Lời bình bài thơ "Nếu" của Mai Văn Phấn - Nguyễn Tường Vy, Trần Thị Thanh Nga, Lê Linh Nhi

Lời bình bài thơ "Nếu" của Mai Văn Phấn

của Nguyễn Tường Vy, Trần Thị Thanh Nga, Lê Linh Nhi

 

 

Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đức

 

 

 

Thưa các bạn! Tiến sĩ Nguyễn Trọng Đức (giáo viên Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh) vừa gửi tôi ba bài viết của các em học sinh THPT về bài thơ "Nếu" của tôi. Tôi thực sự bất ngờ và thán phục nội lực, cũng như khả năng cảm thụ văn học của các em. Trước hết, xin cảm ơn thầy Nguyễn Trọng Đức đã trang bị cho các em kiến thức vững vàng, cách tiếp cận văn bản chuyên nghiệp, giàu tính sáng tạo để có được sản phẩm tinh thần quý báu! Trân trọng cảm ơn các em Nguyễn Tường Vy, Trần Thị Thanh Nga và Lê Linh Nhi về những bài bình tuyệt hay này! Chúc các em luôn thành công!

Trân trọng,

Mai Văn Phấn

 

 

 

NẾU

 

Tôi ngủ trên giường

Con chó dưới sàn

cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.

Sau này vợ tôi đo và bảo thế.

 

Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ.

 

Con chó mơ:

thức dậy trong nắng sớm

quen hơi những khách qua đường

không cần xồ ra và sủa giận dữ

không bị khinh rẻ đánh đập

thức ăn quen đã bày

 

Tôi mơ:

đêm ngủ không cần khóa cửa

ra đường chẳng ai lừa mình

họ nghĩ sao nói vậy

thoáng món ăn ngon và nắng đẹp

Thật tội nghiệp con chó!

 

Nước mắt làm tôi tỉnh dậy

Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu.

 

Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?

 

M.V.P

 

(Rút từ tập thơ "Hôm sau", NXB. Hội Nhà văn, 2009)

 

 

 

Em Nguyễn Tường Vy - HS lớp 12 Văn, trường THPT Chuyên Hà Tĩnh.

 

 

Lời bình của Nguyễn Tường Vy:

 

Trong những năm vừa qua, Mai Văn Phấn được xem là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam bởi những nỗ lực cách tân không mệt mỏi. Ông quan niệm nhà thơ phải không ngừng “vong thân”, bởi vậy ông luôn nỗ lực học hỏi những nền thơ ca hiện đại đi trước và sẵn sàng thu nạp kỹ thuật của các trường phái, triết thuyết để thử nghiệm làm mới, làm khác biệt tác phẩm của mình. Tập thơ “Hôm sau” (NXB. Hội Nhà văn, 2009) mà đặc biệt trong đó bài thơ “Nếu” cũng không phải ngoại lệ. Tiếp cận bài thơ, ta như bước vào một thế giới, nơi mọi kinh nghiệm duy lý đều trở nên vô nghĩa, như thể độc giả cũng phải tự “vong thân”, tự thể nghiệm để thấu hiểu được tấm lòng của tác giả.

 

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp gỡ bài thơ là một nhan đề rất ngắn nhưng lại đầy khả năng gợi mở: “Nếu”. Trước hết, lý do tôi nhận thấy điểm lạ ở nhan đề là vì “nếu” vốn là từ thường được dùng phối hợp với một mệnh đề cụ thể để nêu lên những hệ quả, giả định, điều kiện, nhưng giờ đây nó chỉ đứng một mình. Nhà thơ bỏ lửng một mệnh đề, tạo cho từ “nếu” sắc thái nghĩa tự do, cũng một từ “nếu” nhưng nó kết hợp được với muôn vàn biến thể của tư duy và tưởng tượng. Đồng thời khi đọc chữ “nếu” đứng đơn lẻ, ta thấy ở đó như có chút gì tiếc nuối, khoắc khoải, là mơ ước hay lời nguyện cầu cho những điều chưa có được trong hiện thực. Bên cạnh đó, cả bài thơ thực chất cũng chính là một giả định, giả định của giấc mơ và hoàn toàn có thể gói gọn được trong một từ “nếu”. Như vậy, đọc nhan đề kết hợp cùng nội dung bài thơ, ta sẽ nhận thấy được mối liên kết chặt chẽ giữa nhan đề và nội dung cũng như khả năng khái quát rất lớn của một cái tên chỉ vỏn vẹn một chữ: “Nếu”.

 

Bài thơ mở đầu với khung cảnh rất bình dị nhưng cũng đã hé lộ nhiều tình tiết bất thường:

 

"Tôi ngủ trên giường

Con chó dưới sàn

cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.

Sau này vợ tôi đo và bảo thế."

 

“Tôi ngủ trên giường” còn “con chó dưới sàn” bước đầu đã phân chia thứ bậc cho chủ thể và sự vật đi liền. Rõ ràng rằng, con người ở trên loài vật, thậm chí còn có một khoảng cách được đo đếm cụ thể là “ba mét bảy mươi lăm xăng-ti” để phân vạch rõ tầng bậc của hai giống loài. Những miêu tả ấy rất đỗi bình thường, nhưng lại có một chi tiết người đọc phải lần lừa mãi đó là ở con số “ba mét bảy mươi lăm xăng-ti”. Không phải là khoảng ba mét hơn hay là gần bốn mét mà phải chính xác đến từng xăng ti. Một con số quá cụ thể và được ban cho sự xác tín quá cao đôi khi lại gây tò mò và nghi ngờ cho người đọc. Hơn nữa, vì cớ gì mà vợ của nhân vật “tôi” lại đo lại khoảng cách vốn bình thường như thế, và tại sao không phải đo ngay lúc bấy giờ mà “sau này” mới đo và bảo thế? Đi đến đây dường như sự rành mạch, dễ dãi trong nét nghĩa bài thơ đã mất đi, người đọc như thấy mình bị tước đi khả năng thám mã một cách rõ ràng, để rồi rơi vào hoang mang và không tránh khỏi những cái nhíu mày đầy thắc mắc. Để ý kĩ những con số này, ta có thể nhận thấy toàn bộ đều là số lẻ. Ba, năm, bảy, từ nhỏ đến lớn đều lẻ, thậm chí số lượng nhân vật được đề cập trong bài thơ cũng có đúng vỏn vẹn ba người: tôi, vợ tôi, con chó. Những con số nhảy cóc, bỏ qua số chẵn cộng với sự xuất hiện mờ nhòe của nhân vật người vợ khiến thế giới trong bài thơ hiện lên rời rạc, mất kết nối, lạc lõng. Dường như nhân vật “tôi” lọt thỏm trong chính không gian gia đình thân thuộc. Nhưng theo một cách diễn giải khác, có chăng, thực chất những con số ấy là một bật thốt ngẫu nhiên của vô thức và không chứa đựng những ẩn dụ phức tạp, mà cái ý nghĩa hơn cả là tạo cho độc giả một cú sốc đầu tiên về sự phi lý, để chuẩn bị cho một chuỗi “siêu nghiệm”, cho thế giới tâm linh được gợi mở ở đoạn sau:

 

"Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ."

 

Nếu khi ngủ, hai vật thể được tách bạch ra bằng thứ bậc và khoảng cách, thì khi bước vào hành động mơ, “tôi” và “con chó” đã được gộp lại thành “chúng tôi”. Lúc này, trước cơn mơ và đối với giấc mơ, dường như cả hai đồng đẳng. Bởi có nghĩa lý gì khi cố gắng phân biệt con chó với người khi cả hai cùng đang trong cơn mộng mị không có thực, mà hơn cả là đều đang nhỏ bé và bất lực trước cái mình khao khát. “Chúng tôi” ở đây thậm chí còn có đôi nét gặp gỡ nhau trong hai giấc mơ riêng:

 

"Con chó mơ:

    thức dậy trong nắng sớm

    quen hơi những khách qua đường

    không cần xồ ra và sủa giận dữ

    không bị khinh rẻ đánh đập

    thức ăn quen đã bày

 

Tôi mơ:

    đêm ngủ không cần khoá cửa

    ra đường chẳng ai lừa mình

    họ nghĩ sao nói vậy

    thoáng món ăn ngon và nắng đẹp"

 

Những dòng chữ mô tả giấc mơ được tác giả viết in nghiêng và đặt sau dấu hai chấm khiến ta cảm giác những câu thơ như lời trần thuật của chính chủ thể. Giấc mơ của con chó và “tôi” có một điểm tương đồng trước hết là gắn với những hình ảnh bình dị, có vẻ không lấy gì làm cao sang, khó khăn lắm. Nhưng càng đọc kỹ, ta càng thấy sự đơn giản này là bất khả thi, là gần như không có khả năng xảy đến được trong hiện thực. Bởi: con chó mơ được thức dậy trong nắng sớm, đã quen hơi những khách qua đường, không cần xồ ra và sủa giận dữ, không bị khinh rẻ và đánh đập, thức ăn quen đã bày. Mà trong thực tại liệu rằng có tồn tại một “nắng sớm” mỗi ngày thức dậy hay dễ thường sẽ là giông tố, khách qua đường cũng không thể chỉ có khách quen, phải luôn có cả khách lạ để đề phòng, dè chừng, vả lại sẽ thật khó để có một tương lai không ai khinh rẻ loài vật như con chó. Tương tự như vậy, nhân vật “tôi” cũng ước những điều dường như chỉ tồn tại trong một thế giới công lý, cái thiện đã thắng thế: đêm ngủ không cần khóa cửa, ra đường không ai lừa mình, họ nghĩ sao nói vậy, thoáng món ăn ngon và nắng đẹp. “Đêm ngủ không cần khóa cửa”, tưởng như một ước vọng ngây ngô và lạ kì, nhưng thực chất đề cập đến một hiện thực tâm lý của con người thời hiện đại rằng, có chăng chúng ta bất an và lo âu ngay cả trong những phút tưởng sẽ được yên bình như trong giấc ngủ. Chúng ta không an tâm được, chúng ta nơm nớp sợ hãi và cảnh giác cực độ với những người quanh ta. Những cánh cửa đóng kín, những bức tường cảnh giác. Không ai tin được ai. Vì con người thời hiện đại đang tập quen với những lời nói dối, những thật-giả lẫn lộn, phải-trái đen xen. Cái người ta nói chắc gì là cái người ta nghĩ, cái ta nghe được dễ thường chỉ là cái họ muốn ta tin theo. Sự thật vùi chôn dưới hàng trăm lớp mặt nạ. Những người mình gặp hàng ngày, những người xung quanh kể là thân thiết nhất ai cũng ẩn náu những nguy cơ dối lừa và phản bội. Thế nên ước vọng “ra đường không ai lừa mình” của nhà thơ gần như là xa xỉ, là không thể có được nhất là trong những năm xã hội đang đề cao lối sống thực dụng, con người chạy theo đồng tiền mà trót đắc tội với lương tâm, lãng quên sự thật mà thành bề tôi trung thành của những lời nói dối. “Thoáng món ăn ngon và nắng đẹp” có vẻ như là ước vọng khả thi nhất trong những điều mà “tôi” mơ thấy. Câu hỏi đặt ra rằng sao đó không phải là lầu cao, chức trọng, danh vọng và tiền tài mà chỉ là “ăn ngon” và “nắng đẹp”? Dường như, “ăn ngon” là biểu trưng cho việc những nhu cầu thiết yếu được đáp ứng, phần xác không bị bỏ đói còn “nắng đẹp” là để tưới tắm cho phần hồn. Ước mơ của “tôi” chung quy lại chỉ là được sống bình yên trọn vẹn là mình, không cần bất an trước những tên trộm và thôi mệt nhoài minh chính những lời nói dối. Vậy mà nó vẫn chỉ là ước mơ.

 

Sigmund Freud trong “Giải mã giấc mơ” từng cho rằng, giấc mơ đóng vai trò ngụy trang cho những mong muốn chưa được thỏa nguyện, hay nói đúng hơn, là hiện hình của những ẩn ức khao khát trong vô thức của chủ thể. Liên kết điều này với bài thơ, ta nhận thấy dường như vấn đề về lòng tin và nỗi lòng khao khát được kết nối hài hòa với mọi người trong đời sống trở thành một nỗi ám ảnh mãnh liệt với nhân vật “tôi”. Khi hiện thực không đáp ứng được mong ước, người ta quay trở lại tự loay hoay với chính mình trong những giấc mơ, tự tạo lập một thế giới của tâm trí để gieo vào đó những điều hiện thực chưa có. Nhân vật “tôi” ở đây có lẽ đã phát ngấy với những nỗi bất an thường trực, ghét đến cháy lòng những lọc lừa giả dối, những bộ mặt không đoán biết nổi có đang nói thật hay không đến nỗi “tôi” van xin giấc mơ. Tôi nguyện cầu trong mơ để giải tỏa những bất lực và ám ảnh. Tôi đã thất vọng trước hiện thực đến nhường nào để phải lấy cơn mơ làm cứu cánh.

 

Kết thúc chuỗi giấc mơ, nhân vật “tôi” cảm thán một câu lạ lùng:

 

"Thật tội nghiệp con chó!"

          

Cả “tôi” và con chó đều mơ, nhưng tại sao nhà thơ không tự tội nghiệp mình mà chỉ tội nghiệp lấy con chó? Dường như trong câu thơ vừa có chút gì chua chát mà lại mỉa mai. Tôi thương con chó là vì biết con chó cũng có những ước mơ không thành hiện thực nổi như tôi vậy, hay chính tôi cũng tự thấy mình… khổ như một con chó. Bên cạnh đó, ta có thể có một cách cắt nghĩa khác rằng, “tôi” tội nghiệp con chó vì con chó, bởi ước mơ “tôi” không thành mà ước mơ của nó cũng dang dở. Con chó luôn là người bạn trung thành với nhiệm vụ bảo vệ, canh gác nhà cửa vì giấc mơ “đêm ngủ không cần khoá cửa” của chủ không thành, nên nó vẫn phải hằng ngày nơm nớp, phải “xồ ra và sủa giận dữ” với những người lạ mặt. Vậy thì ở đây, phải chăng câu cảm thán của nhà thơ đề cập đến con chó nhưng thực chất là tự tội nghiệp chính mình. "Tôi" cũng như con chó ấy thôi, nằm trên giường hay dưới đất, bất chấp khoảng cách là ba mét bảy mươi lăm xăng-ti, trong cơn mơ tôi mơ những điều giống nó và về lại hiện thực tôi cũng bé nhỏ mà đắng cay như nó. Thậm chí, con chó còn có “tôi” thương cho, nhưng riêng “tôi” lại không chia sẻ được với ai, phải tự giãi bày và giải thoát bằng nước mắt.

 

Sau câu cảm thán, nhân vật “tôi” từ cơn mơ trở về với thực tại:

 

"Nước mắt làm tôi tỉnh dậy

Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu."

 

Giấc mơ kết thúc bằng nước mắt. Chi tiết này trong bài thơ dễ khiến độc giả liên tưởng được với chính mình bởi hẳn rằng ai cũng đã từng trải qua cảm giác nước mắt giàn giụa khi cố thoát khỏi một cơn ác mộng. Nhưng điều khiến nhà thơ rơi nước mắt không phải là giấc mộng đáng sợ, giấc mơ của nhà thơ vốn rất nhẹ nhàng, mà ác mộng thực sự có lẽ là khi phải đối mặt với một hiện thực mà mọi điều mình mong ước chính thức bị phủ nhận. Nỗi đau nối tiếp nước mắt. Trong câu thơ này, nỗi đau vốn trừu tượng đã được cụ thể hóa bằng hình ảnh con sóng bạc đầu. Hình tượng thơ vừa nói đến nỗi đau cuồn cuộn như ngàn lớp sóng, nhưng vừa cho thấy chủ thể trăn trở, suy tư với nỗi đau, với những điều trong giấc mơ bị phủ nhận đến nỗi bạc cả mái đầu. Nếu ở câu thơ trên chỉ là “nước mắt” thì câu thơ dưới đã hình thành “sóng”. Nếu nước mắt bây giờ là lời thảng thốt choàng tỉnh của trái tim thì cơn sóng bạc đầu lại cho thấy sức nặng của suy tư. Chỉ với những hình ảnh thơ quen thuộc, nhà thơ nhấn nhá trạng thái ngày một tăng tiến của tinh thần, đồng thời diễn tả nỗi đau dưới nhiều cấp độ, góc độ.

 

Kết lại một cơn mơ, tác giả điền lại vào từ "nếu" bỏ lửng ở nhan đề những mệnh đề điều kiện:

 

"Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?"

 

Với tư cách là những điều kiện, có thể thấy giấc mơ sẽ không diễn ra nếu không phải là những yếu tố cụ thể ấy. Phải là cơn mưa, phải là “tôi” ngủ trên giường, phải là ba mét bảy mươi lăm xăng-ti, giấc mơ mới diễn ra và diễn ra đúng như thế. Đó là điều kiện cho giấc mơ vừa qua tồn tại. Nhưng đồng thời những mệnh đề này còn có thể là điều kiện minh chứng cho tồn tại người, cho một ranh giới mong manh cuối cùng của nhận thức để khác biệt loài người với con vật: Nếu không phải tôi nằm trên giường con chó dưới đất, nếu không có khoảng cách đúng ba mét bảy mươi lăm xăng-ti, thì về cơ bản, cuộc đời của một con người và một con chó cũng chẳng khác nhau bao nhiêu khi cả hai đều sống hoài trong sợ hãi, lo âu; đều luôn phải nghi ngờ cảnh giác thế giới xung quanh mình, đều luôn giãy dụa để có thể sinh tồn; đều ước mong một cuộc sống bình thường nhưng bất lực. Chính từ đây, ta thấy được thái độ cay đắng, chua xót của nhân vật trữ tình khi nhận ra kiếp mình cũng không khác gì mấy kiếp của loài vật. Tồn tại của “tôi” sao cũng khốn khổ, cũng vật vã, cũng trớ trêu. Nhưng may thay, vẫn còn đó một cơn mưa để biết khóc mà tỉnh, vẫn còn đó một chiếc giường, một khoảng cách cụ thể vững chãi đến mức không dám xét nét để cho thấy một tồn tại người dù khổ sở nhưng đẹp đẽ, cao cả vô ngần.

 

Xuyên suốt cả bài thơ, ta cảm nhận được từ “nếu” xuất hiện bao trùm dưới nhiều hình thức. “Nếu” không chỉ hiển lộ như trực tiếp trên bề mặt con chữ, mà thực chất còn xuất hiện dưới hình hài những giấc mơ. Giấc mơ là cái chưa có thực, là một trong muôn vàn khả thể hư ảo, khó lý giải của hiện thực như chính từ “nếu” rộng mở, khó đoán.

 

Cũng bởi những giấc mơ, xuyên thấm toàn bài là cảm thức tâm linh, là sự rời rạc của tiếng nói vô thức thoắt ẩn, thoắt hiện. Những tình tiết kì lạ khó lý giải xuất hiện đứt quãng, rời rạc theo nhịp của giấc mơ. Dường như những khoảng gấp khúc giữa những câu thơ lớn đến nỗi người đọc rơi vào trạng thái băn khoăn, suy tư. Nhưng đôi khi độc giả tiếp nhận một bài thơ phải dùng đến cả cái tôi bản ngã để đồng cảm, vì hơn cả, với một tác giả như Mai Văn Phấn, khi ông đã viết với những trải nghiệm linh giác, với những chông chênh bất thường của cõi thực và mơ thì mọi kinh nghiệm duy lý của người đọc đều vô nghĩa. Vì vậy độc giả đọc một bài thơ như sống lại từ đầu với tác phẩm, quên mình đi, bỏ lại dấu ấn cá nhân và chỉ để lại một bản ngã trần trụi để theo con chữ bước vào vô thức.

 

Bằng lối thơ mang đậm tính tự sự, cấu trúc văn bản như một câu chuyện kể, một lời đối thoại kết hợp cùng những hình ảnh thơ giản dị mà phân mảnh, rời rạc, kỳ lạ, nhà thơ viết nên một câu chuyện trĩu nặng tâm tình bằng thơ. Đó là nỗi trăn trở, hoài mong của một thi sĩ nặng lòng với cuộc đời, không nguôi được mối bận tâm với những mặt giả dối, thực dụng của đời sống thế sự. Cũng trong bài thơ, không gian được thu hẹp lại vỏn vẹn trong căn phòng, trên chiếc giường và con số ba mét bảy mươi lăm xăng-ti, thời gian cũng chỉ diễn ra trong một đêm theo nhịp chảy của giấc mơ ngắn ngủi. Cảm tưởng mọi yếu tố phụ bên ngoài hai hình tượng trung tâm là nhân vật “tôi” và con chó đều được giản lược để đơn giản hết mức có thể. Tác giả mờ hóa những yếu tố bên ngoài và chọn điểm rơi là giấc mơ cùng những xúc cảm mãnh liệt. Đồng thời, với lối viết không gò bó trong thể thơ tự do, ngôn ngữ không vần điệu, réo rắt véo von như lối viết truyền thống mà có nhiều phần ngổn ngang, trúc trắc trong tính siêu thực, thơ Mai Văn Phấn không dành cho kẻ muốn đọc nhanh, hiểu vội mà phải kiên trì, bền bỉ và hơn hết là cần một vốn tri thức văn hóa nhất định. Bởi lẽ chữ nào của ông cũng nặng, hằng số ảo trong từng con chữ rất cao đòi hỏi chính bạn đọc phải không ngừng suy tư, nâng cấp mình lên cho xứng với những đau đáu và hơn cả là tài năng của người thơ.

 

Cũng như chính bài thơ, những tiếp nhận trên đây của tôi cũng chỉ mới như một khả thể đứng sau ba chữ “Nếu” giữa muôn vàn cách tiếp nhận khác. Nếu cầm bài thơ này trên tay, đây là những gì Mai Văn Phấn đã tạo tác và để lại ấn tượng trong tôi. Còn bạn, nếu được cầm thi phẩm trong tay, những diễn giải và ấn tượng của bạn là gì?

 

 

 

Em Trần Thị Thanh Nga - HS lớp 12 A3 Trường THPT Cù Huy Cận

 

 

Lời bình của Trần Thị Thanh Nga:

 

Khước từ cái tôi trữ tình cổ điển, Mai Văn Phấn nhanh chóng lao vào hậu hiện đại, rời bỏ mảnh đất hiện thực đã cũ để tìm đến những địa giới nghệ thuật riêng biệt. Đó là cuộc tìm kiếm vật vã để hướng vào bên trong, đào sâu vào tận cùng cái tôi bản thể, lục lọi trong cõi vô thức, tâm linh để chạm đến cái chân thật nhất, cốt lõi nhất của sự sống. Nằm trong khuynh hướng sáng tác ấy, bài thơ "Nếu" của Mai Văn Phấn cũng một lần nữa dấn thân vào thế giới của những giấc mơ, nơi những sự thật lặng im vắng mặt ở đời sống được quyền cất tiếng để từ đó khơi mở trong bạn đọc đương đại một lối cổng. Khám phá tác phẩm dưới cái nhìn cấu trúc văn bản sẽ đem tới những phát hiện thú vị.

 

Đập vào ấn tượng thẩm mỹ của bạn đọc thoạt tiên là nhan đề bài thơ. “Nếu” là một giả định. “Nếu” gợi lên cho người đọc những khả thể tiềm tại của đời sống với bản chất thậm phồn. Nó làm dậy lên trong độc giả một trường liên tưởng phong phú về những gì đằng sau chữ nếu, đằng sau bài thơ. Trong bản thân chữ “nếu” dường như vừa mang nghĩa hy vọng lại vừa thấm đẫm sự nuối tiếc, và dù theo nghĩa nào, nó cũng mở ra khuynh hướng cảm xúc cho bài thơ. Phải tha thiết, trăn trở đến khắc khoải về một điều gì đó thì Mai Văn Phấn mới lấy chữ Nếu để đặt tên cho thi phẩm. Đằng sau nhan đề ấy ẩn chứa nỗi suy tư lớn của thi nhân trước thực tại, và phải chăng vì lẽ đó, ta có thể hiểu toàn bộ bài thơ là một thử nghiệm sống, một giả thiết của người nghệ sĩ được chắp cánh bởi trí tưởng tượng và đôi cánh sáng tạo? Bên cạnh đó, "Nếu" - một nhan đề mở, bản thân nó đã gọi mời sự tham gia của người đọc vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm, kích thích sự tò mò và khao khát đi sâu vào những trăn trở của người sáng tạo. Như thế, "Nếu" là một lối cổng, một lối cổng đầu tiên.

 

Bài thơ mở đầu với không gian thế giới trong bài thơ là một gia đình với ba sinh thể : hai người một chó. Điều này thể hiện xu hướng kéo gần với hiện thực, trở về với thực tại trong thơ ca sau Đổi mới. Hơn nữa, gia đình là tế bào của xã hội, tập trung nhất bản chất của xã hội. Ở đó hiện lên hình ảnh nhân vật “tôi” và một con chó, một người với một con. Sự khác biệt và khoảng cách giữa hai bên dĩ nhiên không chỉ là thân phận con người - loài vật, vai vế quan hệ chủ - vật nuôi, mà có lẽ cũng từ đó mà nảy sinh ra khác biệt giữa một bên “ngủ trên giường” với một bên “dưới sàn”. Sự phân biệt ấy không chỉ mang tính phân chia tự nhiên mà còn ẩn dụ cho những rào cản, giới định mà xã hội loài người vạch ra.

 

Nhưng điều đặc biệt hơn ở đây là khoảng cách giữa chó với người lại được nhắc đến với một con số hết sức cụ thể và chính xác cao độ “ba mét bảy mươi lăm xăng ti”. Đây thực chất là một con số mang ý nghĩa ước lệ, tượng trưng cho sự xa cách rất lớn giữa hai bên. Ba, năm, bảy là số lẻ phải chăng cũng là ẩn dụ cho nỗi cô đơn, rời rạc, mất kết nối? Khoảng cách ấy lại do người vợ của nhân vật đo được và bảo thế, không phải ở hiện tại mà mãi đến “sau này”. Việc lấy thước đo có thể xác định được khoảng cách thực nhưng sẽ có thước đo nào đong đếm được sự xa cách của con người với loài vật, với tự nhiên và với chính bản ngã của mình? Con người ở cùng với nhau, vật và người ở gần nhau, thời gian hiện tại và tương lai đồng hiện nhưng ai ai cũng là kẻ xa lạ, không ai bước vào thế giới của bất kỳ ai.

 

Mai Văn Phấn đã mở ra một thế giới hậu hiện đại với sự chính xác mà cũng rất mơ hồ, với khoảng cách và đứt gãy, những kết nối, một thế giới lạc lõng, trống rỗng và phi lý đan xen với cái đời thường; qua đó, nhà thơ đã dẫn dắt mình vào một giấc mơ, mà lại là một giấc mơ khá giống với những mộng mị của Kafka. Nhà thơ bước đầu đã định hình một thế giới trong bài thơ - thế giới rời rạc và đầy ngăn cách.

 

Tiếp đó là sự khởi đầu cho việc bước vào một thế giới khác.

            

"Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ."

 

Thông thường, khi có mưa, vạn vật dễ rơi vào giấc ngủ sâu. Nhưng liệu cái nhìn dễ dãi của bạn đọc sẽ vô tình hạ thấp những chiều sâu nghệ thuật của nhà thơ, mà nhà thơ lại là một người sâu sắc và không bao giờ ngẫu nhiên như Mai Văn Phấn? Nếu soi chiếu từ góc nhìn biểu tượng và liên văn bản, ta có thể thấy mưa là một đồng vị của mẫu gốc nước thường xuất hiện trong thế giới nghệ thuật của nhà thơ cùng với sương, mây, sóng… Nước mang ý nghĩa nguồn sống của vũ trụ, phương tiện thanh tẩy thiêng liêng và trung tâm tái sinh. Khi liên kết điều này với câu hỏi ở cuối bài thơ, ta sẽ thấy ý nghĩa sâu sắc của cơn mưa đã bắt đầu cho những giấc mơ, mà thực chất là chuyến đi sâu vào thế giới tinh thần, vào bản ngã của cả con người và loài vật. Thế giới thực tại cô đơn đến nỗi phải trong giấc mơ, trong cái ảo, con người mới tìm thấy sự kết nối trong từ “chúng ta”. Câu trước là thực tại. Câu sau đã dẫn lối vào một cõi giới khác. Câu thơ đầu là thực cảnh. Đến câu thứ hai đã là ảo cảnh. Chỉ hai câu thôi, lời ít, ý nhiều, Mai Văn Phấn đã thành công dắt ta vào mộng cảnh.

 

Trước hết, Mai Văn Phấn kể về giấc mơ của con chó.

                  

“Con chó mơ:

    thức dậy trong nắng sớm

    quen hơi những khách qua đường

    không cần xồ ra và sủa giận dữ

    không bị khinh rẻ đánh đập

    thức ăn quen đã bày”

 

Những giấc mơ bình thường, giản dị nhưng dẫu sao cũng chỉ tồn tại trong mơ tưởng. Cách con người đối xử với chó đã nói lên bản chất của thực tại. Mai Văn Phấn đã cho thấy sự hiếp đáp của con người với loài vật với tự nhiên. Như chính nhà thơ đã từng thú nhận thuyết vật linh luôn chi phối tới sáng tác của ông. Thuyết này chỉ ra rằng, vạn vật khác nhau về thực thể, nhưng về bản chất, chúng đều có linh hồn, một bản ngã cá nhân. Như vậy có thể từ đây mà nói rằng Mai Văn Phấn, thông qua vô thức, tâm linh đang thì thầm vào tâm hồn con người đương đại một thực cảnh nhức nhối, đó là sự vô cảm của con người đối với loài vật, cũng là sự mất kết nối giữa những linh hồn liên thông trong vũ trụ. Mai Văn Phấn đã in nghiêng con chữ và không viết hoa, tỉnh lược chủ ngữ để cho thấy dòng chảy tuyến tính của tưởng tượng và nỗi khao khát ào ạt tuôn tràn của loài vật càng làm thực tại một thêm một cơn nhức nhối.

 

Không những thế, bài thơ “Nếu” còn mở tới giấc mơ của con người. Đáng chú ý là cấu trúc giấc mơ của con người và loài vật đng hiện là một sáng tạo hết sức độc đáo của Mai Văn Phấn. Nhân vật tôi đã mơ rằng “đêm ngủ không cần khóa cửa”, “ra đường chẳng ai lừa mình”, “họ nghĩ sao nói vậy”, có “món ăn ngon và nắng đẹp”. Freud cho rằng giấc mơ là ẩn ức về thực tại. Điều này đã phản ánh sự thực trong cuộc sống đương đại. Ngày nay, thế giới phẳng mở ra vô tận những cơ hội giao lưu, kết nối nhưng con người lại rơi vào khủng hoảng hiện sinh, chất chứa những nỗi bất an thường trực đến nỗi khi ở trong nhà mình, trong giấc mơ con người vẫn không cảm thấy an toàn. Các hệ giá trị bị đảo lộn, niềm tin con người bị mất mát, con người bất lực trước một thế giới mênh mang và bất minh định. Mỗi người đều mang mặt nạ, đều tạo nên những khoảng cách vô hình. Ngay đến nhu cầu cơ bản là cái ăn và nhu cầu tinh thần cái đẹp (nắng đẹp) cũng thực mong manh. Cảm thức hiện sinh và tâm thức hậu hiện đại thể hiện một cách rõ rệt trong thơ Mai Văn Phấn. Thông qua những giấc mơ, Mai Văn Phấn ráo riết chất vấn về một thực tại khuyết thiếu, chưa bao giờ bằng lòng, chưa một lần xong xuôi. Kết thúc đoạn thơ, con người thốt lên “Thật tội nghiệp con chó”. Con người tỉnh cơn mơ nhận ra rằng, chính mình đã tệ hại ra sao, và phải chăng, con người cũng đang sống trong một thế giới không hơn gì loài vật?

 

Giấc mơ kết thúc. Con người tỉnh dậy nhưng là tỉnh dậy nhờ nước mắt. Nước mắt của sự thương cảm, của sự xám hối, của lời thú tội hay là sự thức tỉnh đây? Đau là đau cho loài vật hay là cả chính mình nữa. Sau nước mắt là nỗi đau cuộn sóng bạc đầu, dằn vặt, triền miên, cắn xé. Con người vỡ lẽ rằng, mình không là Thượng đế và loài vật cũng có giấc mơ như con người. Vậy thì mọi vách ngăn tạo dựng nên còn có nghĩa lý gì? Có một nghịch lý là giấc mơ bề mặt rất lý tưởng nhưng con người lại rơi nước mắt khi tỉnh dậy. Bởi tỉnh giấc là vỡ mộng, bởi lý tưởng đẹp đẽ bị thực tế đói khát nhai nuốt đi, bởi con người vẫn chẳng thể nào thay đổi những gì đương hiện tồn. Ít ra thì nhân vật tôi ở đây đã không còn bàng quan như lúc đầu mà này đây đã biết đau, biết khóc. Mà chính ở đau, ở khóc là sự thức tỉnh của nhân tính, lương tri con người. Thế giới trong thơ Mai Văn Phấn không ngừng gieo hy vọng cứu rỗi con người. 

 

Và tất cả những gì còn lại là những câu hỏi, những giả thiết, những nếu như:

 

Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?

 

Điệp cấu trúc mở ra vô vàn những giả thiết, những cật vấn, những khắc khoải. Mai Văn Phấn sử dụng câu hỏi tu từ vốn không cần đáp trả mà là tự vấn, tự phản tỉnh bên trong mỗi con người. Có chăng còn là gấp gáp và bàng hoàng sau cơn mơ hay thực chất cả bài thơ là một đại mộng? Những câu hỏi bổ khuyết cho phần trống của nhan đề. Tôi nghĩ rằng đấy là một sự thức tỉnh khi con người nhận ra nếu không có một sự kiện tác động, nếu không nằm mơ, nếu không phải là một khoảng cách chính xác, rạch ròi như vậy thì liệu con người có tự giác ngộ và đã muộn màng chưa cho một sự tỉnh giấc? Nói về những bất cập của đời sống đương đại là thuốc đắng, song ở đoạn kết này, tác giả vẫn gieo suy tư và hy vọng cho con người và cuộc đời. Nếu như không có khoảng cách mà người gần vật, người gần người hơn, nếu như con người không tự vạch ra những rào cản vô nghĩa thì viễn cảnh thế giới sẽ đáng mong đợi hơn chăng?

 

Bài thơ "Nếu" đã phản ánh một thế giới trống rỗng, bất an, đầy biến động, mất kết nối giữa người và vật, giữa con người với chính con người. Nhưng sau cùng, Mai Văn Phấn vẫn đặt niềm tin vào tính thiện. Không còn là những đại tự sự, thơ ca của ông trong dòng chảy đương đại, kể lại những câu chuyện giản dị, đi sâu vào thế giới nội tâm bên trong mỗi con người. Thơ ông dựng nên một thế giới giàu hình ảnh biểu tượng và liên tưởng luôn mời gọi s thâm nhập của bạn đọc. Ngôn ngữ thơ tự do, hàm súc, đời thường với một giọng điệu chậm rãi, trầm tư. Chính những điều này đã góp phần cấu trúc nên một cõi giới riêng. Bài thơ có một cấu trúc đẹp và độc đáo khi đầu cuối tương ứng, song hành giữa những giấc mơ ở giữa bài, chìm mộng rồi tỉnh mộng. Cấu trúc mở và đầy âm vang này đã làm nên tứ thơ, bài thơ hay, không ve vuốt những người đọc dễ dãi.

 

Trong cuộc hành trình không ngừng vong thân để sáng tạo, Mai Văn Phấn luôn nỗ lực tái cấu trúc, tạo nên những vùng thẩm mỹ riêng biệt. Chính điều này đã khiến thơ ông được coi là đã lên tiếng cho những điều sâu kín trong sâu thẳm tận cùng của sự sống.

 

 

 

Em Lê Linh Nhi - HS lớp 11 Văn Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

 

 

Lời bình của Lê Linh Nhi:

 

“Anh ta lấy tất cả những lo âu, suy tư, hạnh phúc, khổ đau một đời làm củi

Có khi nhen nhóm cả một đời mới thiêu được một mồi

Ngồi lên chất liệu đời mình

Rót vào đấy xăng của thời đại

Rồi lấy mình ra làm lửa châm vào

Bài thơ rực cháy.”

(Chế Lan Viên)

          

Sáng tạo thơ ca thiết nghĩ bao giờ cũng là hành trình đầy cực nhọc của người nghệ sĩ: lấy những khổ đau làm củi - ngồi lên chất liệu-rót vào xăng thời đại -lấy mình ra làm lửa. “Nếu” của Mai Văn Phấn là bài thơ được kết tinh từ những gian khổ đó. Đó là quá trình nhà thơ không ngừng đau đáu và nghĩ suy trước biến động thời cuộc và con người để rồi “cháy” nên thơ. “Nếu” là bài thơ được trích từ tập thơ “Hôm sau” (NXB. Hội Nhà văn, 2009). Mai Văn Phấn đã đặt nhan đề là “Nếu” tạo cảm giác súc tích, ngắn gọn nhưng giàu sức gợi, đòi hỏi sự liên tưởng trong chúng ta. “Nếu” là từ chỉ một giả thiết, về cái này hoặc cái kia, về điều gì sẽ xảy ra hoặc không xảy ra và thường tác động tới một mệnh đề theo sau. Nhưng chúng ta không thể biết đó là gì, nhan đề bỏ lửng. Thắc mắc chỉ được giải đáp khi độc giả đi vào cảm bài thơ này và mỗi người sẽ có những câu trả lời cho riêng mình.

 

Mở đầu bài thơ, qua những dòng thơ tự do, tác giả đã gợi nên một không gian gia đình, trong đó có sự xuất hiện của người chủ và con chó - hay cũng chính là thứ bậc trên - dưới:

 

“Tôi ngủ trên giường

Con chó dưới sàn

Cách tôi ba mét bảy mươi lăm xăng-ti.

Sau này vợ tôi đo và bảo thế.”

 

Ta thấy xuất hiện trong đoạn thơ hai biểu tượng “giường” và “sàn”. Đó không đơn thuần là từ ngữ miêu tả sự vật, là nơi nghỉ ngơi của nhân vật “tôi” và con chó, mà có lẽ nó còn mang ý nghĩa của khoảng cách. Từ “trên” và “dưới” còn chỉ sự phân chia thứ hạng. Giữa họ có một loại khoảng cách nhất định, và nó được đong đếm qua “ba mét bảy mươi lăm xăng ti”. Tác giả không chọn lấy những từ định lượng ngẫu nhiên, không ví von độ dài mà đó là con số cụ thể, là ba, là bảy, là năm như sự phân định rất rạch ròi, rõ ràng. Các con số được nhắc đến có một điểm chung - nó đều là số lẻ, gợi nên sự độc lập, không tròn trĩnh, không kết hợp. Ở đây, sự xuất hiện của người vợ chỉ trong thoáng chốc, được mờ hóa... Không gian im ắng, lạnh lẽo, con người chẳng màng tới nhau. Ba con số lẻ, ba phận đời tách biệt. Cách trở nhau có lẽ cũng vì những sự tồn tại riêng lẻ như thế. Không nên xem hình ảnh biểu tượng trên chỉ là một sự thật hiển nhiên, một chân lí vốn dĩ, đọc thơ của Mai Văn Phấn chính là quá trình chúng ta luôn không ngừng chất vấn. Việc chủ nhà nằm ở trên, vật nuôi bên dưới, dường như chúng ta thường cho là điều không cần phải bàn cãi. Thế nhưng nó lại là một điều nhức nhối, một sự thật đau lòng. Những chủ thể xuất hiện trong bài thơ đều đang sống trong ốc đảo, trong phạm vi của riêng mình. Phải chăng con người đang dần mất đi sự kết nối với cuộc sống, đang dần trở nên lãnh cảm. Mọi sự vật và con người trong thế giới đều đang liên kết với nhau một cách lỏng lẻo, rời rạc, đứt gãy vô cùng.

 

Thời gian cứ thế chuyển xoay, và thế là:

 

“Trời bắt đầu mưa

Chúng tôi bắt đầu mơ”

 

Cơn mưa do đâu mà có? Cớ gì vì mưa mà con người lại mơ? Tôi tự hỏi cơn mưa ấy có phải là những giọt nước mắt của ông trời, của Thượng Đế trên kia cũng đang khóc cho sự xa cách của con người, của xã hội. Để rồi điều đau buồn ấy tác động tới nhân vật “tôi”, tới con chó, khiến tất thảy đều rơi vào trạng thái “mơ”. Mỗi chủ thể xuất hiện đều có cho mình những giấc “mơ” riêng:

 

“Con chó mơ:

    thức dậy trong nắng sớm

    quen hơi những khách qua đường

    không cần xồ ra và sủa giận dữ

    không bị khinh rẻ đánh đập 

    thức ăn quen đã bày”

 

Ấn tượng đầu tiên đập mạnh vào thị giác và cảm quan của tôi chính là cách tác giả thể hiện những câu thơ. Mỗi vần thơ xuất hiện lại mang dáng dấp của câu chuyện, như lời tự sự về giấc mơ. Mai Văn Phấn đã từng cho rằng sáng tạo thơ ca là quá trình vượt thoát khỏi cá tính, hay nhà thơ thường gọi là những cuộc “vong thân”. Thiết nghĩ cũng chính vì quan niệm đó, tác giả đã tạo nên tứ thơ và cách viết rất độc đáo. Nếu như ban đầu tác phẩm, con người xuất hiện trước loài chó thì khi đi vào cơn mơ - vào mộng mị và hư ảo, con chó lại xuất hiện trước. Việc đảo trật tự cấu trúc kết cấu này phải chăng là một ngụ ý của tác giả về một đời sống hiện đại cũng đang bị đảo lộn những giá trị, chứa đựng những mâu thuẫn, nghịch lí. Đặt chủ thể trong cơn mơ - nhưng trong mơ lại là lúc được sống thật nhất, sống được thỏa thành những khao khát nhất. Giấc mơ cho con người ta vượt thoát được thực tại, cái gì thực tại không thể, không cho phép và không đáp ứng được thì ta tìm tới mơ. Con chó tìm đến giấc mơ liệu có phải nó đang quá đau và bất mãn với thực tại? 

 

Hình ảnh đầu tiên trong cơn mơ của con chó là “thức dậy trong nắng sớm”. Xuyên suốt trong các tác phẩm của Mai Văn Phấn, “nắng sớm” là từ đồng vị với “ban mai”, mang ý nghĩa vừa là biểu tượng của sự trong sạch, vừa hứa hẹn về một cuộc sống khác sẽ ngập tràn niềm tin yêu và rực rỡ ánh sáng hơn. Con chó muốn thức dậy trong nắng sớm là muốn thức giấc trong sự sống thực sự, được “quen hơi những khách qua đường”. Và khẩn thiết hơn cả là “không cần xồ ra và giận dữ/ không bị khinh rẻ đánh đập/ thức ăn quen đã bày”. Xưa nay, chúng ta vẫn thường có những cái nhìn hạ thấp loài vật, xem sự tồn tại của nó chỉ như làm đầy, phục vụ cho đời sống con người, nhưng sâu trong nội tâm nó vẫn luôn chứa đựng những ý nghĩ. Dẫu rằng là một loài vật nhưng điều nó cần vẫn là một sự kết nối, sự yêu thương thực sự. Nó muốn được trải qua những trạng thái mà không đơn thuần chỉ “sủa”, chỉ “giận dữ” cho mong muốn canh chừng, mong muốn được bảo vệ của con người. Bởi đặc quyền của việc làm người đã cho chúng ta nhiều thứ, hơn những loài vật, tự nhiên, nên giấc mơ của con chó có thể là muốn tồn tại cao hơn như chính sự đánh giá mà con người dành cho nó, được hiện diện nhiều hơn những nhu cầu con người áp đặt lên nó. Tức nó muốn được sống trong cái nhìn, cái cảm thuộc về trái tim, tinh thần hơn là sự tồn tại vật chất, chứa đựng giá trị khô cứng. 

 

Chưa dừng lại ở đó, Mai Văn Phấn qua thủ pháp tổ chức thơ theo kiểu song hành lại một lần nữa mở ra “giấc mơ người” gợi trong lòng chúng ta nhiều ý nghĩ:

 

"Tôi mơ:

    đêm ngủ không cần khoá cửa

    ra đường chẳng ai lừa mình

    họ nghĩ sao nói vậy

    thoáng món ăn ngon và nắng đẹp

Thật tội nghiệp con chó!"

 

Mạch truyện trong thơ lại tiếp tục, nhân vật trữ tình “tôi” thổ lộ giấc mơ của mình. Đó là “đêm ngủ không cần khoá cửa/ ra đường chẳng ai lừa mình/ họ nghĩ sao nói vậy”. Thời hiện đại, người ta sống với nhau bằng những toan tính, lợi dụng cho nên cửa mới phải “khoá”, mới phải cầu xin không “lừa lọc” nhau. Con người dường như cảm thấy mình lạc lõng, luôn hoài nghi và sợ hãi về thế giới mình đang sống. Họ không tìm thấy sự chân thật nên họ tạo khoảng cách, nên họ giam cầm mình và giam cầm nhau. Cuộc sống trở nên so đo, tính toán hơn bao giờ hết. Không thấy kết nối, không thấy tình yêu mà chỉ thấy toàn là khoảng trống tâm hồn, xa cách giữa những con người. Họ muốn gặp gỡ tha nhân, muốn được đồng điệu nhưng lại không thể. Điểm chung giữa giấc mơ của con người và loài chó là, đều có sự xuất hiện của ánh nắng và thức ăn, đều là những thứ vô cùng giản đơn nhưng “mơ” mới có thể nhìn thấy”. Cuộc sống hỗn tạp, nhu cầu và giá trị căn bản nhất đã không được đáp ứng. Có chăng bởi vì sợ “lừa”, vì luôn “đóng cửa” mỗi khi ra ngoài nên con người đã tự tạo cho mình thế giới riêng, và cũng bởi thế nên loài chó mới phải mơ, mới phải ước. Cả con người và chó đều có những uất ức của mình, đều đau và bất lực trước thực tại. Nhưng đặc biệt ở chỗ hai giấc mơ đều có mối liên hệ và phụ thuộc, tác động lẫn nhau. Khi một giấc mơ được tác thành thì giấc mơ còn lại cũng có sự ảnh hưởng. Con người sống thật với nhau, sống bằng tình yêu thương thì tự khắc cách họ đối diện và nhìn nhận thế giới, sự vật sẽ tốt đẹp hơn. Việc nhân vật “tôi” phải thốt lên rằng “Thật tội nghiệp con chó” có lẽ là sự tự nhận thức về bi kịch của con chó, về thái độ của mình đối với sự vật xung quanh đã tác động lên nó như thế nào. Trong những khoảnh khắc đó chỉ có con người mới ý thức được nỗi đau của mình và nỗi đau của loài vật lớn đến nhường nào. Trong những khoảnh khắc đó, chỉ có con người mới ý thức được nó đã lặng thầm phá hủy, gây ra tội lỗi lớn đến nhường nào. “Tội nghiệp” con chó là thế, nhưng con người liệu có đang khấm khá hơn là bao? Nhân vật “tôi” cũng mang bi kịch không kém phần đau đớn, khắc khoải. Con chó còn có mình thương, còn chẳng có ai thương đến mình. Con chó có mình hiểu, còn mình chẳng được ai thấu, kiếp người mà chẳng bằng kiếp chó, kiếp vật?

 

Đi sâu vào những cơn mơ để rồi thấu rõ được thực tại, để thức tỉnh và đối diện. Vì thế mà khi thấy những cái mơ đau và khẩn thiết như thế xuất hiện, “Nước mắt làm tôi tỉnh dậy/ Nỗi đau cuộn sóng bạc đầu”. Chứng kiến được những ẩn ức từ giấc mơ khiến nước mắt nhân vật "tôi" lăn chảy. Nỗi lòng được đẩy tới đỉnh điểm, cao trào, tới mức độ cực tả qua cụm từ “nỗi đau cuộn sóng bạc đầu”. Nỗi đau như kết thành từng hồi va đập vào nhau rồi hóa thành bọt biển, cũng như nhân vật "tôi" trải qua những dòng ý thức rồi thấy trái tim mình như vụn vỡ ra. Hình như con người đã nhận chân ra được điều gì đó. Mai Văn Phấn muốn nói rằng: lòng thương yêu, niềm cảm thương với những kiếp sống dù là hình hài gì, sự vật gì đều sẽ làm cuộc sống đẹp hơn. Đời sống chỉ thực sự được tạo lập và ý nghĩa khi con người kết nối với toàn bộ sự vật xung quanh mình, con người kết nối với nhau, sống thật với nhau.

 

Không hồi kết sự chất vấn, Mai Văn Phấn đặt ra dày đặc những câu hỏi qua điệp cấu trúc “Nếu... không”:

 

"Nếu đêm qua không có cơn mưa?

Nếu tôi không ngủ trên giường?

Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng-ti?"

 

Đây là đoạn thơ thể hiện rõ sự liên kết với nhan đề bài thơ nhất. Thơ Mai Văn Phấn thường sử dụng lối kết cấu mở - một kiểu kết cấu hiện đại, điều này một phần được thể hiện qua những câu hỏi được ông đặt ra. Chọn lựa đặt những câu hỏi ở cuối bài thơ như muốn nó sẽ ngân vang mãi, để con người sẽ luôn không ngừng trăn trở. Câu hỏi không có câu trả lời, tác giả đặt vào đó những khoảng trắng, đòi hỏi độc giả phải kiếm tìm. “Nếu... không” gợi trong ta về điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả những điều vừa đề cập trên không xuất hiện? Có phải nếu “Đêm qua không có mưa” thì sẽ không có mơ, không thấy được nỗi đau, không thấy được khoảng cách, không có sự vượt lên thực tại, không có sự nhận thức lại? Có phải “Nếu tôi không ngủ trên giường”, loài chó có thể không ngủ dưới sàn, sẽ không có khoảng cách nào cả ? Có phải “Nếu không phải khoảng cách ba mét bảy mươi lăm xăng ti” thì khoảng cách sẽ được rút gọn hay khoảng cách thậm chí là hơn? “ Nếu” đã có từ nhan đề, và rồi được điệp lại thêm ba lần đi kèm những câu hỏi. Liệu đây phải chăng là quá trình con người luôn không ngừng đặt câu hỏi và thức tỉnh, là quá trình đấu tranh tâm lí sau cơn mơ để ngộ ra thực tại? Con chó còn có mình hiểu, vậy ai tội nghiệp mình, hóa ra kiếp người còn chẳng bằng kiếp chó?

 

Viết những giấc mơ nhưng ngôn ngữ không hão huyền, không đậm chất siêu thực, Mai Văn Phấn đã kéo thơ ca gần hơn với đời sống con người qua cách sử dụng ngôn ngữ bình dị, đời thường, ngày càng hướng đến sự tự phát và ngẫu hứng. Là một nhà thơ luôn miệt mài trên con đường cách tân thơ ca, ông đổi mới qua từng giai đoạn, từ đậm chất siêu thực, siêu nghiệm luôn trau chuốt, tỉ mỉ, gần đây thơ ông đã giản dị hơn. Có lẽ, đây cũng chính là cách Mai Văn Phấn đối diện với thực tại, với con người, không né tránh. Cuộc sống hiện đại buộc con người phải thẳng thắn đối mặt. Như vậy, bằng cách sử dụng ngôn từ giản dị nhưng giàu tính biểu tượng, thể thơ tự do, kết cấu thơ như một tác phẩm tự sự cùng biện pháp điệp cấu trúc, Mai Văn Phấn đã gợi ra được hình ảnh cuộc sống con người thời hiện đại cùng những vấn đề nhân sinh sâu sắc. Con người ngày nay đều đang chìm trong những bi kịch, những lạc loài chới với của riêng mình. Họ cần nhiều hơn cả đó là sự kết nối, sự xóa bỏ khoảng cách đối với những sự vật quanh mình và đồng loại. Chỉ có kết nối, chỉ có yêu thương, chỉ có sống thật với nhau thì vấn đề hoài nghi mới được xóa bỏ, mới “không còn ai lừa mình”, mới có thể “đi ra ngoài không cần khoá cửa” và loài chó - hay cũng chính là những sự vật không còn chỉ “xồ ra”, biết “giận dữ”, “bị người ta khinh bỉ và đánh đập”. 

 

Sau cùng, tôi đã hiểu từ “Nếu” cho riêng mình. Chừng nào còn “nếu” chừng ấy con người còn biết đấu tranh cho nhận thức, chừng nào “nếu” không còn chừng ấy con người đã chết yểu, đã chọn lựa an nhàn với đời sống nhiều bất mãn. Quá trình tiếp nhận và sáng tạo của độc giả và Mai Văn Phấn cũng đã luôn trải qua nhiều cái “Nếu” như thể để có thể tỏ tường, thấu rõ đời sống con người hiện đại.

 

 

 

 

Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị