image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Viết là đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng (Lời bạt cuốn sách) - Linh mục Giuse Cao Gia An, S.J.

Viết là đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng

(Lời bạt cuốn sách "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn, Nxb. Đồng Nai, 2025)

 

 

TS. Thánh Kinh, LM. Giuse Cao Gia An, S.J.

 

 

Xin trân trọng giới thiệu bài "Viết là đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng" của Tiến sĩ chú giải Thánh Kinh, LM. Giuse Cao Gia An, S.J., được Nxb. Đồng Nai và Tủ sách Nước mặn dùng làm Lời bạt cho cuốn sách "Trong Ơn Gọi" của Mai Văn Phấn.

Nhà thơ, nhà văn Cao Gia An, S.J. (hoặc Gia An S.J), là bút danh của Linh mục Giuse Cao Gia An, sinh năm 1981 tại Giáo phận Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Trước khi thụ phong Linh mục, tác giả sử dụng bút danh Lưu Minh Gian trong sáng tác. Ngài trở thành Tiến sĩ chú giải Thánh Kinh đầu tiên của Việt Nam sau khi bảo vệ thành công luận án tại Roma (Ý), vào năm 2022.

Trân trọng,

Maivanphan.com

 

 

Sách bán tại Nhà sách Đức Bà Hoà Bình

Địa chỉ: Số 1 Công Xã Paris, P.Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM

• Điện thoại: 0938.037.175 – (028)3.8250.745

• Email: nsachducbahoabinh@gmail.com

 

Sách bán tại Nhà sách Nước Mặn

Địa chỉ: 116 Trần Hưng Đạo, Quy Nhơn, Bình Định

• Youtube: Tủ sách Nước Mặn 

• Facebook: Tủ sách Nước Mặn

• Điện thoại: 0987566735

• Email: tusachnuocman1618@gmail.com

 

 

LỜI BẠT

 

Văn học Việt Nam đương đại có thể được ví như một bức tranh đa diện, đa sắc. Trong bức tranh ấy, văn học Công Giáo nổi bật như một mảng màu riêng biệt. Khởi nguồn từ dòng chảy Tiếng Việt hiện đại, văn chương Công Giáo Việt Nam đã kiến tạo một truyền thống giao thoa độc đáo giữa niềm tin tôn giáo và cảm hứng văn chương. Những tác phẩm mang tinh thần Công Giáo luôn chất chứa khát vọng hướng về Chân – Thiện – Mỹ, những trăn trở về kiếp nhân sinh, những suy tư thấm đẫm màu sắc siêu hình và những chiêm niệm sâu xa về đời sống tâm linh.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Công giáo truyền thống tại quê hương Phát Diệm, nơi mang đậm dấu ấn tôn giáo và văn hóa, tác giả Mai Văn Phấn đã bén duyên với văn chương từ thuở nhỏ, như lời tự sự ở một bài viết trong cuốn sách này: Tín hiệu thơ ca thuở nào đã gieo vào tôi những mầm cây, hạt giống. Và, những cái cây xanh ấy dần trưởng thành, cho tôi thêm bao khát khao, hy vọng. Tôi hy vọng đến lúc nào đó có thể viết lại những điều đẹp đẽ từng hiện ra trong tâm tưởng mình, vẽ lại hình hài cuộc sống theo cách của riêng mình […] Thơ ca sớm đến với tôi như một lẽ sống, tự nhiên như hơi thở, như dấu chân trên mặt đất” (“Những bước đầu tiên”). Có thể thấy rằng tác giả Mai Văn Phấn đã khởi nghiệp văn chương bằng xác tín nền tảng rất gần với lời minh định của nhà văn đương đại Isabel Allende: “Viết không phải là một lựa chọn mà là một ơn gọi!” Mọi ơn gọi đều là sự đáp lời trước tín hiệu kỳ diệu vang lên từ thẳm sâu cõi lòng. Cũng vậy, sáng tạo văn chương vừa là dấn thân vì nghệ thuật, vừa là hành trình của niềm tin. Viết là đam mê, là sự đáp lời trước tiếng gọi thiêng liêng của văn chương và đức tin Công Giáo. Có lẽ chính xác tín ấy đã giúp Mai Văn Phấn tiếp cận văn học Công Giáo với lối nhìn sâu sắc, thấm đượm ân sủng.

Có lẽ, hành trình từ một người sáng tác trở thành nhà phê bình là những trải nghiệm kỳ diệu. Viết và sáng tác thuộc về tư duy hình tượng –nơi sức sáng tạo bay bổng, trí tưởng tượng không giới hạn luôn được đề cao. Người sáng tác phải vượt qua ranh giới thực tại, khơi dậy những ý tưởng mới lạ, khám phá chiều sâu cảm xúc và những miền tâm hồn chưa được khai phá. Ngược lại, nghiên cứu và phê bình lại đòi hỏi lối tư duy khác – khoa học, hệ thống và phân tích cặn kẽ. Phê bình là quá trình cảm thụ tác phẩm, cũng là khả năng chạm vào trực giác nghệ thuật, nhận diện và giải mã những thông điệp sâu sắc ẩn trong từng con chữ.

Vậy làm thế nào để một người sáng tác có thể bước vào lĩnh vực phê bình? Làm sao tác giả Mai Văn Phấn – người từng thừa nhận rằng “phải đến năm bước vào tuổi 37 tôi mới thật sự nhận được “Ơn Gọi” (“Những bước đầu tiên”) – có thể trở thành một nhà phê bình văn học? Tác phẩm Trong Ơn Gọi chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho những băn khoăn ấy. Với cuốn sách này, Mai Văn Phấn đã bộc lộ sự tinh tế trong ngôn từ và nhạy cảm trong cảm thụ nghệ thuật, đồng thời thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc về văn hóa, lịch sử, cùng bề dày tâm linh và đức tin. Chính nhờ đó, ông đã khám phá và gợi mở những giá trị độc đáo mà một độc giả phổ thông có thể bỏ qua những trang viết đặc sắc của một số tác giả Công Giáo đương đại.

Xét ở khía cạnh căn bản nhất, nhà phê bình trước hết là người biết thưởng thức. Họ đọc không chỉ để tiếp nhận, mà còn như một hành trình tìm kiếm và khám phá chính mình – như lời dạy trong Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo, số 18: “Khi tôi chìm đắm trong những áng văn hào hùng, tôi trở thành vô số linh hồn khác nhau, nhưng tâm hồn tôi vẫn vẹn nguyên, tựa như ngàn vầng trăng soi sáng bầu trời đêm. Như bầu trời thẳm sâu trong bài thơ Hy Lạp, tôi nhìn thế gian qua muôn ngàn đôi mắt, nhưng cái nhìn ấy vẫn đậm chất tôi. Trong khoảnh khắc ấy, như thể tôi vươn mình vượt qua mọi giới hạn của bản thể, tựa như trong những nghi lễ thiêng liêng, trong tình yêu nồng nàn, trong những hành động luân lý đầy nhân văn, hay trong trí tuệ sáng ngời – và chính tôi, lại là chính mình, rõ nét và trọn vẹn nhất khi tôi bước qua chính mình”. Bởi vì thật ra: “Mỗi tác phẩm văn chương là một thực thể sống động, không ngừng vươn mình và biến đổi, luôn cất lên tiếng nói đa dạng theo muôn vàn cách diễn giải, để rồi mỗi người đọc lại dệt nên một bức tranh cảm nhận độc đáo và mới mẻ cho riêng mình” ("Thư của Đức Thánh Cha Phanxicô về vai trò của văn chương trong đào tạo, 3").

Từ khả năng thưởng thức tinh tế, nhà phê bình trở thành người dẫn dắt, mời gọi độc giả cùng bước vào thế giới nghệ thuật ngôn từ. Hãy thử hình dung một cách khái quát Trong Ơn Gọi như một bàn tiệc văn chương phong phú, được bày ra trước mắt độc giả, sẵn sàng chờ đón sự khám phá: với hình ảnh tuyệt diệu của Đức Trinh Nữ Maria trong thơ Hàn Mạc Tử, Xuân Ly Băng và Lê Quốc Hán; niềm hy vọng được thắp lên từ đống tro tàn của ký ức, từ cuốn tự truyện của Đức Thánh Cha Phanxicô; cấu trúc không gian và vòng sóng quy tâm trong thơ Cao Gia An, S.J.; biên độ sáng tạo trong mỹ học truyền thống kết hợp với mỹ học Thiên Chúa Giáo trong thơ Lê Đình Bảng và Trần Vạn Giã; những áng văn du ký như hành trình tâm linh của Nguyễn Tham Thiện Kế; vẻ đẹp lục bát trong thơ Xuân Văn, Sơn Ca Linh, và bản dịch “Thần Khúc” của Đình Chẩn; biểu tượng “Trăng” trong thơ Trăng Thập Tự; hành trình “Ánh sáng trong cõi chết” của Gió Biển, “Ánh sáng đức tin” của Bùi Công Thuấn, “Dưới cái cây ánh sáng” của Nguyễn Quang Thiều, hay “Thập Giá tình yêu trong hôn nhân ngoại giáo” của Vinh Kiu...

Như Walter Pater từng nói: “Văn chương là tấm gương phản chiếu tâm hồn nhân loại, còn nhà phê bình là kẻ lau gương để hình ảnh hiện lên rõ ràng hơn.” Nhà phê bình không chỉ tiếp nhận tác phẩm như một bản văn tĩnh lặng, mà còn đóng vai trò khai mở ý nghĩa của những công trình sống động, giúp độc giả khám phá những tầng sâu ẩn giấu trong tác phẩm. Như John Ruskin từng nhận định: “Nhà phê bình là người mở khóa những cánh cửa ngôn từ, giúp ta thấy được cả bầu trời ẩn giấu phía sau câu chữ.” Đây là những điều mà nhà phê bình Mai Văn Phấn thực hiện nhuần nhuyễn trong cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học này. Trước mắt độc giả là một bức tranh phong phú của văn học Công Giáo với những giá trị nghệ thuật và tư tưởng sâu sắc được mở ra qua ngòi bút của nhà phê bình. “Nhà phê bình là kẻ đọc sách với sự trầm tư. Người ấy không chỉ thưởng thức, mà còn đo lường, so sánh, cân nhắc, và phán xét.” (W. Somerset Maugham). Với tinh thần ấy, Trong Ơn Gọi không chỉ giúp người đọc hiểu sâu hơn về các tác giả, tác phẩm mà còn mở ra những suy tư về sự giao thoa giữa văn chương và đức tin, giữa cái đẹp nghệ thuật và giá trị tinh thần. Với Trong Ơn Gọi, tác giả Mai Văn Phấn cho thấy rằng phê bình không phải là việc đơn giản ca tụng tác phẩm hay nhận diện tác giả, mà là việc áp dụng những lý thuyết phê bình hiện đại để làm rõ những tầng nghĩa ẩn sâu trong từng trang viết, hầu giúp người đọc thưởng thức và cảm nhận một cách sâu sắc nhất.

Sáng tác trong thời hậu hiện đại là một hành trình đầy thử thách, khi ngôn từ và kỹ thuật truyền thống không còn đủ sức bao quát những ý tưởng phức tạp, phóng khoáng và đôi khi mâu thuẫn của con người đương thời. Vì vậy, phê bình và giúp độc giả thưởng thức những tác phẩm văn học càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết. Người phê bình không chỉ đơn thuần tiếp nhận tác phẩm mà còn cần một cái nhìn sâu sắc và tinh tế, giúp độc giả mở rộng nhãn quan, chạm đến những tầng ý nghĩa ẩn sâu trong từng trang viết. Và Mai Văn Phấn đã làm được điều này.

Phải thú nhận rằng tôi chỉ mới hân hạnh được biết tác giả Mai Văn Phấn trong thời gian gần đây. Dù muộn, nhưng tôi vẫn thấy mình thật may mắn. Có thể nói rằng chúng tôi đã trở thành những người bạn tình cờ trong thế giới văn chương. Nếu “bạn hữu” được hiểu theo nghĩa gốc của từ Latinh companion (com + panis) – những người cùng bẻ một tấm bánh để chia nhau – thì tôi thật hạnh phúc khi được Mai Văn Phấn, người đã thưởng thức tấm bánh văn chương và tấm tắc trước hương vị của nó, bẻ ra và chia cho tôi cùng ân hưởng. Nhờ đọc cuốn sách này của Mai Văn Phấn, tôi được khám phá thêm những tác giả mới của văn học Công Giáo hiện đại, được mở ra trước một chân trời văn chương phong phú, nơi truyền thống và hiện đại giao thoa trong những câu chữ đầy gợi hứng.

Sẽ không ngạc nhiên nếu sau khi đọc cuốn sách tiểu luận và phê bình văn học này, độc giả bắt đầu tò mò tìm đọc những tác phẩm được đề cập đến trong sách. Và đó chính là thành công của một tác phẩm văn học. Thành công ấy đã được Gustave Flaubert nhắn nhủ bằng những lời tâm huyết: “Hãy viết những gì đốt cháy tâm hồn bạn, vì chỉ có ngọn lửa ấy mới thắp sáng những tâm hồn khác.” Trong Ơn Gọi chính là một ngọn lửa như thế, một ngọn lửa đến từ lòng đam mê văn chương và niềm tin sâu sắc vào sứ mạng của chữ nghĩa. Ngọn lửa ấy sẽ tiếp tục lan tỏa, làm bừng lên nhiều ánh sáng khác.

 

Roma, 29/03/2025

LM. Giuse Cao Gia An, S.J.

TS. Thánh Kinh - Học Viện Kinh Thánh Giáo hoàng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị