image advertisement
image advertisement





























 

“Khả năng thiên phú chỉ là cánh cửa đầu tiên...” - Nhà báo Diễm Anh thực hiện PV

“Khả năng thiên phú chỉ là cánh cửa đầu tiên...”

(Nhà báo Diễm Anh, Báo Lao Động thực hiện PV)

 

 

 

 

Nhà báo Diễm Anh

 

 

 

 

 

Diễm Anh

 

 

24/12/2017 | 07:16

 

Vừa qua, trong không gian nhà Thái Học, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nhà thơ Mai Văn Phấn đã vinh dự được nhận giải thưởng văn học Cikada của Thụy Điển. Mai Văn Phấn là tác giả của Việt Nam có tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất (24 thứ tiếng), đặc biệt, tác phẩm của ông còn được bán trên mạng phát hành sách của Amazon. Tại lễ trao giải, bà Ylva Jansson - Đại biện Lâm thời ĐSQ Thụy Điển tại Việt Nam đánh giá: “Nhà thơ Mai Văn Phấn đã chứng tỏ thơ có thể giúp chúng ta hiểu cuộc sống và văn hóa của người khác như thế nào. Thông qua thơ, tiếng nói của một người có thể kể câu chuyện của nhiều người. Giải thưởng này thuộc về Mai Văn Phấn là sự ghi nhận xứng đáng của Ban giám khảo dành cho những cống hiến và khát vọng được thể hiện trong thơ cũng như con người của ông ấy”. Nhân dịp này, PV báo LĐ có cuộc trò chuyện với nhà thơ Mai Văn Phấn, ông chia sẻ:

 

“Tôi vui mừng và bất ngờ khi biết tin đoạt giải năm nay. Trước đó, tôi thật khó hình dung không gian thơ riêng biệt, thậm chí có phần dị biệt của tôi có thể chạm tới trái tim bạn đọc ở những địa tầng văn hóa, chính trị khác. Phải chăng, thơ ca, với quyền năng và vẻ đẹp tinh khôi của nó luôn đủ sức dẫn dụ, gắn kết những tâm hồn đồng điệu dù ở bất kỳ đâu trên hành tinh này...”. Giải Cikada được thành lập năm 2004 nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Harry Martinson, nhà thơ đoạt giải Nobel Văn học người Thụy Điển năm 1974. Giải thưởng do Viện Thụy Điển tài trợ trị giá 20.000 SEK và một tác phẩm gốm nghệ thuật do nghệ nhân gốm người Thụy Điển Gunilla Sundstrom thiết kế. Đã có10 nhà thơ Đông Á, trong đó có hai nhà thơ Việt Nam được nhận giải: Ý Nhi (2015) và Mai Văn Phấn (2017).

 

Ông đánh giá “ngôn ngữ” thơ của mình có phần dị biệt?

 

- Nói chính xác hơn là dị biệt từ trong tư duy sáng tạo. Khoảng mươi năm gần đây, tôi ít khi xa nhà, hằng ngày hầu như chỉ qua lại với lối ngõ nhỏ và những cảnh quan quen thuộc của mình. Tôi kết nối được với thế giới và biết được từng cơn dư chấn bên ngoài chủ yếu thông qua chiếc máy tính cá nhân. Từng đợt sóng của những cơn dư chấn ấy đã dội vào tôi, thôi thúc tôi không ngừng sáng tạo. Bằng cảm xúc và năng lượng cá nhân, tôi biết nhìn những điều tưởng như đơn giản, lặp đi lặp lại, thậm chí vặt vãnh trong đời sống hằng ngày qua lăng kính của một đứa trẻ…

 

Là một nhà thơ hiện đại VN, có tác phẩm được dịch ra 24 thứ tiếng khác nhau trên thế giới, được bán trên mạng phát hành sách của Amazon. Thế nhưng, dường như cái tên Mai Văn Phấn vẫn chỉ nổi bật trong giới chuyên môn và những người đặc biệt yêu thơ. Trong khi đó, bất kỳ nhà văn nào, chỉ cần có một tác phẩm “sống được” cũng dễ dàng được đông đảo công chúng biết đến. Vậy, phải chăng, thơ của ông chưa thực sự “chạm” được vào nỗi lòng của độc giả VN cũng như những vấn đề xã hội mà họ đang quan tâm?

 

- Thơ không thể dựng thành phim, lên sân khấu như văn xuôi, nhưng có đời sống riêng. Theo tôi, để trở thành một nhà thơ chuyên nghiệp, người sáng tác phải có quan niệm nghệ thuật cơ bản, cũng như hệ hình thẩm mỹ riêng biệt. Độc giả đọc thơ hiện nay đang phân hóa rất mạnh. Những người trẻ đọc thơ thế hệ trước như ngắm nhìn một kỷ vật trong Viện bảo tàng. Còn những người đọc thơ vốn quen với lối cũ thì đọc những bài thơ cách tân mới lạ như nhìn một dị vật với thái độ khó hiểu, hồ nghi. Hiếm hoi mới có những người có thể tiếp nhận thơ hiện đại với tâm thế mở, cầu thị. Sự đọc của mỗi người bắt nguồn từ khi cắp sách tới trường, từ hệ thống giáo dục, từ thói quen thẩm mỹ... Để thơ “chạm vào nỗi lòng” như chị nói, trước hết nó phải đối mặt với những thói quen đã ăn sâu, gần như thành vô thức của mỗi người đọc. Từ bỏ một thói quen cũng là một “cuộc cách mạng”. Vì bản chất của nghệ thuật là sự khám phá, khai mở, tìm đường... Khi bạn đọc đã vào được không gian đa chiều của thơ, tức khắc, họ sẽ nhận ra những mối quan tâm của tác giả, trong đó bao gồm cả những vấn đề nhân sinh, xã hội...

 

Ông nói rằng một nhà thơ chuyên nghiệp phải có quan niệm nghệ thuật cũng như hệ hình thẩm mỹ riêng biệt. Vậy quan niệm nghệ thuật và hệ hình thẩm mỹ của nhà thơ Mai Văn Phấn là như thế nào, thưa ông?

 

- Quan niệm nghệ thuật vốn là kiến thức nền mà mỗi nghệ sĩ chuyên nghiệp cần phải có. Khả năng thiên phú chỉ là cánh cửa đầu tiên mở ra cho người sáng tạo linh cảm thấy một thế giới nghệ thuật riêng biệt tuyệt đẹp. Còn muốn trở thành một nghệ sĩ chuyên nghiệp, mỗi người sáng tác thơ cần được/tự trang bị một kiến thức tổng hợp vững chắc. Điều đó giúp cho nghệ sĩ làm chủ được căn tính cũng như nội lực của mình, nhìn thấy rõ mục đích và đường hướng có thể đi xa. Tôi vốn là một tác giả khởi nghiệp từ hệ hình thẩm mỹ truyền thống, sau đó đổi mới để tìm đến không gian nghệ thuật khác với trước đó. Nhìn xuyên suốt sẽ nhận ra một lộ trình thơ tôi: Truyền thống kết hợp hiện đại, áp dụng tinh hoa của các khuynh hướng nhằm tạo ra một giọng thơ hiện đại mang căn tính dân tộc. Sáng tạo nghệ thuật, đặc biệt thơ ca, luôn là quá trình thay đổi, vận động của chủ thể sáng tạo để tìm đến những giá trị nghệ thuật mới, khác với trước đó. Hàm nghĩa của sáng tạođồng đẳng với cách tân, và, đối nghịch với sự ổn định.

 

Để tác phẩm của mình đến được với bạn thơ rộng rãi trên thế giới, hẳn ông không thể trông chờ vào “hữu xạ tự nhiên hương”, cho dù luôn tự tin rằng những đứa con tinh thần của mình đều rất đẹp?

 

- Những đứa con tinh thần, như chị nói, có thể ví như bông hoa, như ngọn lửa, tự nó có sức lan tỏa. Nhưng bông hoa, ngọn lửa ấy nếu không có gió, không có những bàn tay truyền lửa thì vĩnh viễn chỉ tồn tại trong căn nhà nhỏ hẹp. Khởi đầu mối duyên lành cho việc xuất bản thơ ra nước ngoài, là tôi may mắn gặp được những dịch giả tiếng Anh và tiếng Pháp tài năng và thực sự chuyên nghiệp. Họ dành nhiều thời gian và tâm huyết dịch thơ tôi, sát với nguyên tác tiếng Việt, truyền tải được trọn vẹn tinh thần thơ từ văn bản gốc. Từ đó, thơ tôi đã lan truyền sang những ngôn ngữ khác. Thậm chí có lúc, tôi còn cảm thấy thơ mình được chắp cánh ngôn ngữ không kiểm soát hết được. Nhà thơ Tomas Transtromer từng nói: “Dịch thơ nên được coi là điều phi lý, nhưng thực tế chúng ta vẫn phải tin vào nó”. Và vì tin, nên chúng tôi (những nhà thơ và những nhà dịch thuật) mới có cơ hội mang đến cho người yêu thơ trên khắp thế giới những sáng tạo của mình.

 

Có một thực tế là ngày nay người làm thơ và tự xuất bản thơ cũng rất nhiều. Thế nhưng, hầu như các tác phẩm ấy được in ra dùng để tặng bạn bè là chính. Các trang văn hóa văn nghệ của các tờ báo hầu như chỉ đăng thơ vào những dịp đặc biệt. Theo ông, đâu là nguyên nhân của mâu thuẫn trên?

 

- Văn chương có sự phân tầng, đặc biệt thơ càng thấy rõ. Cũng có những nhà thơ có thể “phủ sóng” ở các tầng bậc, dĩ nhiên hiếm. Nhưng thơ của những tác giả mang tính khai sáng có lẽ chỉ dành riêng cho nhóm bạn đọc yêu thích cái mới, sau đó mới lan tỏa đến công chúng. Hiện có rất ít những nhà thơ có khả năng “phủ sóng”, như tôi vừa nói, bởi đời sống tinh thần con người hiện đại phong phú, nhiều khác biệt, thậm chí dị biệt. Thơ cũng vậy. Hiện, có xu hướng những người làm thơ và bạn đọc cùng gu, cùng thị hiếu kết nối với nhau, lập nhóm, câu lạc bộ... Họ tặng thơ nhau, thậm chí có thể mua thơ của nhau. Như tôi chẳng hạn, vẫn lặn lội đến các hiệu sách để tìm cho được sách của tác giả mình quan tâm. Nhưng hình như vẫn tồn tại một rào cản vô hình trong cách giới thiệu tác phẩm tác giả mới lạ đến với bạn đọc. Hiếm có tờ báo nào dành riêng hẳn một số để giới thiệu sâu rộng về một tác giả. Làm được như vậy dĩ nhiên công phu, tốn thời gian lắm. Ban biên tập cũng phải đủ mạnh dạn, hiểu để lựa chọn đối tượng giới thiệu, chọn tác phẩm tiêu biểu, sau đó mời một số nhà phê bình, nhà thơ uy tín để thẩm bình. Đây là cách tốt nhất để định hướng thẩm mỹ cho bạn đọc.

 

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

 

 

 

 

(Nguồn: Báo Lao Động cuối tuần)

 

 

 

 


Nhà báo Diễm Anh, bút danh của bạn Hoàng Kim Anh (ngồi  mũi thuyền) trong Hội khóa FN81 tại Tràng An, Ninh Bình, 2016





 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị