Biểu tượng văn hóa trong thơ Mai Văn Phấn (Đề tài nghiên cứu khoa học) - Đặng Thị Tuyết
ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC SƯ PHẠM
Đặng Thị Tuyết
Sinh viên Đặng Thị Tuyết
BIỂU TƯỢNG VĂN HÓA TRONG THƠ MAI VĂN
PHẤN
ĐỀ TÀI
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
NGÀNH: NGỮ VĂN
Người hướng dẫn: ThS. Nguyễn Nhật Huy
THÁI NGUYÊN, 2015
maivanphan.vn: Cháu Đặng
Thị Tuyết, hiện là sinh viên năm thứ 3 Khoa Ngữ văn, đại học Sư phạm Thái
Nguyên, vừa gửi tôi đề tài nghiên cứu khoa học “Biểu tượng văn hóa trong thơ
Mai Văn Phấn”. Đề tài này được thầy giáo-thạc sỹ Nguyễn Nhật Huy, giảng viên
của trường đại học Sư phạm Thái Nguyên hướng dẫn. Tôi rất trân trọng nỗ lực và
sự nghiêm túc của cháu Tuyết qua công trình này. Chúc cháu thành công và luôn yêu
nghề, say mê nghiên cứu, truyền đạt kiến thức văn học cho các em học sinh sau
này!
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
2. Lịch sử vấn đề
3. Mục đích nghiên cứu
4. Nhiệm vụ và đối tượng nghiên cứu
5. Phương pháp nghiên cứu
6. Cấu trúc của đề tài
PHẦN NỘI DUNG
Chương 1: NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG VỀ BIỂU
TƯỢNG
1.1. Khái niệm biểu tượng
1.2. Biểu tượng văn hoá
1.3. Phân biệt hình ảnh và biểu tượng
1.4. Tác giả Mai Văn Phấn
1.4.1. Tác giả Mai Văn Phấn
1.4.2. Tập thơ “ Vừa sinh ra ở đó”
Chương 2: BIỂU TƯỢNG TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
2.1. Biểu tượng ánh sáng, ngọn lửa, ban mai trong thơ Mai
Văn Phấn
2.1.1. Ý nghĩa gốc của các biểu tượng trong từ điển
2.1.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng trong một số bài
thơ
2.2 Biểu tượng nước trong thơ Mai Văn Phấn
2.2.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển
2.2.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng trong một số bài
thơ
2.3 Biểu tượng đá
2.3.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển
2.3.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng trong một số bài
thơ
2.4. Bóng tối
2.4.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển
2.4.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng bóng tối trong một
số bài thơ
KẾT LUẬN
TÀI LIỆU THAM KHẢO
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài.
1.1. Mai Văn Phấn là một trong những nhà thơ tiêu biểu của
văn học Việt Nam đương đại. Hành trình sáng tạo của ông là một hành trình dài
với những nỗ lực cách tân không ngừng nghỉ. Đặc biệt trong mười năm trở lại đây
ông đã tạo nên diện mạo mới cho thơ ca Việt Nam và được bạn bè trong nước và
thế giới đón nhận nồng nhiệt.
1.2. Theo dõi hành trình sáng tạo của Mai Văn Phấn chúng ta
có thể thấy từ những cầu kì cách tân về hình thức, thơ của ông ngày càng giản
đơn nhưng lại chứa đựng những chiều sâu triết học đầy nhân văn. Cũng bởi vậy mà
các tập thơ của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Đặc biệt là tập
“Ra vườn chùa xem cắt cỏ” trờ thành 1 trong 3 tập thơ Châu Á bán chạy nhất trên
mạng thông tin điện tử đa quốc gia Amazon.com. Có thể nói thơ ông đang góp phần
quảng bá hình ảnh đẹp của nghệ thuật Việt Nam ra thế giới
1.3. Đọc thơ Mai Văn Phấn,
chúng ta thấy ông vận dụng một cách tối ưu các thủ pháp của thơ ca phương Tây
như: phá vỡ trật tự câu thơ, nhịp, vần thông thường kết hợp với việc nâng cao
giá trị các biểu tượng, mở rộng trường nghĩa các biểu tượng và tạo nên các
“khoảng trống” trong bài thơ của mình. Những hình ảnh bên cạnh những “khoảng
trống” ấy không dễ đọc chút nào.
Để góp phần tìm kiếm một cách đọc thích hợp
đối với thơ ca đương đại mà cụ thể là thơ Mai Văn Phấn, chúng tôi thực hiện đề
tài Biểu
tượng văn hóa trong thơ Mai Văn Phấn.
2. Lịch sử vấn đề.
Với những hình ảnh, ngôn từ mới lạ, đặc sắc,
thơ Mai Văn Phấn đã chiếm giữ được vị trí trong trái tim bạn đọc đồng thời nó
cũng mang lại một vẻ đẹp, sắc màu tươi mới cho thơ ca Việt Nam. Đọc thơ ông
chúng ta thấy hiện lên một sự cách tân, đột phá. Vẫn những hình ảnh thơ quen
thuộc ấy nhưng gần như chúng ta cảm thấy khó tiếp cận, khó hiểu. Nó không còn
là một văn bản thơ thuần túy đã có sẵn nội dung cho mình mà nó là một văn bản
mở để người đọc có thể suy nghĩ, nghiền ngẫm. Chính sự đột phá, sự cách tân và
nét đặc sắc cả về nội dung và nghệ thuật ấy, nên ngay khi Mai Văn Phấn vừa cho
xuất hiện trên thi đàn “những đứa con tinh thần của mình” thì đã được rất nhiều
nhà phê bình, nghiên cứu quan tâm.
Vũ Thị Thảo trong “Đặc điểm nghệ thuật thơ
Mai Văn Phấn” đã chỉ ra bốn đặc điểm nghệ thuật trong thơ ông. Thứ nhất, đọc
thơ Mai Văn Phấn là đọc một thế giới nghệ thuật khá đặc thù, được kiến tạo theo
những nguyên tắc và phương tiện không hề quen thuộc. Thứ hai thơ ông là một sự
chuyển động liên tục với những tìm tòi thi pháp đa dạng, đó là một hành trình
luôn có sự cách tân, tìm tòi, có ý thức học hỏi những nền thơ lớn trên thế giới
đặc biệt là thơ Âu- Mỹ hiện đại. Thứ ba thơ ông được chi phối bởi một nhãn quan
nhân sinh- thẩm mỹ khá đặc biệt. Thứ tư thơ ông đặc biệt chú ý đến tiếng nói
của trực giác, vô thức, tâm linh trong sáng tạo. Đồng thời người nghiên cứu
cũng chỉ ra được cách thức tổ chức thế giới nghệ thuật ấy.
Nguyễn Nhật Huy trong “Những biểu tượng thức
giấc trong thơ Mai Văn Phấn” đã đưa ra cách nhìn của mình về vấn đề đọc thơ Mai
Văn Phấn dưới góc nhìn liên văn bản, để góp phần làm rõ dấu ấn hậu hiện đại
trong thơ ông. Trước hết người viết đối chiếu các biểu tượng trong thơ Mai Văn
Phấn với biểu tượng gốc, sau đó mới đi tìm sự sáng tạo trong các biểu tượng
phái sinh qua bài thơ “Đêm của em”.
PGS.TS Văn Giá trong “Thơ
Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công” nhận định: “ Trong rất
nhiều thi ảnh bề bộn ở thơ Mai Văn Phấn, có ba hình ảnh chụm nhất, cô đọng nhất
nên trở thành tiêu biểu nhất. Đất đai, ánh sáng và Người tình (được gọi là Em).
Cả ba hình ảnh này đều nằm trong sự quy chiếu của lẽ phồn sinh và hóa sinh bất
định với tất cả sự sống động của chúng”. [ 8, 534]
Nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế lại khai thác
thơ Mai Văn Phấn với các ý tưởng và các triết lý nhân sinh thông qua hình ảnh
của cây cỏ: “Qua hình ảnh ngọn cỏ, Mai Văn Phấn tung hoành thể hiện các ý tưởng
và các triết lý nhân sinh bằng nhiều thủ pháp, tu từ, ẩn dụ, so sánh thị giác,
cảm giác…. Và hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật đó trong việc khai triển Thi pháp
của từng trường đoạn sáng tác mà vẫn giữ được sự thuần cảm để dẫn đến một sắc
thái tự nhiên..như cỏ” [8, 373]
Trong khi nhà phê bình văn học Phạm Xuân
Nguyên trong “ Ban mai và ngọn lửa”, Báo hải quan thì lại tìm thấy trong thơ
Mai Văn Phấn rất nhiều những ban mai và ngọn lửa: “Thơ Mai Văn Phấn rất nhiều
những ban mai. Cái nguyên sơ trong trẻo của buổi đầu ngày, khi bóng đêm qua ánh
sáng tới, mang ý nghĩa khải thị, hồi sinh. (…) Có ban mai là có ánh sáng. Ánh
sáng chống lại sự quên lãng, sự chôn vùi, sự tàn úa. Ánh sáng thức dậy những
vùng nhớ, những trăn trở, những tìm kiếm. Con đường thơ của Mai Văn Phấn là
hành trình đi tới ban mai”. [13, 39]
Thơ Mai Văn Phấn đã được các nhà thơ, các nhà
nghiên cứu phê bình đánh giá rất cao.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến đã mạnh dạn khẳng
định rằng: “ Nếu có nhà thơ nào đó đang lặng lẽ luôn tự đổi mới thơ mình và phá
vỡ các nhịp điệu mòn cũ trong các thể nghiệm thơ hôm nay, theo tôi, người đó
phải là Mai Văn Phấn. Từ trữ - tình – cổ - điển, anh “bay” thẳng một mạch vào
hậu- hiện- đại, rồi từ đó “ lao” vào vòng xoáy đầy ấn tượng của thơ- cách-
tân”.
PGS. TS Hồ Thế Hà trong bài viết “Thơ tạo
sinh nghĩa Mai Văn Phấn” đã có một cách tiếp cận khá mới mẻ từ thế giới hình
tượng và ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn. Tác giả này cho rằng: “Mai Văn Phấn đang
xóa nhòa ranh giới giữa văn xuôi và thi ca mà vẫn được gọi là ngôn ngữ thi ca,
nghĩa là anh luôn thay đổi hệ ngôn từ để chúng làm tiền trạm cho cảm xúc và suy
nghĩ của mình để không trở nên xa lạ với mọi người [8, 227]
Mặc dù đã có rất nhiều bài viết, công trình
nghiên cứu, khảo sát thơ Mai Văn Phấn nhưng vấn đề biểu tượng trong thơ ông vẫn
chưa thật sự được sáng tỏ. Đề tài “Biểu
tượng văn hóa trong thơ Mai Văn Phấn” mạnh dạn đưa ra một cách đọc mới đối
với thơ ca đương đại.
3. Mục đích
nghiên cứu
- Tìm hiểu những biểu tượng trong thơ Mai Văn
Phấn.
- Nhận xét, đánh giá vai trò, tác dụng của
những biểu tượng đó.
- Nâng cao kỹ năng cảm thụ văn chương.
4. Nhiệm vụ
và đối tượng nghiên cứu.
4.1. Nhiệm vụ nghiên cứu.
- Tổng hợp những vấn đề lý luận chung về biểu
tượng
- Tìm hiểu biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn.
4.2. Đối tượng nghiên
cứu.
Đối tượng mà người nghiên cứu hướng tới là
thơ Mai Văn Phấn. Tuy nhiên với đề tài này chúng tôi chỉ giới hạn nghiên cứu
trong những tác phẩm hướng tới việc làm sáng rõ nội dung của đề tài. Đó là tập
thơ “Vừa sinh ra ở đó” và “Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời
phỏng vấn”.
5. Phương
pháp nghiên cứu.
- Phương pháp liên văn hóa.
- Phương pháp khảo sát, thống kê, phân loại.
- Phương pháp phân tích.
- Phương pháp tổng hợp, khái quát.
6. Cấu trúc
của đề tài.
Đề tài bố cục thành ba phần chính: Mở đầu,
nội dung, kết luận. Trong đó phần nội dung gồm hai chương:
Chương 1: Nghiên cứu những vấn đề lý luận
chung về biểu tượng.
Chương 2: Biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn.
Ngoài ra đề tài còn có phần tài liệu tham
khảo và phụ lục.
PHẦN NỘI
DUNG
Chương 1
NGHIÊN CỨU NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN CHUNG
VỀ BIỂU TƯỢNG
1.1. Khái niệm biểu tượng.
Nội dung trọng tâm mà đề tài hướng tới là
biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn. Đề tài sẽ tập chung làm sáng tỏ những biểu
tượng xuất hiện với tần số cao và vai trò của nó. Để làm sáng rõ được điều đó
trước hết ta phải hiểu được khái niệm biểu tượng.
Biểu tượng là một khái
niệm đang được đẩy mạnh nghiên cứu trên thế giới
bởi đến nay khái niệm biểu tượng vẫn là một lĩnh vực chứa đựng nhiều bí ẩn.
Thực tế đã khẳng định biểu tượng phát triển
cùng quá trình tiến hoá của nhân loại. Khởi nguyên của biểu tượng (Symbole) là
một vật được cắt làm đôi. Hai người mỗi bên giữ một phần sau một thời gian dài
gặp lại hai mảnh vỡ sẽ được ghép lại với nhau để nhận ra mối quan hệ khi xưa.
Bằng lối loạn suy, biểu tượng được hiểu là sự quy ước, một dấu hiệu, một tín
hiệu…có ý nghĩa biểu trưng. Biểu tượng được chia ra và kết hợp lại với nhau, nó
chứa đựng ý tưởng phân ly và tái hợp, gợi lên ý tưởng về một cộng đồng bị chia
tách và hợp thành. Biểu tượng đôi lúc rất cụ thể song cũng có thể là những thứ
rất trừu tượng.
Trong Tiếng Anh biểu tượng được viết bằng chữ
“symbol”. Thuật ngữ “symbol” được bắt nguồn từ Hi Lạp “Symbolon” có nghĩa là ký
hiệu, lời nói, dấu hiệu, triệu chứng…Cũng có thuyết cho rằng symbol bắt nguồn
từ động từ Hi Lạp “Symballo”
có nghĩa là “ném vào một vị trí”, “liên kết”, “suy nghĩ về”…
Biểu tượng trong tiếng Hán: “Biểu” có nghĩa
là: “bày ra”, “trình bày”, “dấu hiệu”, để người ta dễ nhận biết một điều gì đó.
“Tượng” có nghĩa là “hình tượng”. Biểu tượng là một hình tượng nào đó được phô
bày ra trở thành một dấu hiệu, ký hiệu tượng trưng, nhằm để diễn đạt về một ý
nghĩa mang tính trừu tượng.
Vấn đề biểu tượng đã được rất nhiều nhà
nghiên cứu quan tâm. Và ở mỗi nước, mỗi khu vực họ lại đưa ra những khái niệm
khác nhau về biểu tượng. Cụ thể:
Ở trong
nước:
Theo từ điển Tiếng Việt (GS Hoàng Phê chủ
biên): Biểu tượng là hình ảnh tượng trưng, là hình ảnh của nhận thức, cao hơn
cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại trong đầu óc khi tác dụng của
sự vật vào giác quan đã chấm dứt.
Theo từ điển của Vũ Dũng-
NXB KHXH - 2000, "Biểu tượng là hình ảnh các vật thể, cảnh tượng và sự
kiện xuất hiện trên cơ sở nhớ lại hay tưởng tượng. Khác với tri giác, biểu
tượng có thể mang tính khái quát. Nếu tri giác chỉ liên quan đến hiện tại, thì
biểu tượng liên quan đến quá khứ và tương lai."
Theo từ điển thuật ngữ văn học (Lê Bá Hán- Trần
Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi): “Biểu tượng là khái niệm chỉ một giai đoạn, một hình
thức của nhận thức cao hơn cảm giác, cho ta hình ảnh của sự vật còn giữ lại
trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã chấm dứt”. [6, 23]
Theo TS Nguyễn Văn Hậu: Biểu tượng là một
hình thái ngôn ngữ - ký hiệu tượng trưng của văn hoá. Nó được sáng tạo nhờ vào
năng lực “tượng trưng hoá” của con người, theo phương thức dùng hình ảnh này để
bày tỏ ý nghĩa kia nhằm để nhận thức và khám phá ra một giá trị trừu tượng nào
đó. Biểu tượng được xem là “tế bào” cuả văn hóa và là hạt nhân “di truyền xã
hội” đầu tiên của nhân loại. Nó quy định mọi hành vi ứng xử và giao tiếp của con
người đồng thời liên kết họ lại thành một cộng đồng riêng biệt.
Ở các nước khác:
Jean
Chevalier và Alain Gheerbrant cho rằng: “Tự bản chất của biểu tượng, nó phá vỡ
các khuôn khổ định sẵn và tập hợp các thái cực lại trong cùng một ý niệm. Nó
giống như một mũi tên bay mà không bay đứng im mà biến ảo, hiển nhiên mà không
nắm bắt được. Ta sẽ cần phải dùng các từ để gợi ra một hay nhiều ý nghĩa của
một biểu tượng”.
Hay nói như Georges Gurvitch: “Các biểu tượng
tiết lộ mà che giấu và che giấu mà tiết lộ”.
Theo quan niệm của Freud: “Biểu tượng diễn
đạt một cách gián tiếp, bóng gió và ít nhiều khó nhận ra niềm ham muốn hay các
xung đột. Biểu tượng là mối liên kết thống nhất nội dung rõ rệt của một hành
vi, một tư tưởng, mọi lời nói với ý nghĩa tiềm ẩn của chúng”.
Từ điển Larousse cho rằng: “ Biểu tượng là
một dấu hiệu hình ảnh, con vật sống động, hay đồ vật, biểu hiện một điều trừu
tượng, nó là hình ảnh cụ thể của một sự vật hay một điều gì đó”.
Theo C.G. Jung: “ Cái mà chúng ta gọi là biểu
tượng là một từ ngữ, một danh từ hay một hình ảnh, ngay cả khi chúng là quen
thuộc trong đời sống hàng ngày vẫn chứa đựng những ý nghĩa khác, bổ sung vào
cái ý nghĩa ước định hiển nhiên và trực tiếp của nó”.
Theo Chu Hy, nhà triết học cổ Trung Quốc nổi
tiếng đời Tống (1131- 1200) trong “Dịch thuyết cương lĩnh” khi bàn về biểu
tượng đã viết: “ Tượng là lấy hình này để tỏ nghĩa kia”.
Như vậy, biểu tượng là những
hình ảnh của những sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, được hình thành
trên cơ sở các cảm giác và tri giác đã xảy ra trước đó, được giữ lại trong ý
thức hay là những hình ảnh mới được hình thành trên cơ sở những hình ảnh đã có
từ trước. Biểu tượng không phải hoàn toàn là thực tế, bởi vì nó là sự xây dựng
lại thực tế sau khi đã được tri giác. Tuy nhiên, những hình ảnh đó cũng không
hoàn toàn là kết quả chủ quan xuất phát từ những hoạt động tâm trí của chủ thể
.
Biểu tượng chính là hiện
tượng chủ quan của đối tượng về hiện tượng khách quan đã được tri giác từ trước
.
Lí thuyết mô phỏng, phản ánh đã ngự trị trong
văn học phương Tây hàng nghìn năm, nhưng càng ngày người ta càng khẳng định văn
học không bao giờ là sự bê nguyên hiện thực cuộc sống vào trong tác phẩm - thế
giới nghệ thuật trong tác phẩm là một thế giới hư cấu, giống thật chứ không
phải là thật. Để tạo nên một thế giới như thế, nhà văn sử dụng nhiều yếu tố,
trong đó có những biểu tượng nghệ thuật. Tìm hiểu biểu tượng nghệ thuật sẽ góp
phần hiểu rõ hơn bản chất của việc xây dựng hình tượng trong văn học, đồng thời
giúp cho việc sử dụng thuật ngữ này được chính xác hơn. Biểu tượng là những
hình ảnh sự vật cụ thể cảm tính bao hàm trong nó nhiều ý nghĩa, gây được ấn
tượng sâu sắc đối với người đọc. Biểu tượng nghệ thuật được coi là kí hiệu thẩm
mĩ đa nghĩa, bao gồm cái biểu đạt và cái được biểu đạt. Nó chính là sự mã hoá
cảm xúc, ý tưởng của nhà văn. Biểu tượng trở thành phương tiện diễn đạt cô
đọng, hàm súc, có sức khai mở rất lớn trong sự tiếp nhận của độc giả. Những tác
phẩm sử dụng nhiều biểu tượng thể hiện sự chối từ cách viết trực tiếp giãi bày
tâm tư, tình cảm (nhất là đối với thơ ca). Những tác phẩm viết theo lối viết
biểu tượng không hề dễ đọc một chút nào.Biểu tượng mang bản chất kí hiệu, nhưng
nó khác với kí hiệu thông thường.
Một sự vật, hiện tượng được gọi là biểu tượng
khi nó đọng trong nó những ý nghĩa sâu sắc, nó được cộng đồng giai cấp, dân
tộc, nhân loại thừa nhận, nó luôn hướng về một nghĩa cố định nào đó, nhưng đồng
thời lại tiềm ẩn khả năng mở ra những ý nghĩa khác trong sự cảm nhận của con
người. Có thể nói, biểu tượng là những hình ảnh sự, vật cảm tính chứa đầy ý
nghĩa và nó càng trở nên sinh động hơn trong đời sống văn hoá, trong cảm nhận
của con người. Chẳng hạn, Ngọn lửa, trong các truyền thuyết, “là biểu tượng của
sự tẩy uế, sự toả sáng của tình yêu theo nghĩa tinh thần. Ngọn lửa là hình ảnh của
tinh thần và sự siêu việt, linh hồn của lửa. Theo nghĩa xấu và đen tối, ngọn
lửa làm cho đồi bại, gây chia rẽ, bất hoà: đó là hơi thở cháy bỏng của sự nổi
loạn, mẩu củi cháy dở dày vò của sự thèm muốn, lũ than hồng thuỷ của sự dâm ô,
tiếng nổ giết người của quả lựu đạn
Hiện nay, có nhiều định nghĩa khác nhau về
biểu tượng. Tiêu biểu là các định nghĩa của các nhà nghiên cứu Piere Emmanuel,
C.G.Jung, Trần Lê Bảo…Một số ngành khoa học cũng hình thành những khái niệm
riêng về biểu tượng như Triết học, Tân lí học, Xã hội học… mà chúng tôi thống
kê ở trên. Dù đứng trên những quan điểm và lập trường khác nhau nhưng chúng ta
vẫn tìm được điểm chung của biểu tượng. Biểu tượng là những hình ảnh của những
sự vật, hiện tượng của thế giới xung quanh, được hình thành trên cơ sở các cảm
giác và tri giác đã xảy ra trước đó được hình thành trong ý thức hay là những
hình ảnh mới được hình thành trên cơ sở những hình ảnh có trước. Biểu tượng
không hoàn toàn là thực tế bởi vì nó là sự xây dựng lạ thực tế sau khi đã được
tri giác, nhưng những hình ảnh đó cũng không hoàn toàn là chủ quan xuất phát từ
hoạt động tâm trí của chủ thể. Biểu tượng là hiện tượng chủ quan của đối tượng
về hiện tượng khách quan đã được tri giác. Biểu tượng vừa chứa đựng yếu tố trực
tiếp vừa chứa đựng yếu tố gián tiếp bởi vì nó được hình thành nhờ sự phối hợp
bổ sung lẫn nhau của các giác quan và đã có sự tham gia của các yếu tố phân
tích, tổng hợp. Chính vì thế, biểu tượng phản ánh được đặc trưng của các sự
vật, hiện tượng. Ngày nay, biểu tượng đã trở thành đối tượng nghiên cứu của
nhiều ngành khoa học như: Phân tâm học, Ngôn ngữ học, Xã hội học, Triết học và
cả Văn học.
1.2. Biểu
tượng văn hoá
Để hiểu được biểu tượng
văn hóa trước hết ta phải hiểu thế nào là văn hóa.
Văn hoá là một khái niệm mang nội hàm rộng
với nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất, tinh
thần của con người. Hiện có rất nhiều định nghĩa về văn hoá, mỗi một định nghĩa
phản ánh một cách nhìn nhận và đánh giá khác nhau. Nhà nhân loại học thì đặt
văn hoá trong mối quan hệ với dân tộc, nhà lịch sử nhấn mạnh các qúa trình kế
thừa xã hội và truyền thống đã dựa trên tính ổn định của văn hoá, nhà cấu trúc
chú trọng tới tổ chức của văn hoá,…đều đưa ra những kiến giải riêng của mình.
Một số từ điển cũng đưa ra những khái niệm về văn hoá. Những nhân vật kiệt xuất
cũng có những định nghĩa riêng về văn hoá như: F. Mayor, Hồ Chí Minh…vv…
Theo thống kê trên thế giới có khoảng 400
định nghĩa về văn hóa
Tháng 8/1943 khi còn trong nhà tù Tưởng Giới
Thạch, lần đầu tiên Hồ Chí Minh đã đưa ra định nghĩa của mình về văn hóa: “ Vì
lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát
minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học,
nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương
thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là
tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loại người
đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu của đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” [ 12, 431]
Theo từ điển tiếng Việt của Hồng Mây- Ngọc
Sương- Minh Mẫn: “ Văn hóa là những điều hiểu biết, kiến thức có trình độ cao,
biết cách cư xử”
[ 11, 860]
Theo G.S Đinh Gia Khánh: “Văn hóa là hệ thống
hữu cơ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy
qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi
trường tự nhiên và xã hội” [ 22, 10]
Nhìn trong tổng thể chúng ta thấy rằng tất cả
các khái niệm trên đều có những nét tương đồng “Văn hoá là tổng thể các giá trị
vật chất và tinh thần do con người tác động đến tự nhiên - xã hội và bản thân
trong quá trình lịch sử lâu dài. Nó tích tụ và thể hiện diện mạo, bản sắc của
cộng đồng”. Văn hoá không phải là một cái gì cụ thể, không có hình khối, không
thể sờ mò…, nhưng lại có mặt ở mọi nơi và có thể cảm nhận được không mấy khó
khăn. Bởi văn hoá chính là khuynh hướng lựa chọn, ứng xử của con người trong
quá trình sống.
Do khái niệm và nội hàm văn hoá rất rộng nên
không có thể nói rằng mình đã hiểu hết ngọn nguồn một nền văn hoá, cũng không
ai có thể khẳng định rằng mình đã chạm đến những yếu tố tận cùng của một nền
văn hoá. Vì vậy, dù chính thức khẳng định hay ngầm định các nhà nghiên cứu văn
hoá đều quan tâm đến những biểu tượng văn hoá bởi lẽ nó là đơn vị cơ bản của
văn hoá, là hạt nhân di truyền xã hội và quan trọng hơn là nó sinh ra nhờ năng
lực biểu tượng hoá của con người. Con người tư duy bằng biểu tượng giao tiếp
bằng biểu tượng và thể hiện tâm tư, tình cảm sâu kín nhất cũng như những thăng
hoa, những khát vọng của mình cũng bằng
những biểu tượng. Vì thế khi ta lí giải được những biểu tượng văn hoá có nghĩa
là ta đã tìm thấy những giá trị khoa học và nhân văn của cả dân tộc.
Hệ thống biểu tượng cũng chính là hệ thống các khuôn mẫu văn hoá, nó quy định mọi hành vi ứng xử của con
người và "hoạ
kiểu" cho lối sống.
Quá trình "giải
mã" hệ thống các
biểu tượng cũng là nhằm mục đích thấy được kiểu lựa chọn khác nhau về văn hoá
giữa cộng đồng văn hoá này với cộng đồng văn hoá khác. Mô hình lựa chọn đó sẽ
tạo nên bản sắc riêng của mỗi cộng đồng - dân tộc. Như vậy, văn hoá được hình
thành và tồn tại nhờ vào trí tuệ và sự sáng tạo ra các biểu tượng của con
người. Bản thân một sự vật hiện tượng cụ thể nào đó vẫn chưa là văn hoá, nếu
như chưa cho nó một ý nghĩa, một giá trị nào đó. Có lẽ, đó cũng là lý do để
chúng ta nghiên cứu các vật thể vật chất đã được coi như một biểu hiện của văn
hoá. Chúng là những vật thể vật chất đã được biểu tượng hoá trở thành những
biểu tượng, và được cả cộng đồng xã hội chấp nhận đồng thời được xem như là bảng giá trị định hướng của toàn thể cộng đồng, ví dụ như: biểu tượng chùa một cột, biểu tượng
tháp rùa, biểu tượng long, lân, quy, phượng
v.v.... Tóm lại, khi chưa có
một ý nghĩa nào đó được ký thác vào các vật thể thì chúng cũng chỉ là những vật
thể vật chất thông thường, có giá trị sử dụng, giá trị kinh tế hoặc giá trị
khoa học v.v... nhưng chưa nói lên được giá trị văn hoá, ví dụ: quả bom, thuốc nổ, vàng, cái quạt, cái bàn,
cái bóng đèn v.v.. có thể
mang - (b’) Ký hiệu mật ngôn (ẩn dụ) giá trị sử dụng, giá trị khoa học,
giá trị kinh tế v.v.. nhưng chưa thể khẳng định là có hàm chứa trong nó những "giá trị văn hoá" hay không, nếu một khi mục đích và
động cơ sử dụng nó không đem lại một "giá
trị nhân bản" nào
cho cuộc sống của con người. Các vật thể vật chất này, biểu thị cho một nền "văn minh".
1.3. Phân
biệt hình ảnh và biểu tượng.
Với đề tài
này, cái mà chúng tôi hướng đến chính là biểu tượng. Ở trên chúng tôi đã đưa ra
những khái niệm biểu tượng của các nhà nghiên cứu trong nước cũng như trên thế
giới đồng thời cũng đưa ra cách hiểu của bản thân mình. Tuy nhiên để có thể đi
sâu vào đề tài này và hiểu được ý nghĩa của biểu tượng thì một điều vô cùng
quan trọng đó là phân biệt được hình ảnh vả biểu tượng. Chúng ta rất dễ nhầm
lẫn giữa chúng bởi vì cả hai đều bắt nguồn từ hình ảnh, tuy nhiên không phải
bất cứ hình ảnh nào cũng là biểu tượng. Biểu tượng là một khái niệm chỉ một
giai đoạn, một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác cho ta hình ảnh của sự
vật còn giữ lại trong đầu óc sau khi tác động của sự vật vào giác quan ta đã
chấm dứt.
Hình ảnh và
biểu tượng đều có sự tương đồng là chúng đều cho ta hình ảnh của sự vật.Tuy
nhiên giữa chúng cũng mang sự khác biệt rõ nét, nếu ta không tìm hiểu kỹ thì sự
nhầm lẫn rất dễ xảy ra.
Trước hết
hình ảnh có được do chúng ta tri giác trực tiếp sự vật hiện tượng hoặc cảm
giác. Chính vì vậy hình ảnh là cái ở hiện tại. Và khi đi vào trong tác phẩm
hình ảnh đó thể hiện chính cái điều mà chủ thể tri giác được cùng với đó là tâm
tư, tình cảm, cảm xúc…
Biểu tượng
là một hình thức của nhận thức cao hơn cảm giác, nó được hình thành trên cơ sở
của cảm giác, tri giác đã xảy ra trước đó được giữ lại trong ý thức. Như vậy
biểu tượng là cấp độ cao hơn của hình ảnh, nó không thể hiện trực tiếp cái mà
chủ thể tri giác được mà đã được tôi luyện trong ý thức. Nó có thể những gì
người ta tri giác, tưởng tượng ở quá khứ hoặc tương lai. Còn đặt trong chỉnh
thể tác phẩm, biểu tượng phải là những hình ảnh được lặp đi, lặp lại nhiều lần.
Biểu tượng mang trong mình một sức gợi vô cùng lớn, ta không thể hiểu nó đơn
giản như hình ảnh. Trước hết biểu tượng phải được đặt trong chỉnh thể bài thơ
sau đó liên hệ, nối ghép nó với ý nghĩa từ cổ xưa để rồi đưa ra một ý nghĩa phù
hợp nhất. Ta có thể so sánh biểu tượng và hình ảnh theo một sơ đồ đơn giản sau:
1.4. Tác giả
Mai Văn Phấn.
1.4.1. Tác
giả Mai Văn Phấn.
Nhà thơ Mai
Văn Phấn sinh năm 1955, quê gốc Ninh Bình, định cư tại Hải Phòng hơn 20 năm.
Ông có 10 tập thơ, 1 trường ca, tiêu biểu là Đột nhiên gió thổi, Bầu trời không
mái che ( 2009- 2010), thơ tuyển Mai Văn Phấn…,là một trong những cây bút trung
niên đang độ sung sức với nỗ lực không ngừng ham muốn đổi mới thơ. Dẫu Mai Văn
Phấn chẳng sinh ra ở đây, nhưng trong chàng thi sĩ hào hoa thì hồn thơ lúc nào
cũng mọng căng gió bốn biển. Chủ nhân của những câu thơ có nhịp và vô nhịp,
nhịp sóng. Mỗi con sóng tự làm mới mình sau một lần oằn mình vươn tới. Ấy cũng
là nét đặc trưng của thơ Mai Văn Phấn. Phong vị Hải Phòng có trầm sâu của tinh
tế Hà Thành, có chân chất đằm thắm sen nhãn khoai lúa của châu thổ sông Hồng,
và gân guốc vạm vỡ vầng ngực thủy thủ trên mũi tàu hững bão. Khí chất ấy, cũng
hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn.
Mai Văn Phấn đã đạt được một số giải thưởng
văn học trong nước. Ông đã xuất bản 21 tác phẩm, trong đó 10 tác phẩm tái bản
hoặc tái bản nhiều lần có bổ sung bản Anh ngữ, Pháp ngữ hoặc Abani ngữ:
+ Giọt
nắng ( thơ, Hội Liên hiệp VHNT TP. Hải Phòng, 1992)
+ Gọi
xanh ( thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 1995)
+ Cầu
nguyện ban mai ( thơ, Nxb. Hải Phòng, 1997)
+ Nghi
lễ nhận tên ( thơ, Nxb. Hải Phòng, 1999)
+ Người
cùng thời ( trường ca, Nxb. Hải Phòng, 1999)
+ Vách
nước ( thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2003)
+ Hôm
sau ( thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2009)
+ Và
đột nhiên gió thổi ( thơ, Nxb. Văn học, 2009)
+ Bầu
trời không mái che ( thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2010)
+ Thơ
tuyển Mai Văn Phấn ( thơ cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb. Hội Nhà
văn, 2011)
+ Hoa
giấu mặt ( thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2012)
+ Vừa sinh ra ở đó (thơ, Nxb. Hội Nhà văn, 2013)
Lao động
nghệ thuật bền bỉ và mê mải của Mai Văn Phấn với thơ đã khiến người ta kinh
ngạc trước khả năng sáng tạo của ông. Năm 1992 Mai Văn Phấn công bố tập thơ đầu
tiên mang tên Giọt nắng. Đến năm
2013, sau 20 năm, 10 tập thơ nữa ra đời. Sau tập thơ thứ 10 Hoa
giấu mặt (Nxb. Hội
Nhà văn, 2012), năm 2013, song hành với việc liên tiếp cho xuất bản, tái bản
tại Hoa Kỳ, Canada, Anh, Úc và các nước châu Âu; đồng thời trên mạng phát hành
sách của Amazon các tập thơ song ngữ: Firmament without Roof Cover (Bầu
trời không mái che), Out of the Dark Out of the Dark (Buông tay cho trời rạng),
Seeds of Night and Day (Những hạt giống của đêm và ngày), thì tập thơ mới, tập thứ 11 mang tên Vừa sinh ra ở đó của ông được Nhà Xuất bản Hội Nhà văn
ấn hành (2013). Cho đến nay, rất ít nhà thơ Việt Nam có được thành công lớn như
vậy. Nói như nhà văn Bão Vũ, “Hiện tượng Mai Văn Phấn không thể coi đó là “cơ
duyên” như người ta thường nói, mà cần gọi đúng tên thật của sự việc: Đó là tài
năng.”
Để đạt được những kết quả đó Mai Văn Phấn
phải có một sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Mỗi tập thơ của ông đều mang một
điểm mới, sáng tạo không lặp lại mình và không tự mãn.
Để hiểu sâu hơn những tác phẩm Mai Văn Phấn,
chúng ta nên có cái nhìn khái quát trong quan niệm về thi ca của ông. Ông quan
niệm thế nào là thơ? Như thế nào được coi là một bài thơ hay? Tác giả mong muốn
gì ở người đọc và muốn thể hiện gì trong tác phẩm?
Với Mai Văn Phấn, ông cho rằng văn chương là
hành trình đơn độc đi tìm cái đẹp. Tác phẩm văn học trước hết quay lại hoàn
thiện nhân cách, quan niệm thẩm mĩ và định hướng cho chính nhà văn ấy. Không
những vậy, thơ ca ngoài mục đích tải đạo, tuyên truyền mô phỏng, diễn tả…nó còn
tìm cách đặt tên lại sự vật, định hình lại thế giới. Như vậy văn chương là một
hành trình vô cùng gian khổ và phải do sự nỗ lực của chính bản thân nhà văn,
nhà thơ. Những sáng tác ấy trước hết phục vụ cho chính nhà văn nhà thơ, họ vừa
thể hiện được tâm tư tình cảm đồng thời giúp họ hoàn thiện nhân cách của bản
thân mình. Theo Mai Văn Phấn, thơ ca là cầu nối giữa nhà thơ và thế giới, thơ
ca giúp cho con người trở nên cao quý thánh thiện hơn, làm cho cuộc sống tốt
đẹp hơn.
Người làm thơ luôn có
khao khát viết được những bài thơ hay để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người
đọc. Vậy làm sao để có được một bài thơ hay? Theo Mai Văn Phấn, thơ hay không
hạn chế ở đề tài, không quy định bởi trường phái, thể loại cũ hay mới, truyền
thống hay hiện đại, cũng không nhất thiết lệ thuộc vào vần điệu, dễ nhớ, dễ
thuộc mà cái hay ấy được đánh giá ở nhiều khía canh khác nhau. Và sự thành công
của bài thơ còn phụ thuộc rất nhiều vào người đọc hay cụ thể hơn là sự đồng
sáng tạo của người đọc.
Tuy nhiên để tạo nên một bài thơ hay, Mai Văn
Phấn không tập trung vào những điểm chói sáng mà hướng đến bài thơ hay trong
quan hệ chỉnh thể. Ông cho rằng đây chính là điểm khác biệt giữa thơ mới và thơ
cũ.
Đặc biệt, Mai Văn Phấn luôn coi quá trình
sáng tạo nghệ thuật là một cuộc vượt thoát chính bản thân mình. Nhà thơ phải
coi những đứa con tinh thần mình đã sản sinh ra là cái đã cũ thì mới mong đạt
đến thành công đỉnh cao trong nghệ thuật. Và bài thơ khi viết ra rồi thì không
còn thuộc về nhà thơ nữa mà thuộc về độc giả. Và nhà thơ muốn tiếp tục tồn tại
phải được tái sinh ra trong một bài thơ khác đang chờ đợi phía chân trời.
1.4.2. Tập
thơ “ Vừa sinh ra ở đó”.
“Vừa sinh ra
ở đó” là tập thơ thứ 11 của Mai Văn Phấn và được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn
hành năm 2013. Nếu Bầu trời không mái che là khoảng không mở ra vẻ đẹp cuộc sống
tự nhiên, phồn thực, sinh sôi; Hoa giấu mặt là sự ngừng lắng, tinh lọc cần thiết
để cảm nhận cái đẹp chốn thung sâu thì 18 bài thơ trong Vừa
sinh ra ở đó lại có thể lay động người đọc bởi một ý niệm: con
người liên tục được tái sinh, hồi sinh, được sinh ra từ những vẻ đẹp bình dị
quanh mình.
Chỉ với 18
bài thơ mà trong đó tràn đầy những thi ảnh và không ngừng sinh sôi: bóng tối,
ánh sáng, hoàng hôn, biển cả, doi cát, dòng mương, vườn cây, cánh bướm, bông
hoa, bầu trời, phiến đá, võ sĩ, cánh chim, lòng đất, con người... Ngôn từ và
các tứ thơ liên tục được sinh ra. Toàn tập thơ thể hiện bằng một giọng thơ
thuần khiết, trong sáng cùng với đó chủ đề thiên nhiên xuyên suốt cả tập thơ. Đọc
Vừa sinh ra ở đó,
người ta có thể choáng ngợp trước một thế giới hình ảnh, trước những bức tranh
thiên nhiên với vẻ đẹp thuần khiết hiển hiện từ những câu thơ. Từ bông hoa bé
nhỏ, tơ nhện giăng, thân cây đục rỗng, đàn vịt lội, mùi hăng sữa cỏ, hạt cây
rụng, đáy hồ lặng im đến lứa đôi "dìu nhau đi xem ban mai", đến hình
môi đức Phật (Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng).
Bức tranh cuộc sống ở đó thấm đẫm sự trong lành, tinh khôi, mới mẻ dù là cụ thể
hay trừu tượng. Song nó hấp dẫn người ta ở chỗ, thi sĩ đã là một phần trong bức
tranh đời sống ấy.
Vừa sinh ra
ở đó thể hiện ước muốn nâng niu, gìn giữ, tái sinh và vươn lên trong ánh sáng
tự nhiên như mầm cây. Con người sẽ liên tiếp được tái sinh, được sinh ra từ
những điều vô cùng bình dị. Thơ ca cũng được sinh ra ở đó. Phần đa những bài
thơ của ông đều hướng vào bên trong nội tâm
và phơi bày ra một con người giằng xé, đau đớn trong bản ngã cuộc đời. Thơ
ông luôn hướng vào việc đề cao và hoàn thiện những phẩm chất tốt đẹp của con
người. Đó là một cuộc chiến đấu tay đôi giữa ánh sáng và bóng tối, cuối cùng
chiến thắng, vinh quang thuộc về ánh sáng huy hoàng.
Tập thơ cũng
có hình thức vô cùng độc đáo. Một số bài thơ có hình thức phân đoạn cũng liên
tục thay đổi. Lúc thì đánh số thứ tự các khúc thơ (Tỉnh dậy trong mưa, Tĩnh lặng), lúc thì các phân khúc
ấy được cách nhau bằng dấu *,
@ (Quang phổ, Giấc mơ cây).
Việc phân khúc thơ ấy không mới nhưng nó thể hiện ý thức của Mai Văn Phấn.
Tiểu kết
Trong chương
I, chúng tôi đã đề cập đến những vấn đề lý luận chung của đề tài. Qua việc chỉ
ra và làm sáng rõ những khái niệm về biểu tượng ở trong nước cũng như nước
ngoài chúng tôi đã mạnh dạn đưa ra cách hiểu về khái niệm biểu tượng. Ngoài ra,
biểu tượng văn hóa cũng được tập chung làm sáng tỏ. Cùng với đó, sự giống nhau
và khác biệt giữa hình ảnh và biểu tượng đã được chỉ ra và làm sáng rõ. Bên
cạnh đó, tác giả Mai Văn Phấn cũng được tái hiện qua những nét phác họa cơ bản
về cuộc đời, sự nghiệp, quan niệm về văn chương…Kết quả nghiên cứu của chương I
sẽ là cơ sở để chúng tôi triển khai và phân tích chương II của đề tài này.
Chương 2
BIỂU TƯỢNG TRONG THƠ MAI VĂN PHẤN
2.1. Biểu tượng ánh sáng, ngọn lửa, ban mai
trong thơ Mai Văn Phấn
Ba biểu tượng ánh sáng, ngọn lửa, ban mai
cùng một trường nghĩa nên chúng tôi xếp trong cùng một mục để tiện cho việc
khảo sát. Khảo sát tần số lặp lại của các biểu tượng này trong thơ Mai Văn
Phấn, người đọc có thể thấy nó giữ một vị trí quan trọng (Xem phụ lục)
2.1.1. Ý
nghĩa gốc của các biểu tượng trong từ điển.
Ánh
sáng: Trong Từ
điển biểu tượng văn hóa thế giới của Jean Chevalier và Alain
Gheerbrant, biểu tượng ánh sáng được giải thích với những ý nghĩa chính như
sau:
Ánh sáng được liên hệ với bóng tối, để tượng
trưng cho những giá trị bổ sung hoặc thay phiên nhau trong một quá trình biến
đổi. Quy luật này được xác minh trong những hình ảnh của Trung Hoa cổ sơ, cũng
như của nhiều nền văn minh khác. Ý nghĩa của nó là, cũng như trong đời người
của mọi cấp độ, một thời đại đen tối sẽ được nối tiếp, trên mọi bình diện vũ trụ,
bằng một thời đại sáng láng, trong sạch được phục hưng. Ý nghĩa biểu trưng của
sự thoát ra khỏi bóng tối ấy được lặp lại trong các nghi thức thụ pháp, cũng
như trong huyền thoại về cái chết, về tấn kịch sinh trưởng của thực vật hoặc
trong quan niệm về các chu kỳ lịch sử.
Những thành ngữ như ánh sáng thần thánh hoặc
ánh sáng tinh thần cho thấy nội hàm biểu trưng rất phong phú ở Viễn Đông. Ánh
sáng là nhận thức: ở Trung Quốc chữ minh
cũng có nghĩa kép , tổng hợp ánh sáng của mặt trời và mặt trăng, đối với những
người theo đạo Phật ở Trung Quốc, minh có nghĩa là giác ngộ; trong đạo Hồi ánh
sáng về thực chất đồng nhất với trí tuệ.
Ánh sáng tiếp theo bóng tối, trong trật tự
biểu hiện vũ trụ cũng như là trong trật tự Khải ngộ nội tâm. Ánh sáng và bóng
tối, nói một cách chung hơn, là một mặt phổ biến được biểu đạt chính xác bằng
sự song hành của dương và âm. Rút cục đây là những mối tương liên không tách
rời được, điều này được biểu thị bằng hình âm dương, trong đó âm chứa đựng dấu
vết của dương và ngược lại. Trong đạo Thiện, sự đối lập ánh sáng- bóng tối là
giữa Ormuzd và Ahrimen; ở phương Tây là giữa thiên thần và ác quỷ; ở Ấn Độ,
giữa các Deeva và Asura; ở Trung Quốc, giữa các thế lực thiên và địa. Đất có
nghĩa là bóng tối, trời có nghĩa là ánh sáng.
Trong truyền thống của người Celtes, ánh sáng
tượng trưng cho sự can thiệp của thần linh trên trời. Ánh sáng là một biểu hiện
của các sức tạo nên sự sống dồi dào của thần Ouranos. Trong nhiều huyền thoại
Trung Á, ánh sáng được nhắc đến hoặc như nguồn nhiệt đem lại sự sống, hoặc như
nguồn lực nhập vào bụng người đàn bà.
Ở Trung Quốc, nhiều vị anh hùng hoặc người
sáng lập ra triều đại ra đời sau khi một ánh sáng huyền diệu tràn ngập phòng
khuê của người mẹ.
Nếu ánh sáng mặt trời biểu hiện uy trời, nỗi
lo sợ và niềm hy vọng của con người, thì nó cũng không tỏ ra là một dữ liệu bất
biến. Nó có thể biến mất và sự sống sẽ biến theo. Ánh sáng trời là cứu tinh của
người và vì vậy người Ai Cập cho khâu trên vải niệm họ một lá bùa tượng trưng
cho mặt trời.
Trong truyền thuyết đạo Hồi, ánh sáng trước
hết là biểu hiện của thánh thần [2, 11]
Ngọn lửa: Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới
của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, biểu tượng Lửa được giải thích với
những ý nghĩa chính như sau:
Trong tất cả các truyền thuyết, ngọn lửa là biểu tượng của sự tẩy uế, sự tỏa sáng và
tình yêu theo nghĩa tinh thần. Ngọn lửa là hình ảnh của tinh thần và của sự
siêu việt, linh hồn của lửa.
Theo nghĩa xấu và đen tối, ngọn lửa làm cho
đồi bại gây chia rẽ bất hòa: đó là hơi thở cháy bỏng của sự nổi loạn, mẩu củi
cháy dở dày vò của sự thèm muốn, lò than hồng thiêu hủy của sự dâm ô, tiếng nổ
giết người của quả lựu đạn.
* Lửa - bản thể: Ý nghĩa bản thể lửa
trong văn hóa nhân loại được tri nhận và lí giải tương đối phong phú. Theo Giáo
thuyết Hindu, những dạng lửa của thế giới trần gian là: lửa thông thường, lửa
sấm sét và mặt trời. Ngoài ra còn có hai dạng lửa khác: lửa xuyên thấu hoặc lửa
hấp thụ và lửa hủy diệt. Theo Kinh Dịch, lửa ứng với phương Nam, màu đỏ, mùa
hè, trái tim…
* Lửa -
thần thánh: Ý nghĩa siêu nhiên của lửa trải rộng từ những linh hồn lang thang
(ma chơi, đèn lồng Viễn Đông) đến Anh linh thần thánh (Brahma với lửa là một).
Nhiều nền văn hóa trên thế giới coi lửa là một vị thần có sức mạnh siêu nhiên.
Trong các tôn giáo Ariăng ở châu Á và Kitô giáo, lửa là vị thần sống và tư duy.
* Lửa -
tẩy uế và tái sinh: Ý nghĩa tẩy uế của biểu tượng lửa thường gắn liền với sự
tái sinh. Theo một số truyền thuyết, chúa Ki tô (và các thánh) tái sinh cơ thể
bằng cách đi qua lò lửa của xưởng rèn. Những người theo Đạo giáo bước vào lửa
để tự giải phóng khỏi thân phận mà con người phải chịu đựng. Họ bước vào lửa mà
không bị thiêu cháy. Trong Popol-Vul, hai Anh hùng song sinh, hai vị thần ngô,
đã chết trên giàn thiêu bởi kẻ thù, không có gì để tự vệ rồi sau đó tái sinh
hóa thân thành những đọt ngô xanh. Các cổ thư của người Ailen nhắc đến ngày hội
Beltaines. Vào ngày 1-5, khởi đầu mùa hè, các giáo sĩ đốt những đống lửa cho
gia súc đi qua đó để phòng ngừa các bệnh dịch.
* Lửa -
hủy diệt: Ý nghĩa hủy diệt của biểu tượng lửa thể hiện: nó làm tối và chết ngạt
bởi khói của nó; nó đốt cháy, tàn phá, thiêu hủy: lửa của những dục vọng, của
sự trừng phạt, của chiến tranh. Và theo đó, lửa trong tay ma quỷ lửa trở thành
công cụ của quỷ.
* Lửa- giác ngộ: Lửa bên trong, lửa là tri thức xuyên
suốt, là sự giác ngộ là sự hủy bỏ cái vỏ bọc ngoài. Theo sự giải thích phân tâm
học của Paul Diel, lửa đất tượng trưng cho trí khôn, nghĩa là ý thức, với tất
cả tính hai chiều đối nghịch của nó: ngọn lửa bốc lên trời thể hiện khí thế
hướng tới sự thăng hoa tinh thần; ngọn lửa chao đảo biểu thị trí khôn, tinh
thần sao nhãng.
* Lửa -
phương tiện vận chuyển: Một số nghi lễ hỏa táng có nguồn gốc ở sự chấp nhận lửa
như là một phương tiện vận chuyển, hay là sứ giả, từ thế giới người sống sang
thế giới người chết. Cũng vậy, trong một số lễ tưởng niệm người chết, người
Téléoute đi thành dòng ra nghĩa địa, ở đó người ta đốt hai đống lửa, một ở đầu
quan tài, một ở phía chân. Người ta đặt phần thức ăn dành cho người chết vào
đống lửa trên đầu quan tài, ngọn lửa có nhiệm vụ chuyển đồ cúng đó cho người
chết.
* Lửa -
giới tính:Ý nghĩa giới tính của lửa liên hệ một cách phổ biến với kĩ thuật đầu
tiên thu được lửa do cọ xát bằng cách lui-tới, hình ảnh của hành động tính
giao. Mircéa Eliade nhận xét: Lửa thu được bằng cọ xát được như là kết quả (con
cái) của sự chung đụng giới tính.” [2, 132]
Ban mai: “Trong kinh thánh từ này chỉ thời khắc của những ân huệ thánh thần và công lý loại người. Nó
tượng trưng cho thời gian khi ánh sáng còn trong sạch cho những sự khởi đầu
chưa có gì hư hỏng, đồi bại hoặc mất tín nhiệm. Ban mai là biểu tượng vừa của
trong sạch vừa của hứa hẹn: đó là giờ phút của cuộc sống thiên đường . Đó là
giờ phút của niềm tin bản thân, ở người khác, ở cuộc đời.” [ 2, 51 ]
2.1.2. Khảo
sát vị trí của biểu tượng trong một số bài thơ.
2.1.2.1. Ánh sáng.
Ở phần trên, chúng tôi đã làm rõ ý nghĩa của
các biểu tượng trong từ điển, trong đó có biểu tượng ánh sáng. Vậy ánh sáng mà
tác giả Mai Văn Phấn sử dụng trong tác phẩm của mình có mang những ý nghĩa nội
hàm như vậy hay không?. Để làm sáng tỏ điều đó ta phải vào sâu bên trong tác
phẩm để phân tích những tầng ý nghĩa ẩn chứa trong biểu tượng.
Qua khảo sát hai tập thơ của Mai Văn Phấn
“Vừa sinh ra ở đó” và “thơ tuyển Mai Văn Phấn” biểu tượng “ánh sáng” xuất hiện
56 lần. Với tần số xuất hiện dầy đặc như vậy liệu rằng ý nghĩa của nó ở mỗi bài
thơ có trùng lặp và giữ nguyên ý nghĩa gốc không hay có sự thay đổi? Chúng ta
sẽ đi vào cụ thể tác phẩm để làm sáng tỏ vấn đề này.
“Tôi
nhìn thấy trên đỉnh đồi
Một bông cỏ may vừa nở
Ánh sáng phát ra từ đó
Bình minh đang phát ra từ đó
Soi rõ chân đồi, lối ra bìa rừng
Những con chim bay đi buổi sớm
Tôi cũng vừa thoát khỏi ký ức của tôi
Không phải nơi nào khác
Mà chính từ bông cỏ may kia
Đang làm nên một ngày tuyệt đẹp
Tôi rảo bước đến quán café gần nhất
Đợi người đàn bà của tôi
Và nhìn rất lâu và phía ngọn đồi
Đúng, rất đúng
Tất cả chúng ta vừa sinh ra ở đó”. [ 20, 11]
Trong từ điển biểu tượng văn hóa thế giới ánh
sáng được hiểu: thứ nhất đó là sự liên hệ với bóng tối, thay phiên nhau với
bóng tối. Thứ hai thể hiện sự can thiệp của thần linh và cuối cùng là sự cứu
tinh cho con người. Ở bài thơ này ta thấy hình ảnh “bông cỏ may vừa nở” là dấu
mốc cho tất cả sự sinh sôi, phát triển của những sự vật tiếp theo: từ bông cỏ
may ấy mà ánh sáng phát ra- ánh sáng đánh dấu cho sự sống, sự phát triển. Cái
nhìn của tác giả đã xuyên thấu và phát hiện ra nơi có sự sống, sự phát triển đó. Nó
như có một lực hút vô định kéo theo “bình minh” – một ngày mới trong trẻo, với
những mơ ước mới, hạnh phúc mới. Tất cả đã kết hợp lại thành một sức mạnh để
làm soi sáng và sống dậy cả ngọn đồi “những con chim bay đi buổi
sớm”. Ánh sáng đánh dấu một sự sống, nó giống như một đợt sóng
cuồn cuộn tác động làm cho các sự vật xung quanh cũng dần dần hòa theo sự sống
ấy. Như vậy, trong bài thơ này biểu tượng “ánh sáng” mang trong mình ý nghĩa là
sự sống, sự sinh sôi, nảy nở. Những gì tri giác được đã thức tỉnh nhân vật trữ
tình- “tôi” cũng hòa theo ánh sáng ấy, cũng chứng minh sự sống, phát triển của
mình bằng một hành động vô cùng nhanh, mạnh “rảo bước”. Có lẽ con người ấy đã
được thức tỉnh một cách vô cùng mạnh mẽ, nhận ra rằng tình yêu, gia đình chính
là sự sống của mình, vì vậy tác giả đã rảo bước thật nhanh đến quán café gần
nhất để “đợi người đàn bà của tôi”
Ánh sáng còn tượng trưng cho sự sống, cứu
tinh cho cuộc sống con người. Sau những bộn bề của cuộc sống, những lo toan vất
vả hàng ngày, hình ảnh bông cỏ may nở như làm cho tâm hồn của con người trẻ
lại, được hồi sinh lại. Từ con người vất vả với cuộc sống bộn bề giờ như trở
lại thành đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên không suy nghĩ lo âu.
Bài thơ số 19 trong “Tĩnh lặng” cũng xuất hiện biểu tượng “ánh sáng” với một ý nghĩa vô
cùng độc đáo.
“Ánh sáng
Chẻ dọc thân cây
Bên này màu vàng
Nửa kia tím thẫm
Một phía vỏ cây trơn nhẵn
Phía khác xù xì
Nhựa hai bên cũng khác
Trắng và đen
Nhắm mắt thở nhẹ
Cây đang lớn
Hai nửa cây cùng một màu hoa
Nở chi chít dọc lưỡi rìu ánh sáng.” [20, 100]
Theo nghĩa đen, ánh sáng trong bài thơ hiện
lên với vai trò là ranh giới để phân biệt giữa hai mặt sáng và tối “Bên này màu
vàng. Nửa kia tím thẫm”. Ánh sáng chia thân cây làm hai nửa: một bên màu vàng,
nhẵn, trắng, một bên tím thẫm, xù xì, đen. Ánh sáng như một ranh giới vô cùng
mong manh và hai nửa thân cây ấy có thể dễ lẫn vào nhau, khó lòng phân biệt.
Đó là lớp nghĩa đen, ngoài lớp nghĩa đen đó
còn có lớp nghĩa bóng ẩn sau- là lớp nghĩa mà tác giả muốn gửi gắm sâu sắc tới
người đọc. Mỗi con người đều chia làm hai phần: phần con và phần người giống
như cái cây được chia làm hai nửa sáng và tối. Nửa sáng là của phần người: con
người biết suy nghĩ, sống lương thiện, yêu thương mọi người. Nửa tối là của
phần con: phần dành cho những việc ác, việc xấu. Ánh sáng ở đây đóng vai trò là
“ lưỡi rìu” công lý, lương tâm- ánh sáng soi chiếu cho con người để phân biệt
giữa hai mặt tốt và xấu. Và ranh giới này mong manh vô cùng, phần người rất dễ
bị phần con lấn át nếu con người không suy nghĩ chính chắn; cẩn thận, sống
buông thả. Sự thật là trong cuộc sống này đã có rất nhiều người mắc phải sai
lầm ấy. Hai mặt sáng và tối này sẽ theo con người ta suốt cả cuộc đời, chúng
luôn ngự trị trong con người. Chính vì vậy con người phải phát huy mặt sáng,
đẩy lùi mặt tối để tạo nên những “màu hoa” đẹp cho cuộc đời.
Trong bài thơ “Nghi lễ cuối
cùng”, Mai Văn Phấn cũng đưa vào tác phẩm của mình biểu
tượng ánh sáng. Vậy để khám phá ánh sáng ở đây mang những ý nghĩa gì đặc biệt,
chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ý nghĩa của bài thơ.
Hai
từ nghi lễ gợi cho ta cảm giác có một sự trang trọng mà uy nghiêm. Nhưng tại
sao tác giả lại gọi đó là nghi lễ cuối cùng? Và nó dành cho ai?
“Ánh sáng đã ngủ yên
Ta đang hồi sinh
Trong vòng tay của đêm”
Ở
đây biểu tượng ánh sáng đã được tác giả đặt trong vai trò đối lập với bóng tối.
Ánh sáng đã ngủ yên là cách nói ví von để làm nổi bật lên hình ảnh ánh sáng ban
ngày đã tắt hẳn giống như một người ngủ say và chỉ còn biết đến giấc ngủ của
mình. Và thay vào đó là sự ngự trị của bóng đêm. Trong màu đen của màn đêm ấy
xuất hiện hình ảnh con người- con người đang hồi sinh dần dần . Tại sao người
đó không hồi sinh trong ánh sáng mà lại hồi sinh trong bóng tối của màn
đêm ? Cuộc sống hàng ngày với biết bao bon chen, bộn bề nhiều lúc con
người ta phải sống trái với bản thân mình mới có thể tồn tại được, ngoài mặt
cười nhưng trong lòng chưa chắc đã muốn. Nhưng cuộc sống cứ phải như vậy, con
người thật của họ chỉ trỗi dậy khi màn đêm xuống- họ mới sống đúng với bản thân
mình.
Cái
tài của tác giả là ông luôn luôn cho ánh sáng và bóng tối sánh vai nhau để làm
nổi bật lên vai trò của một trong hai đối tượng ấy.Qua đó ta thấy được sự đau
đớn, tái tê, giằng xé trong tâm hồn của một con người giữa hai mặt sáng và tối.
Ánh sáng đã làm nền cho bóng tối và không gian ấy đã trở thành phương tiện cho
con người trỗi dậy, nhận lại chính mình.
“Như có lá mầm
Nở trong nụ hôn
Tiếng em gọi vang
Nơi bến xưa
Miệng chum
Bờ vực…”
Màn
đêm đã ru con người vào những giấc ngủ say. Trong giấc ngủ ấy tình yêu đã trỗi
dậy mãnh liệt, tình yêu như thức tỉnh sự sống trong anh và em. Chính tiếng gọi
của tình yêu đã giúp nhân vật trữ tình thoát khỏi con đường cùng, sự nguy hiểm,
tối tăm, trói buộc và đặc biệt là cõi chết “miệng chum,
bờ vưc, màn âm dương”. Con ngưới ấy bắt đầu sống lại, bắt đầu hồi sinh
“Chạm bờ ánh
sáng
Anh quỳ xuống
Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần
Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ
Em dịu dàng rửa tội cho anh”
Hình ảnh ánh sáng lại tiếp tục xuất hiện, đó
là ánh sáng của đức tin, sự cứu rỗi linh hồn. “Anh” đã đón nhận ánh sáng ấy với
tất cả lòng thành kính của bản thân mình. Tình yêu mang trong mình sự trong
lành, tinh khiết, đầy phép màu và nó đã đưa con người ra khỏi bờ vực, cái chết.
Cuối cùng ta cũng đã khám phá ra nghi lễ cuối cùng ấy là gì, đó là nghi lễ rửa
tội. Tình yêu đã cứu vớt cho “anh” không những vậy tình yêu còn đem đến sự
trong lành, tinh khiết cuốn đi mọi tội lỗi trong con người.
Trong giới hạn của đề tài này thì chúng tôi
chỉ khảo sát biểu tượng ánh sáng qua một
số bài thơ tiêu biểu của tác giả Mai Văn Phấn. Qua đó ta thấy: từ ý nghĩa gốc
của biểu tượng ánh sáng trong “Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới” khi đến với
tác giả đã có sự biến đổi sâu sắc, đặc biệt là khi đến với người đọc. Có những
trường hợp ánh sáng giữ nguyên ý nghĩa gốc của mình như trong từ điển. Chẳng
hạn như “ánh sáng” xuất hiện trong phần đầu bài thơ “Nghi lễ cuối cùng” . Nhưng
cũng có trường hợp ánh sáng mang trong mình vai trò là ranh giới để phân biệt
giữa sáng và tối, giữa phần con và phần người trong một con người. Nó không còn
giữ ý nghĩa liên hệ với bóng tối thay phiên với bóng tối, sự can thiệp của thần
linh nữa. Mà đó là ánh sáng của sự sinh sôi nảy nở, của sự sống và cứu tinh cho
linh hồn con người.
Như vậy đây là biểu tượng phái sinh: ý nghĩa
của biểu tượng ánh sáng từ ý nghĩa
gốc khi đặt vào bài thơ và khi đến với người đọc đã có sự thay đổi. Qua đó ta
cũng thấy được tài năng của nhà thơ: Mai Văn Phấn đã vận dụng một cách linh
hoạt những biểu tượng để thể hiện ý đồ nghệ thuật của mình. Ý nghĩa các biểu
tượng không hề trùng lặp và tác giả cũng không hề quy định một ý nghĩa cụ thể
nào cho tác phẩm của mình. Vì ông quan niệm người đọc đồng sáng tạo với tác giả
nên họ có thể hiểu theo nhiều cách hiểu khác nhau theo trải nghiệm và hiểu biết
của bản thân mình.
2.1.2.2. Ngọn lửa.
Bên cạnh biểu tượng ánh sáng, ngọn lửa cũng
là một biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn, với tần số xuất hiện là 40 lần. Trong
biểu tượng văn hóa thế giới, ngọn lửa tượng trưng cho sự tẩy uế, tỏa sáng và
tình yêu.
“Anh về không xao động gió
Trời trong như nước đánh phèn
Vườn em, chờ không trút lá
Chuồn chuồn ngóng đậu ngoài hiên
Nhìn nhau tựa hai giọt nước
Tan vào những khoảng vu vơ
Cùng góp với ai ngọn lửa
Dẫu là mình thành lá khô
Theo em lạc vào vườn xưa
Nơi các thiên thần đã ngự
Nhớ thương cả lúc anh về
Lòng em cũng thành xứ sở”. [21, 70]
Toàn bài thơ toát lên tình cảm của “anh” và
“em”- tình cảm dồn nén sau quãng thời gian xa cách. Nó giống như một
mảnh vườn đầy sắc hoa thơm.
“Anh về không xao động gió
Trời trong như nước đánh phèn
Vườn em chờ không trút lá
Chuồn chuồn ngóng đậu ngoài hiên”
Có lẽ “anh” và “em” đã phải cách xa nhau một
quãng thời gian dài, giờ đây được trở về gặp lại hình bóng người thương. Nhân
vật trữ tình muốn dành cho người mình yêu một sự bất ngờ, nhưng ngược lại người
bất ngờ chính là “anh”. Theo quy luật của tự nhiên đến mùa thu cây bắt đầu rụng
lá để rồi ủ mầm đến mùa xuân ra lộc đâm hoa. Nhưng vườn em “chờ không trút lá”,
qua đó ta thấy được ở “em” hiện lên sự đợi chờ, sự hi sinh, mong mỏi, nhẫn
nhịn, thủy chung…đó là tất cả những đức tính tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Tất cả đã làm cho anh như vỡ òa.
Anh nguyện cùng góp với em “ngọn lửa” – ngọn
lửa tình yêu, ngọn lửa hi vọng, dù biết tình cảm là thứ vô cùng mong manh, dễ
mất và cuộc đời mình là hữu hạn. Nhưng khi hai người đã quyết tâm cùng nhau góp
lên ngọn lửa tình yêu thì tình cảm ấy sẽ mãi vững bền.
“Nhìn nhau tựa hai giọt nước
Tan vào những khoảng vu vơ
Cùng góp với ai ngọn lửa
Dẫu là mình thành lá khô”
Mỗi khi ta buồn giọt nước mắt như dòng nước
bào mòn đi nỗi buồn ấy, nhưng khi vui người ta cũng dùng nước mắt để thể hiện
tình cảm của mình. Bốn con mắt nhìn nhau ngỡ ngàng, vui mừng và dưng dưng hàng
lệ. Tất cả hình bóng người thương đều thu vào trong đôi mắt ấy, qua hàng lệ họ
nhìn thấy nhau tựa như hai giọt nước. Nhưng đồng thời hình ảnh giọt nước còn
cho thấy: họ mỏng manh, ngỡ ngàng tới mức có thể vỡ òa. Hình ảnh ngọn lửa xuất
hiện trong bài thơ tượng trưng cho tình yêu bùng cháy, tỏa sáng, sưởi ấm tâm
hồn cho anh và em. Tình yêu của hai người đã cùng chụm lại để thành một tình
yêu lớn làm cho họ ấm áp hạnh phúc. Cả hai như sưởi ấm cho nhau bằng ngọn lửa
tình yêu của mình.
“Gió sông Nhuệ thổi mạnh
Miết xuống vòm cây
Khoảnh khắc cuối ban mai
Căng ngang trời đại lộ trong suốt
Đất đai, mặt hồ đẫm ướt
Che kín dấu chân
Tìm khắp cánh đồng không thấy
trên lớp lá thu còn một chiếc giày
Chắc giờ này bạn đã gặp mẹ
Câu thơ mở trái tim đau
Ngọn lửa thiêu đốt
Mỗi cuối thu
Những bờ sương nước…” [20, 76]
Bài thơ là nỗi niềm tiếc thương của tác giả
dành cho nhà thơ Dương Kiều Minh. Trước sự ra đi mãi mãi của bạn, tác giả đã
mượn lời thơ để nói lên tình cảm, cảm xúc của mình “câu thơ mở trái tim đau”,
trái tim đau nhói không biết tâm sự cùng ai đã bật lên thành những vần thơ xót
xa vô hạn.
Hai câu thơ mở đầu xuất hiện hình ảnh thiên
nhiên với gió gào thét dữ dội đổ xuống những ngọn cây. Nó như báo hiệu một biến
cố lớn lao đang xảy ra- đó là sự ra đi của một người bạn. Hình ảnh “ngọn lửa”
liệu có còn giữ nguyên vẹn ý nghĩa biểu tượng như ban đầu: tẩy uế, tình yêu,
tỏa sáng? Ngọn lửa thiêu đốt trái tim nhà thơ là ngọn lửa của tình bạn, của sự
xót thương, luyến tiếc khi mất đi một người bạn thơ. Làm sao để nói hết những
đau buồn trong trái tim khi không có người hiểu vì bạn đã mãi rời xa. Nhà thơ
đã trải nỗi buồn ra trang giấy cho nỗi đau thấm vào từng chữ, từng dòng.
Qua khảo sát chúng ta thấy hình ảnh ngọn lửa
đã có sự thay đổi mạnh mẽ, nó không còn mang ý nghĩa ban đầu mà đã có sự thay
đổi, biến đổi. Ở mỗi bài thơ tác giả đều thể hiện một tâm trạng, suy nghĩ khác
nhau, biểu tượng “ngọn lửa” cũng được sử dụng với những ý đồ nghệ thuật riêng. Đó
có thể là ngọn lửa thể hiện tình yêu, sự tỏa sáng, khao khát được sưởi ấm cho
nhau bằng tình yêu của mình. Nhưng cũng có thể đó là ngọn lửa của tình bạn, sự
xót thương đang bùng cháy mãnh liệt trong lòng nhà thơ như trong bài “Rời tay
để bạn đi”.
Để cảm nhận được hình ảnh ngọn lửa mang ý
nghĩa gì chúng ta phải đặt nó vào chỉnh thể bài thơ. Như ta biết biểu tượng
được nhà thơ sử dụng để làm nổi bật nội dung bài thơ. Nhưng đồng thời toàn bộ
chỉnh thể bài thơ với những câu chữ, hình ảnh cũng tác động ngược trở lại để
làm rõ biểu tượng.
Qua phân tích các biểu
tượng chúng ta cũng phần nào thấy được tài năng của Mai Văn Phấn. Tài năng
ấy thể hiện ở việc tác giả sử dụng linh
hoạt ý nghĩa của biểu tượng. Cùng một biểu tượng nhưng ở mỗi bài thơ khác nhau
lại mang một ý nghĩa khác nhau. Đặc biệt hơn ý nghĩa đó không dừng lại ở nghĩa
gốc mà tạo ra nghĩa phái sinh, điều này đã góp phần làm cho tác phẩm được mở
rộng một cách tối đa nhất cùng với đó là sự đồng sáng tạo của độc giả.
2.1.2.3. Ban mai.
Trong từ điển biểu tượng văn hóa thế giới “
ban mai” tượng trưng cho thời gian khi còn trong sạch, đồng thời nó cũng tượng
trưng cho sự hứa hẹn. Đây là biểu tượng được Mai Văn Phấn sử dụng với tần số
khá nhiều: 50 lần (xem phần phụ lục). Dưới đây là sự khảo sát trong một số bài
thơ để xem liệu rằng biểu tượng còn giữ nguyên ý nghĩa hay có sự thay đổi.
“Ta gần nhau thêm
Trước khi ban
mai trong suốt kéo lên
Bóng cây chợt tỉnh hoa xòe
Con nhện nước làm tổ trong rơm rạ mục
Rễ cỏ hương bài
Lòng đất quặn sâu
Nước chảy
Cứ chảy
Giữ đôi ta lại
Mỗi nụ hôn mở thêm cánh cửa
Níu chặt tay nhau
Bám chặt tay nhau
Không thất lạc
Bỡ ngỡ cùng cơn mưa nặng hạt
Nhận ra đôi tay bé thơ
Bàn chân chập chững
Đi lên đất
Hình như ngày đã muộn
Vẫn dìu nhau đi xem ban mai.” [20, 18]
Qua bài thơ, ta hình dung ra được hình ảnh
hai người gặp gỡ nhau trong đêm. Phải nói rằng họ ước muốn giữ mãi giây phút êm
đẹp ấy, muốn sát lại gần nhau. Trong bài thơ “ Giận hờn” nhà thơ Xuân Diệu đã
viết:
“Có một bận em ngồi xa anh quá
Anh bảo em ngồi xích lại gần hơn
Em xích gần thêm một chút anh buồn
Em ngoan ngoãn xích gần thêm chút nữa”
Qua đó ta cũng hiểu được “ta gần nhau thêm”
là hình ảnh của đôi tình nhân. Họ muốn sát nhau hơn để cảm nhận hơi ấm của tình
yêu bùng cháy trước khi ban mai trong suốt kéo lên. Biểu tượng ban mai xuất
hiên ở đầu bài thơ mang
ý nghĩa đánh dấu một khoảng thời gian khi bước vào ngày mới. Ban
mai thay thế chỗ của bóng tối và kéo theo là hoạt động của chim muông, cây
cỏ…Tình yêu là tất cả những gì ngọt ngào nhất, say đắm, lãng mạn nhất và nhân
vật trữ tình muốn níu giữ từng giây, từng phút của tình yêu êm đẹp ấy. Tình yêu
dẫn con người ta đến những chân trời mới, với những cảm xúc mới. Mỗi ngày mới
đến, tình yêu như mở thêm những cánh cửa dẫn họ đến khắp mọi chân trời, vẽ ra
trước mắt họ những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.
“Mỗi nụ hôn mở thêm cánh cửa
Níu chặt tay nhau
Bám chặt tay nhau
Không thất lạc”
Trước những tác động của cuộc sống này, tình
yêu muốn được vững bền phải cần sự nỗ lực, cố gắng của cả hai bên. Câu thơ như
một triết lý trong tình yêu: chỉ có tình yêu thực sự mới tồn tại và để có sự
vững bền thì cả hai người đều phải cố gắng “níu chặt tay nhau”.
Biểu tượng ban mai khép lại bài thơ cùng với
hình ảnh vẫn ở sát cạnh nhau, dìu nhau. Qua đó biểu tượng thể hiện niềm mong
ước một ngày mới với niềm vui mới, một cuộc sống hứa hẹn sự tốt đẹp, hạnh phúc.
“Len qua những cái bẫy giăng trong giấc mơ,
cùng ban mai về bên khung cửa.
Ánh ngày phủ vạt cỏ vừa thức dậy. Mở sân chơi trên mặt đất buồn. khoảnh khắc
sớm mai chỉ đến một lần, không thể chọn những trò chơi cũ. Tôi đang dang tay
cho nắng mới thả xuống từng sợi dây cáp, trườn qua vực sâu tới bờ bên kia”
Sau những cơn mơ dài với “những cái bẫy
giăng”, chứng tỏ đó là một giấc ngủ không mong đợi với những cơn ác mộng liên
miên. Và ban mai đánh dấu một khoảnh khắc mới- khoảnh khắc một ngày mới đã lên
thay thế cho màn đêm u tối. Khi ánh sáng của ban mai xuất hiện thì cây cỏ cũng
tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài. Chúng bắt đầu hoạt động của mình: đùa giỡn cùng
gió, chim muông… Ban mai đã dẫn con người tới một khung trời mới với màu sắc
xanh tươi, cây cỏ lá hoa chen nhau đua nở.
Từ ý nghĩa gốc khi đặt vào hoàn cảnh bài thơ,
có trường hợp biểu tượng giữ nguyên ý nghĩa ban đầu: tượng trưng cho khoảnh
khắc bắt đầu bước vào một ngày mới với sự trong sạch, thanh khiết. Nhưng cũng có khi nó thay thế hoàn
toàn ý nghĩa cổ xưa: thể hiện sự hứa hẹn, hi vọng vào một ngày mới với những
niềm vui mới, cảm xúc mới. Từ ý nghĩa ban đầu khi đi vào bài thơ tác giả đã có
sự thay đổi để phục vụ cho mục đích sáng tạo của mình. Với thơ hậu hiện đại,
người đọc chính là người đồng sáng tạo với tác giả. Khi tác phẩm tới tay người
đọc, tác giả đã hết vai trò của mình. Nhà thơ chỉ là người sáng tác, còn sự cảm
nhận phụ thuộc vào chính người đọc
2.2 Biểu
tượng nước trong thơ Mai Văn Phấn
2.2.1. Ý
nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển.
Trong Từ điển biểu tượng văn hóa thế
giới của Jean Chevalier và Alain Gheerbrant, biểu tượng nước được giải
thích với những ý nghĩa chính như sau:
Những ý nghĩa tượng
trưng của nước có thể quy về ba chủ đề chiếm ưu thế: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy, trung tâm tái sinh. Ba chủ đề
này thường gặp trong những truyền thuyết cổ xưa nhất và hình thành những tổ hợp
hình tượng đa dạng nhất và đồng thời cũng chặt chẽ nhất.
Nước là khối vật
chất chưa phân hóa, là hình tượng của số lượng vô cùng lớn của những khả năng
diễn biến, chứa đựng toàn bộ cái tiềm táng, cái phi hình, cái mầm mống của mọi
mầm mống, tất cả mọi hứa hẹn về sự phát triển, nhưng cũng chứa đựng mọi mối đe
dọa bị tiêu tan. Đầm mình trong nước để rồi đi ra mà không tự hòa tan hết vào
trong đó, trừ khi có một cái chết tượng trưng, đó là trở về cội nguồn, tự tiếp
nguồn cho mình trong một kho dự trữ tiềm năng rộng mênh mông và lấy ở đó một
sức mạnh mới: là một bước thoái lui và tan rã nhất thời, tạo tiền đề cho một
bước tiến lên để tái thống hợp và tái sinh.
Tại châu Á, nước là
dạng thức thực thể của thế giới, là nguồn gốc sự sống và là yếu tố tái sinh thể
xác và tinh thần, là biểu tượng của khả năng sinh sôi, nảy nở, của tính thanh
khiết, tính hiền minh, tính khoan dung và đức hạnh. Là chất lỏng, nước có
khuynh hướng hòa tan; nhưng là chất thuần nhất nó có khuynh hướng liên kết và
đông tụ. Như vậy nước có thể tương ứng với sự thanh khiết ( sattva), nhưng vì
nước chảy xuống chỗ thấp, xuống vực sâu, khuynh hướng của nó là trời (tamas).
Nước là nguồn gốc
và là phương tiện truyền tải sự sống; trong một số phép phúng dụ của phái Mật
tông, nước là hình tượng của hơi thở, của sự sống. Về mặt thể chất và cũng do
nước là một thứ trời cho, nước được coi là một biểu tượng phổ biến của sự phì
nhiêu và khả năng sinh sản dồi dào. Người dân miền núi ở Nam Việt Nam nói là
nước của trời làm ra thóc lúa; họ cũng còn rất coi trọng chức năng tái sinh của
nước, đối với họ nước là vị thuốc và là đồ uống trường sinh bất tử.
Một công cụ không
kém phần phổ biến, là nước được dùng làm công cụ thanh tẩy theo nghi lễ; từ
trong đạo Hồi cho tới Nhật Bản, cũng như trong nghi lễ của thầy phù thủy Đạo
giáo thời xưa, ta không quên lễ rẩy nước phép của các tín đồ Kitô giáo
Nước thuộc âm, đối
lập với lửa. Nước tương ứng với phương Bắc, với cái lạnh, với ngày đông chí,
với màu đen.
Trong truyền thống của Do thái và Kitô giáo, nước trước tiên tượng trưng
cho khởi đầu cuộc sáng tạo thế giới. Chữ cái tiếng hêbrơ men tượng trưng cho
nước cảm tính: đây là người mẹ và tử cung. Là nguồn gốc của muôn vật, nước biểu
hiện cái siêu tại và do đó phải được coi là một dạng thần hiện.
Trong kinh thánh,
những giếng nước trong hoang mạc, những nguồn nước mà những người du cư gặp được
đều là những nơi của niềm hoan lạc kỳ thú. Những cuộc gặp gỡ quan trọng diễn ra
bên những nguồn nước và những giếng nước. Ở những nơi này tình yêu nảy sinh và
những cuộc hôn nhân bắt đầu. Nước trở thành trung tâm của sự thanh bình và ánh
sáng, là một ốc đảo.
Người phương Đông
coi mưa trước hết là một biểu tượng ban phúc, điều này tất nhiên là như vậy,
chẳng phải có nước mới có sự sống đó sao? Nước trở thành biểu tượng của đời
sống tinh thần và của thánh linh, Chúa Trời ban cho loài người mà loài người thường
chối từ không nhận. Nếu trong kinh cựu ước, nước được coi trước hết là biểu
tượng của sự sống, thì trong kinh Tân ước, nước trở thành biểu tượng của thánh
linh.
Những dòng nước
lặng mang ý nghĩa về sự bình yên và trật tự. Không những vậy nước còn tượng
trưng cho tính thanh khiết.
Cuối cùng nước
tượng trưng cho sự sống: nước hồi sinh mà con người tìm được trong cõi tối tăm
có tính năng làm sống lại.
Người Azteque coi
máu người là cần thiết cho việc tái sinh theo chu kỳ của mặt trời, gọi máu là
thứ nước quý tức là ngọc thạch màu lục, như vậy có thể liên hệ hoàn toàn tính
bổ sung cho nhau của các màu đỏ và lục: nước là chất tượng trưng tương đương
với máu đỏ, là sức mạnh nội tại của màu lục vì trong nước chứa mầm sống, tương
ứng với mầu đỏ, mầm sống này làm cho đất tái sinh xanh tươi sau cái chết trong
mùa đông.
Trong tư duy của
người Dogon và láng giềng của họ là người Bambara, biểu tượng nước là sức sống
mang mầm sống còn có nghĩa rộng hơn nữa. Vì nước, chính là tinh dịch của trời,
cũng là ánh sáng, lời nói.
Từ những biểu tượng
cổ xưa coi nước là nguồn thụ tinh cho đất và sinh ra những cư dân trên mặt đất,
chúng ta có thể quay trở lại với những biểu tượng phân tâm học của nước, được
coi như nguồn thụ tinh cho tâm hồn: sông nhỏ, sông lớn, biển được coi là biểu
tượng của đời người và của những biến động của những ước muốn và cảm xúc.
Nước là biểu tượng
của những năng lượng vô thức, của những sức mạnh không định hình của tâm hồn,
của những động cơ thầm kín không cảm nhận thấy.[2, 709]
2.2.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng trong một số bài thơ.
Trong số 6 biểu
tượng mà chúng tôi liệt kê bên trên thì biểu tượng nước chiếm tần số xuất hiện
cao nhất: 134 lần (xem phần phụ lục). Chứng tỏ đây là một biểu tượng giữ vị trí
quan trọng trong thơ Mai Văn Phấn. Vậy từ ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ
điển khi đi vào chỉnh thể bài thơ có sự thay đổi như thế nào. Để làm rõ vấn đề
này chúng ta sẽ đến với những bài thơ cụ thể.
“Nước đọng dưới chân núi
Một viên cuội nằm
trên phiến đá cao
Không chớp mắt
trong tinh khôi yên tĩnh
Đêm qua ở đây có
mưa
Ai đã ngồi kia
trước hay sau mưa nặng hạt
Tự nhiên nhớ em,
rất nhớ
Anh không dám nhìn
đi nơi khác
Để trời xanh ngấm
xuống gót chân
Từng mưa to, mưa rất to
Tắm táp cho viên
cuội nhỏ
Chỉ riêng hình ảnh
này
Đã làm anh yêu đời
mê dại
Hình như nắng sớm
đang phủ lên đỉnh núi
Làm trong suốt lòng
đất, lòng cây”. [20, 5]
Bao trùm lên toàn
bài thơ là hình ảnh thiên nhiên với nước, đá, mưa. Khung cảnh ấy đã làm nền cho
viên cuội. Hình ảnh viên cuội nhỏ như gợi lên cho người đọc cảm nhận được hình
ảnh của một con người. Trải qua mưa nắng đã để lại trên mình viên cuội những
vết nứt, vết lõm. Phải chăng con người cũng vậy? Sống trong cuộc sống bon chen,
xô bồ làm cho con người ta trở nên lạnh lùng, xa cách, tâm hồn chất chứa bao nỗi
đau buồn, chính vì vậy mà “không chớp mắt trong tinh khôi yên tĩnh”. Nhưng mưa
đã xuất hiện giống như một phép màu nhiệm:
“Từng mưa to, mưa rất to
Tắm táp cho viên cuội nhỏ”
Những cơn mưa ấy đã
gột rửa bụi bặm, làm cho viên cuội trở nên mát mẻ, sạch trong. Có lẽ nó tượng
trưng cho tình yêu và chính tình yêu ấy đã là thứ thuốc công dụng nhất xoa dịu
đi những đau buồn mà “anh” phải trải qua trong cuộc đời này. Tình yêu như dìu
dắt, nâng đỡ tâm hồn con người để họ có thể vượt lên trên tất cả.
“Mạch nước nhỏ trong núi
Chảy đều
Xuống lòng hồ không tiếng động
Đàn cá bơi
Mực nước giữ yên
Con chim bói cá vẫn
đậu
Trên ngọn cây gần
đó
Nơi họng nước đổ xuống
Vòng sóng lan nhẹ
Mờ dần” [20, 82]
Hiện lên trước mắt
người đọc là khung cảnh hồ nước dưới những sự tác động của “mạch nước, đàn cá,
chim bói cá, họng nước”. Trước sự tác động ấy mặt hồ yên tĩnh có sự thay đổi,
dao động nhưng cuối cùng nó vẫn trở về trạng thái ban đầu.
Nói đến mặt hồ
người ta liên tưởng đến tâm hồn của một con người. Nếu như nước sông, suối
chuyển động một cách mạnh mẽ thì nước trong hồ lại vô cùng tĩnh lặng. Tâm hồn
con người cũng giống như hồ nước đó. Cuộc sống với biết bao nhiêu bon chen, suy
nghĩ nào thì công việc, tiền bạc, danh lợi, gia đình….tất cả đều tác động tới
con người giống như đàn cá, mạch nước đang khuấy động mặt hồ vậy. Điều đó làm
cho tâm hồn của con người có ít nhiều thay đổi, chuyển động. Nhưng cuối cùng
rồi mọi điều ấy cũng lắng xuống như những “vòng sóng” mờ dần, mờ dần.
Qua khảo sát một số
bài thơ chúng ta có thể thấy: so với ý nghĩa gốc trong từ điển biểu tượng văn
hóa sau khi đặt vào chỉnh thể bài thơ nó đã có sự thay đổi mạnh mẽ, phần lớn nó
mang một ý mới. Điều đó góp phần giúp tác giả bộc lộ rõ tâm tư, tình cảm, suy
nghĩ của mình. Trong từ điển, ý nghĩa gốc của biểu tượng nước là phương tiện
thanh tẩy, nguồn sống, trung tâm tái sinh. Nhưng khi đi vào thơ Mai Văn Phấn
nước có thể tượng trưng cho tình yêu nhưng cũng có trường hợp tượng trưng cho
tâm hồn của con người. Từ sự thay đổi đó, chúng ta có thể đi đến kết luận nước
là biểu tượng phái sinh.
2.3 Biểu tượng đá.
2.3.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển.
Trong truyền thuyết
đá chiếm một vị trí trang trọng. Giữa linh hồn con người và đá có mối liên quan
chặt chẽ. Theo huyền thoại về Promethee, ông tổ loại người, có các loại đá vẫn
giữ được hơi người. Đá và người đại diện cho sự vận động hai chiều: đi lên và
đi xuống. Con người sinh ra từ chúa trời và trở về với Chúa trời. Hòn đá thô từ
trời rơi xuống, khi đã biến thái đá cất mình lên trời.
Hòn đá thô còn được xem như một sinh thể lưỡng tính, mà lưỡng tính là nét
hoàn thiện của trạng thái nguyên thủy. Khi đã bị đẽo gọt, các bản nguyên bị
tách rời. Đá có thể hình nón hoặc hình lập phương. Hòn đá hình nón biểu trưng
cho nguyên lý dương, hòn đá hình lập phương cho nguyên lý âm. Khi hình nón được
đặt lên bệ, các bản nguyên âm và dương được hợp nhất.
Đá không phải là
những khối vô hồn, những tảng đá sống rơi từ trên trời xuống, sau khi rơi xuống
chúng vẫn là những vật sống.
Với tư cách là một
phần tử trong công trình xây dựng, đá gắn liền với việc định cư của các dân tộc
và với một dạng kết tinh theo chu kỳ. Nó đóng vai trò quan trọng trong các mối
liên hệ giữa trời và đất, vừa do các tảng đá từ trên trời rơi xuống vừa do
những tảng đá mà con người xếp lên.
Đá cũng là một biểu
tượng của Đất Mẹ, và đó là một khía cạnh của ý nghĩa biểu tượng về nữa thần
Cabele. Theo nhiều truyền thuyết, các loại đá quý sinh ra từ đá tảng sau khi đã
chín muồi trong đó. Nhưng đá cũng là vật sống và mang lại sự sống. Ở Việt Nam
đã có những trường hợp đá chảy máu khi bị cuốc vào.
Đá còn tượng trưng
cho sự tái sinh. Ở Trung Hoa, Đại Vũ sinh ra từ một tảng đá và thái tử Kỳ, con
trai của ông cũng sinh ra từ một tảng đá, nứt ra mở mặt phía Bắc.
Đá vẫn trơ trơ
không thay đổi từ khi những vị tổ tiên xa xưa nhất dựng lên vì vậy đá là vĩnh
cửu, là biểu tượng của sự sống ở trạng thái tĩnh.
Những mảnh đá
thường được gọi là lưỡi tầm sét mà
phần lớn chỉ là những mảnh đá lửa thời tiền sử, được coi là đầu nhọn của mũi
tên của tia chớp và với danh nghĩa đó, được tôn thờ và lưu giữ một cách thành
kính. Tất cả những gì từ những vùng trên cao rơi xuống đều mang tính thiêng
liêng của vũ trụ, vì vậy các mảnh đá trời, thấm đượm nhiều chất linh thiêng của
các thiên thể được tôn kính. Chủ yếu là ở châu Phi, các mảnh đá này được gắn liền
với tục thờ cúng các thần linh trên trời và đôi khi được tôn thờ. Những lưỡi
tầm sét, thường là các mảnh đá trời rơi như mưa từ trên trời xuống được coi là
những biểu tượng, những công cụ của sự phì nhiêu.
Những mảnh đá cầu
mưa là vong hồn các tổ tiên đã hóa đá, nói đúng hơn đó là những biểu tượng nơi
trú ngụ của tổ tiên hoặc nơi ở thường xuyên của họ do vong hồn của họ có sức
mạnh. Có thể nói đá cố định và an ủi, giữ lấy vong hồn tổ tiên, để tọa nên màu
mỡ cho đất và thu hút nước mưa (đá cầu mưa); như vậy những viên đá này có tác
dụng khai hóa và còn có thể là biểu tượng, ngoài tổ tiên, cả các thần linh và
anh hùng phù trợ.
Các hòn đá cầu mưa,
thường có nguồn gốc từ các sao băng cũng được coi là biểu hiện của sự phì nhiêu
màu mỡ. Đối với số đông người Dravidien đá là nơi cầm giữ các hồn vía lành hoặc dữ.
Những tảng đá hình cối xay có lỗ thủng
thì lại thuộc hệ biểu tượng thái dương, chúng gắn với chu trình giải
phóng bằng sự chết và sự tái sinh qua tử cung. Cũng có những thứ đá khác là
công cụ tối cần thiết trong việc bói toán.
Những viên đá quý
là biểu tượng của sự chuyển vị từ trạng thái đục thành trong mờ; theo nghĩa
tinh thần đây là sự chuyển vị, chuyển từ bóng tối đến ánh sáng, từ không hoàn
thiện đến hoàn thiện.
Theo truyền thống
kinh thánh, vì đá có tính cách không biến đổi nên được coi là tượng trưng cho tính khôn ngoan, anh minh. Đá trong đền thờ được coi là mang tính thánh thiện.
Đá đánh lửa là biểu
trưng cho tia sét, công cụ của việc
báo oán của trời. Bàn tay con người cầm hòn đá lửa đạp vào đầu con lợn cũng như tia sét phóng ra từ bàn tay Chúa
trời đánh vào kẻ bội ước. [2, 268]
2.3.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng trong một số bài thơ.
Để biết được biểu
tượng đá khi đi vào thơ Mai Văn Phấn có còn giữ nguyên ý nghĩa ban đầu trong từ
điển hay nó mang một ý nghĩa phái sinh mới, chúng tôi sẽ khảo sát trong một số
bài thơ tiêu biểu.
“Nước đọng dưới
chân núi
Một viên cuội nằm trên phiến đá cao
Không chớp mắt
trong tinh khôi, yên tĩnh
…..
Từng mưa to, mưa
rất to
Tắm táp cho viên cuội nhỏ” [20, 5]
Ở biểu tượng nước
chúng ta cũng đã tiếp cận với bài thơ này. Và với biểu tượng đá chúng tôi lại
tiếp tục khảo sát bài thơ.
Trước hết bài thơ
gợi cho ta thấy một hình ảnh thật, hình ảnh viên cuội mà chúng ta có thể bắt
gặp được rất nhiều. Viên cuội ấy có một số phận hạnh phúc khi nó không phải nằm
lăn lóc nơi gốc cây, bụi cỏ không bị bụi, đất bám vào. Nó được nằm trên một
phiến đá cao ngắm nhìn cảnh vật thiên nhiên vô cùng thơ mộng. Nhưng liệu rằng
trước tác động của nắng, gió mình nó không bám một chút bụi đất nào? Tất nhiên
là có. Và những hạt mưa đã gột rửa trên mình viên cuội những bụi bặm đó. Ý
nghĩa ẩn sâu mà tác giả muốn gửi đến bạn đọc đâu có đơn thuần chỉ là hình ảnh viên
cuội như vậy. Viên cuội gợi cho ta cảm nhận được một vẻ sần sùi, chai sạn, nó
giống như con người khi trải qua những sóng gió, vấp váp của cuộc đời. Nhưng
hình ảnh nước đã xuất hiện, tắm mát cho viên cuội, rửa trôi sạch bụi bặm, đất
đai. Điều đó làm cho ta liên tưởng đến tình yêu. Chính tình yêu của “em” giống
như nước: tắm mát, xoa dịu, che lấp đi những nỗi đau, sự lạnh lùng và giúp
“anh” vượt qua tất cả.
“Ngày mới ven biển
Sóng rút đi
Để lại phiến đá sạch
Ai đến ngồi
Bước lên
Cùng phân chim
Cát bụi tấp vào
Đêm về
Nước lại dâng lên
rửa sạch
Biển
Nhẫn nại như vậy
Nhiều năm” [20, 115]
Trong chúng ta chắc hẳn có người đã từng được nhìn thấy biển, thấy những
phiến đá, tảng đá san hô hiện ra khi thủy triều rút xuống. Khi thủy triều dâng
lên, những phiến đá như ẩn mình vào trong nước. Trong khoảng thời gian đó, đá
được tắm sạch những bụi bẩn, rửa sạch trôi cát bụi vương trên mình.
“Ngày mới ven biển
Sóng rút đi
Để lại phiến đá
sạch”
Nhưng sau một ngày,
trước những tác động của con người, động vật, thiên nhiên làm cho tảng đá lại
bị vấy bẩn, không con sạch sẽ như lúc ban đầu nữa. Biết bao nhiêu tác động làm
cho phiến đá trở lên nhớp nhúa, bẩn thỉu. Nào là chân người dẫm lên, phân chim,
cát bụi. Một lớp bụi bẩn khá dầy đã được khoác lên phiến đá. Và biển giống như
một phương tiện đã tẩy sạch những bụi bẩn đó.
Nhưng sâu xa hơn, phiến đá còn làm chúng ta liên tưởng đến tâm hồn của một
con người. Trong cuộc sống dưới sự tác động của nhiều khía cạnh làm cho con
người không còn giữ nguyên được sự trong sạch ban đầu. Những tác động đó được
ví như bước chân của con người, phân chim, cát bụi. Còn biển khơi tượng trưng
cho sự nhẫn nại, ý chí cứ lặp đi lặp lại hành động dâng sóng lên rửa cho phiến
đá khỏi những cát bụi, phân chim. Như vậy con người muốn trở lên trong sạch,
tốt đẹp trước hết họ phải có sự kiên trì, ý chí, nghị lực của chính bản thân mình,
giống như biển kia vẫn hàng ngày kiên trì, lặng lẽ .
Vì giới hạn nên
chúng tôi chỉ có thể khảo sát ở một số lượng bài thơ nhất định. Qua hai bài thơ
trên ta thấy so với nghĩa gốc ban đầu biểu tượng đã có sự thay đổi mạnh mẽ.
Biểu tượng viên đá không còn mang ý nghĩa gốc ban đầu nữa mà nó tượng trưng cho
hình ảnh con người. Con người ấy trước những tác động của sóng gió cuộc đời trở
nên mệt mỏi, ngã gục. Cũng có khi nó tượng trưng cho tâm hồn của một con người
trước những tác động của cuộc đời. Đối mặt với bài thơ người đọc như thấy mình
đang ở trong đó, cảm nhận mình như chính nhân vật trữ tình.
Thông qua một số
bài thơ, Mai Văn Phấn đã thể hiện rõ phương pháp sáng tác của ông. Những tác
phẩm ấy phần lớn đều hướng nội, hướng con người vào chính bản thân mình. Tất cả
thể hiện một con người luôn khao khát hoàn thiện bản thân, luôn hướng đến những
giá trị tốt đẹp của tâm hồn.
2.4. Bóng tối
2.4.1. Ý nghĩa gốc của biểu tượng trong từ điển.
Bóng một mặt là cái
đối lập với ánh sáng; mặt khác nó là chính hình ảnh của những hiện tượng, sự
vật thoáng qua, hư ảo và thất thường.
Bóng, đó là mặt âm
đối lập với mặt dương. Cái bóng không tự sinh ra và cũng không tự định hướng,
không có cuộc sống và cũng không có quy luật riêng của mình. Còn dứt khoát hơn,
theo đạo Phật đó là hiện thực duy nhất của mọi hiện tượng, so với Đạo thì đó là
hiện thực duy nhất của trời và đất.
Bóng được nhiều dân
tộc châu Phi coi là bản chất thứ hai của vạn vật và thường được gắn với thần
chết.
Theo một truyền
thuyết, người nào đã bán linh hồn cho quỷ người ấy cũng đánh mất bóng mình.
Điều này có nghĩa là do không còn thuộc về mình nữa, người đó không tồn tại với
tư cách là một bản thể tinh thần, là linh hồn.
Theo người thổ dân
Bắc Canada, thì khi người ta chết, bóng và hồn khác biệt nhau tự tách cả hai ra
khỏi thi thể. Trong khi hồn về vương quốc Sói, ở phía Tây, thì bóng vẫn ở lại
gần mộ. Đối với người Yakoute, bóng là một trong ba hồn của người, nó được kính
trọng và người ta cấm trẻ em chơi với bóng.
Trong phân tích của mình, Jung gọi là bóng tất cả những gì mà chủ thể không
chịu thừa nhận hay chấp nhận, nhưng những cái đó lại vẫn luôn luôn đè nặng lên
nó, trực tiếp hay gián tiếp, chẳng hạn như những nét tính cách thấp kém hoặc
những khuynh hướng khác tương kỵ. Cái bóng này được phóng chiếu vào mộng mị
mang khuôn mặt người này hoặc người kia, nhưng thực ra chúng chỉ là phản ánh
của một bản ngã vô ý thức xác định. Cái bóng này cũng biểu hiện bằng những lời
nói và những hành vi xung đột và không được kiểm soát, bất chợt để lộ một bình
diện của tâm thần. Cái bóng ấy cũng làm người ta nhạy cảm hơn với một số ảnh
hưởng cá nhân hay tập thể, những ảnh hưởng sẽ đánh thức hoặc bộc lộ trong chủ
thể những khuynh hướng bị che khuất. Những khuynh hướng này không nhất thiết là
độc hại, nhưng chúng có nguy cơ trở thành độc hại trong chừng mực chúng vẫn bị
ức chế trong bóng tối của vô thức. Chúng chỉ hoàn toàn được lợi nếu chuyển sang
ánh sáng của ý thức. Nhưng chủ thể thường sợ hãi thấy chúng xuất hiện, vì e
ngại phải cáng đáng chúng để làm chủ chúng, cải biến chúng thành những khuynh
hướng tốt lành, và vì sợ phải đối mặt với tính phức tạp của chính mình. Sự tồn
tại những mặt đối lập là nặng nề, nhưng lại giàu khả năng. [2, 96]
2.4.2. Khảo sát ý nghĩa của biểu tượng bóng tối trong một số bài thơ.
Với tần số xuất
hiện là 40 lần, biểu tượng bóng tối chiếm một vị trí khá quan trọng trong thơ
Mai Văn Phấn. Liệu rằng biểu tượng bóng tối có giữ nguyên ý nghĩa ban đầu của
mình hay nó có sự thay đổi qua cách nhìn của nhà thơ cũng như của độc giả. Để
lí giải điều này chúng ta sẽ tìm hiểu qua một số bài thơ cụ thể.
“Úp mặt vào bóng tối lùm cây
Gió đang chạy trên
lưng mình những bước chân đô thị
Bóng tối dẫn tôi về ngôi nhà
của mẹ
Ngôi nhà như chiếc
bánh không nhân
Nhặt được đồng xu cùn
gỉ cuối sân
Ngỡ chạm phải tay mình
ngày thơ ấu
Những dấu chân ai lún
sâu lỗ đáo
Từng kiếp người mở
mắt... thấy đôi chân cò lội nước trắng
mênh mông
Nơi chó đá đầu làng
vẫn sủa những con trăng
Có tiếng gọi nghe buồn
như củi ướt
Thương quê nghèo mẹ
tôi ra bến sông
Vớt những câu ca chưa
tan vào nước
Mẹ ơi mẹ! Giờ con
thấy bóng râm từ bùn đất
Đất ở dưới chân mà cao
hơn những suy nghĩ của mình
Đêm thai nghén những
thị thành trứng nước
Ai ấy còn ngơ ngác
trước văn minh
Trong bóng tối lùm cây tôi chợt
nhận ra mình
Với nỗi e dè từ cái
thời Văn Lang lúa nước
Nỗi e dè tự thắp mình
lên làm ngọn nến mùa thu đi rước đuốc
Và ngôi nhà của mẹ
là chiếc đèn lồng lặng lẽ sáng dần lên”. [ 21, 85]
Tư thế của cái tôi trữ tình
“ úp mặt vào bóng tối lùm cây” gợi lên hình ảnh cái tôi mang tâm trạng của kẻ
tha hương với nỗi niềm ăn năn, hoài nhớ. Hình ảnh bóng tối mang đến cho ta cảm
giác bóng đêm đã dần thay thế chỗ của ánh sáng ban ngày, toàn bộ không gian
ngập chìm trong bóng tối. Và khi màn đêm buông xuống, những giấc mơ sẽ đến với
nhân vật trữ tình “tôi” rồi đưa tôi về với “ ngôi nhà của mẹ”. Bóng tối như một
niềm ăn năn sâu kín.
Trong cuộc đời sóng gió này chắc chắn có lúc
chúng ta muốn trở về với gia đình, muốn được nằm trong vòng tay của mẹ với
những cái vuốt ve. Đó là lúc chúng ta buồn bã nhất, thất vọng và gục ngã. Lúc
đó mẹ chính là bến đỗ an ủi ta. Chính vì vậy trong bài thơ này bóng tối còn
tượng trưng cho sự buồn bã, thất vọng. Thất vọng vì quá trình đô thị hóa diễn
ra một cách chóng mặt làm cho tôi không khỏi bỡ ngỡ. Đô thị hóa một mặt làm cho
cuộc sống của con người cải thiện nhưng nó cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy. Cuộc
sống êm đềm trước kia nay chỉ còn thấy được qua những giấc mơ mà bóng tối mang
lại. “Tôi” như quay tròn, đảo lộn khi sống trong cuộc sống ấy. Chính vì vậy tôi
mơ ước trở về với căn nhà của mẹ. Ngôi nhà của mẹ hiện lên qua phép tu từ so
sánh:
“Bóng tối dẫn tôi về
ngôi nhà của mẹ
Ngôi nhà như chiếc bánh
không nhân”
Chiếc bánh không nhân
như một nỗi niềm chông chênh, nhạt nhoà. Ngôi nhà của mẹ, của ký ức, của những
mong nhớ, nuối tiếc, có lẽ giờ đây cũng như chiếc bánh không nhân trong hương
vị thị thành. Nhận ra điều đó khiến cho tâm trạng của cái tôi trữ tình càng day
dứt.
Biểu tượng ánh sáng và bóng tối luôn được Mai
Văn Phấn sắp xếp thành một cặp đôi. Chúng vừa đối lập với nhau nhưng đồng thời
cũng góp phần giúp nhau tỏa sáng ý nghĩa. Bóng tối chính là nỗi buồn, thất vọng
của người con khi sống trong cuộc sống đô thị đầy bon chen, nhạt nhẽo. Còn ánh
sáng tỏa ra trong ngôi nhà của mẹ chính là tình yêu thương mà mẹ dành cho con,
tình yêu ấy đã sưởi ấm cho con mỗi khi con gục ngã. Như vậy biểu tượng ánh sáng
đã hỗ trợ giúp nhà thơ khắc sâu thêm nỗi buồn, khổ đau mà biểu tượng bóng tối
mang lại. Ngược lại, ta thấy được tình yêu bao la của mẹ luôn luôn dành và
hướng về con.
Như vậy bóng tối ở đây
vừa mang nghĩa đối lập với ánh sáng, đồng
thời nó cũng là một phương tiện để con người hồi tưởng lại quá khứ qua những
giấc mơ. Nó tượng trưng cho nỗi buồn, sự thất vọng, niềm ăn năn sâu kín của
nhân vật trữ tình. So với ý nghĩa trong từ điển ở bài thơ này biểu tượng
bóng tối đã mang trong mình một ý nghĩa mới. Qua đó ta thấy được sự linh hoạt,
sáng tạo của nhà thơ.
“Đèn bật sáng
Mọi vật nhìn rất rõ
Chiếc gạt tàn kia
Bóng tối đã hình dung
Ý tưởng mới hiện hình
Những điều chưa kịp giải thích
Cũng nằm yên trong ánh
sáng chan hoà
Còn mang một nửa bóng tối
Tôi lấy hơi cho những âm
vang
Bắt đầu là tiếng nấc
hụt yếu hèn...
Muốn giật chiếc công
tắc trong chốc lát
Gọi tên sự tù mù lẫn
cả sự sáng lên” [ 21, 157]
KẾT LUẬN
1. Với 2 chương của đề
tài, chúng tôi trước hết muốn khái quát một số vấn đề về biểu tượng và biểu
tượng văn hóa. Những hình ảnh mang ý nghĩa bề sâu là những mạch ngầm giúp cho
việc mở rộng ý nghĩa trong liên tưởng của con người. Ở mỗi nền văn hóa, các
biểu tượng lại chứa đựng những quan niệm, những cách hiểu riêng. Có thể nói, nó
là các kí ức của thời đại được lưu truyền đến nay bằng hình ảnh gắn với tín
ngưỡng và phong tục. Việc vận dụng các biểu tượng này trong sáng tác và cảm thụ
giúp cho tác phẩm trở nên sâu sắc và có tầm triết học. Đặc biệt hơn, các biểu
tượng này đến với mỗi người đọc lại mở ra vô số ý nghĩa phái sinh hướng tới nền
nghệ thuật đa chiều sinh động.
2. Đề tài tiến hành khảo
sát một số biểu tượng trong thơ Mai Văn Phấn như ánh sáng, bóng tối, đá, nước…
để thấy các sáng tác của ông tràn đầy các giá trị nhân bản của nhân loại. Đó là
sự giằng xé trong bản ngã con người, là hành trình đấu tranh với bóng tối và
thức dậy tình yêu cuộc sống, là khúc ca về mạch nguồn bất tận của sự sống, là
tình yêu lấp lánh mà ông gửi gắm vào câu từ. Hơn nữa, đề tài cũng muốn nhấn
mạnh nỗ lực làm mới thơ ca của Mai Văn Phấn. Ông đã tạo ra một giọng điệu thơ
giản dị nhưng cũng sâu sắc qua việc nâng cao các giá trị biểu tượng trong tác
phẩm của mình. Phá vỡ những quy luật thông thường của thi luật, nhà thơ đất Hải
Phòng đã góp phần định nghĩa lại thơ ca đương đại bằng bước chân chắc chắn của
mình.
3. Đề tài của chúng tôi
trong nỗ lực góp phần định hình một các đọc mới với thơ ca đương đại. Khả năng
phát triển của đề tài nằm ở tính đa thanh của các biểu tượng như một khẳng định
của tác giả Nguyễn Nam đối với văn học mang tính chất hậu hiện đại “Người đọc
am tường liên tưởng mở rộng”.
Đ.T.T
___________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Phan Tuấn Anh (2009), Tiếp nhận lý thuyết văn học hậu hiện đại ở
Việt Nam, Luận văn thạc sĩ khoa học lý luận văn học, trường đại học Khoa
học- Đại học Huế.
2. Jean Chevalier, Alain
Gheerbrant(1969), Từ điển biểu tượng văn
hoá thế giới (bản dịch tiếng Việt của NXB Đà Nẵng, Trường viết văn
Nguyễn Du).
3. Nguyễn Việt Chiến ( 2009), Mai Văn Phấn với những bài thơ hướng đến một
trường thẩm mỹ mới, Báo Người Hà Nội.
4. Văn Chinh (2009), Độc hành Mai Văn Phấn, ( Lời giới thiệu
trên website Hội Nhà văn Việt Nam).
5. Trần Minh Đức (chủ biên) (1995), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục.
6. Lê Bá Hán- Trần Đình Sử- Nguyễn Khắc Phi (2009), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
7. Đào Duy Hiệp ( 2010), Cấu trúc ngôn ngữ và hình ảnh trong tập thơ
và đột nhiên gió thổi của Mai Văn
Phấn.
8. Đình Kính ( tuyển chọn, 2011), Thơ Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công (Kỷ yếu hội
thảo thơ tại Hải Phòng, 15/5/2011), Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
9. Đình Kính (2003), Thơ
Mai Văn Phấn, một cách đi trong đổi mới, Báo Người Hà Nội.
10. Phương Lựu (chủ biên) (2012), Lí luận văn học, Nxb Giáo dục.
11. Hồng Mây- Ngọc Sương- Minh Mẫn ( 2004), Từ điển tiếng Việt, Nxb Thống kê.
12. Hồ Chí
Minh toàn tập ( 2002), Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3.
13. Phạm Xuân Nguyên (2000), Ban Mai
và Ngọn Lửa, Báo Hải Quan.
14. Mai Văn Phấn (1995), Cầu
nguyện ban mai, Nxb Hải Phòng.
15. Mai Văn Phấn (1999), Nghi
lễ nhận tên, Nxb Hải Phòng.
16. Mai Văn Phấn (2003), Vách
nước, Nxb Hải Phòng.
17. Mai Văn Phấn (2009), Hôm
sau, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
18. Mai Văn Phấn (2009), Và
đột nhiên gió thổi, Nxb văn học, Hà Nội.
19. Mai Văn Phấn (2010) Bầu trời không mái che, Nxb Hội nhà văn,
Hà Nội.
20. Mai Văn Phấn ( 2013), Vừa sinh ra ở đó, NXB Hội Nhà văn.
21. Mai Văn Phấn, Thơ tuyển Mai Văn Phấn cùng tiểu luận và trả lời phỏng vấn, Nxb hội
Nhà văn.
22. Trần
Đình Sử (2005), Giáo trình dẫn luận thi
pháp học, Nxb Giáo dục.
23. Trần Ngọc Thêm
( 1999), Cơ sở Văn hóa Việt Nam, Nxb
Giáo dục.
24. Nguyễn Quang Thiều ( 1999), Những nhận định về thơ Mai Văn Phấn, Báo Hà Nội mới.
25. Phạm Quang Trung (2001), Nghĩ từ Những ngón tay dị dạng của Đặng Huy Giang, Báo Người Hà
Nội.
PHỤ LỤC
Bảng thống kê các biểu tượng và tần số xuất
hiện:
STT
|
Tên biểu tượng
|
Số lần xuất hiện
|
1
|
Ánh sáng
|
56 lần
|
2
|
Ngọn lửa
|
40 lần
|
3
|
Ban mai
|
50 lần
|
4
|
Đá
|
30 lần
|
5
|
Nước
|
134 lần
|
6
|
Bóng tối
|
40 lần.
|
Đối với mỗi biểu tượng,
chúng tôi tiến hành khảo sát các nghĩa của nó trong các nền văn hóa cổ đại để
từ đó thử áp dụng vào các trường hợp cụ thể trong thơ Mai Văn Phấn. Trong sự
liên tưởng bề sâu, ý nghĩa cổ đại của nó một là mất đi hoặc được tái tạo lại,
mở rộng ra. Từ một hình ảnh tạo ra vô số ý nghĩa như vậy sẽ khiến người đọc
đứng trước sự lựa chọn. Sự lựa chọn này sẽ kích thích quá trình đồng sáng tạo
của độc giả. Qua đó, đề tài làm rõ khả năng mở rộng ý nghĩa của biểu tượng, tạo
ra nhiều ý nghĩa phong phú cho tác phẩm.