image advertisement
image advertisement





























 

Nhịp điệu của sức bền (phê bình) - Lê Hồ Quang

NHỊP ĐIỆU CỦA SỨC BỀN

(Về tập phê bình, tiểu luận "Nhịp điệu vẽ lối đi" của Mai Văn Phấn, Nxb. Hội Nhà văn, 2024)

 

 


Nhà phê bình văn học, TS. Lê Hồ Quang

 

  

Lê Hồ Quang

 

1. Trong nhiều tác phẩm và bài viết trao đổi, Mai Văn Phấn thường nhắc đến quan niệm viết (và sáng tạo nghệ thuật nói chung) như một hành động kiến tạo không gian khác –  khác với người khác và khác với chính mình, xem đấy như kim chỉ nam cho quá trình tìm tòi của ông. Đấy là một ý tưởng dễ được chia sẻ (và dễ biến thành các tuyên ngôn to tát) nhưng rất khó để hiện thực hoá, bởi nó buộc người viết phải ý thức đầy đủ về bản chất sáng tạo, biết liên tục đổi mới, hoặc nói cách khác, biết phủ định và tự phủ định. Càng ngày, khi càng đi xa và đạt nhiều thành tựu hơn, Mai Văn Phấn càng thấy rõ áp lực của việc phải khác trong thực hành sáng tạo. Nhưng đồng thời, việc viết trong áp lực (chủ yếu xuất phát từ đòi hỏi của ông với chính bản thân) đã hình thành ở tác giả này một tinh thần và thái độ thực tế mà ta có thể nói đơn giản như sau: muốn viết khác thì phải đọc sâuđọc rộng. Có lẽ vì vậy, sau nhiều tác phẩm thơ liên tiếp xuất bản trong và ngoài nước, Mai Văn Phấn chọn nhịp bước chậm lại và rẽ sang phê bình với tập Không gian khác (2016) và mới đây nhất, là Nhịp điệu vẽ lối đi (2024).

 

2. Nhịp điệu vẽ lối đi có cấu trúc khá chặt chẽ với phần 1 – Đuổi bắt ánh sáng với 30 bài viết về các hiện tượng tác giả, tác phẩm văn học cụ thể trong và ngoài nước mà chủ yếu là thơ. Phần 2 – Không đường biên gồm 11 bài viết thể hiện những suy ngẫm của tác giả về thơ nói chung và về hoạt động viết/ sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hoá. Mai Văn Phấn đọc rộng và khá đa dạng. Đối tượng khám phá, phê bình của ông không chỉ tác giả trong nước mà còn bao gồm cả một số tác giả nước ngoài, không chỉ tác giả cùng thế hệ và gần gũi về quan niệm sáng tác mà còn có những tác giả khác thế hệ (đặc biệt có nhiều cây bút mới xuất hiện gần đây) và ít nhiều khác biệt trong quan niệm, tư tưởng; không chỉ các tác giả thơ mà còn có cả các tác giả văn xuôi,… Có thể thấy tinh thần tiếp cận khoa học và kiểu tư duy ấn tượng của nghệ sĩ kết hợp khá nhuần nhị trong phê bình của Mai Văn Phấn, từ cách chọn đối tượng phê bình và góc độ tiếp cận đến cách tổ chức văn bản, cách dùng ngôn từ, hình ảnh,... Một mặt, ông cố gắng phân tích các hiện tượng văn học một cách rành mạch, từ nhiều góc độ, phương diện cụ thể (hình tượng, cấu trúc, bút pháp, hoàn cảnh sáng tác…), mặt khác, ông luôn quan tâm tới các cảm giác, ấn tượng chủ quan được gợi lên trong quá trình tiếp xúc với tác giả, tác phẩm. Tên sách – Nhịp điệu vẽ lối đi – (và tên nhiều bài viết trong đó) được diễn đạt một cách hình ảnh, thể hiện khá rõ hướng tiếp cận cũng như cái “tứ” chung của tác phẩm. Là tác giả của 13 tập thơ và trường ca (xuất bản trong nước) và nhiều tập thơ được dịch và xuất bản ở nước ngoài, với Mai Văn Phấn, viết phê bình thực ra cũng là một cách để ông đến với thơ, từ góc nhìn và hướng tiếp cận khác. Điều này giải thích vì sao đối tượng chiếm đa số trong phê bình của ông là các tác giả, tác phẩm thơ. Ở mỗi tác giả, Mai Văn Phấn luôn cố gắng xác định cái tứ bao trùm, chi phối sáng tác của họ (thường là tứ về không gian khác), định danh nó bằng các hình ảnh, từ ngữ ngắn gọn và trong nội dung bài viết, tập trung xoáy sâu vào vấn đề/ hình tượng đó (thường thể hiện ngay trong tiêu đề của bài), ví dụ Không gian phi biên giới trong thơ Pháp HoanNơi tụ hội ánh sáng (về thơ Đinh Trần Phương), Dấu chân trên hành trình tuyệt mù (về thơ Trần Tuấn), Cõi tinh sương trong “Màu tự nhiên” (về thơ Hàm Anh), Thức dậy trên đất lạ (về thơ Lương Kim Phương), Thơ Khosiyat Rustam, một con đường, một thế giới…  

 

3. Có thể nói, với người đọc, phê bình của Mai Văn Phấn - trước là Không gian khác và nay là Nhịp điệu vẽ lối đi - là một bản hướng dẫn/ gợi ý đọc hiệu quả. Danh mục tác giả được bàn tới trong cuốn sách khá phong phú, với nhiều cây bút mới, có tư duy và cách viết hiện đại. Màu sắc, dấu ấn riêng của mỗi tác giả được Mai Văn Phấn phân tích, lí giải khá cặn kẽ, bằng ngôn ngữ và giọng điệu ôn tồn, chừng mực, thể hiện rõ tấm lòng tri âm, liên tài. Sự đánh giá, thẩm bình của ông nhìn chung tinh tế và xác đáng, đặc biệt đối với các hiện tượng thơ. Đối với người viết, phê bình của Mai Văn Phấn có thể giúp rút ra những nhận thức ý nghĩa về hoạt động sáng tạo nói chung, làm thơ nói riêng, đặc biệt về mối quan hệ tương hỗ, tác động tích cực giữa hoạt động đọc (tiếp nhận) và viết (sáng tạo). Đọc nuôi dưỡng và thúc đẩy ý tưởng viết; viết là hiện thực hoá ý tưởng từ đọc và suy ngẫm. Hoạt động phê bình, do vậy, có ý nghĩa đặc biệt với chính Mai Văn Phấn. Ông đọc các tác giả khác trong tinh thần đối thoại cởi mở, qua đó, mở rộng kiến văn và tư duy, soát xét lại nhận thức, quan niệm, đồng thời, tiếp thu, học hỏi tích cực từ những cấu trúc không gian và nhịp điệu nghệ thuật khác. Viết phê bình cũng là cách để ông chia sẻ, xác nhận và cố định hoá những ý tưởng phong phú nảy sinh trong quá trình đọc và suy ngẫm, đối thoại. Tóm lại, với ông, phê bình là hành động tự ý thức hết sức cần thiết của nghệ sĩ.

 

4. Tuy nhiên, dù đã được cấu trúc theo ý tưởng “Nhịp điệu vẽ lối đi”, cuốn sách vẫn ít nhiều lộ ra tính tập hợp, ghép nối (do các bài được viết trong nhiều thời điểm và đề tài không hoàn toàn thống nhất). Trong một số bài, sự phân tích mới dừng lại ở việc nêu vấn đề hoặc những ấn tượng cảm tính (dù thường là chính xác) mà chưa đẩy tới cùng mạch phân tích, lập luận. Tư duy hình tượng của người sáng tác khiến tác giả dễ dàng “bắt sóng” với những cách nghĩ, cách diễn tả giàu thi tính của các nhà thơ khác nhưng nó cũng kéo theo một số “hệ luỵ” nhất định, chẳng hạn, một khi quá chú trọng đến tính “mê hoặc” của các hình ảnh (thường được ông dùng để mã hoá đặc điểm của các đối tượng phê bình, một kiểu diễn đạt thường gặp trong thơ, ví dụ: Đuổi bắt ánh sáng,…) mà chưa thực chú ý đến sự tương thích của hình ảnh với đối tượng hoặc chưa dành cho chúng những thuyết minh khái niệm cần thiết, thì chính cách nói hình ảnh đầy hấp dẫn đó sẽ gây nhiễu tiếp nhận, khiến độc giả khó hình dung được một cách chính xác, rành rõ về vấn đề hoặc đối tượng đang được nói tới.

 

5. Thay vì hướng đến một kết quả cuối cùng, mang tính hoàn tất, Mai Văn Phấn chủ trương hướng đến một hành trình sáng tạo mở. Ở đó, thành công của người nghệ sĩ không chỉ được tính đếm bằng các sản phẩm cụ thể mà phải được tính/ ghi nhận bằng sự nhạy bén và cởi mở của tư duy, bằng khả năng sản sinh và thực hành các ý tưởng mới. Quá trình tiếp xúc có ý thức với những không gian nghệ thuật khác, đa chiều khiến Mai Văn Phấn phát hiện thêm nhiều vấn đề thực sự có ý nghĩa đối với chủ thể và hoạt động sáng tạo. Việc không ngừng đọc, viết và ngẫm nghĩ, học hỏi cũng giúp ông phá vỡ được nhiều định kiến và sự xơ cứng, trì trệ trong nhận thức và tư duy (mà một người sáng tác lâu năm rất dễ mắc phải) để đi đến một cách nhìn, cách viết ngày càng bao quát, chân thực và tự nhiên. Từ tốn nhưng mạnh mẽ và liên tục, đấy là nhịp điệu sáng tạo của Mai Văn Phấn. Nó được hình thành từ những thôi thúc tinh thần tự thân của một người viết bản lĩnh, luôn ý thức về đường đi và đích đến của mình –  nhịp điệu của sức bền.

 

Vinh, 7/8/2024

L.H.Q

 

(Nguồn: Blog Lê Hồ Quang)

 

 

Sách hiện bán tại các địa chỉ sau:

 

SÁCH TAO ĐÀN

- SÁCH KHAI TÂM

- TIKI

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị