"Khởi nghiệp" thơ từ những giá trị truyền thống (Báo Hải Phòng) - Linh Chi
"Khởi nghiệp" thơ từ
những giá trị truyền thống
Linh Chi (bút danh của nhà văn Phạm Thùy
Linh)
Linh Chi
Cập nhật lúc10:33, Thứ Hai,
25/12/2017 (GMT+7)
Ngày 1-12 vừa qua, tại Văn
miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), nhà thơ Mai Văn Phấn của Hải Phòng vinh dự được
Đại sứ quán Thụy Điển trao tặng giải thưởng văn học nghệ thuật Cikada. Đây là
giải thưởng được sáng lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry
Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học người Thụy Điển năm 1974. Chia sẻ
với công chúng và bạn thơ bốn phương, nhà thơ đất Cảng tiết lộ, anh khởi
nghiệp, lên đường từ những giá trị truyền thống.
Thơ
phải được thể hiện bằng cảm xúc chân thành
Đến với thơ không sớm, song hành trình thơ
của nhà thơ Mai Văn Phấn được đánh dấu từ một bài thơ viết năm 1990 dành cho
con gái lớn của mình có tựa đề “Thuốc đắng”. Bài thơ đó được tặng giải thưởng
Nguyễn Bỉnh Khiêm, một giải thưởng dành cho văn học nghệ thuật của thành phố
Cảng những năm 90 của thế kỷ trước. Tâm sự về “Thuốc đắng”, nhà thơ đất Cảng
vẫn không giấu niềm xúc động khi chia sẻ quan điểm sáng tác của mình. Theo anh,
thơ phải được thể hiện bằng cảm xúc chân thành nhất và những ý tưởng lớn.
Tâm sự với phóng viên Báo Hải Phòng, nhà thơ xúc động: “Hàng chục
năm trôi qua rồi, tôi vẫn nhớ hoàn cảnh ra đời của bài thơ “Thuốc đắng”. Ấy là
vào một chiều mùa hè năm 1990, Ngọc Trâm, con gái tôi khi ấy mới 3 tuổi. Con
tôi bị sốt cao nhưng không chịu uống thuốc. Thương con, nhưng tôi buộc phải ép
con uống hết chén thuốc mới mong khỏi bệnh. Sau đấy vài giờ con tôi ngủ yên,
nhìn chiếc chén đã cạn thuốc đặt trên của sổ, tôi vội viết bài thơ này”.
Những câu thơ trong bài “Thuốc đắng” của Mai
Văn Phấn gây xúc động trong lòng người đọc. Cảm xúc thật, cảm giác chân thực
như rung lên khi đến với bài thơ ngay từ khổ thơ đầu: “Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa/ Cha cũng có thể thành tro nữa/
Thuốc đắng không chờ được rồi/ Giữ tay con/ Cha đổ/ Ngậm ngùi thả lòng
chén vơi...”
Khởi
nguồn từ các giá trị truyền thống
Có thể nói, bài thơ “Thuốc đắng” đánh dấu một
điểm nhấn trong cuộc đời sáng tác của Mai Văn Phấn. 27 năm qua từ khi viết bài
thơ ấy, nhà thơ của thành phố Cảng giờ đây có những mốc thành công trong sự
nghiệp thi ca của mình. Anh đoạt một số giải thưởng Văn học Việt Nam và quốc
tế, trong đó có Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2010. Đã xuất bản 14 tập thơ
và 1 tập phê bình - tiểu luận tại Việt Nam; 13 tập thơ ở nước ngoài và trên
mạng phát hành sách của Amazon, chọn từ các tập thơ đã xuất bản trong nước. Thơ
Mai Văn Phấn được dịch sang 24 ngôn ngữ, gồm: tiếng Anh, Pháp, Nga, Tây Ban
Nha, Đức, Thụy Điển, An-ba-ni, Serbia, Macedonia, Montenegro, Slovakia,
Ru-ma-ni, Thổ Nhĩ Kỳ, Uz-bék, Kazakh, Ả-Rập, Trung Quốc, Nhật bản, Hàn Quốc,
Indonesia, Thái Lan, Ne-pan, Hin-đi và Ben-ga-li (Ấn Độ).
Đặc biệt, giải thưởng Cikada của Thụy Điển
thay cho nhiều lời bình luận về sự thành công trong sáng tạo thi ca của người
thơ sinh ra trên đất Ninh Bình nhưng gắn bó với Hải Phòng nhiều thập kỷ nay.
Giờ đây, người biết đến Mai Văn Phấn vẫn nghĩ anh là một nhà thơ gắn với các tứ
thơ hiện đại, hình thức thơ cách tân. Song ít ai biết rằng, như anh từng bộc
bạch, thơ anh vẫn khởi nguồn từ các giá trị truyền thống. Sau “Thuốc đắng”, Mai
Văn Phấn viết liên tục. Càng viết không gian thơ mở ra càng rộng với nhiều màu
sắc. Từ những giá trị truyền thống, anh mạnh dạn đổi mới và tìm cho mình phong
cách riêng. Bình tĩnh nhìn lại những bài thơ của mình lắng lọc qua thời gian
trong đó có mốc son “Thuốc đắng”, nhà thơ hiểu rằng, điều quan trọng đối với
một tác phẩm là thần thái và cảm xúc khi sáng tạo. Vì với anh, thơ phải được
thể hiện bằng cảm xúc chân thành nhất và những ý tưởng lớn. Bởi hơn cả một sáng
tác đơn thuần, với nhà thơ, đó còn là một người con tinh thần nữa. Và bài thơ
“Thuốc đắng” sáng tác năm 1990 ấy là điểm mốc của lời tâm sự này.
L.C
(Nguồn: Báo Hải Phòng)
Sách của MVP tại Lễ trao giải Cikada