Đôi nét về văn học Hải Phòng
Thành
phố Cảng, nơi đầu sóng ngọn gió, với những chùm hoa phượng đỏ rực cả góc trời,
là nguồn cảm hứng sáng tạo dồi dào của bao nhà văn, nghệ sĩ. Sẽ là khập khiễng,
nếu đem so sánh văn học Hải Phòng với các trung tâm văn học lớn như Hà Nội,
thành phố Hồ Chí Minh, Huế. Song, không vì thế mà văn học Hải Phòng không mang
trong mình những nét riêng, độc đáo, là cá tính của đất và người nơi đây, mang
hơi thở của biển cả, của những con người ăn sóng nói gió…
Trong
suốt chặng đường dài của lịch sử, chúng ta có thể tự hào khẳng định truyền
thống thơ và văn học nói chung của Hải Phòng, thời nào cũng có những tác giả
xuất sắc, chẳng những làm sáng đẹp đất Cảng mà còn đóng góp vào sự nghiệp văn
học Việt Nam, tiêu biểu như Thế Lữ, Văn Cao, Nguyên Hồng, Thi Hoàng, Thanh
Tùng, Đồng Đức Bốn, Mai Văn Phấn. Tên tuổi và sáng tác của những người nghệ sĩ,
mãi mãi là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đầy hương sắc của nền văn học nước
nhà.
* Tác giả - tác phẩm tiêu biểu.
1.
Trước tiên, hãy nói đến nhà văn Nguyên Hồng, người mà, qua tác phẩm của ông, ám
ảnh đến nhức nhối số phận của người nghèo phố thợ, những con người cùng khổ
sống trong thời kì Pháp thuộc ở thành phố Cảng. Nguyên Hồng sinh ra ở Nam Định,
nhưng ông sớm lăn lộn gắn bó với Hải Phòng. Có thể nói từng con đường,
hẻm phố, ga tàu, bến sông, xóm thợ nghèo ở thành phố cửa biển này đều in dấu
chân ông. Nguyên Hồng "thuộc" từng gương mặt, thân phận con người nơi
đây. Có lẽ vì thế và hẳn là thế ông mới viết được hàng loạt truyện ngắn và bộ
tiểu thuyết "Cửa biển" bốn tập: Sóng gầm, 1961; Cơn bão đã đến, 1963;
Thời kỳ đen tối, 1973; Khi đứa con ra đời, 1976; dài đến hơn hai chục ngàn
trang in, ngồn ngộn hơi thở cuộc sống lao động vật lộn đấu tranh ở miền đất đầy
sóng và gió này. Đây cũng là bộ tiểu thuyết đồ sộ nhất, dài nhất của đời văn
Nguyên Hồng. Và, có lẽ cũng là một trong những tiểu thuyết dài nhất của văn học
hiện đại Việt Nam.
2. Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, người ta vẫn nói về Đổng Đức Bốn (1948
– 2006) – như là “ tác giả của những vần thơ lục bát”. Sinh ra và lớn lên tại
vùng quê nghèo của thành phố Cảng, thơ Đổng Đức Bốn mang hơi thở, phong vị của
quê hương...là hình ảnh của làng quê Hải Phòng – được vẽ lại trong nhiều bài
thơ vừa giống, vừa khác với những thôn Đoài, thôn Đông trong thơ Nguyễn Bính,
đôi khi lại có cái ngậm ngùi tiếc nuối, niềm hoài cổ của thi sĩ về những cái đã
mất... Với những tác phẩm như: Con ngựa trắng và quả đắng (NXB Văn học – 1992),
Chăn trâu đốt lửa (NXB Lao Động – 1993), Trở về với mẹ ta thôi ( NXB Hội nhà
văn – 2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông ( NXB Hội Nhà Văn – 2000, Chuôn chùa
kêu trong mưa ( NXB Hội Nhà văn – 2002), Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc (NXB Hội
Nhà văn – 2006)..., Đổng Đức Bốn đã hương vị dân gian đến cho văn học hiện đại,
giữ nguyên được hồn cốt của dân tộc trong thời đại “ vàng thau lẫn lộn” như
hiện nay. Thơ hiện đại của Đổng Đức Bốn chính là hơi thở, là hồn vía của cuộc
sống hôm nay được “quản thúc” trong niêm luật cổ truyền lục bát. Với những đóng
góp như vậy, Đổng Đức Bốn xứng đáng là niềm tự hào văn học quê hương.
3.
Nhà thơ Mai Văn Phấn sinh năm 1955, quê gốc Ninh Bình, định cư tại Hải Phòng
hơn 20 năm. Anh có 7 tập thơ, 1 trường ca, tiêu biểu là Đột nhiên gió
thổi, Bầu trời không mái che ( 2009- 2010), thơ tuyển Mai Văn Phấn…,là một
trong những cây bút trung niên đang độ sung sức với nỗ lực không ngừng ham muốn
đổi mới thơ. Dẫu Mai Văn Phấn chẳng sinh ra ở đây, nhưng trong chàng thi sĩ hào
hoa thì hồn thơ lúc nào cũng mọng căng gió bốn biển. Chủ nhân của những câu thơ
có nhịp và vô nhịp, nhịp sóng. Mỗi con sóng tự làm mới mình sau một lần oằn
mình vươn tới. Ấy cũng là nét đặc trưng của thơ Mai Văn Phấn. Phong vị Hải
Phòng có trầm sâu của tinh tế Hà Thành, có chân chất đằm thắm sen nhãn khoai
lúa của châu thổ sông Hồng, và gân guốc vạm vỡ vầng ngực thủy thủ trên mũi tàu
hững bão. Khí chất ấy, cũng hiện diện trong thơ Mai Văn Phấn.
(Nguồn: không ghi tên tác giả bài viết/ dulichhaiphong.gov.vn)