Đọc bài thơ "Sợi dây im lặng" của Mai Văn Phấn
Đỗ Thị Khánh Ly
Maivanphan.com: Cháu Đỗ Thị Khánh Ly - HS lớp 12 chuyên Văn, trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải phòng vừa gửi tôi bài viết về "Sợi dây im lặng". Bài thơ này của tôi được rút từ tập "Cầu nguyện ban mai" (NXB Hải Phòng, 1997). Thông qua cảm nhận sâu sắc và tinh tế của cháu Khánh Ly, tôi vui mừng bởi một thế hệ bạn đọc mới đã xuất hiện.
Bác trân trọng cảm ơn Khánh Ly! Chúc cháu giữ mãi niềm đam mê văn chương và sớm đạt được nguyện vọng của mình trong kỳ thi sắp tới!
Mai Văn Phấn
Sợi dây im lặng
Những đôi môi giấu mãi vào nhau
Như vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ
Sự hòa hợp lặng im bắt đầu.
Sự lặng im đang nối vào xa lắm
Từ đầu này tới cuối những hoang sơ
Cơn mơ muốn gọi ta mà không thành tiếng
Con chim thiêng sốt ruột lại bay về.
Nó đậu vào sợi dây im lặng vừa căng
Đâu phải thế... đâu còn là chốn cũ...
Thân ta đã khác rồi khi nhè nhẹ rung lên.
M.V.P
(Rút từ tập thơ "Cầu nguyện ban mai", NXB Hải Phòng, 1997)
Lời bình của Đỗ Thị Khánh Ly:
Thơ Mai Văn Phấn rất độc đáo, không theo bất kì một khuôn mẫu, chuẩn mực nào. Thơ tình của ông là mảng riêng, cũng khó ai có thể trộn lẫn, nó bùng nổ nhưng vẫn da diết và thẳm sâu theo cốt cách Á Đông. "Sợi dây im lặng" là một trong những bài thơ tình của ông thể hiện rõ nét phong cách ấy.
Những đôi môi giấu mãi vào nhau
Như vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ
Sự hòa hợp thành lặng im bắt đầu.
Hiện lên trong những câu thơ, trước hết là hình ảnh đầy gợi cảm, thậm chí được tác giả nhanh chóng đẩy tới nhịp điệu cuộn xiết, dữ dội:
Những đôi môi giấu mãi vào nhau
Phải chăng, "những đôi môi giấu mãi" kia chính là tình cảm thắm thiết, nồng nhiệt của cặp đôi đang yêu. Nụ hôn ấy chìm đắm, cháy bỏng, xuất phát từ những tâm hồn đang miên man, phiêu dạt trong một tình yêu tận cùng tận độ, như muốn phơi bày hết mọi xúc cảm mãnh liệt nhất từ tận đáy lòng. Hành động "giấu mãi" của đôi trai gái gợi cho người ta liên tưởng đến sự triền miên không dứt, như đang đốt cháy, làm đảo điên cả đất trời. Điều ấy âu cũng dễ hiểu, vốn bởi, trong tình yêu, làm gì có giây phút nào, người ta có thể cảm nhận thấy cảm xúc đạt đến nộ nồng nàn nhất, khi đôi môi chạm nhau. Cái chạm ấy không đơn thuần là kề cận, mà là sự giao thoa, quấn quít của tâm hồn, đến mức không thể, cũng không muốn buông rời.
Dường như, nụ hôn ấy chẳng có gì đặc biệt, vì nó cũng như chiếc hôn của rất nhiều cặp đôi đang yêu khác. Thế nhưng, nụ hôn này độc đáo hơn nhiều, thậm chí là độc nhất, khi nó được đặt trong trường liên tưởng với sự giao hòa của thiên nhiên.
Như vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ
Lại là những rung cảm thiết tha, rạo rực đến mức muốn nhập cả thể xác của mình vào người mình yêu dấu: "vỏ cây muốn lẫn vào ruột gỗ". "Lẫn vào", chứ không phải "lẫn với", vì nếu lẫn với chỉ là sự kết hợp, đan xen, thì lẫn vào chính là nhập vào, là hòa quyện làm một, không còn tách biệt như hai cá thể độc lập. Như một quy luật tự nhiên của tạo hóa, vỏ cây vốn chỉ là lớp bao bọc bên ngoài, che chở cho vân gỗ bên trong, vậy mà giờ đây, nó khao khát được vượt qua, phá vỡ định luật vốn có để được thỏa mãn ước nguyện được yêu, được sống hết mình với tình yêu. Dường như, nhà thơ đang nhân cách hóa thiên nhiên, trao cho nó một thế chủ động, chủ động ước mong, chủ động khát vọng, như cách con người vẫn luôn mong muốn kiếm tìm một tình yêu chân thành và nồng đượm.
Trong cái miên man rạo rực của tình yêu kia, người ta bỗng băn khoăn, trăn trở không dứt khi rong ruổi đến dòng thơ kế tiếp:
Sự hòa hợp thành lặng im bắt đầu
Người ta không hiểu "lặng im bắt đầu" là thế nào, tại sao lại là lặng im, và tại sao lại là bắt đầu. Nó gợi ra những bâng khuâng, những lời tự vấn. Có lẽ, lặng im là bởi, khi con người mê man, bồng bềnh trong từng đợt sóng tình yêu, hòa nhập tâm hồn, thể xác mình vào đối phương, thì làm gì có tiếng động nào phát ra. Vốn dĩ, sự đắm chìm ấy đang diễn ra âm ỉ, ngấm ngầm trong tâm hồn mà không cách nào diễn tả nổi bằng lời. Còn bắt đầu, phải chăng là bởi, sau nụ hôn ấy chính là sự khởi đầu cho giai đoạn bền chặt hơn của tình yêu, khi đôi lứa đã tìm thấy sự hòa hợp không chỉ thuần túy là những nỗi niềm vu vơ, những dò hỏi khám phá ý tứ nữa. Đến đây, ta lại bắt gặp bóng dáng thấp thoáng của vỏ cây và ruột gỗ. Chúng cũng im ắng, lặng lẽ như thế trong sự hòa lẫn với nhau, để cùng nhau bắt đầu một sự sống mạnh mẽ hơn, lâu dài và bất diệt.
"Lặng im bắt đầu" dường như còn là khởi sự, bắt đầu mở ra một không gian khác:
Sự lặng im đang nối vào xa lắm
Từ đầu này tới cuối những hoang sơ
Sự lặng im trải dài từ "đầu này" - từ đôi môi, đến vỏ cây - ruột gỗ, vẫn chưa dừng lại mà kéo đến tận "những hoang sơ" - khoảng không vô định, những "dấu chấm mờ" trong không gian mà chính nhà thơ cũng không xác định rõ được. Mờ ảo, mơ hồ đến mức chỉ có thể dùng trực cảm để nhận biết, không cách nào lý giải bằng tư duy lý tính, logic thông thường. Phải chăng, đó chính là cái cốt cách, linh khiếu của người nghệ sĩ, khi chỉ họ mới có được giây phút thần hứng trong chốc lát như thế. Người ta thấy sự lặng im ấy đã đi được "xa lắm", một cuộc hành trình dài không dừng bước, cũng không biết mỏi mệt.
Và bạn đọc lại càng bất ngờ hơn nữa khi biết rằng, thế giới mà họ đang lạc bước kia là một thế giới trong tâm tưởng, của vô thức:
Cơn mơ muốn gọi ta mà không thành tiếng
Con chim thiêng sốt ruột lại bay về
Hóa ra, người nghệ sĩ đã mê man lâu lắm, rất lâu trong cơn mơ, sống trong thế giới tự nhiên mang vẻ đẹp hoang sơ nguyên thủy với cây lá, chim muông. Mải miết, miên man đến mức, ngay cả chính giấc mơ cũng không nhịn được mà muốn cất tiếng đánh thức; đến độ con chim xuất hiện trong mơ kia cũng không muốn đậu lại nữa, nóng lòng quay về chốn cũ, về nơi trú ẩn. Nó giống như khoảnh khắc người nghệ sĩ bắt gặp cái đẹp đầy rung động, và trực giác mách bảo anh ta phải đuổi theo nó, bắt lấy nó, để nâng niu, trân trọng. Cuộc rượt đuổi có thể dài đằng đẵng, thậm chí là khôn tận, nhưng bản chất của một tâm hồn yêu cái đẹp, nhạy cảm, thậm chí điên đảo vì cái đẹp, dù là bất chợt khiến anh sẵn sàng, không biết mệt mỏi mà săn tìm, rượt bắt.
Giấc mơ vẫn tiếp tục bằng sự say mê của người nghệ sĩ, nhưng suy cho cùng, nó vẫn không thể chống lại được quy luật của tự nhiên, để rồi phải kết thúc
Nó đậu vào sợi dây im lặng vừa căng
Đâu phải thế… đâu còn là chốn cũ
Thân ta đã khác rồi khi nhè nhẹ rung lên
Trên chặng đường bay về chốn nghỉ, con chim thiêng dừng chân ở "sợi dây im lặng vừa căng". Phải chăng, nó chọn dừng lại ở cành cây nơi nó bắt đầu - sợi dây im lặng vô hình kết nối vỏ cây và ruột gỗ. Nhưng con người đang mơ lại cảm thấy không đúng mà cật lực phủ nhận, bởi nơi anh ta nhìn thấy con chim đậu - "chốn cũ" của nó không phải cành cây kia, mà là ở một khoảng không xa xăm vô định - "những hoang sơ". Không đúng là bởi, giấc mơ đã khép lại, và anh ta không còn triền miên trong đó nữa. Giấc mơ đóng khép, nhưng những gì nó để lại thật kì diệu - cái nhè nhẹ rung lên của thân thể. Cái rùng mình khe khẽ, như vừa giác ngộ ra một điều gì. Người nghệ sĩ cảm nhận được trong tâm trí của mình có một luồng điện xẹt qua, khiến anh ta phải thảng thốt. Một giấc mơ thôi mà khi choàng tỉnh, anh ta thấy được sự lạ lẫm trong tâm thức, sự xúc động đến run lên - những dư chấn lạ lùng mà thần kì. Điều ấy sao có thể hiểu được bằng thứ tư duy lí tính mà người ta vẫn dùng trong đời sống, vì nó vốn là phẩm chất nghệ sĩ, thứ bản năng mà không phải ai cũng có được. Đó chính là sự khác biệt giữa người làm văn - tín đồ trung thành của văn chương với người bình thường, bởi người bình thường sẽ không bao giờ đủ say mê, đủ tinh tế đến mức cảm nhận được những rung chấn tinh vi như thế.
Người đọc hoàn toàn có thể thấy được những độc đáo cả về nội dung và nghệ thuật, có sự khác biệt hoàn toàn so với các bài thơ viết theo lối truyền thống. Không bị giới hạn về thể thơ, nhịp điệu, hình ảnh; không còn những cách gieo vần quen thuộc; cũng không nhiều những tính từ diễn tả cảm xúc,... mà ta thấy trong đó là sự tự do, hiện đại và gần gũi trong ngôn từ, hình ảnh, cùng sự liên kết có vẻ đứt gãy, rời rạc: từ đôi môi - vỏ cây, ruột gỗ - cơn mơ - chim bay - thức tỉnh. Nhưng chính rung cảm của người nghệ sĩ là chất keo gắn kết những sự vật tưởng như không liên quan ấy trong một mối liên hệ bền chặt, để tạo nên một tứ thơ độc đáo. Đặc biệt hơn, ta thấy các hình ảnh thiên nhiên trong thơ là chính bản thân của chúng, đứng độc lập, không còn là nơi để kí thác tâm tư, tình cảm, hay là thứ để con người chinh phục như trong những cách viết cũ.
Vì lẽ đó, độc giả hoàn toàn có thể đọc thơ Mai Văn Phấn dưới góc nhìn của văn học sinh thái - một trào lưu văn học rất tiến bộ mới phát triển gần đây, nhận được sự quan tâm đặc biệt ở mọi quốc gia trên thế giới. Ở đó, thiên nhiên và con người giữ vai trò bình đẳng, sống hòa hợp cùng nhau, là mối quan hệ cộng sinh cùng tồn tại, và con người không còn giữ vị trí độc tôn, thống trị như trước kia nữa.
Đ.T.K.L
Lớp 12 chuyên Văn (2023), trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải phòng