Tôi muốn tạo ra một phong cách thơ hiện đại thuần Việt - Nhà báo Minh Phương thực hiện phỏng vấn

TÔI MUỐN TẠO RA MỘT PHONG CÁCH THƠ HIỆN ĐẠI THUẦN VIỆT

(Nhà báo Minh Phương thực hiện phỏng vấn)

 

 

Nhà báo Minh Phương (bút danh khác của Đỗ Hiền)

 

 

Mai Văn Phấn là cái tên nổi bật trên văn đàn đương thời khi đoạt những giải thưởng thơ ca danh giá, có hơn 30 đầu sách xuất bản (với hơn 40 ngôn ngữ). Trong sự nghiệp của mình, ông luôn không ngừng cách tân, nhưng sự đổi mới qua mỗi tập thơ đều góp phần định hình nên phong cách riêng. Những ngày đầu xuân, nhà thơ Mai Văn Phấn (MVP) chia sẻ quan điểm về sáng tác, bản sắc và bản lĩnh của thi nhân.

 

ĐỔI MỚI KHÔNG PHẢI DỄ DÀNG NHƯ BỨNG CÁI CÂY SANG KHU ĐẤT MỚI

 

Nếu giai đoạn trước, gần như mỗi năm ông đều cho ra mắt một tập thơ, thì từ sau Thời tái chế (2019), chưa thấy ông xuất bản tập thơ mới. Phải chăng, đây là khoảng nghỉ của ông, hay ông đang âm thầm chuẩn bị cho sự ra đời của một tác phẩm lớn?

 

- MVP: Quá trình sáng tác và công bố tác phẩm của người viết là hai công đoạn khác nhau, thậm chí tách biệt. Một số tác giả có lúc tạm dừng ở công đoạn đầu với nhiều lý do. Tôi cũng từng mong đợi sự bùng nổ của một số nhà văn mà tôi hằng nể trọng. Sau "Thời tái chế" tôi đã viết thêm 3 tập thơ, tạm lấy các tiêu đề "nước đang chảy qua trái đất", "sương sớm" và "thở". Ba tập này đang trong quá trình hoàn thiện, tôi có đăng trên maivanphan.com. Website của tôi mỗi ngày có từ 1.500 đến 2.000 lượt người truy cập. Số lượt người truy cập này khiến tôi chưa vội xuất bản những tập thơ mới viết.

 

Thuộc nhóm những nhà thơ đổi mới như Ý Nhi, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Lương Ngọc, Dư Thị Hoàn… cho đến nay, ông vẫn không ngừng cách tân qua mỗi tập thơ. Với ông, việc không ngừng đổi mới đó có tác động như thế nào đến sự hình thành bản sắc của một ngòi bút? Sự thay đổi, cách tân không ngừng đó là lợi hay hại với việc định hình phong cách một tác giả?

 

- MVP: Trước khi đổi mới tôi đã có 3 tập thơ viết theo lối truyền thống (Giọt nắng, Gọi xanh, Cầu nguyện ban mai). Nói như vậy để thấy, tôi từng cắm rễ khá sâu vào vỉa tầng của hệ hình thẩm mĩ cũ, vốn rất ổn định. Hệ hình ấy đã hình thành những lối mòn của tư duy và cảm xúc sáng tạo của tôi, cho đến lúc tôi chợt nhận thấy sự trơ mòn, nhàm chán, quen thuộc của chính những điều mình đã viết. Đến với quá trình đổi mới, cũng không dễ dàng như bứng một cái cây trồng sang khu đất mới, mà phải có định hướng rõ ràng, có ý chí mạnh mẽ để mình dám từ bỏ ngôi nhà quen thuộc và lên đường. Cuộc ra đi trong trường hợp này không thể là chuyện phiêu lưu, bồng bột, ngẫu hứng mà cần trang bị một thi pháp chắc chắn. Người viết phải có phương hướng cụ thể cho từng lộ trình, cũng giống như trù liệu cho một cái cây mới trồng sao cho thích hợp với thổ nhưỡng và khí hậu mới.

 

Cụ thể trong việc sáng tác thơ, thay đổi trước hết phải được bắt đầu từ việc kiến tạo một không gian nghệ thuật trong tâm thức người viết, từ đơn tuyến sang đa tuyến, từ kết nối hình ảnh của hình học phẳng sang không gian đa chiều, đa điểm nhìn... Không gian mới này được kiến tạo dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc, đó là nơi khởi sinh nguồn cảm xúc mạnh mẽ cho người viết. Mỗi tập thơ của tôi đều tuân thủ theo sự "định hướng" như vừa nói. Giai đoạn đầu đến với quá trình đổi mới, thơ tôi còn bị ảnh hưởng một số khuynh hướng hiện đại, hậu hiện đại, nhưng mỗi bài thơ luôn hướng tới cái đích, đó là tạo ra một phong cách thơ hiện đại thuần Việt. Có thể bạn đọc sẽ thấy mỗi tập thơ của tôi có sự khác nhau về phương pháp biểu đạt, hay cách kiến tạo hình ảnh, sử dụng ngôn ngữ... Nhưng nếu tiếp cận có hệ thống các tập thơ của tôi đã xuất bản sẽ thấy hướng đi của tôi đã tạo ra một phong cách khá vững.

 

Với 32 cuốn thơ và sách dịch xuất bản ở nước ngoài (qua hơn 40 ngôn ngữ), Mai Văn Phấn là nhà thơ Việt có tác phẩm được dịch ra nhiều ngôn ngữ bậc nhất. Ông có bí quyết gì để thơ chinh phục được tình cảm của bạn đọc thế giới? Khi sáng tác, ông có phải lựa chọn để hướng đến số đông, hướng tới “tính nhân loại”?

 

- MVP: Nếu người viết có ý định chinh phục tình cảm của bạn đọc, hay hướng đến số đông, theo tôi, sẽ chỉ thành công nhất thời, anh ta không thể trường sức để đi xa. Tôi chủ trương kiến tạo một không gian thơ như vừa nói. Không gian ấy rộng, nhiều vỉa tầng, phong phú cảnh sắc, trong đó phản ánh rõ nét quan điểm thẩm mĩ, triết học, cảm thức tôn giáo của người viết. Hơn nữa, không gian ấy cần được tạo dựng bền vững nơi kẻ sáng tạo. Tính bền vững, chắc chắn của không gian nghệ thuật là cơ sở để sinh ra cảm xúc mạnh mẽ và lâu dài cho người viết. Cảm xúc luôn là yếu tố quan trọng nhất giúp cho người viết hình thành nên tác phẩm. Nếu không có cảm xúc, thì toàn bộ không gian mà người viết tạo dựng chỉ là những mô hình không có sự sống, không cần thiết cho ai. Người viết kiến tạo được không gian nghệ thuật cho riêng mình đã khó, giữ được cảm xúc lâu dài trong không gian đó còn khó hơn. Vậy theo tôi, cảm xúc của người viết cũng chính là bí quyết để tác phẩm của mình truyền được cảm xúc tới người đọc.

 

Cũng có một số người viết đề cao quá mức cảm xúc mà coi nhẹ các thủ pháp nghệ thuật cần có, đó là kiểu làm thơ "tức cảnh sinh tình". Khi tiếp xúc với các nhà thơ nước ngoài, tôi thấy họ thường hỏi nhau: Dịp này ông viết gì? Với câu hỏi ấy, có thể sẽ có người trả lời là không thể biết trước sẽ viết gì, tất cả phụ thuộc vào cảm xúc... Nhà thơ lãng mạn người Anh W. Wordsworth (1770 - 1850) cũng nói về cảm xúc và mối quan hệ khăng khít giữa nó với tư duy sáng tạo: "Vì rằng những dòng cảm xúc liên tục của chúng ta được điều chỉnh và định hướng bởi tư duy của chúng ta, những dòng cảm xúc mà trên thực tế là đại diện cho tất cả những cảm xúc của chúng ta trong quá khứ; và, trong lúc suy ngẫm về mối quan hệ của những đại diện phổ quát này với nhau, chúng ta khám phá ra cái thực sự quan trọng đối với con người,...[1](tạm dịch). Cảm xúc giữ vai trò thiết yếu như vậy, nhưng khi nó được kẻ sáng tạo dẫn dắt vào không gian nghệ thuật, nó phải tuân thủ mọi chuyển động và sự sắp đặt trong đó. Không gian nghệ thuật mà chúng ta đang bàn, không phải là sự tích hợp của tất cả không gian mà người viết được biết, đã trải nghiệm, mà nó chính là một cõi, một thế giới của riêng anh ta, do anh ta tạo nên bằng ý thức và cả vô thức. Viết, chính là quá trình khám phá những điều bí mật, làm hiển lộ những gì đẹp đẽ của chính người viết. Sáng tạo văn học nói chung là một hình thức thể hiện bản thân, bộc lộ những ý tưởng, kinh nghiệm và nhận thức của người viết, nó phản ánh cả thế giới bên ngoài và bên trong một cách tự do, nó mang lại tiếng nói cho những thứ không có tiếng nói và tạo nên hình dạng cho những thứ vô hình. Điều tôi vừa nói chính là hướng tới tính phổ quát của nhân loại.

 

Thơ ca thường khó chuyển ngữ. Ông có sợ tác phẩm của mình sẽ thay hình đổi dạng khi được chuyển sang ngôn ngữ khác? Ông thường lựa chọn dịch giả, Nhà xuất bản như thế nào để có thể giữ được hồn cốt thơ mình trong một ngôn ngữ không phải tiếng Việt?

 

- MVP: Tôi đồng ý với chị, thơ thường khó chuyển ngữ, bởi nó là ánh xạ của cá tính hay dấu ấn của các cuộc vượt thoát khỏi cá tính. Thơ cũng là cõi riêng của mỗi người viết, và, mỗi bài thơ là một định nghĩa về thơ. Có một số nhà thơ có quan niệm về thơ trái ngược nhau, nhưng họ đều có những vị trí xứng đáng trong lòng bạn đọc. Ví dụ, nhà thơ William Wordsworth quan niệm: "Thơ là dòng cảm xúc mạnh mẽ tự nhiên tuôn trào: nó bắt nguồn từ cảm xúc được hồi tưởng trong tịch mịch" (tạm dịch). Nhưng sau đấy hơn một thế kỷ, nhà thơ Anh gốc Mỹ T.S. Eliot (1888 - 1965) lại đưa ra quan niệm khác: "Thơ không phải là sự giải phóng cảm xúc, mà là lối thoát khỏi cảm xúc; nó không phải là sự biểu đạt tính cách, mà là sự trốn chạy khỏi tính cách”(tạm dịch). Cả hai câu tuyên ngôn về thơ của hai nhà thơ lớn trên đều đúng với những trào lưu thời đại của họ. Họ đã tạo ra những thế giới thơ khác biệt cho bạn đọc.

 

Cá nhân tôi đã đưa ra quan niệm về thiết lập không gian, như đã nói. Trong không gian ấy, tôi chủ ý sắp đặt hình ảnh và những chuyển động. Như vậy, hồn cốt thơ của tôi nằm trong nghệ thuật sắp đặt này. Nếu tính riêng theo đơn vị câu thơ thì ngữ nghĩa thơ tôi khá giản dị và dễ hiểu, có những câu khá gần với văn xuôi hoặc ngôn ngữ đời thường. Những thi ảnh của tôi biến ảo và mang những nội hàm khác chỉ khi chúng giao thoa, chuyển dịch trong không gian của cả bài thơ. Xin lấy hai câu thơ trong bài "Đỉnh gió" của tôi làm dẫn chứng: "Chờ nảy lá mầm/ Gió mang mặt đất đi". Câu thơ hàm súc với những chuyển động, không mô tả tính chất sự vật sự việc. Nghĩa "trực diện" trong mỗi câu có thể dịch sang bất kỳ ngôn ngữ nào đều không mất đi sức nặng của nó. Do vậy, các dịch giả cũng không mấy khó khăn khi chuyển ngữ những bài thơ như thế.

 

Nhà thơ Lê Đình Nhất-Lang, người dịch thơ tôi từ tiếng Việt sang tiếng Anh nhiều nhất, có lần đã nói đại ý rằng ông đã không làm "thất thoát" thơ của tôi trong quá trình chuyển ngữ. Tôi vô cùng biết ơn Lê Đình Nhất-Lang cũng như tất cả các dịch giả đã dịch thơ của tôi sang ngôn ngữ khác. Tôi đã may mắn có được cơ duyên gặp được các dịch giả giỏi, đồng thời họ là những nhà thơ tài năng, học giả uyên bác, họ luôn hiểu cặn kẽ, cảm nhận tinh tế từng bài thơ của tôi. Khởi đầu là những tập thơ của tôi được dịch và xuất bản bằng tiếng Anh, sau đó là các bản tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha lần lượt xuất hiện. Đây là những bản dịch rất sát với nguyên tác và được biểu đạt đẹp nhất bằng ngôn ngữ bản địa. Từ ba ngôn ngữ “mạnh" này, các dịch giả cũng như các nhà xuất bản tiếp tục dịch thơ tôi sang các ngôn ngữ khác không mấy khó khăn, bởi họ đã có sẵn trong tay hai hoặc ba ngôn ngữ để tham chiếu.

 

Làm thế nào để giữ được phong cách của nhà thơ nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung khi thơ được chuyển sang ngôn ngữ khác?

 

- MVP: Thơ độc đáo ở sự đa dạng với vô vàn phong cách. Sức mạnh của một bài thơ thường không chỉ nằm ở những gì được nói mà ở cách nó nói tới. Nếu người viết chú tâm vào ngôn ngữ thơ để tạo phong cách riêng, như cách tu từ, sử dụng vần điệu... thì quả thực rất khó dịch sang ngôn ngữ khác. Nhiều người cho rằng, vẻ đẹp của thơ nằm ở tính chủ quan của nó. Tôi không phản đối ý kiến này, nhưng theo tôi vẻ đẹp của thơ còn nằm ở tính khách quan, nói khác đi chính là tính vô ngã của nó. Theo Phật giáo, khái niệm về vô ngã là không có sinh linh hay vật gì chỉ có một ngã, tức nó có thể trường tồn, vững chắc mà không phụ thuộc vào cái khác.

 

Nhà thơ William Carlos Williams (1883 - 1963) cho rằng tính khách quan là xem xét một bài thơbằng con mắt đặc biệt hướng đến mặt cấu trúc của nó, cách nó được hình thành ra sao”. Và, đến năm 2020, nhà thơ người người Canada Cynthia Buell Thomas đã nhấn mạnh thêm: "Thơ cần thoát khỏi tình cảm, thái độ hay cảm xúc cá nhân của nhà thơ". Như vậy, việc kiến tạo không gian mang tính khách quan là một trong những chủ đích của thơ hiện đại. Và hơn thế, chính cách kiến tạo không gian nghệ thuật đã mang phong cách của người viết, cũng như đã dung chứa văn hóa dân tộc của anh ta. Dịch giả tinh tường thường nắm bắt được từng giai đoạn sáng tác của tác giả để dịch ra phong cách của giai đoạn ấy. Tóm lại, chuyển ngữ là công việc không chỉ nhìn mặt chữ, hay đuổi theo vần điệu, mà tùy thuộc rất nhiều vào kiến thức, sự cảm nhận sâu sắc và tinh tế của dịch giả

 

MỖI NHÀ THƠ LÀ MỘT THẾ GIỚI

 

Theo ông, điều gì giúp hình thành nên bản sắc của một nhà thơ?

 

- MVP: Mỗi nhà thơ là một thế giới. Do vậy, quan niệm của người viết về triết học và tôn giáo giúp hình thành nên bản sắc của tác giả ấy. Về quan niệm triết học, đây là mối quan tâm của nhà thơ về con người nói chung, về thế giới quan cũng như vị trí của con người trong thế giới ấy, về những vấn đề tương liên với chân lý, kiến thức, giá trị, quy luật, sự tồn tại, ý thức, ngôn ngữ... Những vấn đề này làm trụ cột trong tác phẩm mà nhà thơ đề cập. Bên cạnh đó, cảm thức tôn giáo giúp cho tác giả hình thành được thế giới tâm linh. Theo nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy, có ba trụ lớn là tam giáo trong thơ của tôi: Hồn linh giáo, Phật giáo và Kitô giáo. Với thế giới quan hồn linh giáo, tôi đã đưa thơ mình trở lại tinh thần “hòa đồng nguyên thủy”, xóa nhòa ranh giới giữa tôi và phi tôi, giữa tôi và thế giới. Trong khuynh hướng cách tân thơ hiện nay, phần lớn các tác giả đã kết hợp hài hòa giữa cái “Tôi” trong Thơ Mới, tính “đại tự sự” trong thơ thời chiến với tâm thức mở nhiều chiều của đời sống thực tại.

 

Bản lĩnh thơ ca có vai trò ra sao trong sự nghiệp của một người cầm bút?

 

- MVP: Bản lĩnh nói chung là một đức tính quan trọng của con người, nó đồng nghĩa với lòng dũng cảm, tự tin, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại. Bản lĩnh trong sáng tạo nói chung, đặc biệt trong sáng tạo thơ ca là điều tối quan trọng của người cầm bút. Nếu coi mỗi tác phẩm là một cuộc lên đường, thì bản lĩnh giúp cho người viết dám đương đầu với mọi trở ngại để đi đến đích mà mình đã chọn. Nếu người viết chọn được thi pháp hợp lý tức đã nhìn thấy hướng đi, còn bản lĩnh là động lực thôi thúc anh ta tới thành công.

 

Một mùa xuân nữa lại đến, chúng ta đang hướng tới Ngày Thơ 2024 với chủ đề “Bản hòa âm đất nước”. Trong bản hòa ca chung đó, bản sắc mỗi nhà thơ có vai trò như thế nào?

 

- MVP: Nói về vẻ đẹp và quyền năng của thơ ca, tôi luôn nghĩ rằng: Dù được viết theo bất kỳ khuynh hướng nào, thơ ca luôn mang vẻ đẹp nguyên khởi, nhằm phục sinh, tái tạo thế giới... Mỗi cá thể sáng tạo đều chọn cho mình con đường riêng biệt, nhưng mọi nhà thơ đều chung một đích đến là khám phá và tôn vinh cái Đẹp. Bản sắc mỗi nhà thơ luôn làm cho đời sống tinh thần của cả cộng đồng thêm phong phú và đẹp đẽ hơn.

 

Không chỉ sáng tạo thơ, ông từng xuất bản “Không gian khác” - tập phê bình-tiểu luận thể hiện cái nhìn về thơ ca, đặc biệt là thơ Việt sau Đổi mới. Sau công trình này, ông có viết tiếp phê bình-tiểu luận? Hiện nay, bạn yêu thơ vẫn mong muốn nhận diện diện mạo thơ ca Việt đương thời. Với quan sát của mình, ông thấy thơ Việt hiện nay có nét nổi bật, xu hướng nào?

 

- MVP: Sau năm 1986, bên cạnh những khuynh hướng bảo tồn thơ truyền thống, thơ Việt đã xuất hiện khuynh hướng mới thường được gọi chung là thơ cách tân sau năm 1986. Trong cuốn sách phê bình và tiểu luận “Không gian khác” (Nxb. Hội Nhà văn, 2016) tôi đã viết về các nhà thơ thuộc khuynh hướng này. Họ đã kết hợp những tinh hoa của các trào lưu thơ ca phương Tây với những quan niệm về tâm linh trong văn hóa phương Đông, nhằm tạo nên những diện mạo thơ độc đáo, đa dạng và khác biệt. Tôi thường tìm thấy ở mỗi tác giả một ánh sáng riêng biệt, thay vì dùng thi pháp, thủ pháp của các trào lưu để so sánh và phân tích các hiện tượng thơ, tôi thường nương theo và “đuổi bắt” đến cùng thứ “ánh sáng” mà mình đã nhìn thấy trong tác phẩm để thẩm thấu và lý giải không gian thơ của họ. Tôi viết, trước hết để hoàn thiện mình và nhận diện văn học đương đại. Sau tết Nguyên Đán, tôi sẽ cho ra mắt cuốn phê bình và tiểu luận thứ 2, mang tên "Nhịp điệu vẽ lối đi" tại Nxb. Hội Nhà văn. Đây là bước đi tiếp theo của tôi để nhận diện rõ hơn một số gương mặt thơ cách tân gần đây. Họ đã áp dụng thành công nhiều khuynh hướng thơ thế giới vào sáng tác, một mặt, họ đã làm phong phú thêm thơ Việt đương đại, và theo một góc nhìn khác, đó chính là cách để họ đến với một khuynh hướng thơ Việt hiện đại trong tương lai gần. 

 

_______________________

[1] Nguyên văn: “For our continued influxes of feeling are modified and directed by our thoughts, which are indeed the representatives of all our past feelings; and, as by contemplating the relation of these general representatives to each other, we discover what is really important to men,...” (Trích từ “Preface to the Lyrical Ballads” – 1800.)

 

(Nguồn: Báo Văn nghệ số 8 ra ngày 24/2/2024)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC

image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị