Trích một số ý kiến về thơ Mai Văn Phấn
Tranh dân gian Ấn Độ
Lâm Giang Tuyền (林江泉- Lam Kongchuen) - Nhà thơ, Nhà phê bình văn học & Dịch giả, kiến trúc sư Trung Quốc:
Thơ ba câu của Mai Văn Phấn là ranh giới của ánh sáng và bóng tối, giữa không gian của sự dạn dày kinh nghiệm và cõi hư không. Tác phẩm hư cấu của ông mang ý nghĩa một khởi đầu mới của ngôn ngữ, đồng thời tiên đoán về khoảnh khắc giành lại thực tại. Có rất nhiều ánh sáng và bóng tối trong khoảng không nén chặt. Thơ ba câu của ông tái cấu trúc thứ tự của ngữ nghĩa, và thời gian được gói gọn trong vòng tròn được ấn định. Thơ của ông có một căn nguyên xuất phát từ nội tâm – một thứ gì đó ẩn hiện xuyên thời gian - sự biến mất, tái hiện, và mối quan hệ giữa những tác nhân cấu thành nên “thơ ba câu" của ông.
Mai Văn Phấn’s three-line poem is the ‘‘borderline of light and darkness between the world of experience and the fictional context. His fiction means a new beginning of language and also heralds the moment of regaining reality. There are many types of light and shade in his compressed space. The three-line poem reorganizes the order of meaning, and time is shaped into a circular pattern. His three-line poem has an inner source—something that disappears and reappears from time to time—the disappearance, reappearance, and the relationship between the two constitute his "three-line poem."
(Trích tiểu luận về thơ Mai Văn Phấn)
“Mai Văn Phấn giỏi ẩn mình trong dòng người, liên tục thay đổi sắc diện và giọng điệu, liên tục kết nối bản ngã bị phá vỡ. Ông sắp xếp lại “trật tự tưởng tượng”; và người đọc để những hình ảnh trong bài thơ đi vào trí nhớ nhạy cảm, đi vào “Bài tập ngữ pháp” của ông. Ông giải quyết mọi thứ bằng cuộc rong chơi yên tĩnh, trầm lặng và không ngừng nghỉ. Thơ của ông cân bằng, dày đặc và có nhiều chi tiết cụ thể và dễ cảm nhận. Tính siêu hình của cuộc sống thường nhật cũng được xuất hiện rải rác trong từng dòng thơ của ông.”
“Mai Văn Phấn is good at hiding herself inside the line, constantly changing facial expressions and tone, and constantly bridging the broken self. He rearranged the "imaginary order", and the reader allowed the images in the poem to enter his sensitive memory and enter his "Grammatical Exercise". He deals with everything around him with tranquility, calm, and non-stop roaming. His poems are balanced, dense and full of specific and perceptible details, and the metaphysics of daily experience is scattered in each line.”
(Trích tiểu luận về thơ Mai Văn Phấn)
Biplab Majee - Nhà thơ, Nhà văn, Nhà phê bình văn học & Dịch giả:
“Mai Văn Phấn gom nhặt những bài thơ của ông từ đời sống thường nhật. Thơ ông chứa đựng hương vị đất đai, con người, và thiên nhiên. Ông làm chủ ngôn ngữ thi ca phức hợp, sử dụng điêu luyện phép ẩn dụ và hình tượng. Trong thơ ông, bản thể con người hòa quyện với hình tượng tự nhiên. Tâm trạng hòa quyện cùng cảm xúc. Thơ ông khai sáng cho tất cả chúng ta. Ông dành sự quan tâm sâu sắc cho xã hội, dẫn dắt chúng ta từ thế giới hư vô tới suối nguồn của cuộc sống, đưa chúng ta tới sự hào phóng của thiên nhiên. Và chúng ta học được cách sống đúng đắn. Và tận hưởng cảm giác xuất thần.”
(Nguồn: Thư đề cử của Biplab Majee gửi Ban Tổ chức Giải thưởng Quốc tế Sahitto về Văn học-2021
Biplab Majee - Poet , Prose Writer, Lit. Critic & Translator:
“Mai Văn Phấn collects his poems from everyday life. His poems contain the scent of soil, people and nature. He has mastered the language of sophisticated poetry. He is good at using metaphors and imagery. In his poems, the essence of human feeling is mixed with the imagery of nature. His feelings are mixed with emotion. His poems are enlightening all of us. He has deep concern for the society. His poems lead us from the world of meanness to the fountain of life. His poems took us to the bounty of nature. And we learn to live in a right way. And enjoy ecstacy.”
(Source: Recommendation letter of Biplab Majee to Sahitto International Award for Literature-2021)
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:
“Đôi mắt tôi khác thường khi đọc thơ Mai Văn Phấn. Nó giúp tôi được sống một đời sống mà tôi chưa bao giờ biết tới. Thơ ông chứa đựng thật lớn về đời sống này, về tâm linh, về nghệ thuật. Một đời sống đẹp, bình yên, sâu thẳm. Đó là một thứ thơ kết tinh dần thành hạt cây, thứ hạt “bền vững hơn kim cương”, như mẹ tôi đã nói khi tôi hơn 50 tuổi”
(Nguồn: mojtthegioi.vn)
Nhà phê bình văn học Lương Kim Phương:
"Không chỉ viết về biển, thi sĩ Mai Văn Phấn đã mở rộng biên độ cho thơ sinh thái Hải Phòng về một thiên nhiên khoáng đạt mà giản dị thông qua các biểu tượng nghệ thuật cơ bản như bầu trời, đất đai, nước và cây cỏ. Thế giới tự nhiên trong thơ Mai Văn Phấn thật gần gũi, trong trẻo, bao bọc giao hoà với con người để con người nhận ra mình đích thực là một phần của tự nhiên, được hoá thân vào thiên nhiên, học từ thiên nhiên những bài học lớn lao vô cùng: Co quắp con ngủ trong gió lạnh/ Mơ thành bào thai/ Cuống nhau nối với mặt trời (Cửa Mẫu) hay Anh nhào lộn giữa gió và nước/ tôm cá và mặt trời/ rong rêu và mây trắng/ kí ức và mộng tưởng (Hình đám cỏ) hoặc Tôi lặng yên làm cát đá/ Ngây ngô trong mưa nắng/ Bóng đêm trinh bạch (Tĩnh lặng); Nhắm mắt anh hình dung quả chin rụng vào cơ thể, nước quả óng vàng loang chảy, ấp ủ anh thành hạt nhân bùi trong ruột mát thơm (Giấc mơ cây). Trong thơ Mai Văn Phấn, thiên nhiên không còn là nền cảnh hay là đối tượng nhân vật được nhân cách hoá để con người trò chuyện, đối thoại hoặc coi thiên nhiên là chốn ẩn dật, nương náu mà thiên nhiên đã hoà làm một với con người không thể tách rời. Mai Văn Phấn trả con người về đúng vị trí của nó, là một thực thể không tách rời của tự nhiên. Những dòng thơ từ mạch cảm hứng trào dâng với chiêm nghiệm đầy triết lí: con người được sinh ra từ thiên nhiên, được tái sinh nhờ nó và đừng nên huỷ diệt nó bởi những tham vọng bá quyền của mình, mỗi sinh thể thiên nhiên cần được con người đối xử bình đẳng và công bằng.
Thơ về sinh thái của Mai Văn Phấn thực sự là một đối trọng với đề tài về nhịp sống đô thị, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đang diễn ra. Nếu con người chỉ biết hăm hở duy ý chí đi lên công nghiệp hoá mà quên đi cảnh quan môi sinh hay tệ hại hơn là phá nát, huỷ diệt nó thì chắc chắn con người sẽ bị trả giá thích đáng. Thi sĩ đã cho chúng ta những rung cảm say mê về một sự thanh lọc và cân bằng của con người, hãy chầm chậm sống để thấy thế giới tự nhiên quý giá nhường nào".
(Rút từ bài viết “Đề tài công nghiệp và môi sinh- những phác thảo từ văn học Hải Phòng” - Lương Kim Phương. Nguồn: Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, số 296, 9/2019)
Tranh Phạm Long Quận
Luz María López, poet, translator (Puerto Rico - USA):
“Mai Văn Phấn’s poetry is loaded with corporeal images, visual incantation and powerful philosophical - existentialist messages. A burst of feelings recreating life, soul, eternity, terrenal, and all that is so human.”
Luz María López, nhà thơ, dịch giả (Puerto Rico - Hoa Kỳ):
“Thơ Mai Văn Phấn tràn ngập hình ảnh trữ tình, những lá bùa thị giác và những thông điệp triết học - hiện sinh mạnh mẽ. Đó là sự bùng nổ cảm xúc tái tạo cuộc sống, tâm hồn, sự bất diệt, trần thế và tất cả những điều rất con người.”
Lê Hương Thủy:
“Với thơ, một trong những biểu hiện của sự tương tác thể loại trong thơ đương đại là hình thức thơ văn xuôi. Tính chất tương tác này thể hiện ở chỗ trong thơ có dạng thức làm mờ những đặc trưng thể loại và dung nạp những yếu tố thuộc các thể loại văn xuôi. Hình thể câu văn xuôi là dấu hiệu ngoại hiện và người đọc dễ dàng nhận thấy. Không tuân theo tính niêm luật của các thể thơ truyền thống, các nhà thơ sử dụng ngôn từ và cấu trúc câu thơ một cách tự do phóng túng, thoát khỏi những ràng buộc của thơ cách luật để mở rộng về dung lượng từ ngữ. Theo cách thức này, câu thơ được đẩy đi theo trục ngang và kéo dài với cấu trúc gần với câu văn xuôi: Uống nước lạnh. Hương hồng nhung, áo quần hanh nắng, mùi tóc em còn quyện quanh li. Em bảo anh mãi chói chang mùa hạ. Nắng gắt dội xuống làm những ngón tay, ánh mắt anh bỏng rát. Chén trà thơm, lọ mực thêm cô đặc. Bức tranh thêu, cây đèn bàn càng héo rũ. Chiếc cúc áo trên ngực anh khô nỏ, cong vênh. Mặt trời lặn vào li rượu mạnh. Anh khép mắt hình dung em mây trắng lại bay về... (Những bông hoa mùa thu - Mai Văn Phấn). Dấu hiệu của chất văn xuôi còn thể hiện ở việc nhà thơ đưa những yếu tố cốt truyện vào cấu trúc trữ tình trong thơ. Sự tương tác, pha trộn giữa yếu tố văn xuôi và thơ không phải là sự tác động một chiều mà đa chiều theo kiểu “có đi có lại”. Nhà nghiên cứu Văn Giá nhận thấy trong bài thơ Gương mặt em và Vẫn trấn tĩnh tiễn khách ra ngõ của Mai Văn Phấn “có đầy đủ tính cách của một truyện ngắn mini mang hình thức thơ”, là “một kiểu thơ - truyện rất ngắn (không phải truyện ngắn thông thường hoặc truyện dài)”(3). Sự pha trộn giữa mạch trữ tình và mạch tự sự tạo nên cấu trúc trữ tình - tự sự trong thơ Mai Văn Phấn.”
PGS. TS. Văn Giá:
“Mai Văn Phấn là nhà thơ thuộc thế hệ hậu chiến, một trong những gương mặt tiên phong của công cuộc cách tân thơ Việt đương đại. Anh sinh ra ở Ninh Bình. Sống và làm việc ở đất Cảng Hải Phòng. Thơ anh, bằng một cách tự nhiên nhất đã bắt vào “văn mạch” Hải Pong - nơi trước đây đã từng có Nguyên Hồng, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi; tiếp nối có Bùi Ngọc Tấn, Thi Hoàng, Thanh Tùng, Dư Thị Hoàn, Bão Vũ, Đình Kính, rồi tiếp nữa, có Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn...Từ văn mạch này, tất cả họ đã toả sáng và đắp bồi vào nền văn chương dân tộc. Nhân dịp mùa tựu trường, nhà thơ Mai Văn Phấn gửi chùm thơ như món quà riêng chúc mừng ngày khai giảng năm học mới của thầy trò Khoa Viết văn. Cảm ơn nhà thơ Mai Văn Phấn và trân trọng gửi tới bạn đọc món “quà thơ” này”.
(http://vietvan.vn đăng chùm thơ của Mai Văn Phấn)
Nhà văn Văn Chinh:
“Sinh thời, nhà văn Sao Mai nói: “Thơ có 4 cấp độ: từ, ý, khí, thế. Như Chế Lan Viên đã thoát khỏi từ, giầu ý tứ, khí kém nhưng thế nhiều bài đã đến.” Như Mai Văn Phấn hẳn đã không còn phải loay hoay với vần điệu, tu từ và thật thú vị, thoát được là tự do. Cảm giác tự do ở lối nói tung tẩy, nói như không ngụ ý gì, như bất chợt. Cũng ở tâm thức ngột ngạt dị ứng với những cũ kỹ ẩm mốc, những modern hot đến hời hợt, đến vô tình mà nhặng xị. Mai Văn Phấn hiện đại mà không có đồng minh hiện đại, chút cổ điển tinh tế chỉ còn sót lại ở nhạc cảm toàn bài cũng bị thói đọc thơ cổ điển lướt qua mất; ông đành âm thầm đơn độc nhưng bạo liệt với khát vọng cách tân mình. Đọc Mai Văn Phấn tốt nhất là không nên tìm ý, đó là các tập mờ, tâm thái ta thế nào, ký ức ta thế nào, thơ Mai Văn Phấn sẽ chia sẻ với ta thế ấy. Nó có năng lực biến đổi, làm bất yên những hằng thường vô vị và là chỗ cho ý thức thẩm mỹ bám níu. Có bài đã đạt đến khí, như Ghi ở Vạn Lý Trường Thành, đọc xong lạnh đến gai người mà không rõ vì đâu…”
(Website Hội Nhà văn VN)
Nhà phê bình văn học Yến Nhi:
“Thơ Mai Văn Phấn chan chứa cả “trời vô thức”, chất siêu thực tạo những liên tưởng thơ thoát khỏi thực tại .Những ám thị phi lý tính che dấu trong một hình thức ngôn ngữ tưởng đơn giản nhưng là những “mật mã”ở tầng sâu ý tưởng . Tất cả có thực mà không thực. Thời gian, không gian, đồ vật, con người, được bóp méo nhào nặn trong một “véctơ” tưởng tượng khác chiều.
...mọi con vật trong nhà
vẫn chế tác từ đồ phế thải:
con mèo tam thể được sinh ra từ mớ giẻ rách?
con cá bơi trong bể được gò hàn từ vỏ lon beer?
chim họa mi hót trong lồng là chiếc ấm vỡ?
con chó giụi đầu vào tay mình là cuộn báo cũ?
đàn kiến đang nhẫn nại tha mồi là đống mạt cưa?
(Không thể tin)
...Hãy thức chờ xem rêu phủ bầu trời / Mặt nước ăn những vì sao cuối cùng./Đêm nay/Rắn rết, bọ cạp tràn vào thành phố / Nhưng đừng sợ!
(Còn cậu hãy đứng đằng kia)
... Cái miệng đang trôi kia chắc của người đã chết / lúc trên cao/lúc chạm vào mặt đất./ Bộ xương của cái miệng giờ tan vào cát bụi? vẫn vàng ươm? hay đã xỉn đen trong chiếc tiểu sành?
Nhưng cái miệng vẫn mấp máy sống động / khi mím chặt/khi nhoẻn cười độ lượng.
(Cái miệng bất tử )
Dẫu vậy siêu thực trong Ma thuật ngón ,trong thơ Mai Văn Phấn vẫn chỉ là những yếu tố tiếp biến của một thứ siêu thực thể nghiệm, nó có một khoảng cách khá xa với trào lưu siêu thực gốc( phương Tây) nếu xét trên phương diện cơ sở triết - mỹ học, về cách nhìn thế giới và con người. Đều là sự khải thị về tâm linh,sự suy tôn vô thức, bạn đồng hành của ảo giác, mộng tưởng, là sự ảo hoá thường xuyên thực tại, nhưng một đằng là phản ứng phủ nhận của một thế hệ trong thực tại tha hoá sau đại chiến, một đằng là tiếng nói mới mẻ khẳng định mình của một thế hệ tìm đường thời mở cửa. Nói một cách khác ẩn dụ siêu thực của các bạn trẻ là sự tiếp biến đầu ngọn về các thủ pháp chứ không phải là sự tạo tác minh triết nhân sinh về quan điểm sống, về thế giới nghệ thuật, về giải trình ngôn ngữ. Thi thoảng mới có vài đột biến trong suy cảm…”
(Vẻ đẹp “siêu thực” trong Thơ - Yến Nhi (bút danh khác của Hà Quảng, tên thật là Trần Ninh)
Nhà thơ Lê Thị Huệ:
“Người nông dân trí thức trong Nghi Lễ Nhận Tên có thể là người nông dân cuối cùng rung lên khúc biên tấu trên thảm thơ Việt Nam? Đọc thơ Nghi Lễ Nhận Tên của Mai Văn Phấn tôi phải dừng lại ngưỡng mộ những thước đất mà chữ nghĩa cày lên những luống khoai sắn, hoa lá, và tình yêu của một bản lĩnh cái nông có trí tuệ, có thơ tự do, quẳng ra chùm đẹp cho mọi người chiêm ngưỡng. Đấy là một sự có mặt đòi hỏi có mặt. Việt Nam đang chuyển mình cựa quậy như muốn vứt bỏ những bờ đê, những thời vụ, những tiếng gà, để dấn mình vào những mã số những chân trời thông tin của đầu thế kỷ 21. Không ai biết định mệnh sẽ văng Việt Nam đi về đâu, nhưng sự có mặt của Nghi Lễ Nhận Tên là một trong những mùa gặt thơ lẫy lừng của những chùm thơ hay, để có thể nói rằng thơ Việt Nam cũng hay ngang ngửa thơ thi hào thi bá thế giới. Mời đọc và thưởng thức một vụ mùa vạm vỡ thơ của Trí Tuệ Thần Nông có tên gọi Nghi Lễ Nhận Tên”.
(http://www.gio-o.com)
Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tâm:
“Khác với Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn lại khó trong những suy niệm về văn hóa, cuộc sống, thân phận. Chất thơ của Mai Văn Phấn toát lên niềm tin (dù có lúc mong manh), sự an lạc. Quan trọng nhất, trong trường thẩm mĩ của mình, Mai Văn Phấn chiếu ánh sáng của đức tin, của niềm thiêng vào sinh quyển thơ ca. Trong một quyển sống chất ngất rủi ro, nhiều giá trị bị phai nhạt, lãng quên, niềm tin, tình yêu, trở thành điều gì đó xa xỉ, phù phiếm, thơ Mai Văn Phấn là một sự xác tín trở lại những thành tố làm nên đời sống con người, không biệt lập khỏi những hiện hữu trong nhân giới, vật giới, quá khứ và tương lai, thậm chí là ở cả thế giới bên kia. Đọc thơ Mai Văn Phấn, người ta thấy trân trọng hơn những phút giây của sự hiện hữu và cả những liên hệ siêu hình ngoài không gian, thời gian, nhưng có ý nghĩa to lớn trong việc kiến tạo nên sự sống của con người. Bầu trời không mái che là một tập thơ khó. Nhưng, như Xuân Diệu đã nói “Chúng ta không hiểu, nhưng khi hiểu được câu nào, thì câu ấy lồ lộ một vẻ đẹp nguy nga”. Theo tôi, cái khó của Bầu trời không mái che chính là tìm ra được cấu trúc ngầm ẩn chi phối mạch vận động của thi tứ, thi ảnh cùng những phân tố cấu thành thi giới. Giải được cấu trúc của thi phẩm, chúng ta thấy rằng, cái khó của Mai Văn Phấn có nguyên do từ một cơ chế tinh thần phức tạp, biểu hiện trong tư duy và mĩ cảm đi quá xa khỏi tâm thức cộng đồng (Đúng hơn phải nói là cộng đồng đã đi quá xa khỏi những giá trị mang tính bản nguyên). Xa nhưng không lạc, Bầu trời không mái che thực chất là sự trở về. (Xem thêm: Lập thể của ký ức và tưởng tượng xuyên qua “Bầu trời không mái che” – Nguyễn Thanh Tâm, in trong Mai Văn Phấn và Đồng Đức Bốn khác biệt và thành công, Nxb Hội nhà văn, 2011)…”
(Nguyễn Thanh Tâm - “Thơ khó” hay là câu chuyện của những giới hạn)
(Văn nghệ trẻ số 9 – 2012)
PGS. TS. Văn Giá:
“Giải thưởng Hội nhà văn 2010 và 2011 dành trao cho 4 tập thơ: Bầu trời không mái che của Mai văn Phấn, Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài, Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy, Hoan ca của Đỗ Doãn Phương. Trong số này, có hai tác giả đứng sau thuộc lớp các nhà thơ trẻ: Đinh Thị Như Thúy sinh 1965, Đỗ Doãn Phương sinh 1977. Nhìn chung, các tập thơ được trao giải lần này đều là những tiếng nói thơ ca mang khuynh hướng cách tân, bứt phá khỏi thi pháp cũ, mang hơi thở đương đại. Trong số này, có lẽ đáng kể nhất là nhà thơ Mai Văn Phấn. Đây là một tác giả xuất hiện trong làng thơ Việt Nam từ những năm 90 của thế kỷ trước. Anh cũng bắt đầu bằng thơ lục bát, thơ tự do, với một thi cảm truyền thống. Phải chờ đến những tập thơ sau, anh đã có ý thức bứt phá, tìm kiếm những thi tứ, thi ảnh lạ, nhiều trường hợp mang màu sắc siêu thực. Anh hay nói về lẽ hóa sinh miên viễn bí ẩn của sự sống. Thơ anh chính là những biểu đạt đa dạng, phong phú, độc đáo về niềm khát vọng sống thường hằng và to lớn của con người. Thơ tuyển Mai Văn Phấn (NXB HNV, 2011) với 370 bài thơ thực sự là một thành tựu thơ ca của nền thơ Việt Nam đương đại…”
(PGS. TS. Văn Giá - PHÁC THẢO BỨC TRANH THỜI SỰ VĂN HỌC, Tài liệu tập huấn giáo viên chuyên văn PTTH toàn quốc năm 2012)
Nhà thơ Bằng Việt :
“Nhà thơ Mai Văn Phấn (giải nhì) có cách viết đĩnh đạc và ôn tồn, hướng tới bút pháp cổ điển, dù anh còn rất trẻ. Hai bài của anh Nhớ Hà Nội và Nghi Tàm (bài sau xếp vào giải) có thể đặc trưng cho lối viết của anh: sáng sửa mà bâng khuâng, hàm xúc mà vang vọng. Anh có nội tâm và có tiềm lực. mà có tâm và có lực là có nhiều lắm. Chúng ta có quyền hy vọng nhiều nữa ở anh…”.
(Trích nhận xét của nhà thơ Bằng Việt – Trưởng ban Chung khảo Cuộc thi thơ của Báo Người Hà Nội, 1994)
Nhà thơ Lê Quang Trang :
“Trong những năm chống Mỹ cứu nước, từ thành phố cảnh anh hùng đã xuất hiện một số nhà thơ trẻ được dư luận cả nước chú ý. Mấy năm gần đây, mảnh đất Hải Phòng lại góp vào nền thơ ca đang đổi mới của chúng ta những cây bút mới đầy triển vọng. Trong số đó, Mai Văn Phấn là một tác giả tiêu biểu. Vốn là sinh viên trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội yêu thơ, nhưng khả năng sáng tác của Mai Văn Phấn chỉ thật sự nảy nở và phát triển sau khi anh đã qua những năm phục vụ trong quân đội, về công tác tại thành phố Hải Phòng. Sự khỏe khoắn, khoáng đạt của cảm xúc giàu lý tính và sự tinh tế, mới mẻ của nghệ thuật biểu đạt – cả hai thế mạnh ấy của thơ Hải Phòng những năm chống Mỹ đều có trong thơ Mai Văn Phấn hôm nay. Và, cũng như một số cây bút trẻ khác, Mai Văn Phấn đối diện với những vấn đề của cuộc sống hôm nay với tinh thần trách nhiệm nghĩ suy, cân nhắc, mà không nặng nề, trầm uất; trân trọng quá khứ, nhưng không để quá khứ trói buộc khi khảng định niềm tin vào tương lai…”.
(Báo Nhân dân chủ nhật số 27, ra ngày 3/7/1994)