image advertisement

image advertisement
image advertisement





























 

Chiếc búa máu trong tay thi sĩ - Mai Văn Phấn

Chiếc búa máu trong tay thi sĩ

 

 

Mai Văn Phấn

 

Chiếc búa máu ấy đã vung lên khai mở và kết thúc sự tồn tại của cái lò sát sinh, nơi con người, con vật cùng đồ vật bị hành hạ, bị hành quyết bởi những ảo ảnh, dục vọng, lòng tham, sự độc ác...

 

"Đẹp khủng khiếp

máu con vật trong nháy mắt liếm sạch màu thép lưỡi dao"

 

Ngay từ Chương mở đầu trường ca "Lò Mổ", khái niệm giữa Cái Đẹp và cái Ác đã bị đánh tráo. Số phận của con bò bị giết và thân phận kẻ giết bò đều bị bứng ra khỏi gốc rễ của nó. Cả hai cùng bị kéo đến đúng tầm của chiếc búa máu kia vung lên. Trong biên độ dao động của chiếc búa, ta như thấy gã đồ tể đáng thương hơn những con bò bị hắn giết. Hắn là ông Vua của Bi kịch và Cô độc ngự trị trong 18 chương của trường ca này. Đã có lúc, hắn mong muốn biến thành chính con bò để "nhận một nhát búa rung trên đỉnh đầu" (Chương 4), được thoát kiếp "Lò Mổ". Nhưng số phận đã định đoạt, hắn phải ở đó, làm chứng nhân, bị hành hạ ở đó. Con bò và gã đồ tể là hai nhân vật, hai cột trụ làm nên một thời đại, họ phải cùng nhau đi hết trường ca bi thương này. Ngoài hai nhân vật vừa nêu, còn một nhân vật nữa ám ảnh người đọc là gã Chủ lò mổ. Nhân vật này ẩn hiện như bóng ma từ những chương đầu, đến khi thân xác hắn thối rữa trong bầy giòi ở chương 16 "Phán xử". Một số nhân vật khác nữa cũng mờ ảo và chìm trong tiếng vo ve của bầy ruồi khổng lồ...

 

Bản trường ca này có kết cấu hình "xoáy ốc". Và ngay chương 1, độc giả có thể nhìn thấy hết những vòng xoáy tiếp theo đến khi cái miệng của con ốc sau này sẽ được ngậm lại thế nào. Máu là vật kết dính, dòng chảy dẫn vào "Lò Mổ". Máu tuyệt nhiên không định làm lu mờ hay che khuất tầm mắt của người giết bò cũng như độc giả. Máu để ngỏ cho kẻ giết bò cũng như cho mỗi chúng ta nhìn thấy cái "Ô cửa mùa thu..." của sự sống: "Đấy dòng sông,/ đấy cây,/ đấy bồ câu,/ đấy xác chết,/ đấy hoa nở,/ đấy mây...". Chương 1 cũng khép lại một "vòng xoáy" thứ nhất. Kẻ đồ tể được gọi là "Chàng" đã "nhét chiếc đại cán vào túi ni-lon", gói cả một "cuộc tắm máu" vào trong chiếc áo ấy. Mùi tanh tưởi của máu sau này được hồi quy ở chương cuối cùng (Chương 18), khi "Chàng đang bước những bước cuối cùng về phía con bò cuối cùng". Những ô cửa trong cả dãy lò mổ luôn mở to, tựa những con mắt bò trên đầu con vật đã bị cắt lìa khỏi thân xác. Gã đồ tể đã làm xong phận sự, và con bò cuối cùng từ từ quỵ xuống, kết thúc một thời bi thương, khốn cùng nhất của lịch sử. Kết thúc trường ca là hình ảnh chú bê con xuất hiện với trái tim rung vang như "Quả chuông lớn nhất thế gian". Con bê đó đã đánh dấu chấm hết một thời đại, mở ra một thời đại mới, cuộc sống lại bắt đầu, tươi mới. Cái Đẹp đã đến thay thế cho cái Ác.

 

Điểm xuyết tác phẩm là thánh đường, thiên đường, địa ngục, quỷ sứ, linh mục... Tác giả đã khai mở cho mỗi chúng ta tầm nhìn, được thấy rõ thời đại mình, thấy các thế giới và không gian khác nữa. Khả năng khai mở ấy dường như đi xa hơn thi pháp trường ca này.

 

"Lò Mổ" thực sự là một tuyệt bút trong sự nghiệp văn chương của Nguyễn Quang Thiều. Những trường ca mà ông viết trước đây giờ đã ở lại lưng đèo, nhường lối cho những bước chân dũng mãnh của con tuấn mã phi lên tới đỉnh, đỉnh cao của sự sáng tạo.

 

15/7/2024

M.V.P

 

(In trong trường ca "Lò Mổ" của Nguyễn Quang Thiều, Nxb. Hội Nhà văn, 2024)

 

 

 

 

 

 

 

 

MVP phát biểu tại buổi ra mắt sách "Lò Mổ"

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
BÀI KHÁC
1 2 3 4 5 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement




























Thiết kế bởi VNPT | Quản trị