Gai hoa hồng đơm hoa (bình thơ) - Tuệ Mỹ

GAI HOA HỒNG ĐƠM HOA

(Đọc bài thơ “Gai” của Mai Văn Phấn)

 

 

Tác giả Tuệ Mỹ

 

 

Tuệ Mỹ

 

 

 

GAI

 

Sớm

Hái bông hoa hồng

Chiều

Gai cào mộng mị

 

Sẹo

Lên xanh biếc thế

Gai

Trong hồn đơm hoa.

 

Mai Văn Phấn

 

(In trong tập thơ “Giọt nắng”, Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992; và  sách Ngữ văn lớp 11, tập 2 - Bộ sách "Chân trời sáng tạo")

 

 

Lời bình của Tuệ Mỹ:

 

Lấy cảm hứng từ việc hái bông hoa hồng, một loài hoa có gai, Mai Văn Phấn đã sáng tác bài thơ “Gai”. Bài thơ gợi liên tưởng đến nhiều khía cạnh của đời sống, trong đó nổi bật nhất là cách bộc lộ tình yêu của nghệ sĩ đối với cái Đẹp trong sáng tạo nghệ thuật.

      

Bài thơ ngắn, gồm hai khổ rất cân đối. Cân đối ở số lượng câu thơ trong mỗi khổ thơ (4 câu) và cân đối trong cách sắp đặt đan xen giữa câu thơ ngắn nhất (1chữ) với câu thơ dài nhất (4 chữ). Bởi thế, khi mới tiếp cận bài thơ, tôi ngỡ như đứng trước một ngôi nhà hai tầng, mỗi khổ thơ tựa như ô cửa sổ xinh xắn được đặt thẳng hàng trên dưới.

    

Đến khi đọc kỹ bài thơ, điều tôi quan tâm nhất chính là cách kiến tạo hình tượng, những hình ảnh mang tính biểu trưng trong đó. Khổ thơ đầu mở ra một không/ thời gian buổi sớm. “Sớm” là thời điểm khởi đầu một ngày mới tinh khôi, tươi sáng. Trong khung cảnh nguyên khởi, oanh nhi của sớm mai, hoa hồng khoe sắc, tỏa hương mời gọi con người thưởng thức. Và, “Hái bông hoa hồng” như một hệ quả. Thưởng thức cái Đẹp phải chăng có nhiều cách. Ngắm hoa cũng là thú vui tao nhã, thể hiện một tâm thế, một cốt cách... Nhưng ở đây, người thưởng thức lại đi “hái” hoa. Một khi hoa đã bị “hái” đi rồi thì bông hoa ấy sẽ lìa khỏi thân cây, tức nó không còn tỏa hương khoe sắc trên cơ thể của chính nó. Thế cũng có nghĩa, đời sống của hoa đã bị xâm phạm. Hoa không còn phô bày vẻ đẹp hồn nhiên, tinh tuyền cho cả vũ trụ, mà chỉ dành cho một người, hay một nhóm người. Bởi vậy, “hái” có thể xem như một hành động của con người xâm phạm thiên nhiên, chiếm dụng cái Đẹp cho riêng mình.

 

Buổi sớm hái hoa, không thấy tác giả đề cập đến những chiếc gai, nhưng đến “Chiều”, thời điểm kết thúc một ngày, mới thấy “Gai” xuất hiện. Cái lạ ở đây là “gai” đã không châm vào bàn tay hái mà lại cào vào “mộng mị” của người hái hoa. Thì ra, khi hái hoa, dù người hái có khéo léo không để những chiếc gai cào xước, nhưng đến khi ngủ, gai vẫn cứ xuất hiện trong giấc mơ, ám ảnh của họ. “Gai cào mộng mị” phải chăng là những dằn vặt, ân hận vì đã làm tổn thương thiên nhiên, cây lá... Lẽ ra, trước khi có ý định hái hoa, người hái phải ý thức được điều này. “Mộng mị” là thế giới của vô thức, vậy mà tác giả lại để cho ý thức sám hối, ân hận hiện về trong “mộng mị”. Phải chăng đây là cách cảnh tỉnh con người không được xâm phạm đến thiên nhiên theo cách riêng của Mai Văn Phấn. Và ông đã cho rằng, việc xâm phạm thiên nhiên, dù chỉ là hành động nhỏ nhưng cũng không thể tha thứ. Sự trừng phạt có thể đuổi tới tận giấc mơ.

      

Sự việc diễn tiến trong giấc mơ tiếp tục được trình hiện ở khổ thơ thứ hai. Nơi mộng mị bị cào xước đã để lại “Sẹo”. Rồi vết “sẹo” kia bỗng biến thành một hạt giống, một mầm cây... Chữ “Gai” đứng riêng thành một câu thơ, tạo nên điểm nhấn. Đến đây thật kỳ lạ, nó không còn là cái gai trong “Gai cào mộng mị” mà đã thành một loài cây đặc biệt nảy sinh trong giấc mơ thi sĩ, có tên là cây “Gai”. Đây là một lối chơi chữ độc đáo. Từ “gai” của hoa hồng đã hóa thành “Gai”, tên một loài cây. Lối chơi chữ này tạo nên bất ngờ, thú vị trong giá trị biểu đạt. Loài cây ấy đã “Lên xanh biếc” và “đơm hoa” trong tâm hồn con người. Nó biểu đạt sự lớn mạnh và sức sống mãnh liệt của một loài cây vừa xuất hiện. Mai Văn Phấn đã sử dụng cụm từ giàu sức gợi cảm và mở rộng đường biên của tưởng tượng: “lên xanh biếc thế”. Từ “thế” đứng cuối câu thơ vừa biểu nghĩa (đại từ chỉ sự lên xanh biếc) vừa biểu cảm (trầm trồ, ngạc nhiên trước sự lên xanh của cây lá). Nên, đọc câu thơ mà tưởng chừng như nghe được tiếng lòng hân hoan, reo vui của người viết. Một khi đã “lên xanh biếc” thì đương nhiên cây “đơm hoa”. “Đơm hoa” là hình thức đền ơn cây, đền ơn đất trời đã cho cây sự sống. Nhưng điều mà thi sĩ muốn hướng tới, chính là sự “đơm hoa” trong tâm hồn, tức một khoảng không rực rỡ, thanh tao đã được mở ra. Cái Đẹp không phải tự nhiên mà có. Muốn tâm hồn “đơm hoa”, con người đôi khi phải đánh đổi, trả giá. Chẳng phải "cây" Gai “xanh biếc”, “đơm hoa” kia được hình thành từ vết “Sẹo” đó sao? Suy rộng ra, con người biết dằn vặt, đớn đau về những lỗi lầm, sai trái của mình đã gây nên thì mới có ý thức sửa mình, tỉnh thức; mới có hành động đẹp; mới làm nên cái Đẹp.

    

Ai cũng có thể làm nên cái Đẹp, nhưng sự liên tưởng gần gũi nhất trong bài thơ này dành cho người làm nghệ thuật. Đời sống muôn màu, muôn vẻ là nguồn phù sa vô tận bồi đắp tâm hồn nghệ sĩ. Nếu nghệ sĩ biết dấn thân, đằm sâu vào đời sống, biết chia sẻ cảm thông và sống hết mình vì cái Đẹp thì tất yếu anh ta sẽ được cái Đẹp đáp đền bằng tác phẩm. Và, chắc chắn trong hành trình sáng tạo cái Đẹp, nghệ sĩ phải đối mặt với “Gai”, với những thử thách gian nan thì tâm hồn mới “đơm hoa”, thăng sáng.

       

Tác giả mở đầu bài thơ bằng hành động “Hái bông” và kết thúc khi thấy trong tâm hồn mình “đơm hoa”. “Hoa” đã xuất hiện ở đầu và cuối bài thơ, vừa tạo nên sự hô ứng trong kết cấu tác phẩm vừa làm hoàn chỉnh ý tưởng bài thơ: tình yêu cái Đẹp. Thiên nhiên là cội nguồn của cái Đẹp. Do vậy, yêu cái Đẹp trước hết phải biết nâng niu, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống quanh mình. Cái/ cây "Gai" trong bài thơ chính là hiện thân cho cái Đẹp vô thức và cũng là của ý thức con người.

 

Bình Định, 19/9/2023

T.M

 

(Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị