Nhà thơ "xuất khẩu" văn hóa Việt từ những điều bình dị (Báo Văn Nghệ Công an) - Huyền Chi - Linh Bùi
Nhà thơ "xuất khẩu" văn hóa Việt từ
những điều bình dị
Từ trái qua: Ms. Ylva Jansson đọc tiếng Anh, MVP đọc tiếng Việt, TS. Lars Vargo đọc tiếng Thụy Điển 2 bài thơ "Thuốc đắng", "Nhịp thu về" của MVP
Huyền Chi -
Linh Bùi
14:40
24/12/2017
"Mai Văn
Phấn đã mở ra cho mình một con đường riêng, nhưng đóng góp chung vào đại lộ thi
ca, giúp quảng bá đến bạn bè thế giới một Việt Nam rất khác - bên cạnh đống đổ
nát của chiến tranh còn có sự huy hoàng của văn hóa", nhà thơ Nguyễn Quang
Thiều, Phó Tổng Thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á - Phi và Mỹ Latinh, Phó Chủ tịch
Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn nhận định.
Những ngày này, nhà thơ Mai Văn Phấn chắc hẳn
rất phấn khởi, bởi ông vừa là "nhân vật chính" của buổi lễ trao Giải
thưởng Văn học "Con ve sầu" (Cikada) của Thụy Điển năm 2017, được tổ
chức trang trọng tại Nhà Thái học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tối 1-12.
Tại buổi lễ trao giải hôm ấy, chúng tôi nhận
ra một số gương mặt quen thuộc của nền thi ca Việt Nam tới chúc mừng Mai Văn
Phấn như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Y Phương hay
nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang.
Những vị khách này không chỉ là "bạn
thơ" thân thiết, mà còn là những người nghiên cứu rất kỹ về các tác phẩm
của Mai Văn Phấn. Tranh thủ trước giờ bắt đầu, trong khi "nhân vật
chính" đang bận bịu nhận hoa và chụp hình lưu niệm, chúng tôi có cuộc trò
chuyện với nhà nghiên cứu Ngô Hương Giang đến từ Viện Hàn lâm Khoa học và Xã
hội Việt Nam.
Phân tích về thơ Mai Văn Phấn, nhà nghiên cứu
Ngô Hương Giang cho biết, đó là sự kết hợp của năm yếu tố cấu thành, bao gồm sự
đổi mới trong cách ngâm thơ; sự truyền tải giá trị văn hóa; nhìn nhận khách
quan con người và xã hội Việt Nam hiện đại; sự nhạy cảm của một thi sĩ trong
thời kỳ hội nhập; cũng như việc ông tự tin nói với thế giới rằng Việt Nam đã
thay đổi. Đây là đánh giá từ góc nhìn của một nhà khoa học.
Còn đối với nhà thơ Mai Văn Phấn, ông lại
khiêm nhường bày tỏ: "Tôi vui mừng và cũng bất ngờ. Thật khó hình dung
được không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của Mai Văn Phấn lại
có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác. Phải
chăng, thơ ca với quyền năng và vẻ đẹp tinh khôi của nó luôn đủ sức dẫn dụ, gắn
kết những tâm hồn đồng điệu dù ở bất kỳ đâu trên hành tinh này".
Là Chủ tịch Ban giám khảo Giải thưởng Cikada,
nhà thơ - Tiến sỹ Lars Varg cho biết, bảy thành viên trong Ban giám khảo Giải
thưởng Cikada đều thống nhất quan điểm rằng, thơ của nhà thơ Mai Văn Phấn có sự
đồng điệu với thơ của nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson - nguồn cảm hứng của
Giải thưởng Văn học Cikada.
Giải thưởng Cikada thuộc về Mai Văn Phấn là
sự ghi nhận xứng đáng của Ban Giám khảo dành cho những cống hiến và khát vọng
được thể hiện trong thơ cũng như con người của chính nhà thơ. Nói về Mai Văn
Phấn và thơ của ông, người bạn thân thiết, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ,
Mai Văn Phấn là một người đã dâng hiến trọn vẹn tinh thần của mình cho thơ ca.
Sự sáng tạo đó như một nghi lễ vô cùng thiêng liêng và cẩn trọng, dựa trên
những vỉa tầng của nền văn hóa Việt, con người Việt truyền thống đã có từ ngàn
xưa.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng kể rằng, năm
1994, Nhà xuất bản Massachusetts đã lần đầu tiên xuất bản một tập thơ có xuất
xứ từ những tài liệu mà quân đội Mỹ thu giữ của các chiến sĩ Việt Nam thời
chiến tranh như sổ tay, thư, giấy tờ.
Trước đó, khi những chuyên gia của Mỹ đọc
những tài liệu thu thập được và giải mật thì họ thấy rằng, trong hầu hết các
tài liệu ấy đều có một hình ảnh được vẽ, đó là hình ảnh con chim bồ câu và có
một loại văn bản rất đặc biệt, đó là những bài thơ. Họ nhìn, họ đọc, và phát
hiện rằng ở đó không có sợ hãi, không có hận thù, không có nguyền rủa. Ở đó chỉ
là sự nhung nhớ quê hương, làng xóm, những người thân yêu và mong muốn chiến
tranh kết thúc đề trở về được cày cấy, gieo gặt.
Người Mỹ đã gọi đó là một trong những phát
hiện lớn nhất để hiểu về tâm hồn người Việt, dù chỉ qua những bài thơ rất vụng
về. Điều này chứng tỏ khi một tác phẩm được dịch sang thứ ngôn ngữ khác thì nó
hé mở rất nhiều điều và có sức mạnh làm động lòng những người có khả năng tiếp
nhận. Và Mai Văn Phấn đã làm được những điều ý nghĩa như vậy.
Nhà thơ Mai Văn Phấn tâm sự: "Chứng kiến
những biến động khôn lường của đời sống xã hội, của môi trường sinh thái bị hủy
hoại, của trật tự thế giới bị đảo lộn..., tôi khát khao một xã hội công bằng,
bác ái, không có áp bức, con người được tôn trọng, được tự do, được hưởng hạnh
phúc, được sống trong môi trường thiên nhiên trong sạch...".
Cũng theo Mai Văn Phấn, song hành với đời
sống nhân loại, thơ ca ngày một hiện đại hơn trong cách biểu đạt và đa dạng hơn
về quan niệm thẩm mỹ. Thơ góp phần quan trọng làm nên thế giới tinh thần đẹp đẽ
của con người, cảm hóa, liên thông tâm hồn nhà thơ với bạn đọc.
"Thơ chỉ trường tồn, sinh sôi với những
người thủy chung, say đắm nó. Nhà thơ có được tứ thơ hay, thực sự là một mối
duyên. Càng hạnh phúc hơn khi mối duyên ấy được hòa đồng cùng khát vọng của con
người tiến bộ, dũng cảm đấu tranh để bảo vệ đời sống con người, vì mọi
người", nhà thơ Mai Văn Phấn nói.
Nhưng nếu so sánh với những loại hình nghệ
thuật khác, thơ luôn bị hạn chế và chịu sự ràng buộc bởi rào cản ngôn ngữ mỗi
khi tìm đến một quốc gia khác. Việc dịch một bài thơ từ nguyên tác sang ngôn
ngữ gốc là công việc khó khăn và rất khó trọn vẹn. Và cái duyên để thơ Mai Văn
Phấn bước ra ngoài Việt Nam, đến với bạn đọc yêu thơ ngoại quốc cũng rất lạ kỳ.
Nhà thơ Mai Văn Phấn kể lại: "Tôi thường
tin vào chữ duyên của nhà Phật. Việc "xuất ngoại" tập thơ "Bầu
trời không mái che" của tôi là khoảng đầu năm 2010. Khi đó, tôi được gặp
dịch giả Trần Nghi Hoàng, người đã sống ở Mỹ hơn 30 năm, trở về định cư tại Hội
An từ 2008.
Trần Nghi Hoàng, trước hết là một nhà thơ tôi
rất yêu mến với hệ thống ngôn ngữ hiện đại, hậu - hiện đại trong các tác phẩm
khá nổi tiếng của ông. Ngoài ra, ông còn viết văn và nghiên cứu văn học. Đó là
điều thuận lợi tiên quyết để chúng tôi có thể hợp tác.
Ban đầu, dịch giả Trần Nghi Hoàng dịch bài
thơ Cửa Mẫu, sau đó chuyển cho người bạn thân của ông ở Mỹ hiệu đính; đó là nhà
thơ Frederick Turner - Giáo sư sáng lập chuyên khoa Nghệ thuật và Nhân văn Đại
học Texas ở Dallas, người khởi xướng Chủ nghĩa tự nhiên cổ điển có ảnh hưởng
lớn đến mọi châu lục hiện nay.
F.Turner đã rất thích thú khi nhận được bài
thơ Mothergate (Cửa Mẫu), bởi vẻ đẹp và sự đắm say của nó. Sau đó, F. Turner đã
nhận lời biên tập miễn phí cho bản dịch Anh ngữ toàn bộ tập thơ này. Dịch giả
Trần Nghi Hoàng đã làm việc cẩn trọng, liên tục gần 2 năm để có được bản dịch
ưng ý. Tôi rất biết ơn và kính trọng thái độ ứng xử với thi ca của dịch giả
Trần Nghi Hoàng và giáo sư Frederick Turner".
Sau khi tập thơ song ngữ Anh - Việt "Bầu
trời không mái che/Firmament without roof cover" được NXB Hội Nhà văn tái
bản tháng 7-2012, nhà thơ Mai Văn Phấn lại bất ngờ nhận được email của nhà thơ
Susan Blanshard - người đại diện cho Nhà xuất bản Page Addie Press của Anh tại
Việt Nam mời ký hợp đồng xuất bản.
Theo hợp đồng, tập thơ được xuất bản ở 2
dạng, bản in giấy và bản điện tử (e-book). Bản điện tử đã phát hành trên trang
mạng Amazon từ ngày 21-11-2012. Còn với bản in giấy, Page Addie Press phát hành
độc quyền tại 3 nước Mỹ, Canada và Anh. Hai năm sau, NXB Page Addie Press lại
tiếp tục xuất bản thêm những tập thơ mới của Mai Văn Phấn. Hai tập thơ song ngữ
Việt - Anh "Ra vườn chùa xem cắt cỏ/ Grass cutting in a temple
garden", "Những hạt giống của đêm và ngày/ Seeds of night and day"
và tập thơ song ngữ Việt - Pháp "Bầu trời không mái che/ A ciel
ouvert" của Mai Văn Phấn ngay lập tức lọt vào top 10 trong 100 tập thơ
châu Á bán chạy nhất của Amazon.
Bình luận về những tập thơ này, nhà thơ, nhà
tâm lý học Mỹ Raymon P.Keen nói: "Thơ Mai Văn Phấn bày tỏ sự sáng chói của
con người ở đây và bây giờ trên trái đất này, tôn vinh hành tinh của chúng
ta". Còn nhà thơ Nhà thơ Mai Văn Phấn chia sẻ: "Tôi tin thơ ca đương
đại của chúng ta có vị trí xứng đáng khi hội nhập quốc tế. Bản sắc Việt chính
là sự quyến rũ độc giả các nước tìm đến văn học Việt".
Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh
Bình, hiện sống và làm việc tại Hải Phòng. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam
và Hội Nhà văn Hải Phòng. Mai Văn Phấn là một trong những hiện tượng thơ ca nổi
bật trong làng văn học Việt Nam những năm gần đây. Nhà thơ từng được trao Giải
thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010 cho tập thơ "Bầu trời không mái che".
Đến nay, Mai Văn Phấn đã có 14 tập thơ được xuất bản trong nước và là một trong
những nhà thơ đương đại của Việt Nam có nhiều tác phẩm được dịch, giới thiệu ra
nước ngoài.
Thơ của Mai Văn Phấn đã được tuyển chọn và
dịch sang 24 ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Thụy Điển, Nga, Hàn Quốc, Nhật
Bản, Trung Quốc, Hindi, Macedonia. Ông cũng là một trong mười nhà thơ châu Á có
tác phẩm bán chạy nhất trên kệ sách Amazon.
Giải thưởng Cikada trao cho
nhà thơ Mai Văn Phấn được thành lập năm 2004 bởi Viện Thụy Điển, nhân kỷ niệm
100 năm ngày sinh của nhà thơ Thụy Điển Harry Martinson - người đoạt giải Nobel
Văn học năm 1974. Tên của giải thưởng được lấy cảm hứng từ tập thơ Cikada (Con
ve sầu) xuất bản năm 1953 của Martinson. Giải thưởng được trao cho các nhà thơ
Đông Á, nơi "cảm quan thơ ca của họ chỉ ra tính bất khả xâm phạm của đời
sống". Hội đồng giám khảo giải Cikada gồm đại diện của: Hội Chữ thập đỏ
Thụy Điển, Hiệp hội Harry Martinson, nhà thơ, đại diện nhà xuất bản, giáo sư
văn chương, nhà văn có uy tín.
H.C và L.B
(Nguồn: Báo Văn Nghệ Công An)