời sống và tâm hồn

3.3.3 Nhịp điệu là tiếng vang cộng hưởng nội dung ý nghĩa và gia tăng xúc cảm         

3.3.4. Nhịp điệu góp phần tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, mạch lạc cho văn bản nghệ thuật

3.4. Tiểu kết 

 

KẾT LUẬN   

 

TƯ LIỆU KHẢO SÁT         

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO     




MỞ ĐẦU

 

 

1. Lí do chọn đề tài

 

Nhịp điệu của thơ hay tiết tấu của nhạc là một trong những biểu hiện cụ thể và nhỏ bé của sự chuyển động vũ trụ vô cùng. Con người từ lâu đã nhận ra nhịp tim, nhịp thở, nhịp đi... của cơ thể mình; nhịp ngày đêm, nhịp thủy triều... của thế giới xung quanh. Đó là những chu kì của một dòng chảy theo thời gian hay những mô hình tái diễn/ hồi quy được luân phiên trong thời gian, lặp đi lặp lại có trật tự đều đặn sau những chiết đoạn thời gian nhất định. Đối với thơ ca, nhịp thơ chính là sự tuần hoàn ước lượng, do thính giác chấp nhận như nhà thi học người Pháp Cohen đã nhận xét.

 

Có thể nói, giàu nhịp điệu là một đặc trưng nổi bật của thơ văn Việt Nam. Thơ văn Việt Nam đã phát huy cao độ nhịp điệu lời nói, khiến cho âm thanh ngôn ngữ nghệ thuật vang lên đầy chất nhạc, đánh thức những xúc cảm sâu lắng trong lòng người. GS.TSKH Lý Toàn Thắng đã cho rằng: “Nhịp điệu là một sự chuyển động thanh âm mềm mại, biến hóa thường xuyên của các khúc đoạn được tạo nên nhờ những chỗ ngưng nghỉ có quy luật giữa dòng hay cuối mỗi dòng thơ”. [23, tr.134]. Vì vậy, tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ khi nghiên cứu thi luật về thơ là một vấn đề rất cần thiết. Nghiên cứu này không chỉ giúp ích cho sự trải nghiệm tạo sinh nhịp điệu nơi người sáng tác mà còn phân tích được sự cảm thụ nhịp điệu ở nơi người tiếp nhận tác phẩm thơ.

 

Mai Văn Phấn được xem như là một hiện tượng tiêu biểu cho thơ ca Việt Nam giai đoạn sau năm 1975. Thơ ông là một chân trời của những sáng tạo nghệ thuật, là sự chuyển động liên tục với những tìm tòi và cách tân đổi mới chính mình. Với những cách tân nghệ thuật, Mai Văn Phấn đã cho thấy, trong thơ ông, nhịp điệu là một yếu tố vô cùng quan trọng. Việc tìm hiểu nhịp điệu trong thơ Mai Văn Phấn chính là tìm hiểu con đường tạo nên phong cách riêng, độc đáo của nhà thơ.

 

Hiện nay, chưa có công trình nào nghiên cứu một cách toàn diện, có tính hệ thống về nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Vì vậy, đề tài này được thực hiện với mong muốn đưa đến một cách nhìn nhận mới, góp phần làm sáng tỏ những đổi mới về nhịp điệu; cho thấy được sự sáng tạo, thể nghiệm mới lạ về thi pháp thơ và tài năng của Mai Văn Phấn; giúp độc giả và các nhà nghiên cứu đến gần hơn với thơ ông. Đây là những lí do để vấn đề Nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn được chọn làm đề tài nghiên cứu.

 

2. Tổng quan tình hình nghiên cứu

 

2.1. Tổng quan tình hình nghiên cứu về thơ tự do và nhịp điệu trong thơ tự do

 

Trên thế giới đã có không ít nhà nghiên cứu tìm hiểu về thơ tự do. Có thể kể đến các tên tuổi tiêu biểu như A.N Vexelopxki, V.Ia Prop, M.M Bakhtin, V.V Vinogradop, Roman Jakobson, V. Girmunski… Theo R. Jakobson, chức năng thi ca đem nguyên lý tương đương của trục tuyển lựa chiếu trên trục kết hợp. Các tác giả cũng đã đi sâu tìm hiểu về các yếu tố ngôn ngữ cấu thành nhịp điệu thơ, phân tích chức năng ngôn ngữ thông qua các đơn vị cấu trúc hệ thống.

 

Ở Việt Nam, nhiều tác giả cũng quan tâm nghiên cứu về thơ tự do như Mã Giang Lân, Võ Tấn Cường, Phan Nhiên Hạo, Thanh Thảo… Các nghiên cứu về thơ tự do của các nhà nghiên cứu trong nước tập trung vào những nội dung như: định nghĩa về thơ tự do, ý thơ, tứ thơ, chữ và nghĩa trong câu thơ…

 

Tác giả Hữu Đạt với chuyên khảo Ngôn ngữ thơ Việt Nam (1998) đã có những nghiên cứu nhất định về đặc điểm cơ bản của ngôn ngữ thơ như việc tổ chức ngôn ngữ, cấu trúc hình tượng thơ…

 

Trong cuốn sách Vần thơ Việt Nam dưới ánh sáng ngôn ngữ học (in lần 2, 2005), Mai Ngọc Chừ đã khai thác tương đối triệt để vấn đề vần thơ Việt Nam: chức năng của vần, mối quan hệ của nó với yếu tố khác; đơn vị hiệp vần, hai mặt đồng nhất và khác biệt của vần thơ,…

          

Gần đây nhất có các bài báo của Lý Toàn Thắng (Thử đo đếm thơ), Vũ Duy Thông (Ngôn ngữ thơ Mới và ngôn ngữ thơ kháng chiến), Nguyễn Thế Lịch (Ngữ pháp của thơ) cũng chú ý đến việc nghiên cứu ngôn ngữ thơ nói chung và thơ tự do nói riêng.

          

Vấn đề nhịp điệu cũng được đề cập tới ở một số công trình nghiên cứu trong nước như: Nguyên tắc ngừng nhịp trong thơ ca Việt Nam của Mai Ngọc Chừ (1984); Bước thơ của Võ Bình (1984); Nhận diện nhịp điệu trong thơ trữ tình của Phan Huy Dũng (2001)… Trong các công trình này, nhịp điệu được nhìn nhận tập trung ở các sáng tác thơ dưới góc độ đặc điểm của thi luật.

 

Năm 2015, Nhà xuất bản Khoa học xã hội đã công bố chuyên khảo Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam của tác giả Vũ Thị Sao Chi. Trong chuyên khảo này, tác giả đã đưa ra cách hiểu về các loại hình nhịp điệu bao gồm khái niệm nhịp điệu và nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn; các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu; cách thức tổ chức nhịp điệu trong ngôn ngữ thơ văn Việt Nam hay các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam. Chuyên khảo này đã cho thấy được tầm quan trọng của nhịp điệu trong việc tăng cường hiệu lực giao tiếp và giá trị thẩm mĩ của lời nói, góp phần tạo nên những dấu ấn riêng biệt của từng cá nhân và của từng dân tộc. Đồng thời, giúp mỗi người trau dồi cách nói, cách viết và nâng cao năng lực cảm thụ vẻ đẹp của ngôn ngữ nghệ thuật, thấm sâu hơn những ý tình ẩn sau những chuỗi âm thanh nhịp nhàng, giàu nhạc tính.

 

Gần đây nhất, các tác giả Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương đã cho ra mắt chuyên khảo Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca (2017). Một trong những vấn đề được các tác giả để tâm đề cập đến là vấn đề tiết tấu và nhịp điệu trong thơ. Các tác giả đã cố gắng phân biệt hai khái niệm tiết tấu nhịp điệu, dù cũng nhận thấy rằng “đó là những ranh giới khá mong manh” [10, tr. 322] Theo đó, các tác giả Nguyễn Quang Hồng và Phan Diễm Phương cho rằng nhịp thơ là những vế tương đương nhỏ nhất trong cấu trúc âm điệu - gồm cấu trúc nhịp điệu và cấu trúc vần điệu của dòng thơ. Nó chủ yếu gắn với chức năng liên kết trong dòng thơ, và cả bài thơ. Các tác giả cũng đã trình bày trong công trình chuyên khảo của mình sự đa dạng của tiết tấu thể hiện trong cấu trúc nhịp điệu với tiết tấu của thơ, thể thức thi ca với tiết tấu của thơ, nhịp điệu và tiết tấu với sự hỗ trợ của kênh văn tự. Từ đây, các tác giả cũng đã đi đến nhận định: “Những dấu hiệu thể hiện sự chuyển biến của cấu trúc nhịp điệu và tiết tấu dòng thơ và bài thơ là hết sức đa dạng, đặc biệt là trong thi ca thời hiện đại” [10, tr.340].

 

Như vậy, có thể thấy, các vấn đề về thơ tự do, ngôn ngữ thơ và nhịp điệu trong thơ đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm. Tuy nhiên, đến nay, chưa có nhà nghiên cứu nào tìm hiểu kĩ lưỡng về nhịp điệu trong thơ tự do, đặc biệt là tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ tự do của một tác giả hoặc tác phẩm cụ thể.

 

2.2. Tổng quan tình hình nghiên cứu về thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

Trong suốt quá trình đã và đang hoạt động nghệ thuật của mình, nhà thơ Mai Văn Phấn đã cho xuất bản 24 tập thơ và 1 tập tiểu luận – phê bình, trong đó có 10 tập thơ được xuất bản và phát hành ở nước ngoài. Thơ Mai Văn Phấn đã mang một bầu không khí mới lạ cho nền văn học Việt Nam nói chung và thơ ca hiện đại Việt Nam nói riêng, trở thành đối tượng của nhiều nhà nghiên cứu, nhà phê bình văn học. Các bài nghiên cứu về thơ tự do của Mai Văn Phấn rất đa dạng, có thể kể đến một số công trình tiêu biểu sau:

 

Trong bài viết “Đất – Một biểu tượng nghệ thuật độc đáo trong thơ Mai Văn Phấn”, tác giả Nguyễn Thị Yến đã khẳng định đất là một biểu tượng có nhiều ý nghĩa văn hóa – thẩm mỹ độc đáo. Nó vừa là tượng trưng cho vẻ đẹp của thiên nhiên, vũ trụ; vừa là biểu hiện của tình yêu – dục tính của nhân loại. Đồng thời, tác giả cũng khẳng định Mai Văn Phấn là người “gieo hạt giống mới” đầy cần mẫn và hiệu quả trên cánh đồng thơ ca Việt Nam hiện đại.

 

Nguyễn Thị Hương Giang trong công trình nghiên cứu về “Đặc điểm thơ Mai Văn Phấn” đã đề cập tới một số đặc điểm về cảm quan thẩm mỹ và cảm hứng hiện sinh, đặc điểm về nghệ thuật như biểu tượng đất đai, sông, nước, cỏ cây; cấu trúc thơ, đặc điểm ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn.

 

Nguyễn Tiến Lượng trong bài viết “Nghệ thuật cấu tứ trong thơ Mai Văn Phấn” đã đưa ra một vài mô hình cấu tứ truyền thống trong thơ Mai Văn Phấn và những kiểu cấu tứ đặc thù của thơ Mai Văn Phấn như cấu tứ theo dòng trôi của cảm giác, cấu tứ dựa trên những cuộc đối thoại, cấu tứ dựa trên quan hệ liên văn bản...

 

Ngoài ra, có thể kể đến những bài phê bình, bàn luận hay những ý kiến tranh cãi về thơ Mai Văn Phấn như sau:

 

Đặng Thân trong bài “Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ” đã kết luận: “Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả trời vô thức. Ngôn từ mà Mai Văn Phấn đã ghi lại ấy xứng đáng được đi vào thơ ca Việt Nam, vào văn học sử như một dòng cách tân mãnh liệt nhất. Ngôn ngữ thơ ấy chưa ai từng viết. Nó mới lạ đến từng từ…” [31; tr.99]

 

PGS.TS Đào Duy Hiệp trong bài “Mai Văn Phấn – những chặng đường sáng tác thơ” đã khẳng định: “Mai Văn Phấn đã cắm một cột mốc thơ đáng ghi nhận trên hành trình chinh phục ngôi đền thơ vĩ đại. Đến nay đã ngót ba mươi năm. Chặng đường thơ sắp tới của anh còn dài và xa trước mắt. Mà cột mốc hôm nay đã đánh dấu một trưởng thành”(dẫn theo [29; tr.75]).

          

Trong bài viết “Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn” nhà phê bình Nguyễn Hoàng Đức đã nhận định: “Mai Văn Phấn quả xứng đáng là nhà thơ hiện đại. Theo cách rằng: các nhà thơ cổ điển dùng chữ để biểu hiện cuộc nhào lộn của tu từ pháp. Còn nhà thơ hiện đại dung chữ để biểu tỏ ý nghĩ của mình, hay cái mình muốn nói”… (dẫn theo [32; tr.4])

          

Bài viết “Tư duy về thơ: trường hợp Mai Văn Phấn”, nhà phê bình Trần Thiện Khanh đã đưa ra quan điểm: “Mai Văn Phấn thuộc số ít nhà thơ có tham vọng tạo dựng cho thi ca một diện mạo mới từ và trong nhịp điệu đời sống hiện đại. Ông cổ súy cho sự đa dạng về khuynh hướng sáng tác, cởi mở và chấp nhận mọi thể nghiệm chuyển đổi. Tư duy Mai Văn Phấn luôn nắm bắt, thậm chí quy chiếu mọi thứ có giá trị vào những trạng thái có tính chất bước ngoặt, đột biến, bứt phá, mở đường, những cuộc cách mạng, những điểm chập nổ, sự đổ vỡ những giá trị cũ, thường xuyên hướng đến những chuyển động lệch nhịp của thơ ca” (dẫn theo [30; tr.91].

 

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đưa ra đánh giá về những cách tân, đổi mới thi pháp trong bài viết “Mai Văn Phấn trong vòng xoáy của thơ Hậu – hiện – đại” như sau: “Nếu có một nhà thơ nào đó đang luôn tự đổi mới thơ mình và phá vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ tình cổ điển anh “bay” thẳng một mạch vào hậu hiện đại rồi từ đó “lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ cách tân” [33; tr.420].

 

Trên đây, chúng tôi đã điểm lại một vài công trình nghiên cứu, bài phê bình có giá trị đánh giá, nhận định thơ ca Mai Văn Phấn trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Những công trình trên đã đem lại những hiểu biết nhất định về thơ Mai Văn Phấn về cả phương diện nội dung và nghệ thật.

 

Tuy nhiên, đến nay, chưa có công trình chuyên khảo nào đề cập và đi sâu vào tìm hiểu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Vì vậy, với khóa luận này, chúng tôi hi vọng sẽ góp thêm tiếng nói khẳng những đóng góp của Mai Văn Phấn cho nền văn học Việt Nam hiện đại, thấy được đặc điểm và vai trò của những cách thức biến hóa nhịp điệu trong thể thơ tự do nói chung và thơ tự do của Mai Văn Phấn nói riêng, cũng như khẳng định những thành công của ông đã đạt được trong dòng thơ cách tân Việt Nam giai đoạn sau năm 1975.

 

3. Mục đích nghiên cứu

 

- Qua việc tìm hiểu về nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, thấy được đặc điểm và vai trò của những cách thức biến hóa nhịp điệu trong thể thơ tự do của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

- Góp phần làm phong phú thêm những nghiên cứu sâu về nhịp điệu trong thơ, đồng thời bước đầu tiến hành khảo nghiệm cấu trúc nhịp điệu trong thơ tự do, khẳng định mối quan hệ giữa sự tri giác nhịp điệu của chủ thể và đối thể sáng tạo với các ấn tượng, hình ảnh thẩm mĩ trong tác phẩm.

 

4. Nhiệm vụ nghiên cứu

 

- Tìm hiểu những vấn đề lí thuyết và thực tiễn liên quan đến đề tài.

 

- Khảo sát, miêu tả và phân tích nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn ở các phương diện: ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh.

 

- Làm rõ các yếu tố chi phối nhịp điệu và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong ngôn ngữ thơ tự do của Mai Văn Phấn.

 

5. Đối tượng nghiên cứu

 

Đối tượng nghiên cứu của khóa luận là nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn.

 

6. Phạm vi tư liệu

 

Đề tài tập trung nghiên cứu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn thông qua việc khảo sát các sáng tác trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó (Nxb Hội nhà văn, 2013). Tập thơ gồm có 18 bài thơ, với 123 trang thơ.

 

7. Phương pháp nghiên cứu

 

7.1. Phương pháp miêu tả

 

Phương pháp miêu tả với các thủ pháp giải thích bên trong và các thủ pháp giải thích bên ngoài được sử dụng để khảo sát và miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn ở các phương diện ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh. Từ đó, phương pháp miêu tả còn được sử dụng để phân tích đặc trưng sáng tạo, phong cách nghệ thuật của Mai Văn Phấn thông qua các mô hình khuôn nhịp mà ông đã sử dụng.

 

7.2. Phương pháp nghiên cứu liên ngành

 

Đề tài vận dụng kiến thức liên ngành của ngôn ngữ học, văn học và văn hóa học để tìm hiểu, khai thác giá trị biểu hiện qua lớp vỏ ngôn từ trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, từ đó có thể kết luận được chính xác về những giá trị nghệ thuật trong thơ của tác giả nhìn từ phương diện thi luật.

 

8. Những đóng góp mới của khóa luận

 

Thực hiện khóa luận này, chúng tôi mong muốn cung cấp một cái nhìn toàn diện về hướng sáng tạo thi luật thơ tự do của Mai Văn Phấn trong việc tổ chức nhịp điệu thơ để từ đó góp thêm một tiếng nói khẳng định những đóng góp và vị thế của Mai Văn Phấn trong tiến trình vận động và phát triển của thơ Việt Nam nói chung và thơ tự do nói riêng.

 

9. Cấu trúc của khóa luận

 

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, khóa luận gồm 3 chương:

 

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn

 

Chương 2: Miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

Chương 3: Các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn





Chương 1

 

CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

 

 

1.1. Khái quát về thơ tự do

 

1.1.1. Khái niệm

 

Đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra quan niệm của mình về thơ tự do. Các ý kiến đều nhìn nhận thơ tự do từ phương diện cách tân của hình thức nghệ thuật ngôn từ. Cụ thể:

 

Trong cuốn Tìm hiểu thơ, tác giả Mã Giang Lân cho rằng: “Thơ tự do được viết theo cách “bỏ hết vần, chỉ giữ lại âm điệu, âm hưởng thơ”; “Khả năng biểu hiện của thơ tự do là rất lớn. Nó hoàn toàn không bị gò bó bởi những quy tắc, những luật lệ nhu cầu của thể thơ dân tộc. Và càng về sau nó càng có những tìm tòi thể nghiệm mới trong cấu trúc của câu thơ” [15; tr.36]. Quan niệm này của tác giả Mã Giang Lân chủ yếu nhấn mạnh đến hình thức và khả năng biểu hiện của thơ tự do. Ông nhấn mạnh thơ tự do không bị gò bó với những quy tắc và luật lệ của các thể thơ dân tộc. Càng về sau, thơ tự do càng có những tìm tòi, thể nghiệm mới trong cấu trúc của câu thơ.

 

Theo Võ Tấn Cường, quan niệm về thơ tự do được hiểu theo hướng: “Thơ tự do là những câu thơ tự do không vần, dài ngắn khác nhau, co duỗi linh hoạt không có nghĩa là thiếu sự liên kết nội tại giữa các yếu tố cấu thành bài thơ” (dẫn theo [27; tr.38]). Theo tác giả, chính cảm xúc, năng lượng tâm linh và logic nội tại của sự vật sẽ kết dính các hình ảnh, chi tiết và ngôn ngữ thơ ca. Thơ tự do là sự trở về của khởi thủy ngôn ngữ nhưng được biến đổi về chất, nâng lên tầm cao mới phù hợp với nhịp điệu tâm hồn con người hiện đại và nhịp điệu của thời đại”.

 

Phan Nhiên Hạo trong bài viết “Về tân hình thức, thơ tự do và tươi mát hồn nhiên” đã đưa ra quan điểm về thơ tự do như sau: “Thơ tự do không phải là một trường phái hay chủ nghĩa duy nhất, mà nó đủ rộng để chứa tất cả những trường phái và chủ nghĩa khác nhau” (dẫn theo [27; tr.39]).

 

Có rất nhiều ý kiến bàn luận về thơ tự do, mỗi ý kiến lại có một sự hợp lí nhất định. Vì vậy, chúng tôi cho rằng khó có thể đưa ra một khái niệm chính xác về thơ tự do. Muốn hiểu sâu sắc, kĩ càng về “thơ tự do” thì cần phải hiểu theo cả nghĩa rộng và nghĩa hẹp của nó. Theo nghĩa hẹp, thơ tự do được hiểu theo cách của Mã Giang Lân, Võ Tấn Cường là: thơ tự do là thơ bỏ hết vần, chỉ giữ lại âm điệu, âm hưởng thơ; không bị gò bó bởi bất kì quy tắc của mô hình âm luật nào. Theo nghĩa rộng, có thể hiểu thơ thự do theo quan điểm của Phan Nhiên Hạo: thơ tự do không phải là một trường phái hay chủ nghĩa duy nhất, nó có thể chứa những trường phái và chủ nghĩa khác nhau.

 

Trên đây là một số quan niệm của các nhà nghiên cứu về thơ tự do. Tổng hợp ý kiến của các nhà nghiên cứu, chúng tôi cho rằng có thể hiểu về thơ tự do theo nghĩa hẹp là thơ không bị ràng buộc vào những quy tắc định trước nào như thơ cách luật (về số dòng, số chữ, niêm, đối, vần,..).

1.1.2. Đặc điểm của thơ tự do

 

1.1.2.1. Đặc điểm về mặt hình thức, cấu tạo, cách gieo vần

 

Về mặt hình thức, có hai loại thơ tự do: thơ tự do không chia khổ (các câu liên tiếp tạo thành bài thơ) và thơ tự do chia khổ (số câu trong bài chia thành nhiều khổ).

 

Về mặt cấu tạo, thơ tự do có thể dài ngắn khác nhau, không hạn chế số câu trong một bài, số tiếng trong một dòng, mạch thơ có thể liên tục hoặc ngắt ra nhiều câu ngắn, khổ thơ không hạn định về số câu.

 

Về cách gieo vần, thơ tự do không bị gò bó về niêm luật, hiệp vần. Lối gieo vần trong thơ tự do rất linh hoạt, không tuân theo quy tắc gieo vần của một thể thơ nào; hoặc gieo vần chân toàn bài, thậm chí không gieo vần.

 

Ví dụ:


Tôi muốn tắt nắng đi

Cho màu đừng nhạt mất

Tôi muốn buộc gió lại

Cho hương đừng bay đi

 

Của ong bướm này đây tuần tháng mật

Này đây hoa của đồng nội xanh

Này đây lá của cành tơ phơ phất

Của yến anh này đây khúc tình si

Và này đây ánh sáng chớp hàng mi

Mỗi sáng sớm, thần Vui hằng gõ cửa

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa

Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân…

(Vội vàng – Xuân Diệu)

(Âm tiết hiệp vần: mất - mật - phất, đi - rì - si - mi, cửa - nửa)

 

Vội vàng là một bài thơ gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Xuân Diệu, đồng thời cũng là bài thơ tiêu biểu trong trường phái thơ tự do. Xét về mặt hình thức, có thể xếp bài thơ này vào hàng thơ tự do chia khổ, mỗi khổ không hạn chế về số câu, không hạn chế về số tiếng trong một dòng; 2 câu thơ đầu được chia làm 4 dòng, mỗi dòng có 4 tiếng (âm tiết). Nhưng ở khổ thứ hai số lượng câu đã tăng lên, số tiếng trong mỗi dòng cũng tăng theo (mỗi dòng có 8 tiếng). Lối gieo vần trong bài thơ cũng rất linh hoạt, không tuân theo quy tắc của một thể thơ nào cả, âm tiết hiệp vần có thể không đứng gần nhau nhưng vẫn có thể bắt vần tạo nên âm hưởng ngân vang cho toàn bài.

 

1.1.2.2. Đặc điểm về mặt nội dung

 

Về nội dung, thơ tự do xuất hiện từ nhu cầu đòi hỏi thơ ca cần bám sát cuộc sống, phản ánh những khía cạnh mới của cuộc sống đa dạng, thể hiện cách nhìn nghệ thuật mới của nhà thơ. So với thể thơ cách luật, chất suy luận trong thơ tự do cũng nhiều hơn để phân tích, soi sáng những hiện tượng, sự vật. Thơ tự do thường gắn liền với những chuyển biến lớn về ý thức, về tâm lí với nhu cầu làm cho thơ đi sát cuộc sống hơn nữa.

1.2. Khái quát về nhịp điệu

 

1.2.1. Khái niệm nhịp điệu

 

Trong Dictionary of Stylistics (Từ điển phong cách học), Katie Wales đã giải thích nhịp điệu như sau: “Nhịp điệu được phái sinh từ một từ Hi Lạp cổ là rhythmos, có nghĩa là “thủy triều”, chỉ tính chất tuần hoàn, lên xuống đều đặn trong những khoảng cách đều đặn" (dẫn theo [34; tr.409])

 

Henri Morier cũng đã đưa nhận định tương tự về nhịp điệu khá rõ ràng trong cuốn Dictionnarie de Poetique et de Rhetorique (Từ điển thi pháp học và tu từ học) như sau: “Nhịp điệu là sự trở đi trở lại với những khoảng cách bằng nhau của một sự lặp lại bền vững. Sự lặp lại bền vững này có thể do bản chất thể hình (cử động vung tay đều đặn ở người đi bộ, hay những động tác lặp lại ở người múa, người chèo thuyền, xay lúa, giã gạo,...), hoặc là do bản chất thính giác (vần, tiếng chuông báo giờ, sự đánh nhịp của giao hưởng), hoặc do bản chất của thị giác (ánh sáng nhấp nháy của đèn pha). [35; tr.1029]

 

Nhìn chung, các nhà nghiên cứu đều có chung quan niệm về nhịp điệu là sự vận động của tự nhiên hoặc xã hội theo kiểu lặp lại đều đặn, tuần hoàn theo khoảng cách hay chu kỳ nhất định và sự vận động này mang tính quy luật.

 

Trong cuốn sách Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam, tác giả Vũ Thị Sao Chi đã đưa ra khái niệm về nhịp điệu thơ như sau: “Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn là cách thức diễn ra lặp lại đều đặn theo chu kì của hiện tượng ngôn ngữ nào đó trong tác phẩm văn chương, gây ấn tượng về sự chuyển động nhịp nhàng, hài hòa, cân đối.” [2; tr.34].

 

Cũng theo tác giả Vũ Thị Sao Chi, nhịp điệu được cấu thành từ hai nhân tố nhịp và điệu.

 

Nhịp là những khoảng, đoạn đều đặn, nối tiếp và lặp lại nhiều lần theo chu kì nhất định của hiện tượng ngôn ngữ nào đó trong tác phẩm văn chương.

 

Điệu là tính chất, đường nét vận động của nhịp. Chẳng hạn tính chất nhanh – chậm, dài – ngắn, cao – thấp…của các nhịp.

 

Ví dụ:


Hãy nghe tiếng/ của một nghìn xác chết///
Chết thê thảm/ chết một ngày thê thiết///…

 Hãy nghe tiếng/ của một nghìn cái xác//
Không chịu chết/ vạch trời kêu tội ác///…
(Thù muôn đời muôn kiếp không tan – Tố Hữu)

 

Nhịp 3/5 được tổ chức và sắp xếp nối tiếp, lặp lại theo chu kì nhất định, với cường độ lúc nhanh, lúc chậm, nhấn – lướt đan xen nhằm tố cáo tội ác dã man của quân thù, đồng thời cũng thể hiện tinh thần bất khuất, không cam chịu số phận nô lệ của nhân dân ta (Không chịu chết/ vạch trời kêu tội ác).

 

1.2.2. Phân loại nhịp điệu

 

Dựa trên những biểu hiện tiêu biểu nhất của nhịp điệu ngôn ngữ thơ, tác giả Vũ Thị Sao Chi đã phân loại nhịp điệu thành hai loại hình cơ bản là: nhịp điệu của âm thanh (gọi tắt là nhịp điệu âm) và nhịp điệu của ý nghĩa (gọi tắt là nhịp điệu ý).

 

Nhịp điệu âm là những cấu trúc âm thanh ngôn ngữ được lặp lại một cách đều đặn và được đánh dấu bằng những chố ngừng/ ngắt, gọi là phách, nhịp, bằng sự lên – xuống, trầm – bổng, mạnh – yếu, nhấn – lướt,…

 

Nhịp điệu ý được tạo nên bởi sự lặp lại có tính chất chu kì của các yếu tố thuộc bình diện nội dung ý nghĩa của ngôn ngữ nghệ thuật: hình ảnh, sự kiện, trạng thái, cảm xúc hay môtip nào đó…

1.2.3. Các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu

 

1.2.3.1. Ngừng/ ngắt nhịp

 

Có thể nói, chỗ ngừng hay ngắt của nhịp điệu là khoảng lặng của dòng âm thanh (khi ngâm thơ hay hát, những chỗ ngừng/ ngắt của nhịp điệu chính là những tiếng đệm). Chỗ ngừng/ ngắt của nhịp điệu vừa được coi là dấu hiệu kết thúc một nhịp, vừa được coi là dấu hiệu bắt đầu một nhịp mới. Nó đảm nhiệm hai chức năng đồng thời là chức năng chia tách và chức năng liên kết các nhịp. Trong thơ, tính nhịp điệu được thể hiện rất rõ nét. Những chỗ ngừng/ ngắt diễn ra ổn định, tạo nên những dải phân cắt đều đặn của âm thanh ngôn từ, đem lại sự chuyển động nhịp nhàng cho các nhịp.

 

Cơ sở để ngừng ngắt nhịp thường căn cứ vào tổ chức ngữ pháp – ngữ nghĩa, nói một cách cụ thể nghĩa là điểm ngừng/ ngắt nhịp trùng với ranh giới của các cấu trúc ngữ pháp – ngữ nghĩa trong ngôn bản. Đối với văn bản viết, có thể dựa vào dấu câu để ngừng/ ngắt nhịp. Ví dụ:

 

Con đường nho nhỏ// gió xiêu xiêu,/

Lả lả cành hoang// nắng trở chiều/

Buổi ấy/ lòng ta/ nghe ý bạn/

Lần đầu rung động// nỗi thương yêu///

(Thơ duyên – Xuân Diệu)

 

Đối với thể thơ truyền thống, điểm ngừng/ ngắt nhịp thường được tổ chức chặt chẽ theo mô hình thi luật. Chẳng hạn, thơ thất ngôn Đường luật ngắt nhịp chẵn lẻ (nhịp 4/3 hoặc 2/2/3), thơ lục bát ngắt nhịp chẵn 2/2/2 hoặc 2/2/2/2. Ví dụ:

 

Non song đã chết,// sống thêm nhục,/

Hiền thánh còn đâu,// học cũng hoài!/

Muốn vượt biển Đông// theo cánh gió,/

Muôn trùng sóng bạc// tiễn ra khơi.///
(Lưu biệt khi xuất dương - Phan Bội Châu)

 

Yêu nhau/ cởi áo/ trao nhau/

Về nhà/ dối mẹ/ qua cầu/ gió bay.///

(Ca dao)

 

Thời lượng một điểm ngừng nhịp nói chung chỉ mang tính chất tương đối. Có thể quy ước dung những kí hiệu sau đây để đánh dấu chỗ ngừng nhịp:

 

- Ngừng ngắn: Một vạch chéo (/)

 

- Ngừng vừa: Hai vạch chéo (//)

 

- Ngừng lâu hoặc ngừng hẳn văn bản: Ba vạch chéo (///).

 

Nói chung, trong thơ, thể thơ và sự phân dòng, chia khổ là những yếu tố cơ bản để đánh dấu sự ngừng nhịp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhất là thơ tự do với xu hướng bứt phá khỏi sự ràng buộc về vận luật, đem lại một sự khác lạ so với thơ truyền thống, đôi khi dòng thơ, khổ thơ không còn là dấu hiệu của sự ngắt nhịp. Điểm ngừng của nhịp không trùng với điểm kết thúc dòng thơ hay khổ thơ.

 

Ví dụ:

Tre xanh

Xanh tự bao giờ?

Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
(Tre Việt Nam - Nguyễn Duy)

 

Nguyễn Duy đã mang hơi hướng hiện đại thổi vào câu thơ trên bằng lối vắt dòng “Tre xanh/ xanh tự bao giờ”. Nhịp điệu đặc biệt này đã đem lại âm hưởng mới lạ, tươi vui, hòa điệu với cả đoạn thơ và bài thơ, tạo ra một thứ nhịp điệu đặc biệt, phóng khoáng và tự do.

 

1.2.3.2. Trường độ

Trường độ của nhịp điệu chính là độ dài – ngắn của các nhịp. Cơ sở để xác định trường độ của nhịp điệu là số lượng âm tiết (số tiếng) của nhịp. Ví dụ:

 

Ao thu/ lạnh lẽo/ nước trong veo/

2                   2                   3

 

Một chiếc thuyền câu// bé tẻo teo/

           4                              3

(Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến)

 

Ở mỗi thể loại văn thơ lại có những biểu hiện riêng về chu kì của nhịp điệu. Chu kì ngắn, chu kì dài, đều đặn, duy trì ổn định từ đầu đến cuối tác phẩm, cũng có những chu kì không đều đặn, cách ngắt nhịp dài – ngắn đan xen… Chu kì ngắn thường xuất hiện trong các thể thơ truyền thống như nhịp trong thể lục bát, thể thất ngôn, ngũ ngôn… Ví dụ:

 

Hoành sóc/ giang sơn/ kháp kỉ thu,//

2                   2                   3

Tam quân/ tì hổ/ khí thôn ngưu.//

2         2                   3

Nam nhi/ vị liễu/ công danh trái,//

2         2                   3

Tu thính/ nhân gian/ thuyết Vũ Hầu.///

2         2                   3

(Thuật hoài – Phạm Ngũ Lão)

 

Chu kì không đều đặn, cách quãng, cách ngắt nhịp dài – ngắn đan xen xuất hiện phổ biến trong nhịp điệu của văn xuôi, trong thơ đặc biệt là trong thơ hiện đại mà điển hình nhất đó là thể thơ tự do. Ví dụ:

 

Trời xanh đây là của chúng ta,/

                     7

Núi rừng đây là của chúng ta,//

                     7

Những cánh đồng thơm mát,/

                     5

Những ngả đường bát ngát,/

                     5

Những dòng sông đỏ nặng phù sa.///

                     7

Nước chúng ta///

           3

Nước những người chưa bao giờ khuất///

                     7

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/

                     7

Những buổi ngày xưa vọng nói về///…

                     7
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

 

Nhiều bài thơ tự do có nhịp kéo dài đến 7 – 8 tiếng, rồi bất ngờ rút ngắn lại chỉ còn vài tiếng, tạo ra những biến nhịp độc đáo, đem lại giá trị biểu cảm cao. Chẳng hạn như đoạn thơ trên bộc lộ cảm xúc phấn chấn, tự hào của nhà thơ về đất nước tươi đẹp, anh hùng bất khuất. Thoạt đầu là các nhịp thơ kéo dài 5, 7 tiếng dồn dập, ngân nga như hát lên niềm vui từ con tim với những âm tiết cao, sáng như “ta, mát, ngát, sa”. Rồi bồng nhiên nhịp thơ rút lại chỉ còn 3 tiếng: Nước chúng ta, khiến cho dòng âm thanh cũng như cảm xúc khựng lại, dồn nén, trầm lắng suy tư khi tác giả nghĩ về lịch sử anh hung, bất khuất của dân tộc Việt Nam.

 

1.2.3.3. Cao độ

 

Cao độ của nhịp điệu chính là độ cao – thấp hay tính chất bổng – trầm, lên giọng – xuống giọng của nhịp điệu. Cao độ được xác định chủ yếu ở tính chất âm vực của thanh điệu, đặc tính của nguyên âm chính trong âm tiết và ngữ điệu của câu.

 

- Các thanh có âm vực cao: ngang, hỏi, sắc. Ví dụ:

 

Có công mài sắt /có ngày nên kim

(Tục ngữ)

 

Cao độ của nhịp được nhấn mạnh ở âm tiết có, sắt.

 

- Các âm thanh có âm vực thấp: huyền, ngã, nặng. Ví dụ:

 

Sóng gợn Tràng Giang/ buồn điệp điệp

Con thuyền xuôi mái /nước song song

(Tràng Giang – Huy Cận)

 

Cao độ của nhịp rơi vào các âm tiết tràng, giang, buồn, điệp, con, thuyền, xuôi, song.

 

- Các nguyên âm bổng: /i/, /ie/, /e/, /ɛ/, /έ/.

 

Ví dụ:

 

Chiều chiều/ ra đứng ngõ sau/

Trông về quê mẹ/, ruột đau chín chiều//

(Ca dao)

 

Cao độ của nhịp rơi vào các âm tiết chiều, mẹ, chín, chiều.

          

- Các nguyên âm trầm: /u/, /uo/, /o/, /ɔ/, /ɔ’/.

 

Ví dụ:

 

Làm sao sống được/ mà không yêu/

Không nhớ/ không thương/ một kẻ nào//

(Bài thơ tuổi nhỏ - Xuân Diệu)

 

Trong câu thơ trên, những âm tiết mang nguyên âm trầm như sống, không đã tạo nên nhịp điệu trầm buồn cho âm hưởng câu thơ.

 

- Các nguyên âm có độ cao trung bình: /ɯ/, /ɯɤ/, /ɤ/, /a/, /ӑ/.

 

Ví dụ:

Gió theo lối gió/, mây đường mây/

Dòng nước buồn thiu/, hoa bắp lay/

Thuyền ai/ đậu bến/ sông trăng đó/,
Có chở trăng về /kịp tối nay?//
(Đây thôn Vĩ Dạ - Hàn Mạc Tử)

          

Cao độ của nhịp điệu được xác định là những âm tiết mây, lay, ai, nay.

 

- Ngữ điệu đi xuống dùng trong câu trần thuật, câu cầu khiến với lời đề nghị nhẹ nhàng. Ví dụ:

 

Mẹ ru /ngọt giọng à ơi/

Ru anh/ em biết chọn lời nào đây/

Ru/ cùng biển rộng /sông sâu/

Con chim về tổ /con tàu về ga//…

(Ru anh thức – Đặng Nguyệt Anh)         

          

- Ngữ điệu đi lên thường xuất hiện trong các câu hỏi, câu mệnh lệnh, cảm thán.

 

Ví dụ:

 

Trăng, trăng, trăng/! Là trăng, trăng, trăng!/

Ai/ mua trăng/ tôi bán trăng cho//…

(Trăng vàng trăng ngọc – Hàn Mạc Tử)

 

1.2.3.4. Tốc độ

 

Độ nhanh – chậm của nhịp điệu được gọi là tốc độ. Nó được xác định bởi số lượng tiếng phát ra trong một khoảng thời gian nhất định.

 

Ví dụ:

 

Chú bé loắt choắt/

Cái xắc xinh xinh,/

Cái chân thoăn thoắt,/

Cái đầu nghênh nghênh.//

 

Ca – lô đội lệch,/

Mồm huýt sáo vang,/

Như con chim chích,/

Nhảy trên đường vàng///

(Lượm - Tố Hữu)

 

Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu được thể hiện rất rõ nét trong đoạn thơ trên cả về cường độ và tốc độ âm thanh. Hàng loạt những từ láy, điệp ngữ: loắt choắt, xinh xinh, cái…, thoăn thoắt,… đã được nhà thơ sử dụng với tốc độ nhanh, cường độ cảm xúc gấp gáp, diễn tả một chú bé Lượm với dáng vẻ tinh nghịch, đáng yêu cùng với tâm hồn trong sáng, yêu đời, yêu cách mạng.

 

Sóng gợn/ tràng giang/ buồn điệp điệp,/

Con thuyền/ xuôi mái/ nước song song,/

Thuyền về/ nước lại// sầu trăm ngả/

Củi một cành khô// lạc mấy dòng.///

(Tràng Giang – Huy Cận)

 

Nhịp điệu của bài thơ chậm rãi, như hòa điệu với nỗi sầu nhân thế của tác giả. Đứng trước khoảng không gian mênh mông rộng lớn, nhân vật trữ tình lại càng cảm nhận rõ sự nhỏ bé của mình, số phận lênh đênh như cành “củi khô” mất hết nhựa sống chưa biết trôi dạt về phương nào.

 

1.2.3.5. Cường độ

 

Cường độ chính là độ mạnh – yếu của nhịp điệu. Nó được xác định bởi âm lượng phát ra. Ví dụ:

 

Canh cá tràu/ mẹ thường hay nấu khế//

Khế trong vườn/ thêm một tí rau thơm//

Ừ,/ thế đó/ mà một đời/ xa cách mẹ/

Ba mươi năm /trở lại nhà,/

Nước mắt/ xuống mâm cơm///

(Canh cá tràu – Chế Lan Viên)

 

Các âm tiết canh cá tràu, mẹ nấu, khế, ba mươi năm, nước mắt,… được nhấn mạnh khi phát âm chính là bày tỏ nỗi lòng cua tác giả đối với quê hương và gia đình thân yêu của mình. Canh cá tràu là một món ăn ngon và đẹp. Bởi lẽ đây là món ăn với nhiều màu sắc hòa hợp. Màu vàng của khế chín, màu xanh của rau thơm và màu trắng của khứa cá tràu hòa quyện vào nhau, khiến cho món ăn không chỉ ngon miệng và còn ngon cả mũi và mắt. Tô canh cá tràu là kết tinh công sức của mẹ. Khế trong vườn. Rau thơm cũng trong vườn. mọi thứ trong vườn đều do mẹ dày công vun trồng, chăm sóc. Nếu chàng trai trong ca dao xưa xa quê, nhớ nhà là nhớ “nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương” những món ăn dân dã quen thuộc của quê nhà thì món cá tràu cũng là duyên cớ gợi Chế Lan Viên nhớ về mẹ, nhớ về quê hương mình “Ừ, thế đó mà một đời xa cách mẹ/ Ba mươi năm trở lại nhà, nước mắt xuống mâm cơm”.

 

1.2.3.6. Điểm nhấn

          

Điểm nhấn của nhịp điệu chính là âm tiết được nhấn mạnh khi phát âm (âm tiết nổi bật, âm tiết mang nhịp đập). Yếu tố tạo nên nhịp điệu trong thơ không chỉ là chỗ ngừng, chỗ ngắt mà còn là những chỗ nhấn do trọng âm quy định hay do thanh điệu, do âm sắc nổi bật của một âm tiết nào đó trong mối tương quan với những âm tiết khác. Ví dụ:

 

Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn

Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ

(Bình Ngô đại cáo – Nguyễn Trãi)

          

Những âm tiết được in đậm ở trên là những âm tiết khi phát âm, độc giả bất giác phải nhấn mạnh do chính đặc trưng âm thanh và ý nghĩa của chúng. Việc nhấn mạnh này đem lại hiệu quả cao trong việc tạo nên ấn tượng về nhịp điệu của bài thơ, góp phần đưa giá trị nội dung của tác phẩm đến gần hơn nữa với bạn đọc.

          

Điểm nhấn của nhịp điệu cũng thường đi kèm với các hiện tượng điệp, lặp, liệt kê, những từ láy,… Ví dụ:

 

Lom khom dưới núi tiều vài chú

Lác đác bên sông chợ mấy nhà

(Qua Đèo Ngang – Bà Huyện Thanh Quan)

          

Điểm nhấn của nhịp điệu thường cũng trùng với điểm nhấn thông tin của phát ngôn. Ví dụ:

 

Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương

(Ca dao)

          

Các âm tiết được in đậm trong câu ca dao trên đồng thời cũng là điểm nhấn thông tin, mang sức nặng tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình luôn đau đáu nhớ về quê hương, gia đình, người thân.

 

1.2.3.7. Đường nét

 

Tính chất bằng phẳng hay không bằng phẳng của nhịp điệu được gọi là đường nét. Nó được tạo bởi sự phối hợp âm điệu của các thanh và ngữ điệu lên – xuống giữa các nhịp.

 

Các thanh trắc có đường nét không bằng phẳng. Do đó, sự phối hợp các âm tiết mang thanh trắc thường tạo nên nhịp điệu trúc trắc, không bằng phẳng.

 

Ngược lại, các thanh bằng có đường nét bằng phẳng. Do đó, sự phối hợp giữa chúng thường tạo nên nhịp điệu bằng phẳng, mượt mà, êm xuôi.

 

Sự phối hợp ngữ điệu lên – xuống giữa các nhịp cũng tạo cho nhịp điệu đường nét bằng phẳng hay không bằng phẳng. Ví dụ”

 

Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời.
(Tây tiến – Quang Dũng)

 

Bằng việc sử dụng một loạt những âm tiết mang thanh trắc tạo nên sự trúc trắc, sự gấp khúc trong nhịp điệu, nhà thơ Quang Dũng đã phần nào cho thấy được sự hiểm trở của con đường Tây Tiến (tiến về phía Tây) qua bao núi cao, vực sâu, dốc đứng; đồng thời cũng cho thấy được sự gian khổ, vất vả của những người lính trên chặng đường hành quân.

 

1.2.3.8. Hiệp vần (hòa âm)

Hiệp vần là cách lặp lại phần vần của các âm tiết đứng ở vị trí nhất định trong câu thơ, hoặc câu văn, để làm cho các câu thơ hay câu văn này hòa âm với nhau, tạo nên nhịp điệu và tăng sức gợi cảm. Ví dụ:

 

Lần đầu ta ghé môi hôn

Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang

Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng

Nghìn cây phượng vĩ huy hoàng trổ bông.

(Nụ hôn đầu – Trần Dạ Từ)

 

Những câu thơ trên là ví dụ tiêu biểu cho kiểu hiệp vần trong thơ lục bát. Thể thơ lục bát thường gieo vần chân và vần lưng, cụ thể là: âm tiết cuối của câu lục hiệp vần với âm tiết thứ sáu của câu bát và âm tiết cuối của câu bát lại hiệp vần với âm tiết thứ sáu của câu lục tiếp theo. Điều này đã tạo nên sự hòa kết về mặt âm thanh giữa các nhịp, tạo nên sự uyển chuyển, luyến láy, ngân vang của điệu.

 

1.2.3.9. Phối hợp thanh điệu (phối thanh)

 

Tiếng Việt là ngôn ngữ giàu thanh điệu. Những đặc trưng âm học phong phú đã đem lại cho thanh điệu tiếng Việt một khả năng rất lớn về âm nhạc. Chính vì vậy, ngôn ngữ văn chương rất chú ý đến thanh điệu hay chính là sự phối thanh. Sự luân phiên bằng – trắc, bổng – trầm, đối lập hay không đối lập thanh điệu ở những vị trí nhất định trong dòng thơ, câu thơ sẽ góp phần tạo nên nhịp điệu.

          

Chẳng hạn, trong thể thơ thất ngôn Đường luật, nhịp điệu cân đối, hài hòa của các câu thơ được cảm nhận từ sự phối hợp và luân phiên theo quy tắc đòn cân thanh điệu “nhị tứ lục phân minh”, nghĩa là âm tiết thứ tư sẽ đối lập về thanh điệu với âm tiết thứ hai và thứ sáu, còn âm tiết thứ hai và âm tiết thứ sáu cùng thanh. Trong một liên thơ, giữa câu trên và câu dưới cũng yêu cầu đối lập về thanh điệu ở các âm tiết 2, 4, 6. Ví dụ:

 

Xách búaᵀ/ đánh tanᴮ/ năm bảyᵀ đống//

Ra tayᴮ/ đập bểᵀ/ mấy trămᴮ hòn.//

(Đập đá ở Côn Lôn – Phân Châu Trinh)

          

Vị trí đầu nhịp và cuối nhịp luôn là những vị trí nổi bật cho nên sự đối lập và luân phiên các thanh bằng – trắc, bổng – trầm trong các âm tiết đầu nhịp và nhất là các âm tiết cuối nhịp rất quan trọng. Tính chất này đã trở thành thi luật trong thơ ca truyền thống. Chẳng hạn, trong các câu tục ngữ, các cặp câu biền ngẫu, âm tiết cuối của các nhịp đối xứng luôn đối lập về thanh điệu. Ví dụ:

 

Ăn cỗ đi trướcᵀ// lội nước theo sauᴮ.//

(Tục ngữ)

Chim có tổᵀ// người có tôngᴮ.//

(Tục ngữ)

 

Trong tổ chức câu thơ, câu văn thường có sự phối hợp luân phiên bằng – trắc để tạo ra một nhịp điệu cân đối, nhịp nhàng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp người nghệ sĩ ngôn từ lại huy động tập trung chỉ một loại thanh điệu (độc thanh) để tạo ra nhịp điệu đặc biệt cho câu văn, câu thơ. Ví dụ:

 

Anhᴮ ơiᴮ! Giờᴮ đâyᴮ ngoàiᴮ biênᴮ cươngᴮ//

Anhᴮ đangᴮ xôngᴮ phaᴮ nơiᴮ saᴮ trườngᴮ//

Chiềuᴮ xưaᴮ anhᴮ điᴮ baoᴮ nămᴮ rồiᴮ//

Khôngᴮ lờiᴮ, khôngᴮ thơᴮ, buồnᴮ vươngᴮ vươngᴮ.///

(Hoa Ti – gôn – Vân Anh)

 

Nhà thơ Vân Anh đã dàn lên các câu thơ một hệ thống thanh bằng để tạo ra một nhịp điệu bằng phẳng, lướt nhẹ, gợi nên giai điệu du dương, tiếng lòng thương nhớ da diết của nhân vật trữ tình dành cho nhân vật “anh” nơi ải biên cương.

 

1.3. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn và tập thơ Vừa sinh ra ở đó

 

1.3.1. Vài nét về nhà thơ Mai Văn Phấn

 

Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955, tại vùng đất Kim Sơn – Ninh Bình, nhưng công tác trong ngành hải quan Hải Phòng, nên Mai Văn Phấn trở thành người phố Cảng. Mỗi người thường viết về một miền đất, có lẽ vì thế mà Mai Văn Phấn là một người Hải Phòng đặc biệt, bởi sự khiêm nhường, chu đáo và trắc ẩn trong đời và cả trong thơ.

 

Mai Văn Phấn đã đạt được một số giải thưởng văn học trong nước. Ông đã xuất bản 21 tập thơ, trong đó có 10 tập thơ tái bản và được dịch ra nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp… Tiêu biểu là các tập thơ:

 

+ Giọt nắng (thơ, Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng, 1992)

+ Gọi xanh (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 1995)

+ Cầu nguyện ban mai (thơ, Nxb. Hải Phòng, 1997)

+ Nghi lễ nhận tên (thơ, Nxb. Hải Phòng, 1999)

+ Người cùng thời (thơ, Nxb. Hải Phòng, 1999)

+ Vách nước (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2003)

+ Hôm sau (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2009)

+ và đột nhiên gió thổi (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2009)

+ Bầu trời không mái che (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2010)

+ Thơ tuyển Mai Văn Phấn (thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb. Hội nhà văn, 2011)

+ hoa giấu mặt (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2012)

+ Vừa sinh ra ở đó (thơ, Nxb. Hội nhà văn, 2013)

 

Bằng sự nỗ lực và sự lao động nghệ thuật miệt mài, Mai Văn Phấn đã khiến cho độc giả phải kinh ngạc trước những sáng tạo của ông. Năm 1992, Mai Văn Phấn công bố tập thơ đầu tay có tên Giọt nắng. Đến năm 2013, sau 20 năm, ông đã cho phát hành thêm 10 tập thơ tiếp theo. Tính đến nay, ở Việt Nam ít nhà thơ nào đạt được thành công lớn đến như vậy. Để đạt được điều đó, Mai Văn Phấn phải có sự cố gắng không ngừng. Mỗi tập thơ của ông đều mang một điểm mới, sáng tạo không lặp lại.

 

Năm 2013, Mai Văn Phấn xuất bản liên tiếp 5 tập thơ song ngữ. Các sách in ở nước ngoài đều do các nhà xuất bản chuyên nghiệp trình bày, vẽ bìa, in ấn, phát hành và quảng bá. Trong đó Bầu trời không mái che được tái bản có bổ sung bản dịch tiếng Anh của Trần Nghi Hoàng, với sự hiệu đính của nhà thơ Mỹ, Frederick Turner (người sáng lập Khoa Nghệ thuật và Nhân văn, Đại học Texas ở Dallas). Và đây cũng là tập thơ đưa Mai Văn Phấn đến với giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 2010.

 

Mai Văn Phấn cho rằng văn chương là hành trình đi tìm cái đẹp. Tác phẩm văn học trước hết phải quay lại hoàn thiện nhân cách, quan niệm thẩm mĩ và định hướng cho chính nhà văn ấy. Thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền còn tìm cách đặt tên, định hình lại sự sống và thế giới. Như vậy, văn chương là hành trình vô cùng gian khổ, đòi hỏi sự nỗ lực, bền bỉ của chính bản thân nhà văn, nhà thơ. Theo Mai Văn Phấn, thơ ca là cầu nối giữa nhà thơ và thế giới, thơ ca giúp con người hoàn thiện nhân cách, giúp con người trở nên thánh thiện hơn, làm cho cuộc sống ngày một tươi đẹp hơn.

 

Mai Văn Phấn quan niệm: thơ hay ở chỗ không hạn chế đề tài, không quy định bởi trường phái, thể loại truyền thống hay hiện đại, cũng không nhất thiết lệ thuộc vào vần điệu, dễ nhớ, dễ thuộc mà cái hay của thơ ca là ở chỗ nó được đánh giá ở nhiều khía cạnh, trên nhiều phương diện khác nhau. Và sự thành công của bài thơ, phụ thuộc phần lớn vào sự đồng sáng tạo của người đọc. Tuy nhiên để tạo nên một bài thơ hay, Mai Văn Phấn không tập trung vào những điểm chói sáng mà ông chú trọng đến bài thơ hay trong quan hệ chỉnh thể. Ông cho rằng đây là điểm khác biệt giữa thơ mới và thơ cũ.

 

Đặc biệt, trong suốt lộ trình sáng tác của mình, Mai Văn Phấn luôn xem việc sáng tác là làm mới mình, không lặp lại chính mình, nhất là cái đẹp nghệ thuật. Đó là quy luật, sức sống của sáng tạo. Con đường sáng tạo nghệ thuật không bao giờ có điểm dừng và luôn là một cái khác của cái khác đã cũ. Thơ Mai Văn Phấn thường lấy con người lam đối tượng, qua đó ông bộc lộ quan niệm nghệ thuật về nhân sinh, nhân thế, lẽ sống,… Trong thơ ông, ta nhận ra một thế giới sinh động, đa tầng. Ở đó con người là nhân tố quan trọng để gieo mầm, nuôi dưỡng thế giới này bằng vẻ đẹp của cái khác nó. Nhìn chung, thơ Mai Văn Phấn mạnh về ý tưởng, tư tưởng hơn là những chi tiết, câu chữ cụ thể. Thơ ông hấp dẫn bởi không gian tạo nghĩa hơn là những ẩn dụ riêng lẻ.

 

1.3.2. Tập thơ Vừa sinh ra ở đó

 

Vừa sinh ra ở đó là tập thơ thứ 12 của Mai Văn Phấn, được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2013. Nếu tập thơ hoa giấu mặt (2012) là sự ngừng lặng, tinh lọc cần thiết để cảm nhận cái đẹp chốn thung sâu thì tập thơ Vừa sinh ra ở đó lại mang đến cho độc giả ý niệm về sự hồi sinh, tái sinh liên tục của con người; con người được sinh ra từ những vẻ đẹp bình dị quanh mình.

 

Chỉ với 18 bài thơ, Mai Văn Phấn đã vẽ ra trước mắt bạn đọc những bức tranh mà trong đó tràn đầy thi ảnh và không ngừng sinh sôi, phát triển: bóng tối, ánh sáng, biển cả mênh mông, hoàng hôn, cánh bướm, phiến đá, vườn cây, đất đai và con người,…Đọc Vừa sinh ra ở đó, người ta có thể choáng ngợp trước một thế giới hình ảnh, những bức tranh thiên nhiên với vẻ đẹp thuần khiết hiển hiện từ những câu thơ. Từ bông hoa bé nhỏ, tơ nhện giăng, đàn vịt lội, mùi hăng cỏ sữa,… đến hình môi đức Phật (Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng). Bức tranh cuộc sống ở đó thấm đẫm sự trong lành, tinh khôi và mới mẻ. Vừa sinh ra ở đó còn thể hiện ước muốn nâng niu, giữ gìn, tái sinh và vươn lên trong ánh sáng tự nhiên như mầm cây. Con người sẽ liên tiếp được tái sinh, được sinh ra từ đó, từ những điều vô cùng bình dị.

 

1.4. Tiểu kết

 

Như vậy, ở Chương 1, những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc đi sâu khảo sát, miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn đã được giải thích, làm rõ. Đó là những vấn đề liên quan đến thơ tự do và nhịp điệu như khái niệm, phân loại nhịp điệu, các tiêu chí nhận diện, miêu tả nhịp điệu (các yếu tố ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, cao độ, tốc độ, cường độ, điểm nhấn, đường nét, hiệp vần (hòa âm) và phối hợp thanh điệu (phối thanh)). Ngoài ra, Chương 1 cũng dành một số trang để giới thiệu về nhà thơ Mai Văn Phấn và thơ tự do của ông; giới thiệu đôi nét về tập thơ được chọn làm tư liệu khảo sát mang tên “Vừa sinh ra ở đó”.  Đây sẽ là cơ sở để đề tài đi sâu nghiên cứu, miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, đồng thời phân tích các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của ông.

 

 

 

 

 

Chương 2

 

MIÊU TẢ NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN

 


 
2.1 Dẫn nhập

 

Giàu nhịp điệu là một đặc điểm nổi bật của thơ văn Việt Nam nói riêng và tiếng Việt nói chung. Để nhận diện và miêu tả nhịp điệu trong thơ văn Việt Nam, có thể dựa trên những tiêu chí sau: ngừng/ ngắt nhịp; độ dài – ngắn (trường độ); độ cao – thấp (cao độ); độ mạnh – yếu (cường độ); độ nhanh – chậm (tốc độ); điểm nhấn – lướt; đường nét bằng phẳng – không bằng phẳng; hòa âm và phối thanh. Trong đó, ngừng nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh được xem là những yếu tố mạnh, quyết định căn bản tính chất của nhịp điệu. Vì vậy, trong phạm vi nghiên cứu của đề tài Nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, chúng tôi sẽ tập trung khảo sát và miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của tác giả trên những phương diện: cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp, hòa âm, phối thanh – những yếu tố quyết định tính chất của nhịp điệu - ở một tuyển tập thơ cụ thể của tác giả xuất bản năm 2013 (Vừa sinh ra ở đó).

 

2.2. Cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

2.2.1 Kết quả khảo sát

 

Cách ngắt nhịp hay chính là ngừng/ ngắt nhịp được hiểu là khoảng lặng của dòng âm thanh. Nó vừa là dấu hiệu kết thúc một nhịp; vừa là dấu hiệu bắt đầu nhịp tiếp theo. Nó đồng thời đảm nhiệm hai chức năng: chia tách và liên kết các nhịp.

 

Dựa trên lí thuyết về việc xác định ngừng/ ngắt nhịp, chúng tôi đã tiến hành khảo sát 18 bài thơ trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó để đưa ra cách phân loại thời lượng ngừng/ ngắt nhịp (có tính chất tương đối) với quy ước như sau:

 

- Ngừng ngắn (/): 1 – 2 tiếng

 

Ví dụ:

 

Và nhìn rất lâu// về phía ngọn đồi//

Đúng/ rất đúng/

Tất cả chúng ta// vừa sinh ra ở đó///.

(Nơi cội nguồn thế giới)

 

- Ngừng vừa (//): 3 – 5 tiếng

 

Ví dụ:

 

Tỉnh dậy/ cỏ cây láng ướt// bầu trời/

Mưa quần tụ// mái nhà gõ nhịp//

Mặt đất mềm/ hơi thở lan nhanh///.

(Tỉnh dậy trong mưa)

 

- Ngừng lâu (///) từ 5 – 7  tiếng trở lên

 

Ví dụ:

 

Triền cát/ mịn/

Lối lên bờ// là cánh đồng//

Tóc em/ gió cuốn nơi tàng cây/// yên lặng/.

(Tỉnh dậy trong mưa)

 

Sau đây là kết quả khảo sát về cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn.

 

Bảng 2.1: Bảng khảo sát về cách ngắt nhịp, trường độ của nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

 

Cách ngắt nhịp

Trường độ

Số lượng

(số lần ngắt nhịp)

Tỉ lệ (%)

Nhịp ngừng ngắn

1 tiếng

255

11, 5

2 tiếng

1126

50,9

Nhịp ngừng vừa

3 tiếng

541

24,4

4 tiếng

264

11,92

Nhịp ngừng lâu

5 tiếng

26

1,2

6 tiếng

1

0,04

trên 7 tiếng

1

0,04

Tổng

2214

100

 

 

2.2.2. Miêu tả cụ thể

 

2.2.2.1. Nhịp ngừng ngắn

 

a. Nhịp 1 tiếng

 

Thời lượng một điểm ngừng nhịp nói chung chỉ mang tính chất tương đối (không thể quy định bằng một số đo thời gian chính xác). Kết quả khảo sát đã tìm ra được nhịp ngừng ngắn xuất hiện khá nhiều trong các sáng tác của Mai Văn Phấn, cụ thể nhịp ngừng ngắn một tiếng xuất hiện 255 lần trên tổng số 2214 lần ngắt nhịp, chiếm tỉ lệ 11,5%. Ví dụ:

 

Giương/ cánh cung

Cho cây lá// ép vào dáng núi

Nén chặt/ bình minh vào đêm//.

 (Tĩnh lặng)

 

Hay

 

Con khướu/ vừa bay/

Hòa sắc/ hoàn hảo/

/ màu xám/

Vệt trắng/ hai bên má/

Ức và cằm/ loang đen/

 

Tôi/ họa lại hình chim//

Nhẫn nại/ tô màu/

 

Không phải thế/

Mãi không phải thế//

Tôi/ ngồi lại nơi đây//

Nhìn chim bay//

/ tô màu/.

(Tĩnh lặng)

 

Nhịp ngừng ngắn nói chung thường mang sắc thái nhanh, gấp gáp. Cụ thể với nhịp ngừng ngắn một tiếng trong thơ tự do của mình, Mai Văn Phấn đã để lại ấn tượng sâu rộng trong lòng độc giả. Mỗi dòng thơ, mỗi câu thơ đều mang phong cách và sự sáng tạo riêng của ông. Cách sử dụng nhịp ngừng ngắn một tiếng đã góp phần không nhỏ vào việc thể hiện cá tính riêng của tác giả. Bài thơ Tĩnh lặng gợi cho ta một không gian tĩnh mịch, yên ả của cả cảnh và vật nơi đây. Tất cả đều chìm vào trong hư vô. Hiện lên trong không gian ấy là hình ảnh chú khướu với màu sắc rực rỡ vừa mới bay đi, là hình ảnh nhân vật “tôi” dứt khoát trong hành động họa lại hình chú khướu, và như cả hình ảnh của sự nhẫn nại kiên trì và sự suy ngẫm của nhân vật ngồi lại nơi đây, nhìn chim bay, và tô màu – hành động dứt khoát của nhân vật “tôi”. Điều đó cho thấy được phần nào sự chiêm nghiệm, tiếc nuối của tác giả về một thứ gì đó đã qua đi trong quá khứ, ở thời khắc hiện tại tác giả đang cố khắc khoải về nó với những gì đẹp đẽ nhất, hoàn hảo nhất.

 

b. Nhịp 2 tiếng

 

Nhịp ngừng ngắn hai tiếng xuất hiện với mật độ khá dày đặc trong thơ của Mai Văn Phấn. Điều này kéo theo trường độ ngắn (2 tiếng) của nhịp điệu cũng xuất hiện phổ biến trong các sáng tác của ông. Cụ thể: Mai Văn Phấn đã sử dụng đến 1126 lần ngắt nhịp ngừng ngắn hai tiếng, chiếm 50,9%. Đây là một con số khá lớn, cho thấy được rằng tác giả có thiên hướng sử dụng nhịp ngừng ngắn cũng như chu kì nhịp ngắn trong các sáng tác của mình.

 

Ví dụ:

 

Đầu lưỡi/ chạm kem bơ//

Hình/ bông hoa/

Chân mây/ ai vẽ/.

(Tỉnh dậy trong mưa)

Hay

 

Anh/ thầm nghĩ/

Đang cầm/ tay em/

Dém chăn/

Nâng/ từng lọn tóc//.

(Buông tay cho trời rạng)

 

Có thể lí giải cho xu hướng sử dụng nhịp ngừng ngắn hai tiếng trong sáng tác của Mai Văn Phấn như sau: tác giả đã căn cứ vào tổ chức ngữ pháp – ngữ nghĩa, cụ thể là điểm ngừng/ ngắt nhịp trùng với ranh giới của các cấu trúc ngữ pháp – ngữ nghĩa trong ngôn bản. Cũng chính từ sự ngừng/ ngắt nhịp đó, độc giả có thể minh định được những tổ chức ngữ pháp – ngữ nghĩa trong ngôn bản/ văn bản. Hơn nữa, nhịp ngừng ngắn nói chung và nhịp ngừng ngắn hai tiếng, chu kì nhịp điệu ngắn nói riêng luôn đem lại hiệu quả cao trong việc biểu đạt nội dung cũng như cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nhân vật anh trong ví dụ trên thầm nghĩ, thầm mong ước rằng đang được ở bên người con gái mình yêu thương, được nắm tay, nâng niu chăm sóc cô gái dém chăn, nâng từng lọn tóc. Đồng thời, cho thấy sự mạnh dạn dám nói lên ước muốn, khao khát của nhân vật trữ tình thông qua cách biểu lộ trực tiếp khát khao, mong muốn của mình.

 

2.1.2.2 Nhịp ngừng vừa

 

a. Nhịp 3 tiếng

 

Bên cạnh việc sử dụng nhịp ngừng ngắn, trường độ chu kì nhịp điệu ngắn, Mai Văn Phấn cũng chú trọng đến việc sử dụng nhịp ngừng vừa với chu kì nhịp điệu vừa trong các sáng tác của mình. Nhịp ngừng vừa ba tiếng được sử dụng 541 lần trên tổng số 1214 lần ngắt nhịp, chiếm 24,4%. Nhịp ngừng vừa ba tiếng cũng chiếm giữ một số lượng không nhỏ trong cách ngừng/ ngắt nhịp của tác giả.

 

Ví dụ:

 

Lưỡi dao sắc// lia ngang/

Sát/ gốc cỏ/

 

Những vong hồn// còn mắc kẹt//

Cùng ngọn cỏ//

Vươn tay/

 

Lá cỏ/ vun thành đống//

Làm thức ăn// gia súc/

Hoặc/ phơi khô/

 

Vong hồn nào// chưa được bay lên//

Còn trong vòng// nghiệt ngã/

Còn đau đớn// sát sinh/

Hoang hoải/ mùi hăng cỏ sữa//.

(Ra vườn chùa xem cắt cỏ)

 

Ngược lại với sự gấp gáp, hướng người đọc chờ đợi đột phá, chờ đợi điều gì sẽ xảy ra ở những dòng thơ, những câu thơ tiếp theo của nhịp ngừng ngắn, thì nhịp ngừng vừa lại đem đến cho người đọc sự chậm rãi, du dương trong giọng điệu, mỗi dòng thơ ngân lên là một sự chiêm nghiệm về cuộc sống, cuộc đời. Bài thơ trên mang màu sắc của đạo Phật. Lưỡi dao sắc lia ngang ở đây có thể hiểu là con người là chủ thể của hành động cầm dao lia, cắt đứt cỏ cây. Hiểu rộng ra nghĩa là sự tàn phá của con người tới môi trường sống, tới thiên nhiên, cỏ cây. Nhưng khi chết đi, con người và thiên nhiên không còn là hai vật thể riêng biệt nữa, lúc này cả con người và thiên nhiên đã hòa quyện vào nhau, cùng vươn tay… Nghĩa là, tác giả muốn đề cập tới sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên, giữa chúng cần có mối quan hệ gắn kết, tương trợ lẫn nhau để cùng tồn tại, Tác giả cũng có đề cập đến những vong hồn chưa được giải thoát là vì vẫn chưa dừng hành động tàn phá thiên nhiên, tàn phá sự sống một cách sai trái của mình. Đó là cả một sự chiêm nghiệm của một đời người về cuộc sống và cuộc đời.

 

b. Nhịp 4 tiếng

 

Tương tự như nhịp ngừng vừa ba tiếng, nhịp ngừng vừa bốn tiếng cũng được tác giả chú trọng sử dụng. Theo kết quả khảo sát, có 264 nhịp ngừng vừa bốn tiếng, chiếm 11,92% trong tổng số 1214 lần ngắt nhịp của tác giả.

 

Nhịp ngừng vừa bốn tiếng cũng mang âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết tương tự như nhịp ngừng vừa ba tiếng.

 

Ví dụ:

 

Ông/ vẫn dậy sớm//

Pha trà/ trong bình minh khác//

Hướng về/ căn hầm nhỏ// ngõ 54 Quán Sứ///

Tiếng quạt quay// nổi gió dương cầm//

(Gặp mùa xuân)

 

Những câu thơ trên nằm trong bài Gặp mùa xuân. Đây là bài thơ dành riêng cho nhân vật ông – dịch giả Đỗ Xuân Oanh – một người đa tài, để lại ấn tượng không chỉ riêng với Mai Văn Phấn mà còn để lại ấn tượng cho cả bạn bè thế giới khi ông phổ nhạc thành công bài thơ Trời sẽ lại trong xanh của tác giả người Nhật Umeda Shyozi. Bằng giọng thơ nhẹ nhàng, da diết, tác giả đã bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn tới ông, cho dù ông mất đi nhưng ở thế giới bên kia – bình minh khác ông vẫn tồn tại, ông vẫn làm những công việc hằng ngày dậy sớm, pha trà, đàn nhạc,… Nhân vật ông vẫn hăng say lao động nghệ thuật, cống hiến cho xã hội.

 

2.1.2.3 Nhịp ngừng lâu

 

Nhịp ngừng vừa và nhịp ngừng lâu mang điểm chung chính là ở giọng điệu ngân vang, da diết. Tuy nhiên giữa chúng cũng có điểm khác biệt, nhịp ngừng lâu bao giờ cũng có sự tha thiết, dàn trải hơn so với nhịp ngừng vừa.

 

Nhịp ngừng lâu được quy ước là những nhịp có từ 5, 6, 7 tiếng trở lên. Nhịp ngừng lâu xuất hiện rất ít trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó; nhịp ngừng ngắn 5 tiếng được sử dụng 26 lần trên tổng số 1214 lần ngắt nhịp của tác giả, chiếm 1,2%. Đây là con số khá ít so với nhịp ngừng ngắn và nhịp ngừng vừa. Nhịp ngừng ngắn 6 tiếng, 7 tiếng chỉ xuất hiện hai lần trong toàn bộ tập thơ, chiếm 0,08%.

 

Ví dụ:

 

Văn bản tiếp cảnh sương mù/// trong bản nhỏ//. Thiếu nữ/ chân trần/ gùi gạo vào rừng//. Vạt rừng đầy ánh sáng///. Một người nằm ngủ//, mơ có quả bứa vàng/// xếp thành ngai dưới trăng/// chờ anh ta thức dậy///… Ánh sáng không có trong văn bản///, anh tưởng tượng// thêm/ hình ảnh dưới trăng//. Những chuyện đầy trăng//.
(Đoạn 12 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Những tiếng in đậm trên là những ví dụ minh họa về nhịp ngừng lâu trong sáng tác của Mai Văn Phấn. Sở dĩ chúng lại xuất hiện là bởi đặc tính của thơ văn xuôi. Thơ văn xuôi cũng được xem là thơ tự do, nó không bị gò bó bởi bất cứ một mô hình âm luật nào. Nó khác với văn xuôi ở chỗ nó không giàu tính chất trần thuật, tuy được viết dưới hình thức văn xuôi nhưng bản thân nó vẫn mang hình ảnh tượng trưng, đầy chất nhạc và chất thơ trong đó. Các cách ngừng/ ngắt nhịp đan xen lẫn nhau, lúc nhanh chậm, lúc ngừng ngắn, ngừng vừa rồi lại ngừng lâu; từ ngừng lâu lại chuyển sang ngừng ngắn,… Tất cả đã tạo nên chất thơ trong sáng tác của Mai Văn Phấn, tạo nên dấu ấn riêng biệt cho tác giả.

 

Mai Văn Phấn nổi lên như một hiện tượng thơ ca sau năm 1975, với lối viết phóng túng, tự do, luôn luôn tự khám phá, làm mới mình, bởi vậy yếu tố trường độ của nhịp điệu trong thơ tự do của ông cũng đa dạng. Độ dài – ngắn của các nhịp thay đổi liên tục, đan xen lẫn nhau.

 

Ở mỗi thể loại thơ văn có những biểu hiện riêng biệt về chu kì của nhịp điệu. Có chu kì ngắn hoặc dài, chu kì đều đặn từ đầu đến cuối tác phẩm; cũng có những chu kì không đều đặn, các nhịp dài – ngắn đan xen lẫn nhau. Chu kì ngắn thường xuất hiện trong thơ ca truyền thống, mà tiêu biểu như thể thơ lục bát của dân tộc. Thể thơ lục bát ưa ngắt nhịp chẵn và đều đặn, thường là nhịp âm tiết, cụ thể ở câu lục là 2/2/2; ở câu bát là 2/2/2/2. Do vậy, thể thơ này trở nên dễ đọc và dễ ngâm.

 

Ví dụ:

 

Quê nhà/ ở phía/ ngôi sao

Qua sông/ mượn khúc/ ca dao/ làm cầu//.

(Thơ tặng người xa xứ - Nguyễn Duy)

 

Chu kì không đều đặn phổ biến trong nhịp điệu của thơ tự do, những sáng tác mang đậm dấu ấn phong cách riêng của các tác giả. Tác giả Mai Văn Phấn cũng không ngoại lệ. Trong các sáng tác của mình, nhà thơ luôn ý thức được sự sáng tạo, tự làm mới mình. Điều này được thể hiện qua trường độ của nhịp điệu trong các sáng tác, mà cụ thể là những bài thơ trong tập Vừa sinh ra ở đó mà đề tài đang nghiên cứu.

 

Nếu thể thơ truyền thống của dân tộc với chu kì nhịp điệu đều đặn, duy trì ổn định từ đầu đến cuối tác phẩm thì Mai Văn Phấn lại tổ chức chu kì nhịp điệu của mình theo hướng mới, hướng hiện đại, tự do như chính thể loại thơ ca mà tác giả đang theo đuổi. Trong các sáng tác của Mai Văn Phấn, chu kì nhịp điệu ngắn – dài đan xen lẫn nhau chiếm ưu thế, xuyên suốt từ đầu tác phẩm đến cuối tác phẩm. Những bài thơ tự do của Mai Văn Phấn đều mang điểm chung về chu kì nhịp điệu ngắn – dài đan xen lẫn nhau, có những nhịp chỉ kéo dài 1 – 2 tiếng nhưng lại có những nhịp kéo dài 4 – 5 tiếng, tạo ra những biến nhịp độc đáo, đem lại những giá trị thông tin và giá trị biểu cảm cao.

 

2.3. Cách hiệp vần (hòa âm) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

Mai Văn Phấn cũng giống như những nhà thơ khác, luôn ý thức về việc hiệp vần các âm tiết trong sáng tác của mình. Hiệp vần được hiểu đơn giản là cách lặp lại phần vần của các âm tiết đứng ở một vị trí nhất định trong câu thơ nhằm tạo ra nhịp điệu và tăng sức gợi cảm cho câu thơ.

 

2.3.1. Kết quả khảo sát

 

Sau đây là kết quả khảo sát về sự hiệp vần trong thơ tự do của Mai Văn Phấn:

 

Bảng 2.2: Bảng khảo sát về cách hiệp vần trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

 

Các loại vần

Số lượng

Tỉ lệ (%)

Vị trí hiệp vần

Vần chân

25

3,7

Vần lưng

650

96,3

Tổng

675

100

Mức độ hiệp vần

Vần chính

387

57,3

Vần thông

288

42,7

Tổng

675

100

 

 

2.3.2. Miêu tả cụ thể

 

2.3.2.1. Vị trí hiệp vần

 

a. Vần chân

 

Vần chân (cước vận) tức là vần được gieo ở cuối dòng thơ. Theo kết quả khảo sát, vị trí gieo vần chân chiếm số lượng khá ít, chỉ 25 vần trên tổng số 675 lần gieo vần, giữ khoảng 3,7% - một con số khá khiêm tốn.

 

Ví dụ:

 

Tự nhiên nhớ em, rất nhớ

Anh không dám nhìn đi nơi khác

Để trời xanh ngấm xuống gót chân

 

Từng mưa to, mưa rất to

Tắm táp cho viên cuội nhỏ

Chỉ riêng hình ảnh này

Đã làm anh yêu đời mê dại

(Vô tình trong nắng sớm)

 

Hay

 

Mỗi nụ hôn thêm cánh cửa

Níu chặt tay nhau

Bám chặt tay nhau

Không thất lạc

(Đoạn 6 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Sóng Bạch Đằng trùm lấp

Phù sa trên vai anh

 

Đóng chiếc cọc sâu cột cánh diều

Tạ ơn cha mẹ

 

Lặng yên rễ sú, rễ bần xoắn bện

Lau lác, mặt trời bờ nước lao xao

 

Ấp mình trong cỏ

Vùi vào em bàn tay tí hon

 

Con cá lớn bị quăng lên mặt đất

(Đoạn 8 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Sợi rễ tua tủa – thiếu máu – chới với

Ở đâu la đà, mướt xanh?

Ở đâu quang hợp?

 

Chạm vào nước

Chùm rễ cất cánh

(Đoạn 22 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Từng chùm hoa rạng rỡ trong mưa

Em nhớ anh

Lá lên xanh thắm

 

Gọi cho anh dưới gốc sưa

Em đã khóc…

(Đoạn IIIBuông tay cho trời rạng)

 

Những âm tiết được in đậm trong các ví dụ trên đều là những trường hợp hiệp vần chân trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Do tính chất không bị gò bó bởi một mô hình âm luật nhất định nào của thơ tự do nên việc hiệp vần chân trong thơ tự do của Mai Văn Phấn khá ít, chỉ chiếm số lượng không đáng kể.

 

b. Vần lưng

 

Khác hẳn với việc sử dụng vần chân trong sáng tác của mình, Mai Văn Phấn có xu hướng hiệp vần ở vị trí vần lưng. Cụ thể, theo kết quả khảo sát, vần lưng được gieo tới 650 lần trên tổng 675 vần được gieo, chiếm tỉ lệ lớn trong vị trí gieo vần của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

 

Ví dụ:

 

Nước đọng dưới chân núi

Một viên cuội nằm trên phiến đá cao

Không chớp mắt trong tinh khôi yên tĩnh

Đêm qua ở đây có mưa

Ai đã ngồi kia trước hay sau mưa nặng hạt

(Vô tình trong nắng sớm)

 

Những âm tiết viên, phiến, mưa, trước (được in đậm) là những âm tiết được hiệp vần với nhau theo vị trí hiệp vần lưng, tức là được gieo ở giữa dòng thơ. Âm tiết viên và âm tiết phiến cũng được hiệp vần lưng với nhau, hai âm tiết này có cùng âm chính “iê”, cùng âm cuối, khác nhau về âm đầu và thanh điệu.

 

Âm tiết mưa và âm tiết trước có cùng âm chính nằm cùng hàng (ươ và ưa), khác nhau về âm đầu và thanh điệu, chúng được gieo ở vị trí giữa dòng thơ nên được xếp vào hiệp vần lưng.

          

Bao trùm lên bài thơ là hình ảnh thiên nhiên nước, phiến đá, mưa,… Hình ảnh viên cuội cho bạn đọc liên tưởng tới con người. Theo năm tháng, trải qua mưa nắng đã làm cho viên cuội xấu xí, có những vết nứt. Con người cũng vậy, giữa những xô bồ của cuộc sống, mỗi con người luôn phải tự đấu tranh để vươn lên, tâm hồn luôn chất chứa những u sầu, buồn đau. Nước và những cơn mưa đã gột rửa cho viên cuội, cũng như thanh lọc tâm hồn con người. Nó tượng trưng cho hạnh phúc, tình yêu, khiến con người thêm yêu cuộc sống, nâng đỡ tâm hồn con người vượt lên trên tất cả.

          
Tương tự như vậy, Mai Văn Phấn đã tổ chức hiệp vần lưng trong các dòng thơ của mình với số lượng lớn, mật độ khá dày đặc, chiếm 96,3% trên tổng số lần gieo vần.

 

Ví dụ:

 

Đêm qua sấm chớp

Rồi mưa

 

Chắc chưa có thay đổi lớn

Tôi ngủ tiếp

 

Người già làng tôi bảo

Cây đa chứng kiến bao cảnh tang thương

 

Chúng ta đang đứng bên giọt sương trong

Lá reo mải miết

(Tiếng vỗ ngắn)

 

(âm tiết hiệp vần mưa – chưa; làng – tang; thương – sương)

          

Hay

 

Mình là mạch khí, vực sâu, ngực đất

chọn nơi ấm áp kê giường tủ

nơi thoáng đãng đặt bàn ghế

buông âu lo ngồi vào bàn ăn

con cá cắn câu trong niêu đất kho nhừ

(Từ nhà mình)

 

Như vậy, vần như sợi dây ràng buộc các dòng thơ lại với nhau giúp cho việc đọc được thuận miệng, nghe được thuận tai và làm cho người đọc, người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Trong thơ hiện đại vốn không có cấu trúc khổ như thơ truyền thống, mới nhìn qua người ta sẽ nghĩ rằng vai trò tổ chức của vần kém phần quan trọng. Sự thật thì hoàn toàn ngược lại. Ở những bài thơ như thế, do không có cấu trúc chặt chẽ, do số lượng âm tiết của mỗi dòng khác nhau cho nên chức năng tổ chức, chức năng liên kết các dòng thành đoạn, thành bài lại càng quan trọng. Ở đây, nếu vần vắng mặt sẽ khiến cho câu thơ trở nên rời rạc. Điều đáng chú ý nữa trong sử dụng vần giữa thơ truyền thống có khổ và thơ tự do ở chỗ: ở thơ có khổ, các âm tiết hoặc từ hiệp vần với nhau thường đứng ở vị trí gần nhau. Trái lại ở thơ tự do, nhiều khi những từ ở những dòng khá xa nhau vẫn có thể bắt vần với nhau. Chính điều này đã làm cho các dòng thơ liên hệ với nhau chặt chẽ hơn và do đó cấu trúc của bài thơ cũng trở nên chặt chẽ hơn.

 

Ví dụ:

Xương cốt mùa đông

Da thịt mùa xuân

Hoa loa kèn mở cánh trắng muốt

 

Thoang thoảng hương

Tràn khắp gian phòng

 

Anh vươn về lọ hoa

Xoay tất cả đài hoa sang hướng khác

 

Cuống hoa tựa vào anh biếc xanh

 

Chờ từng giọt café

Màu trắng tinh khôi thổi trên đầu như bão

(Đoạn 15 – Tỉnh dậy trong mưa)

          

Nhìn vào ví dụ trên, nhận thấy những âm tiết được hiệp vần với nhau có thể đứng ở vị trí gần nhau hoặc cũng có thể đứng ở vị trí cách xa nhau. Mùa – mùa, khôi – thổi là những âm tiết có cùng âm chính “ua”, “ô”, cùng vắng âm cuối hoặc có cùng âm cuối “i”, chúng được hiệp vần với nhau khi chúng đứng cạnh nhau. Còn hương – hướng tuy đứng cách xa nhau nhưng vẫn được hiệp vần là vì giữa chúng có những điểm chung: cùng âm chính “ươ”, cùng âm đầu “h”, cùng âm cuối “ng”, duy chỉ có sự khác nhau về thanh điệu (thanh ngang khác với thanh sắc). Tuy vậy dù đứng ở vị trí nào trong dòng thơ thì các âm tiết được hiệp vần vẫn đảm bảo được tính tổ chức, tính liên kết chặt chẽ của dòng thơ, câu thơ; bên cạnh đó chúng còn hỗ trợ đắc lực trong việc tạo nhạc điệu cho bài thơ.

 

Tơ nhện giăng

Hai đầu tiếng sấm

Giữa khoảnh khắc tiếng vọng viên đạn

thiên thạch rơi vào trái đất

(Đoạn 12 – Tĩnh lặng)

 

Tương tự như vậy, âm tiết viênthiên tuy đứng ở vị trí xa nhau những vẫn được hiệp vần với nhau: đều mang âm chính “iê”, âm cuối “n”, cùng thanh điệu (thanh huyền), chỉ khác âm đầu “v” khác “th”. Các âm tiết được hiệp vần với nhau đảm bảo được tính tổ chức, bên cạnh đó chúng còn hỗ trợ đắc lực trong việc tạo nhạc điệu cho bài thơ. Viên, thiên tạo âm hưởng du dương, êm tai đem lại cảm giác dễ chịu cho độc giả khi ngâm nga bài thơ, góp phần quan trọng vào việc cảm thụ nội dung của tác phẩm.

 

2.3.2.2. Mức độ hiệp vần

 

a. Vần chính

 

Xét về mặt hòa âm, vần chính là vần đạt hiệu quả cao nhất so với các phần còn lại, do đó nó đòi hỏi hai âm tiết gieo vần với nhau phải có sự đồng nhất ở phần cơ bản của âm tiết, tức là phải đồng nhất những thành phần chủ yếu tạo ra sự hòa âm, cụ thể là:

          

- Đồng nhất ở thành phần âm cuối.

 

- Đồng nhất ở thành phần âm chính.

 

- Đồng nhất ở đặc trưng thanh điệu (cùng bằng hoặc cùng trắc).

 

Dựa vào những tiêu chí trên, thông qua quá trình khảo sát, chúng tôi nhận thấy trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó của tác giả Mai Văn Phấn có xuất hiện 387 lần âm tiết được hiệp vần chính với nhau ở cả 2 vị trí hiệp vần chân và hiệp vần lưng. Tuy nhiên, mức độ hiệp vần chính ở vị trí vần lưng chiếm ưu thế hơn so với vị trí hiệp vần chân.

 

Ví dụ:

 

Ly nước

Đặt trước ngọn nến…

(Đoạn 20 – Tĩnh lặng)

 

Âm tiết nước hiệp vần với âm tiết trước: đều mang âm chính “ươ”,âm cuối “c”, thanh điệu (thanh sắc) chỉ khác nhau về âm đầu.

 

Hay

 

Và nhìn rất lâu về phía ngọn đồi

Đúng, rất đúng

Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó.

(Nơi cội nguồn thế giới)

 

Tương tự như trên, âm tiết đúngchúng cũng được hiệp vần với nhau, cụ thể là hiệp vần âm chính “u”, có cùng âm cuối “ng”, cùng thanh điệu (thanh sắc), giữa chúng có sự khác nhau về âm đầu “đ” khác “ch”.

 

Bằng việc hiệp vần âm chính như vậy đã tạo ra được sự liên kết chặt chẽ giữa những vần thơ với nhau, giữa cấu trúc toàn bài thơ, và điều quan trọng đó là nó còn giúp ích trong việc thể hiện giá trị nội dung và biểu cảm của toàn bài thơ.

 

Cụ thể trong bài “Nơi cội nguồn thế giới” âm tiết đúngchúng tạo cho người đọc âm hưởng phấn chấn, giọng điệu khẳng định một sự thật, một chân lí đặt ra ở đây rằng tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó. Một mặt, khẳng định cái đúng, cái rộng lớn bao quát “chúng ta – chỉ số đông”, một mặt gây được sự tò mò, hoài nghi về “ở đó” là ở đâu? Chúng ta được sinh ra từ đâu?

 

b. Vần thông

 

Vần thông là những vần được hiểu như sau:

 

- Thanh điệu trong cặp vần đồng nhất hoặc cùng tuyền điệu (cùng bằng hoặc cùng trắc);

 

- Âm cuối trong cặp vần hoặc đồng nhất hoàn toàn hoặc cùng nhóm phụ âm vang (m, n, ng, nh) hoặc cùng nhóm phụ âm tắc (p, t, c, ch);

 

- Âm chính trong cặp vần hoặc đồng nhất đặc trưng âm sắc, cùng bổng (hàng trước), trầm (hàng sau tròn môi) hoặc trầm vừa (hàng sau không tròn môi) hoặc đồng nhất âm lượng (cùng độ mở rộng, hẹp…)

 

- Nhóm nguyên âm hàng trước không tròn môi: i, ê, e, a ngắn, iê, ia;

 

- Nhóm nguyên âm hàng sau tròn môi: u, ô, uô, ua;

 

- Nhóm nguyên âm hàng sau không tròn môi: ư, ơ, â, a, ă, ươ, ưa;

 

- Nhóm nguyên âm hẹp: i, ư, u, iê, ươ, uô;

 

- Nhóm nguyên âm hơi hẹp: ê, ơ, â, ô;

 

- Nhóm nguyên âm rộng: a, ă;

 

- Nhóm nguyên âm hơi rộng: e, o;

 

Ví dụ:

 

Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

(Truyện Kiều – Nguyễn Du)

 

Áp dụng lí thuyết đó vào khảo sát toàn bộ tập thơ, nhận thấy việc hiệp vần ở mức độ vần thông có phần hạn chế hơn so với vần chính, chỉ chiếm 42,7% với 288 lần hiệp vần.

 

Ví dụ:

 

Cùng cố ý, vô tình đi lại

buông âu lo ngồi vào bàn ăn

gắp cọng rau từ cánh đồng xa tít

con cá cắn câu trong niêu đất kho nhừ

Thương lắm dấu chân gốc rạ

giếng sâu, sông ngòi, ao chuôm

 

Đừng ngồi trong phòng lâu quá

ra cánh đồng, ra bờ sông

nơi rau xanh, cá quẫy

Cắn một miếng dứa thơm, múi cam ngọt

từng giọt rớt xuống đất nâu.

(Từ nhà mình)

 

Âm tiết trongđồng được hiệp vần với nhau với mức độ vần thông do có cùng tuyến điệu (thanh bằng), cùng âm chính (nhóm nguyên âm hàng sau tròn môi o; ô) và cùng mang âm cuối “ng”, chúng khác nhau về âm đầu (tr khác đ). Hai âm tiết này lại được tiếp tục hiệp vần với âm tiết “chuôm” vì cùng tuyến điệu (thanh bằng), cùng âm chính (nhóm nguyên âm hàng sau tròn môi ô; uô), âm cuối thuộc cùng nhóm phụ âm vang (m, n, ng, nh).

 

Tương tự, xét đến âm tiết phòng, đồng, sông (in đậm) cũng được hiệp vần thông với nhau. Những âm tiết này đều cùng tuyến điệu (thanh bằng), cùng âm chính (nguyên âm hàng sau tròn môi o; ô), cùng âm cuối “ng” và chỉ khác nhau về âm đầu.

 

Những âm tiết hiệp vần kể trên đều là những âm tiết gợi cho bạn đọc hướng về miền quê thân thương của mình, gia đình nhỏ bé nhưng vô cùng ấm áp và hạnh phúc của mình. Tác giả nhấn mạnh ao chuôm, cánh đồng, bờ sông,.. là để gợi lại  những hình ảnh vô cùng quen thuộc trong trí nhớ của mỗi người con đất Việt, qua đó hun đúc cho độc giả tình yêu quê hương, yêu đất nước. Dù có đi tới chân trời góc bể nào, cũng đừng quên mảnh đất quê hương, nơi đã cho ta tuổi thơ cho ta những tiếng cười hồn nhiên yêu cuộc sống, nơi có những miếng cam ngọt, miếng dứa thơm đã nuôi dưỡng ta. Qua đó, tác giả cũng nhắc nhở con người không nên thụ động, chỉ biết ngồi trong phòng, vì quá quen với cuộc sống hiện đại mà quên đi những điều nhỏ nhặt, bình dị vẫn luôn tồn tại quanh mình.   

 

Như vậy, qua việc khảo sát cách hiệp vần trong thơ tự do của Mai Văn Phấn nhận thấy rằng: bản thân thơ tự do là thể loại không bị ràng buộc vào những quy định trước nào như thơ cách luật (về số dòng, số chữ, niêm, đối, luật,…) nhưng không vì thế mà Mai Văn Phấn không quan tâm đến sự hòa âm giữa hai hay nhiều âm tiết ở những vị trí nhất định trong dòng thơ (vần). Ngược lại, tác giả vẫn chú ý đến việc tạo sự hòa âm giữa những âm tiết để dòng thơ, câu thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển, góp phần không nhỏ vào thể hiện giá trị nội dung và giá trị biểu cảm của toàn bài thơ; điều này thể hiện rất rõ qua kết quả khảo sát và miêu tả cụ thể cách hiệp vần trong thơ tự do của Mai Văn Phấn đã trình bày ở trên. Qua đó, một lần nữa khẳng định sự sáng tạo, luôn luôn tìm tòi, cách tân về cả phương diện nội dung và nghệ thuật của nhà thơ Mai Văn Phấn.

 

2.4. Cách phối thanh điệu (phối thanh) trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

2.4.1 Kết quả khảo sát

 

Sau đây là kết quả khảo sát về cách phối thanh điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn:

 

Bảng 2.3: Bảng khảo sát về cách phối thanh điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

 

Dòng thơ

Phối thanh

Số lượng

(lần)

Tỉ lệ

(%)

Dòng thơ 1 tiếng

B

7

0,65

T

3

0,27

Dòng thơ 2 tiếng

B/B

50

4,68

B/T

11

1,03

T/B

15

1,4

T/T

29

2,71

Dòng thơ 3 tiếng

Nhịp 1/2

T/TT

3

0,28

B/TB

11

1,03

B/BT

14

1,31

T/BB

15

1,4

B/TT

30

2,8

T/TB

12

1,12

T/BB

17

1,6

B/TT

32

2,3

Nhịp 2/1

BB/B

7

0,65

TT/B

3

0,7

BB/T

7

0,65

BT/T

2

0,18

BT/B

5

0,46

TB/T

3

0,28

TB/B

3

0,28

TT/T

3

0,27

Dòng thơ 4 tiếng

Nhịp 1/3

T/TBB

1

0,09

B/BBB

6

0,56

T/BBT

2

0,18

T/TTB

4

0,37

B/BTT

3

0,28

B/TTT

2

0,18

T/TTT

2

0,18

B/TBB

1

0,09

T/BTB

1

0,09

B/BTB

2

0,18

T/TBB

3

0,28

T/BTT

4

0,36

B/BBT

5

0,47

Nhịp 3/1

TBB/T

1

0,09

TTT/T

1

0,09

BTT/T

2

0,18

TTB/B

2

0,18

BTB/T

1

0,09

BBT/T

1

0,09

TBT/T

1

0,09

Nhịp 2/2

BB/BB

14

1,31

BB/TT

27

2,52

TT/TT

6

0,56

TT/BB

17

1,6

BB/BT

15

1,4

BB/TB

12

1,12

TT/BT

5

0,46

TT/TB

9

0,84

BT/BB

11

1,03

BT/TT

3

1,03

TB/BB

7

0,65

TB/TT

12

1,12

BT/TB

6

0,56

TB/BT

9

0,84

BT/BT

2

0,18

TB/TB

7

0,65

Dòng thơ 5 tiếng

Nhịp 2/3

TB/BTB

2

0,18

TT/TBT

1

0,09

BT/BBT

2

0,18

BB/BTT

2

0,18

BB/BBT

4

0,37

BB/BBB

3

0,27

BB/TBB

2

0,18

TT/BTT

3

0,28

TT/BBT

2

0,18

BT/BTB

2

0,18

TB/TTB

2

0,18

TT/BBB

3

0,28

TB/BTT

3

0,28

TT/TBB

4

0,37

BT/TBB

1

0,09

BB/TBT

1

0,09

BT/TTB

1

0,09

TT/TTT

1

0,09

TB/TTT

1

0,09

BT/TTT

1

0,09

TB/BBT

1

0,09

TT/TTB

1

0,09

Nhịp 3/2

BTB/BT

5

0,46

BBT/BB

4

0,37

BTT/BB

5

0,46

BBT/TB

3

0,28

BBT/TT

3

0,28

TB/TTT

2

0,18

BT/TTT

3

0,28

TTT/BT

4

0,37

BBB/BT

7

0,65

TBT/BB

2

0,18

TBB/BT

1

0,09

TTB/BT

1

0,09

BTT/TB

2

0,18

TBT/TB

1

0,09

BTB/TB

1

0,09

TTT/BB

1

0,09

TBB/TT

1

0,09

TBT/BT

1

0,09

BTT/BT

1

0,09

TBB/BB

1

0,09

TTT/TT

1

0,09

Nhịp 1/2/2

B/BT/TT

1

0,09

Nhịp 1/3/1

B/BBB/T

1

0,09

 

Nhịp 1/4

B/BTTT

2

0,18

B/BTBT

1

0,09

T/TTTT

1

0,09

B/TTTB

1

0,09

Dòng thơ 6 tiếng

Nhịp 3/3

BTB/BTT

4

0,37

TBB/BTT

4

0,37

TBB/TTB

2

0,09

BBB/BTT

1

0,09

BTB/BTB

1

0,09

BTT/TBT

1

0,09

BBT/BTT

1

0,09

TBB/BTB

1

0,09

BBB/TTB

1

0,09

TBT/BTT

2

0,18

TTB/BTT

1

0,09

TBB/BBB

1

0,09

TTT/TTT

1

0,09

TTB/BBT

2

0,18

TTB/TBB

1

0,09

BTT/BBB

1

0,09

BTT/TTT

1

0,09

BBT/TBB

1

0,09

TTT/BTT

1

0,09

BBB/TTT

1

0,09

BBB/BBB

1

0,09

BTB/BTT

1

0,09

TBT/BTB

1

0,09

BBT/BTB

1

0,09

TBB/TBT

2

0,09

BTT/BTT

1

0,09

BTB/BBT

1

0,09

BBT/BBB

1

0,09

BTB/BBB

1

0,09

BBB/TBB

1

0,09

Nhịp 1/3/2

T/BTB/TT

1

0,09

B/TTB/TB

1

0,09

B/BTB/BB

1

0,09

T/BBB/TB

1

0,09

B/BBB/BB

1

0,09

T/TBB/TT

1

0,09

Nhịp 2/2/2

TT/TT/BB

1

0,09

TT/TB/BT

2

0,18

TB/TB/TT

1

0,09

BB/BB/TT

1

0,09

BT/TB/TT

1

0,09

TBB/BB/BB

1

0,09

BB/BB/BT

1

0,09

BT/TB/BT

1

0,09

BT/BB/BB

1

0,09

TT/BB/TT

1

0,09

TT/TB/BT

1

0,09

Nhịp 2/4

TT/TBBT

2

0,18

TB/BTBB

1

0,09

BT/BBTT

2

0,18

TT/BBBB

3

0,28

BB/TBBT

1

0,09

TB/BTTT

1

0,09

TT/TTTB

1

0,09

BB/BBTT

1

0,09

TB/BBTT

1

0,09

BB/TBTT

2

0,18

TB/TBTT

1

0,09

BB/BBBT

1

0,09

BT/BBBB

1

0,09

BB/TTBT

1

0,09

TB/TTBB

1

0,09

BB/TTBB

1

0,09

BB/TBTB

1

0,09

TB/TTTT

1

0,09

BT/TTBB

1

0,09

TT/BBBT

1

0,09

TB/BTBT

1

0,09

TB/BBTT

1

0,09

BT/BTTT

1

0,09

BT/TBTT

1

0,09

TB/BBBB

1

0,09

TB/BBTB

1

0,09

Nhịp 4/2

TTBB/BT

1

0,09

TTTB/BT

1

0,09

TBBT/BB

1

0,09

BBTT/BB

2

0,18

TTTT/TT

1

0,09

BTTB/TT

1

0,09

TTBB/BB

1

0,09

TTBB/TT

1

0,09

TTTB/TT

1

0,09

BBBB/BB

1

0,09

TBTB/BB

1

0,09

TBTT/TB

2

0,18

TBBB/BT

1

0,09

TBTT/TT

2

0,18

BTTB/BT

1

0,09

BTBB/TT

1

0,09

BTBT/TB

1

0,09

TTTB/BB

1

0,09

BTTB/BT

1

0,09

TBTB/BT

2

0,18

BBBT/TB

1

0,09

BBTT/TT

1

0,09

BBTT/BT

1

0,09

BBTB/BT

2

0,18

BTBB/BB

1

0,09

TBTT/BT

1

0,09

TBBB/TB

1

0,09

TBTB/TT

3

0,28

TBBB/TT

1

0,09

TBTT/BB

1

0,09

BTTT/TB

1

0,09

TTTT/BB

1

0,09

BBTB/TB

1

0,09

TBTT/TT

1

0,09

TTBT/TT

1

0,09

TBTT/TB

1

0,09

BBBB/TT

1

0,09

Dòng thơ 7 chữ

Nhịp 4/3

BBTB/BBT

1

0,09

TTTB/BBT

1

0,09

TTBB/BTT

1

0,09

BBBT/TTT

1

0,09

BBBB/BBT

1

0,09

BTBT/TTB

2

0,18

TTBB/BTB

1

0,09

BBBB/TTT

1

0,09

BBBT/BTT

1

0,09

TBBT/BTT

1

0,09

TTBT/BBT

1

0,09

BBTT/BBB

1

0,09

BTBB/BTB

1

0,09

BTBB/BBT

1

0,09

TBTT/TBB

1

0,09

TBTB/BTT

1

0,09

Nhịp 3/4

BTB/BBBT

1

0,09

BBB/BBBB

1

0,09

TBB/BBTT

2

0,18

BTB/BTBB

4

0,37

BBB/TBTT

2

0,18

TTT/TBTT

2

0,18

TTB/BTBB

2

0,18

TBT/BTTB

1

0,09

TTT/BBTT

1

0,09

BBT/TBTT

2

0,18

TBT/TBBT

1

0,09

TBB/TTBB

2

0,18

BBB/BTBB

3

0,28

TBB/BBBB

1

0,09

TTB/TBTT

1

0,09

BBB/BTBT

1

0,09

TTT/BTTB

1

0,09

BBB/BBTB

1

0,09

BTT/BTBT

1

0,09

BBB/BBBT

1

0,09

TBT/BBTT

2

0,18

TTT/TBBT

2

0,18

BBB/TTTT

1

0,09

BTB/TTTB

2

0,18

BBT/BTTT

1

0,09

BTB/TTBT

1

0,09

TBB/BTBT

1

0,09

TBB/TTTT

2

0,18

BBB/BBTT

2

0,18

TBB/BTTT

1

0,09

TBB/BBBB

2

0,18

BBB/TTBB

2

0,18

TBB/BBTB

1

0,09

TTB/TTBB

1

0,09

BBT/BBTT

1

0,09

BTB/TBBB

1

0,09

BBT/BBTB

1

0,09

TBB/TBBT

1

0,09

BTB/TBTT

2

0,18

BTB/TTBB

1

0,09

BTT/TTTB

1

0,09

BTB/BTTB

1

0,09

TBB/TBTT

1

0,09

Nhịp 3/2/2

BTB/BB/TT

1

0,09

TTB/BB/BB

1

0,09

BTB/BB/BT

1

0,09

TBB/BT/BB

1

0,09

BBB/TT/TB

2

0,18

TTB/TT/BT

1

0,09

BBB/TT/BB

1

0,09

BTB/TB/BT

1

0,09

TBB/BT/TB

1

0,09

TBB/TT/BB

1

0,09

BBB/BT/BB

1

0,09

BTT/TB/BT

1

0,09

BBB/BB/TT

1

0,09

BBT/BT/BT

1

0,09

TBB/TT/TB

1

0,09

Nhịp 2/3/2

BB/TTT/TT

1

0,09

TB/BBB/BT

1

0,09

BT/BTT/TB

2

0,18

BB/TTB/TT

1

0,09

TT/BBB/TT

1

0,09

TB/TBB/TB

1

0,09

BB/BBB/TT

1

0,09

BT/BBT/BT

1

0,09

TT/BTB/TB

1

0,09

TB/TBB/TT

1

0,09

BB/BTT/BT

1

0,09

TB/BTT/BB

1

0,09

TB/TTT/BB

1

0,09

TB/BTB/TB

1

0,09

BT/TTT/TT

1

0,09

BT/TBB/BT

1

0,09

TT/BBT/TB

2

0,18

TB/BBT/BT

1

0,09

BB/TBT/TT

1

0,09

TB/BTT/TB

1

0,09

Nhịp 2/2/3

TT/BT/TBB

1

0,09

TB/TT/BBT

1

0,09

TB/TB/TTB

1

0,09

Nhịp 1/3/3

T/TTB/TBT

1

0,09

Nhịp 1/4/2

B/BBBT/BB

1

0,09

T/TBTT/TB

1

0,09

T/TBTB/TT

1

0,09

B/TBTB/BT

1

0,09

T/TBBT/TB

1

0,09

Dòng thơ 8 tiếng

Nhịp 3/3/2

BTT/BBB/BT

1

0,09

TTB/BTB/BT

1

0,09

BTT/TTB/BT

1

0,09

BTB/TTT/BB

1

0,09

BTT/TTB/TT

1

0,09

TTB/BTT/BB

1

0,09

BTB/TBB/TT

1

0,09

BBB/BTT/TT

1

0,09

TTT/BBB/TT

1

0,09

BBT/BTB/BT

1

0,09

TBT/TTB/TT

1

0,09

TTT/TBB/TT

1

0,09

BTT/BBT/BT

1

0,09

Nhịp 3/2/3

TBB/BB/TTB

2

0,18

BTT/BB/BTT

1

0,09

TBT/BB/TTB

1

0,09

Nhịp 2/3/3

BT/TBB/BBT

1

0,09

BT/BBB/BTT

1

0,09

TT/TBB/BTT

1

0,09

TT/BBT/BTB

1

0,09

Nhịp 4/4

TBTT/BBBT

1

0,09

TBTT/TBBB

1

0,09

BTTB/BBTT

1

0,09

BBTB/BTTB

1

0,09

TBBB/TTTB

1

0,09

TBBB/TTBB

1

0,09

TBTT/BTTB

1

0,09

BTBB/BBBB

1

0,09

TBTT/TBBT

1

0,09

TBTT/BTTB

1

0,09

BTBT/TTTT

1

0,09

BBTB/TBTT

1

0,09

TBBT/BTBB

1

0,09

TBTT/BBTT

1

0,09

TBBT/BTTB

1

0,09

BBTB/BBBB

1

0,09

BTBB/TBBB

1

0,09

Nhịp 4/2/2

TBTB/BB/BT

1

0,09

TBTT/BB/TB

1

0,09

TTBT/TT/TT

1

0,09

BBTT/TB/TT

1

0,09

BBTB/BT/BB

1

0,09

TBBB/BT/TB

1

0,09

Nhịp 2/4/2

TT/BTBB/TB

1

0,09

TB/BTBT/TB

1

0,09

BB/TBBT/TT

1

0,09

Nhịp 4/2/2

TBTB/BB/BT

1

0,09

TBTT/BB/TB

1

0,09

TTBT/TT/TT

1

0,09

BBTT/TB/TT

1

0,09

BBTB/BT/BB

1

0,09

TBBB/BT/TB

1

0,09

Nhịp 3/5

TBT/TTBBT

1

0,09

TTB/BTTTT

1

0,09

BTT/TBBTT

1

0,09

Tổng

1.069

100

 

2.4.2 Miêu tả cụ thể


a. Dòng thơ 1 tiếng

 

Dòng thơ 1 tiếng xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn không nhiều, toàn bộ tập thơ chỉ xuất hiện 10 lần, tương đương khoảng 0,92%.

 

Ví dụ:

 

Luồng sáng đang vây

Tôiᴮ

Dưới chân ngọn tháp

 

Hay

 

Một phiến đá nhô lên

Thân vùi trong hố

Cánh chim

Bầu trời cất giấu đường bay

Lửaᵀ

Sáng lên mắt nhớ

(Đoạn 32 – Tĩnh lặng)

 

Dòng thơ 1 tiếng xuất hiện với số lượng không đáng kể trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Về cách phối thanh, dòng thơ 1 tiếng chỉ cho hai trường hợp: một là sử dụng thanh bằng; hai là sử dụng thanh trắc. Thanh bằng thường đem lại giọng đọc êm ả, sâu lắng, dễ đi vào lòng người. Ngược lại với thanh bằng, thanh trắc lại đem lại cho độc giả sự trắc trở trong suy nghĩ, trong cách cảm nhận đúng như tên gọi của nó. Thật vậy, Mai Văn Phấn có vẻ ưa sử dụng thanh bằng trong dòng thơ 1 tiếng của mình, bởi bản thân nó là những thanh mà khi phát âm âm thanh đi ngang thoai thoải, không căng thẳng, tạo nhịp điệu đơn giản, không phức tạp như khi sử dụng thanh trắc.

          

b. Dòng thơ 2 tiếng

 

Ở dòng thơ 2 tiếng đã có sự thay đổi về cách phối thanh trong nhịp điệu của Mai Văn Phấn. Ví dụ:

 

Nở trên đỉnh núi

Thản nhiên trong gió mạnh

Mâyᴮ bayᴮ

(Bông hoa Yên Tử)

 

Đại dương sau ngõ nhỏ,

tườngᴮ rêuᴮ,

váchᵀ đáᵀ

(Một ngày)

 

Mải mê chăm sóc,

Vunᴮ xớiᵀ,

Đợi ngày cây tươi tốt

Lá cành mát nơi anh đứng

Tán  xòe lấn vòm trời

(Giấc mơ cây)

 

Với dòng thơ 2 tiếng, Mai Văn Phấn đã có những cách phối thanh rất khác nhau, âm tiết cuối mỗi nhịp lúc thì đối thanh bằng – trắc, lúc thì không có sự đối thanh: cùng bằng hoặc cùng trắc. Cũng giống với việc tác giả ưa sử dụng thanh bằng trong dòng thơ 1 tiếng của mình, ở dòng thơ 2 tiếng dã có sự phối thanh luân phiên bằng – trắc nhưng Mai Văn Phấn vẫn sử dụng các âm tiết không có sự đối lập về thanh điệu nhiều hơn. Cụ thể các âm tiết cùng mang thanh bằng chiếm số lượng 4,68% với 50 lần xuất hiện, các âm tiết cùng mang thanh trắc xuất hiện 29 lần chiểm 2,71%.

 

Chẳng hạn như trong bài Một ngày nêu trên, Mai Văn Phấn đã sử dụng liên tiếp những âm tiết không có sự đối lập về thanh điệu: tường rêu (bằng – bằng), vách đá (trắc – trắc). Đại dương là cái rộng lớn, mênh mông vô tận được đem đặt cạnh ngõ nhỏ - nơi bé nhỏ, hữu hạn của không gian, của cuộc sống con người. Bờ tường mọc đầy rêu là những thứ rất đỗi quen thuộc trong mỗi con ngõ nhỏ lại được đặt cạnh vách đá – cao lớn, một đại diện cho đại dương, thế giới bao la, gợi cho độc giả cảm giác tò mò có phần sợ sệt trước những hiểm nguy của thế giới.

 

c. Dòng thơ 3 tiếng

 

Với dòng thơ 3 tiếng, đề tài khảo sát trên 2 cách ngắt nhịp đó là: nhịp 1/2 và nhịp 2/1.

Đối với cách ngắt nhịp 1/2, Mai Văn Phấn lại tiếp tục cho bạn đọc thấy được tài năng thơ ca của mình trong việc phối thanh. Ví dụ:

 

Quayᴮ/ theo gióᵀ

Chốc/ lại chạm anh/ vào mặt hồ giá lạnh//

Đất ải/ tơi

Vạt cỏ/ đầm sương//.

(Đoạn 2 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Thảᵀ/ dây diềuᴮ

kéo cả kinh thành rời mặt đất///.

(Thả diều trong Đại nội Huế)

 

Từng chùm hoa rạng rỡ trong mưa//

Emᴮ/ nhớ anhᴮ/

Lá lên xanh thắm//.

(Đoạn 3 – Buông tay cho trời rạng)

 

Các âm tiết cuối mỗi nhịp không tuân theo bất cứ một mô hình âm luật nào cả, có thể đối thanh hoặc không đối thanh. Với dòng thơ 3 tiếng, Mai Văn Phấn lại có cách phối thanh thiên về sự đối thanh giữa các âm tiết cuối mỗi nhịp. Âm tiết cuối mỗi nhịp luân phiên nhau bằng – trắc; trắc – bằng xuất hiện 120 lần trong tập thơ của tác giả, tương đương với khoảng 10,53%.

 

Chẳng hạn, trong bài thơ Thả diều trong Đại nội Huế, âm tiết thả (thanh trắc) chỉ hành động dứt khoát, mạnh mẽ của con người được đối thanh với âm tiết diều (thanh bằng) - một hình ảnh rất quen thuộc với mỗi con người Việt Nam. Hình ảnh thơ gợi cho người đọc sự thoải mái trong tâm hồn khi được thả mình theo cánh diều, đem mọi buồn phiền ưu tư của cuộc sống, của thế giới quanh mình trôi theo cánh diều.

 

Tương tự như vậy, với cách ngắt nhịp 2/1 Mai Văn Phấn cũng tổ chức nhịp điệu với cách phối thanh tự do, không tuân theo mô hình âm luật nào. Ví dụ:

 

Lưỡi dao sắc/ lia ngang/

Sát/ gốc cỏ

 

Những vong hồn/ còn mắc kẹt/

Cùngᴮ/ ngọn cỏᵀ/

Vươn tay//.

(Ra vườn chùa xem cắt cỏ)

 

Câu thơ mở trái tim đau//

Ngọn lửa/ thiêu đốt/

Mỗiᵀ/ cuối thuᴮ/

Những bờ sương nước//.

(Rời tay để bạn đi)

 

(Âm tiết đối nhau về thanh điệu: cùng – cỏ, mỗi – thu)

 

Trong tập thơ, số lượng các âm tiết cuối mỗi nhịp đối thanh hay không đối thanh đều tạo được những nhịp điệu riêng cho bài thơ, Với những câu thơ có sử dụng âm tiết đối thanh với nhau giúp độc giả khi cảm thụ thơ văn sẽ biết nhấn mạnh ở điểm nào, lướt ở điểm nào, tạo nhịp điệu trắc trở trong giọng điệu, từ đó đòi hỏi bạn đọc phải huy động vốn sống của mình để suy ngẫm về bài thơ cũng như về cuộc sống.

 

d. Dòng thơ 4 tiếng

 

Không nằm ngoài quy luật trong sáng tác của mình, Mai Văn Phấn vẫn phát huy cao độ sự tự do, phóng khoáng về cách phối thanh. Dòng thơ 4 tiếng với các cách ngắt nhịp như ngắt nhịp lẻ 3/1 và 1/3 hay ngắt nhịp chẵn 2/2, Mai Văn Phấn đều cho thấy được sự đa dạng, phong phú trong việc phối thanh ở các âm tiết cuối mỗi nhịp của mình. Ví dụ:

 

Ngược dốc tới gần cổng chùa///

Khuôn mặt em/ chợt hiện/ Quán Thế Âm Bồ Tát//

Mang chiếc túi/ màu nâu/

Cổ cao,/ váy chùng/ nhẫn trắng/

Vòng vòngᴮ/ hào quangᴮ//.

(Lên chùa)

 

Nhụy hoaᴮ/ rủ xuốngᵀ/

Tôi quỳ/

Chốc/ lại ngước lên/

Cổng trờiᴮ/ thăm thẳmᵀ/.

(Tiếng vỗ ngắn)

 

Nởᵀ/ trên đỉnh núiᵀ/

Thản nhiên/ trong gió mạnh/

Mây bay/.

(Bông hoa Yên Tử)

 

(Âm tiết đối nhau về thanh điệu: hoa – xuống, trời – thẳm)

 

Dòng thơ 4 tiếng với những cách ngắt nhịp khác nhau, tác giả đã có cách phối thanh khác nhau, có sự thay đổi từ bằng sang trắc và từ trắc sang bằng. Ở mỗi mô hình thanh điệu hầu như ít có sự lặp lại, chủ yếu là mỗi mô hình chỉ xuất hiện 1 hoặc 2 lần trong toàn bộ tập thơ, chiếm số lượng rất hạn chế. Ví dụ:

 

Trang sách/

Mởᵀ/ mặtᵀ đấtᵀ chữᵀ/

Rừng núi/

Sông hồ/

Nhữngᵀ/ conᴮ đườngᴮ chữᵀ//.

(Đoạn 1 – Tĩnh lặng)

 

Tuy vậy, Mai Văn Phấn vẫn luôn chú trọng đến việc phối thanh giữa những âm tiết cuối của mỗi nhịp, qua đó góp phần tạo nhịp điệu riêng cho từng bài thơ, không bài thơ nào mang âm hưởng giống bài thơ nào, giữa chúng có sự tách biệt và không hòa lẫn.

 

e. Dòng thơ 5 tiếng

 

Với cách ngắt nhịp khác nhau như ngắt nhịp 2/3, nhịp 3/2, nhịp 1/2/2, nhịp 1/3/1 và nhịp 1/4 của dòng thơ 5 tiếng, tác giả liên tục đưa ra những mô hình nhịp điệu khác nhau, rất hạn chế lặp lại, do vậy nó chỉ chiếm số % cũng rất hạn chế.

 

Ví dụ:

 

Tỉnhᵀ dậyᵀ/ tôi vẫn nhớᵀ/

Vết sẹo/ trên cánh tay phải/ đức vua/

Vụ xô xát/ với bọn bụi đời/ năm ngoái//.

(Tiếng vỗ ngắn)

 

Đầu lưỡiᵀ/ chạm kem bơᴮ/

Hình/ bông hoa/

Chân mây/ ai vẽ//.

(Đoạn 11 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Do xuất phát căn bản từ tính chất của thơ tự do là loại thơ không bị gò bó bởi một mô hình âm luật nào, nhà thơ có thể thoải mái sáng tác theo mạch tư duy và cảm xúc của mình, nên Mai Văn Phấn có thể phóng bút sáng tác theo tư duy và xúc cảm của mình. Do vậy, trong sáng tác của mình mô hình thanh điệu bằng – trắc ít lặp lại là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, ông cũng quan tâm đến việc tạo dấu ấn ở những âm tiết cuối nhịp bằng cách tạo ra sự đối lập và luân phiên bằng – trắc như các ví dụ đã nêu trên. Ở các âm tiết cuối mỗi nhịp, Mai Văn Phấn hoặc đưa ra sự đối lập về thanh điệu nhằm tạo dấu ấn và giọng điệu riêng biệt cho câu thơ (lưỡi – bơ); hoặc là không có sự đối lập về thanh điệu (cùng thanh bằng hoặc thanh trắc) với mục đích nhằm tạo giọng điệu êm ả, có khi dàn trải (thanh bằng) hay trắc trở, khắc khoải (thanh trắc) cho câu thơ nói riêng cũng như toàn bộ bài thơ nói chung.

 

f. Dòng thơ 6 tiếng, 7 tiếng và 8 tiếng

 

Tương tự như vậy, đối với dòng thơ 6 tiếng, 7 tiếng hay 8 tiếng Mai Văn Phấn vẫn tự do phóng bút theo mạch tư duy của mình, do vậy mỗi một mô hình thanh điệu ít có sự lặp lại. Ví dụ:

 

Gọi cho anhᴮ/ dưới gốc sưaᴮ/

Em đã khóc/

Vì mưa quá trong///…

(Đoạn III – Buông tay cho trời rạng)

 

Dòng thơ 6 tiếng với cách ngắt nhịp 3/3 gọi cho anh dưới gốc sưa với mô hình thanh điệu là TBB/TTB chỉ xuất hiện có 2 lần trong toàn bộ tập thơ. Điều này cho thấy Mai Văn Phấn đã rất sáng tạo trong việc phối thanh điệu giữa các âm tiết với nhau.

 

Kết quả khảo sát về sự phối thanh trong thơ tự do của Mai Văn Phấn cho thấy ở các âm tiết cuối mỗi nhịp Mai Văn Phấn luôn tạo được những điểm nhấn, tạo nên sự nổi bật cho chúng bằn cách luân phiên các thanh bằng – trắc, với mục đích tạo nên nhịp điệu cân đối, nhịp nhàng. Chẳng hạn. âm tiết cuối mỗi nhịp đối xứng có thể đối lập vầ thanh điệu hoặc cùng mang một thanh điệu.

 

Ví dụ:

 

Những con chào màoᴮ/ tự trí nhớ ôngᴮ/

Bay vềᴮ/ mùa xuânᴮ/ ở khoảng giữaᵀ/

(Gặp mùa xuân)

 

Hương thơmᴮ/ cùng sắc hoaᴮ/ mê dụᵀ/

Chạm vào anhᴮ/ rồi tan raᴮ/

Tan ra.///

(Đoạn 14 – Tỉnh dậy trong mưa)

 

Những âm tiết cuối nhịp mang cùng thanh điệu (không có sự đối lập): mào – ông; anh – ra. Âm tiết có sự đối lập về thanh điệu: về - xuân – giữa ( bằng – bằng – trắc); thơm – hoa – dụ (bằng – bằng – trắc).

 

Tóm lại, dù ở dòng thơ 1 tiếng, 2 tiếng hay 7 – 8 tiếng, Mai Văn Phấn cũng đem đến cho bạn đọc nhịp điệu cân đối, nhịp nhàng qua sự phối hợp luân phiên bằng – trắc (quy tắc hài thanh). Ở mỗi dòng thơ với mỗi mô hình thanh điệu khác nhau tác giả lại đem đến cho người đọc những giọng điệu vô cùng khác nhau. Khi thì trầm ngâm sâu lắng, khi thì  gấp gáp, hồ hởi phấn chấn. Sự đối lập và luân phiên bằng – trắc ở âm tiết cuối mỗi nhịp trong thơ tự do của Mai Văn Phấn vô cùng phong phú và đa dạng, cho thấy được khả năng tư duy, phản ánh cuộc sống cũng như tài năng thơ ca của tác giả.

 

2.5. Tiểu kết

 

Như vậy, ở chương 2 này đã đề cập tới vấn đề miêu tả nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Trong đó miêu tả về cách ngắt nhịp và trường độ như cách ngắt nhịp ngắn, nhịp ngừng vừa, nhịp ngừng lâu; cách hòa âm như cách hiệp vần lưng và vần chân trong sáng tác của mình và cuối cùng là cách phối thanh: sự đối lập và luân phiên bằng – trắc ở âm tiết cuối mỗi nhịp trong toàn bộ tập thơ “Vừa sinh ra ở đó”. Qua đó, nhận thấy được sự phóng khoáng và tự do trong mạch tư duy, xúc cảm được thể hiện qua từng câu thơ, đoạn thơ và qua từng nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn.

 

 

          

Chương 3

 

CÁC YẾU TỐ CHI PHỐI VÀ GIÁ TRỊ NGHỆ THUẬT

CỦA NHỊP ĐIỆU TRONG THƠ TỰ DO CỦA MAI VĂN PHẤN

 

 

 

3.1. Dẫn nhập

 

Có thể nhận thấy việc tổ chức nhịp điệu trong tác phẩm ngôn từ không đơn thuần là sự vận dụng cơ học của các mô hình nhịp điệu mà còn chịu nhiều sự chi phối từ những yếu tố khác. Ở chương này, khóa luận sẽ đề cập tới những yếu tố chi phối mạnh nhất đến nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn như: yếu tố tâm – sinh lí của người sáng tác cũng như người tiếp nhận; yếu tố nội dung; cảm xúc và hình tượng nghệ thuật tác phẩm; đồng thời cũng khẳng định giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của tác giả thông qua 18 bài thơ trong tập thơ Vừa sinh ra ở đó.

 

3.2. Các yếu tố chi phối nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

3.2.1. Yếu tố tâm – sinh lí

 

Tác phẩm văn học là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của một người nghệ sĩ cụ thể hướng tới những độc giả cụ thể. Do đó, các thành phần cấu tạo nên tác phẩm nghệ thuật ít nhiều chịu sự chi phối của yếu tố tâm – sinh lí của người sáng tác và tiếp nhận. Nhịp điệu cũng không nằm ngoài quy luật này. Nhịp điệu của câu thơ là dòng thơ tương ứng với sự thụ cảm trong đời sống. Sự lặp lại các đơn vị chia cắt là cơ sở của các dấu hiệu nhịp điệu. Nhịp điệu trong thơ xuất hiện trên cơ sở nhịp điệu của lao động, nhịp điệu của hơi thở con người. Biểu hiện của điều này có sự tương ứng giữa nhịp điệu sinh học, nhịp điệu tâm lí và nhịp điệu mĩ học trong thơ văn.

 

Theo sự tính toán của nhà ngôn ngữ học Henri Morier thì thời gian trung bình của nhịp tim là 80 lần trên một phút, tương đương với nhịp của một dòng thơ trung bình. Trẻ em có nhịp tim nhanh hơn, khi đọc những câu thơ (mà chúng hứng thú hay có cảm quan nhịp điệu) thì chúng đọc nhanh hơn người lớn (dẫn theo [33; tr. 1029]). Sở dĩ có sự cách biệt như vậy là do sức lực và tuổi tác. Do khoảng cách giữa hai nhịp thở ở người lớn và trẻ em khác nhau, nên các sáng tác dành cho trẻ em nói chung cũng có nhịp điệu khác với những sáng tác dành cho người lớn. Chẳng hạn dòng thơ của người lớn thường có độ dài trung bình từ 4 đến 9 tiếng, đọc được trong khoảng 4 đến 5 giây. Còn dòng thơ viết cho trẻ em thường chỉ có từ 2 đến 5 tiếng (âm tiết), đồng thời có nhịp ngắn và nhanh hơn để không chỉ phù hợp với nhận thức mà còn phù hợp với khả năng/ sức giữ hơi của trẻ.

 

Ví dụ:

 

Hay nói ầm ĩ/

Là con vịt bầu.//

Hay hỏi đâu đâu/

Là con chó vện.//

Hay chăng dây điện/

Là con nhện con.//

Ăn no quay tròn/

Là cối xay lúa.//

Mồm thổi ra g/

Là cái quạt hòm//

Không them cỏ non/

Là con ngựa sắt//…

(Kể cho bé nghe – Trần Đăng Khoa)

 

Đoạn thơ trên có 48 tiếng, được chia làm 12 dòng, mỗi dòng có 4 tiếng được đọc thành một nhịp. Hơn nữa, ở cuối mỗi nhịp đều có tiếng gieo vần, ấn định những khoảng ngừng nhịp đều đặn, giúp cho bài thơ trở nên dễ hiểu và dễ thuộc, phù hợp với đối tượng tiếp nhận.

 

Khi ta lớn lên/ Đất nước đã có rồi///

Đất nước có/ trong những cái “ngày xửa ngày xưa” mẹ thường hay kể.///

Đất nước bắt đầu/ với miếng trầu bây giờ bà ăn//

Đất nước lớn lên/ khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc///…

(Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

 

Đoạn thơ trên được Nguyễn Khoa Điềm viết cho các thế hệ thanh niên miền Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đối tượng tiếp nhận khác hẳn so với ví dụ nêu trên. Đoạn thơ với 47 tiếng, không gieo vần, được tổ chức trong 4 dòng. Dòng ngắn nhất là 9 tiếng, dòng dài nhất là 14 tiếng, trong dòng 14 tiếng ấy cũng chỉ đọc thành 2 nhịp. Trong các dòng thơ, dấu hiệu của sự ngừng/ ngắt nhịp cũng không rõ ràng, tức là có thể ngừng hoặc không ngừng nhịp, tạo nên những nhịp thơ kéo dài, âm vang mang dòng chảy của cảm xúc, suy tư sâu lắng.

 

Khi xem xét và khảo sát nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, chúng tôi nhận thấy, thơ tự do của ông là một hành trình sáng tạo không ngừng nghỉ, từ những cầu kì cách tân về hình thức, thơ của ông ngày càng giản đơn nhưng lại chứa đựng những chiều sâu triết học đầy nhân văn. Ông đã vận dụng một cách tối ưu các thủ pháp của thơ ca phương Tây như: phá vỡ trật tự câu thơ, nhịp, vần…

 

Ví dụ:

 

Em gom/ mùa nào thức ấy/

chùm hoa bưởi mùa thu//

trái mận mùa xuân//

 

Mình là mạch khí//, vực sâu/, ngực đất/

chọn nơi ấm áp kê giường tủ///

nơi thoáng đãng đặt bàn ghế///

Cùng cố ý,/ vô tình đi lại/

buông âu lo ngồi vào bàn ăn///

gắp cọng rau từ cánh đồng xa tít///

con cá cắn câu /trong niêu đất kho nhừ///

Thương lắm dấu chân gốc rạ///

giếng sâu/, sông ngòi/, ao chuôm/…

(Từ nhà mình)

 

Đoạn thơ trên có 79 tiếng được chia làm 4 câu với 12 dòng thơ không vần, nhịp điệu lúc nhanh lúc chậm đan xen lẫn nhau, thậm chí cơ những câu thơ không viết hoa đầu dòng như một dấu hiệu của một sự gắn kết chặt chẽ với dòng thơ trước và có thể không cần ngắt nhịp giữa các dòng thơ. Bài thơ là sự hòa hợp giữa con người và ngoại giới, được hình dung từ những hành động hết sức nhỏ bé, dung dị ngay trong đời sống thường nhật: Em gom mùa nào thức ấy/ Chùm hoa bưởi mùa thu/ Trái mận mùa xuân/ Mình là mạch khí, vực sâu, ngực đất/ Chọn nơi ấm áp kê giường tủ,…Chùm hoa bưởi thường có vào mùa thu, mùa xuân có trái mận, con người là trung tâm vũ trụ, là mạch khí, là ngực đất, và con người thường chọn những nơi thoáng đãng, mát mẻ để định cư, sinh sống và sắp đặt những vật dụng phục vụ cho cuộc sống hàng ngày của mình. Những hành động đó thể hiện một tâm thế an nhiên tự tại, hướng tới sự hài hòa không chỉ với cõi thiên tạo mà cả với cõi nhân tạo. Rõ ràng, Mai Văn Phấn đã xác định được đối tượng tiếp nhận ở đây là ai; có đặc điểm như thế nào,… để từ đó ông xây dựng nên bài thơ với kết cấu nhịp điệu như vậy. Một bài thơ tự do có nhịp điệu “phức tạp” của chiều sâu tư duy như thế chắc chắn sẽ “gây khó” cho người đọc trong việc đọc và cảm thụ.

 

Không chỉ yếu tố sức lực, tuổi tác mới có sự tác động vào nhịp sinh học mà cả yếu tố tâm lí cũng ảnh hưởng rất mạnh vào nhịp thở của chúng ta. Chẳng hạn, người lớn khi vui vẻ thở nhanh, mạnh; khi buồn chỉ thở chậm, hơi phát ra yếu. Điều này lí giải vì sao thơ văn khi diễn tả tâm trạng vui tươi, phấn chấn thường có nhịp nhanh, ngắn, dồn dập; ngược lại khi diễn tả tâm trạng buồn sầu, ưu tư lại thường có các nhịp dài, dàn trải. Và Mai Văn Phấn đã ý thức rất sâu sắc về sự hòa hợp giữa nhịp thơ và “nhịp tâm trạng” để thể hiện vào trong những câu thơ của mình. Ví dụ:

 

Đất nặng nhọc// gối đầu lên biển cả///

Từng hàng cây,/ tảng đá,/ dấu chân/

Kê cao thêm cho anh dễ thở///

 

Những đơn âm,/ con chữ mọc cánh//

Hết bình minh,/ nâng anh bay đi//

Qua trường quay,/ công viện,/ phố chợ

Vỉa hè,/ nơi tụ bạ bạn bè//

 

Bầy mồ hôi// nước mắt bay theo///

Đến chân mây// rẽ sang hướng khác///

 

Vạch/ ngang trời/ đường Kinh tuyến đen///

Bên bất công/ độc tài/ áp bức/

Và phía kia// quầng sáng không màu//

 

Vẽ theo/ từng lối chữ/ anh đi/

Đường bay xa/ càng thêm sắc  nhọn.///
(Đường bay)

 

Mai Văn Phấn đã rất khéo léo trong việc lồng nhịp thơ vào “nhịp tâm trạng” trong đoạn thơ trên. Để bày tỏ nỗi lòng, sự buồn rầu, đau thương trước sự ra đi của nhà thơ Vĩnh Phúc – một người bạn thân thiết của tác giả, Mai Văn Phấn đã mang nhịp điệu chậm rãi thổi vào từng câu, từng chữ trong bài thơ. Từ hòn đất, hàng cây, tảng đá,… đến nhưng nơi hai người đã từng qua cùng qua với nhau trường quay, công viên, phố chợ, vỉa hè,… cũng đều mang chút gì đó đượm buồn, như cùng chia sẻ sự mất mát này với chính nhà thơ vậy. Nhưng đến đoạn sau nói về đường Kinh tuyến đen (tên tập thơ của tác giả Vĩnh Phúc), giọng điệu của Mai Văn Phấn ít nhiều đã có sự thay đổi, không còn buồn rầu, ủ não nữa mà chuyển sang tự hào khi nói về sự thành công của đồng nghiệp, tự hào khi nói về đồng nghiệp hay chính tập thơ của đồng nghiệp. Cuối cùng là giọng điệu hồ hởi với niềm tin người bạn thân thiết của mình dù cho ở nơi đâu thì tài năng của ông cũng được ghi nhận và ngày càng được độc giả biết đến và đón nhận nhiều hơn.

 

3.2.2. Yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật của tác phẩm

 

Một tác phẩm nghệ thuật đích thực luôn đòi hỏi một sự phù hợp, hài hòa giữa hai yếu tố: nội dung và hình thức. Chính vì thế, không thể không đề cập tới sự tác động qua lại gữa yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật với việc tổ chức nhịp điệu của ngôn ngữ thơ văn.

 

Việc tổ chức âm thanh, nhịp điệu không phải là sự sắp xếp một cách ngẫu nhiên theo những liên kết có tính chất máy móc, tùy tiện, không đơn thuần la sự phối hợp giữa các yếu tố hình thức mà ở đây còn có vai trò chủ yếu của nội dung và cảm xúc.

 

 Ví dụ:

 

Ánh sáng/

2

Chẻ dọc thân cây/

4

 

Bên này màu vàng/

4

Nửa kia tím thẫm/

4

 

Một phía vỏ cây/ trơn nhẵn/

4                              2

Phía khác xù xì

4

 

Nhựa hai bên/ cũng khác/

3                              2

Trắng/

1

Và đen/

2

 

Nhắm mắt/ thở nhẹ/

2                   2

Cây đang lớn/

3

 

Hai nửa cây/ cùng một màu hoa//

3                              4

Nở chi chít/ dọc lưỡi rìu/ ánh sáng.///

3                   3                   2
(Tĩnh lặng)

 

Theo nghĩa đen, ánh sáng trong bài thơ hiện lên với vai trò là ranh giới để phân biệt giữa hai mặt sáng – tối “bên này màu vàng. Nửa kia tím thẫm”. Ánh sáng chia thân cây thành hai nửa khác biệt: một bên màu vàng, một bên tím thẫm; một bên vỏ cây trơn nhẵn, một bên xù xì,… Đó là một ranh giới vô cùng mong manh và hai nửa cây ấy dễ có thể hòa vào nhau, khó lòng phân biệt.

 

Theo nghĩa bóng ẩn sau nó chính là mỗi con người đều chia làm hai phần: phần con và phần người giống như cái cây được chia làm hai nửa như đã phân tích ở trên. Nửa sáng là của phần người: lương thiện, con người sống có trách nhiệm, có suy nghĩ, có lòng yêu thương vạn vật,… Nửa tối là của phần con: phần dành cho những việc xấu, việc ác. Ánh sáng ở đây đóng vai trò công lý “lưỡi rìu” để phân biệt hai mặt tốt – xấu của con người. Ranh giới đó vô cùng mong manh, phần người rất dễ bị phần con lấn át nếu sống buông thả, không có trách nhiệm. Trên thực tế, hai mặt sáng – tối này luôn ngự trị trong mỗi con người, chính vì vậy con người cần phải phát huy những mặt tích cực của mình để không bị phần con lấn át, chiếm giữ.

 

Và để truyền đạt được nội dung, ý nghĩ đó của bài thơ, Mai Văn Phấn đã rất sáng tạo trong việc tổ chức nhịp điệu bài thơ. Bài thơ có sự biến nhịp táo bạo, nhịp ngừng/ ngắt trong bài thơ ngắn – dài, trầm – bổng, chẵn – lẻ so le, không đều nhau. Nhịp ấy cho ta hình dung một con đường gập ghềnh, đầy cản trở, bất trắc trong việc tự hoàn thiện bản thân mình, hoàn thiện cả phần con và phần người trong mỗi một cá nhân con người.

 

Đối với việc lựa chọn con đường thơ tự do cho mình, tác giả Mai Văn Phấn đã thể hiện được tài năng thơ ca, trí tuệ, tầm hiểu biết của mình về thế giới xung quanh. Thể thơ tự do cùng với nhịp điệu tự do trong đó đã thể hiện được những suy tư, chiêm nghiệm của chính tác giả về thế giới vạn vật, càng viết càng cho thấy sự sáng tạo, không lặp lại của tác giả. Đồng thời, mỗi khi đọc thơ của Mai Văn Phấn độc giả cũng có những khoảng lặng để suy nghĩ về chiều sâu của ngôn từ, từ đó có những cảm nhận của riêng mình về bài thơ, đem tác giả đến gần hơn với bạn đọc. Rõ ràng, chỉ có thơ tự do với nhịp điệu tự do, với những câu thơ ngắn – dài đan xen lẫn nhau, tháo bỏ mọi ràng buộc của vận luật, những chỗ ngắt nhịp tự nhiên không theo mô hình chung mới có thể phù hợp với cá tính, với sự sáng tạo của Mai Văn Phấn.

 

Chính vì vậy, việc cảm thụ nhịp điệu trong thơ văn không thể tách rời nội dung, ý nghĩa, hình tượng nghệ thuật của tác phẩm văn chương. Nếu coi “nội dung quyết định hình thức” thì việc tổ chức nhịp điệu trong mỗi tác phẩm đều góp phần thể hiện chủ đích nghệ thuật của tác giả. Việc lựa chọn đúng trong cách tổ chức nhịp điệu sẽ góp phần quan trọng cho nội dung, ý nghĩa, hình tượng nghệ thuật được thể hiện rõ nét, dễ đi vào lòng người đọc.

 

3.3. Giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn

 

3.3.1. Tạo nên nhạc tính cho ngôn ngữ văn chương

 

Nhịp điệu mang lại sự hài hòa, du dương,… cho âm thanh ngôn ngữ nghệ thuật, nhất là ngôn ngữ thơ, khiến người đọc, người nghe thấy “thuận miệng, êm tai”, dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đồng cảm, đồng thời tạo nên không khí, những sắc điệu thẩm mĩ riêng, làm điểm tựa cho tình cảm, cảm xúc.

 

Nhịp điệu là yếu tố căn bản để tạo nên nhạc tính của ngôn ngữ văn chương. Thật vậy, thơ tự do của Mai Văn Phấn với sự tổ chức các nhịp điệu dài – ngắn, nhanh – chậm, cao – thấp, trầm – bổng,… sự phối thanh, hòa âm trong các nhịp và giữa các nhịp… đều có tác động và làm nảy sinh những biểu tượng của âm nhạch, khiến cho câu thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển, nghe không khác gì câu hát.

 

Ví dụ:

 

Ta/ gần nhau thêm/

Trước khi ban mai/ trong suốt kéo lên/

 

Bóng cây/ chợt tỉnh hoa xòe/

Con nhện nước/ làm tổ/ trong rơm rạ mục/

Rễ cỏ hương bài/

Lòng đất quặn sâu/

 

Nước chảy/

Cứ chảy/

Giữ đôi ta lại/

Mỗi nụ hôn/ mở thêm cánh cửa/

Níu chặt tay nhau/

Bám chặt tay nhau/

Không thất lạc/

 

Bỡ ngỡ/ cùng cơn mưa/ nặng hạt/

Nhận ra đôi tay bé thơ/

Bàn chân/ chập chững/

Đi lên đất/

 

Hình như ngày đã muộn/

Vẫn dìu nhau/ đi xem ban mai.///
(Ban mai)

 

Nhịp điệu dài – ngắn, lúc trầm lúc bổng đan xen lẫn nhau đã góp phần tạo nhạc tính cho bài thơ, đồng thời giúp ta hình dung ra được hình ảnh hai người gặp gỡ nhau trong đêm. Họ ao ước muốn giữ mãi giây phút êm đẹp ấy, muốn sát lại gần nhau để cảm nhận hơi ấm của tình yêu bùng cháy trước khi ban mai trong suốt kéo lên. Ban mai là biểu tượng cho ngày mới căng tràn nhựa sống, kéo theo cả sự sống của muôn loài. Tình yêu là tất cả những gì ngọt ngào nhất, say đắm, lãng mạn nhất và nhân vật trữ tình muốn níu giữ giây phút đẹp đẽ ấy. Mỗi ngày mới đến, tình yêu như mở thêm cánh cửa mới, dẫn họ tới những chân trời tươi đẹp, vẽ ra trước mắt họ là bức tranh thiên nhiên tuyệt diệu.

 

Giả sử vẫn nội dung trên nhưng được diễn đạt bằng ngôn từ thông thường, không mang nhịp điệu thì chắc chắn chất âm nhạc về tình yêu đôi lứa, tình yêu cuộc sống của đoạn văn cũng không còn đậm nét hoặc khác đi:

 

Ta gần nhau trước khi ban mai trong suốt kéo lên. Bóng cây chợt tỉnh, hoa xòe, trong rơm rạ mục con nhện nước đang làm tổ,…nước cứ chảy, giữ ta lại. Mỗi nụ hôn là níu chặt tay nhau, bám chặt tay nhau. Bỡ ngỡ nhận ra đôi tay, đôi chân bé thơ, chập chững đi trên đất. Hình như, ngày đã muộn. Ta vẫn cùng nhau đi xem ban mai.

 

3.3.2. Nhịp điệu góp phần diễn tả sự vận động, lưu chuyển của đời sống và tâm hồn

 

Nhịp điệu vốn gắn liền với sự vận động, các yếu tố lặp lại trong nhịp điệu nối tiếp tạo thành mạch vận động, lưu chuyển nhịp nhàng. Tác phẩm văn học phản ánh đời sống, thế giới tâm hồn của con người. Quá trình sáng tạo nghệ thuật là quá trình nhà văn trải nghiệm cuộc sống, trải nghiệm chính bản thân mình. Từ đó, con người hình thành mạch suy nghĩ, nhận thức về cuộc sống. Rồi khi nhận thức ấy, xúc cảm ấy được đẩy lên cao thành cảm hứng sáng tạo thì nó sẽ được con người thể hiện ra bên ngoài qua những ngôn từ nghệ thuật, nhịp điệu nhất định. Bởi vậy, nhịp điệu ngôn ngữ văn chương chính là sự khúc xạ nhịp điệu cuộc sống, nhịp điệu tâm hồn qua ý thức sáng tạo của người nghệ sĩ, từ đó độc giả có thể nắm bắt được mạch vận động của tâm trạng tác giả.

 

Ví dụ:

 

Nước đọng/ dưới chân núi/

Một viên cuội/ nằm/ trên phiến đá cao/

Không chớp mắt/ trong tinh khôi yên tĩnh/

 

Đêm qua/ ở đây/ có mưa/

Ai đã ngồi kia/ trước hay sau/ mưa nặng hạt/

Tự nhiên nhớ em/ rất nhớ/

Anh không dám/ nhìn đi nới khác/

Hình như nắng sớm/ đang phủ/ lên đỉnh núi/

Làm trong suốt/ lòng đất/ lòng cây.//

(Vô tình trong nắng sớm)

 

Với cách tổ chức nhịp điệu dài – ngắn đan xen, nhịp lúc nhẹ nhàng, dàn trải cho người đọc cảm nhận, chiêm nghiệm về cuộc sống; khi thì hồ hở,i nhịp nhanh, gấp gáp để nói về sự đổi mới trong tâm hồn nhân vật “anh” Mai Văn Phấn đã vẽ cho độc giả hình ảnh thiên nhiên với nước, đá, mưa. Khung cảnh ấy đã làm nền cho viên cuội. Hình ảnh viên cuôi nhỏ như gợi lên cho người đọc liên tưởng tới hình ảnh của con người. Trải qua mưa nắng, viên cuội đã mang trên mình những vết nứt, vết lõm. Phải chăng, con người cũng vậy? Sống trong xã hội hiện đại, cuộc sống xô bồ bon chen làm cho con người ta trở nên lạnh lùng, xa cách thậm chí là vô cảm trước những mảnh đời bất hạnh, tâm hồn chứa bao nỗi u sầu, buồn đau, chính vì vậy mà “không chớp mắt trong tinh khôi yên tĩnh”.

 

Từng mưa to, mưa rất to

Tắm táp cho viên cuội nhỏ

 

Cơn mưa đã xuất hiện như một phép màu. Mưa đã gột rửa bụi bặm, làm cho viên cuội trở nên sạch trong, mát mẻ. Có lẽ những cơn mưa tượng trưng cho tình yêu và chính tình yêu ấy là thứ thuốc công dụng nhất xoa dịu đi những đau buồn mà “anh” đang gặp phải, đang phải trải qua trong cuộc đời này. Tình yêu như dìu dắt, nâng đỡ tâm hồn con người để họ có thể vượt qua mọi khó khăn, mọi rào cản trong cuộc sống.

 

Như vậy, có thể nhận thấy, rõ ràng tâm trạng hay chính đời sống tâm hồn của tác giả là yếu tố vô cùng quan trọng chi phối đến cách thức tổ chức nhịp điệu trong thơ ca. Thông thường, khi vui vẻ, phấn chấn nhà thơ thường sử dụng những nhịp ngắn, nhanh, gấp gáp để bày tỏ niềm vui, niềm hạnh phúc đó. Còn khi trong tâm trạng luôn bất an, có những muộn phiền thì nhà thơ lại sử dụng những nhịp ngừng vừa, nhịp ngừng lâu để giãi bày những tâm sự đó.Điều này đã trở thành qui luật và có ảnh hưởng rất lớn đến cách thức tổ chức nhịp điệu trong thơ ca.

 

3.3.3 Nhịp điệu là tiếng vang cộng hưởng nội dung ý nghĩa và gia tăng xúc cảm

 

Như đã phân tích ở mục 3.2.2, nhịp điệu không chỉ là yếu tố hình thức làm cho lời thơ, lời văn cân đối, nhịp nhàng. Giữa tính chất nhịp điệu của âm thanh với nội dung ý nghĩa của từ ngữ thường có một mức độ phù hợp nhất định, đem lại vẻ đẹp gắn kết hài hòa giữa hình thức và nội dung. Nhịp điệu góp phần quan trọng cho việc biểu đạt nội dung ý nghĩa.

 

Hơn nữa, thơ văn là tiếng nói của cảm xúc, của tâm hồn, tình cảm. Bởi vậy, khi nguồn cảm xúc chất chưa trong tim tràn ra và được thể hiện trên dòng ngôn từ thì lúc đó âm thanh ngôn ngữ và tiếng đập của con tim sẽ hòa làm một. Nhịp điệu của lời thơ, lời văn cũng chính là nhịp điệu của cảm xúc, nhịp điệu của tâm hồn.

 

Ví dụ:

 

Ngày mới ven biển/

Sóng rút đi/

Để lại/ phiến đá sạch

 

Ai đến ngồi/

Bước lên/

Cùng phân chim/

Cát bụi tấp vào/

 

Đêm về/

Nước/ lại dâng lên rửa sạch/

 

Biển/

Nhẫn nại như vậy/

Nhiều năm.///

(Đoạn 34 – Tĩnh lặng)

 

Bài thơ nói về cảnh biển trong buổi sớm mai cùng vói đó là những dòng suy nghĩ bủa vây trong tâm hồn tác giả về cuộc đời và con người. Nhịp điệu trong bài thơ được tác giả sắp đặt có chủ đích, mong muốn biểu đạt được nội dung và ý nghĩa một cách triệt để nhất, qua đó cũng bộc lộ được tình cảm, cảm xúc của tác giả. Bao trùm bài thơ là nhịp điệu ngắn đan xen với nhịp điệu dài, tạo thành một mạch tư duy, mạch tình cảm trong sự vận động tri giác và tình cảm của nhà thơ. Trong mỗi chúng ta, chắc hẳn có người đã được nhìn thấy biển, thấy những phiến đá. Chiều chiều, mỗi khi thủy triều lên những phiến đá đó được ẩn mình trong nước, được rửa sạch những bụi bẩn, rửa sạch cát bụi vương trên mình “Ngày mới ven biển/ Sóng rút đi/ Để lại phiến đá sạch”

 

Biển giống như một phương tiện đã tẩy rửa đi tất cả những vấy bẩn mà con người, động vật, thiên nhiên đã tác động lên phiến đá như “bước chân của con người, phân chim, cát bụi,…”. Một lớp bẩn khá dày đó đã được biển gột rửa sạch sẽ, trả lại sự sạch trong, tươi mát cho phiến đá. Nhưng ẩn sau phiến đá, chính là những dòng suy tư hướng tới con người. Cuộc sống có quá nhiều áp lực, có quá nhiều sự tác động, chúng luôn bủa vây như muốn ăn tươi nuốt sống, vùi dập con người vậy. Trong hoàn cảnh đó, con người khó có thể giữ nguyên sự trong sạch ban đầu. Còn hình ảnh “biển khơi” được hiểu như là sự nhẫn nại, ý chí, cứ lặp đi lặp lại hành động dâng sóng lên gột rửa, đem lại sự sạch trong cho phiến đá. Qua đó, tác giả muốn độc giả tự rút ra cho mình những cảm nhận về cuộc sống của chính bản thân mình. Con người muốn trở lên trong sạch, có những phẩm chất tốt đẹp trước hết họ phải có sự kiên trì, có ý chí và nghị lực để vượt qua chính “dục vọng” bản thân mình, giống như biển kia hằng ngày vẫn kiên trì và lặng lẽ.

 

Gió /sông Nhuệ /thổi mạnh/

Miết xuống/ vòm cây/

 

Khoảnh khắc/ cuối ban mai/

Căng ngang trời/ đại lộ trong suốt/

 

Đất đai/ mặt hồ/ đẫm ướt/

Che kín/ dấu chân/

Tìm/ khăp cánh đồng/ không thấy/

trên lớp lá thu/ còn một chiếc giày/

chắc giờ này/ bạn đã gặp mẹ//

 

Câu thơ mở trái tim đau/

Ngọn lửa thiêu đốt/

Mỗi cuối thu/

Những bờ sương nước.///
(Rời tay để bạn đi)

 

Bài thơ là nỗi niềm thương tiếc của tác giả dành cho nhà thơ Dương Kiều Minh. Trước sự ra đi mãi mãi của bạn, tác giả đã mượn thơ để nói lên tình cảm, cảm xúc của mình “câu thơ mở trái tim đau”, trái tim đau không biết tâm sự cùng ai đã bật lên thành những vần thơ xót xa.

 

Ngay những dòng thơ mở đầu bài thơ, tác giả đã tổ chức nhịp điệu ngắn nối tiếp nhau, với các thanh bằng – trắc xen kẽ nhau tạo nên một nhịp điệu trắc trở, không bằng phẳng như để báo hiệu trước một điều gì đó sắp xảy ra. Thật vậy, hai câu thơ mở đầu xuất hiện hình ảnh thiên nhiên với gió gào thét dữ dội đổ xuống những ngọn cây. Nó báo hiệu biến cố lớn đang xảy ra – đó là sự ra đi của một người bạn. Càng về những câu thơ cuối, nhịp điệu như được giãn ra, như để diễn tả tâm trạng đau buồn, xót xa của tác giả. Hình ảnh ngọn lửa xuất hiện trong bài thơ lúc này không phải là ngọn lửa của tình yêu của hạnh phúc, của sự tỏa sáng như ý nghĩa ban đầu của nó. Mà thay vào đó là ngọn lửa của tình bạn, của sự xót thương, luyến tiếc khi mất đi một người bạn thơ, người tri âm, tri kỉ.

 

Tóm lại, khi đánh giá một tác phẩm văn chương, nhất là thơ, không thể xem xét hai mặt ngữ âm và ngữ nghĩa một cách tách rời. Nó cần được xem xét trên một chỉnh thể nhất định, là tổng hòa các yếu tố tao nên nó, từ đó sẽ có những cách hiểu đúng, hiểu sâu về chính nó. Đồng thời, cho thấy nhịp điệu như là một thứ năng lượng có sức truyền dẫn mạnh mẽ. Nhịp điệu không thuần túy là những ngân vang bên ngoài đi kèm theo ý thơ mà còn là giọng điệu, sắc thái của cảm xúc thơ đã hòa quyện, tồn tại ngay trong chính dòng âm thanh của bài thơ, tạo thành năng lượng cơ bản của câu thơ. Nhịp điệu trở thành một phương tiện có khả năng khoi gợi mạnh mẽ niềm rung động ở người đọc.

 

3.3.4. Nhịp điệu góp phần tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, mạch lạc cho văn bản nghệ thuật

 

Trong văn học, nhịp điệu vừa có giá trị chia tách vừa có giá trị kết hợp các ấn tượng thẫm mĩ lại với nhau. Thử hình dung một văn bản nghệ thuật nếu được phát âm đều đặn, không ngắt nhịp, không mang sắc thái của điệu như: không nhấn – lướt, không trầm – bổng,… thì chắc chắn người nghe không những cảm thấy nhàm chán, đơn điệu mà còn không thể nhận thức đúng về nội dung ý nghĩa của văn bản.

 

Ví dụ:

 

Mạch nước nhỏ/ trong núi/

Chảy đều/

Xuống lòng hồ/ không tiếng động/

 

Đàn cá/ bơi/

Mực nước/ giữ yên/

Con chim bói cá/ vẫn đậu/

Trên ngọn cây/ gần đó/

Nơi họng nước/ đổ xuống/

Vòng sóng/ lan nhẹ/

Mờ dần/

 

Đáy hồ/ lặng im/

Núi theo mặt nước/ chuyển động.//

(Đoạn 2 – Tĩnh lặng)

 

Nếu như bài thơ trên không được ngắt nhịp, không có chỗ nhấn – lướt, trầm – bổng thì bài thơ trên sẽ rất khó gây được hứng thú từ phía người đọc. Nếu bài thơ đơn thuần chỉ là một chuỗi âm thanh kéo dài, không ngừng/ ngắt, không nhấn – lướt thì quả thật đó không còn là một bài thơ, một văn bản nghệ thuật. Khi đó, văn bản đó sẽ chỉ là một chuỗi âm thanh rời rạc, vô nghĩa, rất mơ hồ và khó tiếp nhận.

 

Ngược lại, văn bản trên được thể hiện đúng nhịp điệu của nó, có điểm ngừng/ ngắt nhịp nhất định, có cường độ của nhịp, các nhịp dài – ngắn đan xen tạo thành chuỗi mạch cảm xúc, tư duy,… sẽ khiến cho âm thanh triền miên ấy trở nên tách bạch, sáng tỏ và dễ tiếp nhận hơn rất nhiều. Từ đó, độc giả mới có những cơ sở để tiếp nhận bài thơ một cách thấu đáo nhất. Qua đó, độc giả sẽ hình dung được bài thơ là khung cảnh hồ nước dưới những tác động của “mạch nước, đàn cá. Con chim bói cá, họng nước”, trước những tác động đó mặt hồ yên tĩnh đã có sự thay đổi, dao động nhưng cuối cùng nó vẫn trở về trạng thái ban đầu. Và khi nhắc đến mặt hồ nước chắc hẳn độc giả sẽ có liên tưởng đến tâm hồn của con người. Nếu như nước sông, suối chuyển động mạnh mẽ thì nước trong hồ lại vô cùng tĩnh lặng. Tâm hồn con người cũng giống như vậy. Trước bao chen của cuộc sống tác động tới con người giống như đàn cá, mạch nước đang khuấy động mặt hồ vậy. Điều đó, ít nhiều làm con người thay đổi, chuyển động. Nhưng đến cuối cùng, mọi điều ấy cũng lắng xuống như những “vòng sóng” mờ dần, mờ dần.

 

Tóm lại, với cấu trúc đặc biệt, chia khổ, phân dòng, ngắt nhịp,… hay nói cách khác chính là nhịp điệu của thơ, sự khúc chiết trên mặt âm thanh, những liên kết của vần, điệu tạo nên sự gắn kết, tiếp nối, liền mạch, tạo nên trật tự hợp lí cho những chuỗi lời nói, cho chính văn bản nghệ thuật. Để văn bản nghệ thuật được hoàn thiện, thống nhất trên cả hai phương diện nội dung và hình thức.

 

3.4. Tiểu kết

 

Như vậy, ở chương 3 này đề tài đã đề cập tới các yếu tố chi phối và giá trị nghệ thuật của nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Qua đó, có thể thấy được yếu tố tâm – sinh lí và yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật đã có những tác động nhất đinh tới việc tổ chức nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Đồng thời, cũng thấy được vai trò, giá trị nghệ thuật cơ bản mà nhịp điệu đem lại cho thơ tự do của Mai Văn Phấn. Đó là tạo nên nhạc tính cho ngôn ngữ văn chương; nhịp điệu là tiếng vang cộng hưởng cho nội dung ý nghĩa, khêu gợi và gia tăng xúc cảm; diễn tả sự vận động, lưu chuyển của đời sống và tâm hồn; cuối cùng là góp phần tạo nên sự khúc chiết, tính liên kết, liền mạch cho văn bản nghệ thuật. Tất cả những yếu tố đó đã góp phần không nhỏ vào sự thành công về cả nội dung và hình thức trong thơ tự do của Mai Văn Phấn. Đó là cơ sở để khẳng định tài năng, sự sáng tạo, luôn luôn tự khám phá bản thân, luôn tự làm mới mình của tác giả, đem những thi phẩm của ông đến gần hơn với bạn đọc trong nước nói chung và bạn đọc nước ngoài nói riêng.

 

 



KẾT LUẬN

 

 

1. Trên cơ sở tìm hiểu và khái quát những vấn đề cần thiết phục vụ cho việc đi sâu khảo sát nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, có thể khẳng định những kiến thức về thơ tự do, đặc điểm của thơ tự do, các tiêu chí nhận diện và miêu tả nhịp điệu có vai trò quan trọng trong việc khảo nghiệm sự thể hiện nhịp điệu thơ với cảm xúc của con người. Những kiến thức về cách ngừng/ ngắt nhịp, trường độ, hòa âm và phối thanh,… đã giúp cho việc tìm hiểu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn được sâu sắc, khoa học và hiệu quả hơn.

 

2. Cách thức tổ chức nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn khá đa dạng và phong phú. Cách ngắt nhịp ngắn cho thấy tâm trạng, cảm xúc của tác giả xuyên suốt trong tập thơ là thứ tình cảm, cảm xúc vui tươi, yêu đời, yêu cuộc sống. Bên cạnh đó, với cách ngắt nhịp ngừng vừa và ngừng lâu, Mai Văn Phấn đã truyền được tâm tư, tình cảm của mình cho bạn đọc, mỗi lần ngừng nhịp, ngắt nhịp là một sự chiêm nghiệm về người và đời, là cả bầu tâm sự trong lòng muốn được bày tỏ cùng người khác.

 

Về cách hiệp vần trong sáng tác của mình, Mai Văn Phấn thường tổ chức hiệp theo kiểu vần lưng và vần chân với cách hiệp vần khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, vần lưng chiếm ưu thế hơn so với vần chân. Mai Văn Phấn ý thức được vai trò quan trọng của vần – sợi dây ràng buộc các dòng thơ lại với nhau giúp cho việc đọc được thuận miệng, nghe được thuận tai và làm cho người đọc, người nghe dễ nhớ, dễ thuộc. Ở thơ truyền thống, các âm tiết hiệp vần với nhau thường đứng liền kề nhau. Trái lại, đối với thơ tự do, cụ thể là thơ tự do của Mai Văn Phấn các âm tiết hiệp vần có thể không đứng cạnh nhau nhưng vẫn bắt vần với nhau mà vẫn đảm bảo được tính tổ chức và liên kết của bài thơ. Tác giả luôn chú ý đến việc tạo sự hòa âm giữa những âm tiết để dòng thơ, câu thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển, góp phần không nhỏ vào thể hiện giá trị nội dung và giá trị biểu cảm của toàn bài thơ.

          

Âm tiết cuối nhịp luôn là những vị trí nổi bật cho nên Mai Văn Phấn cũng chú ý đến sự đối lập và luân phiên bằng – trắc, bổng – trầm ở các âm tiết cuối mỗi nhịp. Quá trình khảo sát cho thấy, Mai Văn Phấn luôn luôn tự làm mới chính bản thân mình và làm mới nhịp điệu trong thơ ca của mình. Cách phối thanh ở các âm tiết cuối mỗi nhịp được khai thác triệt để với nhiều hình thức khác nhau, rất đa dạng và phong phú.

          

3. Các yếu tố chi phối nhịp điệu trong thơ ca của Mai Văn Phấn có thể kể đến như: yếu tố tâm – sinh lí và yếu tố nội dung, cảm xúc, hình tượng nghệ thuật của tác phẩm. Yếu tố tâm – sinh lí chi phối khá mạnh đến việc tổ chức nhịp điệu của tác phẩm. Rõ ràng khi đặt bút sáng tác Mai Văn Phấn luôn phải định sẵn cho mình đối tượng tiếp nhận ở đây là ai, có đặc điểm như thế nào để từ đó xác định nội dung và hình thức nghệ thuật sao cho phù hợp. Bên cạnh đó, yếu tố tâm lí cũng có ảnh hưởng không nhỏ tới cách thức tổ chức nhịp điệu. Chẳng hạn, khi vui vẻ tâm trạng vui tươi phấn chấn Mai Văn Phấn lựa chọn nhịp nhanh, ngắn và dồn dập. Trái lại, để diễn tả tâm trạng suy tư, lòng mang nhiều nỗi sầu tác giả lại lựa chọn các nhịp dài, dàn trải, chậm rãi. Nội dung, cảm xúc và hình tượng nghệ thuật cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến nhịp điệu thơ ca. Trong các sáng tác của mình, Mai Văn Phấn thường dựa trên nội dung, xúc cảm... để lựa chọn nhịp điệu sao cho phù hợp, khiến nội dung tư tưởng và cảm xúc nghệ thuật của tác phẩm được thể hiện một cách triệt để và hiệu quả nhất.

          

Thơ tự do của Mai Văn Phấn với sự tổ chức các nhịp điệu dài – ngắn, nhanh – chậm, cao – thấp, trầm – bổng,… sự phối thanh, hòa âm trong các nhịp và giữa các nhịp… đều có tác động và làm nảy sinh những biểu tượng của âm nhạc, khiến cho câu thơ trở nên nhịp nhàng, uyển chuyển. Khi vui vẻ, yêu đời tác giả sẽ thể hiện một giọng điệu hoàn toàn khác so với khi tâm trạng không được vui, tràn đầy ưu tư. Tất cả đã đem lại nhạc tính cho ngôn ngữ văn chương, góp phần không nhỏ vào sự thành công về cả nội dung và hình thức trong thơ tự do của Mai Văn Phấn, là tiếng nói khẳng định tài năng, sự sáng tạo của tác giả, đem những thi phẩm của ông đến gần hơn với bạn đọc.

 

4. Nghiên cứu nhịp điệu trong thơ tự do của Mai Văn Phấn ở góc độ ngôn ngữ là một hướng tiếp cận khá mới, đòi hỏi những công trình nghiên cứu sâu hơn về vấn đề này. Các công trình có thể đi nghiên cứu nhịp điệu trong thơ ca của Mai Văn Phấn gắn với tư duy của người Việt để thấy rõ hơn bản sắc riêng của dân tộc hoặc mở rộng phạm vi nghiên cứu thành thi luật trong thơ tự do của Mai Văn Phấn để làm nổi bật hơn sự phong phú của ngôn ngữ cũng như tài năng của nhà thơ.

 

 




TƯ LIỆU KHẢO SÁT

 

1. Mai Văn Phấn (2013), Vừa sinh ra ở đó, Nxb Hội nhà văn, H.

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Võ Bình (1975), “Bàn thêm một số vấn đề về thơ”, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3.

2. Vũ Thị Sao Chi (2015), Nhịp điệu ngôn ngữ thơ văn Việt Nam, Nxb KHXH, H.

3. Hữu Đạt (2000), Ngôn ngữ thơ Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, H.

4. Hữu Đạt (2011), Phong cách học tiếng Việt hiện đại, Nxb Giáo dục, H.

5. Lê Anh Hiền (2002), Thơ ca, ngôn ngữ, tác giả và tác phẩm, Nxb Giáo dục, H.

6. Nguyễn Đăng Điệp – Nguyễn Văn Tùng tuyển chọn và biện soạn (2000), Thi pháp học ở Việt Nam, Nxb Giáo dục Việt Nam, H.

7. Hồ Văn Hải (2004), Khảo sát một số đặc trưng ngôn ngữ thơ lục bát hiện đại (trên tác phẩm của một số nhà thơ). Luận án tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà nội, H.

8. Nguyễn Thái Hòa (2006), Từ điển Tu từ - phong cách Thi pháp học, Nxb Giáo dục, H.

9. Nguyễn Thái Hòa (2006), Giáo trình Phong cách học tiếng Việt, Nxb ĐHSP, H.

10. Nguyễn Quang Hồng, Phan Diễm Phương (2017), Âm tiết tiếng Việt và ngôn từ thi ca, Nxb ĐHQG, H.

11. Bùi Công Hùng (2000), Tiếp cận nghệ thuật thơ ca, Nxb Văn hóa Thông tin, H.

12. Iu. M. Lotman (2004), Cấu trúc văn bản nghệ thuật, Người dịch: Trần Ngọc Vương, Trịnh Bá Đĩnh, Nguyễn Thu Thủy, Nxb ĐHQG, H.

13. Jakobson R (2001), “Ngôn ngữ và thi học” (Cao Xuân Hạo dịch), Tạp chí Ngôn ngữ, số 14.

14. Đinh Trọng Lạc (2009), Phong cách học tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.

15. Mã Giang Lân (2000), Tìm hiểu thơ, Nxb Văn hóa, H.

16. Hoàng Kim Ngọc (2011), Ngôn ngữ văn chương, Nxb ĐHQG, H.

17. Bùi Văn Nguyên, Hà Minh Đức (1971), Thơ ca Việt Nam: Hình thức và thể loại, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, H.

18. Nguyễn Bích Phụng (2013), “Cảm thức hiện sinh trong tập thơ Hoa giấu mặt của Mai Văn Phấn”, http://nhavantphcm.com.vn/, trích dẫn 8/11/2016.

19. Khánh Phương (2004), Mai Văn Phấn từ bóng tối, im lặng và đổ vỡ”, Báo Thể thao và văn hóa, số 11.

20. Lê Hồ Quang (2014), “Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”, http://nhavantphcm.com.vn/, trích dẫn 8/11/2016.

21. Lý Toàn Thắng (2011), “Đường vào thi học: Khái niệm và phương pháp”, Tạp chí Thơ, số 6.

22. Lý Toàn Thắng (2011), “Mấy vấn đề thi học và thi luật đại cương”, Tạp chí Ngôn Ngữ và Đời sống, số 3.

23. Lý Toàn Thắng (2011), “Đường vào thi học: Các hệ thống thi luật”, Tạp chí Thơ, số 7.

24. Lý Toàn Thắng (2012), “Bàn về tiết điệu qua thơ lục bát”, Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 8.

25. Lý Toàn Thắng (2006), “Bằng Trắc lục bát Truyện Kiều”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 2.

26. Lý Toàn Thắng (2015), Thi luật thơ lục bát trong Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, H.

27. Nguyễn Thị Phương Thùy (2014), Xu hướng tự do hóa ngôn ngữ thơ Việt Nam thế kỉ XX, Nxb Chính trị Quốc gia, H.

28. Bùi Minh Toán (2012), Ngôn ngữ với văn chương, Nxb Giáo dục, H.

29. Cù Đình Tú (2007), Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, Nxb Giáo dục, H.

30. Nhiều tác giả (2011), Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công, Nxb Hội nhà văn, H.

31. Đặng Thân (2009), Mai Văn Phấn và công nghệ cách tân thơ, Nxb Hội nhà văn, H.

32. Nguyễn Hoàng Đức (2009), Mai Văn Phấn, ngòi bút phiêu lưu giữa những biến cố của tâm hồn,  http://www.vanchuongviet.org, trích dẫn 5/01/2017.

33. Nguyễn Việt Chiến (2009), Mai Văn Phấn trong vòng xoáy của thơ Hậu – hiện – đại, Nxb Giáo dục, H.

34. Katie Wales (1989), Dictionary of Stylistics, Longman Publishing.

35. Henri Morier (1989), Dictionnaire de Poetique et de Rhetorique, Press Universtaire France.

36. Phương Lựu (chủ biên) (2003), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục, H.

 

 

 

 

Tác phẩm của HS. Rafal Olbinski, Ba Lan

 

 

 

 

 

 



 







BÀI KHÁC
1 2 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị