“Lặng Yên Cho Nước Chảy” – Khi Tình Yêu Và Cuộc Sống Vỡ Toang Và Hòa Quyện Làm Một (phê bình) - H.Phuong
Văn Học
365
Thư
viện của người yêu Văn Học
“Lặng
Yên Cho Nước Chảy” – Khi Tình Yêu Và Cuộc Sống Vỡ Toang Và Hòa Quyện Làm Một
H.Phuong
Sự im lặng luôn hàm ẩn nhiều ý nghĩa trong nó. Ở những
thời khắc tuyệt vời nhất và tồi tệ nhất. Dòng đời cứ chảy mãi như những cội
suối và con người, cho dù ta cứ bị cuốn mãi vào những dòng xoáy của nó, sẽ có
những lúc ta cần phải tĩnh lặng và lắng nghe những thanh âm vang vọng không
nghỉ ấy, và lắng nghe cả những róc rách của lòng mình. Lặng yên cho nước chảy
là một tập thơ mà, ngay cả khi ta chẳng có khiếu gì về thơ ca, vẫn luôn luôn
xiêu lòng vì nét đẹp thuần chất của nhịp sống thường nhật, vẫn nghiêng mình
trước sự uyên bác của Mai Văn Phấn, và lịm tim giữa những mật ngọt, táo bạo của
tình yêu.
Tập thơ
bắt đầu mỏng mảnh với và như hạt Sương Sớm, rất nhỏ và trong veo. Là tác giả
đang lia góc nhìn của chính mình tới từng góc cạnh nhỏ nhất của cuộc sống
thường nhật. Là ta đang ở giữa ảo ảnh hay là thật, khi mà cái cách nhà thơ nắm
bắt từng khoảnh khắc ấy quá đỗi gợi cảm và siêu thực? Những hành động nhỏ nhất,
những rung động và xúc cảm được truyền tải một cách tinh tế và độc đáo vô cùng.
Thiên nhiên trong thơ hiện lên đúng thuần những nét đẹp của vùng quê Bắc bộ
Việt Nam, và con người, con người cứ như đang tan ra và thấm vào từng hơi thở,
cái vặn mình nhè nhẹ của đất trời bao quanh. Cuộc sống ban đầu hiện lên đẹp là
thế, cũng chẳng thiếu những nỗi buồn, xót xa, lạnh lùng đến rợn người, chỉ qua
một vài sự vật, nó khiến ta cảm thấy đớn đau, và cả kinh hãi.
Có lẽ
một trong những điều thú vị nhất trong vô vàn những điều thú vị của chương đầu
tiên này chính là bài thơ Sương sớm – tiêu đề của chương và cũng là kết thúc
của chuỗi thơ ngắn. Phép tương phản không còn là xa lạ với bút pháp của nhà
thơ, chỉ với vài cặp câu thơ hai dòng, những chuyển động nhỏ nhặt nhất và sự
vật nhỏ nhặt nhất được truyền tải, ngây thơ và có hồn như một nghịch lý. Cái
mà, nếu ta cứ giữ thái độ trung dung, lãnh đạm thì sẽ chẳng bao giờ thấy và
biết. Đẹp vô cùng.
“Đồi cúi gục
Nghe bông hoa nở
…
Che chở giấc mơ
Sáng nay mái nhà rũ mệt
…
Con mãnh sư trong rừng
Ngây ngô như đứa trẻ
…
Mơ vượt sóng
Tỉnh dậy vẫn thấy lọ hoa…”
Rồi
tình yêu xuất hiện trong Thay Mùa, qua cách truyền tải có phần truyền thống và
hoài cổ hơn qua những thể thơ với quy luật chữ nghĩa và bằng trắc. Nhà thơ mượn
cảnh để trút tình. Là mùa thu đặc trưng của miền Bắc, cổ tích dưới ánh trăng,
Nghi Tàm và Hoàng Thành trang nghiêm, là kinh thành Huế đồ sộ ngàn đời, là mùa
hè, và lại là mùa thu hương cốm. Âu có một vài chi tiết đó thôi đã gợi nhớ bất
cứ một người Việt Nam nào về tất cả những gì gọi là thân mật, gần gũi và mang
tính dân tộc nhất. Những giá trị cơ bản nâng đỡ và là nguồn sống nuôi dưỡng
tình yêu. Tinh túy của đất trời và của những hương thơm, của tự nhiên nay trở
thành chất xúc tác cho những đợt cảm xúc rung động mãnh liệt hơn khi nào hết.
Đến Đất
Mở, như một phép so sánh, cái khối rắn chắc dưới chân ấy chỉ vỡ ra khi sự sống
bắt đầu – Tình yêu – không còn dừng lại ở những rung động mới chớm nữa mà đã đi
vào một vùng riêng tư hết sức, với những hoang dại và đam mê, lại được ví von
với sự hùng vĩ, tráng lệ và lãng mạn của thiên nhiên sự vật. Những trận lũ gào
thét, trái chín, lá khô lạo xạo, nắng, sóng biếc nơi đại dương, mặt trời, cội
rễ. Trái đất. Và tái sinh.
Khác
biệt so với hầu hết những phần còn lại, Cái Miệng Bất Tử, qua sự tường thuật và
suy tưởng của nhà thơ là hiện thực cay đắng, mâu thuẫn và có gì đó châm chọc
trong giọng kể. Cái chết hiện lên. Những hiện tượng đáng buồn được vạch trần.
Tiếng lòng của tác giả ở đây góc cạnh và nhọn hoắt đến lạnh lùng. Mỗi một thiên
thơ là những bài học răn đe những kẻ sống thiếu đạo đức, kém văn minh và bồng bột.
Cuộc truy đuổi lý lẽ và đích đến chẳng bao giờ là dễ dàng. Và rồi thì những âm
hưởng của một cuộc đời dù thân xác đã thối rữa hay hóa tro tàn, thì âm thanh từ
miệng, thoát ra từ kiếp người đó vẫn âm âm và vang mãi trong xã hội loài người.
Chuyện
Còn Dài đóng lại cho một chương thơ đầy dữ dội, lúc này chẳng cần lý lẽ, khuôn
phép, tác giả ví mình chẳng khác nào con gián, ơ không, chắc chắn phải khác,
mặc dù có địa vị xã hội tương đương nhau nhưng tất nhiên là gián và tác giả
phải sống theo cách riêng rồi. Nhà thơ chẳng hề ngại ngùng soi chiếu vào từng
góc tối, khiếm khuyết của tâm hồn mình để so sánh với loài gián tanh hôi. Những
bản tính xấu xa nhỏ mọn ấy của con người, có khi nào tương đương với cách sống
và bản năng của loài côn trùng? Nhưng con gián thì vẫn vô tư sống cuộc đời chạo
rạo của nó, và con người thì vẫn cứ đấu tranh không ngừng nghỉ để chiến thắng
bản ngã của chính mình tới tận đời.
Tất cả
đó là đủ rồi, nhà thơ Buông Tay Cho Trời Rạng ở những trang cuối cùng. Tình yêu
và những bình yên trở lại. Bài thơ cuối là tập hợp những kỷ niệm và ký ức bên
nhau của hai người. Cái mà, đã vượt qua tất cả những giới hạn của không gian,
thời gian, đời người ngắn củn. Để trở thành huyền thoại, trở thành quá khứ, trở
thành tương lai và trở thành vũ trụ.
Cho dù
tôi có bỏ ra bao nhiêu nỗ lực để đặt và sắp xếp ngôn từ viết về Mai Văn Phấn và
tập thơ này, có lẽ tuyệt đối tôi chẳng bao giờ thấu suốt trọn vẹn những giá trị
vô cùng của tác giả. Một lần nữa xin nhắc lại, tôi không phải một kẻ có khiếu
thiên bẩm về thơ, nhưng quyển sách mỏng nhẹ này đã làm tim tôi xao xuyến không
biết bao nhiêu lần, đến nỗi phải dừng, gập sách lại, bàng hoàng, để ngẫm, nghĩ
và thấm. Về những gì là tinh tế nhất của cuộc đời.
Posted: 14/5/2019
[Tác
giả: H.Phuong – Nguồn Văn học 365]
Văn Học 365 - Thư viện của
người yêu Văn Học
Văn Học
365 là Kênh thông tin do một nhóm bạn trẻ yêu Văn học thành lập. Bao gồm các
tác phẩm truyện ngắn, văn xuôi, văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, Radio văn
học, Review sách, Tản văn hay,... có ý nghĩa mà đội ngũ sưu tầm và sáng tác
được vì mục đích cộng đồng.
Văn Học
365 nỗ lực trở thành một phương tiện hữu hiệu và thú vị giúp cho cộng đồng
những người yêu văn dễ dàng tiếp nhận thông tin kiến thức cũng như cảm thụ các
tác phẩm văn học có giá trị của Việt Nam và Thế giới.
Những
cá nhân trong đội ngũ Văn Học 365 hầu hết còn rất trẻ và chúng tôi vẫn mong
tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ hơn nữa từ độc giả. Mọi góp ý và sáng
kiến hợp tác cùng Văn Học 365 mời các bạn liên hệ:
►
Email: vanhoc4u@gmail.com
►
Website: http://vanhoc365.com
(Nguồn: Fanpage:
facebook.com/vanhoc365)