image advertisement
image advertisement





























 

MVP và hành trình thơ... (chuyên luận - XVI) - Ngô Hương Giang & Nguyễn Thanh Tâm

Ngô Hương Giang - Nguyễn Thanh Tâm

 

 

 


 

Mai Văn Phấn và hành trình thơ vào cõi khác (XVI)





 
Nhà phê bình văn học Nguyễn Thanh Tâm 

 

 

 


 
Chương III

THƠ MAI VĂN PHẤN TRONG DÒNG CHẢY
THƠ VIỆT NAM ĐƯƠNG ĐẠI

 

 

 

 Nguyễn Thanh Tâm




(tiếp)

 

 

 

 

II. Tường trình về khủng hoảng thơ Việt Nam đương đại

 

Khủng hoảng được hiểu như là trạng thái bất ổn, dị thường tích tụ kéo dài của một mẫu hình trong cộng đồng(1). Theo đó, tường trình về khủng hoảng thơ Việt Nam đương đại là việc nêu lên những bất ổn, dị thường của đời sống thi ca, từ đó nhận diện nền tảng, tiền đề để nói đến những động thái cách tân trong thơ - cụ thể là trường hợp Mai Văn Phấn.

 

Những hệ giá trị đã trở thành điển phạm, thành “huyền thoại” (R. Barthes), “mẫu hình” (T. S. Kuhn) kéo dài sự sống của nó trong nhiều thực hành thơ đương đại. Như cách diễn đạt của T.S. Kuhn về cơ chế tồn tại của khoa học chuẩn định, các thi sĩ đang lo vun đắp cho hệ giá trị này và không còn nghĩ đến việc tìm kiếm những giá trị mới, những chân trời mới. Thậm chí, họ còn tỏ ra khó chịu hay không chấp nhận những kiếm tìm mới từ người khác - “Họ không coi các dị thường đó là những phản nghiệm, mặc dù bản chất của nó là đúng như vậy”(2). Sự dai dẳng đó ẩn chứa nguy cơ khủng hoảng. Về bản chất, hệ giá trị có tính “chuẩn định” đã làm mất đi hoặc cố tình che giấu, bỏ qua cái mới, đẩy nó vào các nguy cơ tiêu vong. Tuy vậy, từ góc độ triết học khoa học, khi bàn đến mỹ học của “cái khác”, không có cơ hội cho việc loại bỏ những dai dẳng này. Bởi nó có quyền tồn tại bình đẳng trước hết như một lựa chọn, một diễn ngôn của con người trong ý thức hiện diện của họ. Vấn đề làm nảy sinh khủng hoảng chính là việc khi các hệ giá trị có tính chuẩn mực này rơi vào sự bế tắc, mất dần nghĩa lý trong sự vận hành của đời sống và nghệ thuật. Khi không còn nghĩa lý về mặt loại hình, sự tồn tại của các hiện tượng này vẫn được đảm bảo nhưng rõ ràng nó không mang giá trị thơ ca, chỉ còn là một hiện tượng có tính xã hội.

 

Những gì diễn ra trong môi trường thơ Việt Nam đương đại đang cho thấy nhiều bất ổn. Sự bất ổn đến từ việc có quá nhiều người làm thơ, mà lại ít thi sĩ, có quá nhiều văn bản (thơ) mà lại ít tác phẩm thơ. Đó là một cuộc khủng hoảng về lượng và chất. Cái nhiều không cứu vãn cho một nền thơ èo uột và thiếu sinh lực. Một điều đáng buồn là trên giá sách của Thư viện quốc gia Việt Nam, nơi tất cả các tác phẩm thơ xuất bản phải nộp lưu chiểu, số lượng rất nhiều mà những tập thơ đọc được (theo cảm quan, khả năng của chúng tôi) không nhiều. Điều đó phản vấn về niềm lạc quan “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của thơ Việt đương đại. Trong thực tế, ở Việt Nam, thơ đang thực sự lâm vào tình cảnh bế tắc, mặc dù sáng tác, thể nghiệm rất nhiều. Những sáng tác theo khuynh hướng bảo lưu các giá trị truyền thống dần rơi vào cũ mòn và mất khả năng đánh thức cảm xúc, tinh thần con người đương đại. Khuynh hướng cách tân với dòng chữ, tân hình thức, thơ văn xuôi, thơ tịnh tiến, thơ Mở Miệng,… cho thấy những dồn đuổi của ý thức thoát ra khỏi sự khủng hoảng cũ mòn của thơ truyền thống. Đó là những phản nghiệm, đúng như Kuhn đã nhấn mạnh. Nhưng, lại cũng cần phải nói rằng, những phản nghiệm này đã thực sự mang đến giá trị mỹ học cho Thơ Việt, kháng cự tình trạng tha hoá, cũ kỹ của những hiện diện giả danh truyền thống hay chưa? Có những thể nghiệm thuộc về cá nhân, có những thể nghiệm của một nhóm người cùng quan điểm,… nhưng, trước hết, họ cố gắng thay đổi một quan niệm về thơ, đổi mới tư duy thơ, phá vỡ các khuôn khổ của thể loại, kiến tạo thi ảnh, thi giới cùng các phương thức, phương tiện chuyển đạt mới. Ý nghĩa của khủng hoảng là “ở chỗ nó chỉ ra rằng đã đến lúc phải trang bị lại công cụ”(3). Sự trang bị này không phải là thay một lớp áo mới khoác lên cái cũ, mà là tất cả mọi thứ công cụ hiểu như là tư duy, cách thức, con đường, phương tiện để kiến tạo một “mẫu hình” mới.

 

Những thể nghiệm thuộc về người viết, nhưng, đưa những thể nghiệm đó trở thành tác phẩm, xác lập đời sống của văn bản trong môi trường thi ca, mỹ học của thời đại lại là câu chuyện của công chúng. Từ góc độ tiếp nhận, có thể thấy, thơ Việt cũng đang lâm vào một cuộc khủng hoảng. Có một thực tế là công chúng tỏ ra bối rối trước các hiện tượng cách tân trong thơ Việt. Đồng thời, sự bối rối hay im lặng của người đọc tinh anh - các nhà phê bình, càng khiến cho “hố giao tiếp” ngày một loang rộng(4). Nếu không tìm được sự tiếp nhận, đồng nghĩa với việc sản phẩm ngôn từ (văn bản) cách tân rơi vào bi kịch không thành tác phẩm(5), không có đời sống. Có thể xem đó là bi kịch giữa sáng tác và tiếp nhận, mà chúng tôi gọi một cách hình ảnh theo Vigni là “bi kịch vỏ chai bị quăng xuống biển”. Sự im lặng, thờ ơ và quay lưng của công chúng là nỗi sợ hãi báo trước cái chết(6).

 

Thực trạng bi kịch thừa và thiếu, giữa chất và lượng của thơ Việt có nguồn gốc từ sự bất ổn trong tư tưởng. Nói gọn hơn, thơ Việt Nam đương đại đang đối mặt với cuộc khủng hoảng về tư tưởng. Ở đây có thể nhận thấy những khía cạnh thuộc về tư tưởng nghệ thuật, mỹ học, hệ giá trị của nền thơ và các nhà thơ đương đại. Đó là nguyên nhân của những biểu hiện trì trệ, cũ kỹ trong các sáng tác mang hơi hướng truyền thống, là nguồn cơn của những cách tân, nỗ lực đổi mới, thể nghiệm. Tư tưởng của thời đại nổi lên là sự bất tín, hoài nghi các giá trị. Các nhà thơ của khuynh hướng bảo lưu các giá trị truyền thống, người đọc của khuynh hướng này hoài nghi những cách tân, thể nghiệm mới. Những thi sĩ cách tân và người đọc theo khuynh hướng cách tân cũng bày tỏ sự bất tín nhiệm đối với hình thái thơ ca cũ. Giới khoa học phân vân(7), những phê bình gia danh tiếng và tinh anh lại im lặng (cũng bởi họ chưa tin vào chính tri kiến của họ về hiện tình thơ ca) càng làm tình thế thêm bối rối (điều này còn dẫn đến tình trạng các nhà thơ, nhà văn “xắn tay” viết phê bình cho nhau, cho khuynh hướng, động thái nghệ thuật của họ - họ dường như cũng không tin giới phê bình). Điều đáng lo ngại hơn là những tiếng nói phê bình lại đôi khi chưa sòng phẳng, bắt nguồn từ sự giao đãi hay thù tạc.

 

Thơ là hàng hoá trong nền kinh tế thị trường nên bản chất phải tuân thủ quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa. Tuy nhiên, như A.Viala thừa nhận, lợi nhuận của thơ rất ít, thị trường rất hẹp do công chúng của thơ chủ yếu là người trong giới(8). Điều đó dẫn đến việc kinh doanh thơ mang đầy rủi ro.


Bên cạnh số ít những tác phẩm thơ thực sự có chất lượng, phần lớn thơ chưa hay, chưa đáp ứng được thị hiếu của công chúng. Hơn 90% số lượng thơ xuất bản hiện nay là một thứ “nộm thơ nhạt nhẽo” (Nguyễn Thanh Sơn). Số còn lại thật ít ỏi, nhưng nguy hiểm ở chỗ, công chúng lại rất khó khăn để tiếp nhận số ít ỏi đó. Thơ dòng chữ, tân hình thức, hậu hiện đại, thơ vụt hiện, tân cổ điển,... có thể là những hình thái đáng kỳ vọng của thơ nhưng vẫn là “thơ khó” đối với “kinh nghiệm thẩm mỹ” (H.R.Jauss) của phần lớn công chúng. Dù là hàng hoá hay quà tặng, là thành tố trong quan hệ tinh thần hay vật chất, thơ quả thực chưa đủ sức hấp dẫn công chúng.

 

Thơ trở thành hàng hoá không phải là câu chuyện mới mẻ của thời đại này. Điều đó đã được bàn đến cách đây hàng thế kỷ, là kết quả của cuộc hội ngộ với phương Tây. Bước vào thời kỳ hiện đại hoá (những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX), thơ từ một thứ “quà tặng” (M. Mauss) mang tinh thần đẳng cấp (giới trí thức, nho sĩ phong kiến) chuyển sang hàng hoá. Bước sang đổi mới, ngoài tư cách là hàng hoá trong quan hệ thị trường, thơ còn mang thêm tư cách là một sản phẩm thù tạc, giao đãi. Thơ lại trở thành một thứ “quà tặng”. Đúng hơn, sự thoái trượt trong cạnh tranh, sự bất lực trong chiếm lĩnh thị trường đã khiến thơ tha hoá thành “quà tặng”. Nơi đó, quyền lực của mỹ học ngôn từ bị che lấp bởi những quyền lực khác như danh vọng, lợi ích cá nhân, quyền lực chính trị, địa vị xã hội, thậm chí là sự thoả mãn những ảo tưởng, “sướng khoái” cá nhân,… Quyền lực này biểu hiện trong mối quan hệ giữa người biếu tặng và người được biếu tặng. Nét văn hoá của luật tục cổ xưa không trở về trong hình hài “quà tặng” hôm nay. Sự biếu tặng trở thành hoạt động khiên cưỡng. Sự ràng buộc cũng không nồng đượm như xưa. Thơ - quà tặng hôm nay, đúng như những cảnh báo của M. Mauss là một thứ “dư sinh tiêu cực … ký bám vào các xã hội đương đại”(9).

 

Có một thực tế, nếu thơ không đem tặng sẽ rất ít người mua. Nhà thơ đem tặng thơ và cả người nhận thơ đều bị tha hoá. Quyển văn hoá của “biếu tặng” như M. Mauss đã khảo luận bị giải toả, đúng hơn là cơ chế vẫn còn nguyên chỉ khác tính chất. Thơ - Quà tặng trong xã hội đương đại đã được nguỵ trang để vượt qua cổng kiểm duyệt của cơ chế thị trường với quan hệ tư bản chủ nghĩa để đến tay người tiêu thụ. Đồng thời, dưới hình thức quà tặng, thơ ràng buộc con người vào lễ tục. Sự đáp trả không bằng quà tặng như trước mà là những lời ngợi khen, tụng ca khiến cả đôi bên đều vui vẻ. Vai trò đánh giá khách quan của chủ thể tiếp nhận trong tư cách khách hàng tiêu thụ sản phẩm văn hoá thời đại tiêu dùng gần như bị triệt tiêu. Hệ luỵ này có sự tiếp tay vô cùng lớn của tâm tính dân tộc đó là sự cả nể. Chính tại đây, bi kịch của thơ đương đại được khởi sinh. Yêu cầu về sự “hoàn trả” sau khi nhận quà tặng kết hợp với tâm lý cả nể, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau nghiễm nhiên trở thành một tiên kiến chi phối, điều hướng cho sự đáp lễ của người nhận. Không mấy người có đủ dũng cảm để phá bỏ luật tục hay lên tiếng báng bổ “đạo đức”. Vì thế, những lời nhận định về thơ vẫn ngập tràn các diễn đàn mà không gây nên hiệu quả gì đáng kể ngoài việc đem đến sự khoan khoái cho người biếu tặng.

 

Có một nhân tố gián tiếp can dự vào sự hiện diện của các “dư sinh tiêu cực” này là báo chí. Không một tờ báo nào (trừ những trang mạng hay Blog) hào hứng với việc mổ xẻ, phân tích cụ thể một tác giả, một tập thơ, bài thơ. Nếu cứ nhìn vào các bài phê bình trên báo giấy đương đại, người ta hẳn sẽ có nhận định tốt đẹp về thơ Việt Nam. Kỳ thực, đó chỉ là lớp men được phết lên những rạn nứt, xù xì, phẩm cấp thấp bên trong. Đầu thế kỷ XX, sở dĩ Thơ mới trở thành một cuộc cách mạng, đẩy thơ cũ vào hậu trường là bởi Phong hoá, Ngày nay, Phụ nữ tân văn, Hà Nội báo,… đã quyết liệt cổ vũ, bênh vực một lối thơ mới, kịch liệt phê phán lối thơ cũ, chỉ đích danh tên tác giả, tên tập thơ, cái dở, cái hay của từng người. Trên các diễn đàn văn chương lúc bấy giờ có sự tranh luận quyết liệt giữa các tác giả thơ, các cây bút phê bình, các báo,… Thậm chí họ còn trực tiếp diễn thuyết, tranh luận tay đôi trên cùng một diễn đàn (Trường hợp Nguyễn Thị Kiêm và Nguyễn Văn Hanh). Báo chí ngày nay không làm được việc đó hay cố tình né tránh?

 

Thơ đương đại đánh mất hai chức năng cơ bản. Một là “chức năng thi ca” (R. Jakobson) trong giao tiếp thẩm mỹ và hai là chức năng “quà tặng” trong luật tục “biếu tặng”. Về bản chất, sự suy giảm “chức năng thi ca” chính là sự giảm sút của chất lượng. Sự biến tướng của “quà tặng” chính là sự tha hoá trên phương diện đạo đức và văn hoá. Cả hai điều này nhà thơ biết, người nhận biếu tặng cũng biết và nhiều bên tham gia trong giao tiếp xã hội, văn hoá, văn học cũng biết, nhưng dường như không thể/ rất khó giải quyết. Điều này tồn tại trong đời sống đương đại như một hiện tượng xã hội học toàn thể. Để giải quyết vấn đề tổng thể lại cần bắt đầu từ giải quyết từng phần, bộ phận. Trong đó, vấn đề động cơ biếu tặng, đạo đức, văn hoá và đặc biệt là tư cách trí thức của người biếu tặng, người nhận biếu tặng, các bên tham gia giao tiếp xã hội, văn học rất cần được ý thức một cách tự giác như là trách nhiệm với bản thân và xã hội và lịch sử.

 

Cùng với tư tưởng hoài nghi, bất tín là tư tưởng giải phá các mẫu hình, huyền thoại, đại tự sự, trung tâm, kiến tạo các không gian, giá trị ngoại biên, bên lề, thiểu số, nữ quyền, dục tính, GLBT(10), tâm linh, bề trái, thuộc địa,… Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chính trong những nỗ lực giải phá này lại tiềm ẩn lời tự thú của những giá trị, thế lực được gọi là ngoại biên. Bởi lẽ, khi cất lời phủ định một điều gì, hiển nhiên chúng ta thừa nhận sự tác động của nó đến bản thân mình. Tương tự như vậy, bất kỳ một sự giải phá nào cũng là một hành vi tự thú về địa vị của mình trong tương quan với cái bị giải. Một điều đáng nói nữa, chính những thế lực ở ngoại vi đã dựng nên những hình dung về trung tâm, cũng như, chính trung tâm là thế lực quy chiếu cái ngoại vi. Một khi, ý thức rằng không có trung tâm, tự khắc nỗi ám ảnh về địa vị bên lề, ngoại biên cũng có thể được giải toả. Nhưng làm sao để có thể tự quyết về hiện thực đó? Nỗi băn khoăn và thái độ bất đồng giữa hai hệ thống này làm nên một trong những “đại tự sự” của văn chương đương đại. Và thơ không nằm ngoài hiện trạng đó. Từ góc độ tư tưởng nghệ thuật, rộng hơn là tư tưởng về hữu thể, các nhà thơ đương đại phải giải quyết vấn đề nghĩa lý của tồn tại. Mọi cách tân nếu không làm hiện hình giá trị, cái khác không mang giá trị cũng là nỗi bất an ẩn chứa khủng hoảng. Nếu không quá lời, có thể nói, thơ đương đại Việt Nam rất ít thi sĩ thực sự có tư tưởng. Nhà thơ phải trả lời những truy vấn về tồn tại, về sứ mệnh văn chương, nghệ thuật và văn hoá, xã hội trong thời đại mình thuộc về và cả những tiên liệu cho một hành trình trong tương lai. Cứ nhìn vào nhiều tập thơ đương đại, có thể nhận ra, các thi sĩ chưa thể hiện được tư tưởng nghệ thuật của mình một cách riết róng, hệ thống, ít nhất là ở hình thức của tác phẩm. Tập thơ, đơn giản chỉ là một tập hợp các tác phẩm, rời rạc về ý tưởng, thiếu nhất quán về quan niệm. Sự thực thì những tập thơ như thế không hề có cấu trúc. Rất khó để chỉ ra tinh thần, tư tưởng chủ đạo của các tác phẩm hoặc cho thấy một diễn ngôn ứng xử với ngôn ngữ, nghệ thuật và đời sống của nhà thơ một cách nhất quán. Thậm chí, trong những tập hợp như thế, những bài thơ không ngừng phản bác nhau về sự vận động của tư duy, mỹ cảm trong nội giới của người viết. Nó không cho thấy nhà thơ đã dụng công để tổ chức diễn ngôn trong ý hướng xác lập giá trị của tác phẩm, cũng là giá trị của thi sĩ trong thời điểm văn bản ra đời. Chính xác, đây là sự nhạt nhoà về sử tính của tư tưởng, nếu xem vận động của thơ ca như một tiến trình trải qua các giai đoạn của nhận thức, quan niệm và tư tưởng.

 

Con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang đứng giữa nhiều lựa chọn cũng như nguy cơ trước sự xuất hiện của nhiều hệ giá trị. Tư tưởng, tinh thần phương Đông, giá trị truyền thống đang giao thoa với phương Tây cùng các giá trị hiện đại. Con người lâm vào tình thế không biết lựa chọn, hoang mang và hoài nghi. Đây là thực trạng của một đất nước như Việt Nam vốn mang căn tính phương Đông, hội nhập với phương Tây nhưng chưa tiến đến được một hình thái văn hoá thống nhất trên tinh thần tích hợp một cách sâu rộng và có bản sắc. Thêm vào đó, những vết thương vô hình và hữu hình của chiến tranh, thuộc địa vẫn còn day dứt, nhức nhối, làm nên một tâm thế “hậu thuộc địa”, “hậu chiến” chi phối rất lớn đến lựa chọn và tiếp nhận giá trị. Con người Việt Nam đương đại, đặc biệt là các nhà thơ chưa tìm thấy cho mình, chí ít là một niềm tin đủ vững chãi để làm căn cốt thích ứng. Trong các sáng tác, vẫn nhận ra, nhiều thi sĩ không có tư tưởng gì nhất quán, duy trì toàn bộ thi trình, thi nghiệp. Vấn đề ở đây chưa phải là sáng tạo nghệ thuật, mà là một tư tưởng văn hoá, thẩm mỹ có tính chất móng nền, để từ đó thi sĩ khởi hành đi tìm những giá trị mới, bồi đắp thêm truyền thống, làm phong phú thêm bản sắc. Không có cái mới thuần tuý và đoạn tuyệt với cái cũ thuộc về truyền thống và bản sắc văn hoá Việt Nam. Chỉ riêng việc sáng tạo bằng tiếng Việt đã níu giữ thi sĩ trong mối liên hệ mật thiết với giá trị căn cốt trong tinh thần, tư duy của người Việt. Không ý thức một cách triệt để về giá trị mà bản thân, con người và thời đại theo đuổi, xác lập, nâng lên thành tôn chỉ của hành động sáng tạo nên thơ Việt Nam đương đại thiếu đi những tầm vóc lớn. Ở đây, chúng tôi rất tán đồng với những diễn giải của Chu Văn Sơn. Ông cho rằng, văn học Việt Nam chưa có những tác phẩm lớn xuất phát từ việc thiếu vắng “tâm huyết và tài năng”, “cảm niệm triết học về thực tại” của “kẻ viết tự tri”(11). Như thế, tư tưởng trước hết phải được hình dung ở cấp độ ý thức hệ, ở phương diện triết học (lưu ý là triết học hiểu theo diễn giải của Chu Văn Sơn là “cảm niệm triết học về thực tại” không phải là sự tư biện hàn lâm của triết gia). Và điều đó phải thừa nhận rằng, trong thơ Việt Nam đương đại còn thưa vắng.

 

Từ khủng hoảng tư tưởng đến khủng hoảng về tư duy thơ là con đường có tính hệ luỵ. Tư duy thơ đương đại bị phản biện bởi các thi sĩ không ý thức về việc thơ trước hết phải có chất thơ như là yếu tính căn bản. Không có chất thơ, mọi thực hành ngôn ngữ không thể gọi là thơ. Nó đứng ngoài khung khổ loại hình, bất luận nguỵ biện thế nào. Chất thơ đòi hỏi và hiện hình trong hệ thống ngôn ngữ gợi cảm, giàu hình ảnh, biểu tượng, tổ chức thành nhịp điệu và giàu nhạc tính(12). Tư tưởng nghệ thuật của bài thơ cũng chỉ có thể gợi lên từ cấu trúc này mà không phải là từ một diễn ngôn khác. Chính vì vậy, khi ngôn ngữ đã cũ mòn, thi ảnh không có tính sáng tạo, nhịp điệu cũng cũ kỹ do cấu trúc thể loại đã quen thuộc khiến cho tác phẩm thơ ở khuynh hướng bảo lưu các giá trị truyền thống dần rơi vào sự tẻ nhạt. Ở đây không phải là sự tẻ nhạt của giá trị truyền thống mà cách thức biểu đạt giá trị đó trong hình hài của thơ không còn khả năng gọi về những tương giao, xúc cảm, đánh thức người đọc. Ở mảng thơ văn xuôi, đây cũng là hướng vận động khá nổi bật, tuy nhiên, có thể thấy, chất văn xuôi lấn át chất thơ do tính truyện được đề cao và nhịp điệu không phải là yếu tố chủ đạo duy trì mạch cảm xúc. Một bộ phận khác, các tác phẩm sáng tác theo tinh thần hậu hiện đại cũng cho thấy những chông chênh dễ rơi vào tình trạng nhập nhằng, lẫn lộn giá trị. Cụ thể là nhiều văn bản gọi là thơ hậu hiện đại chỉ là những nguỵ tạo. Những non yếu, rời rạc, đôi khi là vô nghĩa được dung dưỡng bởi những phẩm tính được coi là tri thức hậu hiện đại. Người đọc bị đánh lừa, còn các chuyên gia thì lưỡng lự, im lặng. Tình thế khó khăn đó khiến cho những thứ “hàng giả, hàng nhái” vẫn hoành hành trên nhiều diễn đàn, trong nhiều xuất bản phẩm của giới văn nghệ. Ở mảng trường ca, thể loại “siêu sang” cũng thể hiện sự bất ổn khi nhiều trường ca thực chất chỉ là thơ dài, ghép các bài thơ ngắn lại với nhau, phân chia chương đoạn. Điểm cốt lõi của trường ca vẫn là sự trường hơi, trường sức, với cấu trúc phức hợp, đa tuyến duy trì tính chỉnh thể của một tổ chức ngôn ngữ lớn. Cái nổi bật của trường ca vẫn là cảm xúc, suy tư về cái kỳ vĩ, lớn lao. Nguyễn Văn Dân đã khẳng định: “Điều quan trọng là trường ca phải có một dung lượng nội dung và cảm xúc lớn lao, nếu không nó chỉ là một bài thơ đơn thuần”(13). Gặp gỡ với quan điểm này Chu Văn Sơn cho rằng: “… khi thơ trữ tình muốn chiếm lĩnh thực tại ở cấp độ cái kỳ vĩ thì trường ca bắt đầu lên tiếng”(14). Cũng theo Chu Văn Sơn, để có thể sáng tạo trường ca, người viết phải có “cảm hứng trường ca” và “tư duy trường ca”. “Cảm hứng trường ca phải là những bức xúc lớn của cá nhân nhưng do một cú “sốc” lịch sử nào đó gây nên. Nói khác đi, đó phải là những chấn động lịch sử dội vào cá nhân, tạo nên một tâm sự lớn. Còn tư duy trường ca có thể gói gọn vào năng lực xử lý các đối cực căn bản của thể tài như: cái kỳ vĩ và cái bình thường, cái kỳ ảo và cái chân thực, chính sử và huyền sử,…”(15). Nhiều tác phẩm được gọi là trường ca nhưng rất tiếc lại thiếu đi yếu tính căn bản như đã nói.

 

Tóm lại, nội tình thơ Việt đương đại tồn tại nhiều bất ổn dẫn tới cuộc khủng hoảng có tính toàn diện. Có thể nhận thấy, sự bất ổn giữa số lượng tác phẩm và chất lượng làm thành cuộc khủng hoảng thừa và thiếu. Khủng hoảng về tư tưởng, tư duy thơ dẫn đến khủng hoảng về phương pháp sáng tác. Nhiều người làm thơ, nhưng thi sĩ lại ít. Thi sĩ có tư tưởng (tư tưởng nghệ thuật kết tinh trên tinh thần ý thức cao độ về sự sống, giá trị và bản sắc, bản thể và tha nhân, thời đại và lịch sử, dân tộc và thế giới,…) không nhiều - căn cứ trên thực tế tác phẩm của họ. Rất khó để hình dung về thi trình của một thi sĩ đương đại bởi nó không có một mạch lõi gắn kết và quán xuyến mọi sự vận động. Khủng hoảng về tư tưởng và phương pháp sáng tác là hạt nhân của khủng hoảng của thơ Việt đương đại. Cùng với những biểu hiện này, khủng hoảng về tiếp nhận cũng là câu chuyện rất đáng suy ngẫm. Người đọc im lặng, thờ ơ với thơ đang là lời cảnh báo về giá trị và nghĩa lý của nó đối với cuộc đời và con người. Công chúng tiếp nhận rời xa thơ, công tác biên tập ở nhà xuất bản bị vô hiệu hoá, các nhà phê bình lưỡng lự, im lặng hoặc rơi vào trạng thái giao đãi, thù tạc,… càng làm gia tăng thêm mối bất ổn của thơ Việt Nam đương đại.

 

N.T.T

 


(còn nữa)

 _____________
(1) Chu Lan Đình, Lời giới thiệu: Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2008, tr. 13.

 

(2) Thomas. S. Kuhn, Cấu trúc các cuộc cách mạng khoa học, Chu Lan Đình dịch, Nxb. Tri thức, Hà Nội, tr. 165.
 
(3) T.S. Kuhn, sđd, tr. 163.

 

(4) Nguyễn Thanh Tâm, “Một số “chẩn đoán lâm sàng” cho thơ Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Sông Hương, số 261, 11/2010.

 

(5) Trương Đăng Dung, Từ văn bản đến tác phẩm văn học, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

 

(6) Nguyễn Thanh Tâm, “Thơ và bi kịch “vỏ chai bị quăng xuống biển”, Văn nghệ trẻ, số 15, ngày 10/4/2011.

 

(7) Có một thực tế là các thể nghiệm cách tân, nhất là trong tinh thần tri thức hậu hiện đại, họ giễu nhại, phủ định vai trò của Viện Hàn lâm - như một biểu trưng của tư duy, lề lối kinh điển, trung tâm, chính thống. Ngược lại, Viện Hàn lâm cũng bị xem là kẻ phản bội với nhiều cách tân, thể nghiệm nghệ thuật đương đại bởi chính trọng trách mà nó (Viện Hàn lâm) đang tự khoác lên mình, thậm chí là một sự tự mãn vô lối, chậm chạp và khá thiển cận. Xin hiểu Viện Hàn lâm là một biểu trưng của tri thức và quyền lực kinh viện.

 

(8) Lộc Phương Thuỷ, Báo cáo tổng quan Xã hội học Văn học, Đề tài khoa học cấp Bộ, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, 2009, tr. 71.

 

(9) M. Mauss, Khảo về quà tặng, Nxb. Thế giới, Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, 2009, tr. 12. Ở khía cạnh là những tác động gây khủng hoảng, chúng tôi muốn nói đến thứ dư sinh tiêu cực của biếu tặng. Dĩ nhiên, trong nhiều sự biếu tặng, vẻ đẹp cổ xưa vẫn hiện về với những sự tri âm xứng đáng. Điều đó là đáng trân trọng.

 

(10) LGBT là thuật ngữ dùng để chỉ chung 4 nhóm người: đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính hay lưỡng tính (Bisexual) và chuyển giới tính (Transgender).

 

(11) Về vấn đề “cảm niệm triết học về thực tại” và mối liên hệ của nó với tư tưởng nghệ thuật, chúng tôi xin trích dẫn quan điểm của Chu Văn Sơn mà chúng tôi rất ủng hộ: “… xét đến cùng, cảm niệm triết học là một quan niệm máu thịt về giá trị sống được nuôi dưỡng trong một điệu cảm xúc tương ứng của chủ thể. Là dạng ý niệm thuộc cả hữu thức và vô thức, nên không phải chủ thể nào cũng tự ý thức được đầy đủ về nó, nhưng nó vẫn âm thầm chi phối mọi ứng xử tinh thần của anh. Nó tạo nên thái độ triết học trước cuộc đời, mà việc sáng tạo của kẻ viết chỉ là một cách ứng xử - ứng xử bằng nghệ thuật - đối với thực tại mà thôi. Nghĩa là, nó tạo nên minh triết cho chủ thể khi tiếp cận đời sống. Trường hợp hoàn hảo nhất, nó biến anh thành cái ý niệm triết học sống, một ý niệm triết học bằng xương bằng thịt đi giữa cuộc nhân sinh này. Cảm niệm triết học khi nhập vào sáng tạo của nghệ sĩ thì trở thành tư tưởng nghệ thuật. Tư tưởng này được hiểu là dạng tư tưởng trong nghệ thuật và được thể hiện bằng nghệ thuật. Nên nó chỉ là nó khi sống trong một thế giới hình tượng cụ thể nào đó. Do vậy, cảm niệm triết học là dạng ý thức hình thành trước, là cội rễ, là cốt lõi của tư tưởng nghệ thuật ở nghệ sĩ”. Chu Văn Sơn, Tác phẩm lớn, tại sao chưa?, Nguồn: http://www.vietvan.vn.

 

(12) Cũng ghi nhận trong đời sống thi ca Việt Nam (trong nước và ngoài nước, trên các ấn bản giấy và các diễn đàn mạng) đang xuất hiện các hiện tượng giải quan niệm chất thơ, phủ định quan niệm về thơ bằng cách thực hành ngôn ngữ thơ ca như lời nói cửa miệng, văn xuôi, gia tăng tính chuyện, con số, ký hiệu với những tổ chức hình thức hết sức đặc biệt (phỏng nhại, lắp ghép, cắt dán, sử dụng phôi từ các diễn ngôn quảng cáo,…) vẫn còn xa lạ với công chúng. Những thể nghiệm này, dù thành công hay không - và thực tế, chưa có nhiều thành tựu, cũng đã cho thấy thái độ và ứng xử của người viết với thơ, mà trước hết là phản nghiệm về chất thơ vốn đòi hỏi hình ảnh, hình tượng, biểu tượng, nhịp điệu, nhạc tính và sự gợi cảm của ngôn từ. Một cuộc cách mạng, như cách hình dung của T.S. Kuhn, cần phải có những tiền đề, và trong sự khủng hoảng của thơ Việt, những thể nghiệm này trước hết là thể hiện sự thay đổi - một cuộc thanh lý cái cũ trong chính bản thân, hình thành những quan niệm mới về thơ, về cách thức, phương tiện tạo ra thế giới, nghệ thuật,… Hiệu quả của nó có thể chưa được ghi nhận hoặc bị phủ nhận, nhưng trước hết đó là một ứng phó với những biến đổi trong tâm thức, mỹ cảm, quan niệm của chủ thể lời. Nó giải quyết khâu cơ bản, chủ chốt nhất là nhưng dồn nén, khát vọng tự do, khát vọng được mở lời, được thay đổi, được sống như là họ đã thấy cần phải như thế. Nghệ thuật - thơ, có thể chỉ là một phương thức (theo họ) để hiện hình chân dung đời sống tinh thần mà họ đã thực sự sống.

 

(13) Trần Thiện Khanh, “Đối thoại về trường ca và trường ca Việt Nam hiện đại”, Tạp chí Thơ, 11/2009, tr. 16.

 

(14) Như trên, tr. 18.

 

(15) Như trên, tr. 22.

 

 

BÀI KHÁC
1 2 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị