image advertisement
image advertisement





























 

Nghị luận phân tích những tâm sự của người cha ở bài thơ "Thuốc đắng" - Xuân Mùi

Nghị luận phân tích những tâm sự của người cha ở bài thơ "Thuốc đắng"

 

 

(Nguồn tranh: Trạm Văn Học)

 

 

Xuân Mùi

 

 

THUỐC ĐẮNG

(Cho Ngọc Trâm)

 

Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa

Cha cũng có thể thành tro nữa

Thuốc đắng không chờ được rồi

Giữ tay con

                  Cha đổ

Ngậm ngùi thả lòng chén vơi…

 

Con ơi! Tí tách sương rơi

Nhọc nhằn vắt qua đêm lạnh

Và những cánh hoa mỏng mảnh

Đưa hương phải nhờ rễ cay.

 

Mồ hôi keo thành chai tay

Mùa xuân tràn vào chén đắng

Tuổi cha nước mắt lặng lặng

Sự thật khóc òa vu vơ.

 

Con đang ăn gì trong mơ

Cha để chén lên cửa sổ

Khi lớn bằng cha bây giờ

Đáy chén chắc còn bão tố.

 

(Mai Văn Phấn. Rút từ tập “Giọt nắng”, Hội Văn nghệ Hải Phòng, 1992)

 

 

 

DÀN Ý BÀI NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH

 

MỞ BÀI

 

– Giới thiệu tác giả và tác phẩm: “Thuốc đắng” là một bài thơ hay, giàu ý nghĩa nhân văn của tác giả Mai Văn Phấn.

 

– Nêu nội dung khái quát cần phân tích, đánh giá: Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đi vào phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về nghệ thuật của bài thơ.

 

THÂN BÀI

 

1. Khổ 1

 

– Bài thơ bắt đầu bằng một khoảnh khắc dữ dội, gay cấn: "Cơn sốt thiêu con trên giàn lửa" miêu tả căn bệnh của người con. Các từ "thiêu", "giàn lửa", "tro" đầy ám ảnh, cho thấy căn bệnh đang hủy hoại cơ thể đứa con và cũng hủy diệt tinh thần của người cha.

 

– Những câu tiếp theo mô tả hành động người cha cho con uống thuốc. Nhìn bề ngoài, đây có vẻ là những hành động nghiệt ngã ("giữ tay con", "cha đổ"), nhưng nhìn kĩ, nó xuất phát từ nỗi lo lắng, từ tình yêu thương của người cha: chỉ có uống thuốc, dù đắng, thì mới hết bệnh. Sau khi cho con uống thuốc, người cha cũng ngậm ngùi, xót xa vì con phải uống thuốc đắng như vậy: "Ngậm ngùi thả lòng chén vơi".

 

2. Khổ 2

 

Mở đầu là hô ngữ “con ơi” nhưng thực ra đây lại là lời người cha tự nói với mình. Đó là những suy tư về đời. Cuộc sống vốn không dễ dàng: Hạt sương dù nhỏ nhưng cũng phải nhọc nhằn chắt chiu qua một đêm lạnh giá mới có; hoa muốn tỏa hương cũng phải nhờ những chùm rễ cay.

 

3. Khổ 3

 

Khổ thơ này tiếp tục là những suy niệm của người cha về cuộc đời:

 

– Hai câu đầu:

 

+ Mồ hôi – chai tay: Mồ hôi là hình ảnh biểu tượng cho sự vất vả, khó nhọc, chai tay là sự chịu đựng, quen với sự vất vả khó nhọc ấy.

 

+ Mùa xuân và chén đắng: mùa xuân là biểu tượng của sự sống, của cái bắt đầu, của niềm hy vọng lúc này đang tràn vào lòng chén đắng, biểu tượng cho nỗi khổ đau.

 

Qua hai câu thơ này, người cha muốn nói với con rằng: mọi nỗi đau khổ sẽ rèn luyện sức chịu đựng cho con người, và mọi nỗi đau khổ rồi cũng sẽ qua, hạnh phúc rồi sẽ đến. Ở đây, người cha đang hy vọng người con sẽ có một cuộc sống tốt đẹp sau này.

 

– Hai câu tiếp: là suy nghĩ của người cha về đời mình. Ở đây có thể hiểu rằng, cha hy vọng con sau này sẽ có được sung sướng, hạnh phúc, còn cuộc đời cha bây giờ, dù đã trải qua đau khổ nhưng vẫn chưa có được niềm vui. Nỗi đau vẫn còn đó, nhưng đó là nỗi đau không thể thổ lộ, chỉ biết câm lặng nuốt nước mắt vào trong.

 

Câu thơ "Sự thật khóc òa vu vơ" có thể hiểu là: cái sự thật cuộc đời mà người cha đã nếm trải là vô cùng éo le, nó không như người cha nghĩ. Sự thường thì qua đau khổ sẽ đến hạnh phúc, nhưng dường như điều đó không đúng đối với cuộc đời người cha.

 

4. Khổ cuối

 

Khổ 4 vẫn là những suy ngẫm của người cha.

 

– "Con đang ăn gì trong mơ": thế giới của mơ mộng, người con đang tận hưởng niềm hạnh phúc trong thế giới mơ mộng đó, nhưng đó là một thế giới không có thật. Đó cũng là cái nhìn màu hồng của trẻ thơ đối với cuộc đời, thấy cuộc đời cũng nhẹ nhàng, đẹp đẽ như một giấc mơ.

 

– Đối lập với thế giới mơ mộng đó của người con là thế giới hiện thực, với chiếc chén thuốc đắng vẫn còn đó, ở trên cửa sổ. Khi con lớn lên, bằng tuổi cha, con sẽ thấy cuộc đời không như mơ, và cuộc đời không chỉ có những gian nan nhỏ bé như chén thuốc đắng kia, mà còn là bão tố, là bao nỗi đau khổ lớn lao mà con người bắt buộc phải chịu đựng.

 

KẾT BÀI

 

– Khẳng định khái quát những nét đặc sắc về chủ đề và nghệ thuật của bài thơ: Bài thơ giàu tính triết lí, thể hiện những suy tư sâu sắc của người cha về cuộc đời.

 

– Nêu tác động của tác phẩm đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc, thưởng thức bài thơ: Bài thơ giúp ta biết yêu thương và ghi nhớ công ơn của cha mẹ, giúp ta hiểu hơn về những niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc lẫn khổ đau trong cuộc sống.

 

 

 

BÀI NGHỊ LUẬN PHÂN TÍCH

 

Cốt lõi của nhân đạo là lòng yêu thương, bản chất của nó là chữ tâm đối với con người. Trước hết chúng ta hãy lắng nghe nỗi lòng của con người thông qua những tác phẩm viết về tình yêu thương, tình mẫu tử, phụ tử. Bài thơ “Thuốc đắng” của nhà thơ Mai Văn Phấn là một bài thơ hay, mang ý nghĩa nhân văn của tình phụ tử và triết lý nhân sinh sâu sắc, có ý nghĩa lớn lao về cuộc sống đời người.

 

Mai Văn Phấn là gương mặt thơ ca tiêu biểu của Việt Nam bởi những nỗ lực cách tân không mệt mỏi. Ông là nhà thơ có ý thức học hỏi những nền thơ ca hiện đại đi trước, sẵn sàng thu nạp kỹ thuật của các trường phái, triết thuyết để thử nghiệm làm mới, làm khác biệt tác phẩm của mình. Thơ ông nghiêng về lý trí, điêu luyện về dùng chữ, tân kỳ trong áp dụng các kỹ thuật trường phái thơ ca khác nhau, xử lý hài hòa giữa thành tựu thơ ca truyền thống và sự cách tân hiện đại. Tác phẩm thơ “Thuốc đắng” được sáng tác năm 1990, đã nhận được Giải thưởng Văn học mang tên danh nhân văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm (của UBND TP Hải Phòng). Với lời tâm sự của người cha đối với đứa con bị ốm, bài thơ ca ngợi tình cảm mà người cha dành cho con, qua đó gửi gắm thông điệp: cuộc đời này nhiều chông gai và bão tố, người cha muốn con mình phải nhìn ra và chấp nhận nếm trải nó để lớn lên và trưởng thành.

 

Tình cảm người cha dành cho con được thể hiện ngay từ khổ thơ đầu. Mở đầu với cơn sốt của người con và hình ảnh cha bên cạnh chăm sóc. Cơn sốt như thiêu rụi thể xác con khiến cho cha bộc lộ sự lo lắng. Nếu như con phải chịu nỗi đau về thể xác, thì trong đáy lòng của người cha là nỗi đau tinh thần, phức hợp bao cảm xúc khôn tả. Nhìn thể xác con phải chịu đựng, phải gồng mình trong cơn sốt, người cha thương lắm! Người cha cảm thấy như mình có thể hóa “thành tro nữa”. Cơn sốt của con mang một giá trị biểu tượng. Hành động “giữ tay con” và “cha đổ”: đây là những động từ mạnh thể hiện sự thô bạo, áp chế cha cho con uống thuốc. Cha đã nhận thức về hoàn cảnh nếu không cho con uống thuốc thì cơn sốt sẽ không hạ. Suy cho cùng những hành động ấy của cha xuất phát từ tình yêu thương con mà thành. Dù cha không cam lòng để con phải nếm vị đắng ấy, dân gian xưa có câu “Thuốc đắng dã tật”, thuốc tuy có vị đắng nhưng như vậy mới giúp con được. Sau hành động có phần thô bạo ấy lại là sự ngậm ngùi của cha mà “thả lòng chén vơi”. Con đã được cho uống thuốc, chén cũng đã vơi nhưng trong lòng cha còn xót xa vô cùng! Khổ thơ dường như đã dồn nén cả ý và tứ, cha còn nỗi lo, một nỗi lo đau đáu trong tình trạng của con hiện tại. Nghệ thật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư, có thể thấy tình cảm cha dành cho con lớn dường nào.

 

Những suy nghĩ của cha vẫn chưa ngớt, suy nghĩ cho con trước cuộc sống sau này. Lời độc thoại nội tâm “Con ơi” – cha tự nói với lòng mình. Và những suy nghĩ gợi lên từ hình ảnh bắt con uống thuốc đắng để khỏi bệnh. Hình ảnh “sương” và “cánh hoa mỏng mảnh”, sương muốn hiện hữu thành hạt vẫn phải vắt, phải trải qua đêm lạnh chắt chiu mới có được; cánh hoa muốn tỏa hương từ sự mỏng mảnh của mình vẫn phải nhờ tới chùm rễ cay chứ không thể tự mình bung nở hương thơm. Hai hình ảnh tuy nhỏ bé, đơn giản nhưng mang tính triết lí cao. Con cũng giống như sương sớm, như cánh hoa ấy và cha nghĩ về những thử thách chông gai con sẽ phải đối diện, trải qua sau này để con có thể hoàn thiện, phát triển bản thân làm nên giá trị riêng mình.

 

Dòng suy nghĩ vẫn cứ tiếp nối, cha nghĩ về chính cuộc đời mình. Câu thơ “Mồ hôi keo thành chai tay”, mồ hôi và hình ảnh chai tay thể hiện sự vất vả, lam lũ khổ cực. Đôi bàn tay đã bị chai sạn theo thời gian trong cuộc sống. Được “keo” lại cho thấy sự gồng gánh trải qua từ rất lâu – minh chứng của thời gian để lại. Hình ảnh mùa xuân, chén đắng xuất hiện: mùa xuân là mùa khởi đầu trong năm, mang theo sức sống, sự tươi đẹp và những điều tốt lành hi vọng đối lập với hình ảnh chén đắng là chén thuốc nhỏ, chứa vị đắng của thuốc hay ẩn trong cái đắng ấy là vị đời mà cha đã phải trải qua chua chát. Động từ “tràn” mang giá trị biểu đạt hàm nghĩa cao, sau những đắng cay gian khổ ấy sẽ có sự hạnh phúc, niềm tin tươi đẹp sẽ tới. Những vị đắng cay từ chén nhỏ kia sẽ được mùa xuân mang hương vị ngọt ngào cùng bao điều tốt đẹp, xua tan đi vị đắng của đời. Niềm hi vọng trong cuộc sống bão tố, đôi khi chỉ cần mạnh mẽ trong tinh thần là đủ. Câu thơ “Tuổi cha nước mắt lặng lặng” – một cuộc sống đã từng trải qua trong nước mắt, sống trong những khổ cực và chỉ biết nuốt nước mắt vào trong của cha, giờ bỗng ùa về trong hồi ức. Âm thầm chịu đựng “Sự thật khóc òa vu vơ”, trước những khó khăn mà hoàn cảnh sống của cha mang đến, những sự thật mà không thể làm gì khác và cha khi đó vẫn là một đứa trẻ. Trẻ con khi phải chịu những tiêu cực ấy, việc có thể làm chỉ là khóc, cha đã sống như thế của một tuổi thơ bi hạnh. Cho tới bây giờ cha vẫn không có cho mình một niềm vui trọn vẹn. Và hiện tại ở cương vị người cha, của một người đã đi hơn nửa cái dốc cuộc đời, cha hi vọng khi con lớn lên sẽ không phải sống như cha đã từng trải, mà hãy vươn lên mạnh mẽ, hi vọng con có thể sống hạnh phúc trong chính cuộc đời mình.

 

“Con đang ăn gì trong mơ?”, trong giấc mơ của con, giấc mơ của tuổi hồn nhiên ngập tràn màu hồng vô tư lự. Nhưng thực sự đó chỉ là cơn “mơ”, giấc mơ của sự hi vọng chứa niềm khao khát về cuộc sống. Là ước mơ của con và cũng là mong ước của cha, cha luôn bên cạnh cùng con hướng tới những điều tốt đẹp. Hình ảnh người cha để chén lên cửa sổ là một biểu tượng, như cất lại trong kí ức của cha và cả của con. Bài thơ “Thuốc đắng” được xem là khai mở con đường thơ của Mai Văn Phấn, chiếc chén đặt trên cửa sổ cũng chính là tâm điểm trong không gian của tác phẩm này. Xuất hiện từ năm 1990 đến nay, đã gần 40 năm, đó như một minh chứng cho tình phụ tử vô cùng cao đẹp. “Đáy chén chắc còn bão tố”, chén thuốc đầy vị đắng con đã uống hết. Bão tố là những khó khăn thử thách trong hành trình sống và trải nghiệm, khi con trưởng thành, tựa như cha đã trải qua sóng gió cuộc sống. Con uống đã cạn vị đắng trong chén nhỏ kia, nhưng có thể dư vị của chén thuốc trong đời sống, dưới đáy cái chén vô hình và hữu hình khác sẽ vẫn còn nổi lên những trận bão tố. Khi con lớn lên, cha mong con sẽ mang theo những suy nghĩ và những cảm xúc của cha lúc này, con phải trưởng thành và luôn vững vàng vượt qua mọi thử thách để thành công.

 

Bài thơ thể hiện tình phụ tử thật cao cả và sâu sắc: cách người cha yêu thương con, dạy con đối diện với những thử thách của cuộc sống. Ở đây, dường như không có bài học đạo đức nào, chỉ có những sự thật trần trụi và đắng chát cha muốn con nhìn ra, để có thể chấp nhận và đối diện với nó khi con lớn lên. Bên cạnh đó còn là những âu lo cha nghĩ cho con. Người cha ấy mang trong mình niềm hi vọng và mơ ước: con sẽ có một cuộc sống hạnh phúc ý nghĩa.

 

Cuộc sống là một hành trình trải nghiệm, hành trình dài và mỗi người đều có cho mình những bước đi riêng. Trên con đường ấy chẳng một ai có thể cùng ta bước đi mãi. Đối diện với những khó khăn chúng ta phải vượt qua chính mình. Con người khi trưởng thành kéo theo những suy nghĩ, cảm xúc, bản thân có sự thay đổi, phải thích nghi với chính bản thân mình với chính cuộc sống của mình. Dù là khó khăn vấp ngã cũng không được lùi bước, hãy lấy đó làm động lực để phát triển bản thân hướng về cuộc sống phía trước, con đường mình đã chọn là vươn tới ước mơ.

 

Nghệ thuật bao giờ cũng là tiếng nói của tình cảm con người, là sự tự giãi bày và gửi gắm tâm tư. Bài thơ “Thuốc đắng” là một tác phẩm nghệ thuật, là kết quả của tình yêu thương: tình yêu con người, ước mơ cháy bỏng với cuộc sống. Tiếng lòng của nhà thơ được thể hiện thông qua nghệ thuật đặc sắc của ngôn ngữ thi ca. “Thuốc đắng” được viết theo thể thơ tự do, với nhiều hình ảnh ẩn dụ tượng trưng, là tấm lòng, tình yêu thương vô bờ bến của người cha dành cho con. Những âm điệu trong bài thơ chói gắt, đầy kịch tính. Giọng thơ độc thoại – trữ tình của tác giả. Nước ta vào đầu những năm 90, những tàn dư của tư tưởng bảo thủ thời bao cấp vẫn còn ngự trị trong xã hội, ẩn sâu dai dẳng trong góc khuất mỗi con người. Câu chuyện người con gái bé bỏng của tác giả phải uống thuốc đắng cũng giống như xã hội ta khi ấy mang những căn bệnh nặng cần phải kịp thời chữa trị. Vậy muốn chấm dứt căn bệnh trầm kha ấy nhất định phải có thuốc chữa, dù đó là loại thuốc có vị “đắng”.

 

Bài thơ “Thuốc đắng” thể hiện tình cảm phụ tử thiêng liêng, mang giá trị nhân văn sâu sắc về cuộc sống. Hiểu cuộc sống vốn là như thế: có tốt – xấu, có ngọt ngào – đắng cay, có may mắn – rủi ro, để từ đó không kỳ vọng ảo tưởng, mà nhìn nhận và đón nhận cuộc sống như nó vốn có. Giống như người cha trong bài thơ mong con có bản lĩnh để bình thản đối mặt, sẵn sàng đón nhận mọi thử thách; đồng thời, có tình yêu cuộc sống, để thấy mọi khía cạnh của vẻ đẹp mà cuộc sống mang lại. Điều ấy khiến tất cả chúng ta đều nhận thức rằng, cái đắng cay đôi khi cũng nằm trong hạnh phúc.

 

(Nguồn bài viết: Trạm Văn Học)

 

 

 

Hoa ngọc trâm - củ giống

BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 
image advertisement
image advertisement

image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị