Với những nhà thơ có ý
thức sáng tạo mãnh liệt, những bất ổn của thơ Việt Nam đương đại là một sự đe doạ,
một mối nguy cho hiện hữu. Họ không thể sống, không thể cứ quen tay tạo nên
những sản phẩm ngôn từ như vậy. Thế nên, hệ quả tất yếu là các cách tân, vượt
thoát diễn ra. Mai Văn Phấn là một trong số những nhân vật như thế. Tận dụng cơ
chế tự nới lỏng trong bản thân các hệ giá trị có tính chuẩn định, Mai Văn Phấn
đã đẩy cỗ xe thơ của mình vượt qua các giới hạn. Cơ chế tự nới lỏng thực ra chỉ
là điều kiện cần, hoặc chỉ là một cơ hội (do sự sơ suất của các chuẩn định),
phần căn bản, yếu tố đủ, chính là nội lực của thi sĩ. Mai Văn Phấn đã thể hiện
điều đó bằng nỗ lực “vong thân”, phủ định liên tục chính mình. Đó là con đường
sáng mà một thi sĩ có tư chất, có ý thức trách nhiệm như Mai Văn Phấn đã nhận
ra. Tuy nhiên, khi chấp nhận vong thân, đồng nghĩa với việc Mai Văn Phấn phải
trình hiện được hình hài, dung mạo mới, như là kết quả của sự ra đi và kiếm
tìm. Câu chuyện xảy ra là khi những thể nghiệm mới này trở thành những hiện
tượng cần diễn giải, xác lập tư cách hiện diện và nghĩa lý của nó trong đời
sống thơ ca đương đại.
Có thể nói Mai Văn Phấn
là một trong số ít thi sĩ (nếu không muốn nói là duy nhất) có hành trình thơ
liên tục cách tân, vượt thoát và thể nghiệm trong đời sống thơ Việt Nam đương
đại. Liên tục “vong thân”, phủ định chính mình để kiến tạo những hình thái
khác, Mai Văn Phấn đã hiện diện ở hầu hết địa hạt của các phương pháp sáng tác,
với các tác phẩm mang dấu ấn của nhiều thi pháp là hình dung căn bản, bao quát
nhất về thi sĩ này trong tiến trình thơ Việt Nam hiện đại (sau 1975). Về thể
loại, Mai Văn Phấn có thơ Lục bát, Bốn chữ, Năm chữ, Bảy chữ, Tám chữ, Thơ tự
do, Thơ văn xuôi,… Thậm chí, anh còn có một vài lần thể nghiệm biến tấu lục bát
thành 6/6/8/8 (Em lần theo bóng mây trôi/
Thấm qua sóng lá vô hồi/ Đẫm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ/ Làm vang lên những
dây tơ vừa chùng// Nhoà tan anh với mông lung/ Em là giếng gió trong lòng/ Nhấn
chìm anh thoắt đã không còn gì/ Hư vô thành thật cũng vì yêu em - Em xa).
Về chủ đề - cảm hứng, Mai Văn Phấn gom tụ trong mình những xúc cảm phong phú
của đời sống con người đương đại: âu lo, hoài nghi, bi quan, khổ đau, hạnh
phúc, tin tưởng, khát vọng, với các vấn đề tâm linh, tôn giáo, tình yêu, sự tha
hoá, môi trường, nông thôn, đô thị, hậu chiến, tha hương, trở về,… Về hệ hình
mỹ học, Mai Văn Phấn trải nghiệm nhiều trạng thái, nhiều hệ giá trị, phạm trù:
cái đẹp, cái cao cả, cái bi, cái hài, cái khác biệt, dị đồng, nghịch luận,… ứng
với những bước vận động từ tiền hiện đại đến hiện đại và hậu hiện đại(2). Về tư
duy, những bước đi của Mai Văn Phấn cho thấy sự dịch chuyển mạnh mẽ, mau lẹ về
thế giới quan, nhân sinh quan và quan niệm thơ gắn với chất sống ở mỗi chặng
đường dấn bước và trải nghiệm. Phải nói rằng, đó là cảm niệm về cuộc sống,
những nghiệm sinh nghiêm túc trong sứ mệnh làm người, làm thi sĩ mà Mai Văn
Phấn đã chọn lựa. Chỉ có một nguồn sống mới mới đem lại nguồn thơ mới. Điều đó
tạo nên những góc nhìn, những thi ảnh mới. Và, không thể khác được, một công cụ
mới, phương tiện kiến tạo thế giới cũng phải tương thích với những vận động nội
tại. Thơ sinh ra từ trong những đau đáu vượt lên, thực hiện phác đồ người và sứ
mệnh thi sĩ. Mai Văn Phấn từng chia sẻ anh không chú ý đến sứ mệnh khi sáng
tạo. Vậy đó, bản thân sự sáng tạo là sứ mệnh. Và, tinh thần phi vụ lợi cũng
chính là tính thể của thi sĩ, thi ca. Phải sống nhiều hơn, toàn diện hơn, để
thấy được thể tính của sự hiện hữu, đó là chân lý mà Mai Văn Phấn luôn tâm niệm
trên những chặng vượt thoát và vong thân. Nhạy cảm với những bất ổn đồng nghĩa
với việc nhận ra cái có vẻ ổn định bề ngoài, nỗ lực dịch chuyển của Mai Văn
Phấn bày tỏ thái độ kháng cự tình trạng khủng hoảng. Nói như Chu Văn Sơn, đó là
một thi sĩ “tự tri”. Trước hết nhận ra sự bất ổn ngay trong những giá trị hiện
tồn mà bản thân trải nghiệm. Sự thực thì, đó là thái độ của kẻ biết tự trách
mình trước khi trách người, tự thay đổi chính mình trước khi nói về một sự thay
đổi nào đó từ tha nhân, cộng đồng. Cách tân thơ ở Mai Văn Phấn trong sâu thẳm
là thái độ đối với sự sống, nghệ thuật. Rõ ràng, sống đời và sống thơ ở Mai Văn
Phấn là một phản nghiệm cho nỗi khổ đau đã từng làm Chế Lan Viên day dứt: Lũ chúng ta ngủ trong giường chiếu hẹp/ Giấc
mơ con đè nát cuộc đời con/ Hạnh phúc đựng trong một tà áo đẹp/ Một mái nhà yên
rủ bóng xuống tâm hồn. Những yên ổn tù đọng, những cái đẹp chật chội, những
giấc mơ quẩn quanh,… đã làm con người đương đại - Mai Văn Phấn không thể dung hoà
nổi. Phải đánh tan cái lặng phắc ngột ngạt và tù đọng trở thành nỗi thôi thúc
thường nhật. Bởi thế, ra đi, chối bỏ như là hệ quả tất yếu, cũng là động thái
cần phải có của kẻ ý thức được thế nào là sống, thế nào là thơ (trước hết là
với tự ngã): Vẫn thói quen hào hứng và
lạc quan xưa cũ, ta ngẫu hứng một giai điệu gì quen lắm, sao thấy không hào
sảng và lôi cuốn như xưa// Vội ve vuốt một mầm cây vừa mọc dưới chân và tưởng
tượng ra mùi hoa trái dâng lên trong một khung cảnh mới. Đứng lên, ta hiểu mình
vừa xua đi một nỗi kinh hoàng (Giải
pháp). Nỗi kinh hoàng khi nhận ra mình đang chìm trong sự im lặng như là
cái chết. Sự quen thuộc và nhàm chán, nhạt nhẽo đang làm chết những linh hồn
hay chính những linh hồn chấp nhận sự im lặng hậu thuẫn cùng cái chết. Kháng
cự, phải rời bỏ những thói quen chết người đó để tìm thấy sự sống. Mầm cây mới
mọc là ẩn dụ về sự sống mới vừa hé mở cứu rỗi một cái chết kinh hoàng đang xâm
chiếm.
So với những thi hữu
cùng thời, từ cảm thức, nhịp điệu và hơi thở, phong thái của sự sống trong thơ
có thể thấy Mai Văn Phấn lặng lẽ, nhuần nhị hơn Nguyễn Quang Thiều, chu đáo,
lịch lãm hơn Đồng Đức Bốn, gấp rút và mau lẹ hơn Thanh Thảo, trẻ trung, nhanh
nhẹn hơn Nguyễn Duy, nhưng sành điệu lại không bằng các thi sĩ trẻ lớp sau như
Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Ly Hoàng Ly, Phan Thị Vàng Anh và
các cô gái Ngựa trời,… Ở một góc nhìn khác, Mai Văn Phấn phân hoá rất nhanh
chất sống, nhịp điệu sống của mình so với Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Trọng Tạo,
Dương Kiều Minh, Ý Nhi, Nguyễn Thị Hồng Ngát, Lê Thị Mây,… Cụ thể, thơ Mai Văn
Phấn nhập vào một chút khí hậu của trường thơ này ở giai đoạn đầu, sau đó tách
ra và vượt lên, tạo thành một vùng khí quyển khác. Như đã phác hoạ ở trên về
diện mạo thơ Việt đương đại, cái đẹp mang tính điển phạm (thực ra nó là một
“mẫu hình” đúng như quan điểm của T.S. Kuhn) của dòng thơ truyền thống đã không
còn cuốn hút Mai Văn Phấn nữa. Ngay từ những bài thơ ở giai đoạn này, đã có thể
nhận ra những chất chứa bên trong dành cho phút giây vượt thoát:
Và rạng đông!
Từng
giọt rạng đông!
Tôi lại nhập hồn về với xác
Chẳng phải tôi, cũng không là
người khác
Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt
lòng.
(Hồn nhiên - in trong tập Giọt
nắng, 1992)
Chẳng phải tôi, không
phải người khác, mà là một sinh thể mới lọt lòng. Đó là cách diễn đạt về sự
vong thân, về sự phủ định một cách triệt để. Một trong những vấn đề cốt lõi của
sáng tạo (sáng tạo thơ) là tinh thần độc sáng. Độc sáng có giá trị hiển nhiên
không đồng hành với sự lặp lại hay “đụng hàng” (cách nói của Inrasara). Không
“đụng hàng” với kẻ khác nhưng quan trọng hơn, trong tâm thức của một thi sĩ,
cách tân trước hết là không đụng hàng với chính mình(3). Muốn như vậy, theo
Inrasara, phải đọc nhiều. Dĩ nhiên, đọc nhiều để biết, để tránh. Nhưng, theo
chúng tôi, Mai Văn Phấn đã chọn con đường khác, không chỉ đọc nhiều mà quan
trọng là phải biết “vong thân”. Khái niệm vong thân đã hàm chứa trong đó sự phủ
định, ruồng bỏ chính tri thức, kinh nghiệm của mình (có một kênh thông qua con
đường đọc). Quan niệm của Mai Văn Phấn cho thấy chiều sâu của sự hình dung về
con đường thi ca và sứ mệnh nghệ thuật của mình. Cho đến thời điểm 2014, Mai
Văn Phấn đã có 21 tập thơ và một tuyển tập, đó là những hình thái của sự sống
đời, sống thơ một cách quyết liệt. Các địa hạt khác nhau, những bóng mây và
vùng trời khác nhau nói lên tính đa ngã của con người bản thể. Có thể, trong
cùng một tập thơ, người ta đã thấy nhiều nhân vị khác nhau, những trải nghiệm
xa lạ với chính nó trong từng khoảnh khắc. Tuyển tập lần thứ nhất Thơ tuyển Mai Văn Phấn, Nxb Hội Nhà văn,
2011 là một diễn đàn của nhiều thứ tiếng, nhiều diễn ngôn, nhưng, nó lập tức
trở thành viện bảo tàng, bởi Mai Văn Phấn lại đã rời bỏ những bóng hình đó để
ra đi.
Ngẫm nghĩ khi đọc thơ
Mai Văn Phấn thấy hiện lên rất rõ một nhu cầu, có tính thường trực, đó là phải sáng tạo liên tục như
là con đường duy nhất để sống, để chứng minh nghĩa lý hiện diện của mình trong
cuộc đời và trong nghệ thuật. Như thế, không phải con người tạo ra nghệ thuật
nữa, mà nghệ thuật, ngôn ngữ đang tạo ra con người, làm hiện hữu con người. Từ
tập thơ đầu tiên (Giọt nắng) mà lời
giới thiệu của Hội Văn nghệ Hải Phòng vẫn còn tỏ rõ những nét rụt rè, Mai Văn
Phấn dường như đã dự báo hành trình đầy biến động của mình. Ở thời điểm 1992,
tập Giọt nắng của Mai Văn Phấn ra đời
khá đằm thắm, nhuần nhị nhưng cũng mang đầy dự cảm. Có thể, cái đằm thắm đã sớm
tự thú nó thuộc về hệ hình cũ với những cảm thức đã quen thân, đã gắn bó với
nhiều thế hệ thơ ca Việt Nam, nhưng, ẩn sau vẻ đằm thắm ấy, con sóng ở lòng sâu
đã quẫy lên, phá tan không khí phẳng lặng dễ khiến người ta yên ổn và chấp
nhận:
Chúa Jê-su và Phật Thích-ca
Trên cỗ xe năm 2000
Cả Người tôi yêu mến nữa
Họ cùng bên nhau lặng yên.
Thế rồi xe tới Hoàn nguyên
Họ vụt oà lên nức nở
Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành
chân trẻ nhỏ
Khi gửi xiêm y vào gió
Họ ôm chầm lấy nhau.
(Hoang tưởng năm 2000)
Một ý niệm rất sâu về sự
vượt thoát đến chân lý cũng là sự trở về với bản nguyên sơ khởi. Đạo là những
con đường, có nhiều, và đích chỉ có một. Đó là sự sống nhân văn tận cùng - tình
yêu thương và sự thấu suốt về lẽ sống tối thượng của loài người. Giọt nước mắt
là biểu tượng của trái tim - xúc cảm đã thay cho lý trí (cái đầu), cỗ xe (có
phải là một biểu tượng của văn minh) và đôi chân trẻ nhỏ là biểu tượng của sự
sống ban sơ. Khi giải trừ tất cả, mọi áo xiêm (cái hình thức che đậy bản chất
của sự sống, cũng là giới hạn, hữu hạn) đã tan đi, con người trở lại với hình
hài và tâm tính nguyên sơ của mình. Điểm đến cuối cùng của mọi con đường (Đạo),
có lẽ, trong quan niệm của Mai Văn Phấn là một thế giới đại đồng, không còn
chia cách bởi các quyền lực, giới hạn nhân tạo. Họ ôm chầm lấy nhau là chân lý cho hành trình đi đến chất người của
nhân loại. Ở những chặng thơ sau, Mai Văn Phấn đôi lần nói đến nền văn minh tâm
học, và, Hoang tưởng năm 2000 là một
dự cảm không hề hoang tưởng.
Thơ Việt Nam sau 1975
đang lâm vào khủng hoảng. Câu chuyện đó hẳn không còn mới mẻ, nhưng dường như
có ít người - thi sĩ để tâm đến sự bất ổn đó, chưa nói đến việc kháng cự hay
thay đổi. Điều đáng quý nhất ở Mai Văn Phấn chính là từ sự nhạy cảm nhận ra bất
ổn, khủng hoảng đến hành vi chống lại khủng hoảng diễn ra liên tục. Điều này
đồng nghĩa với việc không chấp nhận một sự thoả hiệp hay ngủ yên trong tự mãn.
Biểu hiện rõ nhất cho động thái này chính là Mai Văn Phấn nhận diện những bất
ổn đẩy nền thơ vào khủng hoảng. Dọc hành trình thơ từ Giọt nắng (1992) đến Vừa sinh
ra ở đó (2013), luôn thấy trong thơ Mai Văn Phấn những hoài nghi, âu lo, sợ
hãi, hoang mang. Đó là cảm thức đầu tiên khi chạm mặt cái im lặng tù đọng, cái
yên ổn đông cứng. Phải hoài nghi mới đặt ra phản nghiệm. Phải âu lo, sợ hãi,
hoang mang mới ráo riết tìm lối ra cho sự sống, cho thơ:
Tất cả đã thức dậy khuấy loãng những
u mê cho rõ khuôn mặt mình để chờ đón ban mai. Vầng mặt trời vừa tìm được lối ra
khỏi đêm tối. Đàn sao mộng du thôi không phát sáng, hoảng hốt theo nhau trút
lại màn đêm sũng ướt ao tù. Bầu trời cánh đồng tơi ra và cây cối nghẹn ngào
tiếng ban mai ngấm vào mạch đất, ngấm vào ngực ta làm tế bào vụt mới tinh sương
với đợt sóng ùa về bồi đắp. Đám mây mỡ màu phồn thực trôi đi, mục ra cho kịp
thời vụ. Bằng tiết tấu và giai điệu khác, âm thanh đầu tiên vang lên từ lắc lư
cọng cỏ gai, âm hưởng hoành tráng dồn nén không gian cộng hưởng rền vang, chút
nữa thôi là sẽ bắt đầu.
Chân tay ta vừa rút khỏi những huyễn hoặc giấc mơ, ngón
còn tê cứng một đời cuốc cày liềm hái, một đời bàn tay phải lệ thuộc vào tay
trái. Cả hai bàn tay lệ thuộc vào nỗi ú ớ toát mồ hôi của cái chết lâm sàng,
chỉ biết cứng đơ mặc cho cơn bóng đè trùm lợp. Giờ những bàn tay tự do thức
dậy, biết cộng lực cho nhau khi bình minh
đang đến tái sinh.
(Cộng hưởng II)
Đoạn thơ văn xuôi mang
nhiều ám dụ. Từ những ám dụ này, người đọc nhận ra một lực sống khác đang kháng
cự tình trạng “ao tù”, “chết lâm sàng” để chờ đón một bình minh tái sinh. Từ
phương diện chất sống, bình minh tái sinh chính là nguồn sống mới của con người
bản thể. Như đã nói ở trên, không thể hát mãi khúc hát đã mất hết niềm hứng thú
với một thanh đới trơn mòn, sáo rỗng. Sự sống được mở rộng bằng trí tưởng tượng
phong phú, nới rộng các biên độ, khoảng cách, không gian, thời gian,… Phải nói
rằng, tưởng tượng là hoạt lực tư duy mạnh nhất trong thơ Mai Văn Phấn. Điều này
có thể xem như một căn cứ để phân lập Mai Văn Phấn và các nhà thơ khác. Sự phân
lập này chủ yếu diễn ra ở cấp độ và cơ chế hơn là phạm vi chủ đề. Thơ Việt Nam
đương đại, ở dòng lớn nhất nổi lên là thao tác tư duy liên tưởng, suy tưởng. Sự
giám sát ngặt nghèo của lý trí cùng các cơ chế logic đã khiến cho thi ảnh, hình
tượng ít có tính chất bất ngờ, lạ lẫm. Mặt khác, liên tưởng và suy tưởng luôn
gắn bó mật thiết với những mối liên hệ thực tế nên không khó để lần ra sợi dây
ý tình, cảm xúc và tư duy. Điều này là mầm mống của sự mòn sáo và nhợt nhạt. Dĩ
nhiên, không phủ nhận vai trò của liên tưởng, suy tưởng trong thơ Việt Nam
đương đại và trong chính thơ Mai Văn Phấn. Nhưng, khi một cơ chế dần trở thành
thói quen cũng chính là sự loan báo về khủng hoảng. Mai Văn Phấn hẳn ý thức rất
rõ những vần thơ này đã cũ (dù so với mặt bằng của khuynh hướng mà nó thuộc về,
đó là những câu/ bài thơ khá):
Bao lần xanh biếc rong chơi
Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo
Thôi em! Đừng vặn! Đừng khêu!
Đáy thu thắp sáng trên nhiều ngọn cây.
Anh vừa đọng xuống thu gày
Đã đông thành đá phủ đầy rêu xanh.
(Khúc cảm mùa thu)
Sự phủ định với kinh
nghiệm thơ ca của chính mình cũng được Mai Văn Phấn tiến hành trên những thang
bậc cao của giá trị. Nghĩa là, anh phủ định chính cái mà anh đã thành công. Đối
với việc sáng tạo nghệ thuật, điều này rất có ý nghĩa đồng thời cho thấy ý thức
- “tự tri” của tác giả về công việc của mình. Phủ định cái đã xác lập giá trị
khó khăn hơn rất nhiều so với phủ định cái vô giá trị. Không nán lại quá lâu
trong một mẫu hình nào đó đến khi nó rơi vào khủng hoảng, ra đi, kiếm tìm nguồn
sống, nguồn thơ khác là cách thức để cái tôi, chủ thể không rơi vào cạm bẫy của
sự tự mãn. Mai Văn Phấn đã chuyển sang các thể thơ khác với hiệu năng mới trong
việc triển hiện thế giới tinh thần của thi sĩ. Thơ tự do, thơ văn xuôi,… chính
là những thể nghiệm sau lục bát, bốn chữ, năm chữ, bảy chữ, tám chữ của Mai Văn Phấn. Giai đoạn tìm kiếm ráo riết, mạnh
mẽ, rõ rệt nhất của Mai Văn Phấn có lẽ là quãng Vách nước đến Hôm sau, và đột
nhiên gió thổi, trong đó, cảm thức hậu hiện đại, với những hoài nghi, đổ
vỡ, hoang mang hiện diện dày đặc (đặc biệt ở tập Hôm sau). Trong phần chú giải ở Chương 1, chúng tôi đã có nhắc đến
vấn đề này. Như vậy, trong khoảng 7 năm (không rành mạnh đến thế trong tư duy
và mỹ cảm của nhà thơ), Mai Văn Phấn đã dấn bước qua các khuynh hướng lãng mạn,
tượng trưng, siêu thực, tiến sang tân cổ điển từ Bầu trời không mái che, Hoa
giấu mặt, Vừa sinh ra ở đó. Ở mỗi
vùng trời đã đi qua, Mai Văn Phấn cũng luôn để lại những sắc mây riêng biệt làm
nên dấu ấn của mình. Anh có những bài lục bát khá nhuần nhị, có những bài thơ
bảy chữ, tám chữ, năm chữ, những bài thơ với thể loại quen thuộc trong cảm thức
lãng mạn, nhẹ nhàng và bay bổng. Bước sang tượng trưng, siêu thực, Mai Văn Phấn
có nhiều thể nghiệm khá thành công với việc gia tăng yếu tố ngẫu nhiên, phi lý,
phi logic, bất quy tắc của trật tự sống, của mỹ cảm và quan niệm, tư duy về vũ
trụ và con người. Những bài thơ giàu hình ảnh tượng trưng, biểu tượng, giàu
nhạc tính và thể hiện rõ những tương giao ẩn mật của cõi sống đã cho thấy tư
duy tượng trưng rất rõ của Mai Văn Phấn. Dấn bước thêm về miền siêu thực, thơ
Mai Văn Phấn lại hiện lên những mộng mơ, những hiện thực toàn nguyên của đời
sống con người bản thể:
Thu về e ấp
Cốm non lãng đãng sương giăng
Khăn
áo ấy mịn màng da thịt
Dâng heo may lên trời
Nhịp
cốm giã rộn mùa thóc nếp
Thúng mủng dần sàng vỏ trấu hây hây
Trái
bưởi thơm dịu nắng hanh
Thanh khiết chùm hoa mộc
Giữa
đất trời ngó sen sau mưa
Da diết nhớ từng vòng cuộn xiết
Lá sen xanh ủ cốm em anh
Chín nẫu chân mây mùa hạ
Đêm
ái ân lặng phắc ngọn đèn
Trái hồng đượm trong hương cốm nõn.
(Cốm hương - Mai Văn Phấn)
Có thể nhận thấy một vị thơ thanh nhẹ, đạm mà vấn vít, lãng đãng mơ hồ
mà bao luyến. Đây cũng là nét riêng trong thi giới Mai Văn Phấn. Không chỉ ở
những thể nghiệm có tính siêu thực, trên hành trình thơ, anh chú ý đến hương
hơn là vị, sắc hơn là màu, vang hơn là tiếng, dư ba hơn là những khuấy động,…
Cảm thức này khiến cho thơ siêu thực của Mai Văn Phấn gần với Hoàng Cầm, Phùng
Cung và khác Nguyễn Quang Thiều, Văn Cầm Hải, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng
Minh và một số thi sĩ trẻ khác. Ở những bài thơ siêu thực thành công (Cốm hương, Nhịp thu về, Ký sự mùa thu, Hoa
bằng lăng,…) phần trực giác tỏ ra là yếu tố chủ đạo, duy trì tứ thơ. Chính
từ trực giác dựa trên kinh nghiệm thẩm mỹ có tính duy linh, tương hợp kiểu
phương Đông mà Mai Văn Phấn chuyển rất nhanh sang tân cổ điển(4) (anh còn có
riêng một tập thơ Hoa giấu mặt rất
gần với Haiku và đẫm chất sabi, thể hiện khá đậm phong cách tân cổ điển)(5).
Tôi cho rằng sự trở về tân cổ điển là một nỗi sám hối (trước tiên) và giác ngộ,
nó thường xảy ra với những kẻ lữ hành sau nhiều chuyến đi và kiếm tìm. Dĩ
nhiên, sự trở về ấy đã khác biệt hẳn về chất so với con người cổ điển buổi ra
đi. Thơ siêu thực của Mai Văn Phấn tuyên cáo về sự phi lý của lý trí, sự ràng
buộc ngặt nghèo đầy bạo tính của các khái niệm, tri thức tiên nghiệm. Bằng
những thể nghiệm siêu thực, mộng mơ xa xôi, tưởng tượng kỳ ảo, thơ Mai Văn Phấn
cũng lên tiếng về sự bất lực của lý trí, sự nông cạn, hời hợt của nghệ thuật mô
phỏng trong tinh thần phản ánh luận. Hướng đến một thứ thơ sâu sắc và kín đáo,
thể hiện chiều sâu của tư tưởng, mỹ cảm, thơ siêu thực của Mai Văn Phấn là một
phản ứng với thứ thơ “bạch hoá” đang hiện diện khá đông đảo trong đời sống thi
ca. Xác quyết về tính hợp thức của sự ngẫu nhiên, bất
toàn, phi logic, một trật tự bất đối xứng và không định trước, thơ Mai Văn Phấn
đồng thời thể hiện tinh thần khai phóng một cách mạnh mẽ, hướng đến những khả
năng toàn nguyên hơn cho con người. Tự do trong quan sát, quan niệm, thực hành
sáng tạo, thực hành phác đồ làm người của mình đã khiến cho thơ Mai Văn Phấn là
sự hiện diện của ngổn ngang, gãy đổ, huỷ tạo, giải kết, bất an, sướng vui, âu
lo, chết chóc, hồi sinh,… không ngừng biến chuyển. Sự tự do là ý niệm tối cao
trong những thực hành sáng tạo - kỳ thực là một diễn ngôn về sự sống của con
người trong kỷ nguyên hiện đại, hậu hiện đại với đặc tính toàn cầu hoá và phẳng
hơn mỗi ngày. Hành trình thơ Mai Văn Phấn có thể xem như một mô hình về sự vận
động qua các trào lưu, phương pháp sáng tác khác nhau để tìm kiếm chất sống,
chất thơ mới trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đại.
Sáng tạo, vượt thoát rồi
trở về, hành trình của Mai Văn Phấn còn mang ý nghĩa kháng cự nền văn minh công nghệ. Bởi lẽ, văn minh
công nghệ có thể tạo ra nhiều sản phẩm, đem lại nhiều tiện ích, thậm chí máy
móc có thể làm tất cả mọi việc thay con người(6). Nhưng, sau tất cả thể nghiệm,
trong sự âu lo và hy vọng thường trực, Mai Văn Phấn đã trở về để nối cuống nhau
của mình vào bản nguyên văn hoá dân tộc, vào truyền thống mẫu tính, vào minh
triết của sự sống vĩnh hằng. Một trong những vấn đề cốt lõi nhất chính là trở
về với nhịp đập của trái tim trong cảm thức máu thịt với sự sống(7):
Co quắp con ngủ trong gió lạnh
Mơ thành bào thai
Cuống nhau nối mặt trời
Bay trên tàng cây
Mắt nhìn xanh tiếng nấc
Từng chồi chân tay bé xíu
Bật nhẹ trong cơ thể người
Con tỉnh giấc
(Cửa Mẫu - VIII)
Vong thân như là động
thái căn bản của sự vượt thoát và cách tân. Tuy nhiên, đúng như Mai Văn Phấn đã
nói, vong thân không có nghĩa là đoạn tuyệt với truyền thống, mà là đi tìm một
cách nhìn, một góc nhìn, một cấp độ khác của truyền thống, bổ sung, làm phong
phú truyền thống. Điều này thể hiện rõ trong việc Mai Văn Phấn ra đi và trở về,
như một sự tái sinh. Truyền thống được nhìn từ sự trở về của Mai Văn Phấn là
giá trị được xác lập trên căn tính của con người hiện đại, đương đại, không còn
là con người phận vị, cá nhân, tập thể như trước, trong những không gian khép
kín như trước. Bởi vậy nó khác cả về tinh thần và thể phách.
Suy nghĩ về Mai Văn
Phấn, soi chiếu trong dòng chảy của thơ Việt Nam sau 1975, người ta thấy đó là
một thi sĩ có nhiều cố gắng để đổi mới thơ ca. Nhưng, như đã phác hoạ, có nhiều
con đường để cách tân, và Mai Văn Phấn cũng chọn cho
mình hướng đi khác với nhiều người. Đơn cử, trường hợp thơ dòng chữ - được xem là khuynh hướng cách tân ráo riết nhất, Mai
Văn Phấn đã khác. Về ngôn ngữ thơ, Mai Văn Phấn không huỷ tạo chữ mà xe duyên
cho chữ. Biểu hiện rõ nhất trong một số bài thơ Mai Văn Phấn đã bỏ đi các dấu
câu như là một thế lực ngáng trở để ngôn ngữ tự do xe kết. Nhưng điều quan
trọng hơn là thi sĩ đã nhận diện các khả năng của ngôn ngữ, cú pháp với một
thái độ trân trọng vẻ đẹp tự thân, khả năng kết nối các phương diện của ngôn
ngữ với nhau. Và, cũng bởi tâm hồn thi sĩ luôn nâng niu tất cả, nên ngôn ngữ
không rơi vào khủng hoảng về nghĩa, mà trỗi dậy những tiềm ẩn có khi vì hời hợt
mà con người đã lãng quên. Về tư duy, thơ Mai Văn Phấn phát huy mạnh mẽ những
hoạt lực tưởng tượng cả về cấp độ, tốc độ, phạm vi so với phần lớn các thi sĩ
khác của thơ Việt Nam đương đại. Điều này nói lên một quan niệm về mối tương
liên, gắn kết của thế giới, đồng thời mở ra các cơ hội để chữ - hình tượng đứng
bên nhau, chập nổ và phát sáng. Nhà thơ cho rằng, anh không chú ý nhiều đến sự
chập nổ mà chú ý đến quá trình dồn nén năng lượng để dẫn đến phát nổ. Điều này
rất gần với tư duy về quá trình trong tư tưởng hiện thể của M. Heidegger. Những
thực thể xa lạ được gọi về trong tưởng tượng của Mai Văn Phấn khiến cho thế
giới xích lại gần nhau, bày tỏ một lòng bao dung và kiêm ái. Nếu các thi sĩ
dòng chữ lấy âm, hình, tự dạng làm yếu tố thứ nhất để tư duy, thì Mai Văn Phấn
chú trọng vào cảm thức - chính xác hơn là lắng nghe chính những “cảm niệm triết
học về thực tại” (Chu Văn Sơn), phát hiện ra cái nghĩa lý tối cao trong sự sống
và nghệ thuật, để từ đó có được một lựa chọn phù hợp cho cách thức biểu đạt của
mình. Không huỷ tạo chữ mà xe kết chữ, không lấy âm, hình của chữ làm nguyên
liệu cho tư duy mà chú trọng vào hình tượng, biểu tượng, ở động hướng này, có
thể nhận thấy, càng ngày Mai Văn Phấn càng thong dong, trầm tĩnh. Dường như, thi sĩ đã thấu tỏ những quy luật và giá trị,
để từ đó có những ứng xử tương thích:
Chiếc lá kia rơi
Mặt đất sẽ trũng xuống
Vọng tiếng chuông xua mây đen
Nắng sẽ hanh hao
Heo may run ngõ nhỏ
Sách mới thơm hơi trẻ thơ
Mía ngọt trào lên ngọn
Những con sâu nhẫn nại tết vệt trứng óng ả quanh gốc cây già
Chú bê non chạm lưỡi mềm mặt cỏ
(Thu đến)
Đúng như Phạm Xuân
Nguyên đã nói, thơ Mai Văn Phấn là hành trình đi “từ Chữ về Lời”(8). Đó là diễn
ngôn của Mai Văn Phấn về thơ, về cuộc đời và các giá trị. Bản sắc của Lời biểu
hiện trong Giọng. Và, ở mỗi chặng thơ, Mai Văn Phấn thể hiện các sắc thái khác
nhau của giọng điệu. Lắng nghe trong thi giới Mai Văn Phấn, có giọng trầm sâu,
tin tưởng, có giọng thảng thốt âu lo, có giọng từ tốn nhẫn nại, giọng triết lý,
suy tư, có giọng buồn, giọng vui, giọng hân hoan hay đau đớn,… gắn với những cảm
thức thi sĩ đã trải qua trên từng bước vong thân. Giọng điệu là một phạm trù
của thi pháp, là căn cứ quan trọng để nhận ra phong cách, tuy nhiên, với một
thi sĩ liên tục phủ định bản thân, liên tục khước từ các kinh nghiệm thi ca có
sẵn, vấn đề căn bản là anh ta hẳn phải mang nhiều giọng điệu khác nhau. Đa
giọng, đồng nghĩa với đa phong cách, và đó là một trong những mục đích của sự
cách tân, vượt thoát (trước hết là cách tân chính mình). Kháng cự khủng hoảng
từ góc độ giọng điệu là quá trình chống lại sự quen nhàm, đơn điệu của giọng.
Kiến tạo giọng điệu với Mai Văn Phấn có thể xem như một con đường để hiện hữu
thơ và hiện sinh người:
Không, ta vẫn còn giọng nói. Mỗi âm
tiết lúc ấy hiện lên một sự thật. Sự thật hiển nhiên đảo lộn mọi quy ước phổ
thông (Anh anh em em). Giọng điệu trong thơ Mai Văn Phấn có khi vang lên
trong mơ hồ, có khi lại bật ra nhức nhối trong những suy tư. Những trạng thái
này là kết quả của sự thể nghiệm ở nhiều không gian
sống, phát huy sức mạnh của cả ý thức và vô thức trong việc biểu đạt toàn
nguyên các phương diện sống của con người. Nhìn lại các sáng tác của thơ dòng
chữ, thấy nổi rõ lên hoạt lực của liên tưởng, của lý trí đến mức sắc sảo (gắn
với tinh thần duy lý kiểu phương Tây). Mai Văn Phấn không đi về hướng đó, nẻo
thơ của anh, dù trong hoang mang nhất, trong âu lo và hãi sợ bao nhiêu vẫn cố
gắng bước về phương Đông (sau khi đã trải nghiệm các cảm thức phương Tây qua
từng địa hạt sáng tạo), biểu đạt sự tương giao tổng hợp, duy linh, duy tình.
Càng ngày, thơ Mai Văn Phấn càng triển hiện rõ tính chất Đông phương này, nhất
là ở chặng cuối khi anh đã thực sự bước sang tân cổ điển. Bởi thế, trong tinh
thần phương Đông, giọng điệu thâm trầm, phong thái thong dong, tự tại là hình
thái của sự giác ngộ, hiền minh. Nếu hiểu thơ như là câu chuyện trước hết của
cá nhân, thì Mai Văn Phấn dường như đã tìm
thấy “thiên đường đã mất”:
Buông anh như gieo hạt
Tỉnh dậy cỏ cây láng ướt bầu trời
Mưa quần tụ mái nhà gõ nhịp
Mặt đất mềm hơi thở lan nhanh
Em luống cuống kéo chăn che ngực
Ngỡ ai qua đây xếp lại căn phòng
Giấc mơ ấy vẫn còn dang dở
Chợt rộ lên từng đợt lá non
Vùi vào nhau hạt mầm bé nhỏ
Rơi trong nụ hôn tinh sương
(Tỉnh dậy trong mưa)
Hành động cách tân thơ,
đẩy thơ vượt qua các giới hạn để xác lập hệ giá trị mới ở Mai Văn Phấn có thể
xem như sự thể hiện con người văn hoá trong dòng chảy lịch sử. Từ thái độ ứng
xử với thơ đến thái độ văn hoá là một hành trình có ý thức để ghim vào lịch sử
những trạng thái của hiện hữu, bản thể. Nhưng, nhìn lại chặng đường vượt thoát
của Mai Văn Phấn, phải thừa nhận rằng, nếu không phải là một người trường hơi,
trường sức, dày vốn hẳn không thể đi được xa, được nhiều như thế. Mà, sự thật,
ở ta, số nhà thơ trường hơi, trường vốn như thế không nhiều. Tình trạng khủng
hoảng của thơ Việt có liên đới với những thiếu hụt thuộc về bản thân thi sĩ.
Một viễn cảnh có thể nhận ra, các nhà thơ thuộc khuynh hướng “bảo hoàng” ngày
càng quẩn quanh, tự mãn và vun đắp cho một “mẫu hình” đã cỗi cằn. Thơ dòng chữ
sẽ đi đến đâu trong việc đập chữ tìm vân, bẻ chữ tìm ngó, nhìn nghiêng vào
bóng, lắng nghe con âm, tự dạng, huỷ tạo chữ, ngữ pháp,…? Một dự cảm cạn kiệt!
Một số thể nghiệm khác như tân hình thức vốn có nguồn gốc từ thơ nước ngoài (kỹ
thuật vắt dòng của thơ Anh và kỹ thuật lặp lại của thơ Mỹ) nên có những điểm
kênh khi nhập tịch Việt Nam. Những thực hành của nhóm Mở miệng, rồi sẽ còn lại
gì? Dẫu sao, tất cả đều có cơ hội hiện hữu ngang bằng, trước hết ở hiện tại và
cho hiện tại. Tương lai, ai nói trước điều gì? Nhưng, trong cảm thức của một
người sống bằng văn hoá, bằng những âu lo kiến tạo và gìn giữ giá trị, Mai Văn
Phấn đã chọn con đường đi sâu vào cảm thức văn hoá dân tộc, con người Việt Nam,
nhất là căn cước nông nghiệp và thiên tính nữ. Dĩ nhiên, những cảm niệm này đã
được đẩy đến những giới hạn sâu xa hơn so với truyền thống mô tả, phản ánh luận
của thơ ca một thời:
Em không ngủ yên dưới tàng lá giật
Một nhành cây vừa rơi xuống mái tôn
Tiếng quả vỡ lăn trên thềm gạch cũ
Gió lồng lộn làm mặt nước không còn trơn mịn
Lối đi vươn cánh tay níu lấy bìa rừng
Mắt em mở vào đêm sâu lò than hồng rực
Dâng mùi ngô nướng, nếp thơm
Tiếng nước sôi trong trí nhớ em
Reo vang đến gần sáng
Cố nép vào thành giường
Em nín thở chờ thời khắc yên tĩnh
Ôm con bồ câu vô hình
Đợi mặt đất bình yên buông tay cho trời rạng.
(Buông tay cho trời rạng - II)
Sau những chuyến vượt
thoát, kiếm tìm, thể nghiệm, gần đây Mai Văn Phấn biểu hiện rõ sự trở về. Trở
về với thiên nhiên(9), với những giá trị căn cốt, bền bỉ của con người Việt
Nam, thơ Mai Văn Phấn bình thản lạ lùng. Đó là tâm thế của một sự “nhập thấy”
chăng? (nhập thấy là cách dùng từ của Đặng Đình Hưng, chỉ những cơn thể
nghiệm). Có lẽ đúng hơn là thơ Mai Văn Phấn ở chặng tân cổ điển và sau nữa là
sản phẩm của nền văn minh tâm học. Khi nhận thấy giá trị cứu rỗi của tinh thần,
văn hoá trong thời đại kỹ trị, Mai Văn Phấn đã bình thản hơn để ứng xử. Và, lối
ứng xử thể hiện độ chín của cảm thức chính là tuân theo tự nhiên, vận hành theo
quy luật, tôn trọng những chuyển động của vũ trụ. Đặc biệt, thơ Mai Văn Phấn
ngày về thể hiện sự tôn trọng đến mức linh hoá các giá trị của thế giới tự
nhiên. Trân trọng từng nhịp thở, mầm sống của tự nhiên và con người, từng
khoảnh khắc mong manh kỳ diệu chính là thái độ của kẻ đã nhận ra những giá trị
thiết thân nhất với sự sống của mình. Bởi thế, thong dong và điềm tĩnh là trạng
thái nổi bật ở những chặng gần đây của Mai Văn Phấn. Điều này cũng có thể được
xem là phản nghiệm cho những hoang mang, hoài nghi, bất tín nhiệm, đổ vỡ, bi
quan, phẫn uất trong thơ Mai Văn Phấn giai đoạn trước (Vách nước đến Hôm sau), đồng
thời là của một số thi sĩ đương đại đang bế tắc trong khí quyển hậu hiện đại.
Ngay những nhân vật đã được biết đến như Nguyễn Bình Phương, Phan Huyền Thư,
Đặng Thân ở những tập mới nhất của họ (Buổi
câu hờ hững - NBP, Sẹo độc lập -
PHT, Không hay - ĐT), vẫn nhận ra rất
rõ một nỗi bất an, hoài nghi và uất ức, chán chường. Chiêm ngắm vũ trụ, thiên
nhiên như một đại tượng, sự trở về của Mai Văn Phấn là một tái sinh, một thể
phách và tinh anh khác. Người đọc có thể nhận ra, thơ Mai Văn Phấn trong một
vài tập gần đây (Bầu trời không mái che,
Vừa sinh ra ở đó, Những hạt giống của đêm và ngày, Những nguyên âm trong sương
sớm) thong thả, tự tại, trong trẻo và hồn nhiên. Bằng tâm hồn đồng ấu, Mai
Văn Phấn nhìn thiên nhiên, vũ trụ và đời sống trong tính sơ khai, khởi thuỷ. Có
lẽ, đây cũng là một cách “giảm trừ” để trở về với bản chất của hiện tượng. Xem
xét trạng thái thi ca này trong tập Những
nguyên âm trong sương sớm, Raymond P.Keen (Hoa Kỳ) có nhận xét khá thoả đáng:
“Ngay từ đầu và xuyên suốt các bài thơ, người đọc chứng kiến ý thức con người
không thể tách rời khỏi chất liệu nguyên sơ của thiên nhiên. Trong cuộc trao
đổi thâm sâu này, bản thể con người và “thiên nhiên ngoại giới” được thống nhất
trong một thi cảnh rộng mở của cái đẹp và sự rung cảm mãnh liệt”(10). Một ý
kiến khác cũng cho rằng: “…những thuộc tính của thiên nhiên, tinh thần và văn hoá
của cảnh thổ Việt Nam trao truyền quyền năng cho tư duy của nhà thơ để những
dòng thơ xuất hiện”(11). Có thể nhận thấy, trong thơ của nhiều thi sĩ Việt Nam
đương đại, thiên nhiên xuất hiện nhiều, nhưng chưa ở đâu thấy được một thiên
nhiên trong lành, hồn nhiên và mơ mộng như trong thơ Mai Văn Phấn. Thiên nhiên
trở thành đối thể của cái tôi, thành đối tượng để hình thành cảm niệm triết học
trong tâm tính của một người phương Đông, một người Việt Nam đã ý thức sâu sắc
về giá trị căn cốt của đời sống và bản thể. Thơ Mai Văn Phấn lúc này không phải
là mô tả thiên nhiên mà là một dạng minh triết về thiên nhiên (NTT nhấn mạnh):
Nước
đọng dưới chân núi
Một viên cuội nằm trên phiến đá cao
Không chớp mắt trong tinh khôi, yên tĩnh
Đêm qua ở đây có mưa
Ai đã ngồi kia trước hay sau
mưa nặng hạt
Tự nhiên nhớ em, rất nhớ
Anh không dám nhìn đi nơi
khác
Để trời xanh ngấm xuống gót
chân
Từng mưa to, mưa rất to
Tắm táp cho viên cuội nhỏ
Chỉ riêng hình ảnh này
Đã làm anh yêu đời mê
dại
Hình như nắng sớm đang
phủ lên đỉnh núi
Làm trong suốt lòng đất,
lòng cây
(Vô tình trong nắng sớm)
Có được sự trong trẻo,
tươi sáng cùng nét hồn nhiên đáng yêu này, Mai Văn Phấn đã đánh đổi bằng bao
lần vong thân, bao lần buông bắt, đến rồi đi. Diễn đạt cái đẹp của thiên nhiên,
sự sống, con người,… bằng vẻ hồn nhiên, trong trẻo, Mai Văn Phấn đã hình dung
về một thứ thơ thuần Việt, không bị “Bóng đè” bởi bất kỳ một nền thơ ngoại lai
nào. Truyền thống không phải là giá trị ổn định, bất biến mà luôn được bồi đắp.
Bởi vậy, cái đẹp của thiên nhiên, con người Việt Nam hiện đại, qua cái nhìn của
một tâm hồn trong trẻo, tha thiết yêu thương, gắn bó đã góp thêm vào giá trị
truyền thống những sắc thái mới. Với nghệ thuật, sự trở về của Mai Văn Phấn đã
chạm vào một kiệt tác chính là thiên nhiên(12).
Thơ Mai Văn Phấn, trong
những nỗ lực của mình, còn thể hiện một sự kháng cự tình trạng “sớm nở tối
tàn”, “cái thoáng chốc” của các giá trị trong môi trường đô thị hiện đại. Tính
thực dụng của xã hội tiêu dùng đẩy các giá trị vào thế phải cạnh tranh, phải
đáp ứng ngay lập tức nhu cầu của con người vốn có rất ít thời gian trong các đô
thị. Giá trị nghệ thuật đến lúc được xem như một thứ “mốt”, đoạn tính và liên
tục thay đổi do thị hiếu của con người. Vậy nên, nếu vong thân như một biểu
hiện của cái thoáng chốc thì sự trở về với bản sắc, bồi đắp vào truyền thống
lại được xem như là những hy vọng về một sự vĩnh hằng nào đó của hiện hữu.
Chúng tôi không tán thành quan điểm của Claudio Magris khi ông cho rằng nghệ
thuật nếu kỳ vọng vào sự tồn tại quá lâu “thì hiện ra như không mang tính
người”(13). Lịch sử loài người luôn ghi nhận những thay đổi, hưng vong, vậy nên
con người phải yêu từng khoảnh khắc của sự sống. Cái khoảnh khắc mới làm nên
giá trị. Tuy nhiên, có những giá trị hằn sâu vào vô thức, xác lập nên căn tính,
duy trì những mẫu gen quy định một sự thuộc về nào đó của lịch sử loài người,
văn hoá, cộng đồng và cá nhân. Đời sống con người càng văn minh thì những yếu
tố bản năng càng được chế ngự, những yếu tố thuộc về tâm tính giống nòi càng bị
gọt giũa trong những định chế của xã hội. Ý chí của cộng đồng là một lực đẩy
mãnh liệt, bứt con người khỏi điểm xuất phát của mình. Lực đẩy ấy tạo thành
dòng chảy của lịch sử xã hội, lịch sử văn minh, tư tưởng. Nó trui rèn mọi gồ
ghề thô tháp của vật chất trung tâm là con người, để hiện diện, kế thừa các
hình thái tồn tại của nhân loại. Những mảnh vỡ, mảnh vụn của thứ vật chất đặc
biệt ấy bị văng ra và dạt lùi về phía sau, nằm lại thành những trầm tích, hoá
thạch, trong lịch sử, ký ức nhân loại. Con tàu của lịch sử cứ lùi lũi tiến về
phía trước, trên thân mình của nó dẫu không còn vết dấu của những mảnh vỡ vật
chất nhưng sẽ thật hồ đồ khi ta quả quyết rằng con người không còn liên hệ gì
với những trầm tích đã nằm lại trong dòng thời gian. Sự vượt thoát liên tục của
Mai Văn Phấn vừa có ý nghĩa tượng trưng cho cái thoáng chốc lại vừa nỗ lực
hướng đến việc xác lập một giá trị nào khả dĩ làm hành trang cho cá nhân, con
người thực hiện tiếp sứ mệnh sống của mình. Ở đây nảy sinh hai vấn đề, một -
nếu chỉ yên ổn với một khoảnh khắc, hẳn sẽ bị dòng chảy của thời gian, lịch sử
nuốt trọn; hai - liên tục thay đổi, tạo ra những khoảnh khắc khác để thích nghi,
tồn tại. Sự khủng hoảng của thơ Việt đương đại, nguy cơ tan biến của các giá
trị trong không gian đại đô thị đã làm loé lên những tham vọng kháng cự. Thơ
Mai Văn Phấn qua từng chặng đường đều hàm chứa hai hoạt lực này, vừa cho thấy
bản chất thoáng chốc vừa mang niềm hoài vọng không nguôi về cái trường tồn. Nếu
nhìn vào hiện tình thơ Việt Nam sau 1975, những thể nghiệm đã và đang hiện diện
đều mang một nỗi u ám về tính khả thi, khả dụng của nó. Mai Văn Phấn cũng như
các nhà thơ khác phải đối mặt và tự giải quyết sự bất ổn này trong chính bản
thân mình. Và, như đã thấy, Mai Văn Phấn đi nhanh, gấp rút thực hiện những hành
trình để kéo dài khoảnh khắc, thêm vào những khoảnh khắc, chống lại nguy cơ bị
huỷ diệt. Mơ được tái sinh, được trẻ lại, nối cuống nhau vào mặt trời, vào
thiên nhiên, văn hoá,… là khát vọng ở bên bờ vực của sự tàn vong. Bởi thế, nó
vô cùng đáng quý, với bất kỳ ai, bất kỳ thi sĩ nào. Ý thức sâu sắc điều đó cho
Mai Văn Phấn nguồn động lực để có đủ can đảm “vong thân”, tự lao mình vào lửa
để tái sinh. Không có vẻ hung bạo của một dã nhân như Đinh Hùng thuở trước: Rồi dầy xéo lên sông núi đô kỳ/ Bên thành
quách ta ra tay tàn phá/ Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ/ Ta thản nhiên,
đi trở lại núi rừng/ Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng (Bài ca man rợ), Mai Văn Phấn lặng lẽ
chối từ đô thị như là một cách thức để cứu vãn sự huỷ diệt. Không còn đô thị,
dĩ nhiên, đặc tính thực dụng của xã hội tiêu dùng, căn tính thoáng chốc có thể
được hoá giải. Các thi sĩ Việt Nam sau 1975 dường như không nhận ra điều này
hoặc mơ hồ mà không tự minh giải được. Sự quẩn quanh là một biểu hiện. Sự hoang
mang, hoài nghi, bế tắc của các thể nghiệm hậu hiện đại là một biểu hiện. Rõ
ràng, đặc tính thoáng chốc khiến cho các giá trị, hiện tượng có “thời hạn sử
dụng”. Nếu kéo dài một trạng thái, biểu hiện nào đó, vô hình trung đã duy trì
một trạng thái chết - “một cái xác” hay một phế phẩm. Điều đó đáng lo ngại cho
bất kỳ ai và nó giục con người phải tranh thủ từng khoảnh khắc. Mỗi khoảnh khắc
Mai Văn Phấn đi qua, dấn thân, là một lần được bắt đầu sự sống. Về phương diện
này, trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đại, Mai Văn Phấn là người tích cực
nhất.
IV. Kinh nghiệm vượt khủng hoảng từ
Mai Văn Phấn và sự bất ổn của nó
Kinh nghiệm được hiểu
“là những hiểu biết về những sự việc mà người ta đã trải qua hoặc trực tiếp
nhận thức”(14). Theo đó, khi phân tích về kinh nghiệm vượt khủng hoảng của Mai
Văn Phấn trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đại, có nghĩa là nói về sự hiểu
biết của bản thân anh ta trong việc thức nhận các vấn đề của đời sống thơ ca
đang diễn ra, nơi mà anh ta hiện diện. Dĩ nhiên, với lịch sử thơ trữ tình Việt
Nam, kinh nghiệm này được ghi lại như một sự kiện. Còn đối với bản thân thơ, cứ
soi chiếu từ nguyên lý “vong thân” của Mai Văn Phấn, những kinh nghiệm này lại
đã bất ổn khi nó bắt đầu ổn định trong một cơ chế, như một mẫu hình.
Nếu không có những bất
ổn, khủng hoảng, sẽ không có những cuộc cách mạng. Nhưng, trạng thái này gần
như không tưởng (vấn đề là thời gian). Khi thơ Việt Nam đang lâm vào khủng
hoảng, hành trình sáng tạo của Mai Văn Phấn như một điển hình của nỗ lực cách
tân thơ Việt đương đại, kháng cự tình trạng khủng hoảng. Theo quy luật của nhận
thức, những kinh nghiệm này trở thành tri thức của mọi người. Tuy nhiên, với
sáng tạo nghệ thuật, Mai Văn Phấn đã khước từ những kinh nghiệm này để hoàn
toàn ngây thơ trước mỗi chặng đường mới. Vấn đề đặt ra khi nhìn về thơ Việt từ
kinh nghiệm thi ca của Mai Văn Phấn đó là giới hạn và những bất ổn của nó trong
tư cách là những trải nghiệm cá nhân. Henri Benac cho rằng: “Kinh nghiệm nào
cũng có giới hạn của nó… Mặt khác, phổ cập kinh nghiệm của mình cho người khác
rất nguy hiểm và khó có thể một mình mà diễn giải được kinh nghiệm ấy… Cuối
cùng, kinh nghiệm lúc nào cũng kèm theo những nguy cơ gắn liền với thói quen đã
lỗi thời”(15). Về phía bản thân, với những gì đã trình hiện, có thể nhận ra Mai
Văn Phấn đã ý thức được những bất ổn này từ kinh nghiệm thi ca nên đã chủ động
ứng phó và vượt thoát. Người ta thấy rõ ích lợi của kinh nghiệm, nó đem lại tri
thức, giảm thiểu thời gian thực hiện công việc và tránh sai sót trong những
thực hành cụ thể có liên quan. Tuy nhiên, với nghệ thuật, khi mà sáng tạo là
hoạt lực chủ đạo, mới mẻ và mang giá trị mỹ học là mục đích, kinh nghiệm dường
như chỉ phát huy khía cạnh tiêu cực của nó. Ngay việc nói rằng sáng tạo nghệ
thuật theo kinh nghiệm đã là một sự bất ổn mười mươi. Bởi thế, liên tục vong
thân, vượt qua các giới hạn, mà trước hết là giới hạn do mình tự dựng nên là
(kinh nghiệm) con đường khả dĩ để kiến tạo được điều gì mới mẻ. Trách nhiệm, sự
tự tri của nhà thơ đặt chủ thể trong tình thế phải đối mặt, nhưng không lựa
chọn mà từ bỏ kinh nghiệm. Trong dòng chảy của thơ Việt Nam đương đại, như đã
nói, Mai Văn Phấn quyết liệt với điều này và cũng rất mau lẹ. Đến lượt những
nhà thơ khác, cũng cần phải nhận ra sự bất ổn của chính bản thân mình, dù đang
ở đỉnh cao của sự thành công nào đó. Đối mặt với tự ngã để nhận thấy mối bất ổn
của tự mãn là công việc thường xuyên. Tự mãn là cái bẫy giăng sẵn để rơi vào
khủng hoảng, cái chết. Kiểm thảo lại những kinh nghiệm, dĩ nhiên đem đến nhận
thức, nhưng với sáng tạo nghệ thuật, biết để tránh, để tự mình kinh qua công
việc và nghiệm thấy những điều mới lạ mới là quy luật. Bởi thế, những diễn giải
về kinh nghiệm vượt khủng hoảng của Mai Văn Phấn ngay lập tức đã trở nên một
nguy cơ, một tai hoạ cho “những kẻ tối dạ”(2) 2, “Quay lại vái lạy
chiếc áo vừa treo lên giá” (Mai Văn Phấn). Kinh nghiệm luôn luôn là nhận thức
về cái đã trải qua, là cái cũ.
Thơ Việt đang khủng
hoảng, từ nguyên lý cấu trúc của các cuộc cách mạng, đó là tiền đề. Việc tường
trình về khủng hoảng và kinh nghiệm vượt khủng hoảng của Mai Văn Phấn có thể
đem đến nhận thức về bối cảnh và ứng phó của con người, thi sĩ trước những bất
ổn. Tuy nhiên, mỗi nhà thơ cần có con đường riêng, cách thức riêng để ứng phó,
nếu không muốn là một bản sao hoặc kéo dài những bất ổn. Kinh nghiệm không thể
là hành trang của sáng tạo, nó chỉ có thể được xem như một luận chứng, một sự
kiện của lịch sử văn học, lịch sử phê bình. Sự tiến bộ của một thể nghiệm nào
đó chỉ có thể là câu chuyện ở trong một cộng đồng, trong một mẫu hình đúng như
T.S. Kuhn đã chỉ ra(16). Thơ ca và nghệ thuật cũng như văn hoá không thể nói về
sự tiến bộ bởi chính sự giải quyết tốt một nhiệm vụ nào đó được xem là tiến bộ
chỉ trong khuôn khổ của lĩnh vực mà nó đang xác lập chuẩn định. Nghệ thuật và
văn hoá nói về sự khác biệt. Cho nên, ngay cả khi những kinh nghiệm của Mai Văn
Phấn nói rằng anh ta xử lý tốt phần việc của mình cũng chỉ có ý nghĩa trong
những giới hạn. Nó được xem là thành tựu của phương pháp sáng tác, khuynh hướng
hay trường phải, chủ nghĩa mà Mai Văn Phấn có ý định vun đắp. Không thể so sánh
thành tựu của cộng đồng này với cộng đồng khác, cũng như thành tựu của trường
phái, khuynh hướng, chủ nghĩa này với chủ nghĩa, khuynh hướng khác ở khía cạnh
tiến bộ. Chỉ có thể so sánh mức độ giải quyết công việc trong lòng của các cộng
đồng đó. Bởi thế, Mai Văn Phấn đi rất nhanh qua nhiều phương pháp sáng tác cũng
là cách để được sống, để sáng tạo những cái khác hơn là việc bác bỏ thành tựu
của chính mình. Ở đây, chúng ta nói trên cấp độ là thành tựu của các giai đoạn,
không phải là những hạn chế và thất bại. Hiểu như thế để thấy rằng thành tựu
của khuynh hướng bảo lưu các giá trị truyền thống có tư cách, ý nghĩa bình đẳng
với thành tựu của những khuynh hướng khác. Cái cần phải khắc phục, cần giải
quyết chính là những bất ổn, thất bại mà bản thân cộng đồng đó không nhận thấy
hoặc không có khả năng giải quyết. Chẳng hạn, chủ nghĩa cổ điển quá duy lý, nó
rơi vào trạng thái bất ổn và chủ nghĩa lãng mạn khắc phục điều đó bằng cách
phát huy thế mạnh của tinh thần, cảm xúc. Nhưng, khi chủ nghĩa lãng mạn quá say
sưa với việc giãi bày, phơi mở mọi trạng thái của tinh thần nó lại rơi vào một
khủng hoảng khác. Chủ nghĩa tượng trưng ra đời như nỗ lực khép lại những phân
trần, dễ dãi đó, hướng tới sự kín đáo, ẩn mật của thế giới và lòng người. Mai
Văn Phấn vong thân, vượt thoát là để có thêm cơ hội khắc phục thất bại, đúng
hơn là giải quyết công việc của mình tốt hơn khi anh đã không thể làm được điều
đó trong cộng đồng, mẫu hình cũ (bản chất là khi những tiền đề chưa cho phép).
Những thành tựu đã có, trong ý nghĩa tối cao của nó, luôn được trân trọng. Có
thể nhận thấy điều này khi nhìn vào tuyển tập (không chỉ của Mai Văn Phấn).
Người ta vẫn trân trọng đưa vào điện thờ những công thần đã làm nên phong cách,
diện mạo, thân phận của thi sĩ ở thời điểm mà nó xuất hiện. Và, thực tế là
không mấy ai hồ đồ để xem rằng một bài thơ siêu thực hay lại hơn một bài thơ
lãng mạn hay. Sử tính của các phạm trù mỹ học nói lên tính bình đẳng đó.
Tương lai thơ Việt có
thể được hình dung từ kinh nghiệm vượt khủng hoảng, sự vong thân liên tục của
Mai Văn Phấn - như là một hiện tượng, cơ chế và thuộc tính. Điều này đem đến những hy vọng cho nền thơ đang cần
những cuộc vượt thoát mạnh mẽ. Và, một trong những điều cần làm là đặt ra những
phản nghiệm đối với chính Mai Văn Phấn và các tri thức, kinh nghiệm thi ca có
sẵn. Một trong những phản nghiệm đó là: thất bại của Mai Văn Phấn? Dường như,
những tường trình về kinh nghiệm vượt khủng hoảng của Mai Văn Phấn chủ yếu được
xác lập trên những thành tựu mà nhà thơ đạt được. Tuy nhiên, những thành tựu
này vẫn không cứu vãn được những lần thể nghiệm thất bại. Chẳng hạn, bên cạnh
những bài thơ lục bát mang tinh thần cách tân, một số bài lục bát khác của Mai
Văn Phấn rơi vào trạng thái cũ kỹ, nhợt nhạt và không còn nhiều sức sống (Không đề I, Con ngủ, Khúc hát ru của người
mẹ đi tìm vàng ở tập Giọt nắng - 1992; Rượu
xuân, Em gái lấy chồng ở tập Gọi xanh,…). Dẫu biết đây là những xúc cảm máu
thịt, nhưng, ở thể loại này, thành tựu quá lớn, cộng với những nguyên lý, cơ
chế sáng tạo hình thức thể loại có vẻ như quen thuộc khiến cho việc làm thơ lục
bát, đúng như người ta vẫn thường nói: dễ làm mà khó hay và cũng dễ rơi vào quen nhàm. Có lẽ, Mai Văn Phấn nhận ra những bất ổn
này. Hành trình vượt thoát diễn ra trước hết để kháng cự cái quen quen, đèm
đẹp, nhàn nhạt đã còn rất ít khả năng đánh thức lòng người. Liên tục vong thân,
đồng nghĩa với việc Mai Văn Phấn đã nhận ra những cơ chế không còn phù hợp hoặc
sẽ cản trở gây thất bại cho công việc của mình (cũng có thể còn là một sự nhận
ra hạn chế của chính mình trong khả năng thực hiện công việc trong cộng đồng
đó). Sự rời bỏ là một ứng xử khôn ngoan, cũng là một lẽ tất yếu.
Nhiều người đã lên tiếng
về việc thơ Mai Văn Phấn khó hiểu, rối rắm và xa lạ với công chúng phổ thông.
Điều này là có thực! Nhưng, nó có phải là một thất bại hay không còn phải chờ
đợi sự lên tiếng của giới nghiên cứu, phê bình văn học mà Kuhn gọi là cộng đồng
khoa học thực sự. Đặc biệt, khi kinh nghiệm thẩm mỹ của Mai Văn Phấn trở thành
đối tượng của phê bình lịch sử, lịch sử văn học, giá trị của nó sẽ có dịp được
thử thách. Công chúng văn học với kinh nghiệm thẩm mỹ của mình cũng có nhiều
cấp độ và không phải trong đời sống thơ ca Việt Nam không tồn tại khủng hoảng
nội tại của cộng đồng đọc. Trong nhiều nguyên do dẫn đến việc người đọc thờ ơ,
quay lưng với thơ, có một nguyên do từ chính lực lượng tiếp nhận này. Đó là,
người đọc Việt Nam vẫn quen với lối thơ du dương, trầm bổng, lãng mạn, có vần
điệu, dễ lọt tai, dễ nhớ,… Lịch sử của thói quen này có hàng ngàn năm, sức ì
rất lớn, bởi vậy rất khó để có thể tiến hành một cuộc cách mạng toàn diện. Nỗ
lực của Mai Văn Phấn và những nhà thơ cách tân khác cũng hướng đến việc thay
đổi cách đọc, cách nghe, cách chiếm lĩnh nghệ thuật của người đọc. Dường như,
không khó để có thể lần ra mối liên hệ từ kinh nghiệm thẩm mỹ của chủ thể sáng
tạo (Mai Văn Phấn) với chủ thể tiếp nhận. Người đọc cũng cần phải vong thân,
cũng cần phải liên tục thay đổi thói quen hay sự trì đọng, tù túng trong cảm
quan nghệ thuật của mình. Và điều quan trọng là hiểu được bản chất của đời
sống, nghệ thuật trong xã hội đương đại. Có người đã đặt ra vấn đề “đào tạo
người đọc”, không phải là không có căn cứ. Đa phần, những ý kiến cho rằng thơ
Mai Văn Phấn và một số thi sĩ cách tân khác tối tăm, hũ nút,… đều đặt phản
nghiệm phải chăng những thực hành này không hề mang giá trị, là những lừa mị
đánh vào tâm lý “giấu dốt” của người đọc (trong đó có cả các nhà phê bình). Quả
thực, nhiều thể nghiệm thơ Việt đương đại đang đặt người đọc vào sự lưỡng lự,
phân vân và hoài nghi. Nếu tính từ khi văn chương, báo chí Việt Nam bắt đầu có
những tranh luận về nghệ thuật (đầu thế kỷ XX), những hoài nghi đó bắt đầu xuất
hiện trong tâm thức người đọc khi tiếp nhận Thơ mới, sau đó là Xuân Thu nhã
tập, Dạ đài, thơ Nhân văn giai phẩm, Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Cung, Đặng Đình
Hưng, Dương Tường, Đoàn Văn Chúc, Nguyễn Quang Thiều, Inrasara, Văn Cầm Hải,
Phan Huyền Thư, Nguyễn Hữu Hồng Minh, thơ Tân hình thức, Thơ tịnh tiến, Thơ chữ
cái (Từ Huy),… Về mặt cảm quan, chính những nhân vật bị hoài nghi này đã và
đang làm nên phần sôi nổi nhất của lịch sử thơ Việt. Về trật tự của diễn ngôn,
thơ của những thi sĩ này hoàn toàn có quyền ngang bằng với bất kỳ thực hành
ngôn ngữ được gọi là thơ nào từ phía những người phản bác họ. Thơ trước hết là
cảm niệm triết học về thực tại, về đời sống của cá nhân, cộng đồng, xã hội, dân
tộc và thời đại. Một vấn đề lại được đặt ra là, sự vong thân của thi sĩ rất hy
vọng được “thông tri” (F. Nietzsche) từ người đọc. Quá trình này chỉ có thể
diễn ra khi người đọc cũng phải có những bước vượt thoát về cảm thức triết học,
nghiệm sinh, tri thức tương thích. Đọc trong sự thông tri là sự gặp gỡ của tự
ngã và tha nhân trong ý nghĩa triết học, ở một trình độ tri thức và cảm xúc
cao, không chỉ là những ru vỗ, ve vuốt thường tình, dễ làm xuôi lòng nhưng
không đọng lại điều gì nghĩa lý. Có thể, Mai Văn Phấn sẽ thất bại, lịch sử sẽ
lãng quên những bước đi vội vã và mau lẹ của con người ham sống, ham kiếm tìm
cái gì khả dĩ đánh thức đời sống con người vốn đang tù đọng, ngột ngạt. Nhưng,
với thi sĩ, anh ta đã sống. Điều đó quan trọng trước hết. Nếu cần một “phản
nghiệm” về những “phản nghiệm”, tôi xin dành tất cả những tranh luận trên báo
chí đương thời Thơ mới để làm lý lẽ cho tình thế của hiện tại. Mặt khác, trên
thực tế, những sáng tạo nghệ thuật mà Mai Văn Phấn trình hiện đem đến niềm tin
về tư cách, tư chất thi sĩ, những trăn trở của người có trách nhiệm đối với nền
thơ ca nước nhà. 21 tập thơ cùng một tuyển tập, nhiều công trình nghiên cứu,
phê bình về thơ Mai Văn Phấn trước hết cho thấy nỗ lực sáng tạo và diễn dịch
của các chủ thể. Để tránh tình trạng “Thầy bói xem voi”, “Múa vụng lại chê đất
lệch”, cần phải có một sự hiền minh trong tiếp cận. Như thế, không còn cách nào
khác là phải tự thay đổi bản thân nếu anh muốn tiếp cận. Còn không, như cách mà
Thanh Tâm Tuyền đã nói trong tập Liên -
Đêm - Mặt trời tìm thấy, anh cứ việc quẳng sách qua cửa sổ. Trò chơi tự nói
lên luật chơi, bởi vậy, muốn chơi đương nhiên phải tuân thủ các quy tắc mà nó
đặt ra. Mai Văn Phấn cũng bày tỏ thái độ này khi đặt ra yêu cầu: “Anh hỏi muốn
đọc thơ tôi? Xin anh vui lòng bỏ lại những quan niệm cũ và mọi thói quen thẩm
mỹ trước khi đọc, giống như cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà”(17). Trong một
hình dung giản dị hơn, một lu nước đầy sẽ chẳng thể chứa thêm được gì nếu không
đổ nước cũ trong bình đi. Nhưng, không phải ai cũng sẵn sàng, sẵn lòng hoặc có
đủ can đảm để làm điều đó.
Kinh nghiệm chống khủng
hoảng của Mai Văn Phấn nói lên tinh thần tự do sáng tạo, cất lời đồng nghĩa với
việc sự đọc cũng cần triển hiện là thành quả của một cơ chế tự do, bình đẳng,
không nhân danh cộng đồng, hệ giá trị, quy chiếu này để định đoạt các giá trị
thuộc về cộng đồng khác. Tương lai thơ Việt chỉ có thể được lường dự từ điều đó
như là yếu tính căn bản nhất. Nếu điều này được thực thi một cách toàn diện,
hoàn toàn có thể hình dung về một nền thơ Việt Nam trong tương lai thực sự nở
rộ, đa tầng, đa hệ thống, đa thanh, bình đẳng để tuyên xưng các giá trị của con
người, cộng đồng và thời đại. Tuy nhiên, mối bất ổn lớn nhất cho chính thi sĩ
và cho nền thơ Việt Nam đương đại lại là khi Mai Văn Phấn trở thành một “mẫu
hình”.
N.T.T
(hết Chương III)
(4) Chúng tôi xin trích
dẫn những phân tích của Hoàng Ngọc Hiến về chủ nghĩa cổ điển mới: “Trong khi
cảnh tượng nghệ thuật đương đại đầy rẫy những "cái xấu”, hỗn mang về “đạo
đức" cái "ngu ngốc trí tuệ
tội nghiệp" thì toàn phong trào chủ nghĩa cổ điển mới là "nỗi mong muốn quay trở về với lý tưởng của
cái đẹp", cái đẹp không tách rời cái đẹp đạo đức và cái đẹp trí tuệ. “Cái đẹp không chỉ là một khía cạnh được lựa
chọn của nghệ thuật: nó là một đối tượng, một ý hướng của nghệ thuật",
"cái đẹp không chỉ thuần là một quy
ước, mà cái đẹp là một khả năng và một nhu cầu cơ bản của con người".
Tóm lại, về nội dung, chủ chốt của chủ nghĩa cổ điển mới là "sự tôn trọng các giá trị tâm linh và nhân
bản vĩnh hằng như chân, mỹ, thiện và đề ra sự phục hoạt cho cả loài người sau
năm thế kỷ thống trị của phương Tây", hình thức nghệ thuật, đó là sự
vận dụng tốt những thủ pháp cách tân, kết hợp sự mới mẻ với sự giản dị và sự
chín chắn, không đối lập "truyền
thông đích thực” với "độc sáng
đích thực" mà xem chúng là "điều
kiện tiên quyết" của nhau”. Hoàng Ngọc Hiến, “Thế kỷ XX: từ chủ nghĩa
hiện đại đến chủ nghĩa cổ điển mới (với một nhập đề bàn về quan hệ: cơ sở lý
luận và căn bản văn hoá)”, in trong Lý
luận và phê bình văn học - đổi mới và phát triển, Nxb. Khoa học xã hội, Hà
Nội, 2005, tr. 790. Cũng xin lưu ý, những phần in nghiêng trong ngoặc kép là
Hoàng Ngọc Hiến dẫn lời Frederick Turner trong bài báo Chủ nghĩa kinh điển mới và văn hoá, Nguyễn Tiến Văn dịch, http://talawas.org, ngày
14/1/2003.