MAI VĂN PHẤN: NGƯỜI LỮ
HÀNH CÔ ĐỘC
Nhà văn, Nhà phê bình văn học Lê Hoài Lương
Lê
Hoài Lương
1. Thơ là một tiến trình:
Trong cuộc phỏng vấn, nhà thơ Lý Đợi khơi ý
“tự nhìn lại những tập thơ trước của mình, anh thấy chúng thuộc các phong cách
nào?”, nhà thơ Mai Văn Phấn trả lời: “Tập thơ đầu tay “Giọt nắng”- 1992, tôi viết
theo bản năng, nhằm giải tỏa tâm trạng và ám ảnh về đời sống lúc đó. Năm ấy tôi
37 tuổi, thời điểm tôi trở lại viết sau gần 20 năm đoạn tuyệt với thơ ca. Hai tập
tiếp theo (Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai) kết hợp truyền thống với tâm thức hiện
đại. Tập thơ “Nghi lễ nhận tên” và trường ca “Người cùng thời” là cách tôi dò dẫm,
vượt thoát khỏi hệ mỹ cảm cũ. Đến “Vách nước” là kết hợp có chọn lọc tổng hòa
những khuynh hướng hiện đại (Siêu thực, Tượng trưng, Biểu hiện…). Năm 2009 tôi
in 2 tập với 2 phong cách và khuynh hướng khác nhau. Tập “Hôm sau” là khuynh hướng
triển khai phong cách hậu- hiện đại kiểu Việt Nam. Và, “và đột nhiên gió thổi”(*)
thuộc cổ- điển- mới.”
Tất nhiên rồi, tiếp theo đó “Bầu trời không
mái che”, “hoa giấu mặt”(**) và “thả”(***), 2 tập thơ 2 câu, 3 câu,…, rồi mới
nhất, trường ca “Thời tái chế”, Mai Văn Phấn tiếp tục tìm kiếm cách thể hiện mới
cho mình. Ví như, thơ văn xuôi thời kỳ đầu của ông vẫn tuân thủ kiểu tiết nhịp,
nhạc tính; thời kỳ giữa đã khác nhiều (về hình thức câu chữ, trường liên tưởng,
những thi ảnh rời, biệt lập…). Huống chi đến “Thời tái chế” xóa nhòa ranh giới
giữa thơ và văn xuôi. Đúng hơn, khởi đầu mọi diễn trình như văn xuôi, cả yếu tố
đại tự sự, nhưng cứ đọc xuyên suốt, qua từng chương, dù không hề theo bố cục
truyền thống vẫn thấy liên kết ngầm- một phi liên kết nghệ thuật, một sáng tạo
mới của Mai Văn Phấn về trường ca. Và cái đọng lại, rốt ráo là thơ, tinh thần thơ, đồng vọng thơ.
Ai đó thấy lướng vướng định dạng này cũng chả sao: tới giờ, dù luôn mong muốn
có một thế hệ bạn đọc mới khác bạn đọc được nuôi dạy theo hệ thống mỹ cảm cũ,
ông cũng không hề có ý viết theo thị hiếu đám đông. Ngay cả một số nhà thơ, nhà
phê bình từng viết bài phản ứng, từng kêu lên “cái gọi là thơ” Mai Văn Phấn.
Ông không hề băn khoăn: họ đọc theo thói quen thưởng thức cũ, và quan trọng
hơn, có thể tìm tòi mới của mình chưa chinh phục được họ? Không sao cả. Bài
thơ, tập thơ khi xuất hiện trước công chúng, nó phải độc lập chịu trách nhiệm, nhà
thơ đã hết vai trò.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nêu nhận
xét xác đáng: “…ngay từ đầu, nhà thơ đã đi tìm. Tìm trong một xác quyết thơ phải
khác. Khác với thơ hôm qua, khác với thơ hôm nay. Khác trong mỗi bài, mỗi câu.
Khác với chính mình trước mỗi hành động viết thơ. Cho nên rất ít thấy thơ Mai
Văn Phấn trong những cuộc điểm danh của dàn đồng ca chung về thơ.” Và: “Mai Văn
Phấn đã làm bối rối người đọc thơ anh khi họ thấy anh xới tung, lật tung mọi thứ,
và tưởng chừng bế tắc, lúng túng.”
Tôi chỉ nói thêm: với bạn đọc và giới phê
bình, khi họ vừa kịp định dạng tạng thơ ông thì lập tức ngỡ ngàng nhận ra mình
hố to. Mai Văn Phấn đã khác. Rất khác. Dù ông không hề có ý “chơi khăm” ai.
Trả lời câu hỏi có tính khuôn mẫu “Suy nghĩ về
nghề văn”, Mai Văn Phấn đã thẳng toẹt: “Viết để khai sáng chính mình, được thấy
mình khác những người khác.” Ông thành thật, vì hành trình thơ ông đến giờ luôn
đúng như thế. Không hề to tát chút nào ý thức “khai sáng” chính mình, bởi ông từng
ngưng cầm bút gần 20 năm loay hoay tìm con đường thơ, tìm kiếm cách nhận chân
mình là ai; tìm đọc bao trường phái, chủ nghĩa văn chương đông- tây. Và cũng từng
“ảnh hưởng”, dù bản năng, dù vô thức. Ví dụ, lục bát thời đầu, ý thức viết khác
cách gì, vẫn đôi chỗ thấp thoáng bóng dáng Nguyễn Bính, Bùi Giáng, Phạm Thiên
Thư. Hay những “Siêu thực”, “Biểu hiện”, “Hậu hiện đại”… thời sáng tác tiếp
theo còn “in dấu” trong nỗ lực theo kịp văn chương thế giới. Tức, vẫn chưa
“khác những người khác”. Tất nhiên, hành trình “khai sáng” mình luôn cần kiến
văn sâu rộng, nền tảng văn hóa vững chắc. Để rồi, biết rằng cứ đuổi theo các
trường phái, xu thế này nọ cũng mãi lạc hậu: với văn chương, đi theo đường người
khác đã đi, cả con đường thời thượng nhất cũng coi như tự phủ nhận mình- phủ nhận
đặc quyền lớn lao duy nhất- cái tôi cá tính trong sáng tạo.
Với Mai Văn Phấn “cái tôi” này không dừng lại
ở nhận thức, phát hiện, nâng cao, vượt lên chính mình mà là “khai sáng”: đó là
quy trình ngược, một ý thức hướng tới triệt tiêu chủ thể trong sáng tạo.
Văn chương mọi thời luôn được xem xét từ hai
yếu tố lịch đại và đồng đại. Thì với Mai Văn Phấn, chỉ có “đương đại” của riêng
ông chứ không phải xu thế chung thế giới. Và nữa, khi người phỏng vấn hỏi nôm
na ý, thế nào là “thơ cũ”, “thơ đổi mới”, ông nói ngay, riết róng, “bài thơ tôi
vừa viết xong là thơ cũ.”
Với ông, thơ là một tiến trình chứ chưa bao
giờ là cái đích hướng đến.
Thực ra, ngay khi bài thơ đã rời khỏi nhà
thơ, nó cũng bắt đầu một hành trình độc lập đến với bạn đọc, cùng bạn đọc tiếp
tục cuộc sống nối dài, có thể khác biệt với tác giả, chưa nói tạng thơ hiện đại
hướng tới “đồng sáng tạo” trong bạn đọc, mỗi người/lần thưởng thức là một tiếp
nhận/hưởng thụ khác biệt.
2. Hạt sương là đại dương:
Tôi không quan tâm đến các trường phái, khuynh
hướng sáng tác,… khi đọc một tác phẩm văn học. Các hệ hình thẩm mỹ chỉ giúp một
điều: thích ứng để tiếp nhận, thưởng thức. Đương nhiên, cũ mới gì, với người đọc
giờ đã nhiều đồng thuận đơn giản: tiêu chí đầu tiên là, bài thơ có hay không,
có làm xúc động hoặc bùng vỡ một nhận thức, một tỉnh thức? Khi đọc, tôi cũng
không bị ảnh hưởng bởi tác phẩm ấy của người tên tuổi hay kẻ vô danh.
Một may mắn tình cờ, tôi được tiếp cận gần
như xuyên suốt thơ Mai Văn Phấn. Và thấy, ngoài hành trình tìm tòi vô tận, khám
phá các phương thức thể hiện, ông lại có sự nhất quán đáng ngạc nhiên trong nhận
diện về thơ, về mình: tư thế người cầm bút và vị thế hoàn hảo của thơ, đó là,
quy luật muôn trong một hay diễn đạt khác, hạt sương và đại dương. Xuất phát điểm
quan trọng này giúp ông mở toang mọi cánh cửa không gian, thời gian, cả vấn đề bản
sắc và hiện đại, tương đồng và dị biệt.
Nhưng hành trình để đến được sự nhất quán
trên, ít nhất cũng ghi lại sự loay hoay vượt qua những “tạp niệm”: cái que diêm
quen thuộc không hẳn là cứu cánh! Nó đã trên tay, và không có cơ hội: “Những ngón tay que diêm vừa rút ra khỏi vỏ/
Quẹt lên da trời ở rất xa/ Ta cúi xuống cuống cuồng thổi lửa/ Nhận ra mình là
hòn than cháy dở đêm qua.” (trường
ca “Người cùng thời). Rồi nó phải trở lại, không cách nào khác: “Bật que diêm rồi, vẫn nhớ ngọn bấc còn rất
xa. Vung tay lên, nói to một mình trong bóng tối./ Con quạ khật khừ xuyên đêm/
Thảng thốt kêu/ Lần đầu tiên tiếng động ra đi không vọng lại”. (Biến tấu
con quạ). Nhưng mãi vô vọng, que diêm dù bật rồi, ngọn bấc “còn rất xa”. Hành
trình nhận thức không thể trông cậy vào que diêm - “phương tiện” có vẻ sang trọng
các thi sĩ sử dụng hàng trăm năm qua. Và Mai Văn Phấn đã “tìm thấy” trong khoảnh
khắc chói lòa bùng vỡ nhất của nhận thức, mà khởi, là vô thủy, vô chung: “Đâu phải từ ngàn xưa truyền lại/ Lửa vừa
bén lên từ một đường bay/ Có tàn tro bắn vào ta nơi nỗi đau buốt sáng/ Sau tiếng
chân chim nhẹ nhàng đậu lên sống lưng, đỉnh sọ/ Ta thấy qua ngực mình, mây xám
dần trong.” Sát-na và cực đại. Cái chớp lóe mặc khải. Có thể diễn dịch bằng
một liên tưởng khác không phải để so sánh: thiền
giả hẳn “đi” xa hơn hành giả.
Nhà thơ từ “Ta con gọng vó/ bàng hoàng ngàn năm” đến xác tín: “Biển tựa mặt chiếc trống đồng vừa mới đào
lên”, rồi khẳng định: “Biển là ta/ Biển
là tôi/ Cho muôn con sóng biết nơi tìm về”. Và hạnh phúc, thênh thang: “Và anh thấy cái hôn đầu tiên của chúng mình
hiện về như một kẻ thứ ba, biến hai ta thành đôi tình nhân khác. Diệu kỳ thay sự
khác thường kia lại sinh ra từ chính chúng mình.”, hoặc: “Biển có dài dại/ Đất có ngây ngây/ Mặt trời
vẫn thức/ ở trong đế giày.”…
Có lẽ trường ca “Người cùng thời” hội tụ bước
chuyển lớn nhất, quyết định nhất hành trình thơ Mai Văn Phấn!
Để, khái niệm “hạt sương và đại dương” tiếp tục
không dừng lại ở thấu thị “mỗi một có muôn trùng” hay ngược lại. Mai Văn Phấn
đã đi xa hơn nhiều. Cổ kim đông tây thiên hạ thơ, loay hoay lựa chọn “ta” hay
“tôi”, khách thể chủ thể, thế giới quan nhân sinh quan…, như một góc nhìn, một
vin tựa; thậm chí dù có tính triết học kiểu “ngón tay” và “vầng trăng” của Đức
Phật, cao siêu gì vẫn cứ là phân biệt. Quan niệm “vong thân” của Mai Văn Phấn
không chỉ ở chuyện “đoạn tuyệt” với đứa con tinh thần của mình để tái sinh, mà
“vong thân” từ chính mình. Khái niệm “vô minh” của nhà Phật nhiều khi khiến người
sáng tạo cẩn trọng, âu lo, đề phòng. Mai Văn Phấn đã tự vỡ toang.
Nhà thơ đã biến mất. Đúng nghĩa. Ông là con
chim, con cá, con sâu, con kiến, con gọng vó, con quạ…, là bông hoa, là cánh đồng,
là gió, lửa, là biển, đất và nước…, là những đồ vật cái bàn, cái ghế, tấm lưới,
con thuyền…, là lịch sử, thời cuộc…, là người sống và người chết, là cha mẹ, là
em… Xin nhắc, không phải nhập vai, phân thân như một biện pháp nghệ thuật. Khi
F. Kafka cách đây ngót một thế kỷ cho nhân vật Gregor Samsa biến thành con sâu
làm choáng váng văn giới lúc ấy, thì cũng chỉ là một thủ pháp nghệ thuật. Còn
Mai Văn Phấn thực sự đã là, nên không
còn ranh giới, ý thức tách bạch chủ thể và thế giới. Và ông tha hồ tung tẩy. Hãy
cùng đọc một số, rất tình cờ, khác nhau
về thời gian, giai đoạn sáng tác, nhưng nhất quán cuộc biến thành, vượt thoát
này:
Giữa em là anh
một con hoẵng
vừa sinh trên cỏ ướt
một bát nước
ngùn ngụt bốc hơi
một thế giới
đang vội vàng hoàn hảo.
(Nhịp IV)
Luôn nhớ em
trên lưng, con sam cái khổng lồ bao trùm mặt đất. Em là đám mây trôi đi chậm chạp,
bình minh rẻ quạt, con sư tử xù lông, con sóc chuyền cành thoăn thoắt. Gió lùa
quẩn chân anh. Mưa mịn màng, mưa rây rây lành lạnh… Anh đang cõng bầu trời bằng
đôi chân rắn chắc. Những hạt mầm tìm ra ánh sáng dưới chân anh.
(Những bông hoa mùa thu)
Tôi nhìn thấy
trên đỉnh đồi
Một bông cỏ
may vừa nở
Ánh sáng phát
ra từ đó
…
Không phải nơi
nào khác
Mà chính từ
bông cỏ may kia
Đang làm nên một
ngày tuyệt đẹp
…
Tất cả chúng
ta vừa sinh ra ở đó.
(Nơi cội nguồn thế giới)
Đôi môi anh
làm mỏ chim ong hút nhụy
Đập cánh liên
hồi bay tại chỗ.
…
Tiếng sấm nổ
vào thời khắc anh hình dung con cá lớn quẫy khỏi cơ thể. Ngoi lên. Ung dung bơi
đi trong mưa.
…
Sao em nằm
trong ngực
Không mách
giùm anh điều gì.
…
Cắn trái táo
em bảo
Trong ấy là biển
Dòng hải lưu
ngọt thơm
Em bảo dẫu bằng
trái táo
Nếu gian dối
biển sẽ dìm chết anh.
(Tỉnh dậy trong mưa)
Bình yên trong
miệng anh
Em thúc nhẹ bờ
vai
Vòm ngực, ngón
chân vào má
Huyên thuyên
và hát thầm
Hồn nhiên cho
lưỡi và răng anh chạm vào cơ thể.
Anh là con cá
miệng dàn dụa trăng
Rời bỏ bầy đàn
quẫy vào biển động.
(Ngậm em trong miệng)
Buông cung
Tôi và mũi tên
bay song song mặt đất.
(Tĩnh lặng)
V.v…
Có thể thấy, khi đã hòa trong cảnh giới “biến
hình”, thế giới nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn tha hồ biến hóa.
Nó có thể diễn trình kiểu ngu ngơ nắm bắt hiện
thực: “Con khướu vừa bay/ Hòa sắc hoàn hảo//
Nó màu xám/ Vệt trắng hai bên má/ Ức và cằm loang đen// Tôi họa lại hình chim/
Nhẫn nại tô màu// Không phải thế/ Mãi không phải thế!” (Tĩnh lặng). Con khướu-
cái hiện thực ấy, lại thành con chào mào trong câu chuyện khác, khi cuối chuyện
nhà thơ đã không còn là người kể chuyện: “Con
chào mào đốm trắng mũ đỏ/ Hót trên cây cao chót vót/ triu… uýt… huýt… tu hìu…//
Tôi vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ/ Sợ chim bay đi// Vừa vẽ xong nó cất cánh/
Tôi ôm khung nắng, khung gió/ Nhành cây xanh hối hả đuổi theo//…// Chẳng cần
chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi nghe rất rõ.” (Con chào mào). Chẳng
còn tách bạch “tôi” và “con chào mào”, “tiếng hót”: “tôi” đã là con chào mào,
là không gian, là tiếng hót kia. Đã tràn khắp trong nhau.
Rồi trong phép “biến hình” này, với thơ, cuộc
vận hành giữa nội dung và hình thức, ý tưởng, ý nghĩ và hiện thực, tinh thần thời
đại, đã hoán đổi, hỗ trợ nhau thành một âm vang ám ảnh của thinh lặng: “Cái miệng không phát ra tiếng động/ chỉ hiện
lên một đoạn phim câm./ Tôi đã lồng vào đó tiếng gậy gộc,/ tiếng động lệnh, dự lệnh/
tiếng một người/ và cả tiếng đồng thanh// Cái miệng vẫn trôi/ Chỉ cần ai đó
phát ra ý nghĩ” (Cái miệng bất tử). Rõ ràng, khi chủ thể lựa chọn “biến mất”
thì hình thức câu thơ, bài thơ không thể là hình thức cũ. Nó không ngừng tìm kiếm,
hội nhập, và cũng khác: hình thức không còn rạch ròi là kỹ thuật, là phương thức
biểu đạt nội dung. Nó là bề mặt khác của nội dung. Và những biện pháp tu từ, những
khuôn mẫu về quy cách, thể loại,…, dù còn hiện diện phần lớn trong sáng tác và
người đọc hiện nay, đương nhiên không có cơ hội can dự vào “trường thơ Mai Văn
Phấn”.
Quyết liệt cách tân, tìm tòi mới, hơn ai hết
ông biết đó là lựa chọn không thuận. Bởi gần cả thế kỷ, bạn đọc- cả giới phê bình,
phần đông được dạy cách sáng tác, thưởng thức, phê bình theo hệ mỹ cảm cũ. Một
lần nhà thơ bộc bạch: “Thơ ca dù cách tân đến đâu vẫn phải hướng con người tới
sự cao đẹp. Phẩm cách nhà thơ quyết định cốt cách thi ca. Khi đã vững tin trong
cốt cách, nhà thơ không ngại lao vào bất cứ vấn đề gì, kể cả những vấn đề “vụn
vặt”.
Sau mấy chục năm rong ruổi “đi tìm”, khẳng định
mình- cả nội dung và hình thức biểu đạt- Mai Văn Phấn in thơ 2 câu, 3 câu. Nó vẫn
là một “khuôn mẫu”, hình thức cụ thể? Và rõ ràng có những “vụn vặt”. Những gì tự
nhiên nhất quanh con người, đồ vật, sinh hoạt… đều vào thơ, ví dụ: Tóc còn ướt, Nghe tiếng giã giò, Nghe chuyện
xích mích hàng xóm, Xem ti vi, Bị sưng khớp gối, Ngủ quên, Rang lạc buổi tối…
Tôi thấy, tập thơ 2 câu có “mã khóa” là tên
các phần: Hương cúc chi, Lối đi, Vẽ bóng đêm, Tiếng sấm, Bông huệ trắng. Và đọc
trong cái tổng thể từng phần, đến nhất quán toàn tập có cái âm vang. Nếu người
đọc chỉ hời hợt giở lướt từng 2 câu, ví dụ: “Nhớ/
lối mòn làng rộng” * “Một mình/ rót hai ly nước”* “Tàu vào ga/ Em bé đang bú mẹ”*
“Thằng bé lom khom/ Con cánh cam bay mất”* “Vòi nước/ Tiếng vỗ cánh”* “Bông huệ
trắng muốt/ Tận kiếp sau”… hẳn sẽ không thể nhập vào thế giới thơ này. Với
thơ 3 câu, có tít bài (như là câu thứ nhất hoặc một gợi ý). Ví dụ: “Chim sáo
đá/ Nhặt/ Hạt nắng/ Gieo vào bóng râm”.* “Trong
vòm cây cao/ Con chim/ Hót một mình/
Trong vắt”.* “Hoa mộc lan vừa nở/ Ra
vườn/ Nhắc nhau/ Bước khẽ”.* “Đồng nhất/ Chim ri kêu/ Rung hạt sương/ Tiếng sấm.”* “Xác con ve/ Rơi/ Mùa hè/ Thụ phấn vào thu.”* “Cây
cau trước nhà/ Đóng cọc/ Vùi ánh trăng/
Xuống vườn.”* “Nhầm tôi là hạt cát/
Gió/ Sượt qua/ Mấy lần.” V.v…
Thêm một lần nữa, nhà thơ đã đẩy tới tận cùng
tín niệm “một và muôn trùng” khi thực hành khả năng cực hạn của ngôn từ. Tối giản
chữ: bài thơ chỉ có mấy từ, nhưng mở ra mênh mông diễn đạt. Bạn có thể thích
hay không nhưng chắc rằng, nếu không sẵn lòng để vào không gian thơ này hoặc
ghé qua hời hợt, sẽ không nhận được gì cả dù nhà thơ đã trang trọng bày biện.
Mai Văn Phấn đã rõ ràng một lộ trình, không một
chút băn khoăn: lắng nghe chính mình và luôn ý thức tự phủ định. Trên nền tảng-
tâm thế xuất phát và thơ- với những phẩm tính cao nhất: Hạt sương là Đại dương, Ta là Thế giới!
3. Nguồn cội:
Trên hành trình hòa vào dòng chảy chung của
thơ ca thế giới, nhà thơ nhận ra chân lý căn cốt: anh chỉ không trộn lẫn, nhòa
nhạt khi hiện diện với bản sắc dân tộc. Nhưng bản sắc dân tộc là gì, trên ngùn
ngụt mây qua ngàn năm “văn minh lúa nước”, “đánh giặc giữ nước”? Bóng dáng tổ
tiên, những hiền nhân, người đã khuất; cha mẹ và làng; những cuộc chiến khốc liệt,
những yên bình đầy rẫy sự biến dạng các giá trị…; và nhất là, căn tính dân tộc
luôn đặt vào tổng quan hướng tới tương lai. Tất cả phải hiện lên trong ánh sáng
của tình yêu, chứ không phải niềm tự hào chung chung, sáo rỗng. Chính ánh sáng
minh triết này sẽ mở ra khát vọng quẫy cựa, nguồn sinh khởi hào phóng, tự do, tỉnh
thức.
Nhà thơ Mai Văn Phấn đã thấu triệt tinh thần
nguồn cội ấy trong mỗi khắc khoải, đớn đau nhận thức và “tự khai sáng”, cho
mình- cũng là cho dân tộc mình, suốt chiều dài thơ ông.
Đây, từ những nhận chân thời kỳ đầu: “Mỏ nhọn con chim vừa mổ vào ban mai/ Lại lặng
lẽ nằm yên trên mặt trống”/…/ Hoa văn trên áng hương thờ/ Nghe trong ruột gỗ
người xưa gọi thầm” (Người cùng thời). Cuộc uể oải, cam chịu, ngái ngủ suốt
ngàn năm: “Nơi chó đá đầu làng vẫn sủa những
con trăng/ Có tiếng gọi nghe buồn như củi ướt/ Thương quê nghèo mẹ tôi ra bến
sông/ Vớt những câu ca chưa tan vào nước// Mẹ ơi mẹ! Giờ con thấy bóng râm từ
bùn đất/ Đất ở dưới chân mà cao hơn những suy nghĩ của mình/…/ Tấm lưới nghìn
năm dằng dặc miệt mài/ Ai đã kéo sau mỗi cơn binh lửa/ Suốt đời mẹ đan những sợi
ban mai âm thầm bên khung cửa/ Khi đón cha đêm đã nhạt cuối vườn// Ta kéo lưới
lên từ cánh cửa vẹt mòn/ Từ tiếng chân người quờ tìm giày dép/ Những ngái ngủ,
mơ hồ, ngơ ngác/ Đang lặng chìm xuống đáy bình minh” (Nhật ký đô thị). Rồi
hối hả sắp xếp lại, không thể khác, vì đó là cách duy nhất để tồn tại, để hồi
sinh: “Tiếng gọi vỡ không gian bình vôi/
nhàu nát cánh cò dính nhựa/ thổi căng áo mồng tơi trống mõ/ bay đi cờ phướn mở//
Vỡ từng huyệt mộ/ nghiêm cẩn nhặt lên từng tiếng tổ tiên// Làng ơi!/ run tay sắp
đặt lại xương cốt/ trước khi trời rạng. (Làng). Và tỉnh thức: “Căng ngang trời cánh chim/ cho ngữ nghĩa trị
vì mặt đất/…/ dòng sông vừa chảy/ vừa
sinh nở/…/Vòng tay sóng khỏa rộng/ nô đùa bồng bột trẻ thơ/ mặt nước bỗng thành
cổ tích/ em dựng lại mặt trời đã mất.” (Đất mở).
Không cần bình tán gì thêm trên từng con chữ
phập phồng cảm thức tổ quốc, dân tộc, khẩn thiết và rúng động tâm can đến thế.
Có nhận định đâu đó rằng Mai Văn Phấn né
tránh những vấn đề nổi cộm hiện tại. Tôi thấy ngược lại: ánh sáng tình yêu và
phẩm cách nhà thơ của ông đã chạm thấu tất cả. Chúng ta đã thấy những rốt ráo,
thấu đáo thế nào căn tính dân tộc uể oải, trì đọng ngàn năm qua. Rồi, dấu ấn thời
đại, thời cuộc cũng hiện rõ qua trường ca “Thời tái chế”, nơi, cuộc lên đồng
đám đông để lại tổn thương lớn; những u mê tập thể, những quy chụp, vu khống,
những đồ tể thời cuộc; những màn cảnh, trò diễn, những khao khát một ngã rẽ an
toàn…, đủ cả. Đây là lời đối thoại của hai người cố vượt qua “dòng sông máu”: “-Anh tin có lẽ phải không? -Tin. Nhưng không
tin lẽ phải trên miệng kẻ xấu. –Lẽ phải có thay đổi không?-Luôn thay đổi.- Bao
giờ? –Khi tự do của con người bị chiếm đoạt. Biến con người thành nô lệ bầy
đàn.-Kẻ đó là ai? –Những tên độc tài, những kẻ cơ hội, lái súng.” (Lối rẽ).
Còn đây là đối thoại của 2 người hạ sĩ quan (Việt Nam Cộng hòa và Quân đội nhân
dân Việt Nam), đã chết những ngày cuối cuộc chiến tranh: “-Gần 5 triệu người Việt cả hai phía đã chết, biết bao thương vong,
chia lìa từ cuộc chiến. –Một nửa diện tích rừng bị phá hủy. Hàng vạn nạn nhân bị
nhiễm chất độc da cam. –Chúng ta mất đi cả những giá trị vô giá không nhìn thấy.
–Vậy có cần đi qua con đường máu này không? Vậy có cần đi qua? –Vậy có cần? –Vậy
có. -…” (Đối thoại). Đương nhiên, lời người chết, những “đúc kết” mất mát
khủng khiếp, và đồng thuận câu hỏi chung, câu hỏi lơ lửng, dành cho người còn sống,
người hôm nay trả lời. Về vấn đề ý thức hệ. Về hòa hợp hòa giải dân tộc. Về lựa
chọn lộ trình tốt hơn cho tương lai… Điều quan trọng là, tất cả đều được kết sổ;
lịch sử không bao giờ là cái chỉ một chiều qua đi: “Một nhân vật không rõ mặt vừa đứng lên tự nhận mình là con dao cùn. Rồi
đến nhân vật thứ hai, thứ ba, và tiếp nữa. Như những tiếng xưng danh trong hàng
quân bất tận lan đi. Mọi người lần lượt tự thú từng là giẻ lau, chổi cùn, hót
rác, quyển sách long gáy, chiếc ghế gãy một chân, bàn là chập điện. Tự nhận
mình là tấm chăn đã rách, đôi giày há mõm, bộ quần áo lỗi thời, chiếc hộp nhưa
lâu năm dính đầy bụi bẩn. Giờ tất cả đang tự giác đến nơi tập kết để được phân
loại, bị tiêu hủy, hoặc đợi tái sinh.” (Kết nối). Linh cảm của bài thơ, nhà
thơ mọi thời đều là biên niên ký thời đại đáng tin hơn những xác giấy chủ quan
hoặc ngụy trá của lịch sử!
Mai Văn Phấn đã nhập vào hồn vía dân tộc mình
bằng ánh sáng thi ca, khởi từ tình yêu, dữ dội bóc tách, nhận diện nhưng không
có chỗ cho hằn học, khích bác, thù hận. Tâm hồn nhà thơ đồng hiện cùng tinh thần
dân tộc, khát vọng dân tộc.
Nhà thơ đã qua bao trường phái, khuynh hướng,
chủ nghĩa sáng tạo, đi qua các nền văn hóa. Đã nỗ lực để không tụt hậu. Nhưng
ông biết, sự khác biệt của mỗi nhà thơ trên thế giới, tận sâu thẳm là ở bóng
dáng, căn cốt dân tộc mình. Mai Văn Phấn Đi
là để Trở về.
4. Vong thân:
Quan niệm “Vong thân” mà nhiều lúc ông “tuyên
ngôn” và giới báo chí, phê bình nhắc lại không lạ. Đó cũng là bản chất của sáng
tạo. Kiểu, ngay lập tức, khi bài thơ hoàn thành, nó đã là quá khứ. Kể cả những
thành tựu, từng bài thơ được ngợi khen, tập thơ được giải thưởng, đời thơ được
đúc kết… Nhưng nhà thơ Mai Văn Phấn khác ở chỗ, quan niệm quen thuộc này quá riết
róng. Ông “vong thân” để dấn thân. Tức sáng tạo- lại là bản chất của thuật ngữ
này: không có điểm dừng, không bao giờ kết thúc!
Tôi nhớ, ở quê tôi, hồi nhỏ chơi các trò chơi
với bạn bè cùng lứa, không phân biệt nam nữ: đánh chuyền- chắt, đánh bi đánh
đáo, chơi ô làng, u quạ, nhảy chuông…, nếu có đứa nào ăn gian, cãi một hồi
không được, sinh ra giải pháp hợp lý là “xả bài/ván làm/chơi lại”. Rất hợp lý
vì trò chơi con trẻ không có ai làm trọng tài như những trò chơi người lớn, kiểu
bóng đá, chẳng hạn.
Trò chơi con trẻ không có trọng tài nên có
chuyện “xả bài chơi lại”. Vậy văn chương có trọng tài không? Chẳng hạn, trọng
tài là thời gian, bạn đọc?
Có và không. Cũng là quy luật. Rằng giá trị
tuyệt đỉnh hôm nay, rồi thời gian và bạn đọc sẽ sàng lọc. Sinh thời, F. Kafka
chưa từng in tác phẩm nào của mình. Nhưng mấy năm sau khi ông qua đời, người bạn-
được Kafka di chúc đốt hết những bản thảo của mình- chẳng tài năng gì, nhưng
linh cảm rằng nó hay, nó đi trước thời đại, cho xuất bản những tác phẩm này. Và
văn chương Kafka tạo nên cơn sốc toàn thế giới! Những “Vụ án”, “Hóa thân”, “Lâu
đài”, “Hang ổ”, “Trước cửa pháp luật”…, tiểu thuyết hay truyện ngắn, đều tạo
nên trường ảnh hưởng lớn nhất thế kỷ XX. Giờ, vẫn còn ảnh hưởng, người ta còn
chế ra những sản phẩm nhai nhái.
Nhưng văn chương, dù không thể bỏ lên cân để
biết sản phẩm nào nặng nhẹ, hơn thua, vẫn có tính xu thời hướng tới bạn đọc, ở
đâu cũng vậy. Mai sau thế nào hẵng hay, chứ giờ được bạn đọc tán thưởng, được đương
thời tung hô, vẫn tuyệt đỉnh hạnh phúc, vẫn thu gom cả danh và lợi.
Văn chương thế giới từng chứng kiến, từ một đất
nước, một thời đại, “ông thánh” M. Solokhov hưởng vinh quang cỡ nào, và B. Pasternak
bị đày đọa, thóa mạ cỡ nào. Dù “Sông Đông êm đềm” hay “Doctor Zivagho”, đều
hay, đều vĩ đại, đến giờ. Ấy là những giá trị thật của văn chương. Nhưng số phận
2 nhà văn khác nhau: tôi không nghĩ có người cầm bút nào lựa chọn cuộc đời bị đọa
đày để thành văn tài. Tài năng văn chương không sinh ra từ lựa chọn cách sống.
Nhưng người cầm bút có quyền lựa chọn con đường suôn sẻ, bằng phẳng, có lợi cho
mình. Dẫu gì, nhà văn cũng chỉ là con người bằng xương bằng thịt.
Mai Văn Phấn đã lựa chọn: đi qua “xu thế thời
đại” và “bạn đọc” dù ông thừa hiểu viết thế nào để có đông đảo bạn đọc, được xã
hội tôn vinh, được hưởng những danh- lợi trước mắt. Ông đã chọn lộ trình riết
róng và gian nan nhất vì biết rằng trọng tài chính của văn chương- bạn đọc và
thời gian- cũng chỉ tương đối, uyển ảo cả thôi.
Cuộc “vong thân” đã có những đền đáp xứng
đáng: ông đã tạo nên không gian thơ riêng biệt cho mình. Và không gian thơ ấy
đã và đang lan xa. Ông có nhiều cơ hội để tiếp tục hành trình đã lựa chọn.
Không thể “xả bài chơi lại” như con trẻ. Trên
hành trình của mình, ông có lo sợ thực sự, lo sợ duy nhất, là mình, như một “ám
ảnh ghê gớm nhất, là lúc nào đó không còn đủ ý chí, nghị lực để tự phủ định.”
5. Người lữ hành cô độc:
Trên cánh đồng văn chương vô vàn những con đường,
nhiều lúc người viết văn gặt hái được một ít hoa thơm, trái ngọt. Nhưng thường,
nó như các đốm sáng lắc rắc đâu đó trong đêm, dẫn dụ người sáng tạo mải miết với
hành trình đến kiệt cùng, rồi một ngày mỏi gối chồn chân chợt nhận ra, hoa trái
kia chỉ là những phỉnh nịnh: thực chất nó đã tan biến vào hư không hoặc ném trả
lại nguyên xi cái ảo vọng sang trọng ban đầu. Cũng chỉ là quy luật chung. Nhưng
người cầm bút sẽ không thể tiếp tục cầm bút nếu không cho phép mình hy vọng, mơ
ước.
Mai Văn Phấn có bạn đọc, bạn văn của mình.
Thơ ông đến giờ được dịch hơn 30 ngôn ngữ quốc tế, được in hàng chục tập thơ ở
nước ngoài, đoạt giải thưởng danh giá trong nước, thế giới. Hành trình thơ ông
là hành trình của những giấc mơ, những khoảnh khắc các ánh chớp bắt gặp hoặc viễn
kiến; hành trình của những quyết liệt lựa chọn. Với người cầm bút, nhà thơ Mai
Văn Phấn là người hạnh phúc. Nếu ông tiếp tục tìm thấy mình, cuộc dấn thân và
vong thân.
Dù không dưới một lần nhắn nhủ bạn đọc thơ
mình, “vui lòng bỏ lại những quan niệm cũ và mọi thói quen thẩm mỹ trước khi đọc,
giống như cởi bỏ giày dép trước khi vào nhà”, khi cần, Mai Văn Phấn cũng giải
thích ý nghĩa câu thơ, hình ảnh thơ ông. Như, cuộc trò chuyện thú vị của ông và
nhà thơ nổi tiếng Hàn Quốc Ko Hyung-Ryul- người cùng ông in chung tập thơ tiếng
Hàn: “Sinh đôi trong đại dương”- Mai Văn Phấn xúc động nhắc tới kỷ niệm cuộc
giao lưu ở Hàn, cậu bé người Việt, theo mẹ đến dự và đọc bài thơ “Gió thổi” bằng
cả tiếng Hàn, tiếng Việt. Bài thơ viết về tình yêu, về nụ hôn, có đoạn cuối: “Con ong vẫn nhởn nhơ bay/ thác đổ đều đều,
mưa rơi rất chậm/ nhưng tất cả ngọn cây đều bạt về một phía”, ông bảo “sức
mạnh to lớn của tình yêu, “nụ hôn” đã làm “tất cả ngọn cây đều bạt về một
phía”. Cũng cuộc trò chuyện, đối thoại này, đoạn thơ trong bài “Ngậm em trong
miệng”- tôi đã trích ở phần trên- ông tiếp tục bày tỏ: “Miệng con cá trong bài
thơ của tôi được “dàn dụa trăng” bởi nó đã được yêu, được ân hưởng từ tình yêu
chân thành, tràn đầy… Và, đến cuối bài thơ, “con cá” ấy đã lớn lên tìm đến một
chân trời khác”. Đó là cách tiếp nhận của “bạn đọc” Mai Văn Phấn. Còn tôi, khi
đọc đến 2 câu: “Anh là con cá miệng dàn dụa
trăng/ Rời bỏ bầy đàn quẫy vào biển động”, tôi nhớ ngay đến 2 câu lục bát của
Bùi Giáng: “Ngày sau cá sống phiêu bồng/
Ngàn trăng ngậm bóng sương đồng ra đi”. Tất nhiên ý nghĩa, văn cảnh khác
nhau, nhưng đều cho tôi cảm giác khinh khoái của tự do, của tuyệt đích phiêu bồng
và viên mãn. Còn bạn, bạn sẽ cảm nhận khác, hoặc lựa chọn cách nối tiếp khác
cho mình. Chẳng phải Mai Văn Phấn muốn hướng đến điều đó ư, rằng bài thơ, câu
thơ tiếp tục ngân lên trong đồng sáng tạo của bạn đọc?
Ngay khi nhà thơ chia sẻ ý nghĩa mấy câu thơ,
tôi nhận ra ông đầy thiện chí. Và đơn độc xiết bao. Từ chính lựa chọn và tâm
huyết của mình.
Cũng trong cuộc trò chuyện trên, nhà thơ người
Hàn gợi ý tưởng lập “chiếc cầu vồng thi ca” kết nối các nền thơ Châu Á, Mai Văn
Phấn gọi tên “Vượt qua sự khác biệt”. Phải rồi. Đó là không gian thơ của nhiều
nền văn hóa, địa lý khác biệt cần “vượt qua”. Nhưng ngay chính trên đất nước
mình, dân tộc mình, “người cùng thời” với mình, ông vẫn đau đáu tìm kiếm sự đồng
hành đồng cảm cho những “khác biệt” của mình.
Tôi hình dung ông trên lộ trình gian nan ấy: một
người bươn bả chạy đến hụt hơi trên cánh đồng, đôi lúc cúi xuống nâng niu vài
đóa hoa quen, vài kỳ hoa dị thảo; đôi khi vượt qua những sỏi đá, những lùm bụi
đầy gai dại hay vất vả chạy băng trên những luống cày khô nẻ bằng đôi chân trần
tứa máu, mệt nhoài, rồi tạm ngả người xuống bóng mát tình cờ, cảm nhận cái ngui
ngút dịu êm của niềm hạnh phúc và cô đơn đến tận cùng của người luôn ý thức việc
dấn thân trong sáng tạo.
Với chính mình, nhà thơ Mai Văn Phấn là một người
lữ hành cô độc. Trên những phù vinh và kiêu bạc!
Quy Nhơn,
15/12/2020
L.H.L
__________
(*), (**), (***): tên các tập thơ “và đột
nhiên gió thổi”, “hoa giấu mặt”, “thả” tác giả Mai Văn Phấn chủ ý không viết
hoa.
Tranh của HS Gürbüz Dogan Eksioglu, Thổ Nhĩ Kỳ