"Nhịp điệu vẽ lối đi" - Dmitry Burago thực hiện PV / В ритмах путь проявляется - Беседовал Дмитрий Бураго
NHỊP ĐIỆU VẼ LỐI ĐI
(Trả
lời nhà thơ Dmitry Burago - Biên tập viên tạp chí «Эмигрантская лира*»)

Nhà
thơ Dmitry Burago
- Dmitry Burago (D.B): Ngày nay, nhờ có Internet, con người
có nhiều cơ hội giao tiếp và thu nhận thông tin. Và chúng ta đã từng quen nhau qua
mạng. Tôi cũng đã dịch một số bài thơ của ông và đăng trên tạp chí Kiev "Collegium". Đó là một công việc thú vị, bởi trong khi làm việc với những bài thơ của ông, tôi đã nhiều lần bị thuyết phục rằng, phép ẩn dụ đã vượt qua rào cản ngôn ngữ và hợp nhất chúng ta trong thực thể thi ca. Thực tế này sâu sắc hơn, lớn hơn và đáng tin cậy hơn mô hình thông tin hiện nay. Xin ông vui lòng chia sẻ với chúng tôi ý nghĩa của ngôn ngữ thơ ca. Ẩn dụ, hình thức và âm hưởng quan trọng như thế nào đối với thơ đương đại?
- Mai Văn Phấn (M.V.P): Thưa nhà thơ Dmitry Burago! Cảm ơn ông đã mở đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi gợi mở, rất thú vị. Tôi đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc qua bản dịch tiếng Nga của ông. Trong bản dịch ấy, đúng là ông đã trung thành với phép ẩn dụ,
hình thức và âm hưởng từng câu thơ trong nguyên tác của tôi. Tôi quan niệm, thơ là ánh sáng khai thị cho con người bằng nghệ thuật
ngôn từ, làm hiển lộ cái đẹp phản chiếu tâm hồn nhà thơ, tạo lập một không gian
mới, cõi sống khác. Vậy để tạo được ánh sáng đặc biệt ấy, thì phép ẩn dụ, hình thức và âm hưởng là một trong những thủ pháp quan trọng giúp nhà thơ kiến tạo được không gian nghệ thuật của riêng mình. Nghệ thuật tạo dựng không gian, theo tôi, là điều cơ bản nhất để phân biệt sự khác nhau giữa thơ hiện đại với thơ cận đại và trước đó. Ví như trong toán học, thì thơ hiện đại tựa như hình học không gian, còn thơ trước đây là hình học phẳng. Trong không gian hiện đại ấy, những khoảng không lập phương được nối thông, đan cài, soi chiếu cho nhau, tạo nên những chuyển động đa chiều, đa tuyến tính. Nó kết
nối các chiều thời gian, làm cho quá khứ, hiện tại và tương lai cùng đồng hiện. Do vậy, phép ẩn dụ, hình thức và âm hưởng được ví như những cửa ngõ dẫn dắt người đọc vào không gian của nhà thơ. Người đọc khi ấy là người đồng sáng tạo với nhà thơ, được bình đẳng và tự do tiếp cận với bài thơ và đi theo tưởng tượng và cảm xúc của riêng họ. Điều mà ông vừa nhắc về mô hình thông tin của hiện tại không thể sinh động và thấm sâu vào tâm hồn con người bằng một không gian thơ với cường độ ánh sáng đủ mạnh dẫn dụ họ.
- D.B: Tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du và A. S. Pushkin vẫn là âm thoa nghệ thuật và chuẩn mực đạo đức cho hai dân tộc Nga và Việt. Có những tác phẩm văn học cổ điển Việt Nam bằng tiếng Nga, nhưng công việc nghiên cứu và dịch thuật lớn lao vẫn ở phía trước, để hé lộ cho độc giả hai nước một thế giới nghệ thuật Việt Nam. Xin ông cho biết số phận của văn học Nga tại Việt Nam?
- M.V.P: Đại thi hào A.S. Pushkin luôn là thần tượng của bạn đọc Việt Nam xưa và nay. Nhiều bài thơ ca ngợi tình yêu và thiên nhiên của ông được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Bài thơ "Tôi yêu em" (Я
вас любил) của ông nằm trong sổ tay của hầu hết những người yêu thơ, và từng có mặt trong sách Văn học
lớp 11 phổ thông. Nhưng rất tiếc, đại thi hào Nguyễn Du của chúng tôi cũng như các tác phẩm
văn học cổ điển Việt Nam chưa đến được với đông đảo bạn đọc nói tiếng Nga. Trở ngại lớn nhất có lẽ vẫn là rào cản ngôn ngữ. Cũng đã có một số dịch giả cả Nga và Việt Nam dành thời gian và tâm huyết cho việc dịch thuật và quảng bá văn học Việt Nam sang các ngôn ngữ khác, trong đó có tiếng Nga. Nhưng việc ấy mới mang tính tự phát và chưa có hệ thống lâu bền. Việc này rất cần một kế hoạch chiến lược do nhà nước tài trợ, bảo lãnh. Ngược lại, văn học Nga vào Việt Nam rất sớm. Những tác phẩm quan trọng của các nhà văn Nga, Ucraina, Belarus và các nhà văn vùng trung Á đều đã được dịch sang tiếng Việt.
- D.B: Ông có biết về các nhà văn Nga sống ở Việt Nam không? Được biết rằng, chính tại ngã ba của các nền văn hóa, đôi khi những hiện tượng quan trọng nảy sinh. Người Nga tham gia vào văn học truyền thống bản địa thế nào?
- M.V.P: Các nhà văn, nhà thơ Nga hầu như không định cư lâu dài tại Việt Nam, nhưng từ thế kỷ 19 họ đã đến đất nước chúng tôi. Người đến Việt Nam sớm nhất là nhà văn Konstantin Mikhailovich Stanyukovich (1843-1903).
Ông là nhà văn Nga theo khuynh hướng dân chủ, viết tiểu thuyết, làm báo... Ông đã để lại một di sản văn chương khá đồ sộ: 12 tuyển tập. Đóng góp lớn nhất của ông trong văn học có lẽ là những tác phẩm viết về biển. Năm 1860, trong cuộc hành trình vòng quanh thế giới trên một chiếm hạm Nga, ông đã đến thành phố Sài Gòn (nay là TP Hồ Chí Minh), khi thực dân Pháp vừa đặt ách cai trị ở đây. Trong cuốn sách “Vòng quanh thế giới trên tàu Korsun” - NXB “Pravda”, M.1997), Stanyukovich đã dành 1 chương viết về Sài Gòn, nơi được mệnh danh là "Hòn ngọc Viễn đông". Đó là tác phẩm văn học có giá trị, rất sinh động và hấp dẫn; đồng thời cũng là tư liệu lịch sử, tư liệu văn hóa rất quý giá.
Từ những năm đầu của thế kỷ 20, nhiều nhà văn Nga-Xô Viết có mối quan hệ thân thiết, gắn bó với Việt Nam. Tác phẩm của họ đóng góp quan trọng vào đời sống tinh thần của Việt Nam. Trong số ấy, nổi bật nhất là nhà phê bình văn học, giáo sư Nikolai Ivanovich Nikulin (1931-2005). Năm 1961, ông bảo vệ luận án tiến sĩ về tác phẩm của đại thi hào Nguyễn Du
(1765-1820) của Việt Nam. Ông đã để lại cho bạn đọc Việt Nam nhiều công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, văn học rất quý giá.
Trong những năm qua, nhiều nhà văn, nhà thơ Nga đã đến đất nước chúng tôi dự các hội thảo và lễ hội văn học. Họ đã có những chuyến đi xuyên Việt, viết về con người, lịch sử và vẻ đẹp Việt Nam. Tôi có thể kể tên các nhà thơ tài năng là bạn thân của tôi, như Svetlana Savitskaya, Vadim Terekhin,
Ruslan Pivovarov, Svetlana Melnikova-Pivovarova, Evgeny Chigrin.. Đặc biệt, nữ thi sĩ Svetlana Savitskaya đã viết tập thơ "Если
в дороге... дождь... / Nếu trên đường… mưa…" dành riêng cho Việt Nam, xuất bản bằng hai thứ tiếng Nga và Việt (do Nhà xuất bản Học viện N.E. Zhukovsky, Мax-cơ-va ấn hành năm 2021). Svetlana luôn dành trọn vẹn trái tim mình cho Việt Nam bằng tình yêu nồng nhiệt không biên giới. Tôi nhớ trong bài thơ có tên “Việt Nam” chị đã viết:
“Hãy hấp thụ như nhận giấc mơ
Mọi minh khí trời đất
Hãy cho chúng tôi
Bật tung nội lực.
Việt Nam!”
- D.B: Chúng ta tồn tại trong một mô h