image advertisement
image advertisement





























 

Đọc bài thơ "Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc" (bình thơ) Nguyễn Nguyên Tản

Đọc bài thơ "Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc" của Mai Văn Phấn

 

 

Nguyễn Nguyên Tản

 

 

MƯỜI NÉN NHANG Ở NGÃ BA ĐỒNG LỘC

 

Tháng ngày gương lược về đâu

Chân trời để xõa một màu cỏ non

 

Các cô nằm lại trên cồn

Những chùm bồ kết khô giòn trong cây

 

Khăn thêu những dấu tay gày

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời

 

Người ơi, tôi lại gặp người

Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô

 

Nhang này quặn nỗi đau xưa

Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn.

 

(Mai Văn Phấn. In trong tập thơ "Cầu nguyện ban mai", NXB Hải Phòng, 1997)

 

   

Lời bình của Nguyễn Nguyên Tản:

 

Mai Văn Phấn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, là nhà thơ nổi tiếng thành phố Hoa phượng đỏ và cả nước. Anh được coi như một trong những đại diện tiêu biểu cho khuynh hướng đổi mới thi ca Việt sau năm 1975. Đổi mới nhưng không tách rời truyền thống nên thơ anh có nhiều đột phá mà vẫn gần gũi với mọi người. Bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc” của anh được trao giải Nhất cuộc thi thơ do Báo Văn nghệ tổ chức năm 1995.

 

Hồi 16h ngày  24/7/1968, ở ngã ba Đồng Lộc, loạt bom Mỹ đã cướp đi sinh mạng của mười nữ chiến sĩ thanh niên xung phong tuổi từ 17 đến 24, vùi lấp họ trong lòng đất trong khi đang san lấp hố bom, mở đường đưa xe ta ra trận. Sau đó, mộ các cô được mai táng, xây cất trên một quả đồi cạnh ngã ba Đồng Lộc. Bao năm qua, hàng triệu lượt người đã tới đây viếng thăm, thắp hương tưởng niệm những linh hồn con người hiến dâng sự sống đang độ thanh xuân cho đất nước. Mai Văn Phấn thể hiện thành công niềm xúc động, xót xa, tự hào khi đến viếng nơi này bằng bài thơ gồm năm cặp câu lục bát (10 dòng) mang âm hưởng lời ru, chắt lọc những hình ảnh vừa cụ thể vừa khái quát. Tên bài thơ “Mười nén nhang ở ngã ba Đồng Lộc”, là một hình ảnh tượng trưng. Cho mười ngôi mộ ôm ấp hình hài mười người con gái trong lòng đất mẹ. Cho lòng xót thương tưởng vọng của người trên dương thế đối với người đã khuất.

 

Theo tâm lý thông thường, khi nhớ thương một người thân yêu đã qua đời, ta thường tưởng tượng ra dáng hình, cử chỉ, giọng nói, tiếng cười, đường ăn, nết ở… và nâng niu những kỷ vật đã từng gắn bó với người ấy. Ông vua hay chữ Tự Đức có câu thơ vào hàng tuyệt bút khi diễn tả nét tâm lý này: “Đập cổ kính ra, tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại, để dành hơi” (Đập gương cũ ra tìm lấy bóng / Xếp manh áo cũ lại để dành hơi người xưa).

 

Mở đầu bài thơ, Mai Văn Phấn không trực tiếp nói đến nỗi nhớ thương mười cô gái đã hy sinh mà gợi ra một số hình ảnh sự vật từng gắn bó khăng khít với họ khi còn sống: gương lược, trái bồ kết gội đầu, chiếc khăn tự thêu. Tất cả những hiện vật có thể gợi thương gợi nhớ ấy, giờ đây, theo thời gian và cái chết đã biến hình chuyển dạng. Hai chữ “về đâu” nghe xa vắng như câu hỏi vào vô định. Cái tài của nhà thơ là đã diễn tả sự biến hình, chuyển hóa những sự vật bình thường, mộc mạc thành sự vật đẹp tươi sáng rỡ gấp bội phần, phản ánh cái nhìn và suy tưởng tích cực, lạc quan:

 

Tháng ngày gương lược về đâu

Chân trời để xõa một màu cỏ non

 

Các cô nằm lại trên cồn

Những chùm bồ kết khô giòn trong cây

 

Khăn thêu những dấu tay gày

Thành mây Đồng Lộc bay bay trắng trời

 

Từ ngữ, hình ảnh và giọng điệu thơ nghẹn ngào qua những hình ảnh bi thương khi sự sống đã chấm dứt: mái tóc các cô bấy nay không được chải, bồ kết gội đầu không dùng nữa, khăn thêu in dấu tay gầy guộc... Tuy nhiên, theo nhà thơ, những gì thuộc về các cô không bị chôn vùi theo thời gian mà vẫn hàng ngày hiện hữu vì đã hóa thân vào thiên nhiên đất nước: Chân trời xõa một màu cỏ non tơ, chùm bồ kết khô giòn trong cây, áng mây bay trắng trời. Những hình ảnh thiên nhiên đẹp, gần gũi được nâng lên thành biểu tượng cho sự vững bền, bất diệt. Như vậy, các cô đâu có mất, trái lại vẫn sống mãi giữa cuộc đời này. Thơ về anh hùng liệt sĩ thường có chung cách cảm nhận ấy. Như hình ảnh anh giải phóng quân với tư thế hy sinh anh dũng, hiên ngang đã trở thành biểu trưng một Tổ quốc sừng sững cao vời:

 

“Từ dáng đứng của anh trên đường băng Tân Sơn Nhất

Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”

(Dáng đứng Việt Nam - Lê Anh Xuân),

 

hay

 

“Ngọn núi nơi anh ngã xuống

Rực cháy lên màu hoa đỏ trước hoàng hôn”

(Màu hoa đỏ - Nguyễn Đức Mậu).

 

Cách cảm nhận và diễn tả khiến cho mất mát đau thương trở thành bi hùng, tráng lệ.

 

Sáu dòng thơ trên của Mai Văn Phấn làm rung động lòng ta bởi sự kết hợp tài tình, như song trùng giữa những hình ảnh cụ thể với hình ảnh có tính chất tượng trưng, sản phẩm của trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú và bay bổng. Bốn dòng thơ còn lại trực tiếp diễn tả cảm xúc, nỗi niềm tác giả khi nghiêng mình trước mười ngôi mộ:

 

Người ơi, tôi lại gặp người

Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô

 

Nhang này quặn nỗi đau xưa

Tôi nay tôi của cơn mưa về nguồn.

 

Dường như đây không chỉ là cuộc viếng mộ mà còn là một cuộc gặp gỡ giữa con người, vượt qua ngăn cách âm dương. Tiếng gọi “Người ơi!” sao mà mến thương dịu ngọt. Quá khứ đau thương đã hiện hữu trong tưởng tượng của người đang sống, vượt qua giới hạn thời gian, như vừa mới hôm qua: “Hơi bom vẫn thổi rụng rời cát khô”. Phép nhân hóa “rụng rời cát khô” làm tăng tính khốc liệt của chiến trường năm ấy.

 

Ngay sau đó là một hình ảnh nhân hóa kết hợp với hoán dụ: Tưởng như nén nhang cũng có linh hồn, “quặn nỗi đau xưa”. Trước sự hi sinh cao cả của các cô, trong lòng thi nhân trộn hòa hai cảm xúc chủ đạo: xót xa, quặn thắt và cảm phục, biết ơn. Nhà thơ tự ví mình như “cơn mưa về nguồn” mang hàm ý: Đến viếng mộ mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc, đối với nhà thơ chẳng khác chi chuyến trở về nguồn cội. Cội nguồn tình yêu đất nước nồng thắm mà bao thế hệ người Việt Nam đã vun đắp lên bằng máu xương mình. Mười nén nhang trở thành cầu nối tâm linh giữa người đang sống và những người đã mất, trong đó nét đẹp của sự hi sinh cao cả đã tiếp thêm tình yêu và sức mạnh cho người đang sống. Núi sông càng linh thiêng gấp bội vì có bao nhiêu con người đã hóa thân vào trong đó, đúng như câu thơ của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca “Đất nước”:

 

“Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy

Những cuộc đời đã hóa núi sông ta”.

 

Sự kết hợp hai phương diện cảm xúc và suy tư, giữa cụ thể và khái quát trong hình tượng một cách nhuần nhuyễn và sáng tạo… đã làm nên thành công của bài thơ với đề tài quen thuộc, đúng như yêu cầu và mong ước mà chính tác giả đã tuyên ngôn: “Tầm vóc của thi sĩ chính là khả năng khái quát, biến những hình ảnh quen thuộc thành biểu tượng thi ca” (Mai Văn Phấn - Mấy suy nghĩ về thơ hay - Văn nghệ trẻ số 13, 2004).

 

(Nguồn: Báo Hưng Yên, 18/7/2024)

 

 

 

Ở Trung Quốc đắt gấp 10 lần ở Việt Nam: Thứ quả từng gây sốt đến 'cháy  hàng' tại Hà Nội vì công dụng 'thần thánh' với ngôi nhà

Cây bồ kết

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị