ĐỌC
“CHẬM”
Tác giả Nguyễn
Thị Hương Giang
Chậm
Khắp nơi không tìm được
Chỗ cất cánh
Mưa bụi và gió ấm
Đang về
Hoảng hốt
Bởi ai đã nhắc
Trong giấc mơ đêm qua:
… cuối
xuân...
… không
biết bay…
… vĩnh
viễn bò sát mặt đất…
Lại vòng quay cũ
Tôi đành dừng
Ở đây
Có tiếng gió quạt rất khẽ
Đôi cánh bắt đầu
chuyển động
Hay xương bả vai tôi
Đang cố nhô lên.
Mai Văn Phấn
Lời bình của Nguyễn Thị Hương Giang:
Đọc “Chậm” của Mai Văn
Phấn cho chúng ta hình dung được sự vận động của ý thức, đó là hành trình “đau
nhức” nhưng luôn khát khao và cố gắng để vươn tới ánh sáng.
Hãy đọc bài thơ như tên gọi
của nó: Chậm. Một tâm thế nặng trĩu gần như tuyệt vọng mở ra, xác lập thời điểm
đang là, nồng nàn “mưa bụi và gió ấm” nhưng lại đính kèm những tín hiệu tăm
tối, buồn bã, “cúi gục” trong tâm thế người. Chúng ta nghiệm được những mệt mỏi
và gắng gượng của một cuộc người trước sự chóng vội của thời gian. Sự đối lập
của những hình ảnh thơ đầu được phân khúc riêng từng khổ thơ làm tăng sự day dứt
của nỗi niềm đang u uất trong chùm/ luống tuyệt vọng. Phút đột ngột của “hoảng
hốt” trong khổ thơ thứ ba như tia sáng lóe lên một tiên tri, một lời cảnh báo về
mối họa được định sẵn “vĩnh viễn bò sát mặt đất”. Hay để dễ chịu hơn, giấc mơ
đó là lời khuyên gián tiếp hãy giải phóng mình, bay để thoát khỏi mặt đất - những
bất lực nặng nề đang nén chịu. Nút thắt đã được mở bằng chính giấc mơ dữ dội ám
ảnh đó, hay đúng hơn một hướng đi đầy năng lượng đã mở phía sau giấc mơ.
Mạch thơ phát triển bằng sự lựa chọn của
nhân vật trữ tình. Chất thơ nằm ngay trong ý nghĩ. Với tâm thế chủ động, trải
nghiệm thêm những điều đã trải nghiệm, bay lại trên “vòng quay cũ” và cuối cùng
người trong cuộc quyết định dừng lại đúng thời điểm trên vị trí mình định vị.
Những câu thơ này khiến tôi chợt nhớ đến những câu thơ viết trong buồn bã, rũ
mệt của mình “cất cánh nơi đâu/ không thể nào biết
trước/ chỉ biết trong tuyệt vọng bay là hạnh phúc/ dù sương” (con chim trắng).
Hai câu kết
của bài thơ “Hay xương bả vai tôi/ Đang cố nhô lên” gây ấn tượng mạnh
bởi mạch thơ đã kết thúc bằng một hướng hoài nghi khác, hay đích xác cùng hướng
đó nhưng đã gây được sự bất ngờ trong cú lừa của giấc mơ và hiện thực, trên bầu
trời và mặt đất… kéo mọi suy tưởng về nhận thức, kéo giấc mơ về những đau nhức,
khó khăn, mỏi mệt, bất lực của đời sống này. Thế nhưng tất cả đều chuyển động,
đều vươn lên và tiếp tục nhập vào cuộc lữ.
“Chậm” là niềm an ủi vừa
dữ dội vừa rất đỗi dịu dàng cho những niềm trăn trở gần như tuyệt vọng mà vẫn
khát khao “vượt sóng”. “Chậm” giàu chất thơ đã nhỏ
nhẹ gõ vào những tâm hồn có nỗi buồn đang chế ngự, muốn trì hoãn, ngủ quên,
nhưng đã đánh thức những mong muốn cộng hưởng, mong muốn tiếp tục trải nghiệm cuộc
sống. Và với Mai Văn Phấn, sống để sáng tạo, (và sáng tạo để sống) luôn là
“động cơ” để nhà thơ chấp nhận mọi cơn đau, “nhô lên” giữa đời dù “chậm”.
Ý thức về thân phận là để
nâng đỡ thân phận, điều đó rất đúng với tứ thơ này. Bài thơ như chú chim nhỏ
nép cánh thu gọn mình trong cô độc nhưng lại gây những xung động trong cảm xúc,
chầm chậm mở những luân xa để tái hiện những điều tự nhiên như nó đã đang là. Bởi
vì, như ở trong một bài thơ khác, nhà thơ viết:
Vầng mặt
trời
Mình giữ
trong tay
Lâu rồi.
(Đợi)
N.T.H.G
Tranh của Gürbüz Doğan Ekşioğlu, Thổ Nhĩ Kỳ