Đọc trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn (phê bình) - Yên Nguyên
Đọc trường ca “Thời tái chế” của Mai Văn Phấn
Giọng đọc của Mai Hương trên Youtube
Yên Nguyên (Đinh Thanh Huyền)
Trường ca “Thời tái chế” xuất hiện khá bất ngờ và trưng ra một vùng khí hậu khác trong bầu khí quyển chung của thơ Mai Văn Phấn. Tuy bất ngờ nhưng đó là chuyển động có tính nhân quả trong cuộc “vong thân” của nhà thơ Mai Văn Phấn. Khởi đầu từ những thi phẩm quen thuộc với kinh nghiệm thẩm mỹ Việt, thơ Mai Văn Phấn giờ đây đã là triết học của riêng ông, thứ triết học giản dị và cao thâm, phổ quát và đặc dị. Rồi từ sáng tạo mà trở lại với bản lai hồn hậu và sáng láng. Trên hành trình tự xóa bỏ chính mình, Mai Văn Phấn khước từ những gì mang tính thời vụ, kể cả những điều đang làm cho cộng đồng say đắm. Dần dà, chúng ta biết đến một Mai Văn Phấn mà “cảm quan thơ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời sống”*. Thơ Mai Văn Phấn đã vượt qua ranh giới quốc gia, dân tộc, dẫn dắt người đọc đến những “bến bờ tư tưởng và hiện thực lạ lùng của bản ngã”**
Nhưng khi trường ca “Thời tái chế” ra đời, ta gặp một Mai Văn Phấn khác.
“Thời tái chế” viết về Thời đại, Tổ quốc, Dân tộc. Không nằm trong trường cảm xúc, ý thức quen thuộc khi viết về đề tài này, “Thời tái chế” mang đến một cảm nhận riêng về những bi kịch thời đại. Tổ quốc, Dân tộc, Nhân dân được nhìn nhận trong ý thức tự vấn, tinh thần phản biện lịch sử của một cá nhân cụ thể, không nói thay ai, không nhân danh ai, không ngợi ca cũng không đả phá, bão hòa về ý thức hệ nhưng triệt để về độ dấn thân. Nhà thơ vừa là một phần của lịch sử vừa quay hẳn mặt vào lịch sử để khám phá nó mà không thông qua bất kỳ hình thức trung gian nào.
Tổ quốc, Dân tộc, Thời đại, Nhân dân là những đại tự sự mà sức hấp dẫn, sự rực rỡ và độ nhàm chán của nó đã trở nên cổ điển. Khó mà tìm ra được cái gì mới ở một vùng đề tài vốn đã được khai thác đến gần cạn kiệt vì người viết thường bị khống chế bởi nội hàm của những đại tự sự đó. Độ xoay của cảm hứng dẫu mạnh mẽ đến mấy cũng khó đem lại một ấn tượng đột xuất. Từ những trường ca như bản giao hưởng hùng tráng mà tinh thần quan phương là chủ đạo đến những tác phẩm bày biện ra những tăm tối lịch sử như một sự chối bỏ tận cùng niềm hứng khởi ngày nào đều chung nhau một sự cực đoan và ngây thơ rất biện chứng. Các đại tự sự từ chỗ là tiếng nói duy nhất đến chỗ bị ruồng rẫy, đó là kiểu của văn chương Việt. Trước, chỉ tiếng thơ mang tình cảm lớn mới xứng đáng được ca tụng, giờ ai còn viết về Tổ quốc, lòng yêu nước, tình dân tộc lại trở thành lạc loài. Lỗ hổng về bản lĩnh văn hóa dân tộc khiến cho đại bộ phận người dân và nhà văn Việt chẳng thể chung thủy với bất cứ thứ gì. Ngày hôm trước còn là hình mẫu lý tưởng, hôm sau đã trở thành tội đồ. Trạng thái tinh thần mỏng mảnh đó khiến văn chương phải vật lộn để không trở thành cái mạng nhện có thể dính bất cứ thứ gì rơi vào nó. Trường ca “Thời tái chế” ra đời trong tình hình đó.
Văn học có nên viết về chính trị không? Câu hỏi này từng được trả lời nhiều lần, mỗi lần một cách. Nhưng phải thừa nhận rằng văn học không thể tách khỏi chính trị vì nó ảnh hưởng đến mọi thành tố của đời sống nghệ thuật. Lịch sử văn học Việt về căn bản là diễn ngôn đạo đức chính trị. Từ diễn ngôn khắc nghiệt nhưng đầy mơ mộng thời quân chủ đến diễn ngôn hào sảng và ma mị thời đại này, văn học khó mà thoát ly sự ràng buộc của thứ quyền lực tinh thần nguy hiểm nhưng đặc biệt hấp dẫn đó.
Nhưng nhà thơ không phải nhà chính trị, tư duy nghệ thuật không bao giờ có cùng mục tiêu với tư duy chính trị. Mà chính trị thì vừa rạch ròi sắc lạnh vừa thừa xảo quyệt để lợi dụng nhà thơ. Bởi vậy, nhà thơ dù tinh tế và nhiệt huyết đến mấy vẫn dễ tự biến thành cái loa phát ngôn cho một ý thức. Đã dính vào đại tự sự, khó tránh khỏi việc “trói nghệ thuật vào một mục đích nằm bên kia mỹ học thuần túy” (M. Kundera). Đó là cái bẫy mà đại tự sự mở ra cho nghệ thuật.
Mai Văn Phấn có tránh được cái bẫy đó không? CÓ và KHÔNG.
CÓ, bởi trước tiên “Thời tái chế” tuyệt đối không đi theo lối mòn ý thức. Người đọc không thể tìm thấy trong trường ca này bất cứ dấu hiệu nào của những cảm hứng, suy tư quen thuộc một thời. Nói một cách ngắn gọn, thi phẩm này là đại tự sự của một cá nhân bao gồm cả ám ảnh về quá khứ, cay đắng vì hiện tại, thấp thỏm cho tương lai. Là cái nhìn thành thực đã được tước hết mọi vướng víu của huyền thoại. “Thời tái chế” là sự lựa chọn và chấp nhận của nhà thơ trước việc thiết lập một điểm nhìn bất khả hòa giải với truyền thống. Từ đó, Đất nước nổi lên trong thơ như một kiến tạo mới nổi lên sau địa chấn. Vừa đổ vỡ vừa sinh thành, Đất nước, Dân tộc và Con người của “Thời tái chế” đủ sức làm rung động tận tâm can người đọc.
“Vừa cử động tôi đã chạm vào thế giới của các vị”. Trường ca bắt đầu bằng cú du hành xuyên không/ thời gian để gặp thế giới của những người đã chết. Họ là nguyên thủy của dân tộc này. Thế giới đó chưa hoàn kết như cách người ta hình dung, bởi nó vẫn phải vận hành với tư cách là nơi bắt đầu cho một điểm nhìn. Điểm chạm đầu tiên là quá khứ lẫn lộn đúng/ sai, tỉnh táo/u mê, tìm đường và lạc lối. Đó là một quá khứ với những đối lập triệt để tạo nên căn tính của cả dân tộc này. Còn nhân vật chính của câu chuyện, từ trong vô thức đã mang cảm giác bồn chồn về một cái gì “KHÔNG RÕ”. Cái không rõ ấy lờ mờ hiện ra trong lời nhắc đầy ẩn ý của thầy giáo: “nếu hiểu bài phải biết kìm nén cảm xúc”. Ít nhất, có hai người không giống với số còn lại, nên thầy giáo đặc biệt ra lệnh cho một học trò, còn học trò – dù trong lúc ấy không hiểu gì - vẫn mang trong mình ấn tượng của “một con cá bơi ngược dòng, một vì sao đợi chờ ban mai không nhắm mắt”.
Đất nước trong hiện tại là “mớ bòng bong, ổ con nhện khổng lồ”, một vùng đất “đang lồng lên như ngựa vía”. Đất nước là tập hợp của những mô hình rời rạc, lắp ghép một cách cơ học, vĩnh viễn không thành một chỉnh thể. Đất nước như một sân khấu khổng lồ mà các nghệ sỹ “ai cũng cười giống nhau”. Nhưng kì lạ nhất, đó lại là một sân khấu trống rỗng.Nó trống bởi thực chất đó là thực tại đang diễn ra. Một thứ thực tại nước đôi vừa là nó vừa sắm vai chính nó. Xét cho cùng, chẳng phải mọi thứ thực tại đều rất hài hước đó sao. Với một cá nhân hoặc một cộng đồng, hiện thực là không khí để hít thở hàng ngày, là môi trường để vận động từng giây từng phút. Nhưng trong tổng thể, tất cả đều chỉ là sản phẩm của một đạo diễn “kẻ tiên tri, người tổ chức, nhà thấu thị” đang “mỉm cười khó hiểu, rồi bỏ ra ngoài hút thuốc vặt”.
Bi kịch của Dân tộc này do đâu mà nảy sinh? Ngoài những sai lầm lịch sử, phải nói rằng mỗi người dân không vô tội trong sự bất ổn của đất nước. Chúng ta không có khả năng sống bình yên thì đúng hơn. Bởi vậy, tất cả đã tham gia vào vở diễn lớn bằng vai trò của những khán giả dễ tính, cả tin “Tin lan truyền ra ngoài sân khấu. Tất cả cũng nhất trí. Thành công rực rỡ. Một cái kết có hậu”. Chúng ta dễ bị kích động bởi những bi kịch nho nhỏ “họ thương những con cá chưa kịp lớn đã cắn câu, con chim vừa ra ràng đã sa lưới” và nổi khùng khi nghe về bi kịch lớn “Hắn tự thú lúc hành hung mình là kẻ mạnh nhất. Bỗng một khán giả bị kích động nhảy lên sân khấu tay lăm lăm chiếc dép”. Chúng ta như bị bịt mắt trước những sự thật đời sống bày ra hiển nhiên “sau khi được bôi mặt trắng, anh ta nhìn sang trần gian bỗng toát mồ hôi. Sao ở bên đó bao nhiêu năm mà nhiều lẽ giản đơn, tự nhiên anh ta không biết”.
Có lẽ phần sắc cạnh nhất trong trường ca “Thời tái chế” là chương Đồ tể. Từ đổ tể công khai đến đồ tể giấu mặt, từ đồ tể kẻ thù đến đồ tể bạn hữu, từ đồ tể hành vi đến đồ tể tư tưởng, cả một thế giới đồ tể được nhận diện và định danh. Thậm chỉ có cả đồ tể mà “ai cũng biết đấy là ai”. Nhìn một cách giản đơn thì Mai Văn Phấn đang liệt kê các loại đồ tể, nhưng nếu chỉ có thế, chương Đồ tể dừng ở mức một hạ ngôn. Vùng ngoại ngôn của chương này là cảm giác rùng mình sợ hãi về một thế giới mà trong mỗi người đều có thể có một tên đồ tể. Chúng mỉm cười trong máu, hiểm độc và tàn bạo, giết và bị giết. “Những tên đồ tể khi ấy vẫn nhởn nhơ, thản nhiên ngồi bên mâm cơm. Chúng lại ăn phải những nọc độc từ bàn tay tội lỗi của những đồ tể khác”. Không đơn giản như quan niệm thiện ác trong dân gian, đồ tể không dễ bị tiêu diệt, ngay cả khi đã tự mình sám hối và trả giá, thì cái ác vẫn đủ sức làm vỡ tung chiếc lọ thủy tinh – cái vỏ mong manh và ngập tràn niềm tin thơ ngây của nhân loại về chiến thắng của cái thiện. Và dường như không có cách nào để ngăn cản “Đêm đêm nhân viên bảo vệ vẫn nhìn thấy đôi tay gã đồ tể bò ra từ khe hẹp nắp đậy chiếc thùng bằng tài nghệ biến hóa của loài động vật thân mềm”. Nhưng có những thời đại, đổ tể nhiều đến mức chúng trở thành một loài. Sức mạnh hủy hoại của chúng lớn đến mức khiến dân tộc này đi từ sợ hãi đến bị mê hoặc. Cho đến lúc “bạn sẽ mòn mỏi, khô cứng cả thể xác lẫn tâm hồn, nhưng bạn vẫn luôn tin mình đang hiến dâng cho những gì thiêng liêng, tốt đẹp”. Khi đó, đồ tể đã hoàn tất sứ mệnh của chúng: trở thành thứ zoombe không bao giờ chết.
Đó là bi kịch của Thời đại này, Dân tộc này, Nhân dân này. Thời đại mà Mai Văn Phấn gọi là “thời tái chế”. Có nghĩa: những gì đang hiện hữu hôm nay chính là rác thải, là vật liệu không dùng đến của hôm qua. “Một nhân vật không rõ mặt vừa đứng lên tự nhận mình là con dao cùn. Rồi đến nhân vật thứ hai, thứ ba, và tiếp nữa. Như những tiếng xưng danh trong hàng quân bất tận lan đi. Mọi người lần lượt tự thú từng là giẻ lau, chổi cùn, hót rác, quyển sách long gáy, chiếc ghế gãy một chân, bàn là chập điện. Tự nhận mình là tấm chăn đã rách, đôi giày há mõm, bộ quần áo lỗi thời, chiếc hộp nhựa lâu năm dính đầy bụi bẩn”. Giờ ta mới hiểu kiểu liên kết cực kì khó tả của hiện thực trong trường ca. Vì được làm lại nên những diện mạo người đang hoạt động kia đều mang mã tái chế để hoạt động trong một hệ thống được mã hóa. Chúng tưởng mình làm từ vật liệu nguyên bản nên thành thật đến cảm động. Tuy nhiên, tái chế là hành vi phi tự nhiên, nó phải được tạo ra dưới áp lực. Khi áp lực được cởi bỏ, vật liệu cũ lộ ra, giá trị gốc trở lại, đưa mọi thứ về đúng vị trí của nó“ Giờ tất cả đang tự giác đến nơi tập kết để được phân loại, bị tiêu hủy, hoặc đợi tái sinh.”
Nhưng những gì Mai Văn Phấn viết về hiện thực “tái chế” đó cũng chưa phải là điểm mấu chốt của trường ca này. Hiện thực chính là cái lẫy của bẫy đại tự sự, chạm vào là sập. Thứ hiện thực ám chỉ nửa vời trong văn học dễ khiến người đọc khoái trá. Viết chỉ để vượt qua cấm kị là lối viết tầm thường, chỉ khi nào cấm kị không còn là rào cản tư tưởng mà nhà thơ phải chiến thắng, lúc đó mới có tự do. Mai Văn Phấn viết về thực tại khổ đau của Đất nước, Dân tộc không bằng ám thị về những điều không được phép nói mà bằng khát vọng nói điều phải được nói ra. Nỗi cay đắng của dân tộc này, cơn đau của thời đại này, sự mất mát của Nhân dân này không phải thứ để phê phán mà để ôm lấy. Bi kịch không phải là cái để ta đào bới nó bằng sự thống khoái của đau đớn. Bi kịch là thứ mà ta phải ôm lấy nó và cảm thông vô hạn cho đớn đau ấy. Giống như ta cảm thông cho chính mình khi bệnh tật. Bi kịch của Đất nước, Dân tộc, Nhân dân không phải là cái bên ngoài, nó là số phận của mỗi cá nhân trong đó có nhà thơ. Bởi vậy, Mai Văn Phấn đã đi từ Thời tái chế đến Thời tái sinh như là một tất yếu.
Chính ở điểm này, Mai Văn Phấn đã KHÔNG THỂ KHÔNG đặt chân vào bẫy đại tự sự. Chương cuối của trường ca mang tên Kết nối. Đó là cái kết đầy mê hoặc “Mỗi cá thể hợp lưu dòng chảy, sắc màu tương phản hòa vào thủy triều dâng lên ứ nghẹn phù sa. Dòng chảy mới tái sinh những mùa giao phối, đẻ trứng và cấy ghép. Máu hồng nuôi dưỡng bào thai, ấp ủ mầm hạt. Cho cây cối đơm hoa, nảy lộc cùng muôn loài động vật sinh sôi”.
Sau tất cả những đứt gãy lịch sử, dân tộc này lại tái sinh “Các nhân vật hiện trên cửa sổ giao diện trỗi dậy tái sinh, chọn lại những giá trị khác. Con đường khác. Triết thuyết khác. Lối rẽ khác. Thần tượng khác. Mô hình khác. Độc lập khác. Tự do khác. Hạnh phúc khác. Ý chí khác. Cảm xúc khác.”
Ở đây, ta đọc thấy niềm say sưa mãnh liệt của nhà thơ về một tương lai cho dân tộc. Những kết nối bề sâu, bản chất đã thay thế cho kết nối bề mặt giả tạo phủ trên Đất nước. Những kết nối tuyệt đẹp xóa bỏ sự nhơ nhuốc ngày nào “Những vong linh lao xao hòa vào từng giọt nước trong lành tưới lên đất mẹ. Thả hy vọng vào giấc mơ người sống/ Rửa mặt cỏ cây/ Thau rửa không gian.”. Kết nối bắt đầu từ những chi tiết nhỏ bé nhất “bông cỏ may”, “miếng thịt sống”, “con tò vò” đến những yếu tố mang tính cơ chế “Tâm linh và cơ điện vi mô. Kinh mạch và kiến trúc phần mềm. Những dữ liệu cấu trúc và phi cấu trúc tâm linh, vật chất. Những mặt người, muông thú, cỏ cây được liên thông suốt chiều dài lịch đại và khoảng không đồng đại”. Những mảnh ghép dần dần vào đúng chỗ, Tái sinh dần trọn vẹn, kết nối kì diệu đã đem đến cho vạn vật sự thống nhất hoàn hảo để trong “rau răm, thài lài, dương xỉ”,“ đòng đong, cung quăng”có “tầm nhìn xa, tinh thần dũng mãnh, và lòng can đảm” của “ đại thụ và mãnh thú”. Kết nối bùng nổ và kết tinh trong biểu tượng con đại bàng kiêu hãnh, linh thiêng, loài chim có khả năng tái sinh bằng đau đớn tột cùng.
Kết nối là chương không thể thiếu, nó hoàn tất dòng mạch của trường ca, hoàn kết vấn đề của thi phẩm. Chương cuối phải chăng là sự tự trấn an của một tấm lòng trước sau yêu Đất nước này bằng tình yêu không hề hồ nghi. Tình yêu ấy cắm sâu vào thực tại. Từ những bi kịch được khơi lên từ đáy sâu tăm tối, niềm tin thành thực vào giá trị ròng của Dân tộc bay lên. Trường ca trở nên trọn vẹn, thỏa mãn. Nhưng thỏa mãn vốn là tử huyệt của văn chương. Có chút gì phảng phất một huyền thoại mới, một giáo điều mới mang tính thuyết phục đã xuất hiện ở đây.
*
Trong trường ca “Thời tái chế”, Máu là hình tượng quan trọng nhất đi suốt hành trình tác phẩm, thẩm thấu vào mọi tế bào thơ. Biểu tượng Máu lúc ẩn lúc hiện nhưng có chức năng kết nối các yếu tố riêng lẻ để tạo nên một hệ sống hoàn chỉnh, thống nhất, cân bằng toàn vẹn, khiến toàn bộ trường ca thành một chỉnh thể. Các biến số của Máu chính là hằng số của trường ca độc đáo này.
Từ những dòng đầu tiên của thi phẩm, nhân vật “tôi” xuất hiện trong một hình ảnh đậm tính biểu tượng: “máu từ khóe miệng tôi xuống đất mẹ ròng ròng”. Máu hiện diện trong mô hình bằng nến mô phỏng những dòng sông máu và nước mắt. Lịch sử của dân tộc này là lịch sử của chiến tranh. Dù được gọi bằng một dụng ngôn hoa mỹ “lịch sử dựng nước và giữ nước” thì bản chất của nó vẫn là ngôi đền được dựng bằng xương máu. Chiến tranh là chiến tranh, không thể khác. Những diễn đạt mang tính trang sức về nó không thay đổi được sự thật tàn khốc ấy.
Máu lúc đầu chỉ là nạn nhân. “lá khô đưa tôi về một thời mất máu, một thời khinh rẻ máu, một thời gian lận máu, một thời lợi dụng, tụng ca máu”. Đó là sự bi đát đã được tổng kết một cách rành rọt. Thế giới của máu lộng lẫy đã chết trong nhận thức, những bằng chứng cuối cùng của một chủ nghĩa anh hùng đã tự bóc tách lớp áo được dày công đan dệt. Điều kì cục nhất của thế giới con người là nó có xu hướng khinh rẻ bất cứ thứ gì quan trọng với nó. Máu là sự sống, nhưng là thứ bị phung phí và tiêu xài một cách vô tội vạ trong bữa tiệc của quyền lực. Lòng nhân là thứ con người luôn rao giảng và dạy nhau giữ lấy thì cũng là thứ bị đạp lên không thương tiếc nếu phải lựa chọn. Sự vênh lệch kiệt cùng trong cách người ta hành xử với máu đã chỉ rõ chân tướng của thời đại. Máu bị lợi dụng, bị gian lận trong khi nó bị khinh khi. Và nợ máu thì không chỉ đến từ kẻ thù.
Nhưng Máu cũng là oan nghiệp. Trong cơn lên đồng tập thể người ta đã thả ma quỷ ra. Đã xảy ra những thảm kịch chưa từng có trong lịch sử của một dân tộc vốn xem tình nghĩa và đạo đức là truyền thống. Máu hữu hình “loang thành vũng giữa sân đình”, máu vô hình chảy tràn lên những linh hồn bị tra tấn bởi sự đê hèn của chính mình. Sau mỗi cuộc chiến tranh, những kẻ từng tiêu diệt hủy hoại nhau rồi chết cả. Người con dâu đã tố điêu bố chồng và người bố cũng đã chết. Nhưng Vong hồn chị ta thường sang gõ nắp quan tài xin lỗi ông cụ cuối mỗi hoàng hôn”. Đó chính là máu, thứ máu đen độc hơn mọi độc dược một khi đã đã nhiễm vào huyết quản thì những linh hồn ấy mãi mãi không được giải thoát. Lịch sử đôi khi là sự dối trá ngạo mạn mà sự thật là cách duy nhất để những vong linh đang mắc kẹt giữa hai thế giới có thể ra đi. Nhưng sự thật là thứ không bao giờ xuất hiện nếu không cưỡng bức nó.
“Thẫm đỏ” là một biển máu, một cơn loạn máu, sự kinh hoàng phủ lên từng con chữ. Hơn cả một cuốn phim kinh dị, những hình ảnh buộc người ta phải tự trấn tĩnh để khỏi ngạt thở trong sự thảm khốc nhường kia. Lịch sử làm bằng máu, máu chưa bao giờ ngừng chảy, “máu vẫy gọi nhau, không thấy”. Bởi không thấy nên dân tộc này cứ ngủ. “Đêm nay mọi người tiếp tục ngủ say cho dòng sông thẫm đỏ đi qua”. Những hình dạng người trong cơn “ngủ” lịch sử mới khốn khổ khốn nạn, mới bần tiện và xấu xí làm sao. Ngủ trong khi dòng sông máu chảy âm thầm đỏ thẫm, cái màu đỏ ám ảnh dân tộc này từ những cuộc chia li chói ngời sắc đỏ đến màu máu thẫm lại như nham thạch nóng bỏng sôi sục dưới sâu kia.
Cuộc sống, trên bề mặt như một vở diễn lạnh lùng, chính xác được dàn dựng bởi một đạo diễn thiên tài. Và máu trên chiếc màn nhung màu huyết dụ khép lại một vở diễn vĩ đại: “tụng ca máu”.
Nhưng có thứ máu khác, máu kiên trung, máu cao quý của những chiến sỹ ái quốc không bao giờ vẩn đục, dù thời cuộc có biến thiên, dù nhiều giá trị đã sụp đổ. Ai đó có thể tìm cách phủ nhận sạch trơn, đã làm “vấy bẩn lên con đường máu” nhưng linh hồn cao khiết của những chiến sỹ chết vì Lý tưởng không ở đó mà quan tâm đến kẻ phản bội. Họ rời đi. Và đó là mất mát của thế giới đang sống. “cánh cửa những phòng biệt giam bật mở, mùi hăng nồng nặc vẫn còn, nhưng họ đã không còn ở đó”.
Máu là còn là cửa sinh trong tử lộ. Trong chương “Lối rẽ”, máu hồi sinh một linh hồn, dẫn dắt một đôi trai gái tìm ra lối thoát. Dòng sông máu nung nấu trong nó cái năng lượng tìm kiếm tự do của con người. Máu giúp cho đôi uyên ương khốn khổ và kiên cường chạy trốn, Máu đông kết và cắt đuôi kẻ truy đuổi, máu là “vô giá và bất tử”.
Đến đây ta lờ mờ nhận ra ý tưởng của Mai Văn Phấn về một giá trị máu. Dù bị đối xử bất công và oan khuất nhất thì máu là thứ duy nhất không phản bội con người. Bởi vậy, kẻ nào phản bội máu đó là phản bội chính sinh mệnh của mình, tự tước đoạt cơ hội ngàn đời có một và đâm đầu trở lại với kiếp súc sinh, ngạ quỷ. Có lẽ vậy mà những linh hồn từng ở hai chiến tuyến, từng là kẻ thù không đội trời chung khi về cõi chết phải day dứt hỏi nhau: “Vậy có cần đi qua con đường máu này không?”. “Thời tái chế” không có câu trả lời cho câu hỏi lịch sử ấy. Câu trả lời nằm trong tim óc mỗi người. Không có mẫu số chung, càng không có con đường nào dễ dàng cho nhận thức.
Nhưng Máu lại là phép màu. Bởi máu có khả năng hồi sinh, tái sinh, khai sinh và phục sinh. Hồi sinh là làm sống lại cái đã chết “Máu dịu dàng chảy qua thềm rêu, lay động từng thân cỏ dại. Làm mặt đất rùng mình, tựa những con lươn, con trạch bị sát muối trước khi làm thịt. Máu bình thản lan đi, mang quyền uy và linh thiêng của những giấc mơ. Những trung đội, tiểu đội từng bị pháo cối, hỏa tiễn vùi lấp. Giờ các anh đang đội đất đứng dậy như binh chủng đặc biệt hóa trang. Các anh vẫn đi theo hàng ngũ về làng, tìm về từng căn nhà cũ. Diệu kỳ thay người thân yêu cùng hàng xóm của các anh không thiếu một ai. Mâm cơm dọn ra đón các anh không phải những đồ tế lễ trong ngày cúng giỗ, mà thức ăn đạm bạc quê nhà, có canh cua rau đay và đĩa cà pháo”.
Tái sinh là cho phép sống lại lần nữa “Những trái non từng bị hái lượm giờ đây được tái hiện trong vòm cây chờ ngày thơm ngọt. Những bông hoa trái chín từng bị sâu đục, chim khoét đang rùng mình vì được tái sinh. Những thân cây từng bị cưa ngang đã tự nhiên nối lại. Nhựa cây cuộn chảy xuyên qua những thân gỗ mục, dâng tỏa trong không gian mùi lá mới và rễ cây quen thuộc cay nồng.”
Khai sinh là mở ra một cái gì chưa từng có: “Máu đã đến khai mở nhãn quan, đánh thức vùng não suy tư mẫn tiệp, để mỗi người tự mình nhận biết, tự tay cầm lấy viên phấn viết lại từng nét chữ. Tập đọc một câu giản đơn cho tròn vành rõ chữ. Biết viết hoa tên Tổ quốc, tên mình.”
Máu phục sinh với cái nghĩa kì diệu nhất của từ này. Tất cả những hồi sinh, tái sinh, khai sinh kia đều chung một điểm đến: cái nguyên thủy. Vạn vật đều được phục hồi lại trong hình hài và phẩm chất nguyên thủy. Thế giới này đã trải qua bao nhiêu vật lộn để thay đổi, để văn minh hơn, tiến bộ hơn cho đến một ngày nó phát hiện ra rằng đó chính là cái giá phải trả để nhận ra giá trị đích thực của tự nhiên. Hóa ra những nỗ lực và thành công mà con người tự hào bấy lâu nay rốt cuộc là hành trình để thấm thía sự ngu xuẩn và vô minh của chính mình. Âu cũng là có ích, nhưng phải mất quá nhiều thời gian cho nhận thức giản dị ấy. Và Máu chính là thứ năng lực cổ xưa nhất, kì diệu nhất, là dẫn chất nguyên thủy có khả năng đưa thế giới này về với những gì tốt đẹp nhất đã mất. “Vẫn là tôi nhưng đêm nay đã khác. Độc lập, tự do như côn trùng, muông thú. Hạnh phúc như cá bơi trong biển hồ và chim chóc trên không.”
Có điều, bao nhiêu kì diệu ấy lại xuất hiện trong chương “Giấc mơ”. Mơ ngủ hay mơ tưởng? Hân hoan đến thế và buồn bã đến thế sao?
“Thời tái chế” là thi phẩm duy nhất của Mai Văn Phấn có sự hoàn kết trên tổng thể. Nhưng các bộ phận thì vẫn bỏ ngỏ, hình tượng Máu trong trường ca này trưng ra trước mắt người đọc trùng trùng biến thể của nó nhưng không cho người đọc bất cứ điểm tựa nào để biết đâu là biến thể cuối. Có lẽ đó chính là cái hiện thực vừa nghiêm ngặt vừa kì lạ mà thi sĩ phát hiện ra.
*
Ở phương diện lối viết, kể từ khi thể loại trường ca của Việt Nam ra đời đến nay, chưa thấy hiện tượng nào như “Thời tái chế”. Trường ca này đem đến một trải nghiệm thẩm mĩ chưa từng có. Nó phá vỡ hầu hết những đặc trưng quen thuộc của thể loại, đảo lộn toàn bộ những gì đã biết, đẩy người đọc ra khỏi vùng an toàn và đối diện với một kinh nghiệm cá nhân mới mẻ, tái định hướng người đọc đến một khu vực tiếp xúc gần với tương lai hơn là hiện tại của thể loại. Nếu áp dụng lý thuyết sẵn có về trường ca để đọc thời tái chế sẽ là một ví dụ rất điển hình của sự bất lực về phương pháp luận. Rõ ràng, sự vi phạm đó là ý chí nghệ thuật của tác giả. Mà thú vị thay, nó mang lại một tầm vóc mới cho tư duy nghệ thuật Mai Văn Phấn. Trong bài viết này, chỉ xin nhắc đến vài điểm nổi bật sau:
Trường ca Việt Nam tuy đa dạng về kết cấu nhưng cơ bản vẫn lấy tuyến sự kiện và nhân vật là điểm trục. “Thời tái chế” thì khác. Cấu trúc của nó là phân mảnh, lắp ghép: đây là cấu trúc điển hình của thơ hiện đại ngoại trừ trường ca. Bề mặt lỏng lẻo, rời rạc nhưng kết nối ở bề sâu, các chương của trường ca dường như không dính dáng đến nhau. Nhưng chính sự rời rã của kết cấu biểu hiện cái đổ vỡ, tan nát của thực tại. Và có rời rạc mới có kết nối. Thêm nữa, cấu trúc thơ vốn bất thường, sức nén của nội dung biểu hiện càng lớn thì độ kết dính của kết cấu càng nhỏ. Thơ càng ít giãi bày càng đa nghĩa là vậy.
Chính độ lớn và sức nén của trường ca “Thời tái chế” đã gọi ra hình thức thơ văn xuôi, là hình thức tổ chức văn bản tối ưu của tác phẩm. Khi nhà thơ nhìn thấy bóng dáng, hồn vía của trường ca này lập tức nó hiện ra dưới hình thức thơ văn xuôi. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp gọi thơ văn xuôi là “điểm văng xa nhất” của thơ tự do. Định nghĩa độc đáo đó nói lên khả năng có một không hai của thể loại trong sự biểu đạt tính chất đồ sộ của vấn đề đặt ra trong trường ca “Thời tái chế”.
Mặt khác, thơ văn xuôi là thể loại ra đời khi và chỉ khi sự sáng tạo của nhà thơ đạt đến một trình độ nhất định. Thơ nói chung tuân theo các quy tắc về vần, luật, nhịp điệu. Đó là những yếu tố đầy ma lực đối với người mới làm thơ. Chúng cấp cho thơ hình thức trữ tình với khả năng chiều chuộng cả người viết và người đọc. Với Mai Văn Phấn, khi tư duy thơ đã vượt ra khỏi các ràng buộc của phép làm thơ, trên nền của ngôn ngữ lập trình cơ bản, một thuật toán mới đã được viết ra.
Đặc trưng của trường ca và thơ văn xuôi là sự giao thoa của hai yếu tố tự sự và trữ tình. Bởi chất tự sự mà trường ca “Thời tái chế” bỗng có một điểm đặc biệt: tính đối thoại. Thông thường, thế giới ý thức trong thơ là “độc thoại triệt để”,triệt tiêu mọi tương tác. Chất đối thoại không được sử dụng với mục đích nghệ thuật, không nằm trên cùng một bình diện với ngôn ngữ thực thụ của thơ. Nhưng như đã nói, Mai Văn Phấn đã phá vỡ nguyên tắc thống nhất, duy nhất của ý thức trữ tình, mang những ý thức khác vào thơ như một thủ pháp mang tính nội dung. Chương Đối thoại của trường ca là một điển hình. Chương này có năm đối thoại, đối thoại (1) thực chất là sự khách thể hóa của cùng một nhân vật nên lời hỏi và đáp vẫn là một ý thức. Nhưng đến đối thoại (4) thì tình hình khác hẳn, hình như có nhiều ý thức cùng tham gia. Cũng không phải hỏi và đáp thông thường, có cảm giác như một cuộc trò chuyện bằng mật âm, tiếng nói của người đối thoại vang lên bằng một năng lượng u sầu mãnh liệt. Ở cấp độ chỉnh thể tác phẩm, “Thời tái chế’ là một đối thoại lớn giữa một cá nhân với lịch sử. Trong lòng trường ca lại là những đối thoại nhỏ hướng về những mảnh ghép đời sống. Tất cả gợi lên sự phản tư, tự vấn, khơi gợi sự tranh biện từ người đọc.
Vài điều nhắc đến ở trên mới chỉ dừng ở mức sơ khởi. Có những kỹ thuật độc đáo cần được khảo sát sâu và cẩn trọng như thủ pháp nhại, liên văn bản, kỹ thuật cắt dán…Với một siêu phẩm như “Thời tái chế”, mỗi chiều kích của nó sẽ là một thách thức người đọc, đồng thời là hấp lực khó cưỡng khi thơ ca đã gần đến mức bão hòa. Lần này, Mai Văn Phấn đã thực sự đánh bại chính mình một cách ngoạn mục.
*
Năm 1998, Mai Văn Phấn viết trường ca "Người cùng thời". Dù khá quen thuộc về bút pháp, ở tác phẩm ấy đã thấp thoáng những tín hiệu của sự cách tân khốc liệt sau này của trường ca Mai Văn Phấn. Tiếp đó là những bài thơ dài mang dáng dấp tiểu trường ca “Cửa mẫu”, “Hình đám cỏ” như những thể nghiệm lớn của tác giả này trước khi bùng nổ ở “Thời tái chế”. Trường ca là thể loại cho thấy rõ nhất bút lực sung mãn của một nhà thơ. “Thời tái chế” đã được xem là điểm cực đại của hình sin chưa? Hay mới chỉ là điểm uốn trong đời thơ Mai Văn Phấn? Có lẽ, không nên chờ đợi điểm cực đại bởi Mai Văn Phấn luôn là nhà thơ có khả năng đem lại bất ngờ cho bạn đọc mà ông yêu quý.
Viết xong tháng 12.2018
Y.N
__________________
* Thông cáo báo chí về việc trao giải thưởng Cikada Thụy Điển cho nhà thơ Mai Văn Phấn, 2017.
** Ramesh Chandra Mukhopadhyaya - Lời tựa cuốn sách "Tĩnh lặng" (thơ và bình chú, Nxb Hội Nhà văn, 2018).
Bìa sau trường ca "Thời tái chế"