Trần Lê Khánh, "một giây nữa là đến mai" (phê bình) - Mai Văn Phấn
Trần Lê Khánh, "một giây nữa là đến mai"

Nhà thơ
Trần Lê Khánh - Ký họa của HS Hoàng Tường
Mai Văn Phấn
Xuất hiện trên văn đàn
mới khoảng một thập kỷ gần đây, nhà thơ Trần Lê Khánh đã nhanh chóng tạo được
dấu ấn riêng. Thơ anh đậm chất thiền, dung hòa triết lý phương Đông với tư duy
hiện đại. Tác phẩm của anh hướng đến sự hài hòa giữa con người và vũ trụ, đồng
thời khám phá chiều sâu triết lý trong những điều tưởng chừng nhỏ bé, giản dị,
mở ra những tầng nghĩa phong phú. Sau tám thi tập liên tục ra mắt từ năm 2016,
Trần Lê Khánh tiếp tục khẳng định vị thế của mình trong năm 2024 với thi tập "Đồng" (Nxb. Văn học). Phải nói rằng thi pháp
lục bát của anh đã chín muồi trong thi tập này, với cấu trúc bốn cặp câu mỗi
bài, không gây cảm giác gò bó hay khiên cưỡng mà tuôn chảy tự nhiên, tự do và
giàu sức gợi, mở ra không gian suy tưởng phong phú.
Vẫn
biết với thể thơ truyền thống như lục bát, nếu không có sự sáng tạo trong thi
pháp, thơ rất dễ đi vào lối mòn, chỉ là vần điệu du dương, đèm đẹp mà sáo rỗng.
Song thi tập mới này của Trần Lê Khánh, gồm 100 bài thơ mang nhan đề "Xứ", được đánh số thứ tự và phân chia thành
11 chương, thực sự là một thứ rượu nồng nàn hương vị mới lạ đựng trong chiếc
bình cổ quý giá.
Mở đầu chương 1 của tập thơ "Đồng" là câu lục
bát “không cần đếm cho mùa xuân/ bao nhiêu con bướm chân trần lấm hoa”, mở
ra một cảnh giới hoàn toàn tự nhiên, hình ảnh trong trẻo, tứ thơ nhẹ nhàng mang
hơi thở mùa xuân, nơi vạn vật thảnh thơi, phơi phới, thoát khỏi sự kiềm tỏa của
lý trí. Sinh vật bé nhỏ ấy, từ khoảnh khắc hiện diện, đã dẫn dắt nhà thơ vào
hành trình khám phá, nơi trời đất giao hòa, muôn vật sinh sôi. Hành trình thơ
Trần Lê Khánh là cuộc viễn du qua cõi người, thiên nhiên và vũ trụ, đồng thời cũng
là cuộc đối thoại sâu sắc với chính mình, với nhân sinh. Mỗi bài thơ trong tập
"Đồng"
là một “Xứ” – tựa khoảnh khắc lắng đọng, nơi mọi hữu thể đều sống động và đượm
màu suy tưởng. Hành trình bắt đầu từ “con bướm chân trần”, biểu tượng
của tự do và thơ ngây, để rồi khép lại ở chương cuối với hình ảnh “những
bước chân nhỏ” nhẫn nại, cần mẫn của một chú kiến: "Con kiến buộc
lại lối đi/ những bước chân nhỏ như vì sao xanh".
Riêng cái nhan đề của tập thơ đã đầy ấn
tượng, khơi gợi nhiều cách tiếp cận và suy ngẫm. "Đồng", theo cảm
nhận của tôi, biểu đạt hành trình đa chiều: đó là quá trình quy tâm, tỉnh ngộ,
thấu hiểu, trở về, thâm nhập, gói gọn, tái tạo bản thể... Và "Đồng",
cũng là sự đồng hiện. Từ điểm hội tụ, đồng hiện ấy, vạn vật lại tiếp tục chuyển
dịch: triển nở, lan tỏa, tan rã, khuếch tán, phân hủy, bành trướng, truyền bá,
thoái trào,... mờ nhạt dần theo dòng chảy của thời gian. Chuyển dịch này tựa
như những đợt gió mùa hay cơn sóng khí hậu làm thay đổi cảnh sắc thiên nhiên,
tác động đến tâm lý và thể chất con người, xáo trộn mọi nhịp điệu sinh tồn.
“ta về phố xá rộn người
nắng vàng nằm gãi ngọn đồi xa xa”
(Xứ 99);
“cơn mưa đổ xuống hai vai
tôi nối tôi với một vài giọt rơi”
(Xứ 96)
Biến
động của thiên nhiên, vũ trụ trong những câu thơ trên thấm sâu vào tâm lý, cảm
xúc và nhịp điệu sống. Những chuyển dịch ấy vừa xáo động tâm hồn vừa mở ra nhận
thức về sự tồn tại và mối liên hệ bất tận giữa cái tôi và thế giới. Thiên nhiên
không còn là phông nền tĩnh lặng mà trở thành nguồn năng lượng, khơi dậy, thức
tỉnh và hòa quyện bản thể con người với nhịp điệu miên viễn của đời sống.
Thơ Trần Lê Khánh là dòng chảy của tâm
thức, dẫn dắt người đọc qua nhiều tầng không gian và thời gian. Hành trình ấy
trải ra từ xa đến gần, từ sự mờ tối đến sáng rõ, từ ngoại vi đến nội tâm. Đó là
quá trình thâm nhập vào tầng sâu tâm thức, nơi cảm nhận và ý niệm được tái sinh
trong ánh sáng minh triết, chạm đến cốt lõi bản thể. Trên hành trình này, ngôn
ngữ thơ Trần Lê Khánh như những cánh cửa hé mở, nơi từng thi ảnh chứa đựng năng
lượng của sự tỉnh thức. Quá trình quy tâm của bản thể được khởi ngay từ bài thơ
đầu tiên.
"sân chùa
đôi dép để xa
tiếng chuông
vọng tới tự va vào trời";
"nhà sư bỗng thấy vắng mình
trong yên lặng
đóa hoa quỳnh nở ra"
(Xứ 01)
Hình ảnh "đôi dép" như bật
dậy, biến hóa khi nghe tiếng chuông, hay "nhà sư" an trú trong tâm
không tĩnh lặng, đã mở ra những tầng ý nghĩa ẩn dụ sâu xa trong trùng trùng
duyên khởi. Ở đó, tâm thức con người hiện ra như một thực thể vừa độc lập vừa
hòa nhập, đặt ra câu hỏi: đó là tiếng nói của cá nhân hay sự tan hòa trong dòng
chảy ý niệm? Những vần thơ của Trần Lê Khánh, tuy bình dị và gắn liền với đời
thường, lại ẩn chứa triết lý sâu sắc về bản thể, về mối tương quan giữa cái tôi
và vũ trụ.
"rót tiếng
chân vào con đường
cho đầy những
chuyện bình thường cuối năm"
(Xứ 04);
"người về
rót xuống cụm mây
thế là quán xá
trổ đầy khách quen"
(Xứ 27)
Những câu thơ của Trần Lê Khánh phảng
phất hoài niệm và khát vọng tái hồi, như một nỗ lực hòa nhập với cái nguyên sơ,
thuần khiết. Anh dẫn dắt người đọc vào cõi trầm mặc và sâu lắng, nơi sự trở về
không chỉ là hành động mà còn là sự thẩm thấu của ý niệm.
"nắng
vàng về lót ban mai
con đường khẽ
dụi lên vài bước chân
rõ ràng trong cõi trầm luân
mây đổ bóng xuống
ba lần mới thôi"
(Xứ 30);
"mai về
hớt váng bình minh
cho xanh con
phố cuốn mình theo em"
(Xứ 32)
Những động từ như "lót",
"dụi", "đổ", "hớt", "cuốn" chất chứa sự
vun đầy, chu kỳ hóa của đời sống. Chúng biểu đạt một cuộc quay về mang tính
vĩnh cửu, phản ánh bản chất bất biến của vòng luân hồi: trầm luân, chuyển hóa,
và tái sinh. Trong đó, con người lặng lẽ để lại dấu ấn của mình, hòa quyện với
dòng chảy miên viễn của vũ trụ.
"hồng
hoang rục rịch heo may
gió lùa giọng
nói về đầy tổ xuân
nhà sư đang
bước sang tuần
nắng vàng xóa
hết phần thân con đường"
(Xứ 41)
Hình ảnh trong đoạn thơ trên khơi mở một
cảnh giới trầm mặc và uyên áo. Con người và vạn vật dường như tan hòa vào sự
thuần khiết nguyên sơ. Câu thơ "gió lùa giọng nói về đầy tổ xuân"
cho ta cảm giác kỳ diệu của sự trở về, diễn đạt sự vận động vi diệu của thời
gian và tâm thức, nơi sự tái sinh hòa cùng nhịp thở phồn thịnh của vũ trụ.
Lại có những câu thơ khơi mở dòng chuyển hóa
từ ý niệm đến hình hài, từ sự tái sinh trong tâm tưởng đến sự hiện diện của đời
sống, gợi lên suy tư sâu sắc về cách con người biến đổi niềm tin, ký ức và cảm
xúc thành những dấu vết hữu hình trong dòng chảy vô tận của thời gian:
"tháng
giêng em khẩn thần linh
con rối đừng
tưởng mình sinh ra rồi"
(Xứ 45);
"những
ngày sông nhớ quê hương
ta thèm kết
lại bằng khuôn mặt người"
(Xứ 58)
Chốn quy tụ trong thơ Trần Lê Khánh là
những điểm đột sáng, những khoảnh khắc xuất thần, tạo ra nguồn năng lượng tâm
linh:
"chùa
thiêng ngọn cỏ cũng linh
ánh đèn chỉ
xéo lên mình chúng sanh"
(Xứ 63)
“Ánh đèn chỉ xéo” là ngọn lửa thắp sáng trong mông lung
cõi người, là ánh sáng khai minh, khải thị, chạm đến chiều sâu tâm thức, để lại
một khoảng sáng lặng lẽ trong lòng người đọc.
Hay hình ảnh con
nhện đầy hối hận đối diện với tội lỗi trong khoảnh khắc tĩnh lặng dưới đây:
"con nhện
xưng tội trên cao
em cầm cây
thước khẻ vào mông lung"
(Xứ 06)
Cây thước ở đây
dường như đang đo đạc cái vô tận của đời sống và chiều sâu bản thể con người,
hay chiều sâu của sự suy tư.
Những thi ảnh trong các cặp lục bát tiếp
theo là các đơn vị phân mảnh, được sắp đặt trong không gian nghệ thuật hiện
đại:
"trăng
soi mặt giếng nước trong
còn nguyên mùi
đất mà lòng vô tư"
(Xứ 03);
"sông còn
giữ sóng nổi không
bàn tay ta vỗ
lên dòng nước xanh"
(Xứ 08)
Mặt giếng và lòng người, sóng nước và
tiếng vỗ của bàn tay được kết nối qua nguồn mạch tâm linh, giao thoa giữa cái
thoáng qua và miên viễn.
Thơ Trần Lê Khánh thấm đẫm tư tưởng Phật
giáo, thể hiện qua những chiêm nghiệm sâu sắc về vô thường, sắc-không, và buông
bỏ. Tác giả khắc họa sự mong manh của đời sống thế tục, sự nhỏ bé và vô định
của con người trong vũ trụ. Thơ anh là lời mời gọi hướng đến tỉnh thức, giác
ngộ, và giải thoát khỏi những ràng buộc của tham, sân, si, mở ra con đường đến
sự an lạc và tự tại trong tâm hồn.
"sân chùa
nắng chiếu lung linh
những ngọn tre
quét bóng mình khỏi nhau"
(Xứ 11)
“Sân chùa” là biểu trưng cho sự thanh
tịnh và bình yên, nơi mọi vật được phản chiếu trong ánh sáng của trí tuệ và từ
bi. Hình ảnh "những ngọn tre quét bóng mình khỏi nhau" gợi lên
sự buông bỏ, tự giải thoát khỏi những ràng buộc và chấp niệm. Đây cũng là phép
ẩn dụ cho sự tha thứ, khi con người học cách rời xa những mâu thuẫn, xóa nhòa
những dấu vết của cái tôi để hòa nhập vào sự an nhiên của cõi tịnh.
Trong cảnh giới ấy, mọi xung đột, khổ
đau đều là hư vô, chỉ còn lại sự giao hòa giữa con người và vũ trụ. Và đây là
hình ảnh của hành trình tìm kiếm sự chiêm nghiệm nội tâm:
"tôi ngồi
thắp sáng lòng tôi
linh hồn chảy
giọt mồ hôi lạ lùng"
(Xứ 19);
"dặn người
rửa sạch bàn chân
trong cơn mộng
mị dễ lần ra nhau"
(Xứ 26)
Đó là quá trình soi sáng từ bên trong,
sự tự nhận thức và giác ngộ, nhận ra những ảo tưởng của thế gian mà con người
dễ dàng bị cuốn vào.
Sự lan tỏa và chuyển dịch từ chân thực
đến mơ hồ, từ trung tâm ra ngoại biên, không chỉ phản ánh dòng chảy bất định
của vũ trụ mà còn khơi gợi những tầng nghĩa khác biệt từ nhan đề
"Đồng". Nhan đề này gợi lên sự hòa quyện và kết nối, nơi mọi yếu tố
trong cuộc sống không ngừng tương tác, chuyển hóa và hòa nhập vào tổng thể.
Đồng thời, nó nhấn mạnh sự cân bằng giữa cái cụ thể và cái mơ hồ, giữa hiện hữu
và tan biến.
"có một
hạt cát ra đi
bỏ lại chỗ
trống cho vì sao hôm"
(Xứ 02)
Hình ảnh hạt cát gợi lên ý niệm về sự
đổi mới, vòng tuần hoàn và sự vận động không ngừng của thời gian.
"một ngày
chợt tẽ thành đôi
rồi chiếc
nhánh mọc ra tôi như là"
(Xứ 14)
Chiếc nhánh mọc ra từ “tôi” biểu thị sự
triển nở của sinh mệnh, đồng thời là dấu hiệu kết nối giữa thực tại và mơ hồ.
"mượn
người cũng đã đủ lâu
những giọt
nước mắt ngẩng đầu đi ra"
(Xứ 37)
Câu thơ trên mở ra khoảng trống đầy ám
gợi, mở ra sự tan biến và tái sinh, làm nổi bật vòng tuần hoàn của sự sống. Qua
chu kỳ sinh thành, phân rã, và hòa tan, nó dẫn dắt người đọc cảm nhận nhịp điệu
vô định của "Đồng", nơi vạn vật giao thoa và biến chuyển không ngừng.
Đó là sự nhập nhòa giữa thực và mơ, giữa
hữu hình và vô hình, như dòng chảy của thời gian cuốn mọi thứ vào màn sương
huyền ảo:
"bóng
người lẫn với mùa thu
làm sao em
biết sương mù đang tan"
(Xứ 38)
Sự khiêm nhường trước vũ trụ bao la được
thể hiện qua hình ảnh trả lại những gì không thuộc về mình:
"em vay
mặt nước nhỏ nhoi
trả con thuyền
giấy về trời một đêm"
(Xứ 40)
Hay sự tiếp nối của dòng đời, dù tổn
thương nhưng vẫn không ngừng chảy, mang theo ký ức từ những lần gặp gỡ, những
chia ly, những dang dở:
"trăng va
phải tảng đá ngầm
con sông mang
một vết bầm đi xa"
(Xứ 42);
"ngọn gió
lẫn vào hoang vu
ta chưa kịp
gửi vào thu một người"
(Xứ 48)
Có những câu thơ khơi gợi sự mất mát và
chuyển hóa, khi những gì tưởng chừng vĩnh cửu lại tan biến để nhường chỗ cho
một chu kỳ mới.
“nhà sư cất
chiếc đèn dầu
ngọn lửa cháy
đỏ lắc đầu ra đi”
(Xứ 36)
"Ngọn lửa" là đạo lý, là chân lý không bao giờ
biến mất, có lúc nó chỉ tạm "ra đi", để rồi lại đến, lại thắp sáng.
“người đi qua
chốn ừ ào
vết nhàu trên
áo đâu hao vải mềm”
(Xứ 54)
Đó là câu triết lý về tính không, mọi
thứ chỉ là tạm bợ, không thực sự thuộc về chúng ta. Hoặc một ẩn dụ về ràng
buộc, tham ái và chấp trước – những mối dây kết nối dù bám víu vào đâu, cũng
chỉ dẫn đến sự tan biến, để lại sự trống rỗng trước dòng chảy sinh diệt của vũ
trụ:
“con nhện
giăng một sợi yêu
mắc vào đâu
cũng mất tiêu lòng mình”
(Xứ 57)
Một hình ảnh khác tượng trưng cho thời
gian thoáng qua, nhưng cũng là sự tái tạo thế giới:
“mùa thu tàn
sao quá nhanh
em lau quả đất
cho xanh bầu trời”
(Xứ 53)
Và những câu thơ như "em chìm
trong một mùa sương/ dấu chân in xuống con đường hiện thân” (Xứ 56) diễn tả
sự hòa nhập và chuyển hóa, từ sự ra đi đến sự trở về; hoặc “bóng mình đã ngủ
no nê/ nhà sư đứng dậy dắt về đỉnh non” (Xứ 73) biểu đạt sự vượt thoát khỏi
bản ngã để đạt đến sự thăng hoa, giác ngộ.
Thơ Trần Lê Khánh thể hiện suy niệm
triết học sâu sắc về sự sống, cái chết và mối quan hệ giữa con người với thiên
nhiên, vũ trụ. Câu thơ "ta quỳ bên chiếc lá rơi/ nghìn năm mà đất trả
lời chưa xong” (Xứ 88) gợi sự đối diện với vô thường và câu hỏi về sự sống,
cái chết, mở ra nhãn quan triết học về bản thể con người; “nhà sư từ thuở
bước qua/ con giun đất đỏ bới ra chân trời” (Xứ 89) là hình ảnh của cuộc
tìm kiếm sự thật vĩnh cửu và sự giác ngộ.
Không chỉ thế, thơ anh còn kết hợp với
sự dí dỏm, vừa sâu sắc vừa nhẹ nhàng, vui tươi. Sự dí dỏm này thể hiện qua cách
chơi chữ, hình ảnh bất ngờ và sự đối lập giữa hiện thực và ẩn dụ. Những câu thơ
như “áo em kín cổng cao tường/ kẻ trộm dễ kéo con đường ra xa” (Xứ 17);
hay “tôi ngồi đỏ ửng hai tai/ em về ran rát như vài giọt mưa” (Xứ 64) là
sự nghịch đảo hình ảnh, biến hiện thực thành siêu thực.
Những câu thơ tài hoa của Trần Lê Khánh
mở ra những cánh cửa vô hình, dẫn dắt tâm trí vào những khoảng không khép mở
đầy bất ngờ, nơi sự giao thoa giữa thực tại và siêu nhiên không ngừng chuyển
động. Thi ảnh của anh ẩn chứa những lớp nghĩa song trùng, tinh tế và sâu lắng,
như trong câu“nhà sư đi giữa bụi trần/ nắng vàng nằm lót bàn chân trên
đường” (Xứ 80), thi ảnh gợi lên một hành trình từ thực tại (“bụi trần”) đến
giác ngộ (“nắng vàng”); hoặc trong câu “bóng đêm và những ngọn đèn/ cùng
chia nhau giữ người quen bên đường” (Xứ 87), thi ảnh thể hiện sự giao thoa
giữa vô thường và hữu thường, giữa bóng tối và ánh sáng.
Sự dân dã trong thơ Trần Lê Khánh tạo ra
cảnh trí gần gũi, giản dị, nhưng ẩn chứa những suy tư sâu sắc về cuộc sống.
“người đàn bà
lặt mớ rau
bỏ vào nồi
nước đặt sau đời mình”
(Xứ 07)
“hỡi người
chóng chán cả thèm
cuộc đời là
lúc người quen cạn dần”
(Xứ 10)
Những hình ảnh đời thường trong
"Đồng" không chỉ phản ánh thực tại mà còn mở ra những tầng ý nghĩa về
không-thời gian và mối quan hệ trong đại thiên thế giới. "Một giây nữa
là đến mai/ ngọn khói lơ lửng khoan thai thả hình" (Xứ 34). Đó là khoảnh khắc tâm thức con người
bỗng trở nên sáng tỏ, khi mọi lớp màn vô minh, tham ái, và chấp ngã tan biến.
Không còn sự xao động, tâm trí chìm vào tĩnh lặng, nơi chỉ còn lại sự sáng suốt
nguyên sơ. Trong phút giây ấy, mọi vọng tưởng lặng im; tham, sân, si nhường chỗ
cho tỉnh thức. Con người chợt nhận ra bản chất vô thường, vô ngã của vạn pháp,
nhận ra mình không còn tách biệt với vũ trụ. Ranh giới giữa "cái tôi"
và "cái khác" mờ dần, để rồi bản thể hòa tan vào dòng chảy vô hạn của
chân lý. Tôi chọn câu thơ trong "Xứ
34" làm nhan đề bài viết này, bởi nó soi sáng con đường
sáng tạo của Trần Lê Khánh, một con đường thấm đẫm sự tỉnh thức và hòa điệu với
vũ trụ.
Với thể lục bát truyền thống, Trần Lê
Khánh vừa gìn giữ giá trị cốt lõi vừa tái tạo nó trong cấu trúc hiện đại, mang
đến nhịp điệu phóng khoáng và nghệ thuật tu từ sáng tạo. Những hình ảnh trong
thơ đôi khi thay đổi bất ngờ, tạo ấn tượng mạnh và khơi dậy những cảm xúc sâu
lắng nơi người đọc. Thi tứ đôi lúc tưởng chừng vu vơ, nhưng lại bất ngờ dẫn dắt
vào những triết lý sâu sắc, khiến người đọc suy ngẫm về sự tồn tại, về mối
tương quan giữa hữu hạn và vô hạn. Tác giả kết hợp vẻ đẹp cổ điển với nét phóng
khoáng hiện đại, đôi lúc mang sự chênh vênh, nhưng chính sự chênh vênh ấy lại
trở nên quyến rũ, dẫn dụ người đọc vào trạng thái cân bằng, chiêm nghiệm và
lắng đọng. Tập thơ "Đồng" của Trần Lê Khánh mở ra một cánh cửa nghệ thuật độc đáo, nơi thơ ca trở
thành không gian suy niệm, kết nối sâu sắc giữa con người, thiên nhiên và vũ
trụ.
