Thơ
ba câu của Mai Văn Phấn gây tranh cãi

Tâm Anh
Thứ
sáu, 21/2/2025 13:57 (GMT+7)
Một số bài trong
tập thơ "thả" của tác giả Mai Văn Phấn thu hút những ý kiến trái
chiều trên mạng xã hội trong những ngày qua.
"Viếng
mộ ông bà / Thắp hương xong / Dựa lưng / Vào ngôi mộ bên cạnh"
"Ly
rượu / Thắp hương cha / Tưới xuống đất / Thành tiếng"
"Cây
ở nghĩa trang / Lắc lư nhiều hướng / Lá nửa non / Nửa già"
"Nơi
đầu gió / Vàng mã bén lửa / Gió giật vội / Mang đi"
(Phần
chữ in đậm tùy theo cách hiểu có thể là tên bài thơ, tiêu đề một đoạn hay một
dòng thơ đặc biệt).
Những
câu thơ trên khiến một số độc giả cho rằng sáng tác này "không xứng đáng
được gọi là thơ", "làm thơ như thế này tôi cũng làm được", thậm
chí bỉ bôi tác giả, cho đây là "khủng hoảng thừa trong ngành công nghiệp
giấy". Một số còn "nhại" lại thơ bằng những bình luận ngắt dòng
thành ba câu.
Tuy
nhiên, ở thái cực ngược lại, một số độc giả lại cho rằng những đánh giá kia là
thiếu công bằng với tác giả.
Phá vỡ cấu trúc
truyền thống
Độc
giả Vũ Ánh Dương (40 tuổi, TP.HCM) chia sẻ về trang cá nhân một bài viết chê
bai tác phẩm có nhiều tương tác, nhẹ nhàng bày tỏ ý kiến: "ý vị nhẹ bẫng
của những bài thơ trong tập thả của Mai Văn Phấn, một tập thơ yêu thích, bao
giờ cũng đọc trong lớp biên kịch của mình". Ánh Dương hiện đứng lớp dạy
biên kịch, là giảng viên ngành Điện ảnh và Truyền thông tại một số trường đại
học. Chia sẻ với Tri thức - ZNews, anh cho biết có hai lý do anh đọc tập thơ
thả trong lớp kịch bản.
Một
là, trong khi miêu thuật một sự việc trên trang giấy, những bài thơ gợi ra một
sự tình trong tâm trí người đọc. Điều này tương tự cách cấu trúc một cảnh phim.
Thứ
nữa, anh cho rằng thơ trong tập này thuộc thể loại thơ haiku, và do đó rất có
giá trị với phép montage (thuật ngữ xuất phát từ tiếng Pháp, có nghĩa là
"biên tập", "tập hợp", ở đây là kỹ thuật ghép nối các cảnh
quay ngắn thành một chuỗi liên tiếp để truyền tải thông điệp, cảm xúc và thông
tin một cách hiệu quả - PV) trong dựng phim.
"Có
hẳn một thể loại phim từ những bài haiku, mà người ta thường biết đến với tên
gọi nôm na là haiku thị giác. Tôi nghĩ bản thân tác giả tránh tự gọi thơ mình
là haiku mà chỉ gọi là thơ ba câu là một sự khiêm tốn, và để tránh bị đánh giá
theo kiểu quy chiếu nghiêm luật của thơ haiku", anh nói.
Ngoài
ra, theo anh, việc đặt tiêu đề của bài thơ cũng quan trọng, "nó cho thấy
cảm thức ghi chép quan sát để phát hiện ra những cái ở đó mà ta hay không nhìn
thấy".
Sáng
tác của Mai Văn Phấn khiến Ánh Dương "nghĩ đến tính nhẹ mà Italo Calvino
đã nhắc đến trong bài giảng của ông. Nếu không thấy được cái nặng của cuộc 'đời
nhẹ khôn kham', chắc khó lòng mê đắm những bài thơ này".
Minh
Huy (36 tuổi, Đồng Nai) cũng yêu thích thơ Mai Văn Phấn. Theo anh, những câu
thơ như "Đích / Chiếc là mùa xuân / Rơi / Trúng mùa hè"
(trích tập thơ Thả) có hình ảnh và ý tứ xuất sắc.
Lặng
yên cho nước chảy (2015) của Mai Văn Phấn là tập thơ mà anh sẽ đọc lại
nhiều lần, "dù không phải bài nào cũng hay nhưng có những bài đọc rất
thích", anh chia sẻ.
Cảm
nhận chung về thơ của tác giả gốc Ninh Bình, Minh Huy nói: "Thơ ông phá vỡ
cấu trúc truyền thống, rất cô đọng và giàu tính biểu tượng, sử dụng nhiều hình
ảnh và tứ thơ xoay quanh về thiên nhiên để nói đến con người và sự tồn tại.
Ngôn từ tối giản nhưng gợi nhiều suy tư và giàu nhịp điệu, từ đó mở ra những
tầng ý nghĩa sâu sắc".
Cảm nhận thơ ca là
dân chủ, song nên có nền tảng kiến thức
Trả
lời Tri Thức - ZNews, nhà thơ Mai Văn Phấn cho biết ông không nao núng trước
những ý kiến phê bình. Ông quan niệm "thơ là nghệ thuật ngôn từ mang đến
thế giới khác lạ. "Cõi thơ đó người không có nhãn quan thơ ca khó lòng
thấy được, như cái cây có linh hồn mà con người không nhìn ra", Mai Văn
Phấn bộc bạch.
Công
việc sáng tác đối với ông "không đơn giản ngẫu hứng, tức cảnh sinh
tình", mà là lao động thơ ca dựa trên nền tảng triết học, mỹ học vững
vàng. Ông ý thức mình có hai lựa chọn: Một là chiều theo thị hiếu độc giả, hai
là sẵn sàng dấn thân tìm cái mới, cái khác lạ. "Có những tác phẩm vừa ra
đời đã được yêu thích ngay, nhưng cũng có tác phẩm cần sự thử thách của thời
gian", ông nói.
Trước
luồng dư luận trái chiều, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên khẳng định cảm nhận thơ
ca là dân chủ, miễn xuất phát từ năng lực cảm thụ của cá nhân. Do đó từng độc
giả đều có cách khác nhau để đọc một tác phẩm cụ thể: Cùng một bài thơ đó có
người cho là rối rắm, khó hiểu, người lại thấy thấm thía, sâu sắc.
Mặt
khác, nhà phê bình lưu ý rằng để cảm thụ văn chương nghệ thuật cũng cần trang
bị hiểu biết. Tương tự hội họa, âm nhạc hay bất kỳ hình thức nghệ thuật nào
khác, nếu không có kiến thức thì độc giả thơ dễ rơi vào những nhận định chủ
quan bó hẹp trong khuôn khổ vốn hiểu biết của mình.
Quay
về với trường hợp thơ của Mai Văn Phấn, ông Phạm Xuân Nguyên đánh giá đây là
"nhà thơ cách tân quan trọng của thơ Việt hiện đại, nhiều năm qua miệt mài
tìm tòi đổi mới thơ". Với tập thơ thả, "khoảng trống giữa những đoạn
ba câu là dành cho trí tưởng tượng cho độc giả", ông nói. Nhà phê bình cảm
nhận được chiều sâu, hiểu được lý do nhà thơ chọn từng sự việc, khung cảnh để
làm thành tứ thơ.
Ông
Phạm Xuân Nguyên dẫn hai bài haiku nổi tiếng của Basho "Ao cũ / Con ếch
nhảy vào / Vang tiếng nước xao" và "Trên cành khô / Cánh quạ
đậu / Chiều thu" (Nhật Chiêu dịch), dù đơn giản nhưng "cả thế
giới bình luận, tán thán không ngớt. Ý nghĩa cực kỳ sâu xa trong mấy chữ như
thế". Theo ông, đọc thơ không nên dừng ở bề mặt đánh giá câu chữ đơn giản
hay uyên thâm, mà cần cảm nhận để hiểu được điều tác giả muốn truyền tải.
Mai
Văn Phấn sinh năm 1955 tại Ninh Bình. Tập thơ thả của Mai Văn Phấn gồm 1.017
bài, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành, đã được dịch sang nhiều ngôn ngữ
như Anh, Tây Ban Nha, và Hindi.
Nhà
thơ Mai Văn Phấn là một trong số ít nhà thơ Việt Nam được giới thiệu rộng rãi
ra quốc tế, với 34 tập thơ xuất bản ở nước ngoài và được dịch ra 40 ngôn ngữ.
Ông cũng đã nhận giải thưởng Cikada của Thụy Điển vào năm 2017.
(Nguồn: Tạp chí điện tử Tri thức)

Tranh của Rafal Olbinski