Dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn (nghiên cứu) - Nguyễn Thị Kim Hồng
Dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn
Nguyễn Thị Kim Hồng*
Tóm tắt: Đối với nhà thơ Mai Văn Phấn, tôn giáo trở thành một yếu tố đặc biệt về tâm linh để nhà thơ cắt nghĩa và cảm nhận đời sống theo một góc nhìn mới mẻ. Tôn giáo có một ý nghĩa quan trọng trong khám phá đời sống hiện thực và tâm linh của nhà thơ. Tôn giáo đã trở thành nguồn cảm hứng không vơi cạn trong thơ Mai Văn Phấn. Hệ thống ngôn ngữ thơ mang dấu ấn tôn giáo thể hiện sự tiếp thu có chắt lọc và quá trình chiêm nghiệm về tôn giáo của nhà thơ. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi nghiên cứu dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn, đánh giá những đóng góp về nghệ thuật của Mai Văn Phấn trong quá trình cách tân, đổi mới thơ ca đương đại.
Từ khóa: Cảm hứng tôn giáo, Mai Văn Phấn, ngôn ngữ thơ.
1. Đặt vấn đề
Mai Văn Phấn trong hành trình đổi mới, cách tân và sáng tạo đã đem lại cho thơ ca Việt Nam đương đại nhiều thành tựu. Mai Văn Phấn luôn trăn trở, suy tư nghiêm túc về nghề nghiệp. Tác giả đã lao động sáng tạo không ngừng nghỉ, vì thế đọc thơ Mai Văn Phấn trong mỗi thời kì, mỗi giai đoạn nhất định, người đọc không khỏi ngạc nhiên với những đổi mới về thi pháp, đặc biệt là về phương diện ngôn ngữ. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi nghiên cứu dấu ấn tôn giáo trong ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn được thể hiện qua hệ thống ngôn ngữ của Ki tô giáo và Phật giáo, tính triết lí và màu sắc siêu thực trong ngôn ngữ thơ.
2. Nội dung
2.1. Sự chi phối của cảm hứng tôn giáo đến ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn
Trong những ảnh hưởng của đời sống văn hóa, tôn giáo có sự tác động sâu xa đến thế giới tâm linh của con người. Nhờ niềm tin vào thế giới siêu nhiên, huyền bí, tôn giáo có khả năng kích hoạt và dẫn dắt trí tưởng tượng cùng khả năng sáng tạo phong phú của con người. Khi bắt gặp thơ ca, trong sự cộng hưởng với những xúc cảm thơ, xúc cảm của cái tôi trữ tình sẽ tạo nên sự sáng tạo đặc biệt: sáng tạo mang dấu ấn tôn giáo. Tìm đến tôn giáo, là một cách để nhà thơ suy tư, chiêm nghiệm về con người, giao cảm với cuộc đời, nhận ra tâm hồn mình rõ hơn, từ đó tạo nên những phương thức tổ chức thế giới nghệ thuật mới lạ trong thơ ca. Tôn giáo đi vào thơ ca một cách tự nhiên, tôn giáo đã chi phối đến nội dung và nghệ thuật của thi ca. Nhiều tác phẩm mang cảm hứng tôn giáo thể hiện ở lớp ngôn ngữ mang sắc màu tôn giáo.
Trong Từ điển thuật ngữ văn học, khái niệm cảm hứng được hiểu là: “Trạng thái tình cảm mãnh liệt, say đắm, xuyên suốt tác phẩm nghệ thuật, gắn liền với tư tưởng xác định một sự đánh giá nhất định gây tác động đến cảm xúc của những người tiếp nhận” [2; tr.45].
Mai Thị Thảo trong công trình Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn cho rằng: “Cảm hứng là một yếu tố quyết định trong những công trình nghệ thuật, nghệ thuật đích thực bắt nguồn từ những cảm hứng nảy sinh trong những điều kiện cụ thể. Cũng như, quá trình sáng tạo của nhà văn bắt đầu từ khi nảy sinh những dự đồ rồi sau đó là quá trình nảy sinh những quan niệm mang tư tưởng sáng tạo của tác phẩm văn học. Những tư tưởng ấy gắn liền với sự thụ cảm của nhà văn với cuộc sống dưới hình thức cảm xúc. Cảm hứng là một trạng thái hưng phấn cao độ của người nghệ sĩ do việc chiếm lĩnh được bản chất đối tượng mà họ phản ánh. Khi ấy những tia chớp sáng tạo sẽ bùng cháy những chất liệu hiện thực. Đó chính là những giây phút thăng hoa của tư duy sáng tạo trong người nghệ sĩ, hay nói khác đi cảm hứng bao giờ cũng gắn với tính nghệ thuật dù tự giác hay không tự giác” [12]. Mai Thị Thảo cũng cho rằng cảm hứng sáng tác vừa là cuộc hành trình nhọc nhằn, vừa là sự nghỉ ngơi thư thái trong tâm hồn nghệ sĩ, nó buộc người nghệ sĩ vào trạng thái lao động nghiêm túc, cẩn trọng bằng niềm say mê, bằng tất cả niềm hứng khởi. Khi nhà thơ tiếp xúc với tôn giáo - một thế giới tâm linh đầy huyền bí thì tâm hồn người nghệ sĩ được thỏa mãn khát khao khám phá những ngọn nguồn sâu kín của thế giới tâm linh đó. Trong thế giới tâm linh đầy phức tạp của tôn giáo, cách nhìn nhận, thể hiện của người nghệ sĩ rất đa dạng nhưng đều thể hiện ước muốn vươn tới miền tâm thức phi hiện thực. Tác giả cho rằng khi nói tới cảm hứng tôn giáo chính là nói đến hứng thú mãnh liệt ở người nghệ sĩ hướng về tôn giáo. Cảm hứng tôn giáo chính là cách người nghệ sĩ hướng tới tôn giáo như một nền tảng chi phối thế giới nghệ thuật. Từ đó, tác giả Mai Thị Thảo đã đưa ra khái niệm về cảm hứng tôn giáo: “Cảm hứng tôn giáo được hiểu là một trong những nguồn cảm hứng lớn của sáng tạo nghệ thuật, trong đó chủ thể nghệ sĩ tiếp cận thực tại bằng điểm nhìn tâm linh và bình diện tôn giáo của thực tại chiếm trọn suy cảm của nghệ sĩ” [12].
Tác giả Yên Nguyên trong bài viết Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn đã khẳng định: “Kinh mạch tôn giáo và lạc mạch phồn thực là hệ thống kinh lạc điều hành sự sống chảy trong thơ Mai Văn Phấn... Cảm hứng tôn giáo trong thơ (cần phải hiểu đúng vấn đề này) không phải là cảm hứng được tạo nên trong sự tiếp xúc của nhà thơ với tôn giáo. Một sự tiếp xúc dù thân mật cỡ nào cũng không đủ sức để tạo nên một nội dung. Đơn giản bởi đó là cái nhìn nhị nguyên xem tôn giáo và nhà thơ là hai thực thể, khi xúc chạm với nhau sẽ tạo nên hiệu ứng: thơ có màu sắc tôn giáo” [7].
Mai Văn Phấn sinh ra trong gia đình theo Đạo Thiên Chúa. Từ nhỏ nhà thơ đã rất mộ đạo, am hiểu, thông thạo Kinh thánh. Khi du học ở Liên Xô cũ (1983 - 1984), nhà thơ có duyên gặp một người theo Đạo Phật là vợ nhà thơ bây giờ nên tác giả đã đến với Phật giáo bằng tình yêu và từ mong muốn chiều chuộng người yêu. Khi nghiên cứu các giáo lý của các tôn giáo lớn trên thế giới, tác giả nhận ra Thượng Đế chỉ có một, Ngài sinh ra và chi phối con người bằng quyền năng của Ngài. Thông qua các hình thức tôn giáo, con người có thể hiểu về Đấng Toàn Năng ấy. Mai Văn Phấn có sự quan tâm đặc biệt đến tôn giáo, nhà thơ viết nhiều về cái gọi là hư vô. Cảm xúc về cái hư vô là một cảm xúc đặc biệt về đời sống nhân sinh, là một kinh nghiệm đặc biệt của nhà thơ khi cảm nhận cuộc đời bằng cái nhìn của tôn giáo:
“Một thời phờ phạc thiên di
Tìm trong bóng nước thấy gì nữa đâu
Mảng đêm đập cánh đi mau
Giọt sương trong mát trên đầu hư không...”
(Thay lời chim làm tổ - Mai Văn Phấn)
Ý niệm và cảm xúc về cái hư vô cũng là điểm đáng chú ý trong thơ Mai Văn Phấn.
Từ lâu, tôn giáo đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để nhiều văn nghệ sĩ hướng tới. Sự cộng hưởng trong thơ văn được tạo nên từ sự giao thoa của nhiều hình thức tôn giáo và thể hiện trong mỗi thời kì văn học với mức độ đậm nhạt khác nhau. Văn học Việt Nam, nhất là thơ ca, chịu ảnh hưởng nổi bật từ một số tôn giáo lớn: Phật giáo, Đạo giáo và Thiên Chúa giáo... Cũng giống như Hàn Mặc Tử, Mai Văn Phấn chịu ảnh hưởng của cả tinh thần Phật giáo và Thiên Chúa giáo. Những ảnh hưởng của tôn giáo trong một chừng mực nào đó, đã trở thành động lực khiến nhà thơ tiến xa hơn trên con đường sáng tạo nghệ thuật, khơi dậy những tìm tòi mới mẻ cho hình thức thi ca, góp phần quan trọng cho quá trình hiện đại hóa thơ Việt Nam. Sự chuyển biến rõ rệt trong ngôn ngữ thơ của Mai Văn Phấn ít nhiều có chứa đựng tinh thần và cảm hứng tôn giáo. Không những thế, cuộc gặp gỡ giữa tư duy tôn giáo và tư duy thẩm mỹ trong mẫn cảm sáng tạo của người nghệ sĩ còn tạo nên một vẻ đẹp riêng cho ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn. Quan sát toàn bộ sáng tác của Mai Văn Phấn, chúng ta dễ dàng nhận thấy một lớp ngôn ngữ mang màu sắc tôn giáo rất nổi bật. Nhà thơ sử dụng đầy ắp hệ thống ngôn ngữ của Kitô giáo trong sáng tác của mình như “thanh tẩy”, “nghi lễ”, “rửa tội”, “tái sinh”, “hồi sinh”, “thiên thần”, “âm dương”...:
“Thanh tẩy mãi vẫn không thấy sạch
quay về tắm bằng ngọn đèn”
(Tắm đầu năm - Mai Văn Phấn)
Nhà thơ đã đề cập đến nghi lễ thanh tẩy của tôn giáo. Theo quan niệm của Thiên Chúa giáo, nghi lễ thanh tẩy được cử hành để con người gột bỏ tội lỗi, lột bỏ xác phàm để trở nên thánh thiện, tinh tuyền trước mặt Chúa. Nghi lễ thanh tẩy của Thiên Chúa giáo được cử hành qua Bí tích rửa tội, bí tích đầu tiên xóa tội cho con người để họ xứng đáng trở nên con chiên của Chúa. Dấu ấn tôn giáo qua ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn thể hiện rất rõ. Hai câu thơ không chỉ nói đến nghi lễ thanh tẩy, đến sự sạch sẽ tinh tuyền mà tôn giáo hướng con người đến, câu thơ còn gợi liên tưởng đến biểu tượng lửa qua hình ảnh ngọn đèn. Lửa chính là một biểu tượng tôn giáo phổ biến, hình ảnh lửa với sức mạnh thanh tẩy của nó giúp con người minh chứng được sự trung thành và niềm tin của con người. Lửa mang ý nghĩa tẩy uế và tái sinh, ý nghĩa tẩy uế của biểu tượng lửa thường gắn liền với sự tái sinh. Những người theo Đạo giáo bước vào lửa để tự giải phóng khỏi thân phận tội lỗi, để được tái sinh. Có thể thấy, trong ảnh hưởng của tôn giáo, thơ Mai Văn Phấn thường xuyên đề cập đến sự tái sinh:
“Ấy là dấu hiệu tái sinh
hay bắt đầu những điều trọng đại
chưa kịp xúc động
Mới mơ hồ nhận ra
Ban mai đã cuốn lấy ta những vòng tả lót”
(Khúc dạo đầu - Mai Văn Phấn)
Ở một khía cạnh khác, tình yêu trong thơ Mai Văn Phấn được thiêng liêng hóa như tôn giáo, nó có ý nghĩa tái sinh con người, thay đổi con người:
“Ánh sáng đã ngủ yên
Ta đang hồi sinh
Trong vòng tay của đêm.
Như có lá mầm
Nở trong nụ hôn
Tiếng em gọi
Vang nơi bến xưa
Miệng chum
Bờ vực...
Anh chạy về
Rì rầm sóng tóc
Xuyên qua màn âm dương...
Nhựa trong lá mầm bắt đầu chảy
Máu trong huyết quản bắt đầu chảy
Những lạch nguồn bắt đầu chảy...
Chạm bờ ánh sáng
Anh quỳ xuống
Em hiện thân trong chiếc áo thiên thần
Lấy một ít nước gọi lên máu và sữa cỏ
Em dịu dàng rửa tội cho anh.”
(Nghi lễ cuối cùng - Mai Văn Phấn)
Tình yêu thiêng liêng đến lúc trở thành tôn giáo, người yêu hóa thiên thần ban phúc lành. Nghi lễ rửa tội và chúc lành cho con chiên chính là một nghi lễ quan trọng của Thiên Chúa giáo đã đi vào thơ Mai Văn Phấn với nhiều ý nghĩa: trong tình yêu chân chính, người yêu một cách chân thực, không giả dối có thể hướng đến sự tinh tuyền, thanh sạch, đó chính là tình yêu mang ý nghĩa như nghi lễ rửa tội. Đồng thời tình yêu của con người đã có thể chúc lành và trao ban cho con người hạnh phúc giống như tôn giáo.
Hình ảnh Chúa chấp nhận hi sinh đổ máu chết trên cây thập tự để rửa hết tội lỗi của con người cho thấy tình yêu của Chúa cũng xuất hiện trong thơ Mai Văn Phấn một cách tự nhiên, nó thể hiện cảm hứng tôn giáo đã chi phối đến việc xây dựng hình ảnh thơ trong quá trình sáng tác của Mai Văn Phấn:
“Tiếng nguyện cầu thác đổ
Nứt cả vòm nhà thờ
Ông đứng như cây cột
Trên nền nhà đung đưa.
Sá gì những lọc lừa
Sá gì thân bèo bọt
Đem nước mắt làm mưa
Tưới trái đất khô khốc.
Nghiệp văn chương cực nhọc
Chở bao nhiêu kiếp người
Chúa cũng đã một thời
Chết như người hành khất.
Máu Chúa hòa nước sạch
Rửa tội cho cộng đồng”...
(Nguyên Hồng vào nhà thờ - Mai Văn Phấn)
Cầu nguyện là nghi thức thiêng liêng của nhiều tôn giáo. Ý nghĩa thiêng của cầu nguyện nằm ở lòng tin, có tin thì mới dâng lời cầu nguyện, tiếng nguyện cầu thác đổ ở đây chắc chắn phải xuất phát từ niềm tin mạnh mẽ của con người vào Thượng đế. Bài thơ mang đậm dấu ấn tôn giáo qua hình ảnh máu Chúa và nghi lễ rửa tội của Ki tô giáo. Nhà thơ linh hoạt sử dụng các từ, cụm từ vốn được nhắc nhiều trong tôn giáo như: Chúa Giê su, Thiên Thần, tiếng nguyện cầu, máu Chúa, rửa tội... Mai Văn Phấn sử dụng khá nhiều các từ ngữ được lấy từ trong kho tàng của Kinh thánh: Chúa, Giêsu, thiên thần, hồn, xác, đức tin, cát bụi, Chúa cứu thế, phục sinh, bí tích Thánh thể, phép lành thánh thể, dấu thánh, thánh Phê-rô, phép lạ… Điều này có thể dễ dàng lý giải, nhà thơ Mai Văn Phấn là người am hiểu sâu sắc về đạo Chúa, là một người mộ đạo. Bởi thế ngôn ngữ của Kinh thánh không có gì xa lạ với nhà thơ:
“Chúa Jê-su và Phật Thích – ca
Trên cỗ xe năm 2000
Cả Người tôi yêu mến nữa
Họ cùng bên nhau lặng yên.
Thế rồi xe tới Hoàn nguyên
Họ vụt oà lên nức nở
Nước mắt thành đầu còn cỗ xe thành chân trẻ nhỏ
Khi gửi xiêm y vào gió
Họ ôm chầm lấy nhau”
(Hoang tưởng năm 2000 - Mai Văn Phấn)
“Cùng ngước lên tiếng chuông ngân
Chờ Thánh Phê-rô ban phép lạ”
(Từ pháo đài Petro - Pavlovsk - Mai Văn Phấn)
Thơ Mai Văn Phấn còn xuất hiện những lớp từ ngữ xuất phát từ tấm lòng yêu mến Thiên Chúa, tác giả thực sự là người có lòng sùng mộ đạo Chúa. Có thể thấy thơ ông luôn thể hiện sự thành tâm của nhà thơ đối với Đấng siêu hình trong một Đức tin tuyệt đối:
“Tôi sải bước
Tới nhà thờ Chúa Cứu Thế
Lòng tràn đầy đức tin”
(Tôi tin - Mai Văn Phấn)
Trong những bài thơ thể hiện tình yêu của con người, nhà thơ Mai Văn Phấn đã kết hợp lớp ngôn ngữ của tôn giáo tạo nên những sắc thái âm điệu riêng. Nhà thơ rất khéo léo khi lồng tình yêu đôi lứa vào không khí linh thiêng của giáo đường, vẻ đẹp huyền hồ của tôn giáo làm cho tình yêu lứa đôi trở nên lung linh nhiệm màu:
“Nắng sớm và hơi nước
Phủ lên đôi trai gái
Hôn nhau bên bờ kênh Griboedov
Tôi sải bước
Tới nhà thờ Chúa Cứu Thế
Lòng tràn đầy đức tin
Đôi trai gái ấy
Nhuộm vòm lá vàng hơn
Cho đàn bồ câu, chim sẻ gần hơn
Trước cửa nhà thờ
Từng đôi trai gái
Trao nụ hôn
Ngỡ họ đang rửa tội cho nhau
Theo Bí tích Thánh Thể
Dầm mình đợi phục sinh
Một cụ già ngước lên làm dấu thánh
Hỏi tôi có tin không”
(Tôi tin - Mai Văn Phấn)
Nhà thơ sử dụng những hình ảnh nghi lễ của tôn giáo như nghi lễ cử hành Bí tích thánh thể, đồng thời nhà thơ cũng nói đến niềm tin mong mỏi của con người vào ngày Phục sinh để có hạnh phúc vĩnh cửu. Ngày Phục sinh theo quan niệm của Thiên Chúa giáo là ngày Chúa sống lại vinh hiển để củng cố cho con người niềm tin về hạnh phúc đời sau. Trong tâm thế tôn nghiêm của nghi lễ rửa tội và lòng tràn đầy đức tin, nhân vật trữ tình trong bài thơ đã hướng lòng “đợi phục sinh” chính là đợi chờ ngày hạnh phúc không chỉ ở đời này mà còn trọn vẹn cả đời sau. Ngôn ngữ thơ mang dấu ấn tôn giáo có ý nghĩa mở rộng biên độ liên tưởng đồng thời khơi gợi nhiều xúc cảm thiêng liêng trong thơ Mai Văn Phấn.
2.2. Tính chất siêu thực trong ngôn ngữ thơ
Trong bài viết Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn, Hồ Thế Hà nhấn mạnh đến thế giới hình tượng, khả năng tạo sinh nghĩa cũng như những sáng tạo không ngừng của Mai Văn Phấn trong hành trình thi ca: “Càng về sau, Mai Văn Phấn càng ý thức thể hiện tâm thức hậu hiện đại trong sáng tạo thông qua hệ ngôn từ và hình ảnh lạ đã làm cho thơ anh không dễ đọc, không dễ hiểu ngay tức thì. Và đó cũng chính là điều làm nên thi pháp riêng Mai Văn Phấn... Ý thức đổi mới thi ca luôn thường trực trong từng cảm giác bé nhỏ của chính người thơ mà anh tự gọi là “vong thân” – tức phủ định bản ngã thi sĩ trước đó của mình để được tồn tại trong một trạng thái tình cảm luôn luôn mới và trong một dạng thái ngôn ngữ luôn luôn khác – nghĩa là luôn luôn tạo sinh nghĩa – đã làm cho thế giới thơ Mai Văn Phấn không ngừng vận động, không ngừng phá và thay” [1]. Hồ Thế Hà cũng đề cập đến tâm nguyện và đức tin tôn giáo thơ của Mai Văn Phấn trong hành trình vượt qua những thử thách để có thể sáng tạo: “Trong một phỏng vấn ngắn, khi được hỏi: Mỗi người chỉ có một lần cơ hội, Mai Văn Phấn trả lời: Chết như một nhà thơ. Đó có thể xem như tâm nguyện và đức tin tôn giáo thơ của Mai Văn Phấn. Anh đã tự nguyện làm “con chiên” của thơ để mang vác cây thánh giá chữ đi cùng hành trình cuộc sống – hành trình thi ca mong cứu chuộc tâm hồn mình và đóng đinh niềm tin vào sự sáng tạo. Muốn vậy, nhà thơ còn phải tiếp tục vượt qua thử thách, hệ lụy bằng cách luôn vượt chính mình, nói theo ý nghĩa và trong khuôn khổ của sự tiến lên, nhằm làm thất bại (hay thất vọng, cũng thế) mọi nuông chiều theo những sở thích dễ dãi để thực sự tự do hoàn toàn trong vương quốc của chữ và nghĩa mà tư tưởng nhà thơ mang vác. Dù cuối cùng có thể bị thất bại, nhưng không thể không tiếp tục hướng về đích vinh quang mà thơ ca đang vẫy gọi và chờ đón” [1].
Tác phẩm văn học luôn lấy ngôn từ làm công cụ, chất liệu xây dựng hình tượng nhân vật, hình tượng thơ. Bởi thế “yếu tố thứ nhất” (M. Gorki) của văn học, của thơ chính là ngôn ngữ. Ngôn ngữ thể hiện cá tính, sự sáng tạo của người nghệ sỹ. Để tạo dựng những hình tượng thơ sống động, phong phú buộc nhà thơ phải nghiêm túc, công phu trong nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ. Ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn mang tính chất siêu thực, thể hiện ở cấu trúc câu thơ, vần và nhịp không theo cấu trúc thông thường, không tuân theo cách gieo vần truyền thống, cách ngắt nhịp mới lạ. Ý nghĩa của việc sử dụng kiểu ngắt nhịp, gieo vần, cấu trúc câu thơ khác lạ cho thấy sự sáng tạo của nhà thơ trong sự dẫn dụ của tư duy tôn giáo. Ngôn ngữ siêu thực có tác dụng diễn đạt những sắc độ cảm giác, chuyển tải những cung bậc cảm xúc thi nhân một cách chính xác, mặt khác đưa thơ dấn sâu vào tiềm thức, vào giấc mơ một cách không tự giác. Nhà thơ đã sử dụng hệ thống ngôn ngữ siêu thực, huyền diệu, đậm màu sắc tôn giáo. Trong sự dẫn dắt của cảm hứng tôn giáo, ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn trở nên tinh tế, huyền hồ, ảo diệu, đậm màu sắc siêu thực. Nhà thơ trong khi sáng tác thường dành chỗ để vô thức, tâm linh cất lời, tiếng nói của tâm linh cất lên tiếng trong nhiều bài thơ:
“Hồn ta thoát xác ve sầu
Bóng cây đậm nhạt biết đâu mà tìm”
(Lơ lửng - Mai Văn Phấn)
“Hồn mình dựa chốn mong manh
Rồi hư danh ấy cũng thành hư không
Mắt vừa mở với rạng đông
Chân trời hổn hển phập phồng ngón chân”
(Kinh cầu ban mai - Mai Văn Phấn)
Đặc biệt, trong sự dẫn dụ của cảm hứng tôn giáo, ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn khơi sâu vào thế giới siêu thực, mơ hồ:
“Nơi ấy da thịt em đã ngủ, bởi trong anh có tiếng tâm linh đang thì thầm:
Em lần theo bóng mây trôi
Thấm qua sóng lá vô hồi
Ðằm vào anh tiếng chim đôi bất ngờ
Làm vang lên những dây tơ vừa chùng.
Nhòa tan anh với mung lung
Em là giếng gió trong lòng
Nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì
Hư vô thành thật cũng vì yêu em!
Tiếng em gọi chói chang bên kia sông mơ, con thuyền anh bỗng thành con chó nhỏ (...)”
(Em xa - Mai Văn Phấn)
Không phải là bài thơ lục bát dẫu vẫn có câu lục, câu bát: “Em là giếng gió trong lòng/ Nhấn chìm anh thoắt đã không còn gì”. Vần gieo tạo nhạc tính rất hợp với kiểu thơ lục bát quen thuộc nhưng giọng điệu tâm linh trong thơ Mai Văn Phấn lại khiến người đọc không khỏi ngạc nhiên, đặc biệt khi những câu chữ, hình ảnh kết thúc vang lên đầy kì lạ: “Tiếng em gọi chói chang bên kia sông mơ, con thuyền anh bỗng thành con chó nhỏ”. Đây là một câu thơ mang dấu ấn siêu thực, “da thịt em” say giấc ngủ, tiếng em gọi anh được vang bằng thị giác “chói chang” ở không gian mơ mộng, con thuyền anh (hay chính anh) bỗng chốc biến hình? Ở bài thơ này “con thuyền anh” lại biến thành “con chó nhỏ” rất kì lạ. Nhận xét về ngôn từ nghệ thuật trong thơ Mai Văn Phấn, Nguyễn Thị Thùy Trang trong công trình Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực trong thơ Mai Văn Phấn cho rằng: “Không gian thơ Mai Văn Phấn luôn hiện hữu bằng những cú va đập mạnh, làm người đọc giật mình, có khi thảng thốt vì những “cú đúp” ngôn từ, hình ảnh xuất hiện bất ngờ nằm ngoài sức tưởng tượng thông thường. Những hình ảnh siêu thực kiểu “Ta hay con kén đang nằm trên nong” rồi “bầu trời tựa cái chén không” hay “hồn mình dựa chốn mong manh”... đã trỗi lên ngay từ khúc dạo đầu của thơ ông trong những vần lục bát uyển chuyển” [15]. Không dừng lại việc mô tả những gì hiện hữu, nhà thơ còn có khát vọng nhập thần để được trải nghiệm vô thức trong từng giấc mơ:
“Bóng những chiếc ghế, hàng cây, ngọn tháp...
Trốn màn đêm đi tìm ước mơ
Những lưng ghế không biết đổ mồ hôi
Và tán lá không làm ra diệp lục
Cả quả chuông cố rung lên mà không thành tiếng
Ranh giới giấc mơ -
Ranh giới chân trời...
Những giấc mơ cố vùng vẫy đến tận cùng sự thật
Nhưng bóng ghế, bóng những hàng cây, ngọn tháp...
Ngã sõng xoài về phía sắp bình minh.”
(Phía sau ánh sáng - Mai Văn Phấn)
Thơ Mai Văn Phấn gợi nhiều tầng nghĩa, nhiều ám ảnh và nhận thức mới mẻ từ hệ thống ngôn ngữ siêu thực. Trong quá trình khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, những thi phẩm mang dấu ấn siêu thực của Mai Văn Phấn đã hòa quyện cả thế giới ý thức và vô thức một cách trọn vẹn, giúp thế giới của vô thức kết hợp nhuần nhuyễn với hiện thực của đời sống. Mai Văn Phấn đã triển khai thi pháp hiện đại và tâm thức hậu hiện đại đầy sáng tạo, đầy ám thị trong nhiều bài thơ, đáng chú ý là bài thơ Chọn cảnh:
“Trong mơ ngả mình trên biển
gối đầu lên tay em
Em nghĩ nơi đây biển sâu tám mét
(tôi đọc được ý nghĩ)
có đám mây và chim hải âu
Tôi mang giấc mơ ra phố
lúc ăn sáng thấy mình giống miếng mộc nhĩ
sôi lên trong nồi nước dùng
nồi nước sâu tám mét
Vào thăm bạn trong ngõ hẹp
biển số nhà giống miếng mộc nhĩ
đang sôi trong nồi nước dùng
tiếng bạn vọng từ độ sâu tám mét
Khép bớt cửa vì lạnh
Hơi ẩm mơ hồ ngấm xuống rất sâu
Thấy khoảng cách từ chân ghế tới bức tượng
tiếng mọt kêu tới vụt nhanh tia chớp
giữa những khuôn mặt trong quán phở xa lạ...
bằng khoảng cách giữa đám mây và chim hải âu
đẹp tuyệt vời trên độ sâu tám mét”
(Chọn cảnh - Mai Văn Phấn)
Bài thơ là những chắp nối từ câu chuyện phi logic trong giấc mơ, những hình nét của đời thực bị nhòe mờ, xáo trộn và lặp đi lặp lại. Bài thơ đưa đến những dự cảm, lo âu của con người về khoảng cách giữa thực tế và ảo tưởng, giữa thế giới của giấc mơ và hiện thực, giữa khát khao và thực tại. Nhà thơ mượn tiếng nói đời sống tâm linh, trực giác để dẫn dắt con người vào lối đi của mê cung, để đánh thức những bản ngã sâu thẳm trong tâm hồn con người. Trong một lần trả lời phỏng vấn, Mai Văn Phấn từng nhấn mạnh: “Thơ ca càng ảo bao nhiêu càng đem lại sự chân thực bấy nhiêu”; bởi ông cho rằng “hiện thực trong thơ được hiện hữu trên một “mặt phẳng cong”. Mai Văn Phấn mượn thế giới của vô thức, tâm linh, của trực giác thể hiện được nhiều tầng của đời sống. Lối viết tự động tâm linh chính là một thủ pháp kĩ thuật sáng tạo độc đáo của Mai Văn Phấn.
Thơ văn xuôi Mai Văn Phấn cũng cho thấy nỗ lực của nhà thơ trong việc đào sâu vào tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh. Trong nhiều bài thơ văn xuôi, rất dễ bắt gặp hiện tượng những câu chữ miên man, liên tục, không ngừng nghỉ, không ngắt dòng, không dấu ngăn cách cú pháp. Có lẽ, đó là một hình thức phù hợp hơn cả trong việc diễn tả, khơi gợi những miên man, rối bời của thế giới mộng mị, của vô thức:
“… đọt mầm vươn trong vòm họng tốt tươi dịch vị cỏ mật đắng rôn rốt trái non đàn dế mở tiếng hoan hỉ thoát nạn mùa đông mặt hồ đang khai sinh ra nước rơm rạ tự nguyện hiến thân trong tro trấu nguội tàn mọi nghiêm cẩn bỡn cợt đều nhầm lẫn bởi muôn đời chim chóc về chao lượn bầu trời không hình nhân nón rách trên đồng không sợ hãi mọi người đi trong tự tin ướt át không lời răn hay van vái ý nghĩ ước phục sinh của vòm diệp lục đang thở mùi chăn ấm gọi da thịt em trong trái chín mắt cắt gọt từng lớp vỏ nhói ngực cuồng si từ đỉnh đầu chảy xuống thắt lưng em sinh thành anh hạt nước to mọng rơi xuống đám kiến vừa từ chối phô diễn bản năng đằng đẵng xếp hàng trong sương khói phủ mờ quan niệm mất đà mọi quán tính anh ước trong sự không rõ ràng được thả hết mọi hoang tưởng mà hy vọng nhiều điều...”
(Mười bài tập mùa xuân)
Thơ văn xuôi cũng là một thể loại phù hợp để nhà thơ mô tả hiện thực đời sống, một hiện thực đời sống phức tạp cũng như diễn tả dòng tâm tư bất định, phi lí của nhà thơ ở thế giới vô thức, tâm linh. Chịu sự chi phối của một nhãn quan nghệ thuật đậm tính siêu thực, thơ Mai Văn Phấn có nghệ thuật tổ chức hình tượng khá đặc biệt, khác lạ. Nhà thơ đi sâu khai thác tiếng nói của vô thức, trực giác, tâm linh, dùng tưởng tượng như một phương thức mô tả, tái hiện đặc thù, đồng thời tô đậm tính ngẫu nhiên, đứt đoạn, phi logic trong mạch cảm xúc, liên tưởng, nhấn mạnh tính khác lạ, dị thường của hình tượng cũng như ngôn ngữ của thơ.
Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn không chỉ chi phối đến hệ thống hình ảnh, biểu tượng, tư duy sáng tạo mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến ngôn ngữ và giọng điệu trong thơ. Mai Văn Phấn đã mạnh dạn cách tân với ngôn ngữ vừa mang màu sắc tôn giáo và chất siêu thực, tác giả đã thể hiện được hiện thực và tâm linh trong thơ một cách sinh động. Là nhà thơ nhạy cảm, Mai Văn Phấn đưa lại những nhận thức mới mẻ về bề sâu hiện thực cuộc sống và thế giới tinh thần, đem lại ý nghĩa triết lí sâu sắc trong thơ. Để chuyển tải vẻ đẹp thiêng liêng có phần trừu tượng của tôn giáo, nhà thơ thường lựa chọn và tạo dựng những hình ảnh giàu sức gợi, giàu sức khái quát, xây dựng những ẩn dụ tượng trưng đặc sắc. Chính các tầng nghĩa ẩn dấu bên trong các hình ảnh ẩn dụ khiến cho thơ Mai Văn Phấn giàu triết lí, triết luận. Nhà thơ quan niệm cuộc đời luôn tồn tại sự song hành của ánh sáng và bóng tối: “Ánh sáng đã ngủ yên/ Trong vòng tay của đêm/ Ta đang hồi sinh” (Nghi lễ cuối cùng - Mai Văn Phấn). Trong thơ Mai Văn Phấn màu sắc tôn giáo thể hiện rõ nét khi có sự phân lập giữa ánh sáng và bóng tối. Tôn giáo phân biệt rất rạch ròi ranh giới giữa thiên đàng - địa ngục; thiên thần - ác quỷ; thiện - ác, ánh sáng - bóng tối. Ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn, chính là miền ánh sáng của hạnh phúc ngay chính cuộc sống hiện tại, Mai Văn Phấn tìm thấy hạnh phúc của cõi thiên đường tồn tại ngay trong cuộc sống trần thế. Trong thơ Mai Văn Phấn có sự xuất hiện của hình ảnh cõi thiên đường và cả cõi niết bàn. Trong Qua hoàng hôn, Mai Văn Phấn đã thể hiện ước nguyện về cõi niết bàn ở kiếp sau:
“Hoàng hôn như một cửa chùa
Hư không trên ngón tay vừa đi qua
Ta ngồi nhập định cùng hoa
Thành chuông ai thỉnh ngân nga cỏ mềm
Cầm tay gió dắt vào đêm
Mà hồn xanh lỡ để quên cuối trời
Dấu chân xin cát chớ vùi
Cho ta về lại luân hồi kiếp sau.”
(Qua hoàng hôn - Mai Văn Phấn)
Hình ảnh của ánh sáng trong thơ Mai Văn Phấn cũng khiến độc giả liên tưởng về cõi thiên đường lung linh huyền ảo, ánh sáng tinh khôi của niềm tin trong thơ Mai Văn Phấn khả năng xuyên qua thế giới tối đen, bí ẩn:… “chỉ khi một cánh chim bay tia sáng ngôi sao vô tình nào bỗng xuyên thủng lớp vỏ kia bí ẩn, hay hạt gống được chạm vào dịu nhẹ ngón tay của mùa xuân, mọi trật tự và quan niệm sẽ khác” (Giải pháp - Mai Văn Phấn), việc phân định ánh sáng và bóng tối thể hiện tư duy tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn khá rõ nét:
“Qua kẽ lá, nắng lay tôi từng giọt
Chén rượu nào vừa uống đêm qua
Gió ào đến hôn tôi từng đợt
Tựa thiên thần lại vỗ cánh bay xa.
Từ bóng tối hiện ra
Thân tôi như ngây
Trong hương hoa dại
Tôi đã lịm đi trong u tịch phủ dầy
Và còn nhiều thú dữ đâu đây
Chúng cũng mơ thấy em và mẹ
Đâu phải người... tôi đã nắm lấy tay
Vẫn ấm áp và hồn nhiên đến thế!
Giờ tôi đứng lên bằng đôi chân con dế
Trên ngọn cỏ mềm lướt đi nhè nhẹ
Rồi cố gọi lên bằng tiếng loài người
Lỡ qua cửa rừng không ai nhận ra tôi.”
(Ngủ quên trong rừng - Mai Văn Phấn)
Sự phân biệt rạch ròi của ánh sáng và bóng tối đã cho độc giả thấy tinh thần tôn giáo trong sáng tác của Mai Văn Phấn, nó mở rộng liên tưởng của độc giả đến chiều sâu của hiện thực tâm linh, đó là một hiện thực đầy suy nghiệm, trăn trở về cuộc sống và sự tồn tại, thấm nhuần tư tưởng tôn giáo. Thơ Mai Văn Phấn đi sâu vào cõi vô thức, vào thế giới tâm linh, từ đó phủ lên thơ một thứ ngôn ngữ tôn giáo siêu thực, huyền diệu. Sáng tạo thơ đối với Mai Văn Phấn cũng là con đường để nhà thơ vươn đến thế giới thiêng liêng hư ảo, đẹp đẽ của tôn giáo.
2.3. Triết lí tôn giáo trong ngôn ngữ thơ
Tình yêu, duyên kiếp, phận người là những chủ đề đặc sắc trong thơ Mai Văn Phấn, tất cả những chủ đề đó đều gắn với những quan niệm và triết lí sâu xa của nhà thơ. Ngôn ngữ thơ Mai Văn Phấn mang tính triết lí, mang chiều sâu của những tư tưởng thần học và triết học, được đúc kết từ các giáo lý, triết lý của cả Kitô giáo và Phật giáo. Trong một tư cách khác biệt, nhà thơ vừa là một thi sĩ, vừa là một triết gia tôn giáo. Những cảm nghiệm, suy tư về tôn giáo được gắn liền với cảm xúc riêng tư của nhà thơ trong quá trình sáng tạo ra thế giới nghệ thuật. Cùng với những xúc cảm riêng tư, những chia sẻ, giãi bày hay những suy tư mang tính cá nhân, thơ Mai Văn Phấn đã tiến xa hơn, cất lên những vấn đề triết lí mang tầm phổ quát như: triết lí về cuộc đời, về tình yêu, về kiếp nhân sinh...
Khi viết về đề tài tình yêu, Mai Văn Phấn chịu ảnh hưởng quan niệm của Phật giáo về duyên kiếp. Tác giả Yên Nguyên trong bài viết Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn đã khẳng định: “Trước hết, như mọi tín đồ ngoan đạo, nhà thơ nói rằng tình yêu là duyên từ muôn kiếp” [7], quan niệm này thể hiện rất rõ trong tác phẩm Buông tay cho trời rạng:
“Luồng sáng mỏng trên con đường lát đá kia là cánh cửa sâu hút mở ta vào kiếp trước. Kiếp trước anh và em là đôi rắn nước trườn qua bụi cỏ xuống hồ, bơi sóng đôi mềm mại. Là thủy triều cuốn vào chân núi, qua ngàn năm mới để lại vết hằn. Là đôi khủng long lồng lộn trong sa mạc nóng. Đôi đại bàng rơi tự do giao phối trên không. Hai gốc cây bện chặt khi giông bão”
(Buông tay cho trời rạng - Mai Văn Phấn)
Có thể nói, ý tưởng về duyên nghiệp là một ý tưởng quen thuộc bởi vì hầu hết những người đang yêu thường nghĩ rằng họ sinh ra để dành cho nhau. Tuy nhiên trong thơ Mai Văn Phấn, chúng ta thấy nét độc đáo ở chỗ tác giả đã tạo nên cái riêng ở những vần thơ mà một người bình thường khó có thể làm được đó là ý nghĩ mở cánh cửa vào tiền kiếp. Yên Nguyên cho rằng chính ý tưởng độc đáo đó khiến cho nhà thơ thể hiện được ý nghĩa sâu sắc của tình yêu trong ý tưởng duyên nghiệp của tôn giáo: “Cái riêng ở những vần thơ này là cái không kẻ thường nào làm nổi: mở cánh cửa vào tiền kiếp. Để rồi choáng váng khi biết được tình yêu này đã trải qua tam giới lục đạo luân hồi mà sợi dây ái tình không dứt. Tình trong tiền kiếp còn thế, huống hồ tình trong hiện tại. Và hình như bao nhiêu đắm say cùng đau đớn bạo liệt trong muôn kiếp trước tụ lại một kiếp này, để đôi tình nhân yêu một lần cho mãi mãi. Những câu thơ này thúc mạnh vào tâm can người đọc, làm dậy lên khao khát yêu và được yêu như thế” [7].
Trong thơ Mai Văn Phấn, ngôn ngữ thơ mang đậm triết lí tôn giáo. Bên cạnh quan niệm về duyên kiếp thì thơ văn xuôi Mai Văn Phấn còn chứa đựng qui luật nhân - quả về kiếp người:
“Và như thế, cội nguồn trong gang tấc, lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau. Những linh hồn kia chưa kịp đầu thai, đang ngưng lại nơi không gian thờ phụng, bay lửng lơ rồi nấp vào bái vật giáo bất động”
(Bức ảnh, trái cây và giấc mơ - Mai Văn Phấn)
“Kiếp” là một khái niệm của đạo Phật nói về sự luân hồi của đời người theo qui luật nhân - quả, Phật giáo quan niệm kiếp trước gieo nhân nào kiếp sau sẽ nhận quả ấy. Trong bài thơ trên, sự nghi ngờ của tác giả “lúc quay về là đi hết đời mình, hay chờ luân hồi trở lại kiếp sau” là hoàn toàn hợp lí vì con người hiện đại ngày nay ít nhiều đã đánh mất niềm tin vào cái thiện, họ sống vô cảm và dửng dưng hơn. Ở nhiều bài thơ khác, Mai Văn Phấn cũng cảm nhận cuộc đời con người với hành trình đổi thay không ngừng với lớp ngôn ngữ mang màu sắc của tôn giáo như “hóa thân”, “kiếp”, “xác”, “hồn”:
“Hóa thân giọt nước mùa hè
Một đêm trở gió bay về với thu
Dẫu chưa trọn kiếp sương mù
Xin tan loãng kẻo trăng lu cuối trời
Bao lần xanh biếc rong chơi
Mấy lần úa rụng tiếng người vọng theo”
(Khúc cảm mùa thu - Mai Văn Phấn)
...
Nhiều bài thơ của Mai Văn Phấn đã thể hiện dấu ấn Phật giáo thấm sâu vào cảm xúc của thi nhân và được thể hiện sinh động trên bề mặt ngôn ngữ. Bằng nhãn quan tinh tường và một trái tim nhạy cảm, nhà thơ đã có những suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, con người. Đó là những suy niệm về kiếp người:
“Khi tôi ngủ say hồn ra khỏi xác
Lâng lâng trên những cánh hoa
Lang thang như xưa lúc mẹ vắng nhà
Quên thể xác đăm chiêu lầm lũi.
Ừ, thì ra cát bụi
Là một đời thân xác đớn đau
Gió vẫn ru xanh mướt ở trên đầu
Trời rót xuống từng cơn mưa đằm thắm.
Cái ác đã ngủ yên trong nhụy đắng
Cho đất lành thơm mát đến rưng rưng
Hồn tôi lung linh hạt nắng
Rơi xuống đồng xanh không cùng.
Và rạng đông!
Từng giọt rạng đông!
Tôi lại nhập hồn về với xác
Chẳng phải tôi, cũng không là người khác
Để hồn nhiên cất tiếng khóc lọt lòng.”
(Hồn nhiên - Mai Văn Phấn)
Tư tưởng tôn giáo thể hiện rất rõ trong quan niệm của nhà thơ về kiếp người hư vô, thân phận con người chỉ là cát bụi: “Ừ, thì ra cát bụi/ Là một đời thân xác đớn đau”. Giọng thơ mang tính triết lí sâu xa, nó thể hiện những suy tư của nhà thơ về cuộc đời con người. Các sáng tác của Mai Văn Phấn đã tạo được chiều sâu của những suy tưởng triết học và sự cộng hưởng sâu xa trong bạn đọc. Nhà thơ đã kết hợp tổng hòa giữa nghệ thuật và tôn giáo, thơ ca và triết học, khơi gợi nên những suy nghiệm sâu xa về cuộc đời của con người ở kiếp này và kiếp sau. Bằng cách này, nhà thơ đã đem lại một cái nhìn sâu hơn vào các vấn đề của đời sống, đồng thời cũng đem lại màu sắc trí tuệ, nét đẹp hiện đại cho thơ.
3. KẾT LUẬN
Hành trình đi tìm chân lí của tôn giáo giống như hành trình tìm kiếm và chạm đến cái đẹp, nó có sức mạnh thôi thúc con người một cách mạnh mẽ, tìm đến cảm hứng tôn giáo là người nghệ sĩ đang tìm về với khát vọng khám phá, khát vọng vươn tới cái đẹp - cái đẹp mang màu sắc thiêng liêng. Vẻ đẹp thiêng liêng, huyền diệu, siêu thực của ngôn ngữ tôn giáo chính là chiếc cầu nối giúp kết nối tâm hồn của nhà thơ với cõi linh thiêng tôn giáo. Mai Văn Phấn đã mạnh dạn sử dụng hệ thống ngôn ngữ của tôn giáo để làm giàu cho ngôn ngữ thi ca. Hệ thống ngôn ngữ tôn giáo đã làm cho tác phẩm của Mai Văn Phấn mang vẻ đẹp triết lí, màu sắc siêu thực và giá trị lớn về tư tưởng, tinh thần.
Tài liệu tham khảo
1. Hồ Thế Hà (2013), Thơ tạo sinh nghĩa Mai Văn Phấn,
Nguồn: https://phebinhvanhoc.com.vn/tho-tao-sinh-nghia-mai-van-phan/, (Truy cập 21/2/2019).
2. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Đồng chủ biên, 2007), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
3. Chu Thị Thu Hằng (2012), Cảm quan tôn giáo trong thơ Nguyễn Quang Thiều, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
4. Phạm Thị Hương (2012), Cảm quan tôn giáo trong Mẫu thượng ngàn và Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Hà Nội.
5. Nguyễn Tiến Lượng (2015), Nghệ thuật cấu tứ trong thơ Mai Văn Phấn, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Vinh, Nghệ An.
6. Nhóm trí thức Việt (2016), Hàn Mặc Tử - thơ và đời, Nxb Văn học, Hà Nội.
7. Yên Nguyên (2018), Kinh mạch tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn,
Nguồn:http://maivanphan.vn/default.aspx?sname=MaiVanPhan&sid=32&pageid=398&catid=779&id=13786&catname=Sang-tac-moi&title=Kinh-mach-ton-giao-trong-tho-Mai-Van-Phan--phe-binh----Yen-Nguyen, (Truy cập 21/2/2019).
8. Mai Văn Phấn (2018), Lặng yên cho nước chảy, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.
9. Lê Hồ Quang (2015), Âm thanh của tưởng tượng (phê bình thơ Việt Nam hiện đại), Nxb Đại học Vinh.
10. Từ Sơn (Giới thiệu và tuyển chọn, 2008), Hoài Thanh bình thơ và nói chuyện thơ, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
11. Hoài Thanh, Hoài Chân (2005), Thi nhân Việt Nam, Nxb Văn học, Hà Nội.
12. Mai Thị Thảo (2014), Cảm hứng tôn giáo trong thơ Mai Văn Phấn, Luận văn thạc sĩ, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội,
Nguồn:http://maivanphan.vn/default.aspx?sname=MaiVanPhan&sid=32&pageid=398&catid=788&id=4665&catname=Luan-an--luan-van--de-tai-KH-ve-tho-MVP&title=Cam-hung-ton-giao-trong-tho-Mai-Van-Phan--Luan-van-thac-sy----Mai-Thi-Thao. (Truy cập 21/2/2019).
13. Vũ Thị Thảo (2012), Đặc điểm nghệ thuật thơ Mai Văn Phấn, Luận văn Thạc sĩ, Trường Đại học Đà Nẵng, Đà Nẵng.
14. Nguyễn Toàn Thắng (2007), Hàn Mặc Tử và nhóm thơ Bình Định, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
15. Nguyễn Thị Thùy Trang (2015), Dấu ấn chủ nghĩa siêu thực
trong thơ Mai Văn Phấn, Luận văn Thạc sĩ, Trường ĐH Vinh,
Nguồn:http://maivanphan.vn/default.aspx?sname=MaiVanPhan&sid=32&pageid=398&catid=788&id=6152&catname=Luan-van-thac-si--khoa-luan-ve-tho-MVP&title=Dau-an-chu-nghia-sieu-thuc-trong-tho-Mai-Van-Phan--Luan-van-thac-sy----Nguyen-Thi-Thuy-Trang. (Truy cập 21/2/2019).
Religious in the poetry language of Mai Van Phan
Nguyen Thi Kim Hong
Abstract: Religion becomes a special spiritual element for Mai Van Phan to explain and feel life in a new perspective. Religion has an important meaning in the process of discovering the poetic and spiritual life of the poet. Religion has become a source of inspiration in Mai Van Phan's poetry. The poetic language system has a religious expression that expresses the absorption and the process of contemplating the poet's religion. In this paper, we study the religious imprint in the language of Mai Van Phan, assess the artistic contributions of Mai Van Phan in the process innovating contemporary poetry.
Keywords: religious inspiration, Mai Van Phan, poetic language.
______________
* Nguyễn Thị Kim Hồng, Nghiên cứu sinh tại ĐH Vinh, Giảng viên Bộ môn Văn học - Khoa Sư phạm - Trường Đại học Tây Nguyên.
(Nguồn: Tạp chí khoa học, Tập 48 - Số 3B/2019, Trường Đại học Vinh)
Tranh Phạm Long Quận