NGƯỜI
ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG CON SÓNG
Tranh của Rafal Olbinski
Nguyễn
Quang Thiều
Mai Văn
Phấn là một trong rất ít người đã luôn luôn tìm cách đặt mọi giọng nói, mọi
ngôn từ, mọi nghi lễ, mọi đồ vật và mọi khả năng sống vào một hệ thống chính
xác của tư duy và của thời gian
Có những
nhà thơ luôn luôn tiến thẳng đến mọi sự thách thức của sáng tạo giống như con
tàu đi qua những con sóng lớn của biển cả. Và nghệ thuật, giống như những con
sóng của biển cả, hết lớp này đến lớp khác. Nó vừa giản dị như đã có hàng triệu
năm nhưng lại luôn luôn bất ngờ. Mai Văn Phấn là một thi sỹ như thế. Tưởng chỉ
cần nói một dòng ấy là đủ về anh. Nhưng tôi và chúng ta vẫn mang một thói quen
khó lý giải đó là phải viết thật dài và nói thật nhiều.
Hải Phòng
không phải là cố hương của Mai Văn Phấn. Nhưng anh sẽ không bao giờ bỏ được
thành phố này. Không phải vì anh sống trong một thành phố trước biển và không
phải anh đang làm một công việc gần gũi với biển (một cán bộ Hải quan Cảng Hải
Phòng ) mà làm cho tôi luôn luôn thấy anh đang đứng trước những con sóng của
biển cả.
Những
hình ảnh ấy đã thống trị tôi. Nó thống trị tôi bởi tôi đã đọc hầu hết những bài
thơ của Mai Văn Phấn. Nó thống trị tôi bởi những ám ảnh sống và sáng tạo của
anh. Còn Hải Phòng, nơi tôi chỉ ghé qua vài ba năm một lần, rất mơ hồ với tôi
như tôi quá mơ hồ với người ở thành phố đó. Có một đêm, lâu lắm rồi, tôi đã
cùng Mai Văn Phấn bên bờ biển của một ngày đông. Tôi đã nghe Mai Văn Phấn nói
về đời sống và thi ca sinh ra trong đời sống đó.
Đêm ấy,
trước mặt chúng tôi dội vang không bao giờ dứt những con sóng của biển cả.
Những câu thơ của Mai Văn Phấn cũng dội vào tâm trí tôi. Những câu thơ của một
người mà tôi tin lúc nào cũng mở to tưởng như rách cả đôi mắt để nhìn vào mọi
ngóc ngách của đời sống và mọi lối đi của những giấc mộng. Mai Văn Phấn là một
trong rất ít người đã luôn luôn tìm cách đặt mọi giọng nói, mọi ngôn từ, mọi
nghi lễ, mọi đồ vật và mọi khả năng sống vào một hệ thống chính xác của tư duy
và của thời gian. Anh đã làm như vậy một cách không mệt mỏi và với độ chính xác
như sự nghiên cứu của một nhà khoa học. Mỗi tập thơ của anh ra đời giống như
mỗi lần chúng ta nhìn thấy con tàu dựng lên trên đỉnh của một con sóng mới. Thơ
anh làm cho tôi phải tham dự vào giống như một thuỷ thủ tham dự vào việc đưa
con tàu đó vượt qua những con sóng khổng lồ của bão biển chứ không phải đứng
trên bờ cát với một cánh đẹp.
Mai Văn
Phấn là một công chức mẫn cán và đầy tính kỷ cương. Một người đàn ông nho nhã
và khiêm nhường. Một người lúc nào cũng có thể tỉnh giấc bởi tiếng thở dài rất
mơ hồ của vợ và tiếng ho rất khẽ của những đứa con. Một người mà tôi cảm giác
như luôn luôn sợ rằng mình làm phiền muộn đến tất cả những người xung quanh.
Nhưng đêm đêm, trong những giấc mơ biển cả của mình, Mai Văn Phấn lại bước
xuống con tàu của ý thức và khát vọng sáng tạo để ra khơi trước những con sóng
đầy đe doạ.
Trên con
tàu đó đã và chẳng bao giờ có ai cùng đi. Con đường của mọi thi sỹ chân chính
không bao giờ có túm năm, tụm ba, con đường ấy không giành cho đám đông. Nó chỉ
giành cho một người. Nói chính xác hơn, nó chỉ giành cho một người quả cảm và
khát vọng. Mai Văn Phấn đã bước lên con tàu ấy và đã ra khơi. Thơ ca, đối với
Mai Văn Phấn, là cách thức huyền diệu nhất để đặt đời sống lên con đường vĩnh
cửu của nó.
Thơ ca,
đối với Mai Văn Phấn, không phải là sự xác lập danh tính, càng không không phải
là sự nguyền rủa, không phải là lòng thù hận, không phải là tiếng than khóc,
không phải là mê sảng. Thơ ca đối với Mai Văn Phấn là sự xác lập anh với thiên
nhiên, với xã hội, với những giấc mơ huyền diệu và đỉnh cao của nó là xác lập
con người trần tục của nhà thơ và con người sáng tạo của anh ta.
Con người
chúng ta không bao giờ có cơ hội chia đôi mình thành hai phần: Phần trần tục và
Phần thi ca một cách rành mạch. Hai cái đó trộn lẫn nhau như nước hoà với muối.
Và nhà thơ phải luôn luôn phải đi giữa nước và muối đã hoà tan. Đó là
ranh giới mà tôi phân định bằng trực giác để hình dung ra con đường của một thi
sỹ.
Tôi nói
về ranh giới ấy là để xác lập Mai Văn Phấn trong cách thức của tôi. Để tôi có
thể lấy Mai Văn Phấn như một ví dụ về con người của một thi sỹ. Bởi với các thi
sỹ chân chính, họ không bao giờ phân định được họ một cách rành rẽ giữa hiện
thực của đời sống và hiện thực của thi ca. Chỉ khi xác lập được như vậy, tôi
mới có khả năng hiểu những bài thơ của họ một cách khả dĩ. Bởi thơ ca đích thực
không phải là một vật phẩm vô trùng. Tất nhiên nó không thể là một cơ thể nhiễm
bệnh nan y. Nó là một cơ thể sống với tất cả những yếu tố làm nên nó. Mai Văn
Phấn đã nhìn một cách chầm rãi và công bằng từ điểm giữa mặt bàn chân của con
kiến chạm đất cho đến những ngôi sao trên bầu trời vô định.
Chính vì
thế mà Mai Văn Phấn đã phải sống bằng toàn bộ nghị lực của mình với thi ca. Quá
nhiều người chúng ta nhầm tưởng thơ ca là những khoảng rong chơi của con người
nơi trần thế. Hãy nhìn Mai Văn Phấn đi từ giải thưởng của Báo Người Hà Nội đến
giải thưởng của Báo Văn Nghệ và những giai đoạn sáng tác sau đó. Càng đi, Mai
Văn Phấn càng cô đặc. Càng cô đặc, Mai Văn Phấn càng tĩnh lặng.
Chính thế
mà không nhiều người nghe thấy giọng anh. Chỉ khi ta lùi thật sâu vào trong sự
tĩnh lặng của tâm hồn và sự suy tưởng ta mới nghe thấy giọng nói của anh. Lúc
đó, từng chữ, từng câu của anh dần dần vọng đến. Lúc đó, ta mới quay lại để
nhìn kỹ gương mặt của thi sỹ. Thời đại chúng ta đang sống quá ồn ào và chúng ta
nhiều lúc quên đi những giọng nói tĩnh lặng của tâm hồn và sự suy tưởng.
Mai Văn
Phấn luôn luôn đứng trước những con sóng khổng lồ của biển cả. Đấy chỉ là một
hình ảnh tạm thời mà bởi tôi vẫn còn ham những hình ảnh đẹp gọi ra. Nhưng Mai
Văn Phấn sáng tác không đơn giản và thanh thản như thế. Mai Văn Phấn đã bước
lên một con tàu.
Khi tôi
dùng chữ con tàu tôi vẫn bị rơi vào sự quyến rũ của mỹ từ. Thực ra, tôi phải
nói rằng: Mai Văn Phấn đang chèo một con thuyền nhỏ đi qua lớp lớp những ngọn
sóng biển cả dựng lên như những ngọn núi. Hình ảnh ấy thật cô độc và cũng thật
kỳ vĩ. Đó là hình ảnh thực của các thi sỹ. Mai Văn Phấn đã không chọn lựa một
con đường an toàn trong sáng tác cho mình. Bởi trong sự an toàn, thi sỹ chỉ như
một con cá trong bể kính ở các nhà hàng chuẩn bị cho một bữa nhậu.
Nhưng
cũng có người không chọn sự an toàn mà lại chọn một cách khác còn tệ hơn sự an
toàn đó. Đấy là việc những người ấy vung tay vung chân mắng nỏ hay xiên xỏ một
ai đó và một cái gì đó. Cả hai cách đó đã dắt họ ra khỏi con đường của thi ca
trong tính thiêng của nó.
Nếu chúng
ta đến Hải quan Cảng Hải Phòng, hay bất chợt gặp Mai Văn Phấn đang đi một chiếc
xe máy rất cũ trên những đường phố Hải Phòng, chúng ta thấy Mai Văn Phấn thực
thụ là một công chức mẫn cán.
Mai Văn
Phấn đã sống đúng. Mai Văn Phấn đã thực thi đầy đủ nghĩa vụ của một công dân
cùng với bao nhiêu người khác. Nhưng sau đó, Mai Văn Phấn đãmột mình lặng lẽ
lên đường, con đường của sự sáng tạo không ngưng nghỉ.
Và trên
con đường ấy, Mai Văn Phấn biết rõ rằng chỉ có một mình anh. Người bạn đồng
hành duy nhất của anh là khát vọng sáng tạo và những bí ẩn của ngôn từ. Bởi với
một thi sỹ, trong tận cùng của im lặng người lại nghe thấy mọi điều.
N.Q.T
(Báo
An Ninh Thế Giới cuối tháng số 54, 01/2006/ tuanvietnam.vietnamnet.vn)