Cùng nhà thơ Lê Đình Bảng "Về Lưu Phương, xứ
mẹ"
VỀ LƯU PHƯƠNG, XỨ MẸ
Con đứng lặng giữa phương đình lộng gió
Bốn phía ngân reo mạch đá lặng thầm
Trong mắt ngời, hơi thở ấm nghìn năm
Trong đắm đuối, ngỡ hồn xanh rêu cũ
Mẹ đứng đó, giữa vòm cây cổ thụ
Có tiếng ve ran, ngây ngất mùi hương
Ơi, những người yêu Thánh Giá Lưu Phương
Cây vối võng xòe nghiêng nghiêng hàng giậu
Mẹ dạy con, mỗi sớm mai, làm dấu
Mỗi lần đọc kinh, xin Chúa giữ gìn
Chút gia tài của lòng đạo, đức tin
Thấm đẫm vào con, thành sông, thành suối
Vượt qua bão giông, lênh đênh, chìm nổi
Giữa nhọc nhằn, lam lũ, sống cầm hơi
Bao nhiêu lần, gối lên sóng mà bơi
Từ âu muối còn lưng bên mép chạn
Đến chiếc bình hoa men, màu cánh gián
Vẽ làng quê, thơm mùa lúa chín vàng
Có cả đàn cò soãi cánh bay ngang
Và mùi mật xôi lên từ nong mía
Qua quãng lội, lò vôi, ra nghĩa địa
Nhà với vườn, những đường đất liên thôn
Có tiếng đọc kinh nguyện giỗ cầu hồn
Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được
(Rút từ tập thơ
"Về cõi trời mênh mang")
Lời
bình của Mai Văn Phấn:
Ngày cuối năm, tôi may
mắn nhận được 16 tập thơ và trường ca của nhà thơ Công giáo Francis Assisi Lê
Đình Bảng gửi từ Hoa Kỳ. Lang thang trong thế giới thơ của ông, tôi bị cuốn hút
bởi bài thơ "Về Lưu Phương, xứ mẹ". Một không gian chan hòa ánh sáng
đức tin, nơi mỗi bước chân, hơi thở đều thấm đẫm tình yêu thương và ơn cứu độ
của Thiên Chúa. Bài thơ tựa dòng suối mát lành, dẫn tôi về chốn yên bình, nơi
nguồn cội yêu thương vô tận.
Thanh
âm từ khổ thơ đầu đã vang lên tựa tiếng chuông trầm ấm, lắng đọng từ Phương
Đình Phát Diệm:
"Con
đứng lặng giữa phương đình lộng gió
Bốn
phía ngân reo mạch đá lặng thầm
Trong
mắt ngời, hơi thở ấm nghìn năm
Trong
đắm đuối, ngỡ hồn xanh rêu cũ"
Tĩnh lặng và thiêng
liêng. Không gian được bao phủ bởi vẻ uy nghi của đá, vọng vang lời mời gọi bất
tận. Nhà thơ lắng nghe hơi thở và sức sống của nghìn năm đức tin len lỏi qua
từng mạch ngầm của công trình vĩ đại này. Những thoáng "xanh rêu"
trường tồn gợi hình ảnh những chùm rễ ăn sâu vào lòng đất, tựa những lời kinh
cầu nguyện sốt sắng, thấm nhuần trong từng hơi thở, từng viên đá chốn linh
thiêng.
Lưu Phương là địa danh
thuộc huyện Kim Sơn, Ninh Bình – quê hương tôi, nơi có nhà thờ đá linh thiêng
nằm trong quần thể kiến trúc nhà thờ chính tòa Phát Diệm. Nhớ thuở nhỏ, tiếng
chuông từ phương đình Phát Diệm vang lên mỗi sớm mai, đánh thức tôi dậy học
bài, để rồi thanh âm ấy trở thành một phần ký ức sáng trong lòng đạo. Những vần
thơ của Lê Đình Bảng đưa tôi về thời ấu thơ ngập tràn ánh sáng. Kim Sơn, vùng
đất được mệnh danh là "thủ đô của Công giáo", gắn liền với dấu ấn
lịch sử khi Doanh điền sứ – nhà thơ Nguyễn Công Trứ (1778–1858) về đây khai
hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải (Thái Bình) vào năm 1828 và Kim Sơn (Ninh Bình)
năm 1829. Kể từ đó, ngọn lửa đức tin luôn thắp sáng miền đất này, mang lại hy
vọng và ơn lành của Thiên Chúa.
Nhà thơ Lê Đình Bảng
không sinh ra tại Kim Sơn. Ông chào đời năm 1942 tại làng Đình Bảng, Từ Sơn,
Bắc Ninh, với nguyên quán ở Thọ Cách, Thái Thụy, Thái Bình. Bài thơ "Về Lưu Phương, xứ mẹ"
được ông sáng tác trong chuyến viếng thăm Phát Diệm, khắc họa sinh động
vùng đất linh thiêng, giàu trầm tích văn hóa này. Với sự mẫn cảm tinh tế của
một thi sĩ kiên vững đức tin, Lê Đình Bảng đã chiêm ngắm quê tôi bằng ánh mắt
thấu cảm, hòa quyện vẻ đẹp văn hóa, tâm linh và lịch sử.
"Mẹ
đứng đó, giữa vòm cây cổ thụ
Có
tiếng ve ran, ngây ngất mùi hương
Ơi,
những người yêu Thánh Giá Lưu Phương
Cây
vối võng xòe nghiêng nghiêng hàng giậu"
Đức Mẹ Maria là biểu
tượng của tình yêu thương vô biên, sự hy sinh âm thầm và sự che chở dịu dàng
đối với con cái của Mẹ. Người đã thánh hóa những hình ảnh dung dị, sống động
xuất hiện trong bài thơ. "Những người yêu Thánh Giá Lưu Phương" thành
hình ảnh biểu trưng cho tình yêu thiêng liêng, sự hiến dâng trọn vẹn cho Chúa
Kitô – Đấng Cứu Độ. Họ là những tâm hồn sống động với niềm tin mạnh mẽ, dâng
hiến cả cuộc đời để làm chứng cho sự hy sinh của Chúa. Qua đời sống cầu nguyện
và hành động, họ lan tỏa đức tin và chung tay xây dựng Giáo Hội bằng tinh thần
trung gian và chuyển cầu của Đấng-Tình-Yêu. Câu thơ như lời thì thầm của Lê
Đình Bảng với ký ức, đồng thời là lời cầu nguyện sốt sắng dành cho các nữ tu
Dòng Mến Thánh Giá Lưu Phương. Trong ký ức ấy, Lê Đình Bảng đau đáu nhớ về
người em gái của ông đã khuất trong trận bom tàn khốc năm 1972 giáng xuống nhà
Dòng Lưu Phương, biến nơi đây thành tâm điểm của một bi kịch khắc sâu.
"Mẹ
dạy con, mỗi sớm mai, làm dấu
Mỗi
lần đọc kinh, xin Chúa giữ gìn
Chút
gia tài của lòng đạo, đức tin
Thấm
đẫm vào con, thành sông, thành suối"
Đức
tin trong thơ Lê Đình Bảng được khắc họa như sức sống vĩnh cửu, truyền từ đời
này sang đời khác. Đây là yếu tố quan trọng trong văn học Công giáo, nhấn mạnh
sự kế thừa giá trị tâm linh qua các thế hệ. Câu thơ "Thấm đẫm vào con, thành sông, thành
suối" biểu đạt sức sống lan tỏa mạnh mẽ, như dòng suối chảy mãi không
ngừng, tưới mát và thanh lọc tâm hồn. Đức tin thiêng liêng là ánh sáng dẫn
đường, giúp con người vượt qua mọi thử thách, phó thác trọn vẹn vào tình yêu vô
biên của Thiên Chúa và Đức Mẹ Maria. Di sản tinh thần này nuôi dưỡng con người,
mang đến tình yêu thương và sự bình an.
Nhà
thơ đã tái hiện không gian văn hóa đặc trưng của vùng đất Phát Diệm, với những
phong tục, tập quán của người dân làng biển. Các chi tiết như "gối lên
sóng mà bơi," "âu muối còn lưng bên mép chạn", "chiếc bình
hoa men", "đàn cò", "mùi mật mía", "quãng
lội", "lò vôi", "vườn", "đường đất"... làm
nổi bật khung cảnh sinh hoạt bình dị mà thân thiện, nơi đức tin và văn hóa hòa
quyện.
Bài
thơ khép lại với "tiếng đọc kinh nguyện giỗ cầu hồn" tưởng nhớ
và cầu cho linh hồn người đã khuất; cũng là lời nhắc nhở người đương thời về sự
khiêm nhường, lòng ăn năn, niềm hy vọng vào sự tha thứ và ơn cứu độ. Đó là một
biểu tượng của niềm tin vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa.
Câu thơ cuối cùng vang vọng lời kinh Vực Sâu: “Lạy Chúa, con ở dưới vực sâu
kêu lên Chúa, xin Chúa hãy nhận lời con kêu van, hãy lắng nghe tiếng con cầu
xin. Nếu Chúa chấp tội, nào ai rỗi được”. Lời kinh này khởi nguồn từ Thánh
Vịnh (130: 3-4): "Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng
vững được chăng?". Nhà thơ muốn nhắn nhủ rằng con người không thể tự
mình thoát khỏi tội lỗi hoặc đạt được ơn cứu rỗi nhờ nỗ lực cá nhân hay công
đức riêng. Thiên Chúa, với lòng nhân từ và thương xót, không chấp tội con người
mà sẵn lòng tha thứ và ban ơn cứu độ cho những ai biết sám hối và tin cậy Ngài.
Lê Đình Bảng hướng bạn đọc đến sự khiêm nhường, biết nhìn nhận giới hạn và yếu
đuối của bản thân, đồng thời trông cậy vào lòng thương xót của Thiên Chúa.
"Về
Lưu Phương, xứ mẹ" là bài thơ giàu
cảm xúc, hòa quyện giữa hoài niệm và đức tin, tôn vinh vẻ đẹp văn hóa Công
giáo. Nhà thơ khắc họa một vùng đất trù phú, nơi con người và thiên nhiên chan
hòa trong tình yêu Thiên Chúa. Bằng những hình ảnh mộc mạc, đậm bản sắc miền
biển, bài thơ kết nối đời sống trần thế với niềm tin thiêng liêng, khơi dậy giá
trị cội nguồn và lòng đạo hạnh, như lời mời gọi hướng đến cuộc sống bác ái và tràn
đầy tình yêu thương.
Giao
thừa, Xuân Ất Tỵ
M.V.P

Cầu Ngói Kim Sơn