Nguyễn
Ngọc Tư
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư
maivanphan.vn:
Có lần nói chuyện với nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về Xứ cây, tôi đùa bảo có giỏi
thì viết Xứ sương mù. Tôi không nhớ chính xác dòng chữ Nguyễn Ngọc Tư
đáp lại, nhưng đó là câu đùa rất nhả. Nay vừa nhận được tản văn có cái tiêu đề
vừa nhắc hôm nọ. Mail của Nguyễn Ngọc Tư chỉ hiển thị trên Subject dòng chữ nhỏ "Xứsương:
P". Không hỏi nhà văn, nhưng tôi đoán các tình huống trong tản văn
này đều được bịa. Những kiểu hình ảnh "Ốm và xanh như vừa chui trong ống
tre ra", dĩ nhiên bịa nốt, và điều đáng nói, nó nhan nhản trong tản
văn rất ngắn nhưng nặng trĩu nỗi thương cảm, hoang hoải trong phức rối cảm xúc,
làm lũ làm thơ như tôi phải khóc thét. Tôi vừa phải xóa đi vài dòng định đùa
nhả lại trong chapeau này, bởi bụng bảo dạ: đây là vận động viên Su-mô ngoại hạng,
đùa quá "nó" gồng lên thì mình ra khỏi vòng... MVP
Xứ
sương
Em kể hôm cưới sương mù
cũng nhiều như chiều nay, đón dâu từ bãi sông lên đến nhà trai, đoàn người ướt
rượt. Cả xóm coi đám cưới em là cổ tích, Lọ Lem không cha - cư dân trôi nổi của
bãi sông lấy chồng phố cổ. Nói tới đó, em ngó xuống cánh tay bó bột của mình. Đoạn
xương ống gãy lìa bởi cú đánh thô bạo của người mà một ngày sương giăng năm trước
là chàng rể xùng xình trong bộ com lê.
Quán nước em tem hem bên
nhà chờ xe buýt, khách ái ngại ngó cánh tay nặng trịch treo trước cổ người đàn
bà mười chín tuổi. Trẻ như vừa mở mắt đã thành đàn bà. Ốm và xanh như vừa chui
trong ống tre ra. Ba ngày trước, em bắt đầu dọn quán với cánh tay còn lành lặn,
một ngày ngồi không cũng bị nhà chồng nhiếc móc là ăn bám. “Quen nhau hơn tháng
là cưới luôn, ai cũng bảo chồng trông có vẻ hiền từ…”, em kể, tráng cốc qua nước
sôi bằng một tay. Khách chờ xe, hớp ngụm trà chát đặc, nói ba khơi, “chắc tại
yêu đương trong mùa sương mờ mịt, nên nhìn không rõ”.
Xứ này nửa cuối thu, vắt
sang đến giữa xuân, là mùa sương. Giữa ngày đi xe máy phải bật đèn pha, cách
nhau tầm tay với nhìn không rõ mặt. Ra đường nghe mi mắt nặng, cảm giác rất rõ
sương đang tụ thành nước gai gai trên da. Quê khách hai mùa nắng mưa ráo hoảnh,
nét nào ra nét ấy, nên gặp bữa đất trời một màu trắng đục huyền ảo như vầy mừng
thấy ông thấy cha, hít hà kêu thiệt là lãng mạn. Giá của cuộc đi bộ phơi sương là
cả tuần ho, hít thở sâu nghe đâu đó trong buồng phổi kêu lép xép.
Bữa suýt va vào xe chở gà,
ba chữ “muốn chết à” phát ra trong bức màn sương nghe đỡ sắc nhọn hơn lúc trời nắng
oi. Lúc ấy nghĩ cái cay nghiệt, khốc liệt của cuộc đời bị tù mù này làm cho bớt
chói. Người ta buộc đi chậm, thôi hớt hãi. Người ta buộc đắn đo, ai biết được đằng
trước có gì, khi tầm nhìn chỉ đo được bằng vài ba bước chân. Anh chồng đứng cạnh
mình đây, biết đâu tay kia nắm lấy cô gái khác. Những thương xá bình thường đèn
đóm hắt rực rỡ ra đường, giờ cũng thành nhợt nhạt. Mấy cao ốc kiêu căng bị
sương ngậm mất ngọn, cũng rụt rè như dãy nhà cổ thấp bé bên kia hồ. Có điều gì
đó gần như là sự công bằng vào một ngày sương giăng, khi những lấp lánh đánh mất
quyền lực. Chỗ nào cũng lơ mơ chỉ một sắc trắng đục. Màu cái bông vừa mới trổ với
bông gần tàn cũng không khác mấy nhau. Cái thứ ảo giác lừa mị nhưng dễ chịu, dù
biết rồi nắng lên đâu vô đó hết, khoảng cách vẫn là khoảng cách.
Khách đến thành phố này lần
đầu tiên gặp nắng tháng Bảy, ngay lập tức tự định nghĩa lại mùa hè. Nó không phải
là những cơn mưa dầm phương Nam với gió và chân trời cũng ướt. Tháng Bảy ở đây
bức bối và oi đến mức cứ muốn đứng dưới vòi nước cả ngày. Lạ là mỗi khi nhớ về lần
đầu xa nhà vật vạ trong mùa hè xứ lạ, khách cảm giác như có một màn sương mờ.
Chị bạn làm thơ cùng phòng nói chị sinh con đầu lòng năm mười sáu tuổi không biết
là thiệt hay chơi ? Anh biên kịch tuồng chèo kể vừa trong trại tù ra, cả nhà
tan nát, vợ bỏ rơi con để đi theo tay thẩm phán, sao mà lâm ly y như sân khấu vậy
? Và lời tỏ tình đó với đây, như thể chỉ là tiếng gió. Ra về là biệt mù tăm
tích.
Không phải lúc nào thành
phố cũng mù sương. Nhưng những lần khách lui tới nơi này, từng cái cười hồ hởi,
từng cái bắt tay vồn vã, từng câu thăm hỏi đon đả, khách đều có cảm giác mung
lung. Như mọi thứ đều không thực. Như thấy vài chính khách ghé tay nâng chiếc
quan tài vị tướng, mà biết lòng dạ họ mỗi người một hướng. Như chiều sương
tháng Ba, ở cái thành phố khách lui tới hoài mà vẫn lạ, lúc ngồi ngay vỉa hè cứ
chờn chợn nghĩ kế bên mình là mép vực, biết đâu.
Em nhờ khách buộc lại giùm
mớ tóc, chuyện nhỏ nhưng không thể làm bằng răng, như cách em bóc tách thỏi kẹo
đậu phộng. Rót thêm cốc trà, em nói mai không dọn hàng quán ra đây. Tổ dân phố
báo mai có bộ trưởng nào đó vi hành xe buýt, tuyệt không để cảnh bán buôn nhếch
nhác. Vi hành cách chi mà dân biết tuốt trước cả tuần, bác xe ôm ngồi gần đó
rên lên. Kiểu này thì mai nắng có soi thủng lớp mù sương, ông bộ trưởng cũng sẽ
thấy mọi thứ trong tầm nhìn mình đều lung liêng, mơ ảo.
Chuyến xe buýt số mười bảy
cua qua ngã ba, em rối rít hối khách chuẩn bị đi. Xe qua cầu Rồng mới sực nhớ để
quên cái túi đựng sách. Quyết định quay lại trước khi đi xa hơn, bước chân xuống
đường, ngó theo cái ống xả xe xô dạt một lỏm sương, sực nghĩ, mình đang quay lại
tìm một thứ chắc chi đã còn.
Trời tối nhanh, chung quanh
sương đẫm rợp. Gần nơi khách đứng có hai đứa nhỏ đang thè lưỡi ra, không biết đo xem lưỡi ai dài
hay cố nếm vị của sương mù.
N.N.T